18 thg 3, 2013

Vẽ chính sách kiểu ‘trên mây’, do đâu?



Chính sách công có một tác động không nhỏ tới đời sống của người dân, chính vì lẽ đó chất lượng chính sách công sẽ quyết định tác động xấu hay tốt tới sự phát triển của xã hội. Ở nước ta, thời gian gần đây có rất nhiều các chính sách ra đời gây ra sự bức xúc trong dư luận bởi tính phi lý và “trên trời” của những chính sách đó. Một câu hỏi đặt ra là tại sao chất lượng chính sách của nước ta lại kém đến vậy?
hiếu chương trình đào tạo bài bản
Ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Canada, hay Nhật Bản, Hàn Quốc nơi mà chất lượng chính sách công rất tốt thì ở đó cũng có những chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về chính sách công. Đó là các trường đại học, các viện nghiên cứu hàng đầu cung cấp những nghiên cứu về hoạch định, phân tích và đánh giá tác động chính sách nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những chính sách phù hợp nhất cho sự phát triển.
Ví dụ cụ thể như Hoa Kỳ luôn đứng đầu thế giới về đào tạo chuyên ngành chính sách công. Hầu hết các trường đại học danh tiếng như Harvard, Yale, Princeton đều có chuyên ngành chính sách công rất mạnh hàng năm đào tạo ra một đội ngũ chuyên gia rất giỏi về phân tích và đánh giá chính sách.
Còn ở nước ta, trước đây chưa có một chuyên ngành đạo tào chính quy về chính sách công, do đó đội ngũ làm chính sách của chúng ta đa phần là làm “tay ngang”. Họ có thể giỏi chuyên môn, nhưng lại chưa được đào tạo những kiến thức và kỹ năng cần thiết của người làm chính sách.
Gần đây, đã có một số trường đại học trong nước xây dựng chuyên ngành chính sách công. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên của chuyên ngành chính sách công ở những trường này còn khá trẻ, đa phần mới tốt nghiệp đại học, cao hơn một chút là thạc sỹ. Phần lớn được đào tạo các chuyên ngành khác không phải chính sách công. Và quan trọng hơn cả là thiếu chinh nghiệm thực tiễn – một đòi hỏi quan trọng trong giảng dạy chính sách công.
Tầm nhìn hạn chế – Thiếu thực tiễn
Ngay từ khâu đào tạo, đội ngũ giảng viên chuyên ngành chính sách công, không được đào tạo chuyên nghiệp lại thiếu thực tiễn, có thể thấy ngay kết quả của việc đào tạo này. Rất nhiều chính sách của ta được xây dựng theo kiểu “ngồi phòng điều hòa viết chính sách”, do vậy nhiều chính sách kiểu “trên mây” gây bức xúc cho dư luận. Hậu quả của việc đào tạo thiếu bài bản nhìn thấy rõ.
Tuy nhiên, làm chính sách công đòi hỏi phải có một quá trình tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn, nhưng do trong bộ máy công quyền vẫn còn những cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp về” nên rất lười biếng trong việc tiếp xúc thực tiễn, xây dựng chính sách chỉ ở trong phòng họp nên chất lượng chính sách còn kém.
Đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách thiếu đi sâu, đi sát với thực tiễn nên không hiểu sự vận động thực tế của các quan hệ xã hội nên xây dựng chính sách theo hướng “chủ quan, duy ý chí” tạo ra những chính sách dở khóc, dở cười mà khi vừa ra đời đã không thể nào thực hiện được.
Những người làm chính sách ngoài việc “ngồi điều hòa, viết chính sách” lại còn thiếu một tầm nhìn nên xây dựng chính sách chỉ mang tính “thời vụ” giải quyết những cái trước mắt mà không dự báo được sự phát triển của xã hội, nên nhiều chính sách ra đời một thời gian ngắn đã không phù hợp.
Bắt chước thiếu sáng tạo
Rất nhiều chính sách của chúng ta ra đời sau những chuyến “thăm quan học tập kinh nghiệm” dùng tiền ngân sách nhà nước hay tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Thường các chuyến thăm quan này là một hoạt động trong một dự án hỗ trợ nào đó về chính sách, và kết quả mong đợi của các chuyên thăm quan này là một chính sách được “copy” từ nước bạn trong một số lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, điều đáng nói là việc bắt chước các nước bạn trong xây dựng chính sách không phải là không tốt, nhưng cái dở nhất chính là bắt chước một cách nguyên xi, bỏ qua sự khác biệt về nền tảng, hạ tầng, văn hóa và xã hội của nước ta thành ra chính sách mang tính “rập khuôn” không linh hoạt, thiếu sáng tạo, không phù hợp với Việt Nam.
