18 thg 3, 2013

Vẽ chính sách kiểu ‘trên mây’, do đâu?



Chính sách công có một tác động không nhỏ tới đời sống của người dân, chính vì lẽ đó chất lượng chính sách công sẽ quyết định tác động xấu hay tốt tới sự phát triển của xã hội. Ở nước ta, thời gian gần đây có rất nhiều các chính sách ra đời gây ra sự bức xúc trong dư luận bởi tính phi lý và “trên trời” của những chính sách đó. Một câu hỏi đặt ra là tại sao chất lượng chính sách của nước ta lại kém đến vậy?
hiếu chương trình đào tạo bài bản
Ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Canada, hay Nhật Bản, Hàn Quốc nơi mà chất lượng chính sách công rất tốt thì ở đó cũng có những chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về chính sách công. Đó là các trường đại học, các viện nghiên cứu hàng đầu cung cấp những nghiên cứu về hoạch định, phân tích và đánh giá tác động chính sách nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những chính sách phù hợp nhất cho sự phát triển.
Ví dụ cụ thể như Hoa Kỳ luôn đứng đầu thế giới về đào tạo chuyên ngành chính sách công. Hầu hết các trường đại học danh tiếng như Harvard, Yale, Princeton đều có chuyên ngành chính sách công rất mạnh hàng năm đào tạo ra một đội ngũ chuyên gia rất giỏi về phân tích và đánh giá chính sách.
Còn ở nước ta, trước đây chưa có một chuyên ngành đạo tào chính quy về chính sách công, do đó đội ngũ làm chính sách của chúng ta đa phần là làm “tay ngang”. Họ có thể giỏi chuyên môn, nhưng lại chưa được đào tạo những kiến thức và kỹ năng cần thiết của người làm chính sách.
Gần đây, đã có một số trường đại học trong nước xây dựng chuyên ngành chính sách công. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên của chuyên ngành chính sách công ở những trường này còn khá trẻ, đa phần mới tốt nghiệp đại học, cao hơn một chút là thạc sỹ. Phần lớn được đào tạo các chuyên ngành khác không phải chính sách công. Và quan trọng hơn cả là thiếu chinh nghiệm thực tiễn – một đòi hỏi quan trọng trong giảng dạy chính sách công.
Tầm nhìn hạn chế – Thiếu thực tiễn
Ngay từ khâu đào tạo, đội ngũ giảng viên chuyên ngành chính sách công, không được đào tạo chuyên nghiệp lại thiếu thực tiễn, có thể thấy ngay kết quả của việc đào tạo này. Rất nhiều chính sách của ta được xây dựng theo kiểu “ngồi phòng điều hòa viết chính sách”, do vậy nhiều chính sách kiểu “trên mây” gây bức xúc cho dư luận. Hậu quả của việc đào tạo thiếu bài bản nhìn thấy rõ.
Tuy nhiên, làm chính sách công đòi hỏi phải có một quá trình tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn, nhưng do trong bộ máy công quyền vẫn còn những cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp về” nên rất lười biếng trong việc tiếp xúc thực tiễn, xây dựng chính sách chỉ ở trong phòng họp nên chất lượng chính sách còn kém.
Đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách thiếu đi sâu, đi sát với thực tiễn nên không hiểu sự vận động thực tế của các quan hệ xã hội nên xây dựng chính sách theo hướng “chủ quan, duy ý chí” tạo ra những chính sách dở khóc, dở cười mà khi vừa ra đời đã không thể nào thực hiện được.
Những người làm chính sách ngoài việc “ngồi điều hòa, viết chính sách” lại còn thiếu một tầm nhìn nên xây dựng chính sách chỉ mang tính “thời vụ” giải quyết những cái trước mắt mà không dự báo được sự phát triển của xã hội, nên nhiều chính sách ra đời một thời gian ngắn đã không phù hợp.
Bắt chước thiếu sáng tạo
Rất nhiều chính sách của chúng ta ra đời sau những chuyến “thăm quan học tập kinh nghiệm” dùng tiền ngân sách nhà nước hay tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Thường các chuyến thăm quan này là một hoạt động trong một dự án hỗ trợ nào đó về chính sách, và kết quả mong đợi của các chuyên thăm quan này là một chính sách được “copy” từ nước bạn trong một số lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, điều đáng nói là việc bắt chước các nước bạn trong xây dựng chính sách không phải là không tốt, nhưng cái dở nhất chính là bắt chước một cách nguyên xi, bỏ qua sự khác biệt về nền tảng, hạ tầng, văn hóa và xã hội của nước ta thành ra chính sách mang tính “rập khuôn” không linh hoạt, thiếu sáng tạo, không phù hợp với Việt Nam.
Thiếu khoa học
