23 thg 7, 2011

Giai thoại Nguyễn Sinh Hùng

Chúng ta sắp có tân chủ tích nước. Một quyết định không quá bất ngờ nhưng không ai có thể giải thích được tại sao ông lại được làm CTQH.

Dưới đây xin điểm lại vài câu nói bất hủ của ngài Phó thủ tướng để mọi người xem thử đóng góp của Ngài cho sự khó khăn hiện nay của Việt Nam lớn đến chừng nào.

1. “Với những chính sách điều chỉnh thị trường hiện nay, tôi đảm bảo TTCK sẽ lên giá và có chất lượng hơn. Nếu là nhà đầu tư chứng khoán thì lúc này tôi sẽ mua cổ phiếu”. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ ngày 6/3/2008 http://nld.com.vn/217238P1010C1002/t...-linh-hoat.htm

2.
“Thị trường đã giảm đến đáy, nên trong điều hành Chính phủ quyết tâm không để giảm thêm. Thời điểm này, nếu nhà đầu tư nào bán tháo cổ phiếu thì sẽ thất bại, ngược lại người nào có quyết định mua vào thông minh sẽ thắng”.
http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-vn/75...7/Default.aspx

Đây là khẳng định của ngài PTT Nguyễn Sinh Hùng tại Lễ kỷ niệm ba năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) ngày 19/3/2008
Khi ngài PTT nói 2 câu trên thì chỉ số giá chứng khoán đang đứng ở mức khoảng trên dưới 600 điểm, sau thời điểm ngài PTT phát biểu thì mọi người đều biết giá chứng khoán đã đi xuống một lèo và đáy thực sự của TTCK là khoảng 220 điểm.


3.
“Tôi thì vẫn chưa lo”. Ngày 8/6/2010, PTT vừa cười vô tư vừa nói câu này khi được các phóng viên hỏi về những lo ngại về hiệu quả kinh doanh tại Vinashin trong kỳ họp Quốc hội. Chỉ 1 tháng sau, tháng 7/2010, thông tin về vụ bê bối ở Vinashin bung ra (đương nhiên là ông không phải lo rồi, có mất gì tiền của ông đâu mà ông lo).
http://dantri.com.vn/c20/s20-401064/...g-tai-scic.htm



4.
“Việt Nam không thể không làm đường sắt cao tốc” Trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 12/6/2010
http://vneconomy.vn/2010061202145798...at-cao-toc.htm

Sau đó Quốc hội đã bác dự án xây dựng ĐSCT. Vậy theo ông Hùng thì Quốc hội đã đi ngược lại xu thế đi lên của đất nước?


5.
“GDP năm nay của Việt Nam tuy chỉ có 106 tỷ USD, nhưng đến 2020 sẽ tăng lên 300 tỷ USD và năm 2030 là 700 tỷ, đến 2040 ước đoán cỡ 1,2 – 1,4 nghìn tỷ USD. Đến 2050, khi hoàn thành toàn tuyến, con số đó dự kiến sẽ tăng gấp đôi”. “Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng lên mức 6.000, rồi 12.000 và sẽ đạt 20.000 vào năm 2050″. Ngài PTT giải thích về những lo ngại của các đại biểu Quốc hội là Việt Nam không đủ nguồn lực làm ĐSCT.
http://vneconomy.vn/2010061202145798...at-cao-toc.htm

Không hiểu ngài PTT lấy con những con số trên từ những cơ quan tham mưu nào, dùng tỷ giá hối đoái là bao nhiêu chứ TS Nguyễn Văn Tuấn khi tính trực tiếp bằng đồng USD thì cho ra con số bé hơn nhiều. Tới năm 2050 GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ vào khoảng 5400 USD chứ không thể là 20.000 USD như ngài nói: http://nguyenvantuan.net/news/6-news...g-qua-lac-quan

6.
“Sai thì phải sửa, làm 10 việc tốt cũng có thể có một việc sai. Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo, cứ dẹp đi là bầu không kịp”.
http://vneconomy.vn/2010061202145798...at-cao-toc.htm

Câu này gần giống y với câu của cựu Thủ tướng thời Việt nam Cộng hòa, Trần Văn Hương là: “Trị hết tham nhũng thì lấy ai mà làm việc”. Tư tưởng này đã được quán triệt đầy đủ trong việc Bộ Chính trị cho rằng Vinashin làm thất thoát 4,5 tỷ USD, tương đương 4,5% GDP của Việt Nam là chuyện nhỏ, không đáng xử lý kỷ luật ai cả (lưu ý tính về tỷ trọng GDP thì thất thoát từ Vinashin bằng với trận động đất, sóng thần lịch sử đã làm tan hoang Nhật Bản vừa qua).


7.
Ai dám hạn chế không cho các anh phát hành trái phiếu. Chính phủ sẽ không để xảy ra ngừng trệ vốn kinh doanh cho các tập đoàn”. Trả lời than thở của Phạm Thanh Bình, TGĐ Vinashin trong cuộc họp ngày 23/4/2008: “Vốn chủ yếu vay từ ngân hàng, nhưng lãi suất cao. Chúng tôi đã trình đề án xin phát hành trái phiếu sáu tháng nay nhưng chưa được phê duyệt”.
http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/2008/04/779904/

Và ông Hùng thể hiện quyết tâm này bằng việc quyết liệt ký ban hành văn bản cho phép Vinashin được huy động 20.000 tỷ đồng, trong đó quan trọng nhất là đã chỉ định hay nói đúng hơn là ép các ngân hàng phải cho Vinashin vay 10.000 tỷ trong thời điểm các doanh nghiệp nhỏ và vừa cực kỳ khó khăn vì thiếu vốn. Xin hỏi 10.000 tỷ này bây giờ đã bốc hơi đi đâu rồi, chừng này đủ để kỷ luật ông được chưa? Các ngân hàng phải khoanh nợ và giãn nợ cho Vinashin, mỗi ngân hàng ngàn tỷ bị chôn vốn ở đó thì họ đã được giải cứu bằng cách nào để không bị phá sản? Có phải NHNN đã phải in tiền ra để tái cấp vốn cho các ngân hàng này? Và đó có phải là 1 trong những nguyên nhân đẩy lạm phát hiện nay lên rất cao và chưa có dấu hiệu dừng lại?
http://vneconomy.vn/2008092509323483...-cac-du-an.htm


Trên đây chỉ là vài tổng kết chưa đầy đủ về những câu nói bất hủ của ông Sinh Hùng, người đã gọi các DNNN là “anh cả đỏ của nền kinh tế” rồi cho rằng nhà nước nuôi các DNNN ba năm để dùng một giờ. Xin thử hỏi trên khắp thế giới này là doanh nghiệp làm ra tiền để nuôi nhà nước hay nhà nước làm ra tiền để nuôi doanh nghiệp? Và kết quả kinh doanh của các con cưng “anh cả đỏ” và các “cú đấm thép” đã đấm vỡ mặt người tiêu dùng và nền kinh tế Việt Nam này như thế nào có thể đọc bài này là rõ: http://baodatviet.vn/Home/kinhte/Run...141587.datviet


17 thg 7, 2011

Làm thế nào để giảm lãi suất?


