13 thg 11, 2012

SỰ HOANG TƯỞNG CỦA QUYỀN LỰC

Muammar Gaddafi, người từng nắm quyền lực tuyệt đối suốt 42 năm tại Lybia, đã phải sống những ngày cuối cùng của đời mình trong cảnh trốn chui trốn nhủi, ăn gạo sống và mì ống mà đám hầu cận nhặt được từ các nhà dân bỏ hoang. Bất chấp thực tế phũ phàng đó, suốt gần hai tháng trốn chạy khỏi thủ đô Tripoli cho đến khi phải đền tội, ông ta vẫn quyết không chịu từ bỏ quyền lực vì một mực cho rằng người dân Libya vẫn còn yêu quý mình lắm. Kết cục là ông ta bị đám chiến binh cuồng nộ hạ sát trong một cảnh tượng hỗn loạn, đầy bạo lực và khủng khiếp ngày 20/10/2011, rồi bị trưng bày trong kho lạnh của một cửa hàng thịt ở Misrata như “chiến lợi phẩm” cho đông đảo dân chúng “chiêm ngưỡng”.

Thời kỳ ở đỉnh cao quyền lực, Gadhafi thậm chí còn tự phong cho mình những “danh hiệu” vô tiền khoáng hậu như “Nhà lãnh đạo anh em”, “Người dẫn đường của cách mạng”, “Người bảo vệ hơn 6 triệu dân Libya”, "Vua của các vị vua châu Phi" hay "Lãnh tụ của Thế giới Hồi giáo", v.v.
 
Cựu tổng thống Libya Gaddafi không phải là trường hợp cá biệt mà là một hiện tượng phổ biến trong thế giới độc tài: chứng hoang tưởng của những kẻ vốn quen với việc nắm giữ quyền lực chuyên chế và độc đoán.
 
Trước khi buộc phải dùng súng để tự kết liễu đời mình vào ngày 30/4/1945, Hitler từng nuôi tham vọng xây dựng một Đệ tam Quốc xã kéo dài tới 1.000 năm như Đế chế La Mã Thần thánh, thực thể mà ông ta gọi là Đệ nhất Quốc xã (Đệ nhị Quốc xã là Đế chế Đức do Bismarck tạo dựng). Viễn cảnh của ông ta là một đế chế thống nhất của các quốc gia Giéc-manh trên toàn Châu Âu, trong đó các dân tộc khác nhau sẽ gia nhập một chính thể thuần chủng dưới sự lãnh đạo của người Đức.

Các lãnh tụ cộng sản trên thế giới như Lenin, Stalin hay Mao Trạch Đông vẫn mơ tưởng về một “thế giới đại đồng” thông qua một cuộc “cách mạng thế giới” do giai cấp vô sản tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Mao Trạch Đông, nhà độc tài của Trung Hoa cộng sản từ năm 1949 cho đến khi lìa trần năm 1976, từng quả quyết trong một cuộc họp Bộ Chính trị Đảng CSTQ tháng 8/1965: "Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore... Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản... xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy... Sau khi giành được Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô - Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây".
Trong một dịp khác, “Người cầm lái vĩ đại” của Đảng CS Trung Quốc thậm chí còn khẳng định: “Chúng ta phải chinh phục toàn cầu để từ đó xây dựng nên một quốc gia hùng mạnh” và “Các quốc gia và vùng đất gồm Myanmar, Lào, Bắc Ấn Độ, Việt Nam, Nepal, Bhuttan, Thái Lan, Malaysia, Singapore, các hòn đảo Ryukyu, 300 hòn đảo trên Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải cùng với Kyrgyzstan, Mông Cổ, Đài Loan, Nam Kazakhstan, tỉnh Bahdashan và Transbaikalia của Afghanistan và vùng Viễn Đông cho tới Nam Okhotsk, Nga... lẽ ra là của Trung Quốc nếu triều đại nhà Thanh không sụp đổ”.

Về đối nội, Mao Trạch Đông là cha đẻ của chính sách “Đại Nhảy Vọt” giai đoạn 1958-1960, đồng thời là người phát động cuộc “Cách mạng Văn hoá” giai đoạn 1966-1976, những tấn thảm kịch đã gây ra cái chết cho hàng chục triệu người dân Trung Quốc.

