24 thg 1, 2011

Nói thẳng và nghe nói thẳng!

Trần Huy Thuận

clip_image001[16]Nói thẳng, nói thật là một yếu tố biểu hiện quyền làm chủ của dân. Dân chủ XHCN - như ta thường được nghe giảng, "dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản".
"Kẻ sĩ, người trí thức mà không nói được
tiếng nói của chính mình...
thì suy cho cùng, nào có khác gì
con sáo bị cụt mất đầu lưỡi đâu?"
(Giáo sư Tương Lai)
"Lời nói thật thà có thể bị buộc tội
Lời nịnh hót dối lừa
có thể được tuyên dương"
(Nhà thơ Nguyễn Duy)
Nói thẳng, nói thật tưởng dễ mà đâu có dễ. Để thấy rõ điều này, xin mời nghe bà Sáu Trầu, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VII [1], tâm sự: "trước phiên họp [2] (thứ 10, năm 1985, cách nay đã 35 năm có lẻ) một đồng chí trong đoàn kéo tôi lại ái ngại: chị có trăng trối gì với mấy đứa nhỏ ở nhà không?" [3]. Đấy là lần bà Sáu được phân công thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lên phát biểu chất vẫn Chính phủ trước Quốc hội (khóa VII).
Nói thẳng, nói thật là một yếu tố biểu hiện QUYỀN LÀM CHỦ CỦA DÂN. Dân chủ XHCN - như ta thường được nghe giảng, "dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản". Biểu hiện đầu tiên của dân chủ chính là tự do. Tự do là khát vọng lớn nhất của con người mọi thời đại (Bác Hồ nói: Không có gì quý hơn độc lập tự do).
Trong đó, tự do nói lên sự thật, nói thẳng sự thật, được bày tỏ suy nghĩ của mình, ước nguyện của mình... chính là khát vọng thường trực [4]! Nhưng, nói thẳng sự thật – tưởng dễ mà khó! Đâu phải cứ muốn nói thẳng là ta có thể nói thẳng được? Người thấy sao nói thế, người nghe sao nói vậy, cứ nghĩ mình là người thẳng thắn, hóa ra không phải! Bởi thấynghe là những hành vi dễ nhất mà mỗi người có thể làm được, ngoại trừ những người khiếm thị, khiếm thính (nhưng những người này lại thường có linh cảm đặc biệt mà người sáng mắt, sáng tai không dễ gì qua mặt!). Thấy và nghe mới chỉ là nhận ra cái vẻ bề ngoài, cái hình thức của sự vật – mà ai cũng hiểu, hình thức nhiều khi không phản ánh đúng bản chất nội dung.
Thấy phải bằng đôi mắt tinh tường, nghe phải được nghe bằng cả hai tai!
Ngược với thấy sao nói thế, nghe sao nói vậy là loại người... thấy rõ mười mươi mà không dám nói,nghe rõ mồn một mà giả điếc làm ngơ!
Cho nên, thấy và nghe chỉ là bước đầu tiên để nhận thức bản chất: bước thu thập thông tin. Bởi vì nói thẳng bao giờ cũng đi đôi với nói thật, nên vấn đề nhận thức đúng bản chất mới là điều vô cùng quan thiết. Muốn vậy, trước tiên phải có kiến thức về lĩnh vực mình muốn nói. Dân ta có câu: Biết thời thưa thốt, không biết, dựa cột mà nghe! Cùng với kiến thức, là tư duy khoa học, là biết đánh giá một cách toàn diện, khách quan – đừng như lũ thầy bói xem voi; đồng thời phải xuất phát từ một cái tâm trong sáng – để thẳng không thành cong, để méo không hóa tròn, để bé không xé ra to, để to không vo thành bé...
Nhận thức đúng bản chất – cần thiết, nhưng chưa đủ! Còn phải có dũng khí dám nói sự thật, đừng để miếng thịt bịt miệng! (Cần nói thêm rằng, không dám nói sự thật không chỉ là hành vi của kẻ hèn yếu, mà nhiều khi còn đồng nghĩa với ngậm miệng ăn tiền. Thực tế cuộc sống không hiếm kẻ tiến thân rất nhanh bằng con đường ngậm miệng: "Ngậm hàm thì tiến"! Dân gian đã nói như thế!). Sinh thời, Phùng Quán từng viết: Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét / Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu...
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không phải lúc nào cũng phải... nói đúng sự thật! Một Bác sĩ, khi phát hiện ca bệnh hiểm nghèo, có nên nói trực tiếp sự thật đó với bệnh nhân không? – Không trong trường hợp này, nhiều khi lại là đức nghề nghiệp cần thiết đối với một lương y! Vấn đề là ở chỗ: Không phải sự thật nào cũng nên nói; nhưng một khi đã có thể nói, thì phải nói đúng sự thật! Đấy có thể coi là những tiêu chí để đánh giá phẩm chất một người-biết-nói-thẳng.
người-biết-nói-thẳng không thôi, chưa đủ, còn cần phải có người-biết-nghe-nói-thẳng.
Không phải ai ai cũng muốn nghe lời nói thẳng, bởi trung ngôn nghịch nhĩ (tuy bề ngoài, người nào cũng tỏ ra sẵn sàng nghe nói thẳng, nói thật!). Mặt khác, không phải ai đó tuyên bố sẵn sàng nghe nói thẳng nói thật, sẽ lập tức được đáp ứng!
Một người muốn nghe người khác nói lên sự thật, người đó mới chỉ là người-dám-nghe-nói-thẳng – Vâng! Rất đáng trân trọng! Nhưng chỉ... dám không thôi thì chưa đủ. Người muốn nghe lời nói thẳng, trước hết, dù ở cương vị nào, người đó cũng phải có được phẩm chất cần thiết như những tiêu chí đã nêu đối với người-biết-nói-thẳng (thậm chí còn phải ở mức cao hơn), nhất là sự dũng cảm (đặc biệt là khi điều được nghe lại đụng chạm đến... người thân, đến chính bản thân!) – Để không bị nhầm, bị lừa, bị bẫy... người nghe còn phải có kinh nghiệm nghe lại phải biết đích thân kiểm tra tính đúng đắn của những điều nghe được ấy. Người như thế, có thể đặt cho cái tên là người-biết-nghe-nói-thẳng hoặc người-nghe-nói-thẳng-được!
Như vậy, thực tế tồn tại một lô-gic sau: người-biết-nói-thẳng, khi có dịp được nói thẳng, người đó sẽ đủ tự tin để nói-thẳng-được! Tương tự, người muốn nghe nói thẳng, chỉ thật sự được nghe, khi người đó... nghe-nói-thẳng-được, tức là khi biết-nghe-nói-thẳng! Xưa nay thiếu gì "kẻ sĩ" đã "mai danh ẩn tích" chính vì không muốn "đem đàn gảy tai trâu".
Một đất nước phát triển, một xã hội dân chủ và văn minh, rất cần những người-biết-nói-thẳng - được nói thẳng! Càng rất cần những người-nghe-nói-thẳng-được - được nghe nói thẳng! Đó chính là mục tiêu hàng đầu của giáo dục. Và đó cũng là cái gốc của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Thật vậy! Làm sao có thể được coi là một nước văn minh, dân chủ, khi trong nước đó, người-biết-nói-thậtngười-nghe-nói-thật-được, chỉ như lá mùa thu.
T. H. T.
Nguồn: Tuanvietnam

[1] người mới đây được Vietnamnet gọi là "NGƯỜI MỞ KỶ NGUYÊN NÓI THẲNG, NÓI THẬT TRÊN NGHỊ TRƯỜNG"
[2] tức là trước khi bà thay mặt đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Cửu Long lên đọc tham luận "nói thẳng, nói thật"
[4] "Tự do phát ngôn thì cứ tự do phát ngôn, nhưng quyền tự do sau phát ngôn thì tôi không bảo đảm" - TS. Lê Đăng Doanh đã có lần trả lời vị Hiệu trưởng một Trường Đại học Singapore như vậy!
 