 Nguyễn Quang A

Các doanh nghiệp kêu trời về lãi vay quá cao. Ngân hàng Nhà nước áp trần 14%/năm cho lãi suất huy động, trong khi lạm phát kỳ vọng của cả năm nay ở mức 18-20% và thực tế tất cả các ngân hàng đều phải nói dối với niêm yết lãi suất tiền gửi 14%/năm cho mọi kỳ hạn tiền gửi và thực tế thì huy động ở mức 18%/năm.
Một quy định bắt tất cả mọi người phải nói dối là một quy định sai, huỷ hoại lòng tin, tạo ra thói quen dối trá, rất có hại trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển của đất nước.
Một số “chuyên gia” hô hào phải tìm mọi cách giảm lãi suất để giúp các doanh nghiệp.
Các chuyên gia khác, ít nhất là tất cả những người dự hội thảo của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam ngày 12.7.2011, thì cho rằng để chống lạm phát phải thắt chặt tiền tệ, tức là lãi suất (huy động và cho vay) phải cao (hơn mức lạm phát) để giảm cầu và cung về tiền, giảm lượng tiền trong lưu thông – nguyên nhân trực tiếp của lạm phát.
Các “chuyên gia minh hoạ” hay các “cố vấn” thì lập luận phải hạ lãi suất xuống vì đó là giá của mặt hàng quan trọng nhất trong nền kinh tế - giá của vốn, nhà nước phải cho các ngân hàng vay với lãi suất thấp để họ cho vay cũng với lãi suất thấp. Nhà nước lấy đâu ra tiền cho ngân hàng vay? Hay họ khuyên nhà nước in thêm tiền? Không hiểu các “chuyên gia” và cố vấn này có gửi tiền ở và vay từ ngân hàng Việt Nam hay không? Tôi không tin là họ có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng, và kinh tế dẫu họ có rao giảng về ngân hàng. Nghe các cố vấn như vậy sẽ nguy hại cho đất nước.
Tại hội thảo trên có một đề xuất lý thú (thực ra đã được nêu ra, kiến nghị từ lâu, nhưng dường như các cơ quan nhà nước và các nhóm lợi ích ít lắng nghe) để chống lạm phát, hạ lãi suất: giảm thu ngân sách, giảm vay nợ, cắt giảm đầu tư công và tăng hiệu quả đầu tư công. Nói đã rất nhiều về chuyện này, nhưng làm thì quá ít, vì giảm thế, “cắt” thế, thì người ta lấy đâu để chia chác, nói cách khác nó đi ngược với “lợi ích” (bất hợp pháp) của một số nhóm lợi ích, nó không khuyến khích họ làm vậy. Phải tạo ra các khuyến khích khác (về mặt chính trị và hành sự) để họ có động cơ làm vậy (quyết tâm chính trị, trừng trị việc “chia chác”).
Mức thu ngân sách của Việt Nam (tính bằng tỷ lệ của GDP) luôn ở mức cao nhất nhì khu vực, từ 21,9% năm 1995 lên 27,7%  năm 2008 (trong khi các con số tương ứng của Trung Quốc là  10,3 và 20,4%; của Thái Lan là 18,6% và 17%).
Tình hình kinh tế của chúng ta hết sức khó khăn, nhưng trong các năm qua chỉ tiêu thu ngân sách luôn luôn đạt rất tốt, luôn vượt dự toán, vượt kế hoạch và ngành thuế rất tự hào về thành tích đó. Thu ngân sách sáu tháng đầu năm 2011 hơn 300 ngàn tỷ là con số cao, vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, thu nhiều không tốt cho đất nước. Nó không khoan sức dân, vắt kiệt sức của người dân và các doanh nghiệp, nhưng tai hại hơn nó khiến cho phân bổ nguồn lực của xã hội đi theo hướng không hiệu quả: người làm ăn hiệu quả có ít nguồn lực, kẻ làm ăn không hiệu quả lại được phân bổ nhiều nguồn lực một cách không tương xứng.
Mức đầu tư từ ngân sách nhà nước của Việt Nam cũng cao nhất khu vực (tính bằng % của GDP trong năm 2008, Việt Nam 9,8%; Indonesia 1,6%; Malaysia 5,8%; Trung Quốc 3,7%).
Nếu chúng ta giảm thu (thuế) và giảm vay thì tổng nguồn tiền mà nhà nước có thể sử dụng sẽ giảm đi (trong khi tổng của xã hội vẫn không đổi), tức là vốn xã hội được phân bổ nhiều hơn cho khu vực tư nhân hoạt động hiệu quả hơn và bớt đi của khu vực nhà nước hoạt động kém hiệu quả, do đó toàn bộ nền kinh tế sẽ hiệu quả hơn (và đấy là cách giảm lạm phát, giảm lãi suất hữu hiệu và lâu bền nhất).
Giảm thu ngân sách, giảm chi ngân sách, siết chặt kỷ luật tài chính của nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước (mà giới chuyên gia thường gọi là các biện pháp, chính sách tài khoá thắt chặt) phải là một nhiệm vụ trọng tâm trong ổn định kinh tế vĩ mô.
Ít nguồn lực hơn cho khu vực nhà nước kém hiệu quả buộc chi tiêu và đầu tư công phải cân nhắc kỹ hơn, và điều đó có thể giúp làm tăng hiệu quả chi tiêu. Việc giảm thu và giảm chi tiêu ngân sách phải được tiến hành cả ở cấp trung ương lẫn địa phương vì các địa phương chi một phần lớn của ngân sách nhà nước.
Quốc hội mới nên thực hiện tốt hơn quyền và trách nhiệm của mình trong quyết định về tổng thu ngân sách, về phân bổ và quyết toán ngân sách theo đúng như luật ngân sách quy định. Tổng cục thuế sẽ bị khiển trách hay kỷ luật thay vì được khen nếu thu vượt chỉ tiêu.
Nguồn lực xã hội như vậy được phân bổ tốt hơn: khu vực tư nhân hiệu quả nhận được nhiều nguồn lực hơn (do thu ít đi), khu vực nhà nước kém hiệu quả được phân bổ ít hơn (do giảm thu ngân sách), khiến cho hiệu quả của toàn xã hội tăng lên.
Ít nguồn lực hơn, làm cho kỷ luật tài chính của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước bị siết chặt hơn, khiến hiệu quả chi tiêu có thể tăng, tham nhũng, lãng phí có thể giảm.
Cả hai tác động tích cực đối với khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân sẽ khởi động vòng phản hồi tốt để nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế, khiến cho lạm phát, lãi suất giảm và ổn định vĩ mô được cải thiện, rồi giữ vững và duy trì.
Giảm thu ngân sách phải đi cùng với giảm chi để cho bội chi ngân sách giảm xuống. Khi hiệu quả được cải thiện cả ở 2 khu vực, khi kỷ luật tài chính được duy trì thì bội chi ngân sách cũng giảm, thậm chí có bội thu.
Giảm thu ngân sách để giảm lãi suất, giảm lạm phát, thậm chí tăng bội chi ngân sách, nghe có vẻ phi lý, nhưng suy nghĩ kỹ đấy là một biện pháp đáng thực hiện.


