24 thg 9, 2010

TS Lê Đăng Doanh: Cần xem lại vai trò kinh tế chủ đạo

Vài lời muốn nói:

Đây là câu chuyện dài kỳ tranh cải bấy lâu nay. Một điều vô cùng giản dị và dễ hiểu nhưng không phải ai cũng hiểu mà muốn hiểu. Từ kinh tế nhà nước chủ đạo nghe thật buồn quá.

Sau đây đọc mời quý vị tham khảo bài của TS. NĐD



clip_image001
TS Lê Đăng Doanh
TP - Góp ý cho Dự thảo văn kiện ĐH Đảng XI, TS Lê Đăng Doanh nói, các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI nên bỏ cụm từ 'kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo'. Vì đã là cạnh tranh bình đẳng thì không thể chọn kinh tế tư nhân hay kinh tế nhà nước là chủ đạo. Nếu không sẽ tự mâu thuẫn.

Gây nhiều tranh cãi
Theo TS Lê Đăng Doanh, đến nay, trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng sắp tới vẫn khẳng định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo và vẫn xác định sẽ xây dựng một số tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh. Và việc tiếp tục khẳng định này đang gây tranh cãi nhiều hơn bao giờ hết. Nhất là trong thời điểm hiện nay khi vừa xảy ra vụ Vinashin, nợ nần hơn 86.000 tỷ đồng không có khả năng trả nợ.
Sao lại gây tranh cãi, thưa ông?
Tôi nghĩ thời điểm hiện nay đã chín muồi để bỏ câu kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tôi cũng xin lưu ý, trên khắp thế giới không đâu có câu đó cả. Ngay cả ở Trung Quốc họ cũng không nói kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Vấn đề ở đây là phải thực hiện tăng trưởng bền vững, có hiệu quả. Muốn như vậy phải phát huy tối đa mọi nguồn lực của người dân. Phát triển khu vực kinh tế dân doanh.
Chúng ta rất cần những tập đoàn nhưng phải là thực chất, chứ không phải như lâu nay các tập đoàn hình thành từ sự lắp ghép hành chính. Các số cộng hành chính này không đem lại một sức mạnh thật. Trái lại, nó còn gây ra quá nhiều vấn đề. Cũng phải nói, muốn cải cách tập đoàn, phải cải cách cả thể chế thị trường và thể chế quản lý của chúng ta. Hiện các doanh nghiệp tư nhân muốn tiếp cận tín dụng rất khó. Còn nhà nước muốn cấp tín dụng thì chỉ cần chỉ định. Như Vinashin vừa rồi, dù bị lỗ như vậy cũng được chỉ định cấp tín dụng thêm trong khi nền kinh tế thiếu hụt vốn rất lớn.
Cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng kinh tế nhà nước có thực sự chủ đạo hay do được người ta khoác cho cái áo đẹp, trong khi thực chất không phải như thế. Kết quả của nền kinh tế thực cho thấy rất rõ: Doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhiều tín dụng, nhiều tài sản nhưng giá trị xuất khẩu, hiệu quả sử dụng lao động, kinh tế thấp. Như kiểu Vinashin, vừa làm mất của vừa mất người (hiện đã có 7 người bị khởi tố – PV). Số nợ của Vinashin tương đương 4,8% GDP của Việt Nam. Đây là số nợ khổng lồ.
Vậy theo ông, nếu bỏ cụm từ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì nên sửa thế nào?
Theo tôi chỉ cần bỏ cụm từ kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo là được, chẳng cần thêm cái gì. Bỏ cụm từ đó cũng không làm mất gì cả mà chỉ giúp nền kinh tế phát huy được sự cạnh tranh hiệu quả, phát triển kinh tế dân doanh. Đặc biệt, sẽ tạo tiền đề cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Chứ hiện nay, một mặt Đảng, Nhà nước luôn khẳng định xây dựng môi trường pháp lý cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, trong khi lại bảo ông doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo. Như vậy là mâu thuẫn.
Nhưng về mặt pháp lý, từ sau 1-7-2010, Luật Doanh nghiệp nhà nước đã hết hiệu lực, các doanh nghiệp cùng chơi chung sân Luật Doanh nghiệp rồi, thưa ông?
