19 thg 9, 2011

Cởi nút thắt cho cải cách


Sửa đổi Hiến pháp phải tạo nên những giá trị mới, thúc đẩy nhanh việc hình thành những rường cột mới có khả năng thay thế những rường cột cũ, chấm dứt hiện tượng hỗn mang: “cái cũ thì không còn giá trị, cái mới thì chưa hình thành, chưa được ghi nhận”.
LTS: Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng XI, tiến trình sửa đổi hiến pháp đã bắt đầu khởi động với việc thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch.
Để có luận cứ khoa học, cung cấp cái nhìn toàn diện cho việc sửa đổi Hiến pháp, văn kiện Hội nghị Trung ương 2, Ban chấp hành TW Đảng khóa XI kêu gọi "động viên sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân" vào việc sửa đổi Hiến pháp lần này. Hưởng ứng tinh thần cầu thị của Đảng, tham gia đóng góp vào việc sửa đổi Hiến pháp, Tuần Việt Nam sẽ lần lượt giới thiệu các ý kiến đóng góp, góc nhìn của các chuyên gia, nhà khoa học và độc giả.
Sau 25 năm đổi mới, dân tộc Việt Nam đã đạt được những tầm cao mới, đồng thời đối mặt với những thách thức mới. Đây là thời điểm cần nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu hay không?". Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là một trong những điều kiện tiên quyết để cho chúng ta giải quyết thành công những thách thức trong thời đại mới. Theo quy luật "lượng đổi chất đổi" của học thuyết Mác - Lênin, thì sau hai mươi lăm năm "tích lũy về lượng" thì cần phải có sự "thay đổi về chất" để dân tộc Việt Nam có thể thăng hoa; sau hai mươi năm đổi mới mạnh mẽ về kinh tế , thì "kiến trúc thượng tầng" cần phải có sự đổi mới tương ứng, tránh hiện tượng lệch pha.
Chính vì lẽ đó, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là trăn trở của các nhà khoa học, là mong muốn của nhân dân trong nước, là mong mỏi của kiều bào. Mong mỏi này đã được Đảng chấp thuận tại Hội nghị Trung ương 2 và Quốc hội khóa XIII đã chính thức thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo chúng tôi, sửa đổi Hiến pháp 1992 là cần thiết và tất yếu bởi những lý do sau:
Sự thay đổi giá trị và công cụ điều chỉnh
Trong xã hội thời kỳ bao cấp, tuy nghèo nhưng ổn định bởi có ba rường cột:
  • Tình đồng chí, các tổ chức đoàn thể;
  • Niềm tin của nhân dân vào cán bộ
  • Sự độc quyền của nhà nước về kinh tế.
Khi bước sang nền kinh tế thị trường thì ba rường cột này được nhúng vào một dung dịch mới, trong đó lợi ích cá nhân vừa là động lực thúc đẩy con người vươn lên làm giàu vừa đóng vai trò như là axít làm những cho "cương thường" của xã hội cũ cái thị bị tan chảy, cái thì bị đảo lộn. Những chuyện xa lạ với xã hội bao cấp đã xảy ra.
Vì hủ hóa mà vụ phó thuê đầu gấu hành hung vụ trưởng, vì tình dục mà thầy Đỗ Tư Đông được báo chỉ nêu tên, vì đồng tiền mà con đẻ kiện mẹ đòi tiền công nuôi dưỡng, vì chức tước mà cán bộ bỏ hàng đống tiền để chạy chức. Tham nhũng trở thành quốc nạn, tham nhũng diễn ra khi đi làm giấy khai sinh và cả khi khai tử. Đảng, Nhà nước và nhân dân đều quan tâm việc kiểm soát các vấn nạn này.
Để kiểm soát thành công các vấn nạn này thì chúng ta không thể dựa vào các công cụ của thời kỳ bao cấp, mà phải sử dụng những công cụ mới, những giá trị mới.
Trước hiện tượng lạm quyền, tham nhũng thì quyền lực nhà nước cần phải được kiểm soát theo mô hình nhà nước pháp quyền. Nhưng làm sao kiểm soát được quyền lực nhà nước khi Hiến pháp hiện hành chưa có cơ chế xem xét các văn bản quy phạm pháp luật trái hiến pháp, trái luật? Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cần phối hợp, kiểm soát lẫn nhau. Nhưng làm sao có thể kiểm soát lẫn nhau nếu như trong bộ máy nhà nước có một cành quyền lực trở nên quá mạnh, thế cân bằng quyền lực bị phá vỡ, và các cành quyền lực còn lại chỉ là cái bóng? Chỉ với một cụm từ "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Điều 2 Hiến pháp hiện hành thì chưa thể đủ đưa Việt Nam thành một nhà nước pháp quyền thực thụ, mà sửa đổi Hiến pháp lần này phải biến điều này thành hiện thực bằng những cải cách sâu rộng về bộ máy nhà nước theo tinh thần pháp quyền. Pháp quyền không thể thiếu tư pháp độc lập, tính chịu trách nhiệm, cân bằng quyền lực và minh bạch hóa sự vận hành của quyền lực nhà nước.
Đối với tham vọng, lợi ích cá nhân thì "đức trị và niềm tin" chưa đủ, mà cần dựa vào nguyên tắc "dùng tham vọng để kìm chế tham vọng, dùng lợi ích để cân bằng lợi ích", cần phải điều chỉnh bởi luật thay vì niềm tin và sự giáo huấn, cần phải khuyến khích họ cạnh tranh lành mạnh. Nhưng cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế làm sao có sự bình đẳng thực thụ khi Hiến pháp hiện hành ghi nhận "kinh tế nhà nước là chủ đạo" và ban phát cho doanh nghiệp nhà nước vô vàn lợi thế? Các công dân làm sao để có thể có được cơ hội bình đẳng khi Điều 2 Hiến pháp hiện hành chia công dân Việt Nam làm hai nhóm: thành phần cơ bản (công, nông, trí) và thành phần không cơ bản (thương nhân)?
Sửa đổi Hiến pháp phải tạo nên những giá trị mới, thúc đẩy nhanh việc hình thành những rường cột mới có khả năng thay thế những rường cột cũ, chấm dứt hiện tượng hỗn mang: "cái cũ thì không còn giá trị, cái mới thì chưa hình thành, chưa được ghi nhận".
Quốc hội khóa XIII đã chính thức thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992
Không thể mang thuyền tam bản ra biển lớn
Toàn cầu hóa như một làn gió càn quét khắp mặt đất, cùng lúc mang đến sự hưng thịnh cho dân tộc này và sự bần cùng hóa của dân tộc khác. Việt Nam đã thành công bước đầu trong làn sóng này và ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới; con thuyền Việt Nam đã theo sông ra biển lớn. Biển lớn có luật riêng của biển lớn. Việt Nam phải phê chuẩn tham gia hàng loạt công ước quốc tế trong 25 năm đổi mới vừa qua. Những cam kết với quốc tế của Việt Nam kéo theo quá trình hài hóa hóa pháp luật diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là trong và sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Việc hội nhập kinh tế, hài hòa hóa pháp luật sẽ đòi hỏi sự hài hòa hóa thể chế chính trị.
Khi xưa lão ngư với con thuyền tam bản vừa chèo thuyền, vừa cầm lái, vừa quăng chài bắt cá trên dòng sông nhỏ. Nay ra biển lớn, dân tộc Việt Nam không thể mang thuyền tam bản ra cạnh tranh với các hạm đội của láng giềng được, mà phải sắm những con thuyền to. Con thuyền to đòi công nghệ định hướng mới (navigation), đòi hỏi sự phân công lao động rạch ròi của thủy thủ đoàn, nhà nước không nên vừa cầm lái vừa cầm chèo như cũ. Nắm bắt được cơ hội và thách thức thiên niên kỷ này, nên Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xem việc "đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng" là một trọng tâm.  Vậy sửa đổi Hiến pháp 1992 cần phải tạo ra sự đột phá và thể hiện thành công sự hài hóa hóa chính trị này.
Đã đến lúc làm lễ thành niên?
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, dân tộc Việt Nam vừa sung sướng, vừa bở ngỡ với một hiện tượng mà hơn hai nghìn năm trước họ chưa hề được trải nghiệm: dân chủ. Để cho nhân dân làm quen từng bước và đi đến làm chủ thực sự của chế độ dân chủ, thì họ cần được sự dẫn dắt, gợi ý, thậm chí là giám hộ của lực lượng lãnh đạo. Sự dẫn dắt này thật là quý báu đối với một người từ miền núi xa xôi lần đầu ra chốn đô thành.
Thấm thoắt, từ đó đến nay đã 61 năm. Dân tộc Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hai cuộc chiến tranh nhỏ, biết nhận ra sai lầm của bao cấp để đi đến đổi mới thành công. Bản tính cần cù, đầu óc thông minh, năm nay tròn 61 tuổi, có nên làm lễ trưởng thành cho họ không? Hay họ vẫn tiếp tục đặt họ dưới sự giám hộ định hướng? Nếu tiếp tục giám hộ thì ở mức độ nào?
Đó chính là những vấn đề liên quan trưng cầu dân ý, phúc quyết toàn dân, hiệp thương trong bầu cử mà sửa đổi Hiến pháp lần này cần phải giải quyết để điều chỉnh mức độ giám hộ ở mức phù hợp.
TS. Võ Trí Hảo (ĐHQGHN)

12 thg 9, 2011

Bức ảnh đồng phục và bài diễn văn



Le Nguyen (danlambao) Trong một đoạn “nhấn mạnh” trong bài diễn văn tiếp Đới Bỉnh Quốc ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc tại trụ sở chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn dũng: “...nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc giành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay...” đi kèm với bài diễn văn gây “sốc”dư luận là bức ảnh đồng phục bộ đồ tây “giống sọc” và sợi giây “thắt cổ” cùng màu hồng nhạt của hai ông lãnh đạo không đồng cấp Thủ Dũng với ủy viên Quốc, làm vấy lên bức xúc, tức giận cho những ai tiếp cận thông tin này.