Một trong những lý do mà chính sách công của chúng ta rất kém đó là vì các chính sách thiếu tính khoa học. Chúng ta xây dựng chính sách dựa trên ý kiến chủ quan của cá nhân hay tập thể lãnh đạo nhiều hơn là những bằng chứng và phân tích khoa học.
Có thể thấy rất nhiều chính sách đầu tư hay phát triển của nhà nước được xây dựng và hình thành thiếu hẳn tính khoa học trong đó mà chủ yếu dựa vào “đường lối ” và “chủ trương” do vậy kết quả nhãn tiền đã được cảnh báo.
Các phân tích kinh tế, văn hóa, môi trường là những cấu phần mang tính khoa học góp phần xây dựng nên chính sách tốt, nếu bỏ qua các phân tích khoa học này, chắc chắn chất lượng chính sách sẽ rất kém.
Thiếu phản biện
Một trong những lý do nữa khiến chính sách công của Việt nam rất kém đó là thiếu phản biện.
Ở Hoa Kỳ, tại thủ đô Washington nơi đặt tòa nhà Quốc hội, xung quanh khu vực đó là hàng loạt các tổ chức nghiên cứu của nhà nước và tư nhân chuyên làm công việc phản biện chính sách. Các tổ chức nghiên cứu, phản biện (thường gọi là think-tank) này làm công việc phản biện lại các đề xuất chính sách khi được trình ra xem xét tại quốc hội hoặc các cơ quan lập pháp khác. Điều này đảm bảo tính đúng đắn và phù hợp của chính sách.
Còn ở nước ta, có rất ít các tổ chức nghiên cứu để phản biện chính sách. Các viện nghiên cứu của Nhà nước thì thiếu tính độc lập nên phát biểu theo “chủ trương”, “đường lối” nên không dám thể hiện chính kiến khoa học của mình. Các viện nghiên cứu tư nhân hay phi chính phủ thì ngại va chạm với các “nhóm lợi ích” nên thường tránh không tham gia phản biện.
Vấn đề quan trọng là người làm chính sách có thực sự lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản biện hay không, chứ vấn đề không phải là Việt nam chúng ta thiếu đơn vị phản biện chính sách.
Ngoài phản biện của các tổ chức, phản biện của công dân còn khá hạn chế. Việc thăm dò dư luận đối với một chính sách còn làm thiếu bài bản và chuyên nghiệp. Người dân thường biết đến đề xuất chính sách thông qua phương tiện thông tin đại chúng và họ thiếu một kênh phản hồi chính thức để phản ánh quan điểm và nguyện vọng của mình với cơ quan lập pháp.
Vấn đề tối quan trọng là sự phán quyết kết quả của phản biện. Có lẽ cần phải có cơ quan độc lập trong phán quyết kết quả phản biện, bằng không thì đưa ra tranh luận vừa mất thời gian, bởi giữa một bên vừa xây dựng chính sách lại quyết định luôn tính đúng sai, thì hẳn rằng những ý kiến phản biện “ngược chiều” sẽ dễ bị “quy chụp” vào những cáo buộc hết sức mơ hồ nhưng vô cùng đáng sợ.
Thiếu tính đồng bộ
Có rất nhiều chủ trương, chính sách của nước ta có chất lượng rất tốt, nhưng do việc triển khai thiếu đồng bộ nên kết cục chính sách lại có tác động xấu, gây cản trở cho sự phát triển của xã hội.
Tính động bộ ở đây thể hiện ở thời gian hoàn thiện chính sách. Ở nước ta, một Luật ra đời trước khi đi vào thực tiễn cuộc sống thì cần phải có các Nghị định hướng dẫn. Chưa dừng ở đó, dưới mỗi nghị định lại có hàng loạt các thông tư hướng dẫn. Mà thường thì thời gian viết Nghị định và Thông tư ở nước ta vô cùng chậm chạp, nhanh thì vài tháng, chậm có khi vài năm. Thành ra khi các văn bản hướng dẫn hoàn thiện thì thực tế cuộc sống đã thay đổi, chính sách cũng trở nên không còn phù hợp hoặc thời gian chờ đợi vài năm kia cũng gây bao khốn khổ cho người dân.
Điều này đặt ra một câu hỏi về quy trình lập pháp của chúng ta. Phải chăng trước khi công bố ban hành một Luật, cần phải hoàn thiện toàn bộ dự thảo Nghị định và thông tư hướng dẫn rồi mới thông qua Luật, hoặc ít nhất thì phải quy định rõ từ ngày ban hành Luật/ Nghị định trong thời hạn tối đa bao nhiêu ngày thì phải có các văn bản hướng dẫn, như thế mới đảm bảo tính đồng bộ của chính sách.
Nếu không như hiện nay, rất nhiều cơ quan công quyền với không ít cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp về” cố tình “ngâm” chính sách ở đó, đợi khi có cá nhân bức xúc viết “tâm thư” hoặc “thư ngỏ” hay đợi có dự án “nâng cao năng lực”, hay “đưa đi nước ngoài thăm quan ” mới chịu đi làm bổn phận của cơ quan mình. Đây là một câu hỏi lớn, mà chỉ khi nào có câu trả lời thấu đáo mới hy vọng cải thiện được chất lượng chính sách thông qua nâng cao tính đồng bộ chính sách.
———
Tác giả Trần Ngọc Thịnh là Thạc sỹ quản trị công, Chuyên gia tư vấn phát triển
Theo VietNamNet