Ở Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn, người vẫn được ca tụng bằng những mỹ từ như “người hai trăm ngọn nến”, “nhà lãnh đạo lỗi lạc”, hay “một tư duy sáng tạo lớn”, v.v., lại chính là “tác giả” của những “tư tưởng lớn” như “ba dòng thác cách mạng”, “làm chủ tập thể” hay ý tưởng xây dựng cấp huyện thành những “pháo đài kinh tế” trên toàn quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người kế nhiệm ông, thì có câu nói xứng đáng được khắc vào bia đá để đời đời nhắc nhở hậu thế: “Dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc cũng vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa”!!!
Trong chuyến thăm Cuba hồi tháng 4/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài thuyết giảng “nổi tiếng” về chủ nghĩa xã hội tại Trường Đảng Cao cấp Nico Lopez, với những lời khẳng định đanh thép như "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử" hay “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”, v.v.
Hoang tưởng là một chứng bệnh tâm thần rất khó cứu chữa. Nếu ai đó vẫn còn hoài nghi về điều này thì hãy xem bài viết mới đây trên báo Quân Đội Nhân Dân của GS.TS Nguyễn Đức Bình, người tiền nhiệm của GS.TS Nguyễn Phú Trọng trong Hội đồng Lý luận Trung ương nhưng đã rời khỏi Bộ Chính trị – “vị Vua tập thể” của “thời đại Hồ Chí Minh” – từ hơn 10 năm trước :
 
… "Chuyển đổi" (Việt Nam) sang con đường tư bản chủ nghĩa chăng? Đã có "kiến nghị" như thế. Tuy nhiên, nhân dân không thể đồng tình…
 
… Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1930 đến nay và mãi từ nay về sau là chủ thuyết cách mạng nhất quán của Việt Nam, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi. Chủ thuyết này đã đưa cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua đi từ thắng lợi lịch sử này đến thắng lợi lịch sử khác...
 
Ở nước ta không có đất cho chủ nghĩa tư bản thống trị như một chế độ xã hội, không có đất cho một chủ thuyết chính trị nào khác khả dĩ được nhân dân chấp nhận, ngoài độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khách quan lịch sử mà nói, một chủ thuyết chính trị khác, chẳng hạn chủ nghĩa xã hội dân chủ ai đó đang mơ tưởng, đối lập với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dù có tô vẽ ngụy trang thế nào đi nữa thì rốt cuộc thực chất không thể gì khác là một đường lối đưa dân tộc trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc thực dân bên ngoài…
Lord Acton, tác gia kiêm chính trị gia người Anh thế kỷ 19, từng để lại cho đời câu châm ngôn bất hủ: “Quyền lực dẫn tới tha hoá, quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối”. Sau những gì đã diễn ra trong thế kỷ 20 cũng như đầu thế kỷ 21 này, đặc biệt là “dấu ấn” đậm nét của các lãnh tụ cộng sản "lỗi lạc", nhân loại có lẽ đã “ngộ” thêm một “chân lý” nữa về quyền lực, đó là: “Quyền lực dẫn tới hoang tưởng, quyền lực tuyệt đối thì hoang tưởng tuyệt đối”./.
 
Lê Anh Hùng

12 thg 11, 2012

GS Hoàng Tụy chỉ đích danh "căn bệnh" tàn phá giáo dục Việt Nam

Kiến nghị của GS Hoàng Tụy về Cải cách giáo dục (CCGD) nêu vấn đề cấp bách số 1 cần giải quyết là cần cải thiện chính sách đối với người thầy. Theo ông, lương thấp đương nhiên nhà giáo phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập. Chính đó là cái lỗ hổng quản lý gây nên hoặc làm trầm trọng thêm hầu hết các căn bệnh trầm kha đã ra sức tàn phá giáo dục.

Một nhà khoa học lớn nước ngoài tâm huyết với Việt Nam khi được hỏi về điều gì cần thay đổi cấp bách nhất để chấn hưng giáo dục, đặc biệt là ĐH, đã không chút ngần ngại nói ngay đó là chế độ lương kỳ quặc không thấy đâu trong thế giới văn minh nhưng đã tồn tại dai dẳng ở Việt Nam từ hàng chục năm nay. Một chế độ lương biểu thị không gì khác hơn là sự khinh miệt đối với lao động giáo dục và khoa học, trái hẳn với chủ trương tôn vinh nhà giáo đã được lãnh đạo khẳng định lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần suốt thời gian qua.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Với đồng lương thấp đến mức khó tưởng tượng, đương nhiên nhà giáo và các quan chức giáo dục đều phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập. Chính đó là cái lỗ hổng quản lý gây nên hoặc làm trầm trọng thêm hầu hết các căn bệnh trầm kha đã ra sức tàn phá giáo dục. Chúng ta nói nhiều đến bệnh giả dối, bệnh gian dối, bệnh thành tích ảo... nhưng làm sao chống được các bệnh ấy để có một nên giáo dục trung thực, lành mạnh... nói chi đến hiện đại, nếu cái nguyên nhân gây ra các bệnh ấy nằm ngay trong cơ chế, nói cách khác nằm ngay trong khuyết tật hệ thống của giáo dục?