Đứng về mặt pháp lý thì bình đẳng còn trong hành động thực tế thì chưa bình đẳng. Muốn cải thiện việc này thì phải cải cách cả bộ máy nhà nước. Trong đó có cải cách việc nhà nước không nên trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh nhiều như hiện nay. Nhà nước hãy làm thật tốt y tế, giáo dục rồi tổ chức kết cấu cơ sở hạ tầng. Nhà nước không phải tự đứng ra làm mà chỉ đứng ra tổ chức đấu thầu thu hút vốn trong, ngoài nước, còn kinh doanh thì để cho doanh nghiệp tự làm.
Ở nước ngoài, quan chức chỉ là quan chức hành chính. Đã là quan chức nhà nước thì chỉ làm theo những gì luật pháp cho phép. Không thể để một ông vừa làm thứ trưởng vừa là chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp hoặc bộ trưởng lại đi kiêm chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Giờ ông phải khoác thêm áo kinh doanh thì không biết trong người ông có mấy trái tim, vừa có trái tim kinh doanh lỗ lãi vừa có trái tim làm theo pháp luật. Như thế là rất tréo ngoe.
Chúng ta phải có can đảm nhìn vào sự thật, thấy những điều gì không phù hợp thực tế và không chứng minh được thì phải loại bỏ.
Thay đổi tư duy quản lý
Nhưng nếu kinh tế Nhà nước không là chủ đạo thì ai là chủ đạo, vì thực tế kinh tế dân doanh chưa thực sự mạnh, lại thêm cả lo ngại không quản được việc điều tiết về giá?
Các mệnh đề nói doanh nghiệp Nhà nước phải điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô đến nay cả về khoa học kinh tế và thực tế đều không được chứng minh. Tôi nghĩ hãy để doanh nghiệp là doanh nghiệp. Còn sử dụng các công cụ như quản lý giá thì tổ chức điều tra cạnh tranh xem ai bán hàng kém chất lượng, gian dối thì phạt tới bến. Khi đó tình hình sẽ ổn hơn hiện nay.
Tôi lưu ý từ thời kế hoạch hóa tập trung, quản lý giá bằng hành chính cũng không phát huy tác dụng gì cả. Thụy Điển là một nước có phúc lợi xã hội cao hơn của chúng ta nhiều lần mà họ có để kinh tế nhà nước là chủ đạo đâu. Hãy xem xét kinh nghiệm của các nước trước khi chúng ta tự tìm ra con đường riêng cho mình.
Nhìn vào thực lực khối tư nhân hiện nay, theo ông đã đủ sức làm những việc các doanh nghiệp nhà nước đã làm?
Lịch sử không thể thay đổi, sang trang chỉ sau một đêm. Phải có quá trình, qua từng bước phát triển. Cũng cần nhấn mạnh không phải mọi doanh nghiệp tư nhân ở ta hiện nay đều ngon lành. Những đại gia tư nhân của chúng ta hiện nay là thế nào. Họ có đóng góp gì vào tiến bộ khoa học công nghệ? Có như Bill Gates làm ra các phần mềm cả thế giới dùng? Có đóng góp vào tăng năng suất lao động, xuất khẩu không?
Phần lớn các đại gia đó đều có mối quan hệ với quan chức và được tiếp cận đất đai, mỏ tài nguyên, các nguồn khác và họ giàu lên rất nhanh từ những cái có sẵn này. Những đại gia này đều không có khả năng cạnh tranh quốc tế. Vì vậy không nên quá ảo tưởng hay nghĩ rằng doanh nghiệp tư nhân đã thay thế được. Nhưng không vì thế mà phủ định họ, khối tư nhân phải tiếp tục được coi trọng, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước.
Có nghĩa khu vực tư nhân chưa được ngon lành nên vẫn phải dựa vào doanh nghiệp nhà nước?
Theo tôi cần có lộ trình cắt giảm. Không ai cai sữa cho một đứa bé chỉ qua một đêm. Dần dần nhưng phải hướng tới môi trường cạnh tranh hơn, tạo điều kiện đòi hỏi các doanh nghiệp đó cạnh tranh hơn. Trung Quốc họ đã làm việc này. Anh muốn làm chủ tịch HĐQT, giám đốc thì phải qua đấu thầu: Mỗi năm tăng năng suất lao động bao nhiêu phần trăm, xuất khẩu, đổi mới công nghệ, giảm chi phí bao nhiêu…
Khi đó môi trường bổ nhiệm trong sáng hơn nhiều, tránh được vừa bổ nhiệm xong lại miễn nhiệm. Chúng ta cũng nên học các nước trong việc công khai minh bạch, áp dụng các tiêu chuẩn, tổ chức xét tuyển công khai và có chế độ đánh giá nghiêm ngặt hằng năm.
Bá Kiên - Phạm Tuyên (thực hiện)