Thư giãn chủ nhật: Dân cửu vạn có sáu điều thỉnh nguyện với tân Tổng bí thư

Đâu chăng tá

Thưa bác tân Tổng bí thư

image Trước hết xin tự giới thiệu với bác, em khi nhỏ bố mẹ gọi là Thằng cu Tít, lớn lên được bạn bè phong một cái tên rất là oách, là “Đâu chăng tá”, đi bộ đội, được kết nạp vào Đảng ta, và bây giờ làm nghề cửu vạn kiếm sống suốt ngày chầu việc ở cái “chợ người” Giảng Võ, hết việc thì nghe bọn đồng liêu cửu vạn bàn chuyện nhân tình thế thái, chúng cũng ngứa mồm bàn cả việc thiên đình. Chúng em thì trình độ chính trị chỉ cao hơn bọn vịt giời tí ti, nhưng nghe được cái gì thì xin thưa với bác cái đó. Chúng nó cử em đại diện để viết những điều thỉnh nguyện này gửi bác, là tại vì, trong cái hội cửu vạn ở đây, em được bầu là có học nhất hội: Em đã học hết kỳ 1 của lớp 2. Còn chúng nó thì, đứa mù chữ, đứa mới học hết kỳ 2 của lớp 1.
Thay mặt anh em đồng liêu cửu vạn, chúng em xin gửi đến tân Tổng bí thư 6 điều thỉnh nguyện sau đây.
Điều thỉnh nguyện thứ nhất, chúng em xin chân thành chúc mừng tân Tổng bí thư đã chính thức nhậm chức sau khi được Đại hội XI bỏ phiếu tín nhiệm. Chúng em mừng thật sự là vì chúng em đã chờ đợi mỏi mắt qua hai nhiệm kỳ đại hội, nay mong có tân Tổng bí thư, hy vọng có tân chính sách để dân đen chúng em được nhờ.
Điều thỉnh nguyện thứ hai, đây là lần đầu tiên Đảng ta có Tổng bí thư là Giáo sư Tiến sỹ. Có lẽ hiếm có một đảng cộng sản nào trên thế giới chọn ra được một vị Tổng bí thư có học hàm học vị cao chót vót như vậy. Thú thực chúng em thì mù tịt, chẳng hiểu Giáo sư Tiến sỹ là cái chi chi, chỉ biết ở làng chúng em, bán ruộng bán nhà kiếm tiền gửi con ra Hà Nội học thì may lắm cũng chỉ kiếm được cái bằng Cao đẳng, Cử nhân là cùng. Chúng em hỏi những đưa đi học, từ Cao đẳng, Cử nhân chúng mày đến Giáo sư Tiến sỹ thì mất bao nhiêu thời gian. Chúng nó bảo phải mất một núi tiền loại 500 ngàn đồng. Ơ hay, mới lạ làm sao: Em hỏi chúng nó hết bao nhiêu năm tháng, mà chúng lại không tính năm tính tháng, mà tính bằng núi tiền. Vì thế mà chúng em kính trọng bác. Vậy thì chúng em xin gửi đến bác một lời thỉnh nguyện: Đương nhiên bác là Tổng bí thư thì phải nói như nghị quyết, nhưng nói thật với bác nhá: ông nội em năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Ông nội em bào cái nghị quyết này đọc hao hao giống cái nghị quyết viết từ 50-60 năm trước đây. Thôi, chúng ta có truyền thống “nói dzậy mà không phải dzậy”. Bác cứ theo nghị quyết mà nói, vì bác là đảng viên, nhưng bác lại là Giáo sư, mà lại Giáo sư triết học hay là xây dựng Đảng gì gì đó, thế thì bác chắc là đọc thông viết thạo cái phép “Biện chứng duy vật” của ông tổ cộng sản Các Mác. Vậy thì bác cố gắng làm những việc biện chứng ích quốc lợi dân sát với tình hình hiện nay, đừng mơ hồ lùi về năm sáu mươi năm trước, còn khi nói, thì bác cứ nói như 50-60 năm trước cũng chẳng sao.
Điểm thứ ba muốn thỉnh nguyện với bác, là hai nhiệm kỳ vừa qua người ta làm rất nhiều việc rước họa xâm lăng vào nhà. Phí công chúng em đổ máu trên chiến trường. Bọn thế lực thù địch suốt ngày ra rả rót vào tai nhân dân quần chúng cách mạng của ta. Chúng nó bảo, bác là thuộc phe “thân của lạ” (ý muốn nói bác thích cái nước lạ). Chúng em chỉ mong Giáo sư hãy chứng tỏ mình không hám cái “của lạ”. Cụ thể là, sau khi nhậm chức, Tổng bí thư Giáo sư nên chọn đi thăm một cái nước không lạ lắm để hùng hồn bác lại luận điệu của chúng. Tiếp đó, phải tìm cách khôn khéo để rút cổ ra khỏi cái gông của nước lạ kia. Và nói như ông Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, là không để ai thương lượng trên lưng dân tộc Việt Nam. Chắc tân Tổng bí thư còn lạ gì nữa, dân tộc chúng ta vốn có tiếng quật cường, việc gì chứ việc luồn cúi người ngoài thì không bao giờ lịch sử tha thứ. Vì vậy, nếu làm được việc thứ ba mà chúng em thỉnh nguyện, chắc chắn sẽ là việc trọng đại trong nhiệm kỳ của bác mà cả nước ghi công, tất nhiên trong đó có chúng em.
Điểm thứ tư muốn thỉnh nguyện với bác, là hết nhiệm kỳ này bác đừng có đưa cái thằng Nguyễn Phú… vớ vẩn nào đó con bác vào Trung ương nhá. Xấu lắm. Vừa có bài báo trên mạng của thế lực thù địch nó nói xấu lãnh đạo của ta, nó bảo ông ta đưa con trai đi lao động ở Đức năm 1982, khi cậu ấm mới 18 xuân xanh, nghĩa là chưa học hết bậc trung học. Từ sáng tới tối phải tần tảo khắp nơi để tích góp từng cái xe đạp Mifa. Đến năm 1988 cậu ta về nước thất nghiệp. Bài báo về cuộc đởi cậu ấm bị ngắt quãng từ 1988 đến 2000. Đoạn này thì cánh cửu vạn chúng em lại biết tường tận: Cậu ấm suốt ngày lê la ở các quán trà vỉa hè trên đường Giảng Võ, Láng Hạ rao bán mấy côn-tê-nơ xe đạp, xe máy, suốt ngày nói năng lảm nhảm say rượu bét nhè. Vô nghề nghiệp, học lăng nhăng đâu đó, rồi cũng có hai cái bằng Cử nhân khoe với cánh cửu vạn chúng em. Thế là được ông bố dìu dắt làm công tác đoàn, rồi chọn được một cái chức ngon lành là Bí thư một tỉnh ngay sau lúc dân chúng hàng huyện vừa mới kéo nhau lên vây trụ sở tỉnh đường vì hình như công an trót... giết nhầm một thanh niên không đội mũ bảo hiểm thì phải. Rồi từ đó cậu ta đã dùng chức vụ này làm bàn đạp để vào Trung ương. Không phải một trường hợp ấy đâu mà nhiều vị trong Bộ Chính trị hiện nay đều đua nhau, có con cháu được bầu vào trung ương đợt này, nhằm làm chỗ thế chân mình khi hết khóa. Họ cứ tưởng thế là đắc sách lắm, nào là được đề cử ở hội trường chứ mình có giới thiệu đâu... Nhưng giới cửu vạn chúng em thì cười ha hả, thấy trước cái xu “thế Triều Tiên hóa” hình như đã không xa với đất nước nữa rồi. Cứ xem các cụ Duẩn, cụ Đồng, cụ Giáp, cụ Trường Chinh và nhiều cụ khác nữa thuộc thế hệ học trò trực tiếp của Bác Hồ, nào có hề có người nào làm cái việc lo lót chỉn chu kiểu ấy – đó mới xứng đáng là nhân cách của lãnh tụ với tầm nhìn xa vì lợi ích đất nước, dân tộc, mà không khoanh vào chút bả vinh hoa phú quý của riêng gia đình con cháu nhà mình chứ. Chỉ mong tân Tổng bí thư sẽ không lặp lại cái việc làm để miệng tiếng người đời như thế.
Điều thỉnh nguyện thứ năm. Xin tân Tổng bí thư hàn gắn vết thương dân tộc, cái vết thương rạn nứt từ ngày Đảng ta làm cuộc cải cách ruộng đất. Không biết trong nhà Tổng bí thư có ai thuộc diện bị mang ra đấu tố, rồi bị liệt vào “ngụy quân ngụy quyền” không. Tôi nghĩ là có, vì những cuộc chiến tranh diễn ra triền miên trên đất nước ta đã gây chia rẽ dân tộc vô cùng lớn, nó len lỏi vào từng gia đình ngõ xóm. Có một bộ phận rất lớn trong dân tộc không thích cộng sản, không hề mê cái lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà họ thấy hình như chỉ có đâu trên trời chứ có thực ở cõi trần gian đầy nước mắt này đâu. Nếu Tổng bí thư có được cái nhìn quảng đại, không chấp nhất khư khư vào những tín điều, thì toàn dân tộc sẽ được nhờ, mà cái bọn “thế lực thù địch” kia tức khắc sẽ hòa vào lòng dân tộc. Cái được của dân tộc không phải là gần 4 triệu người Việt và tài sản của họ, mà cái được lớn nhất, là từ đây dân tộc sẽ trở thành một khối đại đoàn kết chống nguy cơ xâm lược nhãn tiền mà bọn “nước lạ” đang đe dọa từng ngày từng giờ trên đất nước ta.
Điều thỉnh nguyện thứ sáu, và cũng là điều thỉnh nguyện cuối cùng, là phải giải tỏa thực trạng lộng quyền của Đảng ta. Đảng ta quyền quá lớn, nhưng chẳng có chế tài nào với Đảng ta khi Đảng ta sai lầm. Giết oan hàng vạn người, kể cả đồng chí của mình, … thế mà chỉ đưa ra được một lời xin lỗi, rồi cứ lặp đi lặp lại lời khen Đảng ta đã biết xin lỗi; Đảng vừa bán đất, vừa thanh tra việc bán đất; Đảng tham nhũng, vừa lãnh đạo chống tham nhũng, thì làm sao mà thanh tra bán đất và chống tham nhũng cho đặng? Dư luận xã hội từ lâu đã bức xúc đòi hỏi phải công bố một đạo luật về Đảng. Đảng kêu gọi toàn dân phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Vậy mà chỉ trừ có Đảng là được hoạt động ngoài vòng pháp luật, thậm chí ngồi trên pháp luật. Hèn nào mà dân ta đang dần dần… nguyện một lòng theo Đảng sống ngoài vòng pháp luật, xử với nhau theo luật rừng.
Thưa tân Tổng bí thư. Em vài lời mộc mạc thô thiển. Chữ nghĩa của em khí ít. Có điều gì nghịch nhĩ xin tổng bí thư chỉ bảo.

ĐCT

HT biên tập

19 thg 1, 2011

Khi 1000 Giáo sư Tiến sỹ Bộ Giao thông Vận tải đã ‘botay.com” !

 Trần Đình Bá

Đi tắt đón đầu “bằng một tuyến ĐSCT 1.570 km dài nhất thế giới để “đi thẳng vào hiện đại”, hay “đu dây qua sông là sáng tạo không ngờ của người dân” Pô Cô dù có thành công bao nhiêu chăng nữa cũng không rửa nổi vết nhục tụt hậu và không che nổi trách nhiệm lịch sử của hơn 1.000 Giáo sư Tiến sỹ GTVT trước thực trạng hỗn loạn và thảm họa quốc gia về giao thông nước ta!

“Diễn đàn Hiến kế quốc gia”, sự sáng tạo hay bế tắc của các GS TS bộ GTVT!
 
Phải thấy rằng “Diễn đàn Hiến kế giao thông” năm 2008 là một nét đẹp văn hóa nhằm thu hút sáng kiến, nhân tài, cho việc giải một bài toán lớn, nan giải mang vận mệnh quốc gia … lần đầu tiên trong lịch sử ở một nước có bề dày văn hiến. Nó đã khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, lòng tự hào dân tộc, kích hoạt trí tuệ thông minh trong các tầng lớp nhân dân, thu hút được cả xã hội quan tâm với hàng vạn công trình nghiên cứu, các đề án, các giải pháp, sáng kiến hướng tới một trật tự của cộng đồng. Tất cả những người hiến kế đều mang dòng máu Lạc Hồng, Tối cao ủy ban Hiến kế quốc gia đã chọn ra được những công trình khoa học, những giải pháp hay để trao giải. Tiêu chí hàng đầu của Bộ trưởng GTVT kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGTQG là “trân trọng từng hiến kế”, song đã qua 3 năm sau tổng kết trao giải thì tình hình giao thông của nước nhà chẳng những không được cải thiện, trái lại càng nghiêm trọng thêm và tiến bộ của khoa học công nghệ về GTVT như đường sắt, hàng không, đường biền, đường bộ càng thi nhau tụt hậu, nhiều hãng, doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần, phá sản và thảm họa quốc gia về tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn chưa có gì sáng sủa!
Cũng tại thời điểm có diễn đàn quốc gia đó, một câu hỏi lớn đặt ra: “1.000 Giáo sư Tiến sỹ Bộ GTVT đang ở đâu, đóng vai trò gì, phải nghiên cứu những gì cho Đất nước khi họ là “Tinh hoa trí tuệ”của giao thông mà toàn dân đang kỳ vọng. Đây lại là “thời cơ và vận hội lớn” cho các GS TS bộ GTVT thực hành “thi đua yêu nước” trổ tài sáng tạo để cống hiến cho Đảng, Nhà nước và phụng sự cho toàn dân.
Thật đáng tiếc các GS TS bộ GTVT đã dành “vinh quang” đó cho nhân dân, cho các chuyên gia nước ngoài hiến kế về giao thông cho VN bằng một siêu dự án tầm quốc tế là ĐSCT dài nhất thế giới để “giảm thiểu TNGT” như Bộ trưởng đã ngợi ca!
Thực ra “hội chứng kỷ lục” như: Cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á, hầm đường bộ xuyên núi dài nhất ĐNA, hầm dìm vượt sông dài nhất ĐNA,… có trở thành “niềm kiêu hãnh tự hào của các GS TS ngành GTVT VN” hay không !? Siêu dự án 1570 km ĐSCT dài nhất thế giới có cứu nổi tình trạng giao thông ngày càng hỗn loạn, tắc nghẽn và đầy chết chóc được không?! Lại có một câu hỏi lớn lập tức được đặt ra: Học Tiến sỹ để làm gì!? Và 1.000 luận án Tiến sỹ của ngành đã làm được gì cho nước nhà, để có một thực trạng giao thông vô cùng tồi tệ như hiện nay?! Câu hỏi đó đang chiếu thẳng hướng trách nhiệm về phía các chuyên gia cao cấp Bộ GTVT!

Khi giao thông đang là “đáy” của khoa học công nghệ tại VN!