15 thg 1, 2013

Văn hóa cảnh sát

Nguyễn Quang A
Tôi đã có dịp lang thang cả chục ngàn km trên đất Mỹ và Canada trong nhiều ngày và chỉ một lần duy nhất nhìn thấy cảnh sát hỏi giấy tờ của một người lái xe. Không thấy bóng cảnh sát giao thông ở đâu cả, ở trong phố lẫn ở cạnh hay trên đường, nhưng theo những người địa phương cảnh sát sẽ rất nhanh chóng có mặt để giải quyết các vụ va chạm hay mất trật tự.
Đi từ Hồ Chí Minh, qua Tây Ninh, sang Campuchia, lên Phnông Pênh bằng xe bus. Rồi lấy xe 16 chỗ đi Siem Reap cùng nhiều nơi khác và về lại Phnông Pênh. Lại lấy xe bus về Sài Gòn. Suốt hành trình ấy tôi thấy cảnh sát ở ta nhiều hơn bên đất Chùa Tháp khá nhiều.
Tôi đã sống ở Đông Âu “xã hội chủ nghĩa” hơn chục năm, lang thang ở Liên Xô nhiều tháng trời. Cảnh sát ở đó cũng đông nhưng sao sánh được với Việt Nam.
Có lẽ không đâu trên thế giới này có nhiều cảnh sát, công an như ở nước ta. Con số cụ thể là bao nhiêu? Ngân sách hàng năm cho lực lượng công an và “cộng tác viên” là bao nhiêu? Chắc đấy là bí mật quốc gia nên khó mà biết được! Thực ra rất nhiều nước công bố số liệu như vậy.
Tài liệu Thống kê Quốc tế về Tội phạm và Công lý do UNODC (Cục Ma Túy và Tội Phạm của Liên Hợp Quốc) công bố số cảnh sát trên 100 ngàn dân của 130 nước (bảng 1, tr. 135) trong đó không có Việt Nam. Con số mới nhất (tại các thời điểm khác nhau) của vài nước trong khu vực Malasia (354,0), Myamar (145,6), Philippines (131,9), Hàn Quốc (195,1), Singapore (396,4), Thái Lan (321,0), trung bình của các nước (341,8). Trung Quốc có 1,6 triệu cảnh sát hay 120 cảnh sát trên 100 ngàn dân.
Do Việt Nam không công bố số liệu đó, hãy thử ước lượng xem nó lớn đến đâu. Chắc Việt Nam có số cảnh sát trên 100 ngàn dân cao hơn con số trung bình nêu trên. Tính với số trung bình 341,8 ta có thể ước lượng tổng số cảnh sát lớn hơn 300.000 người. Có lẽ tổng quân số của ngành công an phải hơn gấp đôi con số này, tức là cỡ hơn 0,6 triệu người.
Hãy kiểm tra con số ước lượng này bằng cách khác. Theo Tổng Cục Thống Kê tổng số người làm việc trong khu vực nhà nước tại thời điểm 1-7-2011 là 5.250,6 ngàn người trong đó có 1.541,2 ngàn người làm việc trong lĩnh vực “hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội; quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng; đảm bảo xã hội bắt buộc”. “Đảm bảo xã hội bắt buộc” chắc là trại giam và nhà tù. Có khoảng 350-400 ngàn người làm trong bộ máy quản lý nhà nước, hoạt động đảng và các tổ chức chính trị-xã hội. Như thế còn khoảng 1,1 đến 1,2 triệu người trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc. Theo đánh giá của International Institute of Strategic Studies (trong The Military Balance 2009, tr.415‐417) quân số bộ binh, hải quân, tăng thiết giáp, không quân và biên phòng của Việt nam là 0,522 triệu người. Như thế chúng ta cũng có con số ước lượng về quân số của ngành công an cỡ 0,678 triệu người. Nếu tính cả các cộng tác viên nữa thì con số có thể còn lớn hơn nhiều.