12 thg 9, 2010

Dân chủ đến từ đâu?

hay vì mắc kẹt trong câu hỏi: "Dân chủ là gì?", cần đẩy nó đi một bước xa hơn về phía cội nguồn thông qua một câu hỏi mới: "Dân chủ đến từ đâu?". Khi biết được dân chủ đến từ đâu thì bản chất của dân chủ sẽ được sáng tỏ.
 
LTS: Những cuộc thảo luận về dân chủ - dù ở bất cứ mức độ nào, khía cạnh nào - cũng đều thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì một lẽ, dân chủ được kì vọng như chìa khóa vàng để mở cánh cửa phát triển. Mới đây, một vị tướng Trung Quốc còn đặt vấn đề, dân chủ hay là chết.
Tuy nhiên, dân chủ là gì còn là một vấn đề gây tranh cãi và trên thực tế không dễ trả lời.
Trong bài viết này, tác giả Giáp Văn Dương tìm cách làm sáng tỏ bản chất của dân chủ bằng cách đặt một câu hỏi khác: Dân chủ đến từ đâu? Mời bạn đọc cùng tham gia thảo luận.

Nghịch lý dân chủ

Dân chủ thường được kỳ vọng như là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển, vì một thực tế hiển nhiên: Những nước phát triển trên thế giới đều là những nước theo thể chế dân chủ.
Nhưng dân chủ là gì lại là một vấn đề gây tranh cãi. Do ảnh hưởng của những yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, hoàn cảnh sống... mà mỗi người, nhóm người, thậm chí quốc gia, hiểu dân chủ một cách khác nhau. Vì thế, tìm cách trả lời rốt ráo câu hỏi dân chủ là gì là một việc làm tối cần thiết.
Tối cần thiết, nhưng không dễ. Vì ở đây có một nghịch lý, có thể gọi là nghịch lý dân chủ: Bản thân việc định nghĩa hoặc diễn giải dân chủ là gì, từ bất kì chủ thể nào, đều đã chứa đựng trong nội tại của nó những yếu tố áp đặt, phi dân chủ. Nói cách khác, càng nhân danh dân chủ, anh càng trở nên phản dân chủ.

       Ảnh: Việt Dũng
 

Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cho đến nay vẫn chưa có được sự thống nhất về cách hiểu dân chủ là gì giữa Đông và Tây, quốc gia và quốc gia, cá nhân và cá nhân. Lý do là bản thân mỗi diễn giải này đều mang trong nó những chủ kiến ít nhiều mang tính áp đặt phi dân chủ, nên không được chấp nhận bởi kẻ khác. Mỗi người, hoặc nhóm người, hiểu dân chủ một cách khác nhau và ra sức bảo vệ, thậm chí áp đặt cách hiểu của mình cho những người còn lại. Những cuộc thảo luận về dân chủ, dù là trong giới học thuật, chính trị gia hay quần chúng, vì thế đều có nguy cơ kéo dài bất tận mà không thu được sự đồng thuận.
Cho nên, thay vì mắc kẹt trong câu hỏi: "Dân chủ là gì?", cần đẩy nó đi một bước xa hơn về phía cội nguồn thông qua một câu hỏi mới: "Dân chủ đến từ đâu?".
Khi biết được dân chủ đến từ đâu thì bản chất của dân chủ sẽ được sáng tỏ. Quan trọng hơn, khái niệm dân chủ khi đó sẽ trở nên khả dụng vì mỗi người đều thấu hiểu nguồn gốc hình thành của nó, vì thế có thể làm chủ và chủ động khai thác nó, thay vì là đặt nó làm đối tượng cho những tranh luận mơ hồ bất tận ồn ào.