lao động
 

Toàn văn Kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay

15/07/2011


Bạn đọc yêu quý,
Như thông lệ của Bauxite Việt Nam, lẽ ra bản Kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay phải được gửi trước đến nhiều trí thức và đồng bào trong ngoài nước để thu thập chữ ký đến một số lượng nhất định rồi mới đăng lên. Nhưng vì mong muốn ra mắt kịp trong những ngày Quốc hội Việt Nam khoá XIII họp phiên đầu tiên, Nhóm soạn thảo quyết định cứ cho công bố sớm (ngày 14-7-2011) với 20 chữ ký mở đầu, sau đó sẽ xin tiếp tục trưng cầu ý kiến rộng rãi tất cả mọi người Việt quan tâm tới tình hình đất nước.
Nhóm soạn thảo lại có nhã ý mượn trang BVN làm nơi thâu nhận chữ ký của quý vị, vì thế, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn hòm thư dành riêng cho việc này. Những ai tán thành và tự nguyện ghi danh vào văn bản Kiến nghị đăng dưới đây xin vui lòng gửi về địa chỉ: kiennghi1007@gmail.com, sẽ có người chuyên trách thâu nhận và lên danh sách. Kính mong quý vị ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ cư trú, địa chỉ e-mail và nếu có thể cả số điện thoại, để khi cần Nhóm soạn thảo có thể liên lạc. Cũng rất mong quý vị cố gắng ghi đủ dấu thanh tiếng Việt ở những phần tiếng Việt, giúp cho việc lên danh sách đỡ tình trạng nhầm lẫn.
Xin trân trọng chuyển lời cảm ơn chân thành của Nhóm soạn thảo đến toàn thể bạn đọc và bà con xa gần.
Bauxite Việt Nam
clip_image001
KIẾN NGHỊ
VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Kính gửi: Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Chúng tôi, ký tên dưới đây, xin trân trọng gửi đến quý vị bản kiến nghị của chúng tôi trước tình hình hiện nay của Tổ quốc.
I- Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng
1. Từ khát vọng trở thành siêu cường, với vai trò là “công xưởng thế giới” và chủ nợ lớn nhất của thế giới, dưới chiêu bài “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc đang ra sức phát huy quyền lực dưới mọi hình thức, nhằm thâm nhập và lũng đoạn nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Một số nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng đến nay Trung Quốc đã vượt tất cả những gì chủ nghĩa thực dân mới làm được sau Chiến tranh thế giới II.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những bước leo thang nghiêm trọng trong việc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông với nhiều hành động bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của các quốc gia giáp Biển Đông. Trung Quốc tự ý vạch ra cái gọi là “đường chữ U 9 đoạn”, thường được gọi là “đường lưỡi bò”, chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, nhiều lần tuyên bố trước thế giới toàn bộ vùng “lưỡi bò” này thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc và đã liên tục tiến hành nhiều hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông để khẳng định yêu sách trái luật quốc tế này.
Hiện nay Trung Quốc đang ráo riết tăng cường lực lượng hải quân, chuẩn bị giàn khoan lớn, tiến hành nhiều hoạt động quân sự hoặc phi quân sự ngày càng sâu vào vùng biển các quốc gia trong vùng này, gắn liền với những hoạt động chia rẽ các nước ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc.
2. Trên vùng Biển Đông thuộc lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, năm 1974 Trung Quốc đã tấn công chiếm nốt các đảo ở Hoàng Sa, năm 1988 đánh chiếm thêm 7 đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của ta; từ đó đến nay thường xuyên tiến hành các hoạt động uy hiếp và xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, như tự ý ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, xua đuổi, bắt giữ, cướp tài sản của các tàu đánh cá trên vùng này, gây sức ép để ngăn chặn hoặc đòi hủy bỏ các hợp đồng mà các tập đoàn kinh doanh dầu khí của nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam, liên tục cho các tàu chiến hải giám đi tuần tra như đi trên biển riêng của nước mình. Gần đây nhất, tàu Trung Quốc cắt cáp quang và thực hiện nhiều hành động phá hoại khác đối với tàu Bình Minh 02 và tàu Viking II của ta đang hoạt động trong vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đó là những bước leo thang nghiêm trọng trong các chuỗi hoạt động uy hiếp, lấn chiếm vùng biển của nước ta.
Vị trí địa lý tự nhiên, vị thế địa chính trị và địa kinh tế trong bối cảnh quốc tế hiện nay khiến cho Việt Nam bị Trung Quốc coi là chướng ngại vật trên con đường tiến ra biển phía Nam để vươn lên thành siêu cường. Bằng mọi phương tiện và nhiều thủ đoạn từ tinh vi đến trắng trợn, Trung Quốc tìm mọi cách dụ dỗ, thâm nhập, lũng đoạn, uy hiếp, can thiệp nội bộ, lấn chiếm, và đã từng dùng hành động quân sự - tất cả đều trong mưu đồ lâu dài nhằm khiến cho Việt Nam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vào Trung Quốc.
Về phía ta, mặc dù đã có nhiều cố gắng và nhân nhượng để bình thường hóa và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, song cho đến nay cục diện cơ bản diễn ra trong quan hệ hai nước là: Việt Nam càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới.
3. Xem xét cục diện quan hệ hai nước, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong việc thực hiện ý đồ chiến lược của họ.
Dưới đây xin điểm những nét chính:
– Về kinh tế, nhập siêu của ta từ Trung Quốc mấy năm qua tăng rất nhanh (năm 2010 gấp 2,8 lần năm 2006) và từ năm 2009 xấp xỉ bằng kim ngạch nhập siêu của nước ta với toàn thế giới. Hiện nay, nước ta phải nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 80-90% nguyên vật liệu cho công nghiệp gia công của ta, một khối lượng khá lớn xăng dầu, điện, nguyên liệu và thiết bị cho những ngành kinh tế khác; khoảng 1/5 kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng, chưa kể một khối lượng tương đương như thế vào nước ta theo đường nhập lậu. Đặc biệt nghiêm trọng là trong những năm gần đây, 90% các công trình kinh tế quan trọng như các nhà máy điện, luyện kim, hóa chất, khai thác bô-xít, khai thác ti-tan... được xây dựng theo kiểu chìa khóa trao tay (EPC) rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc với nhiều hệ quả khôn lường. Trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu từ nước ta chủ yếu dưới dạng vơ vét nguyên liệu, nông sản và khoáng sản, với nhiều hệ quả tàn phá môi trường. Ngoài ra còn nạn cho Trung Quốc thuê đất, thuê rừng ở vùng giáp biên giới, nạn tiền giả từ Trung Quốc tung vào. Sự yếu kém của nền kinh tế trong nước chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xâm nhập, thậm chí có mặt chi phối, lũng đoạn về kinh tế của Trung Quốc. Chưa nói tới hệ quả khôn lường của việc Trung Quốc xây nhiều đập trên thượng nguồn hai con sông lớn chảy qua nước ta. Cũng không thể xem thường sự xâm nhập của Trung Quốc vào các nước xung quanh ta. Nếu Trung Quốc thực hiện được mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Việt Nam coi như bị bịt đường đi ra thế giới bên ngoài.
– Về chính trị, những hiện tượng thâm nhập của Trung Quốc về kinh tế kéo dài nhiều năm, có nhiều sự việc nghiêm trọng và còn đang tiếp diễn, đặt ra câu hỏi: Phía Trung Quốc đã làm gì, bàn tay của quyền lực mềm của họ đã thọc sâu đến đâu? Nạn tham nhũng tràn lan và nhiều tha hóa khác ở nước ta hiện nay có sự tham gia như thế nào của bàn tay Trung Quốc?
Lãnh đạo nước ta đã quá dè dặt, không công khai minh bạch thực trạng nghiêm trọng trong quan hệ Việt - Trung để nhân dân ta biết và có thái độ ứng phó cần thiết. Thực trạng hiện nay làm cho dân bất bình, khó hiểu lãnh đạo nước mình trong quan hệ với Trung Quốc; về phía Đảng và Nhà nước thì lúng túng, không dựa vào sức mạnh của dân; còn bè bạn quốc tế thì lo lắng, thậm chí ngại ngùng ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam.
– Về quan hệ đối ngoại Việt - Trung, cách ứng xử của phía ta gần đây nhất được thể hiện trong Thông tin báo chí chung (TTBCC) Việt Nam và Trung Quốc về cuộc gặp giữa hai Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc do Bộ Ngoại giao ta công bố ngày 26-06-2011. Thông tin này có những nội dung mập mờ, khó hiểu, gây ra nhiều điều băn khoăn, lo lắng cho dư luận trong nước và thế giới; ví dụ:
ü TTBCC hoàn toàn bỏ qua không nói gì tới những hành động gây hấn của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của nước ta trên Biển Đông, lại nêu “Hai bên cho rằng, quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt - Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”. Nếu câu này là nhận định thực trạng quan hệ hai nước hiện nay thì nguy hiểm và không đúng với sự thực đang diễn ra ngược lại. Phương châm “16 chữ” và tinh thần “bốn tốt” do chính lãnh đạo Trung Quốc đề ra; vì vậy ta đòi lãnh đạo Trung Quốc thực hiện đúng, chứ không thể xuê xoa bằng câu “hai bên nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác theo đúng phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt
ü TTBCC viết: “Hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị”. Nội dung của “nhận thức chung” này giữa lãnh đạo hai nước là gì, phía ta chưa nói rõ mà chỉ có những giải thích một chiều của phía Trung Quốc theo cách có lợi cho Trung Quốc, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 29-06-2011 nhấn mạnh “phía Việt Nam cần thực hiện thỏa thuận chung của lãnh đạo hai nước về giải quyết những vấn đề Biển Đông” và nói rằng “Cả hai nước chống lại sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài vào các vấn đề Biển Đông”. Trung Quốc liên tục có những phát ngôn từ chính khách và báo chí, coi nguyên nhân những căng thẳng mới trên Biển Đông hiện nay là do ta và các nước trong khu vực khiêu khích. Trong những phát ngôn đó, không ít ý kiến cho rằng về cơ bản đã chuẩn bị xong dư luận trong nhân dân Trung Quốc cho việc đánh Việt Nam và giành lại chuỗi ngọc “liên châu” (chỉ quần đảo Trường Sa)... Cách viết mập mờ, khó hiểu của TTBCC rất bất lợi và nguy hiểm cho nước ta, kể cả trên phương diện quan hệ quốc tế có liên quan đến những nước thứ ba.
ü TTBCC nêu “(Hai bên...) tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước...”. Phía Trung Quốc dựa vào điều này để gây thêm sức ép kiềm chế dư luận nước ta trong khi báo chí Trung Quốc vẫn tiếp tục đăng những bài vu cáo, miệt thị nhân dân ta. Trước các hành vi trái luật pháp quốc tế do phía Trung Quốc gây ra trên Biển Đông, cần khẳng định việc dư luận nhân dân ta vạch ra và có những hoạt động biểu thị thái độ lên án các hành động đó, làm hậu thuẫn cho các hoạt động chính trị, ngoại giao của Nhà nước ta, không thể coi là những “lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước...” Nhân dân ta có truyền thống lịch sử và bản lĩnh kiên cường, thời nào cũng không tiếc sức mình chủ động tìm mọi cách xây dựng, gìn giữ, bảo vệ mối quan hệ hữu nghị với nước láng giềng này; cho đến nay không bao giờ tự mình gây hấn với Trung Quốc, mà chỉ có đứng lên chống Trung Quốc khi Tổ quốc bị xâm lược.
II- Trong khi đó tình hình đất nước lại có nhiều khó khăn và mối nguy lớn
1. Nền kinh tế nước ta đang ở trong tình trạng phát triển kém chất lượng, kém hiệu quả, và lâm vào khủng hoảng kéo dài.
Tất cả những cố gắng từ vài năm nay là tập trung “chữa cháy”, cố cứu vãn nền kinh tế ra khỏi khó khăn trước mắt, trước hết là chống lạm phát. Từ 2007 đến nay (trừ năm 2009) lạm phát liên tục ở mức 2 con số; dự báo năm 2011 vẫn là hai con số ở mức cao. Nguồn lực huy động được trong nước và từ bên ngoài cho nền kinh tế nước ta trong mấy năm qua cao chưa từng có, song hiệu quả kinh tế lại thấp kém với chỉ số ICOR (tỷ lệ nghịch với hiệu quả đầu tư) tăng nhanh, lên mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là cao nhất trong khu vực. Nhập siêu đang ở mức cao. Thâm hụt ngân sách vượt quá ngưỡng báo động (5% GDP theo kinh nghiệm thế giới). Nền kinh tế vẫn trong tình trạng cơ cấu lạc hậu, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh đều thấp, tăng trưởng chủ yếu nhờ vào vốn đầu tư, lao động trình độ thấp và khai thác đất đai, tài nguyên đến cạn kiệt. Môi trường tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng. Khoảng cách giàu nghèo bị nới rộng, phân phối thu nhập ngày càng trở nên bất công. Các vấn đề kinh tế lớn như: sự tích tụ / phân bổ của cải; tình hình chiếm hữu và sử dụng đất đai; trạng thái thực thi pháp luật; sự hình thành các nhóm đặc quyền, đặc lợi và các nhóm quyền lực mới, sự xuất hiện các giai tầng mới đi liền với những bất công mới..., đang diễn biến ngược lại với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Kết quả cuối cùng là thu nhập danh nghĩa bình quân đầu người có tăng lên nhưng chất lượng cuộc sống xuống cấp trên nhiều mặt; sự bất an của người dân tăng lên; mức sống thực tế của phần lớn nông dân, của số đông công nhân và những người làm công ăn lương hiện nay giảm sút nhiều so với mấy năm trước.
2. Thực trạng văn hóa - xã hội của đất nước có quá nhiều mặt xuống cấp, cái mới và tiến bộ không đi kịp yêu cầu phát triển của đất nước và không đủ sức lấn át những cái hủ bại và tiêu cực; công bằng xã hội bị vi phạm nghiêm trọng, nguồn lực quý báu nhất của đất nước là con người chưa thực sự được giải phóng.
Trong nhiều vấn đề bức xúc, phải nói tới vấn đề hàng đầu là nền giáo dục của nước ta cho đến nay có nhiều mặt lạc hậu so với phần đông các nước trong khu vực, mặc dù nước ta thuộc số nước có tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục so với thu nhập (của cả nhà nước và nhân dân) ở mức cao nhất khu vực. Nội dung, cách dạy và học, cách quản lý trong nền giáo dục của nước ta quá lạc hậu, thậm chí có nhiều sai trái. Nguồn nhân lực nước ta có trình độ giáo dục phổ cập ở mức khá cao, tỷ lệ bằng cấp các loại trên số dân và số người lao động đều ở mức cao hay rất cao so với nhiều nước có mức thu nhập tương đương. Song trên thực tế chất lượng nguồn lực con người và năng suất lao động của nước ta vẫn thua kém nhiều nước, thấp xa so với yêu cầu đưa đất nước đi lên phát triển hiện đại. Nguyên nhân cơ bản là nền giáo dục trong môi trường chính trị - xã hội hiện nay của nước ta không nhằm đào tạo ra con người tự do và sáng tạo, con người làm chủ đất nước, mà là một nền giáo dục phát triển chạy theo thành tích và số lượng.
Trong đời sống văn hóa - tinh thần của đất nước, nhân dân thấy rõ và lên án hiện tượng giả dối và tình trạng tha hóa trong lối sống và trong đạo đức xã hội. Những cái xấu này, cùng với nạn tham nhũng tạo ra những bất công mới, đồng thời làm băng hoại nhiều giá trị truyền thống của dân tộc ta. Tình trạng thiếu vắng sự công khai minh bạch trong mọi mặt của đời sống xã hội đang làm cho mảnh đất nuôi dưỡng tham nhũng và tiêu cực ngày càng màu mỡ. Thực tế này cản trở nghiêm trọng việc xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh, đồng thời tạo ra một môi trường xói mòn luật pháp, rất thuận lợi cho việc dung dưỡng những yếu kém của chế độ chính trị.
3. Chế độ chính trị còn nhiều bất cập, cản trở sự phát triển của đất nước.
Thực trạng kinh tế - văn hóa - xã hội hiện nay của đất nước phản ánh rõ nét sự bất cập và xuống cấp ngày càng gia tăng của hệ thống chính trị - xã hội và bộ máy nhà nước ta. Nền kinh tế nước ta đứng trước yêu cầu bức thiết phải chuyển đổi cơ cấu và mô hình phát triển (chuyển từ phát triển chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển dựa nhiều vào các yếu tố chiều sâu) để đi vào thời kỳ phát triển bền vững với chất lượng cao hơn. Giai đoạn mới hiện nay đòi hỏi phải cải cách hệ thống chính trị để xóa bỏ mọi trở ngại, phát huy và sử dụng tốt mọi nguồn lực nhằm đổi mới và phát triển nền kinh tế. Nhiệm vụ đổi mới chính trị tuy đã được đặt ra nhưng chưa có mục tiêu, biện pháp và hành động thiết thực.
Đặc biệt nghiêm trọng là tệ quan liêu tham nhũng, tình trạng tha hóa phẩm chất, đạo đức đang tiếp tục gia tăng trong bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức và viên chức của hệ thống chính trị và nhà nước. Bộ máy này ngày càng phình to, tình trạng bất cập và nạn tham nhũng nặng nề hơn, gây tổn thất ngày càng lớn hơn cho đất nước. Thực trạng này cùng với những sai lầm trong cơ cấu tổ chức và trong cơ cấu đội ngũ cán bộ khiến cho các nỗ lực đổi mới hệ thống chính trị không đem lại kết quả thực tế, mặc dù tốn kém nhiều tiền của, công sức. Trong những việc đã làm có quá nhiều cái phô diễn, mang tính hình thức, giả dối. Trong đời sống thực tế, nhiều quyền dân chủ của dân tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng. Việc ứng cử, bầu cử các cơ quan quyền lực chưa bảo đảm dân chủ thực chất. Nhiều quyền công dân đã được Hiến pháp quy định nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực trong cuộc sống, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền biểu tình...