Những con số ước lượng trên giải thích vì sao chúng ta cảm thấy có quá nhiều cảnh sát. Cảnh sát nhan nhản ở mỗi góc phố và trên đường. Cánh lái xe sợ nhất các nơi cảnh sát hay “nấp” để đo tốc độ hoặc bất thần xuất hiện phạt chẳng hiểu vì lý do gì. Đó là chưa kể đến cảnh sát khu vực, chưa kể đến công an không mang sắc phục. Nhìn bề ngoài chẳng thể phân biệt ai là công an, ai là “côn đồ” khiến người dân lo nơm nớp. Cũng chưa kể đến không ít công an định kỳ đến thăm hỏi các công ty, xin hỗ trợ vào những dịp lễ tết, ngày truyền thống, ngày nhận huân chương, ngày động thổ xây dựng trụ sở, ngày khánh thành, ngày cưới xin, dịp ma chay của tứ thân phụ mẫu, thậm chí nhờ doanh nghiệp hỗ trợ mua vé xem  kịch mà vợ của thủ trưởng cấp cao là tác giả, vân vân và vân vân.
Báo chí Việt Nam nêu nhiều trường hợp công an hành hung người, thậm chí đánh chết người. Lực lượng công an cũng được huy động trong nhiều vụ cưỡng chế thu hồi đất mà nổi cộm là các vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng và Văn Giang, Hương Yên và nhiều vụ khác đã gây bức xúc trong dư luận. Vụ phóng viên báo Dân Việt bị những người mặc thường phục hành hung khi chụp ảnh chiếc xe mang biển số BKS 65E-8999 của công an Cần Thơ gây tai nạn giao thông ngày 24-11-2012 cũng đã gây sự phẫn nộ không kém trong dư luận. Rồi hóa ra kẻ hành hung đó là một trung úy công an. Và còn có thể kể ra vô vàn chuyện tương tự khác mà báo chí Việt Nam đã loan tải. Tất cả những loại ứng xử ấy tạo ra một văn hóa cảnh sát thật không hay.
Sứ mạng của lực lượng cảnh sát là thực thi luật pháp, bảo vệ tài sản, giữ gìn trật tự hay hạn chế mất trật tự dân sự. Chẳng ở đâu trên thế giới cảnh sát được coi là lực lượng vũ trang. Nó thuộc lĩnh vực dân sự. Thế nhưng ở nước ta người ta coi cảnh sát là lực lượng vũ trang. Một nét văn hóa “đậm đà bản sắt Việt Nam”?
Do sứ mạng nêu trên lực lượng công an có “quyền lực” lớn và thường xuyên tiếp xúc với dân. Quyền lực không bị kiểm soát chặt rất dễ dẫn đến lạm dụng và tha hóa, dẫn đến nhũng nhiễu, tham nhũng như báo chí đã đưa là điều không khó hiểu.
Ai cũng cảm thấy tình trạng công an hóa bộ máy nhà nước. Rất nhiều quan chức cấp cao ngành công an đã trở thành các bí thư, chủ tịch tỉnh, các cán bộ cao cấp của các bộ ngành khác. Cấp huyện cũng thế. Bên trong bộ máy nhà nước, bộ máy đảng của nhiều địa phương tỷ lệ các quan chức nguyên là công an cũng đáng kể.
Và văn hóa làm việc của nhiều cơ quan nhà nước trung ương, địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa công an.
Phải kiểm soát chặt quyền lực rất dễ bị lạm dụng của lực lượng công an và xây dựng văn hóa cảnh sát theo tinh thần phục vụ dân và khắc phục các nét xấu của văn hóa công an nêu trên, để cho chúng đừng lan sang các tổ chức nhà nước khác, để tránh cảnh sát hóa nhà nước.
N.Q.A