Dân chủ ở hành vi

Ở mức độ cơ bản nhất, dân chủ biểu hiện trong hành vi của chủ thể đang xem xét. Một cá nhân, một cộng đồng, hay một nhà nước, có được coi là dân chủ hay không phải được xét trên chính tập hợp những hành vi của cá nhân, cộng đồng hay nhà nước đó.
Hành vi chính là cơ sở duy nhất để đánh giá mức độ dân chủ của chủ thể. Một tuyên ngôn đẫy rẫy những mỹ từ về dân chủ nhưng đi kèm với một hành động áp đặt thì về bản chất, chủ thể của tuyên ngôn đó là phi dân chủ.
Mức độ dân chủ trong hành vi, vì thế, là thước đo mức độ dân chủ của chủ thể hành vi, dù chủ thể đó là ai, cá nhân hay bất kỳ tổ chức nào đi chăng nữa.
Do đó, hành vi phi dân chủ, và rộng hơn là tất cả những phương tiện phi dân chủ, không thể là, hoặc được biện minh là, biểu hiện của một mục đích dân chủ. Ở đây, mục đích không được phép biện minh cho phương tiện.
Nhưng hành vi lại xuất phát từ nhận thức. Vậy nhận thức nào sẽ mang lại hành vi dân chủ cho mỗi chủ thể?
Để trả lời câu hỏi này, hãy xem xét một cuộc thảo luận có tính dân chủ.

Nguyên tắc khiêm tốn

Trong cuộc thảo luận này, những người tham gia thảo luận trình bày, lắng nghe, thảo luận và phản biện ý kiến của nhau một cách tôn trọng, ôn hòa.
Mục đích của thảo luận dân chủ là để tìm ra ý tri thức đúng đắn nhất, lựa chọn hợp lý nhất trong số những đề xuất của những người tham gia thảo luận.
Nhưng vì sao những người tham gia thảo luận lại phải mất thời gian như vậy? Vì sao người có ưu thế cao nhất về kinh nghiệm, tri thức hoặc quyền lực không áp đặt ý kiến của mình cho những người còn lại?
Vì họ biết rằng, tri thức và lý tính có giới hạn và khiếm khuyết về bản chất.
Sự giới hạn và khiếm khuyết này không nằm ở sự yếu kém của cá nhân, mà thuộc về bản chất của tri thức, được minh họa hùng hồn qua Nguyên lý bất toàn của Toán học - tên nguyên thủy là Định lý bất toàn - và Nguyên lý bất định của Vật lý.
Để khắc phục chúng, họ phải nhờ đến sự giúp đỡ của một nguyên lý khác, cũng cơ bản không kém. Đó là nguyên lý bổ sung củaVật lý, được phát biểu ngắn gọn rằng: Đối lập là bổ trợ. Nói cách khác, đối lập không phải là triệt tiêu nhau, mà là bổ trợ cho nhau. Bộ ba nguyên lý này tạo ra ý thức khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau một cách cầu thị giữa những người tham gia thảo luận.
Như thế, vô hình trung, trong suốt quá trình thảo luận, họ đã cùng nhau thực hành một nguyên tắc, có thể gọi là nguyên tắc khiêm tốn, như sau: Mỗi người tham gia thảo luận đều khiêm tốn và cầu thị một cách có ý thức vì biết rằng bản chất của tri thức và lý tính là có giới hạn và khiếm khuyết về bản chất.Và để khắc phục sự giới hạn và khiếm khuyết này, đối lập và khác biệt cần phải được tôn trọng vì chúng là nguồn bổ trợ cho tri thức và lý trí của bản thân mình.
Chính nguyên tắc khiêm tốn này đóng vai trò nhạc trưởng, chỉ huy cuộc thảo luận dân chủ đi đến đồng thuận cuối cùng mà không bị đổ vỡ giữa chừng vì những khác biệt.

Nhạc trưởng

Bây giờ mở rộng cuộc thảo luận dân chủ sang một trường hợp khác rộng hơn, như sự điều hành của một chính phủ dân chủ chẳng hạn.
Người quan sát ở đây sẽ thấy, sự điều hành của một chính phủ dân chủ có sự tương tự về bản chất so với một cuộc thảo luận có tính dân chủ.
Ở đó, chính phủ và những đại diện của dân chúng sẽ trình bày, lắng nghe, thảo luận và phản biện ý kiến của nhau một cách tôn trọng, ôn hòa.
Mục đích của việc này là để tìm ra những tri thức và lựa chọn, cụ thể là những kế hoạch, phương án, chiến lược phát triển hay quản lý và điều hành đất nước... tốt nhất.
Nhưng vì sao chính phủ dân chủ lại phải làm như vậy, trong khi họ có đủ phương tiện, thậm chí cả súng, để áp đặt ý kiến của mình?