Sự thật, nhờ xoay xở đủ mọi cách hợp pháp hay không hợp pháp, hợp lý hay trái với lương tâm, phần lớn nhà giáo, nhất là quan chức giáo dục, nay đã có mức sống không đến nỗi quá tệ, thậm chí một bộ phận nhỏ còn có thu nhập khá. Song cái giá phải trả thật quá đắt. Những giải pháp chữa cháy gần đây theo kiểu “kế hoạch 3” hồi những năm 80 thế kỷ trước, hay cho phép nhiều cơ sở giáo dục vượt rào để xử lý từng trường hợp riêng lẻ về lâu dài rất nguy hiểm, chỉ gây thêm rối loạn, dẫn đến bất công và tiêu cực ngày càng tệ hại hơn.

Điều không may mắn là giải quyết vấn đề cốt tử này cực kỳ khó vì căn bệnh từ lâu đã thành một thứ ung thư của cả xã hội, chứ không riêng gì của giáo dục, lại gắn liền chặt chẽ với quốc nạn tham nhũng đang ngày càng gia tăng chóng mặt. Trước mắt chưa thể hy vọng có thể chữa trị nhanh chóng cái ung thư này, cho nên giáo dục phải tìm mọi cách tự cứu lấy mình trong phạm vi có thể, may ra còn nêu gương cho các ngành khác để tiến dần đến một giải pháp chung.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng dù trong phạm vi cả nước còn khó khăn thì ngay trong nội bộ ngành giáo dục, vẫn có thể rà soát lại cơ chế tài chính, kiên quyết bỏ hay giảm bớt mọi khoản chi tiêu không hiệu quả, trên cơ sở đó tăng lương, bảo đảm lương đủ sống và dần dần trở thành thu nhập chính của mỗi người, từ đó lập lại kỷ cương, đạo đức trong giáo dục.

Trong một xã hội mà đời sống kinh tế bị thao túng nặng nề bởi các “nhóm lợi ích”, ai cũng thấy đây là việc vô cùng khó, tuy khả thi về điều kiện vật chất khách quan nhưng chắc chắn sẽ vấp trở ngại cực kỳ lớn.

Biết thế, song giáo dục là lĩnh vực cần bảo vệ trong sạch nhất, nếu không cương quyết làm bây giờ mà cứ trì hoãn mãi thì sẽ ngày càng khó hơn và sẽ chẳng bao giờ có hy vọng trả lại lòng tự trọng cho giáo dục, chẳng bao giờ xây dựng được một nền giáo dục lành mạnh, trung thực, hiện đại.

Thật đau xót, nhục nhã, khi các chức vụ quản lý lớn nhỏ trong những tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nếu không phải là thua lỗ triền miên, vẫn được trả lương cao gấp mấy chục lần các giáo sư ĐH. Sự thể đó cứ thản nhiên tồn tại năm này qua năm khác, song song với khẩu hiệu đã thành nhàm chán vì lặp đi lặp lại 15 năm nay mà chưa bao giờ đi vào cuộc sống: giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu.

GS Hoàng Tụy kiến nghị cải cách giáo dục
Bốn vấn đề chính cần giải quyết trong cuộc Cải cách giáo dục (CCGD) được GS Hoàng Tụy đúc kết gồm:
1. Cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy.
2. Cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề.
3. Thay đổi căn bản cung cách học và thi, xoá bỏ khổ dịch thi cử nặng nề, tốn kém mà kém hiệu quả
4. Chuyển giáo dục ĐH theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...
Bản đề cương gồm ba phần chính: Quan điểm tổng quát (triết lý cơ bản của giáo dục mới); Những vấn đề chính và cấp bách cần giải quyết; Lộ trình và tổ chức thực hiện. Trong đó, 4 vấn đề cần giải quyết cấp bách theo định hướng hội nhập tích cực vào trào lưu chung của thế giới văn minh.
GS phân tích:
"Ngày nay, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển.
Mở đầu bản kiến nghị, ông viết:
"Từ lâu, giáo dục đã trở thành chỗ nghẽn lớn nhất trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy cải cách giáo dục toàn diện và triệt để theo tinh thần các nghị quyết gần đây của Đảng là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Đã đến lúc không còn có thể tiếp tục kiểu đổi mới nửa vời, vụn vặt, chắp vá, không có hệ thống, đã kéo dài hàng chục năm qua".
Bản kiến nghị kết thúc với đề xuất:
"Biết rằng, trong hiện tình đất nước có vô vàn khó khăn, nhưng đây cũng là thời cơ để giáo dục có thể lột xác, từ một kiểu giáo dục nặng tính giáo điều, lạc hậu và lạc điệu với thời đại và thế giới, tiến lên một nền giáo dục khai sáng, lành mạnh, trung thực, hiện đại, phù hợp xu thế tiến hóa chung của nhân loại và đáp ứng lợi ích tối cao của đất nước.