Người viết cũng không là ngoại lệ, đã không dằn lòng được, phải bật lên tiếng chửi thề cho hạ nhiệt. Tại sao chúng hèn nhược đến thế, lũ gian tham, độc ác? Nhưng sau một lúc lắng đọng cảm xúc, lấy lại bình tĩnh để xoa dịu nỗi đau chợt đến, để cố níu kéo một chút hy vọng cho thân phận làm người Việt Nam qua cách suy nghĩ khác ít bi quan, ít nhói lòng hơn.

Trước hết trong bức ảnh chụp cho chúng ta thấy, Đới Bỉnh Quốc cười vừa phải không toét miệng, run giật toàn thân ra vẽ khoái chí, không nhếch mép, cười nửa miệng phô bày sự sâu độc, nham hiểm của kẻ phàm phu nhưng kiểu cười của Quốc không che dấu được vẽ đắc ý của một kẻ được mách nước, thắng một thế cờ bí hiểm.

Riêng Nguyễn Tấn Dũng mím môi, mặt nghiêm nghị kém vui, phơi lộ sự không hài lòng của một kẻ bị ai đó gài vào thế “triệt buộc”, bị đẩy vào thế đã rồi, thế há miệng mắc quai, bị đẩy vào thế thua và phải thua không thể cựa quậy đươc. Nhưng qua bức ảnh đã hiện lên thái độ Thủ Dũng không tâm phục khẩu phục nên mọi uất ức hiện rõ lên nét mặt, ánh mắt kể cả cái mím môi, ngậm miệng của kẻ bị dẫn dắt như trẻ con, cũng qua bức ảnh này, với bộ óc hơi nhạy bén hoặc với cặp mắt bình thường chịu khó quan sát sẽ thấy tác giả bức ảnh thu vào ống kính hình ảnh hai ông Dũng - Quốc từ một góc độ “ lệch” không bình thường.

Quan sát cẩn thận bức ảnh lịch sử của Dũng-Quốc được xem như ngang bằng với bức ảnh lịch sử của tên an ninh Phạm Hải Minh đạp vào mặt thanh niên biểu tình bày tỏ lòng yêu nước Nguyễn Chí Đức và cũng từ quan sát, phân tích cách thể hiện thái độ trong bức ảnh, có thể đi đến kết luận. Nguyễn Tấn Dũng dù ngu tối, hèn kém thế nào đi nữa cũng không dám chủ động mặc đồng phục xuẩn ngốc như thế! Chắc hẳn mặc đồng phục theo kiểu đồng dạng được thu trong ống kính cho cả thế giới xem, là sự trùng hợp “ngẩu nhiên”có chủ ý của nội gián, tác động lên tạo ra và làm nên, nhằm phục vụ cho mục tiêu, kế hoạch của kẻ thù giấu mặt.

Kế đến là bài diễn văn của Nguyễn Tấn Dũng cũng có vấn đề không kém nghiêm trọng cho an ninh quốc phòng, cần tìm kiếm tên, nhóm soạn diễn văn này là ai? Không chỉ diễn văn của ông Thủ Dũng khá trân trọng: “luôn luôn ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc...” mà tất cả mọi bài diễn văn hay đáp từ của lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo Trung cộng, ngoài những sự kiện, biến cố, ngữ cảnh vớ vẩn, luôn luôn không thiếu nội dung ca ngợi “hết sức coi trọng mối quan hệ”...và nhất định phải có những con chữ khá ấn tượng “... nhân dân Việt Nam biết ơn sâu sắc...” nhiều hơn mức cần thiết, đáng nghi ngờ của ngôn ngữ ngoại giao quốc tế thời hiện đại!

Bức ảnh lịch sử “chụp” Dũng -Quốc và bài diễn văn của Thủ Dũng, nói rộng hơn là mọi bài diễn văn, đáp từ với đối tác Trung Quốc, dường như có lẽ đúng với ý nghĩ, có vấn đề của thế lực thù địch cần điều tra làm rõ, trừng trị đích đáng kẻ âm mưu phản bội tổ quốc. Phải công nhận, Thủ Dũng cũng là tay không vừa, có số má hẳn hoi so với số lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện tại nhưng Thủ Dũng đã phải ngậm hột thị trước tay “cáo” Đới Bỉnh Quốc của Trung Cộng nên biểu lộ tức tối trên khuôn mặt qua bức ảnh là hiển hiện vụ việc cay cú có thật.

Có lẽ Thủ Tướng Dũng chủ quan trước tên thấp bé quốc vụ viện Bỉnh Quốc nên đã bị hắn sai khiến bàn tay bí mật đưa hình ảnh “đồng phục” phản cảm ra chính trường quốc tế, phối hợp với “diễn từ”ngoại giao phản ngoại giao đặt lên miệng Thủ Dũng gây bức xúc, bực tức trong lòng nhân dân Việt Nam.

Kết nối bức ảnh đồng phục với diễn văn của Thủ Dũng gây phát sinh hậu quả tai hại không hề nhỏ cho hình ảnh Thủ Dũng trên chính trường Việt Nam cũng như quốc tế:

- Trên trường quốc tế, Thủ Dũng không là gì cả, chỉ là con số không tròn trịa nhưng với các lãnh đạo Việt Nam hiện nay thì ông ta là lãnh đạo có thực lực dễ gần, dễ tiếp cận đối thoại nhất so với số còn lại, qua cái nhìn của các nước phương tây và Hoa Kỳ.

Lẽ khác,Thủ Dũng là nhân vật chủ chốt, là người dẫn dắt “lối chơi” của cộng sản Việt Nam đối với Trung Cộng và Hoa Kỳ. Do đó, Trung Cộng không thể kiên nhẫn chờ lâu hơn nữa mà muốn dứt khoát “nó và tao, mày chọn ai? Bởi Đới Bỉnh Quốc đại diện cho tham vọng của bá quyền phương Bắc, xem Nguyễn Tấn Dũng như chốt chặn cuối cùng cần bẻ gãy để loại bỏ “lối chơi” của Dũng và bức ảnh đồng phục đưa đi “triển lãm” quốc tế như là độc chiêu bịt mồm, vô hiệu hóa Dũng để Quốc lu loa với các nước trên thế giới “Dũng là của chúng tôi...tránh xa ra chúng tôi vừa là đồng chí, vừa là anh em Xã hội chủ nghĩa đấy nhé!”

- Trong nước Việt Nam, các đồng đảng đấu đá, tranh giành quyền lực dù không ưa Thủ Dũng và với nhân dân Việt Nam ai cũng biết các lãnh đạo cộng sản đa số kém tài, thất đức như nhau nhưng Thủ Dũng là tay ít tồi dở, kém cỏi nhất trong đám tồi dở, kém cỏi đó! Thủ Dũng bề ngoài có vẽ gần gủi với các chính quyền phương tây và chưa có lý do rõ rệt để nhân dân căm giận ông ta!

Thường thì đa phần dân chúng ít chịu sự “tra tấn” lỗ tai của mình bởi các bài diễn văn năm nhờ(nh) “nhàm, nhảm, nhạt như nhau” của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Thế nhưng, nhờ bức ảnh đồng phục đã thu hút công chúng làm xôn xao dư luận dẫn đến sự chú ý, quan tâm đặc biệt đến bài diễn văn của Thủ Dũng với các dòng chữ, giọng nhấn mạnh của báo, đài: “...nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc...” khiến nỗi bức xúc, căm giận gần như nhân lên gấp bội gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, ít chút “uy tín lãnh đạo”của Thủ Dũng trong lòng các đảng viên và nhân dân Việt Nam.

Thật, nhìn vóc dáng thấp bé tưởng rằng Đới Bỉnh Quốc có đầu óc, thấp bé xứng tầm với thể trạng của hắn. Nhưng không, Thủ Dũng cùng đồng đảng của ông đã lầm, Đới Bỉnh Quốc có cái đầu to, óc cao hơn hẳn bộ tham mưu cộng đảng Việt Nam nên với một động tác nhỏ như ảo thuật Quốc đã hô biến câu nói thoát ra từ cửa miệng của thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh: “Việt Nam không liên minh quân sự với nước này chống lại nước khác” thành sự thật!

Câu nói của Vịnh diễn tiến rất gần với sự thật theo hướng khác, qua chuyến nhập Việt của Đới Bỉnh Quốc, nó diễn biến theo hướng bất lợi hơn cho Việt Nam bởi hình ảnh Thủ Dũng lãnh đạo cộng sản Việt Nam được xem như chiếc cầu nối, như cơ hội để thiết lập liên minh quân sự với các nước phương tây ngăn chận hiểm họa Trung Hoa Đại Hán đã gần như bị vô hiệu hóa bởi bức ảnh đồng phục và bài diễn văn, tưởng chừng như trùng hợp tự nhiên.

Lối thoát hẹp của cộng sản Việt Nam đã bị Đới Bỉnh Quốc với vài động tác nghiệp vụ cho Thủ Dũng “mọc đuôi sam” khiến nhân dân Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế mất “niềm tin” vào Thủ Dũng, và trong tương lai muốn tiếp cận với các đối tác phương tây tìm hậu thuẫn cho chủ quyền biển đảo hoặc vận động quần chúng nhân dân hiến thân chống giặc xâm lược phương Bắc, sẽ là câu chuyện không hề dễ bởi các nước dân chủ tiên tiến, toàn dân Việt Nam đã nhận thấy bức ảnh đồng phục với bài diễn văn bất hủ “biết ơn sâu sắc kẻ thù xâm lược” của Thủ Dũng đại diện cho đảng, nhà nước CHXHCN Việt Nam, không thể một sớm một chiều mà xóa nhòa được.

Sự kiện nổi bật trong chuyến nhập Việt của Đới Bỉnh Quốc là bức ảnh “đồng phục” và bài diễn văn của Thủ Dũng, cả hai diễn ra khá nhanh, khá bất ngờ ngoài suy luận của nhiều người. Nếu nhìn thoáng qua sẽ nghĩ chỉ là chuyện nhỏ, chuyện đơn giản nhưng nghiệm lại sẽ thấy hậu quả của nó không hề nhỏ. Chốt chặn cuối cùng cho hai mặt trận quốc tế, quốc gia đã bị Đới Bỉnh Quốc bẻ gãy, nó cũng có nghĩa rằng với lối chơi “xấu” thông minh của Quốc, buộc Thủ Dũng không còn quyền lựa chọn mà phải chơi theo cách Quốc dẫn dắt.