Vì chính phủ dân chủ, cũng giống như những người tham gia cuộc thảo luận ở trên kia, biết được giới hạn và sự khiếm khuyết mang tính bản chất về tri thức và lý trí của mình. Do đó, họ khiêm tốn và cầu thị tham gia đối thoại với nhân dân để tìm ra những tri thức và lựa chọn tốt nhất có thể, nhằm giải quyết những vấn đề họ phải đương đầu.
Nói cách khác, chính phủ dân chủ cũng thực hành nguyên tắc khiêm tốn đã nêu trên.
Nếu đi xa hơn, mở rộng sự điều hành của một chính phủ dân chủ sang sự vận hành của một thiết chế dân chủ thì sao?
Người quan sát sẽ thấy nguyên tắc khiêm tốn vẫn đóng vai trò nhạc trưởng chỉ huy mọi hoạt động của thiết chế này.
Vì nhận thức được rằng, tri thức của con người nói chung và cá nhân nói riêng là có giới hạn và khiếm khuyết về bản chất, nên một thiết chế dân chủ sẽ được thiết kế sao cho có khả năng huy động tốt nhất trí tuệ của tập thể trong việc thu nhận tri thức, lựa chọn và ra quyết định.
Thiết chế đó sẽ đảm bảo sao cho mỗi người dân có quyền và trách nhiệm nói lên ý kiến của mình cũng như tham dự vào hoạt động của chính quyền ở mức độ thích hợp nhất.
Thiết chế đó sẽ đảm bảo cho người lãnh đạo là người có tài năng và uy tín nhất; mỗi quyết sách được đưa ra sẽ là quyết sách tối ưu nhất.

Dân chủ đến từ sự khiêm tốn

Như thế, nguyên tắc khiêm tốn đóng vai trò nền tảng chi phối sự vận hành của một thiết chế dân chủ, hoạt động của một chính phủ dân chủ hay đơn giản là diễn tiến của một cuộc thảo luận dân chủ.
Nói cách khác, nguyên tắc khiêm tốn là nền tảng cho mọi hoạt động mang tính dân chủ. Thiếu sự chỉ huy của nguyên tắc này, sự áp đặt và độc đoán sẽ bành trướng làm cho mọi diễn tiến sau đó trở thành áp đặt, phi dân chủ.
Như thế có kết luận: Nguồn gốc sâu xa của dân chủ là sự khiêm tốn một cách có ý thức về tri thức và lý tính của con người. Sự khiêm tốn này xuất phát từ nhận thức một cách khoa học về sự bất định và bất toàn của bản thân tri thức và lý tính.
Và để khắc phục sự bất toàn và bất định này, con người cần phải thực hành một nguyên lý khác là Nguyên lý bổ sung: Tôn trọng và chấp nhận những tri thức trái ngược như một sự bổ sung cho tri thức và lý trí của bản thân mình.
Làm được như thế, dân chủ sẽ tự đến, sống động và sáng rõ.

http://www.tuanvietnam.net/2010-09-07-dan-chu-den-tu-dau-

9 thg 9, 2010

Bàn về dân chủ và dân trí

Từ "dân chủ" hiện nay được bàn đến khá nhiều mà không còn cấm kỵ như mới cách đây chỉ khoảng 2 năm. Đây là một sự tiến bộ rất đáng mừng. Một số lần tôi có vài tranh luận trên diễn đàn người ta sợ từ "dân chủ" và "chính trị" lắm. Đây là một điều quá đau xót và rất buồn cười.

Tôi xin đăng lại bài viết của tác giả  Bùi Minh Quốc. Tôi không biết đây là ai nhưng thấy nó thú vị nên đăng lại làm kỹ niệm mà thôi. Tôi trân trọng những bài viết như vậy có thể nó không hoàn toàn chính xác như đấy là tâm huyết của một con người dám nhìn vào sự thật và nói ra. 

Ở một khía cạnh nào đó tôi cũng có một vài suy nghĩa như tác giả

Trân trọng

 

Có cách nào đẩy nhanh tốc độ nâng cao dân trí để sớm giành được dân chủ?