Có thể nói Việt Nam đứng hàng đầu ASEAN về “kinh tế trí thức” trong lĩnh vực GTVT với trên 10 trường Đại học lớn như GTVT Hà Nội , TP Hồ Chí Minh , Đại học hàng hải VN, Học viện hàng không VN, Viện nghiên cứu Công nghệ Giao thông, các khoa cầu đường, khoa đường sắt có hầu hết trong các trường đại học Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật… các viện nghiên cứu và tại các cục, vụ, viện, sở của Bộ GTVT với trên 1.000 Giáo sư Tiến sỹ được đào tạo trong nước và nước ngoài. Ngoài ra còn có nhiều GSTS về xây dựng, cơ khí, tự động hóa, thông tin tín hiệu, quản lý kinh tế, kiến trúc quy hoạch liên quan đến giao thông.
Tiềm năng trí tuệ người Việt Nam không thua kém các nước, chỉ số IQ của người Việt Nam là cao trong khu vực Động Nam Á, ra nước ngoài họ không thua kém người bản xứ. Tại các tập đoàn lớn ở Mỹ hay EU đều có trí thức Việt kiều giữ những vị trí quan trọng, nhất là ở thung lũng Silicon, cái nôi công nghệ của thế giới. Đỉnh cao trong khoa học công nghệ là người VN đã đoạt huy chương Fields giải nô-ben toán học thế giới , người VN đã vạch và tính toán được quỹ đạo cho tàu Apolo lên cung trăng và trở về trái đất thành công, lý thuyết và bài toán đó đã được NASA ứng dụng nhiều lần cho tàu Con thoi bay lên và trở về thành công . Từ chỗ quanh năm thiếu thốn lương thực, bằng công nghệ sinh học và chính sách khuyến nông, VN đã vươn lên giành vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo, nhất thế giới về xuất khẩu cà phê, phóng thành công vệ tinh VINASAT để làm chủ không gian, giành nhiều thành tựu trong công nghệ viễn thông, tin học, dầu khí, xây dựng…
Vậy mà tổn thất nặng nề nhất về con người và kinh tế của nước ta ở thời kỳ hiện đại lại ở lĩnh vực giao thông với bình quân mỗi ngày có trên 30 người thiệt mạng. Như vậy đã 10 năm qua tính bình quân tương đương thì ở Việt Nam cứ 7 ngày có một vụ rớt máy bay làm trên 200 người phải chết, cứ 2 tuần có một vụ “thảm họa giẫm đạp” với trên 400 người chết, cứ mỗi tháng có 1.000 tử nạn ngang với một vụ thảm họa thiên tai sóng thần hay động đất lớn trên thế giới…, cứ mỗi năm số người chết và bị thương của chúng ta còn cao hơn chiến tranh nóng như Irăc hay Apganixtan. Tại các kỳ họp của Chính phủ - của Quốc hội… không có phút mặc niệm để tưởng nhớ nạn nhân trong thảm họa song đây là tổn thất lớn, giai dẳng của cả một dân tộc.
Đường sắt quốc gia và Hàng không quốc gia là hai ngành vận tải công cộng chủ lực hiện đại tiên tiến, có tốc độ cao được toàn dân kỳ vọng thì tụt thê thảm. ĐS thua xa thời kỳ nô lệ, thị phần vận tải chỉ còn dưới 6% đang nằm trong thời kỳ phá sản, tốc độ vận hành chậm hơn tàu thuyền trên sông. Đã có người ví von rằng 1.000 Giáo sư Tiến sỹ Bộ GTVT đang ngủ say trên chiếc giường ĐS khổ 1 mét với “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”! Hàng không của một nước đã từng là cường quốc về không quân, đánh bại cả không quân hùng mạnh nhất thế giới, hiện có 48 sân bay trong đó có 9 sân bay quốc tế hiện đại trở thành cường quốc sân bay trong khu vục có tổng diện tích về sân bay lớn hơn Singapore lại tụt hậu thê thảm xếp gần cuối bảng của 10 nước hàng không ASEAN, chất lượng thua xa hàng không Lào, thị phần vận tải thua xa Singapore chỉ có 3 triệu dân có duy nhất 1 sân bay Changgi có diện tích nhỏ hơn Tân Sơn Nhất. Trình độ quản lý kinh tế hàng không yếu kém, bảo thủ đang gây thua lỗ và ùn tắc cả đường hàng không. Còn nhớ trong cuộc hội thảo khoa học toàn quốc “Hiệu quả kinh tế đường bay thẳng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh”, 100 Tiến sỹ Cục HKVN đã “bó tay”, phải đi mua phần mềm của nước ngoài về để tính toán và công bố “chỉ tiết kiệm được 42 km , với 2 phút rưỡi bay” làm cả hội thảo choáng váng. Giáo sư Trần Phương – Chủ tịch Hội khoa học kinh tế VN chủ tọa hội thảo đã bác bỏ kết quả này và Cục phó – TS Lại Xuân Thanh đã phải thừa nhận sai sót và hứa sẽ bay thẳng theo Hiệp định “Bầu trời mở rộng”, song cho đến nay hàng không VN vẫn đang trong thời kỳ bảo thủ theo kiểu “gà què ăn quẩn cối xay” gây nên thua lỗ nặng nề do bay vòng lãng phí trên 25% chi phí sản xuất, Nhà nước có nguy cơ mất trắng 200 triệu USD vốn cổ phần góp tại JPA, và thất thu hoàn toàn thuế tài nguyên không gian, cay đắng hơn Nhà nước đang phải bù lỗ cho hàng không.
Ngành vận tải biển mang gánh nợ thế kỷ “Vinashin”, vận tải đường bộ, đường sông qua tải, hỗn loạn, tắc nghẽn và chồng chất tai nạn. Rõ ràng rằng tiến bộ của khoa học công nghệ GTVT đang ở đáy của xã hội VN. Điều chứng minh là 1.000 Giáo sư Tiến sỹ bộ GTVT đã hoàn toàn “botay.com “và đầu năm 2008 đã khẩn thiết yêu cầu Bộ trưởng lập “diễn đàn hiến kế ” khẩn cầu trước toàn dân!
Hỗn loạn giao thông và “ăn mày trí thức”!
Một thực tế cay đắng là tất cả các Giáo sư Tiến sỹ bộ GTVT đã mất hết sự năng động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học thì còn đâu trí tuệ để lập kế hoạch làm tham mưu cho Đảng và Nhà nước về giao thông và Chiến lược giao thông. Trả lời phòng vấn báo Sài gòn tiếp thị , Tiến sỹ Nguyễn Lương Hải Khôi một chuyên gia nghiên cứu tại Nhật Bản đã nói về hiện thực căy đắng này: “Chúng ta mở cửa từ 1986, nhưng nay đang “cô lập” về trí tuệ. Chúng ta độc lập từ năm 1945, nhưng nay đang “nô lệ” về trí tuệ. Và bởi vì tự chủ trong trí tuệ là cơ sở để tự chủ trong kinh tế, và tự chủ trong kinh tế là nền tảng của độc lập chính trị, cho nên sự “nô lệ” và “cô lập” trong trí tuệ phải được chấm dứtTrong suốt 10 năm qua, kẻ xây dựng chiến lược giao thông toàn quốc cho Việt Nam là JICA của Nhật, từ Vitranss 1 đến Vitranss 2. Và cũng chính JICA đề xuất cho Việt Nam vay ODA để xây dựng từng tiểu mục trong cái tổng thể chung ấy. Như vậy, họ kiểm soát từ A đến Z: không chỉ vốn vay, tiền lãi, kỹ thuật, thị phần xây dựng, mà cả tri thức, hiểu biết về thực tiễn của chính chúng ta, từ kế hoạch tổng thể chung đến từng dự án cụ thể. 
Việt Nam gần như chẳng phải làm gì. Chỉ cần ký vào tờ giấy vay nợ và cầu đường cứ thế mọc lên. JICA đề xuất các dự án là với mục đích cho vay. Vì vậy, tư duy dự án, nhắm đến mục đích “gắp từng món trên mâm”, là kiểu tư duy chủ đạo. Nếu họ có vạch ra cho ta một “hệ thống” thì cái “hệ thống” đó chỉ là bản đồ những dự án mà các công ty Nhật đã sẵn sàng giành hợp đồng xây dựng”.
Thế mới biết các Giáo sư Tiến sỹ bộ GTVT từ lâu đã trở thành “nô lệ”, mất hết tính độc lập sáng tạo để nghiễm nhiên trở thành “ăn mày trí thức”, đang hưởng những đồng lương trong kinh phí “nghiên cứu đề tài khoa học” từ tiền thuế đóng góp của nhân dân, trong đó có nhiều nông dân và các tầng lớp tiểu thương, còn về trách nhiệm khoa học thì trông chờ vào trí tuệ nhân dân hiến kế và chuyên gia nước ngoài nghiên cứu hộ.

Vậy ai sẽ giải bài toán giao thông cho Việt Nam ?!

Xưa, Nguyễn Công Trứ khi còn là một học trò nghèo mà có tấm lòng yêu nước thương nòi, ngổi nắn nót viết 10 điều dâng Vua hiến kế những việc cần làm cho nước non thái bình, muôn dân no ấm!
Nay 1.000 Giáo sư Tiến sỹ Bộ GTVT được nhân dân dành cho ăn học tới nơi tới chốn, được thỏa sức nghiên cứu trong viện nghiên cứu hiện đại lại chấp nhận “botay.com” trước một thực trạng hỗn loạn và thảm họa quốc gia về giao thông được sao? Lại tiếp tục nhờ chuyên gia nước ngoài giải hộ bài toán giao thông được sao?!
Tại sao gỡ rối cho bài toán giao thông VN lại không chịu bắt đầu từ việc phải mở rộng và hiện đại hóa Đường sắt quốc gia, và cải tổ phương thức quản lý và hoạt động của ngành Hàng không quốc gia vì đó là hai ngành giao thông hiện đại chủ lực có tốc độ cao, có thể nhanh chóng làm thăng bằng được “cán cân cung cầu”. Khi ĐS và hàng không giành được trên 60% thị phần vận tải thì coi như chúng ta đã thắng. Cú đột phá chiến lược này nhằm khai thông “động mạch chủ” để làm cơ sở cho khai thông các mao mạch, đó là hệ thống giao thông công cộng tại các đô thị để thay thế dần phương tiện giao thông cá nhân vốn đã ngập tràn các đường phố . Tại sao các Tiến sỹ người VN lại không chịu “Mở rộng và hiện đại ĐS quốc gia”, không chịu xây dựng “ Chiến lược Giao thông VN, Chiến lược Đường sắt Việt Nam, Chiến lược Hàng không Việt Nam…” mà lại trao vận mệnh quốc gia cho người nước ngoài lập “Chiến lược”. Thực tế 10 năm qua JICA cũng đã bó tay hoàn toàn trước bài toán giao thông tại VN!
Trên thế giới các thành phố có 3 triệu dân thường phải có nhiều sân bay, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trên 8 triệu dân cần có tối thiểu hai sân bay ở hai đầu thành phố để tránh được dồn cục, để còn chi viện cho nhau. Vậy mà chúng ta đang để lãng phí sân bay Biên Hòa, sân bay Gia Lâm, sân bay Bạch Mai trên 35 tỷ USD. Chúng ta để xảy ra hỗn loạn, quá tải, ùn tắc hàng không trong khi quá lãng phí hạ tầng giao thông, đó là cả một hệ thống 48 sân bay, lãng phí 3200 km ĐS quốc gia, trong khi lại loay hoay đi thuê nước ngoài làm ĐSCT 56 tỷ USD, làm mới sân bay 20 tỷ USD bằng vốn vay ODA để “làm quà tặng cho con cháu 50 năm sau…”. Đã đến lúc 1.000 Giáo sư Tiến sỹ GTVT cần tỉnh giấc trên “chiếc giường ĐS khổ 1 mét” để rửa cái nhục tụt hậu, để được làm một trí thức chân chính của một nước độc lập có chủ quyền!

“Một dân tộc không sáng tạo sẽ trở thành hủ bại”, đó là tiêu đề lớn của một cuộc tọa đàm trên VNN. Kéo dài thảm họa quốc gia về giao thông sẽ là “đại hủ bại” cho cả một dân tộc và hủy hoại nhiều thế hệ. Xin mượn lời của chuyên gia Nguyễn Lương Hải Khôi để kết thúc cho bài viết đầy đau đớn này: “Muốn có hệ thống giao thông hiện đại, thông suốt, đồng thời giảm đầu tư công và thoát khỏi bẫy nợ nần, Việt Nam cần có một “binh pháp”, giúp chúng ta “chủ động” việc vay đó, đối trị với “binh pháp” ODA của các nước cho vay”. 

TĐB
Hội Kinh tế &Vận tải Đường sắt Việt Nam !
clip_image001[9] 
Cháu Trần Thị Ánh Tuyết một mình đu dây qua sông để đến trường được Bộ trưởng GTVT ngợi khen là “sáng tạo đến bất ngờ” - Ảnh: Trùng Dương (Thanh niên).
clip_image002[6]
Và “1.000 Giáo sư Tiến sỹ GTVT đang ngủ say trên chiếc giường ĐS khổ 1 mét có từ thời nô lệ ” (Ảnh: Internet)

18 thg 1, 2011

Hãy nhìn thẳng vào sự thật đi!