Thiếu khoa học
Một trong những lý do mà chính sách công của chúng ta rất kém đó là vì các chính sách thiếu tính khoa học. Chúng ta xây dựng chính sách dựa trên ý kiến chủ quan của cá nhân hay tập thể lãnh đạo nhiều hơn là những bằng chứng và phân tích khoa học.
Có thể thấy rất nhiều chính sách đầu tư hay phát triển của nhà nước được xây dựng và hình thành thiếu hẳn tính khoa học trong đó mà chủ yếu dựa vào “đường lối ” và “chủ trương” do vậy kết quả nhãn tiền đã được cảnh báo.
Các phân tích kinh tế, văn hóa, môi trường là những cấu phần mang tính khoa học góp phần xây dựng nên chính sách tốt, nếu bỏ qua các phân tích khoa học này, chắc chắn chất lượng chính sách sẽ rất kém.
Thiếu phản biện
Một trong những lý do nữa khiến chính sách công của Việt nam rất kém đó là thiếu phản biện.
Ở Hoa Kỳ, tại thủ đô Washington nơi đặt tòa nhà Quốc hội, xung quanh khu vực đó là hàng loạt các tổ chức nghiên cứu của nhà nước và tư nhân chuyên làm công việc phản biện chính sách. Các tổ chức nghiên cứu, phản biện (thường gọi là think-tank) này làm công việc phản biện lại các đề xuất chính sách khi được trình ra xem xét tại quốc hội hoặc các cơ quan lập pháp khác. Điều này đảm bảo tính đúng đắn và phù hợp của chính sách.
Còn ở nước ta, có rất ít các tổ chức nghiên cứu để phản biện chính sách. Các viện nghiên cứu của Nhà nước thì thiếu tính độc lập nên phát biểu theo “chủ trương”, “đường lối” nên không dám thể hiện chính kiến khoa học của mình. Các viện nghiên cứu tư nhân hay phi chính phủ thì ngại va chạm với các “nhóm lợi ích” nên thường tránh không tham gia phản biện.
Vấn đề quan trọng là người làm chính sách có thực sự lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản biện hay không, chứ vấn đề không phải là Việt nam chúng ta thiếu đơn vị phản biện chính sách.
Ngoài phản biện của các tổ chức, phản biện của công dân còn khá hạn chế. Việc thăm dò dư luận đối với một chính sách còn làm thiếu bài bản và chuyên nghiệp. Người dân thường biết đến đề xuất chính sách thông qua phương tiện thông tin đại chúng và họ thiếu một kênh phản hồi chính thức để phản ánh quan điểm và nguyện vọng của mình với cơ quan lập pháp.
Vấn đề tối quan trọng là sự phán quyết kết quả của phản biện. Có lẽ cần phải có cơ quan độc lập trong phán quyết kết quả phản biện, bằng không thì đưa ra tranh luận vừa mất thời gian, bởi giữa một bên vừa xây dựng chính sách lại quyết định luôn tính đúng sai, thì hẳn rằng những ý kiến phản biện “ngược chiều” sẽ dễ bị “quy chụp” vào những cáo buộc hết sức mơ hồ nhưng vô cùng đáng sợ.
Thiếu tính đồng bộ
Có rất nhiều chủ trương, chính sách của nước ta có chất lượng rất tốt, nhưng do việc triển khai thiếu đồng bộ nên kết cục chính sách lại có tác động xấu, gây cản trở cho sự phát triển của xã hội.
Tính động bộ ở đây thể hiện ở thời gian hoàn thiện chính sách. Ở nước ta, một Luật ra đời trước khi đi vào thực tiễn cuộc sống thì cần phải có các Nghị định hướng dẫn. Chưa dừng ở đó, dưới mỗi nghị định lại có hàng loạt các thông tư hướng dẫn. Mà thường thì thời gian viết Nghị định và Thông tư ở nước ta vô cùng chậm chạp, nhanh thì vài tháng, chậm có khi vài năm. Thành ra khi các văn bản hướng dẫn hoàn thiện thì thực tế cuộc sống đã thay đổi, chính sách cũng trở nên không còn phù hợp hoặc thời gian chờ đợi vài năm kia cũng gây bao khốn khổ cho người dân.