 

Bùi Minh Quốc
image Liệu có cách nào không nhỉ?
Bây giờ thì hầu hết mọi người đều đồng ý với nhau rằng muốn xây dựng một chế độ dân chủ thật tử tế, thật bền vững, tất phải xây từ cái nền dân trí; dân trí có được khai mở từng bước vững chắc và ngày càng nâng cao thì mới xây dựng được một chế độ dân chủ thật chất lượng, và chất lượng ấy luôn tương ứng với trình độ dân trí, không thể “ăn non” mà cũng chẳng thể “ăn già”.

Nói đến nâng cao dân trí thì ai cũng thấy là việc phải làm lâu dài.
Cụ Phan Châu Trinh từ cách đây hơn một trăm năm vạch đường cứu dân cứu nước bắt đầu bằng KHAI DÂN TRÍ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng viết năm 1928: “Cái dốt là cái họa của người An Nam”. Cụ Hồ Chí Minh ngay sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã xác định một trong mấy nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ là lãnh đạo toàn dân DIỆT GIẶC DỐT (cùng với nhiệm vụ CHỐNG GIẶC NỘI XÂM giữa lúc chính quyền cách mạng còn trong trứng nước và phải chống thực dân Pháp trở lại xâm lược).

Trước cụ Hồ hàng trăm năm, cụ Các Mác đã nêu nỗi lo về cái họa dân ngu: “Sự ngu dốt, đó là cái sức mạnh quỷ sứ, và chúng tôi sợ rằng nó sẽ còn là nguyên nhân của nhiều bi kịch”. Cụ Mác nói đúng nhưng chưa đủ. Bản thân sự ngu dốt không có tội, nó là hệ quả của một trình độ xã hội lạc hậu; bi kịch chỉ xuất hiện và trở thành đại họa bám níu dai dẳng vào số phận loài người khi sự ngu dốt được trao quyền lực, và trớ trêu thay, chính học thuyết chuyên chính vô sản của Mác lại trao quyền lực cho sự ngu dốt.

Tuy nhiên, đừng quên một điều cũng rất trớ trêu này: những người vô sản thành thị và nông thôn đói khổ ít học bỗng chốc nhờ cái quái chiêu “đường lối giai cấp trong công tác cán bộ” mà nhảy phắt lên ghế vua quan thì tiếp đó họ tuyệt đối không ngu tí nào trong các thủ đoạn bám giữ quyền lực. Ngu sao được khi họ biến tiền thuế của dân thành một thứ “cơm vua lộc chúa” đem ban phát để sai khiến – dưới nhãn hiệu “lãnh đạo” – thật “tài tình” cả một “đội ngũ trí thức” ngày đêm miệt mài chế tác đủ thứ lý sự ngụy biện chày cối nhằm kéo dài tình trạng ngu dân, và mỉa mai thay, trong “đội ngũ” ấy không phải chỉ toàn bọn “học giả bằng thật” mà lại có cả không ít những bậc tài cao học rộng thông kim bác cổ, hơn nữa lại từng là nạn nhân của chuyên chính vô sản.

Trở lực trực tiếp gây hại gây rối cho việc nâng cao dân trí chính là cái “đội ngũ” bùng nhùng bầy nhầy này. Cần nói luôn, với “đội ngũ” này thì không hẳn chỉ là vấn đề “sĩ trí” mà lại là chuyện “sĩ khí”. Một bằng chứng nóng hổi: Đại hội lần thứ VIII của Hội Nhà văn Việt Nam đầu tháng 8.2010 vừa qua, cả một đội ngũ lớn “chiến sĩ – nghệ sĩ”  luôn tự phong là “lương tâm tiêu biểu”, “trí tuệ tiêu biểu” được chi tiền dồi dào kéo về Thủ đô họp đại hội chỉ để trình diễn màn “Yêu Tổ quốc chỉ còn nghe ú ớ” (thơ Thanh Thảo).

Trước tình hình ấy, những người sốt ruột mong sớm có dân chủ đâm ra cáu tiết bài bác luận điểm “ôn hòa, tiệm tiến”, hoặc là nản chí tặc lưỡi buông xuôi ngồi chờ quy luật, chờ vận nước – “cái gì phải đến nó sẽ đến”.
Tôi thuộc trường phái sốt ruột, cực kỳ sốt ruột, vì luôn cảm thấy thời gian ở Việt Nam đất nước tôi không trôi theo tốc độ bình thường như ở những xứ sở khác, mà trôi theo tốc độ của máu chảy, tốc độ của mồ hôi rơi, của nỗi ngột ngạt bức bối nơi vô vàn những thân phận oan khiên đang bị bóp cổ, bị bịt mồm, bẻ bút.