Nguyễn Hữu Quý
clip_image001[18]
 
Dám nhìn thẳng vào sự thật mới bay lên được, Tổ quốc ơi!
 
Theo dõi báo chí đang trong những ngày diễn ra ĐH XI, có nhiều điều để ta ngẫm nghĩ mà cười ra nước mắt.
Sau bao nhiêu năm xây dựng CNXH, với bao nhiêu thất bại cay đắng và những bài học đã được rút ra, thì đến hôm nay, mặc dù Đại hội chỉ là một khoảng thời gian ngắn (8 ngày), nhưng vẫn còn “Tranh luận sôi nổi về ‘công hữu tư liệu sản xuât” [1].
Phải chăng những bài học về “Hợp tác hóa nông nghiệp” một thời ở miền Bắc, tiến hành “Cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh” sau ngày thống nhất, không có lẽ gần 200 ngàn đơn khiếu kiện về đất đai [2] trong năm 2010 trên phạm vi cả nước… không đủ để những người cộng sản Việt Nam rút ra bài học về “Sở hữu và các hình thức sở hữu” để áp dụng theo quy luật khách quan… hay sao?
Không có lẽ các hình thức sở hữu của các nước Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… và phần còn lại của thế giới là sai lầm hay sao? Nếu họ sai lầm thì các nước này có trở thành những cường quốc được không…?
Trong bài viết trên đây, đăng trên báo phapluattp.vn, ngày 15/01/2011, tôi rất ngạc nhiên với phát biểu của vị Đại biểu Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, được mô tả trong đoạn viết như sau:
Công hữu là đặc trưng của CNXH
Đại biểu Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, dùng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, khẳng định Cương lĩnh 2011 phải giữ nguyên ý của Cương lĩnh 1991. Như thế, đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Dự thảo Cương lĩnh 2011 gửi tới đại hội theo hướng này.
Ông Nghĩa nói: “Công hữu tư liệu sản xuất là đặc trưng của CNXH. Có người lo ngại không thu hút được đầu tư nhưng thực tế từ Cương lĩnh 1991 đến nay đã hơn 20 năm, bằng chính sách pháp luật hợp lý, chúng ta vẫn thu hút được đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Có ai bỏ đi đâu!”.
Còn thể hiện lại như văn kiện Đại hội X, thay “công hữu…” bằng “quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp” (như quan điểm của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc) thì theo ông Nghĩa là “rất trừu tượng”, là “như không nói gì”.
Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng cũng lưu ý: “Công hữu là vấn đề lớn, cần tiếp tục nghiên cứu. Công hữu thế nào để gắn kết được lợi ích người lao động với lợi ích chung, tạo động lực cho họ thì về lý luận và thực tiễn còn cần nghiên cứu. Còn công hữu để cha chung không ai khóc thì thất bại!”.
Ông hy vọng có thể tìm ra những hình thức mới của công hữu, nằm ngoài hai loại sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể, hiệu quả hơn, XHCN hơn.
Với ông Lê Hữu Nghĩa, có phải sợ người đời chê cười hay không mà ông đã phải “rào đón” bằng “… Cương lĩnh 2011 phải giữ nguyên ý của Cương lĩnh 1991”, mà theo người viết bài này hiểu ra là, vì Đảng đã giới hạn trong phạm vi như thế, cho nên ông phải nói như thế?
Vậy là, sau 65 năm, kể từ ngày thành lập NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA, từ năm 1945 đến nay, với ngọn cờ “Độc lập dân tộc và CNXH”, thời gian bằng một đời người, mà ĐCSVN không rút ra được bài học hay sao? Để đến hôm nay, một vị đứng đầu Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, còn phải nói lên rằng, Công hữu là vấn đề lớn, cần tiếp tục nghiên cứu…”; rồi... "hy vọng có thể tìm ra"... (?!).
Như vậy là, người Việt Nam đang nô lệ với chính sự nhận thức giáo điều của mình thật rồi!
Vì cố bám vào cái đuôi “CNXH”, không dũng cảm để thoát ra được, cho nên ta đang tự nô lệ, mụ mẫm với chính tư duy của mình.
Liên quan đến vấn đề này, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi một ý trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà ông TBT Nông Đức Mạnh đã đọc và đăng trên các báo, bài có tựa đề “Tham vọng quyền lực làm hại thanh danh của Đảng” [3]; sau một loạt các trích dẫn về tư tưởng, đạo đức và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh…, là nội dung: Người đứng đầu Đảngng cho rng công cuc xây dựng CNXH là công cuc vĩ đại chưa có tin l, va mở đường va tiến lên, có lúc, có nơi đã xy ra tình trng mt đoàn kết ni b.
Phải chăng, vì nó là “vĩ đại chưa có tiền lệ”, cho nên ĐCSVN nhất quyết đi một con đường riêng, khác với gần như tất cả các nước trên thế giới để “vừa mở đường vừa tiến lên”? Để hy vọng, nếu nó thành công thì Đảng CSVN sẽ trở nên... vĩ đại?
Theo nhật trình, ĐH XI có 8 ngày tổ chức Đại hội, trong đó có 5 ngày để bổ sung, hoàn thiện cương lĩnh, đường lối… thế mà hôm nay, Đảng CSVN còn đang loay hoay về vấn đề sở hữu!
Nếu được nói một lời với Đại hội, với Đảng CSVN, thì tôi xin được nói là: 

XIN HÃY NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT!
16.01.2011

15 thg 1, 2011

Thông Tấn Xã Việt Nam biến rác thành vàng để lừa bịp nhân dân

Đêm hôm qua, 13/01/2011, tôi đăng bài “'Báo chí nước ngoài' ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? Thật ra chỉ là một trò lừa bịp!” trên Tiền Vệ. Trưa hôm nay, 14/01/2011, tôi phát hiện ngay một chuyện khá thú vị, đó là: báo Pháp Luật Việt Nam đã vội vã xoá biến đi bài “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất sắc nhất châu Á”! Tuy nhiên, độc giả vẫn có thể xem được nguyên vẹn bài báo lừa bịp ấy trong cache của trang Google. Hơn thế nữa, bài báo ấy đã được hàng trăm tờ báo khác ở Việt Nam công khai phát tán. Bằng chứng của sự lừa bịp không dễ gì mà xoá sạch.

Còn một chuyện ngoạn mục hơn nữa mà đến trưa hôm nay tôi mới tình cờ phát hiện, đó là: lúc 00:17:00, ngày 12/01/2011, tờ báo của Thông Tấn Xã Việt Nam đã đăng trên trang nhất, mục Chính Trị, một bài dài 400 chữ, với cái nhan đề rất hấp dẫn “Tác giả Đức ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”!
Thông tấn xã Việt Nam là hãng thông tấn Quốc gia, trực thuộc Chính phủ Việt Nam và là cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


Bài báo của Thông Tấn Xã Việt Nam đã nhập đề: Một loạt các trang web tiếng Đức ngày 10/1 đã đăng tải bài của tác giả Olaf Jüttner gọi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là “Nhân vật của năm 2010.”
“Một loạt các trang web tiếng Đức” ấy, như tôi đã vạch ra trong bài viết hôm qua (13/01/2011), thực chất chỉ là những trang tự quảng cáo tiếp thị miễn phí ở Đức, chứ không phải là những tờ báo đàng hoàng.
“Tác giả Olaf Jüttner” là ai?
Là một người chưa từng xuất bản một tác phẩm nào cả, và chính là ông tổng giám đốc của công ty chế biến rác “RES-Resources, Ecology, Services GmbH”, đặt văn phòng tại Alte Landstr. 114, 21039 Escheburg/Germany, Phone: ++49 (0)4152 81378, Fax: ++49 (0)4152 81377 [http://www.res-inter.de/?show=imprint].
Ông “tác giả Olaf Jüttner” này có gọi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là “Nhân vật của năm 2010” hay không?
Không. Cái danh hiệu “Nhân vật của năm 2010” của Nguyễn Tấn Dũng là do báo VnExpress bình chọn ngày 01/01/2011 [http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2011/01/3BA24BD1/]. Mười ngày sau đó, công ty chế biến rác “RES-Resources, Ecology, Services GmbH” của ông Olaf Jüttner đã chế biến cái danh hiệu này sang tiếng Đức là “Mann des Jahres 2010”, rồi đưa vào một cái “press release” gọi là VIETNAM: Premierminister Nguyen Tan Dung ist “Mann des Jahres 2010” [VIỆT NAM: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “Nhân vật của năm 2010”], và tự đăng miễn phí trên trang firmenpresse.de ngày 10/01/2011 để quảng cáo tiếp thị cho Nguyễn Tấn Dũng.
Thế là... cuộc chơi đẹp mắt bắt đầu!
Ngày 12/01/2011, Thông Tấn Xã Việt Nam tung ra bài báo “Tác giả Đức ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”! Theo kết quả trên trang Google, cho đến hôm nay, 14/01/2011, bài báo này đã được phát tán trên 11,200 trang web tiếng Việt! Ngay cả báo Dân Trí — báo điện tử của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam — cũng ra sức phát tán bài báo lừa bịp này để... nâng cao dân trí!


Thật là một thành quả to lớn của công việc chế biến rác!
Tất cả những gì mà Thông Tấn Xã Việt Nam cho rằng “tác giả Olaf Jüttner” đã “ca ngợi” Nguyễn Tấn Dũng, thực ra, chỉ là sự lặp lại đúng y như những gì mà báo VnExpress đã ca ngợi Nguyễn Tấn Dũng.
Điều ngoạn mục nhất là sau khi công ty chế biến rác “RES-Resources, Ecology, Services GmbH” của ông Olaf Jüttner đã chế biến nội dung bài báo VnExpress thành một cái “press release” tiếng Đức, thì nó lại đi ngược trở về Việt Nam, và được Thông Tấn Xã Việt Nam xem là một đống “vinh dự” do “tác giả Olaf Jüttner” tặng cho ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng!
Có một chi tiết cần làm rõ, đó là: trang firmenpresse.de đã đăng một hàng chữ ngay bên dưới cái “press release” quảng cáo tiếp thị của công ty chế biến rác “RES-Resources, Ecology, Services GmbH”, trong đó firmenpresse.de khẳng định:
“Thông cáo báo chí này là ý kiến của cá nhân người viết” [Die PresseMitteilung stellt eine Meinungsäußerung des Erfassers dar], “firmenpresse.de không sở hữu nội dung của bản thông cáo” [firmenpresse.de macht sich die Inhalte der PresseMitteilungen nicht zu eigen], và “trách nhiệm về mọi hậu quả xảy ra (ví dụ: bị cảnh cáo, khiếu nại, v.v.) là thuộc về người tự đăng bài, chứ không thuộc về firmenpresse.de” [Die Haftung für eventuelle Folgen (z.B. Abmahnungen, Schadenersatzforderungen etc.) übernimmt der Eintrager und nicht firmenpresse.de].
Ấy vậy mà Thông Tấn Xã Việt Nam và hàng loạt báo chí ở Việt Nam vẫn cố tình lừa bịp nhân dân Việt Nam rằng cái “press release” quảng cáo tiếp thị này là một bài viết có giá trị khách quan trên “báo chí châu Âu”, “báo chí nước ngoài”!
Xin nói rõ: báo của Thông Tấn Xã Việt Nam có cả các trang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây-ban-nha, và tiếng Trung Hoa. Thế nhưng, bài “Tác giả Đức ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” chỉ có bản tiếng Việt!Thông Tấn Xã Việt Nam chỉ chuyên lừa bịp nhân dân Việt Nam, chứ không dám lừa bịp độc giả người nước ngoài, vì sợ họ cười cho thối mặt! Điều này chứng tỏ rằng

*

Ở đây, có một câu hỏi cũng nên đặt ra: Tại sao “tác giả Olaf Jüttner”, tổng giám đốc của công ty chế biến rác “RES-Resources, Ecology, Services GmbH”, lại phải loay hoay chế biến bài báo của VnExpress để quảng cáo tiếp thị cho Nguyễn Tấn Dũng?
Như tôi đã phân tích trong bài viết hôm qua, công ty này chuyên về các dịch vụ chế biến rác rưởi và vệ sinh môi trường [http://www.res-inter.de/?show=products]. Nó có kỹ thuật biến rác rưởi thành năng lượng, vừa làm sạch môi trường, vừa làm tăng nguồn năng lượng. Nó tự giới thiệu rằng nhân viên của nó có “gốc” Đông Nam Á từ giữa thập niên 70 (Our staff has its “roots” in Southeast Asia since the mid 70th) [http://www.res-inter.de/?show=home], và nó có những dự án đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó tất nhiên có Việt Nam.
Trong cái “press release” của công ty chế biến rác “RES-Resources, Ecology, Services GmbH”, “tác giả Olaf Jüttner” nhấn mạnh ở đoạn kết luận:
Anstehende Aufgaben für die Zukunft PM Dung wird in den nächsten Jahren massiv die anstehenden Umweltprobleme angehen, insbesondere die Müll- und Abwasserentsorgung sowie die noch unzureichende Stromversorgung, die nicht Schritt halten konnte mit dem massiven Wirtschaftswachstum der letzten Jahre. Deutschland hat diesbezüglich einen ausgezeichneten Ruf als Lieferant entsprechender Technologie und wird sehr geschätzt. Insbesondere der Nachholbedarf in Bezug auf Energieerzeugung öffnet einen Markt für deutsche Anbieter...
 