Giả dối lên ngôi, đạo đức suy đồi

Thanh Quang, phóng viên RFA
Lời bình của Hà Sĩ Phu:
Có hay không một “Quốc nạn Giả dối”?
Bây giờ nếu mở cuộc trưng cầu dân ý với câu hỏi “xã hội ta bây giờ có giả dối không” thì tôi dám chắc trăm phần trăm dân chúng sẽ cười vào mũi Ban Tổ chức rằng: Hỏi vớ vẩn thế mà cũng hỏi, điều ai cũng biết tỏng mà còn hỏi, điên à?
Nhưng nếu mở cuộc thi sáng tác về “quốc nạn giả dối” thì các tác phẩm sẽ vô cùng phong phú, và rất có thể sẽ xuất hiện những tác phẩm “tương xứng với thời đại” vì tư liệu thì ngồn ngộn, trên dối trá to, dưới dối trá nhỏ, trong nhà ngoài ngõ… đâu đâu chả sờ thấy dối trá, xử tội dối trá thì có mà tù cả nước.
Có lẽ chỉ cần hai chữ LÊN NGÔI là đủ nói lên tất cả: Vì đã lên ngôi (dĩ nhiên là ngôi cao, ngôi thống trị) thì nó “thống trị xã hội”, nó làm thoái hóa cả “hệ thống” tức là “từ A đến Z” và tình trạng đương nhiên là “trầm kha”. Mặt khác đã “lên ngôi” thì vua chúa nào rồi cũng đến lúc mất ngôi, "vua Dối trá" cũng vậy, có thể nào trường cửu?
Tuy vậy nói về Dối trá khó nhất là tìm ra nguyên nhân vì từ đó mới có phương sách chữa trị. Trong 5 câu hỏi mà Blogger Alan Phan đề cập dưới đây thì câu thứ tư (Yếu tố nào đã gây nên những hệ quả này: dân trí, kinh tế, lịch sử hay thể chế?) hẳn là câu trung tâm.
Xin để bạn đọc cùng suy nghĩ. Riêng tôi lưu ý đến ý kiến của GS Trần Kinh Nghị: “làm thì láo, báo cáo thì hay cùng thói chạy theo thành tích vốn phát xuất từ thời XHCN ở Miền Bắc”…, và “Nó bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc Cả hai yếu tố mà GS Trần Kinh Nghị đề cập đều là những yếu tố nhất thời nổi lên, mà đã nhất thời thì còn cơ may sửa đổi.
Nghĩa là dân ta vốn có “gốc” tốt, chỉ nhất thời bị những xáo động của chế độ chính trị làm cho “mất gốc” (chữ của ông Dương Trung Quốc). Chứ nếu dối trá là bản chất gắn với những yếu tố trường cửu của lịch sử và dân tộc Việt Nam thì dân tộc ta đã “mạt kiếp” từ lâu, chứ làm gì có những trang sử oai hùng và những di sản văn hóa phi vật thể ở tầm cao để con cháu ngày nay ngẩng mặt cùng thiên hạ?
Sẽ không ngoa khi nói: Cả nước dối trá sẽ mất nước! Diệt trừ Dối trá để cứu nước! Nói thật để cứu nước!
Một bạn BCA gởi tôi bài viết trên đăng trên BBC [trên RFA, Alan Phan nhầm – chú thích củaBVN] cách đây vài tháng để xin tôi câu bình luận. Thực tình, tôi không chắc là mình có được sự hiểu biết sâu rộng về xã hội này cũng như một góc nhìn khách quan để đánh giá một vần nạn có thể nói là nghiêm trọng và căn bản trong sự vận hành của một quốc gia.
Tôi xin dành sân chơi này cho các bạn: những người con của tổ quốc đang trải nghiệm trong môi trường; đang có những băn khoăn bức xức (hay đang an hưởng hạnh phúc); muốn nhìn thấy một Việt Nam khác biệt (hay vẫn như thế); và có một tình yêu quê hương sâu đậm (hay makeno).
Tôi xin đề nghị vài câu hỏi.
  1. Sự giả dối có lan tràn từ A đến Z hay không? Hay chỉ là cục bộ và không trầm trọng đến vậy?
  2. Đây có phải là một vấn đề cơ chế cần tái cấu trúc toàn bộ? Hay có thể sừa sai từng phần?