13 thg 11, 2012

SỰ HOANG TƯỞNG CỦA QUYỀN LỰC

Muammar Gaddafi, người từng nắm quyền lực tuyệt đối suốt 42 năm tại Lybia, đã phải sống những ngày cuối cùng của đời mình trong cảnh trốn chui trốn nhủi, ăn gạo sống và mì ống mà đám hầu cận nhặt được từ các nhà dân bỏ hoang. Bất chấp thực tế phũ phàng đó, suốt gần hai tháng trốn chạy khỏi thủ đô Tripoli cho đến khi phải đền tội, ông ta vẫn quyết không chịu từ bỏ quyền lực vì một mực cho rằng người dân Libya vẫn còn yêu quý mình lắm. Kết cục là ông ta bị đám chiến binh cuồng nộ hạ sát trong một cảnh tượng hỗn loạn, đầy bạo lực và khủng khiếp ngày 20/10/2011, rồi bị trưng bày trong kho lạnh của một cửa hàng thịt ở Misrata như “chiến lợi phẩm” cho đông đảo dân chúng “chiêm ngưỡng”.

Thời kỳ ở đỉnh cao quyền lực, Gadhafi thậm chí còn tự phong cho mình những “danh hiệu” vô tiền khoáng hậu như “Nhà lãnh đạo anh em”, “Người dẫn đường của cách mạng”, “Người bảo vệ hơn 6 triệu dân Libya”, "Vua của các vị vua châu Phi" hay "Lãnh tụ của Thế giới Hồi giáo", v.v.
 
Cựu tổng thống Libya Gaddafi không phải là trường hợp cá biệt mà là một hiện tượng phổ biến trong thế giới độc tài: chứng hoang tưởng của những kẻ vốn quen với việc nắm giữ quyền lực chuyên chế và độc đoán.
 
Trước khi buộc phải dùng súng để tự kết liễu đời mình vào ngày 30/4/1945, Hitler từng nuôi tham vọng xây dựng một Đệ tam Quốc xã kéo dài tới 1.000 năm như Đế chế La Mã Thần thánh, thực thể mà ông ta gọi là Đệ nhất Quốc xã (Đệ nhị Quốc xã là Đế chế Đức do Bismarck tạo dựng). Viễn cảnh của ông ta là một đế chế thống nhất của các quốc gia Giéc-manh trên toàn Châu Âu, trong đó các dân tộc khác nhau sẽ gia nhập một chính thể thuần chủng dưới sự lãnh đạo của người Đức.