[Những thử thách trong tương lai mà Thủ tướng Dũng sẽ giải quyết triệt để là những vấn đề về môi sinh, đặc biệt là việc xử lý rác và hệ thống thoát nước dơ, cũng như nguồn năng lượng không tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm qua. Ở phương diện này, nước Đức có uy tín tuyệt hảo trong việc cung ứng kỹ thuật và được đánh giá cao. Đặc biệt, nhu cầu bắt kịp về năng lượng mở ra một thị trường cho các nhà cung cấp của Đức...]
Thế thì mọi việc đã rõ như ban ngày: “Tác giả Olaf Jüttner”, tổng giám đốc của công ty chế biến rác “RES-Resources, Ecology, Services GmbH”, loay hoay chế biến bài báo của VnExpress thành cái “press release” này với mục đích “nâng bi” cho ông Thủ tướng được sướng, để ông vui vẻ mời công ty này vào Việt Nam làm dịch vụ... xử lý rác.
Thế nhưng, dưới sự điều khiển của một nhà đạo diễn đầy quyền năng (mà chúng ta đều biết là ai), Thông Tấn Xã Việt Nam và hàng loạt báo chí ở Việt Nam đã ra sức thổi phồng mọi sự để thực hiện một trò lừa bịp nhân dân vô cùng... ngoạn mục.

NGUYỄN TÔN HIỆT

14 thg 1, 2011

Suy nghĩ nhân bài “Khi bộ trưởng giao thông vận tải không biết về đường sắt!” của Tiến sĩ Trần Đình Bá - đăng bởi BVN ngày 12/01/2011


Bình Tâm
imageTrong cuộc sống có biết bao công việc cần phải làm được đặt ra cùng một lúc. Để không sa vào một núi công việc mà cuộc sống cùng lúc yêu cầu, cần phải biết phân loại công việc theo tính chất và vai trò của từng việc, tức theo tầm quan trọng và tính cấp bách của công việc.
Tầm quan trọng của công việc là do vai trò của công việc ấy tạo nên.
- Những công việc lặt vặt, giản đơn, độc lập, nhằm phục vụ cho những mục tiêu đơn lẻ, cá biệt trước mắt được gọi là công việc sự vụ.
- Những công việc có ảnh hưởng và liên quan đến nhiều công việc, nhằm phục vụ từng phần, trong từng thời điểm cho những nhu cầu quan trọng hơn được gọi là công việc chiến thuật, hay còn được gọi là công việc sách lược.
- Những công việc phục vụ cho mục tiêu hay nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất được gọi là những công việc mang tính chiến lược.
Chiến lược nói khái quátnội dung và cách thức hành động nhằm đạt được mục đích chính và quan trọng nhất đã xác định.
Nhiệm vụ chiến lược là những nhiệm vụ chính và quan trọng để thực hiện mục tiêu chiến lược; nhiệm vụ chiến lược có được hoàn thành thì mục tiêu chiến lược mới được thực hiện.
Việc chiến lược quan trọng hơn việc chiến thuật và việc chiến thuật quan trọng hơn việc sự vụ.
Vì vậy, trên nguyên tắc, tính sự vụ phải phục tùng tính sách lược; tính sách lược phải phục tùng tính chiến lược.
Thứ tự ưu tiên phục tùng cũng là để ưu tiên về thời điểm, về thời lượng, về phương tiện và vật chất, cũng như về công sức khi thực hiện công việc.
Một vài ví dụ phản diện:
1/ Thủ tướng Chính phủ là người của những công việc vĩ mô có tầm chiến lược, nhưng lại trực tiếp ký nghị quyết cấm xe ba, bốn bánh gắn máy; đây là việc làm của cấp chiến thuật, cấp thừa hành là Bộ Giao thông Vận tải. Đã hơn 2 năm, nội dung nghị quyết này của Thủ tướng vẫn chưa được thực hiện bởi nhiều lý do, nhưng điều đáng nói ở chỗ, Thủ tướng là cấp chiến lược lại đi làm công việc của cấp chiến thuật; vì không hiểu việc nên đã hỏng việc.
2/ Vì Chính phủ không hiểu việc nên đã phân công sai việc. “Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam” (VFA) là một tổ chức xã hội của các doanh nhân, vì lợi ích của doanh nhân, nhưng lại được giao một số chức năng của cơ quan nhà nước, vì vậy nên họ đã thao túng giá cả và hoạt động xuất nhập khẩu lúa gạo vì lợi ích của chính họ. Đã thế họ lại còn lớn giọng qua câu nói gây sốc đầy hào khí của người đứng đầu hiệp hội này: “Hiệp hội cần tính toán làm sao đưa ra mức giá thầu cho thật hợp lý. Vì khi đi dự thầu, mục đích không phải là nhân cơ hội này đưa ra cái giá thật cao để đạt thầu. Quan trọng là Việt Nam phải tham gia vấn đề an ninh lương thực thế giới (!?)”.
Vì không hiểu việc nên Chính phủ đã giao cho một tổ chức vụ lợi ở cấp chiến thuật có toàn quyền quyết định một việc mang tầm chiến lược là an ninh lương thực quốc gia, và mức sống của 80% dân số Việt Nam. Hiệp hội này sau đó đã đề nghị Chính phủ ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực khi giá gạo thế giới lên đến 1.000 đô la Mỹ/tấn, để rồi khi giá gạo rớt xuống mức thấp nhất mới đề nghị bán ra. Theo các chuyên gia, người nông dân đã mất đứt 400 triệu đô la Mỹ vì sự lỡ nhịp này.
Người ở tầm chiến lược không hiểu việc, người ở tầm chiến thuật không hiểu việc, không biết rồi đây con tàu xã hội với những người cầm lái này sẽ đi đâu về đâu? Nếu các việc làm trên không do sự kém hiểu biết mà lại do lợi ích cục bộ của một số lãnh đạo nhà nước kết cấu với các nhóm lợi ích thì mối nguy hại còn to biết mấy? Nếu sự kiện Quốc hội phân công cho Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch chính quyên cấp tỉnh là người đứng đầu tổ chức phòng & chống tham nhũng ở TW và địa phương là do thiếu hiểu biết về công việc mà phân công sai việc thì đã đáng trách, nhưng nếu đó lại là ý đồ nhằm bảo vệ những phần tử có nhiều khả năng tiềm ẩn để trở thành kẻ tham nhũng thì mối nguy hại này là cực kỳ to lớn, vì Quốc hội đại diện cho dân và là công cụ bảo vệ lợi ích cho dân đã bị thao túng.
Vai trò của công việc – tức tầm quan trọng của công việc do tính bức xúc của chính công việc ấy tạo nên.
Cái bức xúc là cái hết sức cấp bách, đòi hỏi phải sớm được giải quyết. Tính bức xúc của công việc được đánh giá theo hiệu quả, tác dụng mà nó sẽ đem lại cho mục tiêu khi công việc ấy được hoàn thành, hoặc tác hại của nó, nếu công việc không được hoàn thành.
Mức độ bức xúc quyết định tầm quan trọng và vai trò của công việc, vì vậy chính mức độ bức xúc là nhân tố quyết định tính sự vụ, tính sách lược, hay tính chiến lược của công việc.
Xác định tầm quan trọng của công việc – tức vai trò của công việc – là khâu quyết định đầu tiên cho việc tổ chức thành công một công việc, đồng thời còn là tiền đề tất yếu để xác định công việc chủ đạo và tìm ra khâu cơ bản cùng khâu đột phá của công việc cần làm.
(Vì tính chất của chủ đề, khâu cơ bản và khâu đột phá của công việc sẽ được tác giả trình bày ở một dịp khác).
Cái chủ đạo là cái đóng vai trò chủ yếu, vai trò trung tâm có tác dụng chi phối toàn bộ.
Cuộc sống đặt ra biết bao nhu cầu cần giải quyết và biết bao công việc cần phải xử lý hàng ngày và suốt trong cuộc đời. Điều kiện cơ bản quyết định cho sự thành công là phải tìm ra trong hàng loạt nhu cầu đó đâu là nhu cầu chủ đạo.
Nhu cầu chủ đạo là nhu cầu cơ bản nhất, thiết yếu nhất, nếu thiếu nó thì mọi nhu cầu khác sẽ trở nên vô nghĩa, hoặc sẽ không thực hiện được; vì vậy đối với một nhu cầu, một nhiệm vụ, một sự nghiệp, hay một thời kỳ lịch sử thì việc xác định công việc chủ đạo cũng chính là xác định mục tiêu chiến lược cho nhu cầu, cho nhiệm vụ, cho sự nghiệp, hay cho thời kỳ lịch sử ấy vậy.
Công việc chủ đạo phải đáp ứng được hai yêu cầu, khi nó được giải quyết thì một mặt sẽ đạt được mục đích đã đề ra, mặt khác sẽ tạo tiền đề thuận lợi để giải quyết các công việc có liên quan còn lại, tức sẽ giúp hóa giải, hoặc làm giảm bớt sự gay gắt, sự bức xúc của các yếu tố cơ bản còn lại có liên quan đến các công việc, khiến cho mục đích đạt được sẽ trọn vẹn hơn.
Để xác định tính chủ đạo của nhu cầu, cần đặt ra câu hỏi rằng:
- Công việc ấy bức xúc đến đâu, sự bức xúc đó chỉ là bức xúc so với cục bộ hay so với toàn cục?
- Công việc ấy sẽ giải quyết nhu cầu cơ bản của mục tiêu chiến lược đến mức độ nào; chỉ một phần hay toàn cục?
- Công việc ấy sẽ có tác động thuận lợi hay khó khăn cho các nhiệm vụ cơ bản còn lại của mục tiêu chiến lược?
- Tính khả thi, tức điều kiện con người, điều kiện vật chất kỹ thuật và hoàn cảnh, bối cảnh có đảm bảo cho việc thực hiện công việc ấy?
Ví dụ:
1/ Đường sắt cao tốc Bắc – Nam (ĐSCTBN) có phải là nhu cầu chủ đạo, nhu cầu bức xúc nhất của đất nước, của nền kinh tế hiện nay không, hay chỉ là nhu cầu bức xúc của nội bộ ngành giao thông, hay chỉ là nhu cầu bức xúc của một số lãnh đạo trong Chính phủ và trong Bộ Giao thông?
Về cục bộ ngành: Độ bức xúc của ĐSCTBN so với nhu cầu đáp ứng và cải thiện tình trạng giao thông đã thiếu lại đang xuống cấp nghiêm trọng đều khắp trong cả nước, nhất là vùng sâu, vùng xa hiện nay thì bức xúc nào lớn hơn?
Về toàn cục: Độ bức xúc của ĐSCTBN so với nhu cầu của ngành điện, của giáo dục & văn hóa, xã hội và những nhu cầu khác của nền kinh tế quốc dân hiện nay thì bức xúc nào lớn hơn?
Về cá nhân: Giải đáp được các câu hỏi trên là có thể trả lời nhu cầu bức xúc này có phải là riêng của một số lãnh đạo trong Chính phủ và trong Bộ Giao thông hay là của toàn cục?
2/ Nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ Tổ quốc có còn là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam?
ĐSCTBN sẽ phục vụ ai và sẽ phục vụ gì cho chiến lược phát triển kinh tế? Toàn dân gồm mọi thành phần dân cư sẽ sử dụng phương tiện này, hay chỉ là tầng lớp có thu nhập cao trong xã hội? ĐSCTBN sẽ phục vụ cho nhu cầu vận chuyển và giao lưu hàng hóa, hay chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại, thăm viếng và du lịch; trong hai nhu cầu ấy thì nhu cầu nào bức xúc hơn?
Sau khi xây xong ĐSCTBN thì mức vay nợ nước ngoài của Chính phủ sẽ đạt ngưỡng nào, có còn là ngưỡng an toàn không? Phụ thuộc quá lớn về nợ nước ngoài liệu mục tiêu an ninh quốc phòng có còn ở ngưỡng an toàn không?
Như vậy ĐSCTBN phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế và chiến lược bảo vệ Tổ quốc, hay chỉ là sách lược của nhóm lợi ích nào đó thôi?
3/ Sau khi dồn vốn cho ĐSCTBN thì bài toán vốn để phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội còn lại sẽ tính ra sao? Lấy vốn đâu? Hay các lĩnh vực ấy sẽ phải hy sinh cho ĐSCTBN mà chịu sự đình trệ? Sự phát triển của ĐSCTBN sẽ kéo đất nước đi lên hay đưa đất nước lún sâu vào công nợ và phụ thuộc nước ngoài?
4/ Với mức sống bình quân hiện tại và trong tương lai thì số lượng lượt người sử dụng ĐSCTBN là bao nhiêu? Trong bao năm sẽ thu hồi vốn? Thời gian thu hồi vốn có đảm bảo trả nợ nước ngoài và bù đắp hao mòn hữu hình lẫn hao mòn vô hình?
Trình độ và năng lực quản lý của Bộ Giao thông nói riêng và của ngành giao thông nói chung còn kém xa nhu cầu cần phải có hiện nay, thế thì ý muốn cần phải có ĐSCTBN với bất cứ giá nào như hiện nay có phải là một sự “đèo bòng”của con ốc mang chưa nổi cái hiện có của bản thân mình ? Hay đây chỉ là một cách biểu diễn mang tính quảng cáo cho bản thân của ông Bộ trưởng trước kỳ đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng CSVN?
Cuối cùng ai sẽ trả nợ? Tại sao sắp mãn nhiệm kỳ rồi mà Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và nhóm người cùng quan điểm cứ nhất quyết bắt Quốc hội và Chính phủ phải quyết về nhiệm vụ của nhiều thế hệ nhiệm kỳ sau?
Vậy dự án ĐSCTBN có khả thi không?
Câu nghi vấn và kết luận của một chuyên gia am hiểu trong ngành giao thông - Tiến sĩ Trần Đình Bá – (Hội Kinh tế & Vận tải đường sắt Việt Nam) rằng “Bộ trưởng Giao thông Vận tải không biết về đường sắt!” có lẽ là không sai tí nào. Không những thế, ông Bộ trưởng này chỉ là cấp chiến thuật chưa thạo việc, hà cớ gì lại tham lam đèo bòng công việc của cấp chiến lược?
Xin Quốc hội và Chính phủ chớ lặp lại sai lầm nhiều lần trong việc giao chức năng chiến lược cho cấp chiến thuật không thạo việc đảm trách như đã từng mắc phải! Hậu quả sẽ khôn lường!
B.T.