  3. Nếu sự xuống cấp của xã hội quá tồi tệ thì bản thân và gia đình bạn sẽ chịu đựng và tốn tại như thế nào? Trong bao lâu?
  4. Yếu tố nào đã gây nên những hệ quả này: dân trí, kinh tế, lịch sử hay thể chế?
  5. Bạn có thể tạo cho mình một ốc đảo thanh bình giữa những nhiễu nhương?
Let the game begins…trong những ngày hè lười biếng và nóng nực.
Từ A đến Z
Qua bài “Lạm bàn về căn bệnh dối trá tại Việt Nam”, Giáo sư Trần Kinh Nghị từ Hà Nội đề cập tới điều có thể nói hài hước – nhưng chua chát – rằng “ở Việt Nam mọi thứ đều giả, chỉ có dối trá là có thật!”.
Một nhà giáo dục luôn quan tâm cho vận nước, dân tộc là GS Hà Văn Thịnh từ Huế cảnh báo rằng tình trạng giả dối ở Việt Nam giờ lan tỏa từ “A đến Z”, khi cảnh nhiễu nhương, tự tung tự tác đang hoành hành xã hội Việt Nam:
Vì giờ người ta giả dối từ A tới Z, từ trên xuống dưới. Ai muốn làm gì thì làm, ai muốn lừa ra sao thì lừa, muốn tự tung tự tác hay ăn cướp thế nào đó vẫn được.
GS Hà Văn Thịnh
Trong bản chất xã hội Việt Nam có sự giả dối, vô cảm, ích kỷ, sự tàn nhẫn. Đó là tất cả những gì biểu hiện của văn hóa Việt Nam hiện nay. Nói ra chẳng ai thích đâu. Nhưng đó là sự thật. Vì sao? Vì giờ người ta giả dối từ A tới Z, từ trên xuống dưới. Ai muốn làm gì thì làm, ai muốn lừa ra sao thì lừa, muốn tự tung tự tác hay ăn cướp thế nào đó vẫn được.
clip_image001Theo GS Trần Kinh Nghị, thì dối trá thoạt nghe qua cũng chỉ là một thói đời không mấy tốt đẹp vốn nhan nhản trong xã hội loài người, nên người ta dễ tưởng rằng “không có gì nguy hại lắm”. Nhưng, khi “Lạm bàn về căn bệnh dối trá ở Việt Nam”, GS Trần Kinh Nghị không khỏi lưu ý rằng “Ở Việt Nam bệnh dối trá có những đặc thù riêng”. Những “đặc thù riêng” ấy là như thế nào?
Tác giả giải thích:
Nó bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, trải qua nhiều biến cố lịch sử với những phong trào thi đua và những đợt cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, nhân văn giai phẩm v.v… khiến xã hội bị xáo trộn, lòng người đảo điên. Những thời kỳ kinh tế khắc khổ cũng khiến con người ta trở nên bon chen và thủ đoạn. Tất cả tạo nên lối sống và tư duy phức tạp, thường mang tính hai mặt, nói và làm không đi đôi với nhau.”
Căn bệnh trầm kha
Vẫn theo GS Trần Kinh Nghị, thói “làm thì láo, báo cáo thì hay” cùng thói “chạy theo thành tích” vốn phát xuất từ thời XHCN ở Miền Bắc đã góp phần làm trầm trọng thêm căn bệnh dối trá ở Việt Nam hiện nay, và đã trở thành “căn bệnh trầm kha bám sâu rễ trong toàn xã hội đến độ ai không biết nói dối, không biết làm ẩu và không biết ‘ăn theo nói leo’ thì không thể tồn tại”.
Và tác giả báo động rằng tệ nạn bè phái, tham nhũng nghiêm trọng tràn lan trên khắp quê hương hiện nay cũng có nguyên nhân sâu xa từ căn bệnh dối trá ấy, để từ đó, sinh sôi và dung dưỡng cho “những kẻ bất tài, vô đạo đức nhưng thích làm quan”.
Nhà văn Nguyên Ngọc qua bài “Cần một cuộc tự vấn” đã thẳng thắn đề cập tới “một trạng thái chán chường sâu sắc và mênh mông về đạo đức xâm chiếm mọi con người”. Theo cái nhìn của nhà văn Nguyên Ngọc thì tâm trạng chán chường trước sự sa sút về đạo đức ấy phát sinh từ một “căn bệnh” cứ “vây kín quanh mình”, “va vào đâu cũng gặp” dưới “mọi kiểu trắng trợn hay tinh vi”, đó là sự giả dối.