Các lãnh tụ cộng sản trên thế giới như Lenin, Stalin hay Mao Trạch Đông vẫn mơ tưởng về một “thế giới đại đồng” thông qua một cuộc “cách mạng thế giới” do giai cấp vô sản tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Mao Trạch Đông, nhà độc tài của Trung Hoa cộng sản từ năm 1949 cho đến khi lìa trần năm 1976, từng quả quyết trong một cuộc họp Bộ Chính trị Đảng CSTQ tháng 8/1965: "Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore... Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản... xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy... Sau khi giành được Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô - Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây".
Trong một dịp khác, “Người cầm lái vĩ đại” của Đảng CS Trung Quốc thậm chí còn khẳng định: “Chúng ta phải chinh phục toàn cầu để từ đó xây dựng nên một quốc gia hùng mạnh” và “Các quốc gia và vùng đất gồm Myanmar, Lào, Bắc Ấn Độ, Việt Nam, Nepal, Bhuttan, Thái Lan, Malaysia, Singapore, các hòn đảo Ryukyu, 300 hòn đảo trên Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải cùng với Kyrgyzstan, Mông Cổ, Đài Loan, Nam Kazakhstan, tỉnh Bahdashan và Transbaikalia của Afghanistan và vùng Viễn Đông cho tới Nam Okhotsk, Nga... lẽ ra là của Trung Quốc nếu triều đại nhà Thanh không sụp đổ”.

Về đối nội, Mao Trạch Đông là cha đẻ của chính sách “Đại Nhảy Vọt” giai đoạn 1958-1960, đồng thời là người phát động cuộc “Cách mạng Văn hoá” giai đoạn 1966-1976, những tấn thảm kịch đã gây ra cái chết cho hàng chục triệu người dân Trung Quốc.

Ở Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn, người vẫn được ca tụng bằng những mỹ từ như “người hai trăm ngọn nến”, “nhà lãnh đạo lỗi lạc”, hay “một tư duy sáng tạo lớn”, v.v., lại chính là “tác giả” của những “tư tưởng lớn” như “ba dòng thác cách mạng”, “làm chủ tập thể” hay ý tưởng xây dựng cấp huyện thành những “pháo đài kinh tế” trên toàn quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người kế nhiệm ông, thì có câu nói xứng đáng được khắc vào bia đá để đời đời nhắc nhở hậu thế: “Dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc cũng vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa”!!!
Trong chuyến thăm Cuba hồi tháng 4/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài thuyết giảng “nổi tiếng” về chủ nghĩa xã hội tại Trường Đảng Cao cấp Nico Lopez, với những lời khẳng định đanh thép như "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử" hay “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”, v.v.
Hoang tưởng là một chứng bệnh tâm thần rất khó cứu chữa. Nếu ai đó vẫn còn hoài nghi về điều này thì hãy xem bài viết mới đây trên báo Quân Đội Nhân Dân của GS.TS Nguyễn Đức Bình, người tiền nhiệm của GS.TS Nguyễn Phú Trọng trong Hội đồng Lý luận Trung ương nhưng đã rời khỏi Bộ Chính trị – “vị Vua tập thể” của “thời đại Hồ Chí Minh” – từ hơn 10 năm trước :
 
… "Chuyển đổi" (Việt Nam) sang con đường tư bản chủ nghĩa chăng? Đã có "kiến nghị" như thế. Tuy nhiên, nhân dân không thể đồng tình…
 
… Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1930 đến nay và mãi từ nay về sau là chủ thuyết cách mạng nhất quán của Việt Nam, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi. Chủ thuyết này đã đưa cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua đi từ thắng lợi lịch sử này đến thắng lợi lịch sử khác...
 