12 thg 1, 2011

Khi bộ trưởng giao thông vận tải không biết về đường sắt!

TS Trần Đình Bá – Hội Kinh tế & Vận tải đường sắt Việt Nam

“Thật đáng tiếc cho Bộ trưởng Giao thông Vận tải không biết về tầm quan trọng đặc biệt của Đường sắt và quốc gia và luật Đường sắt Việt Nam”, đó là tâm sự đầy nhức nhối của TS Trần Đình Bá – Hội Kinh tế & Vận tải đường sắt Việt Nam với các báo giới sau khi Bộ trường Hồ Nghĩa Dũng lại tuyên bố “Tái khởi động đường sắt cao tốc là cần thiết và đúng luật, sẽ trình lại Quốc hội dự án đường sắt cao tốc” và tiếp tục thuê chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu đường sắt cao tốc Hà Nội – Vinh và TP HCM – Nha Trang (03/01/2011).
Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng toàn văn quan điểm của tiến sỹ!

Đường sắt là một loại hình giao thông cơ giới ra đời sớm nhất mà nay đang trở thành phương tiện giao thông “Vua”, được tất cả các nước trên thế giới trân trọng gọi là “đường sắt quốc gia” hay “đường sắt chiến lược”.
Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt này, nước ta đã xây dựng luật Đường sắt Việt Nam lần đầu tiên với 8 chương, 114 điều đã được Quốc hội thông qua trong phiên họp ngày 19/5/2005, và có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2006. Song thật đáng tiếc trong quá trình hành pháp, ngành chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải, đứng đầu là Bộ trưởng đã sai lầm khi lập dự án đường sắt cao tốc mà Quốc hội bác theo đúng luật đường sắt Việt Nam, giờ đây lại hăng hái tuyên bố sẽ tiếp tục trình lại Quốc hội về hai tuyến đường sắt cao tốc do nhóm chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện! 

Khi siêu dự án về đường sắt cao tốc coi luật đường sắt Việt Nam, luật Xây dựng… chỉ là cái đinh!

Không thể đi hết thế giới để trải nghiệm nhưng hầu hết các quốc gia văn minh có nền Dân chủ lập hiến thì các dự án nghiên cứu tiền khả thi hay khả thi về đầu tư thì chương mục quan trọng đầu tiên phải là “Cơ sở pháp lý để lập dự án”. Đó là luật và các văn bản dưới luật cùng các tài liệu quy hoạch, thỏa thuận giao đất, các tài liệu liên quan… để khởi động dự án trong trạng thái hợp hiến và hợp pháp để đảm tính khả thi trước khi thỏa sức mô tả tầm vóc tối quan trọng – hay quan trọng – của “sự cần thiết phải đầu tư”. 

Việt Nam là một quốc gia Dân chủ lập hiến, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” thì siêu dự án đường sắt cao tốc 56 tỷ USD vào hàng lớn nhất thế giới phải dựa vào luật của chính nước sử dụng, đó là Việt Nam. Thật đáng tiếc là Luật đường sắt Việt Nam quy định cụ thể rõ ràng về quy định lập dự án, thiết kế, thẩm định, sử dụng đất đai, hành lang an toàn, quản lý khai thác, bảo vệ an toàn, đảm bảo an ninh, thẩm tra thẩm định, quy định công lệnh chạy tàu, quy định kết nối mạng đường ray… chỉ cho đường sắt Quốc gia và đường sắt Đô thị mà không hề có lấy một điều khoản nào quy định cho đường sắt cao tốc. Luật là “con đẻ” của Hiến pháp dân chủ, thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng toàn dân, được thông qua Quốc hội chưa cho phép sự có mặt đường sắt cao tốc do trong quá trình xây dựng luật, các đại biểu của dân khi thảo tuận về luật coi đây là một loại hình giao thông siêu hiện đại đắt tiền, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, địa hình, khí hậu, phân bố dân cư cùng chiến lược kinh tế xã hội hay quốc phòng – an ninh của Việt Nam nên đã không đưa vào luật đường sắt Việt Nam.
Do chưa có hành lang pháp lý cho đường sắt cao tốc nên Luật Xây dựng, luật Doanh nghiệp, luật đầu tư, Tài nguyên môi trường, Năng lượng, Quốc phònmg – An ninh… vẫn chưa có điều khoản nào làm lối mở cho đường sắt cao tốc từ tiêu chuẩn thiết kế, thẩm định, lập dự án, định mức, đơn giá, tỷ suất đầu tư… để tính ra giá thành, xét đến an toàn môi sinh môi trường, sử dụng quỹ đất, xử lý khi có tranh chấp và xử lý bồi thường khi có sự cố, v. v. 

Không dám kể ra nhiều tiêu chí, chỉ trong diện hẹp về kinh tế thì việc lập dự án đường sắt cao tốc tại Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật đường sắt Việt Nam và luật Xây dựng cơ bản. Con số 55, 7654321 tỷ USD – làm tròn 56 tỷ USD – cho 1570 km đường sắt cao tốc để báo cáo trước Quốc hội chỉ là chuyện “ phịa “ vì không có một cơ sở pháp lý nào để đưa vào tính khái toán cho dự án. Tỷ suất đầu tư, tức đơn giá cho 1 km đường sắt, do Bộ Xây dựng ban hành đang áp dụng hiện nay chỉ dành cho đường sắt quốc gia mà thôi, không thể áp dụng cho đường sắt cao tốc. Còn nếu áp dụng tỷ suất đầu tư của đường sắt cao tốc tại nước ngoài thì hãy tham khảo giá thành được cho là rẻ nhất sau đây: Đài Loan làm 350 km đường sắt cao tốc tốn kém 18 tỷ USD mất 15 năm, ta làm gấp 5 lần số đó nội suy tuyến tính cũng phải 90 tỷ USD chưa tính trượt giá theo thời gian. Như vậy 56 tỷ USD chỉ đủ “thế chấp”. Còn việc dự kiến thời gian thi công 20 năm thì “duy ý chí”, nhanh lắm cũng phải 40 năm. Ngay dự án đường sắt cao tốc do JICA lập, thẩm định dự án là Bộ Kế hoạch Đầu tư và JICA là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa làm quản lý Nhà nước vừa làm doanh nghiệp làm trái luật Xây dựng, luật Doanh nghiệp.
JICA là Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, chưa phải là một “doanh nghiệp hành nghề tư vấn thiết kế” nên không thể lập một dự án đầu tư theo luật Xây dựng của Việt Nam.
Không cần đi thuê chuyên gia nước ngoài mà tốn kém ngân sách Nhà nước, một kỹ sư xây dựng – giao thông bình thường của Việt Nam, theo “đơn giá thực tiễn” đường sắt cao tốc tại Đài Loan cũng nội suy tính được 250 km đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh là 12 tỷ USD, 500 km TP HCM – Nha Trang là 25 tỷ USD “để biết có khả thi hay không”. Hội nghị các nhóm tài trợ Quốc tế về ODA vừa họp tại Hà Nội chỉ dành cho Việt Nam 7 tỷ USD chia cho 10 năm và trên nhiều lĩnh vực thì liệu có phép màu nào để đủ vốn 37 tỷ USD cho hai dự án đường sắt cao tốc đã được chia nhỏ để dễ dàng “lọt qua barie” của Quốc hội trí tuệ!?