Nhà văn Nguyên Ngọc phân tích:
Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít?
Đang thống trị xã hội
Nhưng toàn bộ hệ thống đã hư, đã sai rồi, thì phải thay đổi cả hệ thống mới cải tạo được xã hội hiện nay. Hiện sự giả dối đang thống trị xã hội chúng ta.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo
Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng không tránh khỏi âu lo khi căn bệnh giả dối ấy “đang thống trị xã hội” Việt Nam, mà chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng thiếu trung thực của nền giáo dục nước nhà:
Sự giả dối tồn tại ở xã hội Việt Nam lâu rồi. Ngay trong lãnh vực giáo dục, ông Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phụ trách các mặt văn hóa-giáo dục cũng khẳng định là tình trạng thiếu trung thực trong giáo dục là bệnh lớn nhất tại VN.
Mà giáo dục là gì? Giáo dục là dạy cho con người trở thành người. Nó dạy cho con người phải có đạo đức. Mà cái đầu tiên của đạo đức là chân thật. Giả dối thì trái ngược lại, là phản giáo dục. Vừa rồi nhà bác học toán học Hoàng Tụy cũng vừa viết một bài rất hay góp ý cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tái cấu trúc xã hội
Theo GS Hoàng Tụy thì không thể nào tái cấu trúc xã hội. Bởi vì tái cấu trúc là những bộ phận rời. Nhưng toàn bộ hệ thống đã hư, đã sai rồi, thì phải thay đổi cả hệ thống mới cải tạo được xã hội hiện nay. Hiện sự giả dối đang thống trị xã hội chúng ta.
Cả một hệ thống
Cách nay chưa lâu – tức hồi cuối năm ngoái, vào một buổi chiều cuối năm, khi “giá rét và nỗi buồn… tràn ngập tâm hồn khiến nỗi lòng chùng xuống”, TS Nguyễn Xuân Diện đã phóng bút bài “Chiều cuối năm nhìn lại”, qua đó ông không quên lưu ý tới “những vụ giết người cướp của ngày càng táo bạo, kẻ thủ ác tuổi đời càng ngày càng trẻ và cách thức giết người càng ngày càng dã man, độc án, quyết liệt” hơn.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng có cái nhìn tương đồng về việc xã hội Việt Nam ngày nay – mà theo lời ông, “xuống cấp chưa từng thấy”:
TS Nguyễn Xuân Diện nói thế là chính xác bởi vì điều đó có rất nhiều người đã khẳng định rồi. Ngay cả nghị viên Quốc hội Việt Nam Dương Trung Quốc cũng nói rằng thế hệ chúng ta là thế hệ mất gốc. Mà mất gốc là mất những giá trị tốt đẹp của Việt Nam.
Còn xã hội Việt Nam hiện nay, về mặt đạo đức, xuống cấp chưa từng thấy. Tình trạng này đầy tràn những mặt báo “lề phải”: Ngày nào cũng cướp, cũng giết, cũng có những tội phạm xã hội khủng khiếp. Nó tràn lan, không còn là hiện tượng riêng lẻ, mà cả hệ thống như vậy rồi.”
Nếu ngày xưa – cách nay hơn một thế kỷ – nhà thơ Trần Tế Xương than phiền và báo động tình trạng xã hội Việt Nam lúc đó suy đồi về đạo đức, khi:
Nhà kia lỗi đạo con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng
thì ngày nay, tình hình đạo đức sa sút ngày càng trầm trọng trong nước đang gây bất an, trăn trở triền miên cho những người có tâm huyết với quê hương.
T. Q.