Liệu Thủ Dũng và ban tham mưu của Dũng có đủ bản lãnh, trí tuệ để giành ưu thế trong ván kế tiếp hay ít nhất chiếm lại được hiện trạng lúc Đới Bỉnh Quốc chưa nhập Việt? Hãy chờ xem, đừng nôn nóng các bạn của tôi ơi. Dù thế thua đã hiển hiện nhưng cứ hy vọng, chờ hồi sau sẽ rõ!

11 thg 9, 2011

Vì sao tội ác lên ngôi?


Tống Văn Công

Suốt mấy tuần qua, báo chí trong nước đăng nhiều bài phân tích nguyên nhân của hai vụ giết người cướp của ghê rợn xảy ra cùng thời gian ở Bắc Giang và Bình Dương. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vốn là nhà giáo, bà bức xúc “rung chuông về giáo dục nhân cách”. Nhiều vị tiến sĩ tâm lý vào cuộc. TS Thạch Ngọc Yến có bài viết Thiếu vách chắn trước cơn bốc đồng, cho rằng các vụ này có “mẫu số chung là: Họ có một quá khứ không bình thường. Có thể là sự xáo trộn trong gia đình, là tuổi thơ bị bỏ rơi…”. PGS-TS Lê Trọng Ân có bài Người lớn hãy làm gương, với mở đầu “Ông bà ta dạy: Con dại cái mang. Do đó con cái hư hỏng, cha mẹ phải xem lại mình…”. Nhà báo Cao Tuấn có bài Sức mạnh kháng thể, “khái quát hơn cái ác có vẻ như đang ẩn hiện khắp nơi”. Thế nhưng ông lại nhận định: “Nó là sản phẩm “quái gỡ” (nhưng không nhiều) của một xã hội đang vận động đi lên - các yếu tố cũ, lạc hậu chưa mất hẳn và yếu tố mới, tiến bộ chưa định hình… Xét về mặt triết học, đây là thời kỳ chuyển tiếp không dễ dàng đối với bất cứ xã hội nào”. Lạ lùng là ông khuyên đừng “quá chú tâm truy tìm gốc rễ của những hiện tượng quái gỡ, hãy dành nhiều thời gian hơn để thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng lành mạnh”. Thật không khác nào trước con bệnh ngặt, lại khuyên thấy thuốc chớ chẩn đoán bệnh, mà hãy khuyến khích họ vui chơi, chạy nhảy!
Tôi không phải nhà nghiên cứu tâm lý, nhưng có lưu tâm đến vấn đề đạo đức xuống cấp, khi nghe anh Thái Duy (tức nhà văn Trần Đình Vân – tác giả Sống như anh) từ miền Nam trở ra Hà Nội tâm sự: “Cậu ạ, Đảng mình có trách nhiệm đã làm xuống cấp đạo đức người dân Hà Nội. Hồi tớ đi học, mỗi khi thấy đám ma từ xa, cả bọn xuống xe đạp, giở mũ cúi đầu, chờ xe đi qua. Còn nay, bọn trẻ ngang nhiên phóng xe, lại còn lớn tiếng chửi thề, tại sao xe tang đi chậm cản đường!”. Tôi nghĩ đạo đức xuống cấp bắt đầu từ chuyện lớp trẻ chửi xe tang cản đường đã phát triển dần từng năm một! Tết Nguyên đán năm 2009, Hà Nội xảy ra vụ hằng trăm người xô đạp nhau tranh cướp hoa anh đào, tôi đã viết bài Vì sao đạo đức băng hoại tặng nhà thơ Hoàng Hưng và giáo sư Nguyễn Huệ Chi là hai người quan tâm vụ việc này. Gần ba năm qua, tình trạng xã hội và con người Việt Nam đã đi tới câu hỏi bức thiết hơn: Vì sao tội ác lên ngôi?
I. Đoạn tuyệt với đạo đức truyền thống!
Xin đọc Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Marx - Engels, Phần 2, “Những người vô sản và những người cộng sản” (Nhà xuất bản Sự thật Hà Nội, năm 1974, trang 77):
“Có người sẽ bảo: “Cố nhiên những quan điểm tôn giáo, đạo đức, triết hoc, chính trị, pháp quyền, v.v. đã biến đổi trong tiến trình phát triển lịch sử. Nhưng tôn giáo, đạo đức, triết học, chính trị, pháp quyền vẫn luôn được bảo tồn qua những biến đổi ấy.
Vả lại, còn có những chân lý vĩnh cửu như tự do, công lý, v.v. chung cho mọi chế độ xã hội. Thế mà chủ nghĩa cộng sản lại xóa bỏ những chân lý vĩnh cửu, nó xóa bỏ tôn giáo và đạo đức chứ không đổi mới tôn giáo và đạo đức; làm như thế là trái ngược với tất cả sự phát triển lịch sử trước kia?”.
Lời buộc tội ấy rốt cuộc là gì? Lịch sử của tiến bộ xã hội từ trước tới nay đều diễn ra trong đối kháng giai cấp, những đối kháng mang những hình thức khác nhau tùy thời đại. Nhưng dù những đối kháng mang hình thức gì đi nữa, hiện tượng một bộ phận này của xã hội bóc lột một bộ phận khác cũng vẫn là hiện tượng chung cho tất cả các thế kỷ trước kia. Vậy không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng ý thức xã hội của mọi thế kỷ mặc dù có muôn màu muôn vẻvà hết sức khác nhau vẫn vận động trong một số hình thức chung nào đó, trong những hình thái ý thức chỉ hoàn toàn tiêu tan khi hoàn toàn không còn có đối kháng giữa các giai cấp nữa.
Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với tư tưởng cổ truyền…”.
Từ những năm 50 của thế kỷ 20, người Việt Nam bắt đầu được nghe, “nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á”. Nhà nước này sắp xếp thứ tự của “tứ dân” từ sĩ, nông, công, thương phải thay đổi: Giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng; Giai cấp nông dân là quân chủ lực cách mạng, nhưng lại chia thành: cố nông, bần nông, trung nông. Cố nông, bần nông là cốt cán tin cậy. Trung nông kém tin cậy hơn, chia ra trung nông lớp dưới và trung nông lớp trên. Phú nông vừa lao động vừa bóc lột, phải tước bỏ tính bóc lột của họ. Địa chủ không còn nằm trong lực lượng yêu nước mà là đối tượng phải tiêu diệt. Tầng lớp trí thức có cái đuôi là tiểu tư sản, được gọi đùa là “tạch tạch xè”, bị xem là có lập trường bấp bênh, dễ bị dao động, cần được theo dõi, uốn nắn. Thương nhân là hạng người xấu xa nhất. Giai cấp tư sản là đối tượng phải tiêu diệt, nhưng tư sản thương nghiệp, gọi là bọn mại bản phải tiêu diệt đầu tiên. Nhiều người cho rằng sự sắp xếp lại “tứ dân” như trên là đem tay chân thay thế cho bộ não của xã hội! (Đến nay, ở thời đại kinh tế tri thức việc gọi giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo thì sự vô lý càng trở nên bức xúc!). Từ lúc ấy, “Đại đoàn kết” đã nhường bước cho “đấu tranh giai cấp”, đạo đức bắt đầu đảo lộn, chữ “tố” lên ngôi thành một loại hoạt động xã hội được tôn vinh, đẻ ra thành ngữ mới “con tố cha, vợ tố chồng”!
Đạo đức cao nhất là trung thành với chủ nghĩa Marx - Lénin. Với nguyên tắc dân chủ tập trung, lãnh tụ Đảng cộng sản trở thành Thượng đế. Lãnh tụ quốc tế cộng sản đáng kính yêu hơn cả cha mẹ mình: “Vui biết mấy khi con học nói. Tiếng đầu đời con gọi Stalin” (Tố Hữu). Chữ trung, chữ hiếu truyền thống cũng thay đổi. Lời Cụ Hồ “trung với nước” bị đổi thành “trung với Đảng”. Trong cuộc chỉnh Đảng Trung ương khóa 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Có người nói, người cộng sản là vô tình, là bất hiếu. Con làm cộng sản có khi phải bỏ cả bố mẹ. Cái đó có hay không? Có! Người cách mạng nhất, là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hằng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến dày vò. Mình chẳng những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa. Phải hiểu chữ hiếu theo tinh thần cách mạng rộng rãi như vậy… Gia đình to là cả nước và gia đình nhỏ: Cái nào nặng? Cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to! Đó là cách hiểu xa thấy rộng. Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn. Phải hy sinh cái riêng cho cái chung” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, trang 389).
Sách Đại học (Tập 1 trong Tứ thư) viết: “Có hiếu là phải biết phụng sự vua. Có đễ là biết phụng sự người lớn”, tức là có ý dạy rằng, phụng sự vua cũng có nghĩa là có hiếu với cha mẹ, chứ không phải đòi hỏi chọn việc phụng sự vua mà bỏ cha mẹ.
Có lẽ, vì “cách mạng chọn gia đình to, hy sinh gia đình nhỏ” thể hiện triệt để tư tưởng của chủ nghĩa tập thể, cho nên “5 điều Bác Hồ dạy” không có điều nào dạy con cái phải hiếu thảo, kính yêu cha mẹ, ông bà. Bởi vì cha mẹ, ông bà của gia đình nhỏ đã được đặt trong gia đình lớn là: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”.
Trong hồi ký Chuyện làng ngày ấy nhà thơ Võ Văn Trực đã kể khá sinh động chuyện làng của ông phá bỏ chùa chiền, miếu mạo, tập thể hóa cả mồ mả ông bà. Tiếp theo đó, hồi ký Cọng rêu dưới đáy ao, Võ Văn Trực kể chuyện chính quyền, đoàn thể buộc người ta phải hy sinh mọi lợi ích riêng tư, dành tất cả cho tập thể. Con người muốn cho riêng mình thì buộc phải che giấu, nói dối (lý lịch gia đình, các mối quan hệ xã hội, báo cáo láo thành tích, những lo toan cho cá nhân, gia đình mình…). Do đó, Từ điển có thêm từ “khai man”, “tố điêu”.
II. Xây dựng đạo đức cách mạng
Từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Sửa đổi lề lối làm việc đã đề ra việc chống các bệnh chủ quan, ích kỷ hẹp hòi, cá nhân, bản vị, cục bộ và xây dựng đạo đức cách mạng. Từ đó cho tới năm qua đời, Cụ viết rất nhiều bài mở rộng tư tưởng này, tiêu biểu là bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, viết ngày 3-2-1969, và trong Di chúc đoạn nói về Đảng cầm quyền. Cụ chỉ ra 10 bệnh của chủ nghĩa cá nhân cần phải xóa bỏ và đề ra nội dung đạo đức cách mạng gồm: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Chí công vô tư vốn là một khái niệm đạo đức cũ. Chí công nghĩa là rất công bằng; vô tư là không có lòng riêng khi làm việc chung. Khái niệm này vốn dành cho quan lại, chứ không phải cho dân thường. Với quan chức, nó cũng chỉ đòi hỏi họ chí công vô tư khi hành xử công việc, chứ không phải trong cuộc sống riêng tư. Bởi vì trong cuộc sống riêng tư, họ cũng muốn lên chức, có lương cao, bổng hậu, vợ đẹp con khôn, thành đạt.
Cụ Hồ biến ý nghĩa cụm từ này thành đạo đức cách mạng, đòi hỏi mọi người đều phải thực hiện. Thậm chí Cụ cho rằng, nhiều đảng viên không thâm nhuần tư tưởng chí công, vô tư cho nên mắc chủ nghĩa cá nhân; và phải chí công, vô tư thì mới có cần, kiệm, liêm, chính. Theo cách hiểu phổ biến thì các nội dung trên đòi hỏi con người phải triệt tiêu cái riêng, đưa cái chung, cái tập thể lên địa vị độc tôn. Trong thời chiến (mà nước ta thời chiến quá dài!), mọi người dân dễ chấp nhận tư tưởng ấy, nhất là khi đặt mình giữa cái sống, cái chết ở chiến trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kiến Giang “trước sự hy sinh, con người thật ra phải có ý thức rất cao về cá nhân mình… Đó là phút thăng hoa của con người cá nhân”.
Tuy nhiên, nếu cho rằng chủ nghĩa tập thể giúp cho Việt Nam chiến thắng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ thì không đúng. Chính chủ nghĩa yêu nước mới là động lực chiến thắng, còn chủ nghĩa tập thể chỉ hạn chế động lực ấy. Có thể đưa ông Kim Nhật Thành của Triều Tiên làm ví dụ. Ông Kim được cả triệu quân Trung Quốc chi viện, nhưng vẫn không thắng nổi Hàn Quốc. Bởi ông ta không có Cách mạng Tháng 8, không có Hiến pháp 1946, không có Mặt trận dân tộc giải phóng ở miền Nam với lá cờ Hòa bình, Độc lập, Trung lập.
Nước Mỹ giàu mạnh, nhờ có dân chủ mà người dân có quyền ngăn chặn chiến tranh Việt Nam chỉ trong 5 năm, khi họ thấy chính phủ sai lầm. Việt Nam nghèo, lại bị cấm vận, nhưng đã kéo dài sự có mặt ở Campuchia đến 10 năm, chịu biết bao hậu quả không đáng có!
Chủ nghĩa tập thể vô hiệu hóa trách nhiệm cá nhân và tước mất lực lượng đại đoàn kết dân tộc ngay trong thời chiến.
Những ai từng tham gia kháng chiến chống Pháp đều biết giai thoại này: Các ông Năm Lửa, Ba Gà Mổ bảo nhau: “Bọn Việt Minh hội họp liên miên, cho nên còn rất ít thì giờ tìm đánh mình. Nếu họ bớt hội họp thì nguy cho mình đó!”.Từ những năm 50, do lo sợ bị loại vì chủ trương chấn chỉnh tổ chức, nhiều cán bộ chỉ huy cấp khu đã rời bỏ kháng chiến như Bảy Viễn, Trịnh Khánh Vàng… Trong thời chống Mỹ, rất nhiều nhân tài bị cách chức (như Kim Ngọc), hoặc giam cầm (Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Kiến Giang…).