Nhưng bình tĩnh mà xét thì dù sốt ruột đến mấy cũng không thể hành động theo kiểu hăm hở nhảy xuống ruộng kéo cây mạ cao lên cho mau có lúa, khiến mất trắng cả mùa màng.
Tôi lại cũng không thuộc trường phái nản lòng, cam chịu cảnh ngồi chờ quy luật.
Bao đêm trằn trọc tự hỏi: có cách nào đẩy nhanh tốc độ nâng cao dân trí? Có cách nào?
Rồi lần lần cũng thấy hé mở câu trả lời, ít nhất là trả lời cho riêng mình, xin được trình bày để cùng trao đổi ý kiến rộng rãi.

Nói đến dân trí, nghe qua thấy thật mênh mông.

Thế thì trong cái dân trí mênh mông đó, ta hãy chọn khâu nào là cơ bản nhất và cũng cấp bách nhất cần tập trung nỗ lực nâng cao trước hết. Theo tôi, đó chính là vấn đề dân quyền. Vâng, hãy tập trung nâng cao ý thức của người dân về dân quyền – gọi một cách nôm na là ý thức người dân về quyền làm chủ của mình.

Người Việt Nam mình không mấy ai không yêu nước, điều đó là quá rõ, nhưng có lẽ cũng chưa nhiều người thấy thật rõ điều này: ý  thức dân tộc phải gắn chặt với ý thức về dân quyền, nước được độc lập mà dân không có quyền thì độc lập cũng không nghĩa lý gì; hiện thời dân ta đúng là đang sống trong một nền độc lập không có nghĩa lý gì, bởi người dân không có được cả đến cái quyền xuống đường biểu tình bày tỏ lòng yêu nước, vậy mà vẫn chưa ngộ ra trạng thái dân-mất-quyền-yêu-nước của mình.

Từ thuở bé, tôi đã hát câu hát Văn Cao: “Lập quyền dân, tiến lên, Việt Nam!”. Cái tiếng lòng hồn nhiên của tôi hòa trong tiếng lòng của toàn dân Việt. Càng lớn lên, tôi càng ý thức rõ rằng con đường duy nhất đúng để Việt Nam tiến lên chỉ có thể là con đường lập quyền dân, người dân phải lập quyền, phải tự nắm lấy quyền của mình – đúng như ý kiến của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Dân chủ là cái phải đấu tranh để giành lấy chứ không thể ngồi chờ ai ban phát cho”. 

Phạm vi của quyền làm chủ cũng khá là rộng, vậy trước hết hãy tập trung vận động thức tỉnh người dân nắm lấy quyền làm chủ ở những khâu then chốt nhất.

Theo tôi, hai khâu then chốt ấy là:

1 - Làm chủ trong sự suy nghĩ độc lập và công khai nói lên các suy nghĩ độc lập của mình tại tất cả các cuộc hội nghị của các hội đoàn hiện hành và các tổ chức dân sự tự lập tự nuôi mà mình tham gia. Muốn thế trước hết phải giành lấy quyền làm chủ thông tin, nhất là giới trẻ, tận dụng sức mạnh của thời đại thông tin để tự bứt phá khỏi sự vây bủa của hệ thống thông tin độc quyền.

2 - Làm chủ trong việc lựa chọn người thay mặt mình gánh vác việc dân việc nước.
Không làm chủ được ở hai khâu này thì người dân luôn rơi vào cảnh làm bình phong làm con rối trong tay mấy phần tử xôi thịt đương quyền ỷ vào thể chế độc đảng toàn trị như lâu nay, mà sau này khi xã hội chuyển sang thể chế đa đảng – một xu thế tất yếu – cũng sẽ lại tiếp tục bị giật dây bởi bọn chính khách xôi thịt cả đương quyền lẫn đối lập (thật và cuội).

Việc nâng cao ý thức và hành động làm chủ của người dân có lệ thuộc nhiều vào việc nâng cao học vấn không? Tất nhiên là có, nhưng theo tôi thì vừa có vừa không, theo cái nghĩa không nhất thiết cứ phải nâng cao học vấn trước thì mới nâng cao được dân trí. Thì xã hội chả đang đầy dẫy những kẻ học vấn đầy mình (học thật hẳn hoi cơ), mà thực chất vẫn luẩn quẩn vô tư (hoặc giả bộ vô tư) trong thân phận nô lệ, tôi đòi! Trong khi đó thì các bà các cô thợ cấy của chúng ta, những người vì đời sống khốn quẫn triền miên nên học vấn còn thấp, lại có đủ mẫn tuệ để phân biệt được người tốt kẻ xấu trong bộ máy công quyền và các tổ chức ngoại vi của hệ thống chính trị hiện hành. 