GS Nguyễn Đăng Hưng:Mải chăm lo bộ lông mà quên đạo lý

Giáo dục học đường không khai phóng trí tuệ, không khuyến khích sáng tạo, tinh thần phản biện, thói quen trao đổi thảo luận mà chủ tâm nhồi nhét, phát tán những quan điểm một chiều, thiếu sinh động, xa rời thực tế.- ý kiến của ông Nguyễn Đăng Hưng, GS danh dự thực thụ ĐH Liège, Bỉ.

Tự mãn che lấp bất cập
PV:- Thưa ông, trong các báo cáo thành tích thường niên cũng như từng 5 năm một, bao giờ cũng là điệp khúc "chúng ta đã và đang đạt được những thành tựu mới trong khoa học, giáo dục, hướng tới đẳng cấp quốc tế..." nhưng trên thực tế thì so sánh thứ hạng khoa học, số bằng sáng chế, số tên tuổi những nhà khoa học trong nước được thế giới công nhận, Việt Nam chưa đạt được nhiều thành tựu, ở đa số các lĩnh vực là "dậm chân tại chỗ" hoặc thụt lùi. Đây có phải là "nghịch lý", "nghịch dị" hay là siêu logic thưa ông? Ông giải thích hiện tượng này như thế nào?
GS Nguyễn Đăng Hưng: - Có lẽ từ "siêu logic" gần hơn với câu trả lời. Thật vậy, việc lạc đường trong chính sách giáo dục cũng như nghiên cứu khoa học đã tồn tại trên nửa thế kỷ rồi. Cái điệp khúc tư mãn về thành tựu vốn là bài ca cố hữu dùng để che lấp những bất cập, những thất bại triền miên nay không còn hiệu quả nữa. Thông tin đã trở thành không gian mở và không những bậc trưởng thượng mà người dân thường cũng bắt đầu bị dị ứng.
Phải thay đổi thôi. Nhưng vấn đề là bằng cách nào và với ai thì vẫn còn hoàn toàn bế tắc. Nếu có nghịch lý thì chính là chỗ này. Người ta biết không thể tiếp tục, phải cải cách, nhưng vẫn khư khư ôm lấy cơ chế cũ rích với những nhân sự xơ cứng, với mớ kiến thức hạn hẹp của thời bao cấp giáo điều, thì làm sao có được sự đổi thay.
Cái bắt đầu, những quyết định cơ bản vẫn chưa ló dạng thì làm sao tránh được tình trạng "dậm chân tại chỗ" hoặc thụt lùi. Nghịch lý phát xuất từ lỗi hệ thống. Mà cũng như trong tin học, nếu không cài đặt lại hệ thống mới, thay đổi quyết liệt hệ điều hành gồm nhân sự mới, có thực học, thực tài, có kinh nghiệm ở các nước tiên tiến, có hiểu biết và khả năng loại trừ những bệnh di căn, những khuất tất thường trực thì làm sao có đổi thay tiến bộ. Cũng phải nói khi căn bệnh đã vào xương vào tủy thì thời gian chữa trị phải lâu, thuốc phải mạnh, đủ hàm lượng thì mới mong có kết quả…
Bởi vì thế mà tình trạng tụt hậu ngày càng trầm trọng ra. Bây giờ so với Malaysia, Thái Lan ta đã thua rồi. Sắp đến nếu tiếp tục như hiện nay, chúng ta sẽ thua luôn so với Campuchia, Myanmar…
GS Nguyễn Đăng Hưng
GS Nguyễn Đăng Hưng
PV: - Trong khi thứ hạng khoa học không thăng tiến, nghĩa là sự phát triển trí tuệ hay nỗ lực hội nhập khi mở cửa với thế giới là không thu hoạch được gì thì người Việt lại càng ngày càng xa xỉ, kinh tế khó khăn nhưng vẫn chi mạnh tay không kém bất cứ đại gia nào ở các nước phát triển. Đây có phải là mối quan hệ biện chứng trí tuệ giảm thì sự chiều lụy thân xác tăng lên?
GS Nguyễn Đăng Hưng: - Đây cũng là hậu quả của các chính sách vĩ mô của nhà nước hiện hành. Đổi mới về văn hóa học thuật, giáo dục, quản lý khoa học thì đứng nửa vời, đầy nghịch lý trong khi đó thì làm giàu được khuyến khích, hết mực đề cao.
Những trọc phú ít học, nhưng có điều kiện tích lũy của cải vật chất bằng mọi cách, ngay cả việc kinh doanh địa vị, chiếm hữu đất đai, nhà cửa của người thấp cổ bé miệng ngày càng xuất hiện nhiều.
Họ có tiền một cách quá dễ dàng, quá nhanh, chẳng cần tài ba, trí lực, sức lao động, thì việc coi thường giá trị đồng tiền, dùng đồng tiền để che lấp những khiếm khuyết về tri thức, về nhân cách là đương nhiên. Cái này không phải chỉ có ở Việt Nam.
Nhưng tôi thấy tại Việt Nam ở những năm gần đây, tình trạng này phát triển quá sức tưởng tượng với những diện mạo gớm ghiếc, những hành vi vô cùng phản cảm…
Tôi đồng ý với nhận định của nhà báo: Đây chính là mối quan hệ biện chứng khi trí tuệ không được bồi dưỡng thì nhân cách tha hóa, đạo đức suy tàn, sự chiều lụy thân xác tăng lên.
Đạo đức tụt bậc từ ngày giả dối lên ngôi