Hơn 60 năm qua, năm nào cũng có chỉ thị, nghị quyết giảm hội họp, nhưng không thể giảm được. Bởi vì, cả hệ thống chính trị đều theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, rất cần có một quyết định tập thể để khi công việc thất bại chẳng có ai phải giơ đầu chịu báng! Vinashin nuốt tiền thuế của dân trung bình mỗi đầu người hơn một triệu đồng, nhưng đâu có ai bị kỷ luật. Bauxite Tây Nguyên, dự án lớn của Đảng, nhà nước đang băm nát đường vận chuyển ở hai tỉnh, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, và nếu mai kia xảy ra tai họa trút bùn độc lên đầu 20 triệu nhân dân thì cũng sẽ không có ai phải hầu tòa!
Sau giải phóng miền Bắc, chủ nghĩa tập thể bóp nghẹt mọi quyền tự do cá nhân.Tuy nhiên, chỉ có giới văn nghệ sĩ phản ứng bằng vụ Nhân văn - Giai phẩm. Bởi vì đặc thù của lao động nghệ thuật đòi hỏi phải có không gian tự do cá nhân tuyệt đối mới có thể sáng tạo.
Không chấp nhận cạnh tranh, chủ nghĩa xã hội tổ chức phong trào thi đua tập thể để thúc đẩy lao động sản xuất. Đó là hình thức làm tăng dối trá theo cấp số nhân. Ở miền Bắc ai cũng đã nghe chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trại lợn hợp tác xã. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy lợn cắn nhau quá dữ dội. Thì ra, Chủ nhiệm trại lợn đã có “sáng kiến” mượn lợn nuôi cá thể của các gia đình, đem nhốt chung vào chuồng hợp tác xã, để báo cáo Thủ tướng về tốc độ phát triển thần kỳ của chăn nuôi tập thể, chứng minh tính ưu việt không thể chối cãi của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm sa sút, lụn bại ngành giáo dục cũng là phong trào thi đua tập thể “hai tốt”. Dù ông Nguyễn Thiện Nhân gào lên “nói không” thì phong trào thi đua với mục đích tối cao là thành tích rất lặng lẽ cãi lại ”nói có”!
Không có tự do báo chí, tự do ngôn luận, chủ nghĩa xã hội kêu gọi phê bình, tự phê bình để khắc phục khuyết điểm. Nhưng thực tế cho thấy chả có ai chịu “vạch áo cho người xem lưng”. Đã có giai thoại: “Xin nghiêm khắc phê bình anh Hai luôn làm việc quá sức. Xin chân thành góp ý với anh Hai rằng, sức khỏe của anh Hai không phải là của riêng anh mà là tài sản quý báu của tập thể, của Đảng”. Cho đến nay, những nơi bị phát hiện tham nhũng lớn đều là nơi đang có phong trào thi đua sôi nổi, có tinh thần phê bình, tự phê bình thẳng thắn, đã nhiều năm đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”, như Đại lộ Đông Tây của Huỳnh Ngọc Sĩ chẳng hạn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói nổi tiếng “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa” (Câu này trái với Marx, theo Marx vật chất có trước ý thức). Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cách mạng, là con người của giai cấp vô sản, mọi tính người hình thành trong lịch sử bị coi là của giai cấp tư sản, phải xóa bỏ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc đặt khuôn mẫu cho con người xã hội chủ nghĩa, giống như kiểu dùng chiếc giường Procuste đặt con người lên đó, ai dài hơn giường thì chặt bớt cho vừa, ai ngắn hơn thì kéo cho dài ra. Cho đến khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ cũng vẫn chưa có con người xã hội chủ nghĩa! Trong nhật ký ngày 18-3-1958, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết: “Bây giờ đã đến cảnh không ai dám nói thật với ai”. Năm mươi năm sau, nhà văn Nguyễn Khải, đảng viên 60 tuổi Đảng, giải thưởng Hồ Chí Minh, lặp lại lời Nguyễn Huy Tưởng như một tổng kết bản chất của chế độ trong bút ký chính trị cuối cùng: “Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật”. Như vậy có thể nói, tất cả những người ưu tú nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không có một ai thực hiện được đạo đức cách mạng. Nói dối, nghĩ một đằng, nói một nẻo chính là nguyên nhân đầu tiên, từ đó đẻ ra những tệ nạn khác làm sa đọa xã hội.
III. Đạo đức cách mạng xung khắc với Đổi mới!
Cuối thập kỷ 80, đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, nổi bật là kinh tế và chính trị.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Kiệt lắng nghe nhân dân, đã dám làm một việc tày đình là “xé rào”, thực hiện “hài hòa 3 lợi ích”: lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích cá nhân người lao động. Lợi ích cá nhân người lao động là điều chỏi với chủ nghĩa tập thể! Năm 1982, khi bị ra khỏi Bộ Chính trị, trở về làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Linh tiếp tục “xé rào” làm cho kinh tế, đời sống dễ chịu so với cả nước.
Năm 1983, trong đợt học tập Nghị quyết Trung ương (khóa 5), tôi được xếp vào tổ thảo luận của khối Dân vận Trung ương do Trưởng ban Vũ Quang làm tổ trưởng. Ông Vũ Quang hướng dẫn tổ phê phán “chủ nghĩa tự do kinh tế ở Sài Gòn” đang vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, năm 1986 Đại hội 6 đã chọn “xé rào” làm tiền đề của Đổi mới, lấy đổi mới kinh tế làm khâu đột phá. Đổi mới kinh tế tức là trả lại tự do, dân chủ cho nhân dân, nông dân được ra khỏi hợp tác xã để nhận khoán hộ, người có vốn được đứng ra kinh doanh sản xuất và mua bán. Đổi mới kinh tế xóa bỏ những nguyên lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, tức là chọc thủng một mảng lớn chế độ toàn trị, nhưng được gọi tránh né là “chế độ quan liêu, bao cấp”.
Thật đáng tiếc, ông Nguyễn Văn Linh không ý thức được rằng “ba lợi ích” mà ông là đồng tác giả với Võ Văn Kiệt đã làm bật dậy sức sáng tạo của toàn dân, chính vì nó rời bỏ chủ nghĩa tập thể lỗi thời, trả lại tự do cá nhân cho người lao động. Ông khư khư định hướng xã hội chủ nghĩa, không chấp nhận đổi mới chính trị tương ứng với kinh tế. Ông vừa mới nghe Trần Độ để cho ra Nghị quyết 05 “cởi trói cho văn nghệ sĩ”, ngay sau đó đã giật mình, vội quy tội Trần Độ chệch hướng xã hội chủ nghĩa! Ông diệt sinh mệnh chính trị Trần Xuân Bách, chọn Đỗ Mười, người có “thành tích” trong một tuần đánh tan giai cấp tư sản dân tộc, làm người kế nhiệm. Ông chủ động cúi mình cầu thân với Bắc Kinh, vì cho rằng “dù có tư tưởng bành trướng, nhưng cùng là xã hội chủ nghĩa với nhau”. Đổi mới vì thế bị dẫm chân tại chỗ, đất nước bỏ lỡ nhiều cơ hội: không sớm bình thường quan hệ với Mỹ, chậm vào WTO, không dân chủ hóa xã hội, làm cho hệ thống chính trị thoái hóa, cản trở phát triển kinh tế, hiện nay có nguy cơ không thể thực hiện được mục tiêu ”đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (Nghị quyết Đại hội 11), không tạo được điều kiện hòa giải, hòa hợp, phát huy sức mạnh dân tộc. Không đổi mới chính trị tương thích với kinh tế đã đưa tới khủng hoảng toàn diện mà nổi bật là hai tình trạng sau đây:
1- Một là, quyền lực nhà nước không bị kiểm soát, hạn chế, không có nền tư pháp độc lập; không có báo chí tự do, đã khiến cho đảng viên, cán bộ lợi dụng chức quyền làm giàu bất chính, nổi bật là tình trạng chiếm đoạt nhà cửa, đất đai, ghê gớm hơn là hình thành những “nhóm lợi ích” lũng đoạn chính sách nhà nước. Nhìn từng làng xã, nhìn rộng ra cả nước, ai cũng thấy những kẻ tự xưng là đầy tớ của nhân dân, mở miệng là rao giảng đạo đức cách mạng, chí công vô tư, chính là những “tư sản đỏ”, sống trên luật pháp, tham nhũng từ to đến nhỏ, ăn cả tiền từ thiện cứu trợ đồng bào các vùng bị lũ lụt. Những người cơ cực, những dân đen thấp cổ bé họng, uất ức tìm mọi cách giành quyền sống trong một xã hội bất minh, bằng mọi cách ”loạn cương” như lừa lọc, cướp giật, giết người. Thế là hình ảnh một xã hội trung cổ được tái hiện: “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.
Có thể xếp song song hai dòng người sa đọa, nhưng đối chọi nhau trong bức tranh xã hội Việt Nam: Một bên là Đinh Văn Hùng Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình buôn bình cổ, trống đồng trị giá hàng triệu USD, đã “hạ cánh an toàn, đang sống trong cơ ngơi như đế vương; Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Hà Giang mua trinh học sinh vị thành niên, bị gái điếm chụp ảnh khỏa thân… đã “hạ cánh an toàn,” đang sống trong biệt thự sang trọng. Và tiếp theo chúng là hằng ngàn, hằng vạn “đồng chí chưa bị lộ”! Bọn này ngày càng đông nối nhau theo đà sa đọa của hệ thống chính trị. Chính chúng nó là nguyên nhân làm nảy sinh những kẻ thủ ác trong danh sách thứ hai, gồm những Lê Văn Luyện đang mọc lên như nấm!
2- Hai là, tự do kinh tế giải phóng sức lao động sáng tạo của cá nhân, đồng thời đánh thức cho họ biết rằng mình còn có những quyền của con người vẫn còn bị tước đoạt: Đó là quyền làm chủ nhà nước, quyền được mở mồm ra nói, quyền được hội họp và lập hội để bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp… Những ông Vua Lốp mới (nhân dân Hà Nội gọi ông Nguyễn Văn Chẩn là “vua lốp”, người tự chế ra dép lốp, tái sinh lốp xe cũ như mới, bị chính quyền Hà Nội xử tù 3 lần và tịch biên tài sản) của tự do chính trị liên tục xuất hiện từ Trần Xuân Bách đến Nguyễn văn An, rồi Cù Huy Hà Vũ…
Chân lý đang chia đôi thành hai trận tuyến hết sức gay gắt: Yêu nước và Phản động!
Báo chí lề trái cùng với đông đảo nhân dân gọi Cù Huy Hà Vũ là nhà yêu nước vĩ đại. Giáo sư Ngô Bảo Châu viết blog so sánh Hà Vũ với các vị anh hùng Hector, Tumus, Kinh Kha, “Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này”. Hậu thuẫn Hà Vũ là hằng ngàn người ký tên kiến nghị đòi trả tự do cho ông, gồm nhiều đảng viên, lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức và nhân dân trong, ngoài nước, kể cả những người đã tham gia hằng chục cuộc biểu tình khắp cả nước từ tháng 6 đến nay. Tiếp sau đó, là hàng triệu nông dân mất đất, bị “giải phóng mặt bằng” bởi các “nhà đầu tư” cấu kết với đảng viên, cán bộ địa phương ép họ chịu đền bù đất đai với giá rẻ mạt, khiến họ hết đường sinh sống. Bên cạnh đó là hàng triệu công nhân tham gia hơn 4000 cuộc đình công bị coi là trái pháp luật, vì không có quyền chọn cho mình một tổ chức công đoàn dám bảo vệ quyền lợi đoàn viên.
Ngược lại, phía nhà cầm quyền, báo chí lề phải gọi những người kể trên là bọn phản động, nghe theo xúi giục của các thế lực thù địch chống Đảng, chống nhà nước và có âm mưu chia rẽ tình hữu nghị Việt - Trung. Nông dân bị Luật đất đai tước quyền sở hữu cá nhân (vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân), bị chặn lại với lệnh cấm khiếu kiện tập thể. Công nhân bị cấm không được phép cử Ban đại diện công nhân ở những nơi chưa có công đoàn do Đảng lập ra.
Qua hai bức tranh xã hội miêu tả khái quát, có thể nói: Tội ác tràn lan hiện nay không phải do “thiếu vách chắn trước cơn bốc đồng”, không phải “con dại, cái mang”, càng không phải “yếu tố cũ, lạc hậu chưa mất hẳn”, nó là sản phẩm mới đang sinh sôi hằng ngày do khủng hoảng văn hóa, đạo đức, nằm trong cuộc khủng hoảng toàn diện của xã hội Việt Nam, nguyên nhân chính là hệ thống chính trị không phù hợp với nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản hoang dã. Bài thuốc chữa duy nhất cho nó là dân chủ hóa xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập.
Ngày 9- 9- 2011
T.V.C.