Ở nước ta không có đất cho chủ nghĩa tư bản thống trị như một chế độ xã hội, không có đất cho một chủ thuyết chính trị nào khác khả dĩ được nhân dân chấp nhận, ngoài độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khách quan lịch sử mà nói, một chủ thuyết chính trị khác, chẳng hạn chủ nghĩa xã hội dân chủ ai đó đang mơ tưởng, đối lập với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dù có tô vẽ ngụy trang thế nào đi nữa thì rốt cuộc thực chất không thể gì khác là một đường lối đưa dân tộc trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc thực dân bên ngoài…
Lord Acton, tác gia kiêm chính trị gia người Anh thế kỷ 19, từng để lại cho đời câu châm ngôn bất hủ: “Quyền lực dẫn tới tha hoá, quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối”. Sau những gì đã diễn ra trong thế kỷ 20 cũng như đầu thế kỷ 21 này, đặc biệt là “dấu ấn” đậm nét của các lãnh tụ cộng sản "lỗi lạc", nhân loại có lẽ đã “ngộ” thêm một “chân lý” nữa về quyền lực, đó là: “Quyền lực dẫn tới hoang tưởng, quyền lực tuyệt đối thì hoang tưởng tuyệt đối”./.
 
Lê Anh Hùng

12 thg 11, 2012

GS Hoàng Tụy chỉ đích danh "căn bệnh" tàn phá giáo dục Việt Nam

Kiến nghị của GS Hoàng Tụy về Cải cách giáo dục (CCGD) nêu vấn đề cấp bách số 1 cần giải quyết là cần cải thiện chính sách đối với người thầy. Theo ông, lương thấp đương nhiên nhà giáo phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập. Chính đó là cái lỗ hổng quản lý gây nên hoặc làm trầm trọng thêm hầu hết các căn bệnh trầm kha đã ra sức tàn phá giáo dục.

Một nhà khoa học lớn nước ngoài tâm huyết với Việt Nam khi được hỏi về điều gì cần thay đổi cấp bách nhất để chấn hưng giáo dục, đặc biệt là ĐH, đã không chút ngần ngại nói ngay đó là chế độ lương kỳ quặc không thấy đâu trong thế giới văn minh nhưng đã tồn tại dai dẳng ở Việt Nam từ hàng chục năm nay. Một chế độ lương biểu thị không gì khác hơn là sự khinh miệt đối với lao động giáo dục và khoa học, trái hẳn với chủ trương tôn vinh nhà giáo đã được lãnh đạo khẳng định lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần suốt thời gian qua.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Với đồng lương thấp đến mức khó tưởng tượng, đương nhiên nhà giáo và các quan chức giáo dục đều phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập. Chính đó là cái lỗ hổng quản lý gây nên hoặc làm trầm trọng thêm hầu hết các căn bệnh trầm kha đã ra sức tàn phá giáo dục. Chúng ta nói nhiều đến bệnh giả dối, bệnh gian dối, bệnh thành tích ảo... nhưng làm sao chống được các bệnh ấy để có một nên giáo dục trung thực, lành mạnh... nói chi đến hiện đại, nếu cái nguyên nhân gây ra các bệnh ấy nằm ngay trong cơ chế, nói cách khác nằm ngay trong khuyết tật hệ thống của giáo dục?

Sự thật, nhờ xoay xở đủ mọi cách hợp pháp hay không hợp pháp, hợp lý hay trái với lương tâm, phần lớn nhà giáo, nhất là quan chức giáo dục, nay đã có mức sống không đến nỗi quá tệ, thậm chí một bộ phận nhỏ còn có thu nhập khá. Song cái giá phải trả thật quá đắt. Những giải pháp chữa cháy gần đây theo kiểu “kế hoạch 3” hồi những năm 80 thế kỷ trước, hay cho phép nhiều cơ sở giáo dục vượt rào để xử lý từng trường hợp riêng lẻ về lâu dài rất nguy hiểm, chỉ gây thêm rối loạn, dẫn đến bất công và tiêu cực ngày càng tệ hại hơn.