Còn nhớ khi đưa ra Quốc hội tranh luận dự án đường sắt cao tốc 56 tỷ USD, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam đã cảnh báo sớm sự mơ hồ khi coi thường luật pháp cũng như hiệu quả kinh tế, thời gian hoàn vốn… TS Vương Đình Khánh – chủ tịch danh dự hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam – đã gọi đây là “một dự án được lập với trình độ i - tờ, bỏ qua luật đường sắt Việt Nam”, còn GSTS Phạm Công Hà – Chủ tịch hội Kinh tế & Vận tải đường sắt Việt Nam – cảnh báo “ảo tưởng hành khách” và “mỗi tháng làm một cây cầu Thanh Trì liệu có nổi?”. Họ là những chuyên gia đường sắt kỳ cựu có lương tâm đã sáng suốt và dũng cảm lên tiếng bảo vệ luật đường sắt Việt Nam.
Làm 1570 km đường sắt cao tốc dài nhất thế giới có thay thế được đường sắt quốc gia?!
“Kiên cố hóa toàn bộ 3200 km đường sắt quốc gia khổ 1 mét chỉ để chở hàng hóa, còn đường sắt cao tốc chỉ để chở hàng khách”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã sai lầm chiến lược khi có tham vọng như vậy!
Đường sắt cao tốc là một loại đường sắt nhẹ tốc độ cao chỉ chở được duy nhất là hàng khách và hành lý theo người, một kiện hàng 500 kg đã không chở được, nên không thể thay thế được vai trò quan trọng đặc biệt của đường sắt quốc gia, càng không thể kết nối vào mạng đường sắt quốc gia cũng như quốc tế! Nó là loại “đường sắt quý tộc”, đại xa xỉ và đắt nhất thế giới. Đài Loan đang phải trả giá cho đường sắt cao tốc do lãng phí, lại lệ thuộc hoàn toàn vào sự điều hành của các chuyên gia nước ngoài, không chỉ một nước mà là đa quốc gia nên gần như mất tính tự chủ và đang thua lỗ. 

Cả thế giới mới chỉ có khoảng 4500 km đường sắt cao tốc, ta làm 1570 km đường sắt cao tốc để thay thế đường sắt quốc gia thì quả thực Bộ trưởng Giao thông Vận tải trở thành “người thích đùa”!
Giá trị sử dụng của đường sắt quốc gia cao gấp cả trăm lần so với đường sắt cao tốc vì nó chở được hàng siêu trường siêu trọng, chở nhiều hành khách, giá thành rẻ, hao phí năng lượng ít, chi phí vận hành bảo dưỡng thấp, phù hợp với mọi loại địa hình, khí hậu thời tiết, chở được nhiên liệu, nguyên liệu, xe tăng đại bác nên phù hợp cho cả kinh tế xã hội cũng như quốc phòng và an ninh.
So sánh việc đầu tư 56 tỷ USD cho 1570 km đường sắt cao tốc với việc đầu tư 5-6 tỷ USD để mở rộng và hiện đại hóa toàn bộ 3200 km đường sắt quốc gia khổ 1 mét qua 1. 425 thì hiệu quả đầu tư vào đường sắt quốc gia rẻ hơn 10 lần song giá trị sử dụng cao gấp 100 lần và thời gian thi công lại nhanh hơn, chỉ có 3 năm so với 30 năm của dự án đường sắt cao tốc

Khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã nói liều trước cả một Quốc hội đầy trí tuệ!

Bộ trưởng “quyết tâm chính trị” hòa mạng bằng được 5 tuyến đường sắt đô thị khổ 1.435 mét vào mạng đường sắt quốc gia trong khi đường sắt của ta vẫn đang duy trì khổ 1 mét thời nô lệ thì làm sao hòa mạng được. Nếu đường sắt quốc gia có mở rộng 1.435 mét vẫn không thể làm vì theo nguyên Tổng cục trưởng Đường sắt Việt Nam Trần Mẫn đã cảnh cáo các Tiến sĩ đường sắt dưới quyền rằng “Các anh ấu trĩ quá, không ai hòa mạng đường sắt đô thị vào đường sắt quốc gia. Vì sao ư? Đó là hai hệ đường sắt khác nhau hoàn toàn, hòa vào để được gì?”. Ông là người gắn cả cuộc đời trai trẻ cho đường sắt một nước Độc lập, được đào tạo cơ bản tại Liên Xô và Trung Quốc, là người chỉ huy đoàn tàu Thống Nhất lịch sử từ TP Hồ Chí Minh vào ga Hà Nội kéo còi báo hiệu thông tuyến xuyên Việt vào tháng 12/1976.
“Việt Nam làm đường sắt cao tốc để hòa mạng quốc tế xuyên Á” theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải là siêu thực vì hiện nay trên thế giới chưa có một quốc gia nào có chiều dài đường sắt cao tốc vượt qua biên giới để nối mạng quốc tế. Đường sắt cao tốc không thể nối mạng vào đường sắt quốc gia vì tải trọng hai loại khác nhau hoàn toàn và ở hai hệ điều hành kỹ thuật độc lập như nguyên Cục trưởng đường sắt Trần Mẫn đã từng cảnh báo cho các tiến sĩ dưới quyển mình. 

Sau khi Quốc hội đã biểu quyết bác bỏ mà Bộ trưởng Giao thông Vận tải vẫn tuyên bố “Tái khởi động đường sắt cao tốc là cần thiết và đúng luật, không thể không làm đường sắt cao tốc”, điều đó cho thấy ông Bộ trưởng thực sự vượt trên cả thẩm quyền tối cao của Quốc hội và vượt trên cả luật đường sắt Việt Nam.
Rõ ràng rằng siêu dự án đường sắt cao tốc 56 tỷ USD đã vi phạm luật và Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng đã thực sự liều khi nói ra những điều trước cả một Quốc hội gồm những đại biểu trí tuệ do 86 triệu dân lựa chọn bầu ra trong đó có nhiều Giáo sư Tiến sĩ khoa học ưu tú!
Khi cho rằng “đường sắt nước ta 130 năm lịch sử đã bị lấn chiếm” thì Bộ trưởng đã thổi phồng sự thật và kết tội chính mình vì Nghị định 37/CP về bảo vệ an toàn hành lang đường sắt quốc gia quy định Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Cho rằng “mở rộng đường sắt khổ 1.435 m sẽ làm ngưng trệ giao thông suốt 3-4 năm” thì Bộ trưởng đã coi 1000 giáo sư tiến sĩ của Bộ Giao thông Vận tải là vô dụng, chịu “bó tay” và thất bại ê chề trước một hệ thống đường sắt lạc hậu hơn cả thời kỳ nô lệ trước 1945!
Còn nói rằng “Phải kiên cố hóa đường sắt khổ 1 mét chỉ dành để chở hàng hóa” là Bộ trưởng đã công khai giết chết vai trò đường sắt quốc gia để dọn đường cho dự án đường sắt cao tốc thay thế vai trò đường sắt quốc gia! 

Thật đáng tiếc, dưới quyền Bộ trưởng Giao thông Vận tải có 1000 giáo sư tiến sĩ trên các lĩnh vực đường sắt, hàng không, đường bộ, đường biển, đường sông, quy hoạch giao thông, kinh tế vận tải, khoa học công nghệ, nhiều luật gia giỏi… của 10 trường đại học, học viện, hàng chục viện nghiên cứu Giao thông Vận tải, các Cục, Vụ, Viện của Bộ làm tham mưu cho Bộ trưởng lại không hiểu về đường sắt, không nắm luật đường sắt Việt Nam, làm tham mưu sai cho Bộ trưởng trong dự án đường sắt cao tốc 56 tỷ USD đầy tai tiếng!
Là bộ chủ quản giúp Quốc hội dự thảo luật đường sắt Việt Nam để thông qua để thực thi mà lại vi phạm luật do chính mình chấp bút thì khác nào xé luật.
Sau 5 năm thực thi luật đường sắt Việt Nam (1906-2010), đường sắt quốc gia đã không được quan tâm mở rộng hiện đại và đang từng ngày từng giờ tụt hậu không phanh, thua xa cả vận tải đường sông và thực sự đang trong thời kỳ phá sản vì thị phần ngày càng giảm dưới 6%!
Đã đến lúc phải nhấn thấy được tầm quan trọng của đường sắt quốc gia là “động mạch chủ”, là phương tiện giao thông vận tải chủ lực chiến lược quan trọng đặc biệt mang tầm vận mệnh Đất nước, là tài sản quốc gia khổng lồ (trị giá tài sản trên 30 tỷ USD) là nguồn lợi to lớn vĩnh cửu của cả một dân tộc phải được hiện đại và khai thác có hiệu quả để phục vụ nhân dân.
Kéo dài sự lạc hậu của đường sắt quốc gia khổ 1 mét thời nô lệ đang là nỗi đau của toàn xã hội và đang từng bước thủ tiêu dần đường sắt quốc gia. Đó là nguyên nhân của thực trạng quá tải và đại họa tai nạn giao thông hiện nay. 

Bởi vậy, khi một Bộ trưởng Giao thông Vận tải không biết về tầm quan trọng đặc biệt của đường sắt quốc gia và luật đường sắt Việt Nam thì đó sẽ là tổn thất nặng nề cho Đất nước, hậu quả nhãn tiền đó là tính mạng nhân dân trong thảm họa quốc gia vể tai nạn giao thông mỗi năm làm 13 ngàn người chết, thiệt hại kinh tế 1 tỷ USD và hỗn loạn giao thông tại Việt Nam sẽ còn kéo dài mà không có hồi kết!

T. Đ . B.

10 thg 1, 2011

Khát vọng của dân

Tương Lai
Người dân mong muốn Đại hội thể hiện rõ tính chiến đấu và sự trung thực của người cộng sản, không tránh né những vấn đề có tính nguyên tắc, công khai và minh bạch trong tranh luận chứ không dễ dàng xuôi theo những vấn đề đã được chuẩn bị sẵn.
Tinh thần thời đại

Thế giới đã biến đổi quá nhiều đến mức những công thức để thành công trong ngày hôm nay hầu như chắc chắn sẽ là những công thức để thất bại trong ngày mai”. Ý tưởng ấy là của Rowan Gipson nói với các nhà doanh nghiệp về cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thời đại chúng ta đang sống. Và chắc là ý tưởng ấy không chỉ dành riêng cho các doanh nhân.

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI vừa kết thúc, chúng ta đang bước vào thập kỷ thứ hai. Những diễn biến của cuộc sống trong thập kỷ vừa qua cho thấy một điều tưởng như nghịch lý: chuẩn mực chính là sự thay đổi! Khái niệm đó diễn đạt một đặc trưng của nền kinh tế số: luôn tìm kiếm sự mất cân bằng trong phát triển. Một hệ thống mạng phức tạp nếu đứng mãi ở trạng thái cân bằng và ổn định sẽ là nguy cơ đẩy tới sự đình đốn và suy thoái. Ở đây, người ta đã dùng một hình ảnh thú vị để nói về sự diễn tiến của nó: sự phá hủy sáng tạo. Nếu hiểu sự phá huỷ sáng tạo nhằm phá vỡ cái trạng thái cân bằng cũ nhằm tạo ra trạng thái cân bằng tương đối mới tạm thời trong cả quá trình vận động, thì đây không chỉ là đặc trưng của kinh tế số mà cũng là logic của phát triển nói chung. Đương nhiên, cần phải có một con mắt biện chứng để nhìn sự vật, thì mới thấy ra được sự phá huỷ sáng tạo nhằm vượt qua sự ổn định trì trệ để thúc đẩy những bước phát triển mới.

Đừng quên rằng “…trong quá trình phát triển, tất cả những gì trước kia là hiện thực thì hiện nay trở thành không hiện thực, mất tính tất yếu, mất quyền tồn tại, mất tính hợp lý của chúng; và hiện thực mới, đầy sinh lực, thay thế cho hiện thực đang tiêu vong”*. Quan điểm biện chứng ấy của Hégel được Ăng-ghen dẫn ra cách đây gần 2 thế kỷ liệu có thể giúp làm sáng tỏ những ý tưởng vừa trình bày không? Với cái nhìn biện chứng đó mà dõi theo sự vận động của thế giới trong buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, với những biến động dồn dập mà trước đó khó hình dung nổi, càng hiểu ra rằng sự biến đổi chính là một hằng số trong thế giới mà chúng ta đang sống và khái niệm “chuẩn mực chính là sự thay đổi” là logic mới do thời đại tạo ra. Thử thách lớn song cũng là hạnh phúc lớn cho chúng ta là chứng nhân của những sự kiện mang tầm vóc lịch sử làm thay đổi diện mạo chính trị của thế giới trong dòng chảy bất tận của cuộc sống.