9 thg 9, 2011

Thư ngỏ gửi bạn bè, người quen có chức, có quyền


Các bạn mến thân!

Các anh, các chị kính quý!

Trước hết cho phép tôi giải thích đôi chút về cụm từ “có chức, có quyền”. Thường thường nói về các bạn, các anh, các chị; mọi người hay gọi trịnh trọng là “các đồng chí lãnh đạo”. Tôi cũng gọi như thế ở các cuộc họp hay trong các bài báo. Còn ở đây là một lá thư, tôi muốn có không khí thân mật nên gọi các bạn, các anh các chị là “những người có chức có quyền”. Gọi thế này nó không trang trọng một chút nhưng chính xác. Khi Đảng ta chưa giành được chính quyền, những cán bộ của Đảng cũng được gọi là “các đồng chí lãnh đạo” nhưng lúc đó làm gì có quyền? Còn bây giờ các bạn, các anh, các chị có quyền rồi thì nên gọi rõ là những người có chức, có quyền cho chính xác, dễ hiểu.
Thưa các bạn!
Kính thưa các anh, các chị!
Khi thấy bạn bè, người quen thăng quan, tiến chức, thông thường người ta rơi vào mấy trạng thái tình cảm như sau: ghen tị và sợ hãi, hoặc vui mừng. Với tôi, có khác một chút. Tôi không hề ghen tị, vì chỉ cần không thiểu năng trí tuệ là hiểu được rằng, những người đứng ngoài hàng ngũ của Đảng khó mà có chức tước gì quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực báo chí, văn hoá, tư tưởng. Mà tôi lại không làm gì ngoài việc làm báo và giảng dạy nên không bao giờ tôi nghĩ đến chức quyền. Do đó ở tôi không có sự ghen tị khi các bạn, các anh, các chị có chức cao, quyền trọng. Tôi cũng không hề sợ vì nếu sợ thì tôi đã không ngồi viết lá thư ngỏ này.
Vậy tôi có vui mừng không? Có nhưng ít thôi. Vì sao vậy? Vì theo tôi nghĩ, người ta phấn đấu để có chức, có quyền nhằm hai mục đích cơ bản: (1) Bảo đảm cuộc sống sung túc, no đủ, sang trọng; (2) Cống hiến tài năng của mình cho đất nước để ghi danh vào sử sách.
Về mục đích thứ nhất, tôi nghĩ các bạn, các anh chị đã đạt được rồi. Tôi chưa thấy ai có chức có quyền mà lại nghèo đói cả.
Trong tình hình của đất nước và của thế giới hiện nay, đạt được mục đích thứ hai là rất khó. Tôi sẽ nói rõ vấn đề này theo cách hiểu, cách cảm của tôi để các bạn, các anh, các chị tham khảo.
Sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, nước ta có bước phát triển khá ấn tượng về kinh tế. Tuy nhiên, những mặt khác như giáo dục, y tế, văn hoá, văn học - nghệ thuật… lại không có bước phát triển tương ứng như vậy. Do đó, trong xã hội nảy sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực: nạn tham nhũng tràn lan, nạn mua quan, bán tước phổ biến, đạo đức - đạo lý không được coi trọng, niềm tin của người dân vào tương lai giảm sút… Trong bối cảnh như vậy, những người có chức, có quyền muốn “có chút danh gì với núi sông” phải phấn đấu ghê gớm lắm mới có được. Nghĩa là các bạn, các anh, các chị phải góp phần giải quyết được những vấn đề bức xúc đang đặt ra, đấu tranh đẩy lùi những tiêu cực một cách hiệu quả may ra mới được người đời ghi nhận.
Để làm được những điều này trong hoàn cảnh hiện nay, các bạn, các anh, các chị phải quan tâm tới nhiều thứ và phải có nỗ lực lớn về sức lực và trí tuệ mới mong giải quyết được vấn đề.
Tôi sẽ nêu ra những yếu kém đòi hỏi phải khắc phục.
Tôi muốn: Các bạn, các anh chị nắm bắt được thông tin chính xác và đầy đủ về tình hình trong nước
Điều này tưởng là đơn giản, nhưng thực tế rất khó khăn và phức tạp. Nếu các bạn, các anh chị chỉ đọc báo (chính thống), nghe đài, xem tivi, nghe cấp dưới báo cáo thì không khi nào có được thông tin đầy đủ, trung thực. Thật là buồn khi phải nói ra điều này: Rất nhiều người làm trong lĩnh vực thông tin hiện nay không đủ trình độ để nhận thức đúng sai, thực giả; không đủ bản lĩnh để nói lên sự thật đen tối, để từ chối phát ngôn những điều trái đạo lý. Vì vậy, các bạn, các anh chị cần phải ngồi quán với giới trí thức, về nông thôn gặp nông dân, đọc các trang web, blog, báo chí nước ngoài thì mới có thông tin đa chiều, mới mong có được một bức tranh toàn cảnh tương đối đầy đủ và trung thực về xã hội, đất nước mà ta đang sống. Điều này thì chính Lênin đã từng chỉ rõ. Nhiều người trong các bạn, các anh chị đã học ở các trường đảng cao cấp, chắc biết đến bài báo“Có hai nền văn hoá” của Lênin (viết trước cách mạng tháng Mười). Trong bài báo này Lênin chỉ rõ thông tin của chính quyền Sa hoàng đưa ra thường không đầy đủ, không phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Rất may là còn một luồng thông tin nữa, không chính thống được lưu truyền bằng con đường truyền đơn, báo chí bí mật, và đặc biệt là truyền miệng. Đây chính là một nguồn thông tin quý…
Nhắc lại điều này, tôi chỉ muốn lưu ý các bạn xử lý thông tin thật tốt thì mới làm chủ được tình hình. Muốn vậy, cần phải nghe bằng hai tai; nghe những lời phê phán, chỉ trích để tìm ra sự thật. Còn nếu chỉ nghe những lời ca ngợi của “thông tin chính thống” và những lời khen của cấp dưới thì chính các bạn, các anh chị đang sống ở những lâu đài xây trên cát.
Tôi lưu ý: Tính hợp lý trong hoạt động của chúng ta đang có vấn đề
Ai cũng biết, làm bất cứ việc gì, nếu làm đúng (hợp lý) thì kết quả sẽ tốt, còn làm sai (không hợp lý), kết quả sẽ xấu cho đến tồi tệ.
Quan sát những hoạt động diễn ra trong thời gian vừa qua, tôi thấy quá nhiều điều không hợp lý. Tôi lấy ví dụ ngay từ vấn đề nổi bật nhất: Những cuộc biểu tình ở Hà Nội và TP HCM trong thời gian vừa qua. Chính quyền đã có cách nhìn nhận thiếu nhất quán và hành động không hợp lý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Công an Hà Nội đã từng đưa ra nhận xét đây là biểu tình yêu nước. Ấy thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, một số cơ quan báo chí của Thủ đô cho rằng, nhiều người tham gia biểu tình có mục đích xấu, là phản động. Vấn đề được đẩy lên căng thẳng đến mức có thể xảy ra kiện tụng, căm ghét lẫn nhau, thậm chí xô xát. Đến lúc này thì lãnh đạo Hà Nội mới mời những trí thức tham gia biểu tình lên gặp gỡ, đối thoại. Giá cuộc gặp gỡ này diễn ra ngay từ đầu chứ không phải để công an bắt bớ, đạp lên ngực, lên mặt người biểu tình thì hay biết mấy!
Cái không hợp lý lớn hơn, bao trùm hơn diễn ra trong phát triển kinh tế. Việt Nam là một nước thiếu điện triền miên nhưng lại cho phát triển những ngành tiêu thụ điện lớn như luyện kim, sản xuất xi măng một cách vô tội vạ. Vậy sự hợp lý ở đâu? Khi mới bước sang thế kỷ XXI, chúng ta thống nhất với nhau là Việt Nam phát triển kinh tế tri thức, nghĩa là ưu tiên đầu tư những ngành có sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học… Nhưng trên thực tế thì sao? Chúng ta phát triển những ngành “cơ bắp” như khai khoáng, luyện kim, đóng tàu… Phát triển kinh tế theo kiểu này, đừng mong phát triển bền vững!
Tôi chỉ nêu 2 ví dụ điển hình. Còn các bạn, các anh, các chị ở vị trí của mình, thừa biết còn biết bao nhiêu điều bất hợp lý đang diễn ra hàng ngày. Nếu chúng ta chấp nhận sự bất hợp lý thì rất nguy hiểm
Tôi gợi ý: Những vấn đề lý luận trong chủ trương đường lối phát triển đất nước cần được quan tâm hơn
Đây là vấn đề tôi theo dõi thường xuyên và cảm thấy chưa được quan tâm đúng mực. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12 -1986) đến nay, chưa có bước đột phá rõ ràng, thậm chí chưa giải thích rõ được những khái niệm có bản nhất. Ví dụ, chúng ta chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường nhưng có thòng cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vậy hình hài một xã hội có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ra sao? Chẳng thấy nhà lý luận nào giải thích rõ ràng, ngoài một mệnh đề gần như là khẩu hiệu: “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Những điều này là mục đích của bất cứ dân tộc nào, xã hội nào. Vấn đề của các nhà lý luận và hoạt động thực tiễn là phải chỉ ra những biện pháp để đạt được mục đích đó và chứng minh bằng thực tế cuộc sống.