Có thể đánh giá tổng quát rằng đất nước ta đang đứng trước mâu thuẫn giữa một bên là khát vọng của dân tộc ta muốn sống trong một quốc gia “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, cùng đi với trào lưu tiến bộ của cả nhân loại, và một bên là sự tha hóa và bất cập ngày càng trầm trọng của hệ thống chính trị. Mâu thuẫn nguy hiểm này đang ngày càng trở nên gay gắt do sự uy hiếp của Trung Quốc đối với nước ta và kích thích thêm khát vọng bành trướng của Trung Quốc.
Vị trí địa lý nước ta không thể chuyển dịch đi nơi khác, nên toàn bộ thực tế hiện nay buộc dân tộc ta phải tạo được bước ngoặt có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước: Là nước láng giềng bên cạnh Trung Quốc đầy tham vọng đang trên đường trở thành siêu cường, Việt Nam phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, trở thành một đối tác được Trung Quốc tôn trọng, tạo ra một mối quan hệ song phương thật sự vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Mặt trận gìn giữ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, biển đảo, vùng trời của nước ta trong Biển Đông đang rất nóng do các bước leo thang lấn chiếm ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc, thậm chí những cuộc tấn công quân sự trực tiếp đang được để ngỏ. Tuy nhiên, mặt trận nguy hiểm nhất đối với nước ta mà Trung Quốc muốn dồn quyền lực và ảnh hưởng để thực hiện, đó là: thâm nhập, lũng đoạn mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta. Đó là mặt trận vừa uy hiếp vừa dụ dỗ nước ta nhân danh cùng nhau gìn giữ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, gây chia rẽ giữa nhân dân ta và chế độ chính trị của đất nước, vừa lũng đoạn nội bộ lãnh đạo nước ta, làm suy yếu khối đoàn kết thống nhất của dân tộc ta, làm giảm sút khả năng gìn giữ an ninh và quốc phòng của nước ta. Đánh thắng nước ta trên mặt trận nguy hiểm nhất này, Trung Quốc sẽ đánh thắng tất cả!
Sự xuất hiện một Trung Quốc đang cố trở thành siêu cường với nhiều mưu đồ và hành động trái luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý, gây nhiều tác động xáo trộn thế giới, tạo ra một cục diện mới đối với nước ta trong quan hệ quốc tế: Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, có lẽ ngoại trừ Trung Quốc, đều mong muốn có một Việt Nam độc lập tự chủ, giàu mạnh, phát triển, có khả năng góp phần xứng đáng vào gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực, thúc đẩy những mối quan hệ hữu nghị, hợp tác vì sự bình yên và phồn vinh của tất các các nước hữu quan trong khu vực và trên thế giới. Có thể nói cục diện thế giới mới này là cơ hội lớn, mở ra cho đất nước ta khả năng chưa từng có trong công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc, qua đó giành được cho nước ta vị thế quốc tế xứng đáng trong thế giới văn minh ngày nay. Để vươn lên giành thời cơ, thoát hiểm họa, cả dân tộc ta, từ người lãnh đạo, cầm quyền đến người dân thường phải dấn thân cùng với cả nhân loại tiến bộ đấu tranh cho những giá trị đang là nền tảng cho một thế giới tiến bộ, đó là hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường
III- Kiến nghị của chúng tôi
Trước tình hình đó, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị với Quốc hội và Bộ Chính trị:
1. Công bố trước toàn thể nhân dân ta và nhân dân toàn thế giới thực trạng quan hệ Việt - Trung; nêu rõ những căn cứ phù hợp với luật pháp quốc tế, có sức thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo ở vùng Biển Đông để làm sáng tỏ chính nghĩa của nước ta; khẳng định thiện chí trước sau như một của nước ta xây dựng, gìn giữ quan hệ hữu nghị, hợp tác láng giềng tốt với Trung Quốc, nhưng quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình. Nhân dịp này, Nhà nước ta cần chủ động giải thích trước toàn dân và dư luận thế giới bối cảnh ra đời, nội dung thực chất và giá trị pháp lý của công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông, để bác bỏ dứt khoát mọi xuyên tạc từ phía Trung Quốc. Chúng ta luôn phân biệt những mưu đồ và hành động phi đạo lý và trái luật pháp quốc tế của một bộ phận giới lãnh đạo Trung quốc, khác với tình cảm và thái độ thân thiện của đông đảo nhân dân Trung quốc đối với nhân dân Việt Nam. Chúng ta sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước, đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Đông Nam Á và các nước lớn, cùng với các nước có liên quan giải quyết hoà bình các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
2. Trình bày rõ với toàn dân thực trạng đất nước hiện nay, thức tỉnh mọi người về những nguy cơ đang đe dọa vận mệnh của Tổ quốc, dấy lên sự đồng lòng và quyết tâm của toàn dân đem hết sức mạnh vật chất, tinh thần, trí tuệ để bảo vệ và phát triển đất nước. Cải cách sâu sắc, toàn diện về giáo dục và kinh tế ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết, là kế sâu rễ bền gốc để nâng cao dân trí, dân tâm, dân sinh làm cơ sở cho quá trình tự cường dân tộc và nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Muốn vậy, trước hết phải khắc phục tình trạng nền giáo dục và kinh tế của đất nước bị chi phối bởi ý thức hệ giáo điều. Cải cách chính trị, vì vậy, là tiền đề không thể thiếu cho những cải cách sâu rộng khác.
3. Tìm mọi cách thực hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp quy định, nhằm giải phóng và phát huy ý chí và năng lực của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tận dụng được cơ hội mới, đáp ứng được những đòi hỏi và thách thức mới của tình hình khu vực và thế giới hiện nay. Trong thực hiện những quyền tự do dân chủ của nhân dân đã ghi trong Hiến pháp, cần đặc biệt thực hiện nghiêm túc quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền được tự do bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa, quyền lập hội, quyền đòi hỏi công khai minh bạch trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước.
4. Ra lời kêu gọi toàn thể quốc dân đồng bào, mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, địa vị xã hội, hãy cùng nhau thực hiện hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc với lòng yêu nước, tinh thần vị tha và khoan dung. Tất cả hãy cùng nhau khép lại quá khứ, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, để từ nay tất cả mọi người đều một lòng một dạ cùng nắm tay nhau đứng chung trên một trận tuyến vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau dốc lòng đem hết trí tuệ, nghị lực sáng tạo và nhiệt tình yêu nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.
5. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam với tính cách là đảng cầm quyền duy nhất và cũng là người chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình đất nước hiện nay, hãy đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ đẩy mạnh cuộc cải cách chính trị, giải phóng mọi tiềm năng của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy lùi mọi tệ nạn tham nhũng và tha hóa, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng yếu kém và lệ thuộc hiện nay, chuyển sang thời kỳ phát triển bền vững, đưa dân tộc ta đồng hành với cả nhân loại tiến bộ vì hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, chúng tôi thiết tha mong đồng bào sống trong nước và ở nước ngoài hưởng ứng và ký tên vào bản kiến nghị này. Bằng việc đó và bằng những hành động thiết thực, mọi người Việt Nam biểu thị ý chí sắt đá của dân tộc ta, quyết ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu và hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta, xóa bỏ bất công, nghèo nàn, lạc hậu trong nước mình, xây dựng và gìn giữ non sông đất nước xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc, không hổ thẹn với các thế hệ mai sau và với các dân tộc khác trên thế giới.
Giành thời cơ, đưa Tổ quốc chúng ta thoát khỏi hiểm họa, phát triển bền vững trong hòa bình là trách nhiệm thiêng liêng của mọi người Việt Nam ta.
Làm tại Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2011
clip_image003
clip_image005
clip_image007
Biên nhận chuyển phát nhanh gửi văn bản Kiến nghị đến Văn phòng Quốc hội chiều 13.7.2011
clip_image009
Biên nhận chuyển phát nhanh gửi văn bản Kiến nghị đến Văn phòng Trung ương Đảng chiều 13.7.2011