Dòng chảy của cuộc sống ấy vẫn miệt mài không một phút giây ngừng nghỉ song không phải là cái trước tiếp cái sau theo trình tự tuyến tính mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng nảy sinh những hợp trội không dự báo trước được. Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, từ bên trên quyết định. Trong dòng chảy miệt mài với những đột phá những hợp trội ấy của cuộc sống, con người tịến vào những miền đất mới mà hành trang cần thiết nhất chính là đôi mắt mới của một tư duy mới. Không có một bản đồ vạch sẵn cho con đường phía trước. Những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống không còn đủ cho hành trình của dân tộc đi về phía trước.

Cũng là một khuyến cáo với doanh nhân từ người được giải Nobel về kinh tế năm 2009 đại ý như sau: Câu hỏi chúng ta phải tự đặt ra là liệu chúng ta có đủ dũng khí để phá bỏ các trung tâm quyền lực truyền thống, nhờ đó quân lính sẽ được xem trọng hơn vị tướng không? Trong một trận bóng đá, có cả thảy 22 cầu thủ song vào mỗi thời điểm nhất định, chỉ duy nhất một cầu thủ có bóng. 21 người còn lại hình thành nên một cấu trúc. Cấu trúc mở mà chúng ta đang tham gia không đề cập đến cầu thủ đang có bóng mà là về cấu trúc của 21 cầu thủ còn lại. Mọi tổ chức hướng tới tương lai cần tiến hành kiểm nghiệm thực tế về thiện chí và khả năng phi cấu trúc hoá của mình để có thể thích ứng được với môi trường kinh doanh mới trong tương lai. Tầm nhìn của chúng ta đã đủ để hình dung tổ chức của mình dưới dạng các hình thái sinh tồn luôn cộng sinh và biến hoá cùng với thị trường chưa? Liệu chúng ta có dám hy sinh để bước ra khỏi cái tôi và cho nhân viên cấp dưới quyền được phát biểu ý kiến? Liệu chúng ta có đủ dũng cảm để phi cấu trúc hoá cơ chế cứng nhắc hiện tại dù biết nó từng vận hành tốt trong quá khứ? Đấy là chưa nói đến chuyện những sai lầm từng dẫn dắt sự vận hành cuộc sống trong quá khứ!

Là khuyến cáo với các nhà doanh nghiệp, nhưng có lẽ vấn đề được đặt ra có ý nghĩa rộng hơn nhiều. Sự sống không ngừng sinh sôi nảy nở. Màu xám của mọi lý thuyết đã có lúc trùm lấp lên vẻ non tơ của cây đời khiến cho tư duy của không ít người bị cầm tù quá lâu trong những giáo điều đã được học thuộc lòng. Vậy mà, có những thời điểm quyết định vào các bước ngoặt lịch sử có tầm quan trọng lớn lao hơn các thời điểm khác, bởi vì những thay đổi chúng tạo ra là cực kỳ sâu rộng, nhiều chiều và khó tiên đoán. Phải chăng thời điểm chúng ta đang sống cũng có dáng dấp của tầm vóc lịch sử ấy khi mà dân tộc ta đang đối diện với những câu hỏi lớn về sự tồn tại, hội nhập và phát triển trước những thách thức mới rất gay gắt, đồng thời cũng đứng trước vận hội mới đầy triển vọng nếu đủ bản lĩnh vượt qua những thách thức ấy.

Mệnh lệnh của cuộc sống


Trước thềm của Đại hội XI của Đảng, vấn đề này đang đặt ra một cách bức xúc. Bức xúc vì nó thể hiện khát vọng mãnh liệt của nhân dân ta. Khát vọng ấy đang đặt ra với Đảng, một đảng chính trị từng gánh vác sứ mệnh lịch sử thật vẻ vang, kế tục một cách xứng đáng truyền thống quật khởi của ông cha ta, làm nên Cách mạng Tháng Tám, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta tiến hành những cuộc kháng chiến thần thánh đánh bại những kẻ thù xâm lược luôn lớn hơn mình gấp bội trong thế kỷ XX, đưa dân tộc ta bước lên vũ đài quốc tế với tư cách một dân tộc độc lập với bản lĩnh vốn có của mình để tồn tại và phát triển trong một vị thế địa-chính trị đặc thù, đầy thử thách cam go.

Trên bước đường gian nan của công cuộc dựng nước, hàn gắn những vết thương chiến tranh kéo dài non nửa thế kỷ mà ít dân tộc nào trên trái đất này phải gánh chịu kiên cường và khốc liệt đến vậy, những bước gập ghềnh va vấp là không thể tránh khỏi, thậm chí có lúc đứng bên bờ vực của sụp đổ, nhân dân ta vẫn đủ bản lĩnh cùng với Đảng của mình vượt qua hiểm nguy để có ngày hôm nay. Có được như vậy vì Đảng biết nghe dân, biết từ sáng kiến của dân mà đúc kết thành chủ trương, đường lối để lãnh đạo công cuộc Đổi Mới thắng lợi. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. **

Quả thật, ý dân là ý trời. Xin chỉ gợi lại một cột mốc lịch sử. Dân đã tự mình cởi trói, bung ra trong sản xuất, đẩy tới chỉ thị 100 của Ban Bí thư ngày 13.1.1981 mở đường cho nông dân làm ăn để có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ngày 5.4.1988, trả lại quyền tự chủ sản xuất và kinh doanh cho hộ kinh tế gia đình nông dân, tạo nên một chuyển biến quyết định về nông nghiệp, nông thôn, để từ đó thúc đẩy sự chuyển biến của công nghiệp và đô thị. Chỉ cần một tháo gỡ về đường lối, chưa đòi phải đầu tư vốn liếng và kỹ thuật gì phức tạp cả, mà từ chỗ phải nhập 199,5 ngàn tấn gạo năm 1988 và ở Miền Bắc lúc bấy giờ có khoảng 3,6 triệu người bị thiếu đói trầm trọng, thì sang đến năm 1999, cũng con người ấy, đồng ruộng ấy, sản xuất lương thực đã tăng vọt lên 21 triệu tấn, bình quân lương thực vượt qua ngưỡng trên 300kg/ người của thời kỳ 1955-1958, lại xuất khẩu được 1,4 tấn gạo!
Có lẽ phải nói thêm cách suy nghĩ thật giản đơn nhưng hết sức năng động và sáng tỏ của người nông dân, dám đương đầu với những áp lực của những lực cản của cái cũ, “đang suy tàn nhưng được tập quán thần thánh hóa” như Ph.Ăng-ghen đã từng chỉ ra. Trước những truy chụp nặng nề và quái ác về “lập trường, quan điểm”, có đảng viên đã phản ứng thẳng thừng: “hoặc là con cháu của Mác, hoặc là chú bác với bọn phản động, thế thôi, đói quá phải chui, còn đúng hay sai, hạ hồi phân giải”*** [tưởng cũng nên nhắc thêm rằng, trên tivi đang chiếu cuốn phim “Bí thư tỉnh ủy“, có thể tìm thấy những hình ảnh thật sinh động cho chuyện này. Còn nếu muốn làm “con cháu của Mác” thì cũng xin dẫn ra nguyên văn ý của Mác: “không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ chp phát triển vẫn chưa phát triển”!]

Bài học của giáo điều, bảo thủ và đổi mới, sáng tạo thật là thấm thía. Nói chữ nghĩa to tát thì thế, nhưng thật ra, chân lý thật giản đơn, vì đó là cuộc sống. Biết bám vào cuộc sống của dân, dám nghe dân, hiểu được ý chí và nguyện vọng của dân thì mọi giáo điều sẽ như sương mù tan biến dưới ánh mặt trời!

Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vào thời điểm nhạy cảm này chính là thực hiện lời căn dặn của Bác “phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước thềm Đại hội, thiết thực nhất là làm theo đòi hỏi của Bác: đừng “làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà làm kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo... làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công nhưng về mặt chính trị là thất bại”. **

Về nguyên tắc thì dân không được dự Đại hội Đảng, dân cũng không được bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là bầu Tổng Bí thư! Ở đây là một thực tế lịch sử, dân ta sẵn sàng chấp nhận thực tế lịch sử đó khi Đảng thực sự là Đảng của dân, biết “đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.**

Vậy là nguyên tắc thì như vậy, đồng thời về nguyên lý thì vừa qua, những Văn kiện sẽ đưa ra trình Đại hội XI thảo luận đã ít nhiều có sự đóng góp của dân, trong đó có sự đóng góp của nhiều đảng viên là cán bộ lão thành cách mạng, những người đã có trải nghiệm thành công và thất bại của Đảng, có đóng góp của những cựu chiến binh, những người đã từng cống hiến cuộc đời và một phần xương máu của mình cho sự nghiệp của dân tộc, có đóng góp trí tuệ và tâm huyết của nhiều trí thức chân chính, đã từng đúc kết những bài học của nước mình và của thế giới để đưa ra những kiến nghị có cơ sở khoa học và thực tiễn. Để chứng tỏ Đảng là Đảng của dân, Đảng biết trân trọng những đóng góp của dân, thì cần công khai toàn bộ những ý kiến đóng góp đó, ghi rõ những ý kiến nào Đại hội tiếp thu, đưa ra thảo luận để chuyển thành Nghị quyết, những ý kiến nào cần nghiên cứu để chỉ rõ đúng sai để trả lời thật minh bạch.

Một điều thiết thực và bức xúc nữa của dân, và cũng là của đông đảo đảng viên không phải là đại biểu Đại hội, nhưng thông qua đại biểu của mình, mong mỏi Đại hội đổi mới cách làm việc, đặc biệt là cách bầu BCHTƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là bầu Tổng Bí thư. Làm sao để Đại hội thực sự là cơ quan cao nhất của Đảng như Điều lệ Đảng đã quy định, nơi trực tiếp quyết định những vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của dân.

Muốn thế, Đại hội phải thể hiện rõ tính chiến đấu và sự trung thực của người cộng sản, không tránh né những vấn đề có tính nguyên tắc, công khai và minh bạch trong tranh luận chứ không dễ dàng xuôi theo những vấn đề đã được chuẩn bị và sắp đặt sẵn. Đành rằng, bất cứ với cách thức nào thì sự chuẩn bị của Ban Tổ chức Đại hội là điều phải có. Song quyền quyết định phải là Đại hội, là sự tranh luận và biểu quyết của tất cả các đại biểu.

Hơn lúc nào hết, trước thềm của Đại hội XI, khí phách của dân tộc cần được khởi động. Những âm vang của lịch sử như giục giã mỗi chúng ta. Từ “Cương lĩnh dựng nước” của Khúc Hạo thế kỷ thứ X “Chính sự cốt chuộng sự khoan dung, giản dị để cho trăm họ được yên vui” đến bản lĩnh của Trần Hưng Đạo thế kỷ XIII “Bệ hạ muốn hàng xin trước hãy chém đầu tôi đã”, đến khí phách của người cộng sản Hoàng Văn Thụ thế kỷ XX trước giờ lên máy chém “Việc nước xưa nay có bại thành. Miễn sao giữ trọn được thanh danh”.

Người đảng viên của Đảng, những người gánh vác trọng trách của Đảng và cũng là của dân, trước hết phải là người yêu nước nhất, là người tỏ rõ khí phách trước kẻ thù, là người có bản lĩnh dám đương đầu trước mọi khó khăn, dám ở nơi đầu sóng ngọn gió để cùng dân tộc đi tới trong một thế giới đầy thử thách và đầy biến động khó lường của thế kỷ XXI. Đó chính là khát vọng của dân vào thời điểm nhạy cảm trước thềm Đại Hội XI của Đảng!

---

* C.Mác và PH.Ăng-ghen Toàn tập. Tập 21. HàNôi 1995, tr. 393.
** Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 5. NXBCTQG, Hà Nội 1995. tr.295. tr.293, tr.297
*** Thái Duy. Đổi Mới ở Việt Nam. Nhớ lại và Suy Ngẫm. Chủ biên:Đào Xuân Sâm & Vũ Quốc Tuấn.
 NXB Tri thức. 2008. tr.301