Điều này đặt ra một câu hỏi về quy trình lập pháp của chúng ta. Phải chăng trước khi công bố ban hành một Luật, cần phải hoàn thiện toàn bộ dự thảo Nghị định và thông tư hướng dẫn rồi mới thông qua Luật, hoặc ít nhất thì phải quy định rõ từ ngày ban hành Luật/ Nghị định trong thời hạn tối đa bao nhiêu ngày thì phải có các văn bản hướng dẫn, như thế mới đảm bảo tính đồng bộ của chính sách.
Nếu không như hiện nay, rất nhiều cơ quan công quyền với không ít cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp về” cố tình “ngâm” chính sách ở đó, đợi khi có cá nhân bức xúc viết “tâm thư” hoặc “thư ngỏ” hay đợi có dự án “nâng cao năng lực”, hay “đưa đi nước ngoài thăm quan ” mới chịu đi làm bổn phận của cơ quan mình. Đây là một câu hỏi lớn, mà chỉ khi nào có câu trả lời thấu đáo mới hy vọng cải thiện được chất lượng chính sách thông qua nâng cao tính đồng bộ chính sách.
———
Tác giả Trần Ngọc Thịnh là Thạc sỹ quản trị công, Chuyên gia tư vấn phát triển
Theo VietNamNet

15 thg 1, 2013

Văn hóa cảnh sát

Nguyễn Quang A
Tôi đã có dịp lang thang cả chục ngàn km trên đất Mỹ và Canada trong nhiều ngày và chỉ một lần duy nhất nhìn thấy cảnh sát hỏi giấy tờ của một người lái xe. Không thấy bóng cảnh sát giao thông ở đâu cả, ở trong phố lẫn ở cạnh hay trên đường, nhưng theo những người địa phương cảnh sát sẽ rất nhanh chóng có mặt để giải quyết các vụ va chạm hay mất trật tự.
Đi từ Hồ Chí Minh, qua Tây Ninh, sang Campuchia, lên Phnông Pênh bằng xe bus. Rồi lấy xe 16 chỗ đi Siem Reap cùng nhiều nơi khác và về lại Phnông Pênh. Lại lấy xe bus về Sài Gòn. Suốt hành trình ấy tôi thấy cảnh sát ở ta nhiều hơn bên đất Chùa Tháp khá nhiều.
Tôi đã sống ở Đông Âu “xã hội chủ nghĩa” hơn chục năm, lang thang ở Liên Xô nhiều tháng trời. Cảnh sát ở đó cũng đông nhưng sao sánh được với Việt Nam.
Có lẽ không đâu trên thế giới này có nhiều cảnh sát, công an như ở nước ta. Con số cụ thể là bao nhiêu? Ngân sách hàng năm cho lực lượng công an và “cộng tác viên” là bao nhiêu? Chắc đấy là bí mật quốc gia nên khó mà biết được! Thực ra rất nhiều nước công bố số liệu như vậy.
Tài liệu Thống kê Quốc tế về Tội phạm và Công lý do UNODC (Cục Ma Túy và Tội Phạm của Liên Hợp Quốc) công bố số cảnh sát trên 100 ngàn dân của 130 nước (bảng 1, tr. 135) trong đó không có Việt Nam. Con số mới nhất (tại các thời điểm khác nhau) của vài nước trong khu vực Malasia (354,0), Myamar (145,6), Philippines (131,9), Hàn Quốc (195,1), Singapore (396,4), Thái Lan (321,0), trung bình của các nước (341,8). Trung Quốc có 1,6 triệu cảnh sát hay 120 cảnh sát trên 100 ngàn dân.
Do Việt Nam không công bố số liệu đó, hãy thử ước lượng xem nó lớn đến đâu. Chắc Việt Nam có số cảnh sát trên 100 ngàn dân cao hơn con số trung bình nêu trên. Tính với số trung bình 341,8 ta có thể ước lượng tổng số cảnh sát lớn hơn 300.000 người. Có lẽ tổng quân số của ngành công an phải hơn gấp đôi con số này, tức là cỡ hơn 0,6 triệu người.