Ở Việt Nam chưa làm được điều này, thậm chí là ngược lại. Ở Liên Xô trước đây đã có hàng chục năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành tựu mà mọi người cho là “có tính chủ nghĩa xã hội nhất” đó là việc có được nền giáo dục và nền y tế chất lượng tốt và miễn phí. Còn ở ta hiện nay thì sao? Người dân gần như khánh kiệt vì hai loại dịch vụ này. Tiền cho con cái đi học chiếm phần lớn thu nhập của gia đình. Nếu gia đình có người ốm đau đi viện là coi như cầm chắc nợ nần. Nhiều người ở nông thôn mang con ra thành phố chữa bệnh, không may con chết, họ không dám nhận xác mang về vì không có tiền thanh toán cho bệnh viện. Rồi lại có chuyện đám đông đạp phá bệnh viện, người nhà bệnh nhân giết bác sĩ… Một xã hội như vậy thì thử hỏi xã hội chủ nghĩa ở chỗ nào?!
Làm lý luận là căn cứ vào thực tế cuộc sống, rút ra những bài học kinh nghiệm để xác định đường lối phát triển phù hợp. Thực tế của đất nước ta hiện nay là như vậy mà vẫn nói là xã hội chủ nghĩa thì e rằng quá giáo điều. Trên thế giới cũng có nước nói là họ “kiên trì” xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, nhưng họ khẳng định riêng “giai đoạn quá độ có thể kéo dài hàng trăm năm”. Do vậy không ai đủ kiên trì để theo dõi họ xây dựng chủ nghĩa xã hội thế nào nữa.
Tôi thấy những người làm lý luận của chúng ta trong vài chục năm gần đây không có đột phá, không có sáng tạo, không đổi mới tư duy… Cho đến bây giờ mà vẫn nói: “Không có chủ nghĩa xã hội thì không có độc lập dân tộc” thì quả là bất chấp mọi thực tế! Hiện nay trên thế giới cho trên 200 quốc gia, trong đó phần lớn là có độc lập dân tộc, nhưng thử hỏi có bao nhiêu quốc gia có chủ nghĩa xã hội?
Công tác lý luận yếu kém còn thể hiện ở chỗ chúng ta ủng hộ cả những suy nghĩ, việc làm sai về cơ bản của một số cán bộ cao cấp, nắm giữ những chức vụ quan trọng. Tôi lấy ví dụ: Khi ông Nguyễn Thiện Nhân được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông liền đề ra “cuộc vận động hai không” - nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử.
Nếu chịu khó suy nghĩ một chút, chúng ta thấy ngay không thể biến việc chống tiêu cực trong thi cử và chống bệnh thành tích thành hoạt động chính của giáo dục được - hoạt động chính của giáo dục phải là dạy và học. Tư tưởng cơ bản của giáo dục là cố gắng học hỏi để làm những điều hay, điều tốt chứ không phải không làm điều xấu, điều ác. Một nhà giáo có kiến thức sư phạm sẽ nói với học sinh: “Các em cố gắng học tập rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi!”. Còn nhà giáo lỗ mỗ trong ngành giáo dục sẽ nói: “Các em cố gắng đừng trở thành kẻ trộm, kẻ cướp!”. Mục đích thì có vẻ tốt đẹp như nhau, nhưng cách truyền đạt khác hẳn nhau và sự tác động tới học sinh cũng khác nhau.
Trước khi ông Nguyễn Thiện Nhân phát động “phong trào hai không”, trong ngành giáo dục đang thực hiện “phong trào thi đua hai tốt: dạy tốt và học tốt”. Điều cốt lõi này của giáo dục bị xem nhẹ khi “phong trào hai không” được phát động rầm rộ ở khắp nơi.
Một tư tưởng sai về cơ bản, trái với bản chất của giáo dục như vậy mà được chúng ta nhiệt liệt ủng hộ, biến thành phong trào rầm rộ trong cả nước thì rõ ràng những người làm lý luận, chỉ đạo tư tưởng – văn hoá - truyền thông không sâu sát, thiếu tinh nhạy. Từ những yếu kém này sẽ nảy sinh nhiều yếu kém khác mà chúng ta chưa lường hết được.
Tôi suy nghĩ: Bảo vệ chủ quyền quốc gia
Vấn đề này không mới bởi dân tộc ta đã đối đầu với nó hàng ngàn năm. Chỉ có điều hiện nay mặc dù chúng ta sống trong hòa bình nhưng luôn luôn có cảm giác bất yên. Thật ra, vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia không cần phải nói nhiều, bàn nhiều vì đây là muốn đề thiêng liêng đối với mọi người dân. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để 90 triệu người Việt (kể cả 4 triệu Việt kiều) đoàn kết một lòng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia. Muốn vậy, chính quyền phải thể hiện được khát vọng của nhân dân, không nhượng bộ, không “đi đêm”, không tỏ ra mềm yếu.
So với các nước trong khu vực, chúng ta không lớn về diện tích, không mạnh về quân sự, không giàu về kinh tế nhưng chúng ta có truyền thống yêu nước và sự sẵn sàng xả thân vì đất nước. Đây chính là điểm tựa vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc quan trọng nhất của chính quyền hiện nay là không được làm xói mòn điểm tựa này.
Tôi hiểu là việc đấu tranh ngoại giao để bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là rất khó khăn, phức tạp. Những người trực tiếp làm vấn đề này đang chịu nhiều sức ép. Hôm trước ngồi tranh luận trực tiếp với mấy bạn, tôi có nói thế này: “Muốn gì thì gì, nếu để mất đất, mất biển, mất đảo thì sau này người ta đào mả các vị lên đấy!”. Tôi xin lỗi vì nói như thế nó gay gắt quá! Nhưng tôi vẫn bảo lưu ý kiến là phải tỏ ra cương quyết, nhất quán, mạnh mẽ trong vấn đề chủ quyền quốc gia, dù phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị của mình.
Tôi lo lắng: Lạm quyền là vấn đề đáng quan ngại nhất
Chuyện những người có chức có quyền lạm quyền đã quá quen thuộc, một số người yêu mến Trịnh Công Sơn nói đề tài này “xưa như Diễm”. Tôi là người không thích lặp lại chuyện cũ, nhưng sẽ nói về chuyện lạm quyền dưới góc nhìn mới - cụ thể, mang tính thời sự và mạnh mẽ hơn.
Trước hết, rõ ràng và bức xúc nhất là chuyện chính quyền giải quyết việc biểu tình phản đối thái độ trịch thượng và coi thường chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Cho đến ngày hôm nay, đây là đề tài chia rẽ bạn bè của tôi nhất. Số người ủng hộ những người biểu tình không phải là ít, số người phản đối cũng không phải là nhỏ, nhưng hầu như tất cả đều thống nhất rằng: Chính quyền lúng túng và sai lầm trong việc đối xử với những người biểu tình. Chứng minh điều này không hề khó. Biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra trong một thời gian dài (11 tuần). Trước khi bắt bớ và một số tờ báo phê phán những người biểu tình, Trung tướng Công an Nguyễn Đức Nhanh đã khẳng định: “Đây là biểu tình thể hiện lòng yêu nước và Công an Hà Nội không có chủ trương đàn áp biểu tình”. Vậy hà cớ gì ngày 21/8 lại có bắt bớ? Tệ hại hơn một số cơ quan truyền thông của Hà Nội có những bài báo với thái độ trịch thượng và nội dung sai sự thật. Đặc biệt, bà Nguyễn Phương Nga đã có những lời lẽ mâu thuẫn giữa những lần phát ngôn.
Tôi cho rằng, dẫu có chức, có quyền, có trách nhiệm cũng không nên phát ngôn theo kiểu “nói lấy được”.
Tôi nghĩ, đối phó với biểu tình yêu nước, trước hết đó không phải là việc của công an mà là của những nhà lý luận, tư tưởng, những nhà văn hoá. Việc Chính quyền Thủ đô Hà Nội ra một thông báo (không đúng quy trình ra văn bản có tính pháp quy) cấm biểu tình rồi căn cứ vào đó để quy kết những người tham gia biểu tình là “quấy rối”, là “phản động” là một trong những biểu hiện rõ ràng của lạm quyền.Tại sao không có người nào trong hàng ngũ “có chức, có quyền” trực tiếp đối thoại với những người biểu tình (phần đông là trí thức) một cách ôn hoà, trật tự? Nếu chính quyền cho rằng biểu tình là không có lợi cho lợi ích quốc gia thì phải có đại diện giải thích rõ ràng, có sức thuyết phục về vấn đề này.
Nhưng biểu hiện lạm quyền rõ nhất có lẽ thuộc ngành công an. Đã có vài chục trường hợp người dân bị công an đánh chết, hoặc chết không rõ nguyên nhân ở đồn công an. Còn cảnh sát giao thông chặn xe ăn tiền ở bất kỳ nơi nào đã trở thành chuyện cơm bữa. Điều này gây bức xúc rất lớn trong nhân dân. Trước mắt, tạm thời chỉ có những phản ứng nhỏ lẻ “chống lại người thi hành công vụ”. Nhưng nếu sự việc vẫn tiếp tục diễn ra mà không được giải quyết thoả đáng thì những vụ như ở Bắc Giang (hàng ngàn người kéo đến UBND tỉnh, kéo đổ cửa), thậm chí còn lớn hơn có thể xảy ra.