PV: - Bây giờ, ở đâu cũng có thể bắt gặp, chứng kiến những nghịch cảnh như: một người đi xe Lexus mắng xa xả vào người bán hàng rong vì dám chắn lối xe của ông ta bên lề đường mà chẳng người nào lên tiếng phản đối. Tâm lý trọng giàu khinh nghèo, coi giàu có tiền bạc là thước đo đẳng cấp xã hội đã thay thế hẳn những quy tắc ứng xử như bênh vực kẻ yếu, kiến ngãi bất vi... Nghĩa là, khi các bảng so sánh thứ hạng về trí tuệ trong đó chúng ta tụt bậc thì cùng với nó là những giá trị văn hóa, văn minh, đạo đức cũng tụt bậc theo, quá trình "phi nhân hóa" này được giải thích hay biện minh như thế nào, thưa ông?
GS Nguyễn Đăng Hưng: - Làm sao giải thích được tình trạng “phi nhân hóa” hay trầm trọng hơn tình trạng “lưu manh hóa” như hiện nay?
Tâm lý trọng giàu khinh nghèo là tâm lý của một xã hội đang phát triến theo chiều hướng lệch lạc. Nó ấu trĩ như một đứa trẻ không may sống nhờ một người lớn có nhiều khiếm khuyết, không được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Tâm lý này là tệ hại nhưng qua thời gian có thể thay đổi qua giáo dục phổ thông bằng những bài học thường thức.
Nhưng khi những hành động côn đồ xảy ra giữa chợ mà không ai phản đối thì là điều rất ư trầm trọng. Điều này có nghĩa là môi trường nhân gian đã bị băng họa, đạo đức của một xã hội lành mạnh đã không còn, xã hội đã bị sa mạc hóa và việc phục hồi là vô cùng gay go, đòi hỏi hằng thập kỷ, hằng thế kỷ mới vực lại được. Tình trạng đó đến từ đâu?
Nó đến từ ngày giả dối lên ngôi, từ ngày con người không còn có tự do chọn lựa nữa, từ ngày con người bắt đầu không phân biệt cái phải cái quấy, từ ngày những giá trị đạo đức đích thực ngàn năm bị hủy hoại…
Giả dối đã lên ngôi và phát triển qua tháng năm đã trở thành bao trùm cả chính đạo, tình người. Khi giả dối lên ngôi thì còn gì là văn hóa văn minh, còn gì khoa học, tri thức? Khi giả dối nhan nhản ở mọi nơi, mọi chỗ mà người chính trực không có cách chi phản biện can thiệp, vạch trần, cáo giác đến nơi đến chốn, thì quy tắc ứng xử dẫn tới sự thụ động, sự im lặng, sự chấp nhận, sự ươn hèn. Đây là hậu quả phải chờ đợi mà thôi…
PV: - Thông thường, chúng ta hay giải thích trí tuệ phát triển chậm là do các điều kiện kinh tế còn khó khăn chi phối, tiếng thét của dạ dày thường to hơn tiếng nói thì thầm của học thức, đạo lý....nhưng ở đây là câu chuyện tiêu tiền lớn cho những món đồ xa xỉ và coi đó là đẳng cấp vị thế trong xã hội. Như vậy, ở cả hai chiều kích đều dẫn đến sự ưu tiên cho chiều lụy thân xác, nô lệ của đồ vật mà không thấy bóng dáng của trí tuệ hay đạo đức ở đâu. Chúng ta phải hiểu điều này như thế nào, thưa ông?
GS Nguyễn Đăng Hưng: - Trừ những vùng cao, vùng xa thu nhập của người dân quá ít ỏi, phần đông tại thành thị hay ở nông thôn phì nhiêu, cuộc sống đã khấm khá và tiếng thét của dạ dày cũng đã bớt chát chúa. Thế nhưng tại sao người ta vẫn cứ“chăm lo đến bộ lông của mình” đến mức át đi tiếng thì thầm của học thức, đạo lý?
Tôi cho đây là hậu quả của một nền giáo dục bị chệch hướng, một môi trường xã hội bị bóp méo.
Giáo dục học đường không khai phóng trí tuệ, không khuyến khích sáng tạo, tinh thần phản biện, thói quen trao đổi thảo luận mà chủ tâm nhồi nhét, phát tán những quan điểm một chiều, thiếu sinh động, xa rời thực tế.
Các kỳ thi trung học đại cúng gần đây đã phát hiện là đại đa số, học sinh chán ngán học sử, không mặn mà với văn nữa. Vì sao vậy, vì đây là những môn được chính trị hóa một cách thô thiển nhất… Và khi trên ghế học đường tuổi trẻ chỉ lo sao chép, học thuộc lòng không tiêu hóa được bài học, không được khuyến khích theo hướng tự do tìm tòi học hỏi, độc lập suy nghĩ, thì thói quen động não bị ngưng trệ, trí tuệ trở thành xơ cứng…
Lớn lên, vào đời, họ sẽ không thích suy nghĩ, họ sẽ không ham đọc sách, không có dịp cập nhập thường xuyên những giá trị chân thiện mỹ, cần thiết cho việc xây dựng nhân cách, củng cố cá tính.
Và những phương tiện thông tin đại chúng cũng đồng loạt hòa nhịp theo cách hành xử khép kín một chiều như vậy.

Trong trình trạng ấy làm sao sinh hoạt tri thức không bị hạn hẹp, đạo đức không bị xói mòn? Phát biểu trước các sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân ngày ông nhận bằng tiến sỹ danh dự ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Đức gốc Việt, ông Philipp Roesler đã thẳng thắn nhắc nhở: “Với những người không chọn cho mình cách suy nghĩ và hành động độc lập, thì sẽ không có kinh doanh, và thiếu nó thì kinh tế cũng sẽ không có tự do xã hội.”
Tôi xin nói thêm là những người ấy sẽ vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, sẽ trở thành nô lệ của vật chất thấp kém, sẽ chỉ vâng theo một động cơ duy nhất là tinh thần thực dụng vị kỷ. Ý niệm mọi người vì mình, mình vì mọi người sẽ chỉ là những hoài niệm xa vời của một thời mà lý tưởng dấn thân vì độc lập dân tộc, vì công bằng xã hội được suy tôn lên hàng đầu.
Tôi hiểu tình trạng này như vậy đó.
  • Hoàng Hạnh (thực hiện)