6 thg 7, 2011

Biểu tình và xã hội dân sự

Mai Thái Lĩnh
Những cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra tại hai thành phố lớn nhất nước trong những tuần đầu tháng 6 vừa qua là dấu hiệu cho thấy biểu tình đang từng bước trở lại với đời sống chính trị của nước ta. Thế nhưng, chỉ cần lướt qua một loạt các ý kiến khác nhau trên báo chí – nhất là ý kiến của các quan chức – người ta thấy có những ngộ nhận khá trầm trọng về ý nghĩa của hai chữ biểu tình.
Thật ra biểu tình là gì? Là quyền của người dân hay là hoạt động của chính quyền? Biểu tình có thật sự là nguy hiểm đối với trật tự công cộng và an ninh quốc gia hay không?
Xét một cách thật khách quan và khoa học, “mít-tinh” hay “biểu tình” là những khái niệm mang tính lịch sử, nhân loại, không thể hiểu một cách chủ quan, tùy tiện. Thiết nghĩ việc tìm hiểu thấu đáo nội dung của khái niệm “biểu tình” có thể góp phần soi sáng quan điểm của cả ba phía (Nhà nước Trung Quốc, Nhà nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam) đối với phong trào biểu tình đã và đang tiếp tục diễn ra. Bài viết này là một nỗ lực nhỏ nhoi nhằm vào mục đích thiết thực ấy.
“Biểu tình” là gì?
Hán-Việt Từ điển Đào Duy Anh (1931) giải thích biểu tình 表 情 như sau: “Dân chúng tụ họp nhau để biểu thị ẩn tình và ý nguyện (meeting)”. Cách giải thích này giúp ta hiểu một cách chính xác ý nghĩa của khái niệm biểu tình, thế nhưng tác giả đã có sự nhầm lẫn khi dùng chữ meeting để so sánh, bởi vì từ này không tương đương với từ biểu tình.
Từ điển Larousse giải thích meeting (một từ gốc Anh) là “cuộc hội họp công cộng do một đảng, một công đoàn, v.v. tổ chức để thông báo hay thảo luận về một chủ đề chính trị hay xã hội” (Le Petit Larousse illustré 2011). Như vậy, chữ meeting dùng để chỉ một cuộc họp chứ không hẳn có nghĩa là biểu tình.
Trong tiếng Pháp, “biểu tình” là manifestation. Động từ manisfester có nghĩa là bày tỏ, biểu lộ, bộc lộ. Trong tiếng Anh, “biểu tình” là demonstration, động từ demonstrate vừa có nghĩa là “trình bày hay chứng minh điều gì đó một cách rõ ràng” vừa có nghĩa là “phản đối hay ủng hộ một điều gì đó ở chỗ công cộng cùng với nhiều người khác” (Longman Dictionary of Contemporary English).
Nói một cách dễ hiểu, biểu tình là “bày tỏ tình cảm”. Nhưng khác với việc bày tỏ tình cảm giữa hai người (yêu nhau hay ghét nhau), biểu tình là cách biểu lộ tình cảm của một số đông người ở chốn công cộng nhằm để ủng hộ hay phản đối một điều gì đó. Người dân Việt biểu tình trong những ngày tháng 6 vừa qua là nhằm để bày tỏ thái độ phẫn nộ trước hành động vi phạm chủ quyền trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Quốc. Khác với sự phản kháng của một cá nhân đơn độc, và cũng khác với sự kiện nhiều cá nhân lên tiếng một cách riêng lẻ, biểu tình là tiếng nói chung của nhiều người. Vì là sự biểu lộ tình cảm của một số đông người, biểu tình cũng đồng thời là cơ hội để biểu thị nguyện vọng và ý chí chung của những người đó. Trong những hoàn cảnh nhất định, biểu tình nói lên tình cảm và nguyện vọng chung của nhân dân. Những cuộc biểu tình diễn ra trong những ngày chủ nhật 5-6, 12-6 và 19-6 vừa qua, cho dù số lượng nhiều hay ít, cũng thể hiện tình cảm và nguyện vọng chung của cả dân tộc Việt Nam.
Nguồn gốc của quyền biểu tình
Xét về nguồn gốc lịch sử, biểu tình xuất hiện cùng với trào lưu dân chủ hóa ở các nước phương Tây, trước hết là ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Quyền biểu tình thật ra không phải là một quyền riêng biệt mà được bao hàm trong quyền tự do hội họp (freedom of assembly, liberté de réunion) và là hình thức cao nhất của tự do hội họp. Nói là hình thức cao nhất vì khác với các cuộc hội họp thông thường, biểu tình là hội họp ngoài trời, ở nơi công cộng và thường kèm theo khẩu hiệu, biểu ngữ, gắn với tuần hành.
Tự do hội họp xuất hiện ngay từ buổi đầu của Cách mạng Pháp. Tuy nhiên, Bản Tuyên ngôn về Quyền Con người và Quyền Công dân (Déclaration des Droits de l'Homme et du Citoyen) ngày 26-8-1789 lại không có điều khoản nào đề cập đến tự do hội họp.
Bằng đạo luật ngày 21-8-1790, Quốc hội lập hiến (Assemblée constituante) thừa nhận rằng mọi công dân “có quyền hội họp một cách ôn hòa’. Một năm sau đó, quyền tự do hội họp đã được đưa vào Hiến pháp ngày 3-9-1791 của nước Pháp. Trong số các quyền tự nhiên và dân sự (droits naturels et civils) mà bản Hiến pháp 1791 của nước Pháp cam kết bảo đảm, ta thấy có ghi: “Tự do cho các công dân được tụ tập một cách ôn hòa và không vũ khí, với điều kiện đáp ứng đầy đủ các luật lệ của cảnh sát”.
Mặc dù được Hiến pháp công nhận, quyền tự do hội họp ở Pháp đã phải trải qua nhiều giai đoạn gặp khó khăn trong khi thực hiện, thậm chí có lúc còn bị cấm đoán. Mãi đến khi nền Đệ tam Cộng hòa (Troisième République) được thiết lập, quyền tự do hội họp mới được bảo đảm vững chắc bằng một đạo luật. Luật về tự do hội họp (Loi sur la liberté de réunion) được ban hành vào ngày 30-6-1881. Điều 1 của Luật này quy định: “Các cuộc hội họp công cộng hoàn toàn tự do. Chúng có thể diễn ra không cần có sự cho phép trước đó...”. Mặc dù cho phép người dân được tự do hội họp không cần phải xin giấy phép, Luật này đòi hỏi phải có sự khai báo (déclaration) trước khi hội họp. Mãi đến năm 1907, việc khai báo mới bị hủy bỏ.
Tại Hoa Kỳ, quyền tự do hội họp (freedom of assembly) chưa xuất hiện trong Bản Tuyên ngôn Độc lập (U.S. Declaration of Independence) năm 1776 cũng như trong bản văn chính của Hiến pháp Hoa Kỳ (được thông qua năm 1787 và được phê chuẩn trên quy mô toàn quốc vào năm 1788). Nhưng đến năm 1791, quyền tự do hội họp đã được các nhà lập pháp đưa vào 10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ – thường được gọi chung là Đạo luật về Quyền (Bill of Rights).
Tu chính án số 1 (1st Amendment) có nội dung như sau: “Quốc hội sẽ không làm ra bất cứ đạo luật nào nhằm chính thống hóa một tôn giáo hay ngăn cấm việc tự do thực hành của một tôn giáo, (cũng không làm ra bất cứ đạo luật nào) để hạn chế quyền tự do ngôn luận, hay tự do báo chí, hay quyền của người dân được hội họp một cách ôn hòa và được kiến nghị lên chính quyền để sửa chữa những điều gây bất bình.”
Cũng dựa trên tinh thần đó, vào năm 1948, điều 20 của Bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights) của Liên Hiệp Quốc ghi rõ: “(1) Mọi người có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình (2) Không ai có thể bị bắt buộc phải gia nhập vào một hiệp hội nào.”
Ngày nay, ở bất cứ quốc gia dân chủ nào, quyền tự do hội họp cũng là một trong những quyền căn bản của người công dân được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, khác với các cuộc hội họp bình thường, biểu tình là hội họp ngoài trời, ở nơi công cộng cho nên luật pháp thường quy định những giới hạn để tránh gây trở ngại đến trật tự công cộng, an ninh chung của xã hội.
Có thể lấy ví dụ từ nước Đức. Điều 8 của Luật cơ bản (Basic Law, Grundgesetz, tức Hiến pháp của nước Đức) quy định công dân có quyền hội họp một cách ôn hòa và không có vũ khí, không cần báo trước hay xin phép trước. “Đối với các cuộc hội họp ngoài trời (open-air meetings), quyền này có thể bị hạn chế hoặc phải dựa theo một đạo luật”. Luật hội họp (Assembly Law) của nước Đức quy định: Bất cứ người nào có kế hoạch tổ chức một cuộc họp ngoài trời đều phải đăng ký trước và phải khai báo về bản chất của sự kiện (event), phải ghi rõ tên của người chịu trách nhiệm lãnh đạo cuộc biểu tình hay mít-tinh. Cơ quan có thẩm quyền có thể cho phép sự kiện được diễn ra theo dự kiến hay ngược lại, ra lệnh cấm nếu xét thấy sự kiện này có thể gây nguy hiểm tức thời cho an ninh hay trật tự công cộng. Trong trường hợp bị cấm hội họp ngoài trời, những người dự định tổ chức biểu tình có thể kiện lên Tòa án Hành chính cấp bang và sau đó, có thể kháng cáo lên Tòa án cấp trên (Tòa án Hành chính Tối cao cấp bang hay Tòa án Hiến pháp Liên bang).[1]
Biểu tình là ôn hòa hay bạo động?
Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam về các cuộc biểu tình ngày 5-6-2011 đã đánh giá rằng tin tức trên “một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước” về “các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc” là “thông tin sai sự thật”. Thay vì gọi đó là các “cuộc biểu tình” hay “tuần hành”, bản tin nói trên cho rằng chỉ có “một số ít người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh để thể hiện tinh thần yêu nước...”
Vào ngày 16-6, ông Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải thích như sau:
“Sự việc mà độc giả nêu kỳ thực là do một số người dân Thủ đô Hà Nội và TP HCM bất bình trước sự việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Binh Minh 02. Sự việc này gây ra bức xúc, theo tôi sự phản đối và tình cảm này rất dễ hiểu. Vì người dân của mình, nhất là người trẻ đã họp nhóm lại tập trung trước cổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội nhưng có tổ chức, rất trật tự và ôn hòa. Thậm chí nhiều người có khẩu hiệu phản đối hành động của Trung Quốc bằng giấy A4 nhưng với thái độ bình tĩnh.
Tôi cho rằng cách đưa tin như thế là được. Còn việc ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta, chúng ta không tranh cãi. Theo tôi thì đó là hành động người Việt Nam biểu thị lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và phản đối nước ngoài đối với quyền chủ quyền của mình. Bản chất sự việc là như thế. Còn TTXVN và một số báo đưa tin tụ tập đông người… đây là việc không nên tranh cãi, bởi vì các cơ quan chức năng cho biết không có một hành động quá khích nào.”[2]
Như vậy là theo ông Tiến sĩ này, những hành động như “họp nhóm lại tập trung trước cổng lãnh sự quán Trung Quốc” nhưng “có tổ chức, rất trật tự và ôn hòa”, “phản đối... với thái độ bình tĩnh”, “không có hành động quá khích nào” thì không thể gọi là “biểu tình”. Ông còn lý sự: “Còn việc ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta, chúng ta không tranh cãi.”
Vậy thì biểu tình là ôn hòa hay quá khích, bất bạo động hay bạo động, trật tự hay mất trật tự?
Luật pháp của nước Pháp phân biệt biểu tình (manifestation) với tụ tập gây náo loạn (attroupement) – một thuật ngữ pháp lý đặc biệt. Theo định nghĩa tại điều 431-3 của Luật hình sự (Code pénal), “tụ tập gây náo loạn” là “tất cả các cuộc tập hợp của nhiều người trên đường đi công cộng hay trong một địa điểm công cộng có thể gây xáo trộn cho trật tự công cộng”. Một cuộc tụ tập gây náo loạn có thể bị lực lượng giữ gìn trật tự giải tán sau hai lần ra lệnh giải tán mà không có hiệu quả.[3]
Cần lưu ý là trong bản dịch tiếng Anh, attroupement được dịch là “unlawful assembly” (tụ tập bất hợp pháp). Như vậy, “tụ tập gây náo loạn” là hành động phi pháp, trong khi biểu tình (manifestation) là hoạt động hợp pháp. Theo quy định của sắc lệnh-luật (décret-loi) ngày 23-10-1935, mặc dù không cần phải xin giấy phép nhưng những người tổ chức biểu tình phải khai báo trước (déclaration préalable) theo đúng thủ tục.[4]
Trong tiếng Anh, người ta cũng phân biệt rất rõ biểu tình (demonstration) với tụ tập bạo động (riot). Từ điển Longman định nghĩa tụ tập bạo động (riot) như sau: “một tình huống mà một số đông người cư xử theo cách dùng bạo lực và không bị kiềm chế, đặc biệt là khi đám đông phản kháng về một điều gì đó”. Động từ tụ tập bạo động (to riot) càng nói rõ hơn về điều này: “Nếu một đám đông người tụ tập bạo động, họ hành xử theo cách dùng bạo lực và không bị kiềm chế, ví dụ như chống lại cảnh sát và gây hư hại cho xe cộ hay các tòa nhà”.
Trong cụm từ “quyền của người dân được tụ tập một cách ôn hòa” (the right of the people peaceably to assemble) của Tu chính án số 1, các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ đã sử dụng một từ bổ nghĩa “peaceably” (một cách ôn hòa) để nhấn mạnh rằng hiến pháp chỉ bảo đảm quyền tự do hội họp khi quyền này được thực hiện một cách ôn hòa. Nói cách khác, nếu một nhóm người tập hợp để khởi sự một cuộc tụ tập để phá rối trật tự hoặc gây bạo động để lật đổ chính quyền, họ không thể dựa vào một quyền được bảo đảm bởi Hiến pháp.
Ngày nay, nhằm để ngăn ngừa các cuộc tụ tập phá rối, tụ tập bạo động, bạo loạn do những thành phần cực đoan của cánh tả hoặc cánh hữu gây ra, các quốc gia dân chủ đã thành lập lực lượng cảnh sát chống bạo động (riot police)[5]. Cùng với việc hình thành lực lượng này là các loại vũ khí không sát thương (non-lethal weapons) hay ít sát thương (less-lethal weapons): lựu đạn cay, đạn cao su, vòi rồng, v.v. Mục đích là giải tán đám đông nhưng tránh gây thương vong. Chỉ có chính quyền tại các quốc gia phi dân chủ hay dân chủ giả hiệu mới sử dụng biện pháp chống bạo động một cách tùy tiện: như dùng súng bắn đạn thật, thậm chí cả xe tăng, để bắn vào những người dân biểu tình ôn hòa (vụ đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn – Bắc Kinh, 3 và 4-6-1989). Ở nước ta, có nơi còn dùng “cảnh sát cơ động” để giải tán những người dân oan tụ tập khiếu kiện trước các trụ sở tiếp dân, thậm chí giải tỏa nhà và chiếm đất của dân để cấp cho các vị quan chức.
Như vậy, dưới các chế độ dân chủ được mệnh danh là “tư sản”, biểu tình không phải là tụ tập gây bạo loạn nhằm gây mất trật tự công cộng hay lật đổ chế độ. Biểu tình là một quyền được hiến pháp và pháp luật bảo hộ. Chính phủ ở các nước này không thể viện cớ ngăn ngừa bạo loạn, lật đổ để bác bỏ quyền tự do hội họp, biểu tình, tuần hành của người dân. Ngược lại, trong các quốc gia phi dân chủ, chính quyền luôn viện cớ ngăn ngừa bạo loạn, lật đổ để ngăn cấm mọi hình thức tụ tập, kể cả biểu tình hay hội họp ôn hòa.
Việc những người có thẩm quyền như ông Tiến sĩ Phó Trưởng ban Tuyên giáo nói trên quan niệm một cách sai lệch về biểu tình cho thấy không có sự phân biệt giữa biểu tình ôn hòa và tụ tập bạo động và cũng không hề tôn trọng quyền biểu tình và tự do hội họp của người dân. Chế độ toàn trị biến biểu tình thành hai chữ cấm kỵ, đặt khái niệm biểu tình vào phạm trù “vấn đề nhạy cảm”, cho dù những người sáng lập nên chế độ toàn trị hiện nay cũng chính là những người xưa kia đã từng đi đầu trong việc đấu tranh đòi hỏi thực hiện quyền “biểu tình”.
Điều mỉa mai là trong khi báo chí nước ngoài (kể cả các kênh truyền hình như BBC của Anh, NHK của Nhật Bản,...) cũng như báo chí “lề trái” đã trình bày biết bao tin tức và hình ảnh phong phú, sinh động về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở hai đầu đất nước thì hơn 700 tờ báo trong nước vẫn không dám nhắc đến hai chữ “biểu tình”. Điều đó nói lên thực chất của cái-gọi-là “quyền tự do báo chí” trong một chế độ tự xưng là “dân chủ gấp triệu lần so với nền dân chủ tư sản”!
Biểu tình là quyền của công dân hay là quyền của Nhà nước?
Vào ngày 5-6-2011, giữa lúc các cuộc biểu tình nổ ra tại quốc nội thì Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đang tham dự diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La tại Singapore. Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông cho biết đã nhận được thông tin về các cuộc biểu tình qua điện thoại. Ông thừa nhận: “"Cuộc tuần hành theo tôi được biết đã diễn ra bình tĩnh, trật tự, không cản trở giao thông và cũng không mang các biểu ngữ mang tính kích động." Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng: “Đây là hành động tự phát của người dân" và tâm sự với đài BBC rằng theo “quan điểm của riêng ông”, các hoạt động biểu tình như trên là "không nên, dù đây là bắt nguồn từ lòng yêu nước".[6]
Sự lo ngại của Tướng Vịnh không phải là vô cớ. Muốn biết rõ tại sao các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại lo ngại về các cuộc “biểu tình”, có lẽ chúng ta phải tìm hiểu những phản ứng từ phía Trung Quốc.
Người bộc lộ ý kiến rõ ràng nhất về vấn đề này có lẽ là ông Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh thuộc Viện Luật pháp Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội Trung Quốc. Trả lời đài BBC, ông này nhận định: “Tôi cho là nếu không có việc Chính phủ bật đèn xanh, thì biểu tình không thể xảy ra được ở Việt Nam. Hãy nhớ sau các cuộc biểu tình cuối năm 2007 Chính phủ Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn biểu tình như thế nào.” Chẳng những tỏ ra bực bội về các cuộc biểu tình, ông ta còn lên giọng khuyến cáo: “Quan điểm của tôi là các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phải được dàn xếp một cách hòa bình giữa hai nhà nước, thông qua thương lượng. Những cuộc biểu tình như vừa qua sẽ không giúp ích gì cho tiến trình này.”[7]