Điều không may mắn là giải quyết vấn đề cốt tử này cực kỳ khó vì căn bệnh từ lâu đã thành một thứ ung thư của cả xã hội, chứ không riêng gì của giáo dục, lại gắn liền chặt chẽ với quốc nạn tham nhũng đang ngày càng gia tăng chóng mặt. Trước mắt chưa thể hy vọng có thể chữa trị nhanh chóng cái ung thư này, cho nên giáo dục phải tìm mọi cách tự cứu lấy mình trong phạm vi có thể, may ra còn nêu gương cho các ngành khác để tiến dần đến một giải pháp chung.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng dù trong phạm vi cả nước còn khó khăn thì ngay trong nội bộ ngành giáo dục, vẫn có thể rà soát lại cơ chế tài chính, kiên quyết bỏ hay giảm bớt mọi khoản chi tiêu không hiệu quả, trên cơ sở đó tăng lương, bảo đảm lương đủ sống và dần dần trở thành thu nhập chính của mỗi người, từ đó lập lại kỷ cương, đạo đức trong giáo dục.

Trong một xã hội mà đời sống kinh tế bị thao túng nặng nề bởi các “nhóm lợi ích”, ai cũng thấy đây là việc vô cùng khó, tuy khả thi về điều kiện vật chất khách quan nhưng chắc chắn sẽ vấp trở ngại cực kỳ lớn.

Biết thế, song giáo dục là lĩnh vực cần bảo vệ trong sạch nhất, nếu không cương quyết làm bây giờ mà cứ trì hoãn mãi thì sẽ ngày càng khó hơn và sẽ chẳng bao giờ có hy vọng trả lại lòng tự trọng cho giáo dục, chẳng bao giờ xây dựng được một nền giáo dục lành mạnh, trung thực, hiện đại.

Thật đau xót, nhục nhã, khi các chức vụ quản lý lớn nhỏ trong những tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nếu không phải là thua lỗ triền miên, vẫn được trả lương cao gấp mấy chục lần các giáo sư ĐH. Sự thể đó cứ thản nhiên tồn tại năm này qua năm khác, song song với khẩu hiệu đã thành nhàm chán vì lặp đi lặp lại 15 năm nay mà chưa bao giờ đi vào cuộc sống: giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu.

GS Hoàng Tụy kiến nghị cải cách giáo dục
Bốn vấn đề chính cần giải quyết trong cuộc Cải cách giáo dục (CCGD) được GS Hoàng Tụy đúc kết gồm:
1. Cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy.
2. Cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề.
3. Thay đổi căn bản cung cách học và thi, xoá bỏ khổ dịch thi cử nặng nề, tốn kém mà kém hiệu quả
4. Chuyển giáo dục ĐH theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...
Bản đề cương gồm ba phần chính: Quan điểm tổng quát (triết lý cơ bản của giáo dục mới); Những vấn đề chính và cấp bách cần giải quyết; Lộ trình và tổ chức thực hiện. Trong đó, 4 vấn đề cần giải quyết cấp bách theo định hướng hội nhập tích cực vào trào lưu chung của thế giới văn minh.
GS phân tích:
"Ngày nay, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển.
Mở đầu bản kiến nghị, ông viết:
"Từ lâu, giáo dục đã trở thành chỗ nghẽn lớn nhất trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy cải cách giáo dục toàn diện và triệt để theo tinh thần các nghị quyết gần đây của Đảng là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Đã đến lúc không còn có thể tiếp tục kiểu đổi mới nửa vời, vụn vặt, chắp vá, không có hệ thống, đã kéo dài hàng chục năm qua".
Bản kiến nghị kết thúc với đề xuất:
"Biết rằng, trong hiện tình đất nước có vô vàn khó khăn, nhưng đây cũng là thời cơ để giáo dục có thể lột xác, từ một kiểu giáo dục nặng tính giáo điều, lạc hậu và lạc điệu với thời đại và thế giới, tiến lên một nền giáo dục khai sáng, lành mạnh, trung thực, hiện đại, phù hợp xu thế tiến hóa chung của nhân loại và đáp ứng lợi ích tối cao của đất nước.