Nhiều người cho rằng, nước ta hiện nay có tình hình chính trị ổn định, quân đội và công an trung thành và vững mạnh, Đảng có trên 3 triệu đảng viên nên có thể yên tâm về mọi mặt. Theo tôi thì không nên chủ quan. Vào năm 1991, Liên Xô có gần 5 triệu người trong lực lượng vũ trang (quân đội và công an), gần 25 triệu đảng viên. Mọi thứ tưởng chừng rất yên ổn và vững chắc, ấy thế là rụp một cái, cường quốc xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Một trong những nguyên nhân trực tiếp chính là sự lạm quyền của các quan chức.
Tôi xin đưa ra lời khuyên: Không nên quá tham lam!
Mới đây tôi có đến khám Chí Hòa và muốn biết cái nhà tù nổi tiếng này đang giam giữ những đối tượng nào ở đó.
Những người phụ trách ở đó nói: “nhà tù này chỉ giam giữ cộng sản không thôi hà!”. “Tại sao lại nói như vậy?”. “Vì thực tế là như vậy. Trước Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp xây nhà tù này để giam giữ, tra tấn những người cộng sản yêu nước. Dưới thời Mỹ - Ngụy, nhà tù này cũng dành cho những người cộng sản, những chiến sỹ cách mạng bị bắt. Nay ở đây cũng giam giữ những đảng viên, những quan chức phạm tội tham nhũng… Thế có đúng nhà tù này chỉ giam giữ cộng sản không?...”. “À, những quan chức phạm tội, trước khi bị bắt vào tù, họ đã bị khai trừ khỏi Đảng rồi, không thể gọi họ là cộng sản được nữa!”. “Chỉ những người làm báo hay làm luật mới chú ý đến điều này, còn chúng tôi chỉ chú ý đến việc họ phạm tội là do lạm dụng chức quyền. Anh đã thấy những ai không phải là đảng viên cộng sản mà có chức quyền lớn ở nước ta hiện nay chưa?”. Tôi rời nơi này mà lòng cứ băn khoăn tự hỏi: Có bao nhiêu quan chức, thoái hoá, biến chất? Chắc cũng không ít đâu. Thông tin là trong đợt đặc xá nhân 2/9/2011 đã có tới 150 cựu quan chức được tha tù khẳng định điều này. Chỉ trong một lần đặc xá đã có tới 150 người trước kia có chức, có quyền phạm tội đã bị bắt giam và được tha. Như vậy có thể kết luận những người có chức có quyền có tỷ lệ phạm tội đáng kể.
Tôi kể lại chuyện này không chỉ để cảnh báo các bạn, các anh chị đâu, mà còn muốn nêu lên một băn khoăn là tại sao quan chức của chúng ta lắm người tham đến thế.
Tôi hỏi: Tại sao Việt Nam không có những tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ?
Đây là vấn đề không phải gay gắt đối với đại bộ phận nhân dân, nhưng nó khiến tầng lớp trí thức day dứt không yên. Người ta mổ xẻ nhiều rồi; nhiều nguyên cũng đã được nêu ra. Ở đây, tôi chỉ xin nói cảm nhận và suy nghĩ của mình.
Có thể nói trắng ra thế này: Văn học nghệ thuật của ta chưa có những tác phẩm có giá trị lớn vì các văn nghệ sĩ không có tự do tư tưởng. Nhiều người sẽ phản đối điều này, dẫn ra là quyền tự do tư tưởng đã được ghi trong hiến pháp, được bảo đảm bằng các văn bản nọ kia; không ai cấm các văn nghệ sĩ tự do sáng tạo, không có chuyện kiểm duyệt, v.v. Nhưng thực tế là đại đa số văn nghệ sĩ tự kiểm duyệt mình trước khi ngồi vào bàn sáng tác.
Theo tôi, sau “Vụ án Nhân văn Giai phẩm”, giới văn nghệ sĩ Việt Nam vẫn còn ở trạng thái khiếp đảm, nhiều người vẫn tiếp tục “đề cao cảnh giác”. Dường như văn nghệ sĩ của ta đã nhiễm tư tưởng cầu toàn, mong được sống bình yên. Cái “nguyên lý”:Đỉnh cao và vực thẳm xem ra đã được vận dụng.
Trong nghệ thuật, ngay bên cạnh đỉnh cao là vực thẳm. Để lên được đỉnh cao là rất khó và chỉ cần sơ sẩy một chút là rơi xuống vực thẳm. Có lẽ vì nhận thức được như vậy nên đại đa số các văn nghệ sĩ của ta chọn giải pháp an toàn là đứng cách vực thẳm vài ba bước. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận đứng dưới đỉnh cao vài ba bước.
Cũng có một số nhà văn, nhà thơ muốn “đến bên vực thẳm”, muốn viết những gì rút ra từ gan ruột. Nhưng chỉ nhà văn dũng cảm thôi chưa đủ, phải có người biên tập, giám đốc nhà xuất bản ủng hộ nữa mới ăn thua. Theo như tôi được biết, rất nhiều tác phẩm được viết công phu và tâm huyết không được xuất bản nguyên vẹn hay vĩnh viễn không được xuất bản. Tôi đã từng đề nghị làm một cuộc triển lãm những tác phẩm văn học không được xuất bản nhưng không ai ủng hộ cả. Ai cũng sợ những điều vô hình và nỗi sợ vô hình ám ảnh tất cả chúng ta một cách vô thức.
Trước đây vài chục năm, Đảng đã từng tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ sĩ. Nhưng điều quan trọng nhất là văn nghệ sĩ phải tự “cởi trói” cho mình, nếu không, chúng ta cũng chỉ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật loại hai, chỉ mang tính minh họa cho chế độ.
Hiện nay kinh tế nước ta đã có nhiều thành phần, đã có giáo dục tư thục, điện ảnh tư nhân; vậy khi nào chúng ta có báo chí, xuất bản tư nhân?
Tôi nêu vấn đề: Những căng thẳng trong xã hội ở mức đáng lo ngại
Hiện nay, nhìn chung mọi người sống trong những căn nhà rộng hơn, ăn uống ngon hơn, đi những chiếc xe đẹp hơn, nhưng những mâu thuẫn, những căng thẳng trong xã hội lại gay gắt hơn. Trước hết, đó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn; hiện tượng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” diễn ra ở khắp nơi. Rất phản cảm khi hàng ngàn biệt thự, căn hộ cao cấp bỏ không, còn sinh viên, người nghèo chui rúc trong những khu nhà ổ chuột.
Biểu hiện của những căng thẳng xã hội khá rõ ràng qua việc có nhiều người tự tử; chỉ cần va chạm nhỏ là đâm chém nhau; người thi hành công vụ bị chống đối ngày càng nhiều; cảnh sát đánh nhau ngoài đường; người dân đập phá bệnh viện, người nhà nạn nhân giết bác sĩ; dân thường có thái độ sợ sệt và căm ghét những người có chức, có quyền; nhiều giá trị tốt đẹp trong quan hệ giữa con người bị xem thường…
Những mâu thuẫn thông thường không được giải quyết triệt để nên nó trở nên sâu sắc và hoàn toàn có thể trở thành đối kháng. Ví dụ, người dân bị gây ô nhiễm môi trường sống, hộ kiến nghị không được nên họ chặn xe. Phía bên kia cho người đến đâm chém để dằn mặt, thế là xảy ra xung đột lớn. Hay những người đáng kính biểu hiện lòng yêu nước bằng cách biểu tình bị gọi là “phản động” nên rất bức xúc; có người cho rằng một lãnh đạo cơ quan báo chí Thủ đô là “vô liêm sỉ”… Nếu chúng ta cứ gay gắt với nhau ở mức độ như vậy thì sẽ trở nên căm thù nhau. Khi trạng thái căm thù đã ngự trị trong lòng thì sự cương quyết trong hành động là bước tiếp theo.
Các bạn, các anh chị là những người có chức, có quyền; đồng nghĩa với việc có trách nhiệm phải giải quyết những căng thẳng này.
Mặc dù thư đã dài, tôi cũng cố gắng đề cập tới nhiều lĩnh vực, nhưng trong một lá thư không thể nào nói hết những suy nghĩ của mình được. Tôi sẵn sàng đối thoại với các bạn, các anh các chị về những vấn đề mà mọi người cho rằng, tôi nói còn phiến diện, chưa thoả đáng. Ví dụ, tôi sẵn sàng đối thoại với những người làm việc ở lĩnh vực khoa học xã hội, văn hoá, truyền thông, chính trị - tư tưởng… về những điều mà tôi cho là yếu kém, chưa xứng tầm với một dân tộc như dân tộc Việt Nam (chúng ta đã chiến đấu, hy sinh và giành chiến thắng; chúng ta sẵn sàng làm lại điều như vậy, nếu có kẻ nào đó thách thức quyền lợi dân tộc ta).
Cuối cùng, với tư cách bạn bè, người quen, tôi mong các bạn, các anh chị có sức khỏe tốt, sống chan hòa với nhân dân, thực hiện được những điều tốt đẹp. Trong điều kiện hiện nay, vẫn còn chỗ cho những người như các bạn, các anh chị dành được sự yêu mến, kính trọng của mọi người. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại sứ Ngô Quang Xuân và nhiều người khác đã làm được như vậy. Tôi hy vọng trong số bạn bè, người quen của tôi cũng có những người được tin yêu và kính trọng.