Hãy kiểm tra con số ước lượng này bằng cách khác. Theo Tổng Cục Thống Kê tổng số người làm việc trong khu vực nhà nước tại thời điểm 1-7-2011 là 5.250,6 ngàn người trong đó có 1.541,2 ngàn người làm việc trong lĩnh vực “hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội; quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng; đảm bảo xã hội bắt buộc”. “Đảm bảo xã hội bắt buộc” chắc là trại giam và nhà tù. Có khoảng 350-400 ngàn người làm trong bộ máy quản lý nhà nước, hoạt động đảng và các tổ chức chính trị-xã hội. Như thế còn khoảng 1,1 đến 1,2 triệu người trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc. Theo đánh giá của International Institute of Strategic Studies (trong The Military Balance 2009, tr.415‐417) quân số bộ binh, hải quân, tăng thiết giáp, không quân và biên phòng của Việt nam là 0,522 triệu người. Như thế chúng ta cũng có con số ước lượng về quân số của ngành công an cỡ 0,678 triệu người. Nếu tính cả các cộng tác viên nữa thì con số có thể còn lớn hơn nhiều.
Những con số ước lượng trên giải thích vì sao chúng ta cảm thấy có quá nhiều cảnh sát. Cảnh sát nhan nhản ở mỗi góc phố và trên đường. Cánh lái xe sợ nhất các nơi cảnh sát hay “nấp” để đo tốc độ hoặc bất thần xuất hiện phạt chẳng hiểu vì lý do gì. Đó là chưa kể đến cảnh sát khu vực, chưa kể đến công an không mang sắc phục. Nhìn bề ngoài chẳng thể phân biệt ai là công an, ai là “côn đồ” khiến người dân lo nơm nớp. Cũng chưa kể đến không ít công an định kỳ đến thăm hỏi các công ty, xin hỗ trợ vào những dịp lễ tết, ngày truyền thống, ngày nhận huân chương, ngày động thổ xây dựng trụ sở, ngày khánh thành, ngày cưới xin, dịp ma chay của tứ thân phụ mẫu, thậm chí nhờ doanh nghiệp hỗ trợ mua vé xem  kịch mà vợ của thủ trưởng cấp cao là tác giả, vân vân và vân vân.
Báo chí Việt Nam nêu nhiều trường hợp công an hành hung người, thậm chí đánh chết người. Lực lượng công an cũng được huy động trong nhiều vụ cưỡng chế thu hồi đất mà nổi cộm là các vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng và Văn Giang, Hương Yên và nhiều vụ khác đã gây bức xúc trong dư luận. Vụ phóng viên báo Dân Việt bị những người mặc thường phục hành hung khi chụp ảnh chiếc xe mang biển số BKS 65E-8999 của công an Cần Thơ gây tai nạn giao thông ngày 24-11-2012 cũng đã gây sự phẫn nộ không kém trong dư luận. Rồi hóa ra kẻ hành hung đó là một trung úy công an. Và còn có thể kể ra vô vàn chuyện tương tự khác mà báo chí Việt Nam đã loan tải. Tất cả những loại ứng xử ấy tạo ra một văn hóa cảnh sát thật không hay.
Sứ mạng của lực lượng cảnh sát là thực thi luật pháp, bảo vệ tài sản, giữ gìn trật tự hay hạn chế mất trật tự dân sự. Chẳng ở đâu trên thế giới cảnh sát được coi là lực lượng vũ trang. Nó thuộc lĩnh vực dân sự. Thế nhưng ở nước ta người ta coi cảnh sát là lực lượng vũ trang. Một nét văn hóa “đậm đà bản sắt Việt Nam”?
Do sứ mạng nêu trên lực lượng công an có “quyền lực” lớn và thường xuyên tiếp xúc với dân. Quyền lực không bị kiểm soát chặt rất dễ dẫn đến lạm dụng và tha hóa, dẫn đến nhũng nhiễu, tham nhũng như báo chí đã đưa là điều không khó hiểu.
Ai cũng cảm thấy tình trạng công an hóa bộ máy nhà nước. Rất nhiều quan chức cấp cao ngành công an đã trở thành các bí thư, chủ tịch tỉnh, các cán bộ cao cấp của các bộ ngành khác. Cấp huyện cũng thế. Bên trong bộ máy nhà nước, bộ máy đảng của nhiều địa phương tỷ lệ các quan chức nguyên là công an cũng đáng kể.
Và văn hóa làm việc của nhiều cơ quan nhà nước trung ương, địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa công an.
Phải kiểm soát chặt quyền lực rất dễ bị lạm dụng của lực lượng công an và xây dựng văn hóa cảnh sát theo tinh thần phục vụ dân và khắc phục các nét xấu của văn hóa công an nêu trên, để cho chúng đừng lan sang các tổ chức nhà nước khác, để tránh cảnh sát hóa nhà nước.
N.Q.A