Như vậy, ở cả hai phía – Việt Nam lẫn Trung Quốc – quan niệm chính thống vẫn cho rằng biểu tình không phải là quyền của người dân. Chính vì vậy, khi biểu tình xảy ra, một bên (Trung Quốc) cho rằng biểu tình là do Nhà nước (Việt Nam) xúi giục, bật đèn xanh, còn bên kia (Nhà nước Việt Nam) tìm cách thoái thác trách nhiệm, sợ đối phương chê trách hay trừng phạt mình về việc “bật đèn xanh” cho các cuộc biểu tình.
Như phần trên đã trình bày, trong các quốc gia dân chủ, biểu tình là quyền của công dân, Nhà nước có trách nhiệm ban hành luật pháp để người dân thực thi quyền đó. Nhà nước không chịu trách nhiệm về nội dung của các cuộc biểu tình. Nhưng chế độ chính trị ở Việt Nam và ở Trung Quốc đều là chế độ toàn trị (totalitarianism, totalitarisme), toàn bộ xã hội dân sự đều bị Đảng Cộng sản kiểm soát, khống chế. Biểu tình của người dân bị triệt tiêu, toàn bộ các cuộc hội họp, mít-tinh, biểu tình,... đều do các đoàn thể của Đảng đứng ra tổ chức và được Nhà nước giám sát chặt chẽ nhằm phục vụ cho ý đồ, mong muốn của người cầm quyền. Chính vì thế khi xảy ra biểu tình, phía Trung Quốc mới có cớ để trách móc, quy trách nhiệm cho Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nếu chế độ chính trị ở Việt Nam là một chế độ dân chủ thì quyền biểu tình và tự do hội họp được bảo đảm. Trong trường hợp đó, không thể xảy ra trường hợp chính phủ của Trung Quốc có quyền trách cứ chính phủ Việt Nam rằng “Tại sao để cho người dân biểu tình làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước?”. Nhất là khi tình hữu nghị ấy chỉ là một “huyền thoại”, một “chiêu bài” để che giấu mối quan hệ “thực dân mới - thuộc địa kiểu mới” trong thực tế.
Xem ra việc tước đoạt quyền biểu tình và tự do hội họp của người dân lại gián tiếp có lợi cho chính sách bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Tại sao người dân phải đi biểu tình theo kiểu “xé rào”?
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC nói trên, tướng Nguyễn Chí Vịnh còn nhắn nhủ: "Người dân phải tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc.” Đây cũng chính là suy nghĩ chung của phần lớn các cấp lãnh đạo ở nước ta hiện nay.
Thế nhưng người dân làm sao có thể tin vào Đảng và Nhà nước khi mà từ bộ máy cầm quyền cho đến quân đội đều thể hiện một lập trường nước đôi, một thái độ không rõ ràng trước những hành động xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc?
Hãy thử nêu ra vài dẫn chứng:
- Biết bao lần ngư dân Việt Nam bị bắt, bị cướp bóc, không thấy có tàu hải quân nào đứng ra bảo vệ. Khi tàu Bình Minh 2 và tàu Viking II bị cắt cáp, cũng không hề thấy bóng dáng con tàu nào của hải quân. Vào đêm 8-6-2011, tại Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định mạnh mẽ “ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn quân” trong việc bảo vệ chủ quyền “trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc”. Thế nhưng chỉ 10 ngày sau đó, vào ngày 18-6, ngay giữa lúc tình hình Biển Đông cực kỳ căng thẳng, mặc cho các nhà ngoại giao lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, Hải quân Việt Nam lại thể hiện thái độ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước” bằng cách cử hai chiếc tàu lên đường để “tuần tra liên hợp trên vùng biển vịnh Bắc Bộ” và “giao lưu hữu nghị với Hải quân Trung Quốc”.[8] Bất cứ ai cũng phải đặt dấu hỏi: Việt Nam có một hay hai Nhà nước và quân đội tuân theo lệnh của Nhà nước nào?
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện khi đăng lại tin này trên blog của ông, đã bình luận như sau: “Tôi thực sự hoang mang khi đọc tin này của Báo Quân Đội Nhân Dân, cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng VN. Tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải VN – vào rất sâu – trong 4 tiếng đồng hồ, cắt cáp và uy hiếp ta, không thấy tàu Hải quân Việt Nam có hành động kiên quyết để đáp trả. Ngày 26.5 cắt cáp, đến chưa đầy tuần sau lại tiếp tục gây hấn, vào sâu trong lãnh hải Việt Nam để quấy phá một cách ngang ngược kiểu côn đồ, xã hội đen. Chủ quyền quốc gia bị xâm phạm là một việc hết sức nghiêm trọng. Vậy mà nay hai con tàu của ta – thật lạ – lại thực hiện chuyến thăm, giao lưu hữu nghị với Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Chúng tôi vô cùng hoang mang khi đọc được tin này! Phải chăng là...”[9]
- Còn thái độ của các “đoàn thể nhân dân” do Đảng lãnh đạo?
Ngày 9-6-2011, chỉ bốn ngày sau khi các cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, một phái đoàn của cái-gọi-là “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” do Phó Chủ tịch Trần Hoàng Thám dẫn dầu đã có mặt tại Bắc Kinh để “thăm hữu nghị Trung Quốc”. Không biết do vô tình hay hữu ý, phía Trung Quốc đã sắp xếp cho phái đoàn này sang thăm Tây Tạng. Theo lời tường thuật của đài CRI (Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc), vào ngày 12-6, tại thủ phủ của Tây Tạng: “Phó Chủ tịch Trần Hoàng Thám nói, trong thời gian ở thăm, Đoàn đại biểu đã chứng kiến các sự nghiệp của Khu Tự trị Tây Tạng phát triển bừng bừng, diện mạo thành phố và nông thôn hoàn toàn thay đổi, nhân dân an cư lạc nghiệp, đã tìm hiểu được một Tây Tạng chân thực, sau khi về nước sẽ giới thiệu Tây Tạng chân thực cho nhân dân Việt Nam, để nhân dân Việt Nam hiểu thêm về Tây Tạng.”[10]
- Cuối cùng, làm sao để người dân có thể tin vào Đảng và Nhà nước khi mà về phía Trung Quốc, các hành động xâm lược ngày càng công khai, trắng trợn (khẳng định chủ quyền bằng “đường lưỡi bò”, liên tục cướp bóc ngư dân Việt Nam, xâm phạm lãnh hải, chuẩn bị đưa dàn khoan khổng lồ trị giá gần 1 tỷ đô-la ra Biển Đông, chuẩn bị hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên để hù dọa vùng Đông Nam Á) thì về phía Việt Nam, các nhà lãnh đạo trước sau như một vẫn trân trọng giữ gìn “16 chữ vàng”, không cần phân biệt đó là “vàng thật” hay “vàng giả”?
Cũng chính vì thiếu lòng tin vào cách giải quyết của Đảng và Nhà nước nên bất chấp mọi sự cấm đoán, mọi biện pháp răn đe, người dân Việt bằng cách này hay cách khác vẫn tìm cách “xé rào” để thực hiện quyền biểu tình của mình. Từ cuối năm 2007 đến nay, đã có biết bao người dân yêu nước bị bắt giam, bị tù đày hay bị sách nhiễu bằng đủ mọi cách, nhưng những cuộc biểu tình vẫn diễn ra. Điều đó cho thấy lòng yêu nước trong nhân dân ta vẫn chưa bị hủy diệt.
Vì thế chúng ta vẫn có thể tin vào một chân lý: Không ai có thể mua chuộc hay khuất phục được cả một dân tộc!
Mà một dân tộc thì bao giờ cũng lớn hơn, vĩ đại hơn rất nhiều so với một lãnh tụ, một “tập thể lãnh đạo” hay một “đảng lãnh đạo”!
Đà Lạt 22-6-2011
M. T. L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
[1] “Freedom of Assembly, Demonstration, and Petition”, S. African Law Resource:
[2] Giao lưu trực tuyến với Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ và Trung tướng Hữu Ước, Công an Nhân dân 16-6-2011:
[3] Code pénal, Livre IV, Titre III, Chapitre Ier, Section 2, Article 431-3: http://www.legifrance.gouv.fr/
[4] Décret-loi portant réglementation des mesures relatives au renforcement du maintien de l'ordre public (in French) (23 octobre 1935):
[5] Trước 1975, ở miền Nam gọi là cảnh sát dã chiến, ngày nay gọi là cảnh sát cơ động.
[6] “Biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam”, BBC 5-6-2011:
[7] “Nguy cơ xung đột Việt-Trung có leo thang?”, BBC 8 tháng 6, 2011:
[8] Hai tàu Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường đi tuần tra liên hợp và thăm Trung Quốc, QĐND 18/06/2011:
[9] Tin lạ: Hai con tàu lạ đi thăm những con tàu lạ ở nước lạ, Blog Nguyễn Xuân Diện 18-6-2011:
[10] “Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm Tây Tạng”, CRI 13-6-2011: http://vietnamese.cri.cn/421/2011/06/13/1s156633.htm