Kính thư
Hồ Bất Khuất

8 thg 9, 2011

“Ghế” Bộ trưởng giá bao nhiêu?


Thành Nhân (danlambao) Hôm đó, anh bạn học của tôi (là vụ trưởng một cơ quan cấp bộ), uống rượu đã hơi phê phê nên “chém gió” rất ác. Trong lúc cao hứng anh nói: “Cái đảng này toàn bày đặt những trò giả dối, vớ vẩn. Tự nhiên bắt dân phải học tập đạo đức Hồ Chí Minh, tốn kém hàng trăm tỉ, trong khi đất nước còn hàng triệu người nghèo đói. Có một ông Hồ là đủ rồi, cần gì tới 90 triệu ông Hồ! Học rồi đi cày, đi làm thuê thì học làm gì? Cần học nhất chính là cái lũ ngồi trong BCT kia kìa. Nhưng anh thề là chúng nó đ… học, mà cũng đ… biết tư tưởng Hồ Chí Minh là cái gì. Chỉ cần chúng nó học được một phần của ông cụ thôi thì chúng đã không ngu đến thế, đất nước cũng không ra nông nỗi này…”. Bọn tôi sợ xanh mắt. Đảng viên đấy, lãnh đạo đấy, ấy vậy mà nói khơi khơi những chuyện thuộc hàng “bí mật quốc gia” nghe cứ như… phản động!

Cũng may, một lúc sau thì anh bắt đầu hạ giọng, câu chuyện đi vào tâm tình hơn. Anh kể, vừa rồi anh từ chối cái chức thứ trưởng mà không ân hận gì. Tôi hỏi “thật không?”, anh kêu lên: “Đúng là nói ra không ai tin. Có đứa còn bảo anh bốc phét, hâm. Nhưng cứ thử làm một phép tính thế này thì sẽ thấy. Thứ nhất, tuổi anh chỉ làm được một khóa, thứ hai phải nộp tiền…”, tôi vội hỏi “nộp tiền mua chức á?”, “Chứ gì nữa. Ghế thứ trưởng là 30 tỉ đấy. Vậy là trong 5 năm, anh phải làm sao cướp lại được 30 tỉ, rồi phải cướp thêm vài chục tỉ nữa thì mới bõ công chứ. Như thế thì dã man quá, anh không làm được! Hơn nữa, nếu anh có 30 tỉ thì rung đùi mà tọa hưởng chứ việc quái gì phải lao tâm khổ tứ”. Anh nói thế nghe cũng có lý. Nhưng tôi cứ băn khoăn với con số 30 tỉ, anh có nói quá không? Nhưng anh khẳng định, “cái bộ này nó giàu nên giá hơi cao, ghế bộ trưởng có giá 50 tỉ cơ, mà có tiền còn khó mua!”. Hỏi “giá” ở những bộ khác như thế nào thì anh bảo không rõ.

Tôi thuộc tầng lớp cán bộ làng nhàng nên cứ nghe đến tiền tỉ là sợ vãi. Nhưng bạn bè làm quan chức thì họ bảo, 50 tỉ thật đấy, vì chỉ cần làm bộ trưởng 1 năm là “huề vốn”, 4 năm sau chỉ việc thu, khi về hưu bác nào chả có trăm tỉ dắt cạp quần. Một cô bạn lớ ngớ: “Họ kiếm tiềm kiểu gì mà được lắm thế nhỉ?”, câu trả lời là: Ơ hay, họ bán chữ ký, nhận phong bì, quà biếu, nhận tiền phúng viếng cha mẹ, cưới gả con cái… chứ còn làm gì nữa! Thử tưởng tượng đi, mỗi ông bộ trưởng đều có cơ sở ở 61 tỉnh thành, rồi còn một lô một lốc các doanh nghiệp, công ty, trung tâm, vụ viện… đội ngũ ấy luôn chờ chực, có cơ hội một cái là sẵn sàng đem tiền đến xin ý kiến chỉ đạo, xin dự án, xin đề bạt, bổ nhiệm, rồi quà cáp, biếu xén… (nghe nói một cái tết mà có ông bộ trưởng thu gần chục tỉ tiền mừng tuổi). Trước khi “hạ cánh”, các bác còn tranh thủ ký hàng chục phát đề bạt người này, xếp ghế người kia, kiếm thêm cả chục tỉ đồng. Thử hỏi sao các bác ấy không giàu!

Chuyện mua quan bán tước ở nước mình thì ai cũng biết là có từ lâu rồi. Hồi Hà Nội mới thành lập quận Thanh Xuân, tôi cũng có nghe nói chức Phó Công an quận được mua với giá 2 tỉ. Cách đây khoảng hơn chục năm, người nhà chị bạn của tôi cũng nộp 1,8 tỉ để ngồi vào chức Tổng giám đốc hãng Hàng Không VN, nhưng sau bị trả lại tiền, vì một đối thủ khác đã trả giá cao hơn nên “mua” được vị trí đó rồi. 1 - 2 tỉ đồng hồi đó cũng to lắm, nhưng bây giờ 50 tỉ thì không tưởng tượng được, chả biết có tin được không?!

Lại có người góp thêm: Câu chuyện quyền chức ở cái nước mình nó cổ quái, hủ lậu và muôn hình vạn trạng lắm. Có cái chức nhỏ mua được bằng một đống tiền to, nhưng có những cái chức to tổ chảng thì lại chả mất đồng nào, chỉ cần là con ông cháu cha (con hoang cũng O.K) hay “anh em đồng hương, anh em kết nghĩa”, hoặc bồ bịch của một đồng chí nào đó trên Trung ương là… xong. Còn nhớ nhiều năm trước, người ta đồn có một bà lên được chức Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH là nhờ hồi học ở Liên xô, khi cặp bồ với một “anh” trong Bộ chính trị, “nàng” có thẽ thọt một câu: “Lần này về anh cho em vào ủy viên trung ương nhé”! Còn một “em” nữa xuất thân từ y sĩ chăm sóc sức khỏe (tình dục) cho Bộ trưởng Công an thời đó, sau cũng lên được chức Bộ trưởng Y tế…

Thú thực, bây giờ cứ nhìn thấy nữ lãnh đạo cao cấp nào xinh xinh một tí là tôi lại đặt dấu hỏi nhỏ: “Họ lên chức theo kiểu gì nhỉ?”… Hay vẫn chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”?