Vậy muốn đẩy nhanh tốc độ nâng cao dân trí về quyền làm chủ của người dân thì hãy bắt đầu từ việc dễ làm nhất là vận động người dân nói thẳng nói thật những điều mình nghĩ về đám quan chức ấy và cùng nhau thảo luận ở mọi chốn, từ bờ ruộng bờ tre lúc giải lao đến các đám cưới đám tang đám giỗ, các buổi đi chùa đi nhà thờ đi pích-ních, các cuộc họp xóm họp làng, chủ động giành lấy quyền có mặt và nói thẳng nói thật của mình tại những cuộc tiếp xúc cử tri, buộc những ai đang gánh vác việc dân việc nước phải trực diện giải quyết các yêu cầu chính đáng của dân. Một cách làm nữa hơi khó hơn nhưng vẫn làm được, và dân ta đang chủ động làm ở một số nơi là tự nâng cao ý thức và hành động làm chủ của mình ngay trong các cuộc đấu tranh vì dân sinh. Giặc nội xâm muốn cướp đất của dân thường buộc phải vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật, dùng lực lượng công an quân đội mà chúng nắm được để ăn cướp bằng bạo lực. Người dân một mặt dựa vào những điều khoản đúng đắn của luật pháp, dùng lý lẽ sắc bén để đấu lý với bọn chủ mưu (dân ta rất giỏi đấu lý với đám cầm quyền xôi thịt, và truyền thống này bấy lâu bị chìm lắng nay đang bắt đầu trỗi dậy), đồng thời kiên trì vận động thuyết phục những người lính thừa hành: “Các em các cháu ơi, các em các cháu có được xơ múi gì đâu mà mang súng mang còng đi ức hiếp dân, cướp đất dân cho bọn cấp trên các em phè phưỡn hưởng lợi, còn các em các cháu thì bị dân oán ghét lây? Đừng có dại dột thế!”. Cũng như thế, khi người dân hỏi các công an viên giơ dùi cui đàn áp dân đi biểu tình chống giặc bành trướng: “Các anh có còn là người Việt Nam nữa hay không?” thì chẳng phải đấy là dấu hiệu của một mặt bằng dân trí dân khí cao hơn cả “sĩ trí” “sĩ khí” Hội Nhà văn Việt Nam hay sao? Và người công an nghe câu hỏi ấy của dân thì không thể không cảm thấy nhục nhã, nhất định đêm về không thể không suy nghĩ, và từ đó, cái “công an trí” trong con người anh ta không thể không chuyển biến cùng với dân trí. Và Đảng trí nữa, tình trạng Đảng trí thấp hơn dân trí thì nhiều người đã nêu, cái “Đảng trí” đang giả đò “đãng trí” ấy liệu có thể cứ ù lì mãi trước sự chuyển biến, dù còn chậm và phân tán, của dân trí không? Nhất định sẽ có những người đảng viên cảm thấy nhục với dân khi mình đang tự để mất dần tư cách yêu nước, tư cách vì dân – điều mà cả đời họ lấy làm hãnh diện (và kiêu ngạo lố bịch nữa), chắc họ không thể cam chịu đeo mãi nỗi nhục ấy chỉ vì giữ nguyên tắc Đảng, họ không thể không thấy chỉ còn một con đường tự cứu duy nhất là phải xé rào để hành động vì dân vì nước như Kim Ngọc, như Võ Văn Kiệt đã làm và làm có hiệu quả. Sự quật khởi của những đảng viên như thế lúc đầu còn lẻ tẻ nhưng sức ép của lòng dân trí dân nhất định sẽ khiến ngày càng xuất hiện nhiều hơn, vừa làm chuyển biến Đảng trí trong nội bộ Đảng đồng thời tác động trở lại vào dân trí. Sự chuyển biến và tác động tương hỗ qua lại giữa Đảng trí và dân trí từng ngày một sẽ tạo nên những làn sóng vừa nổi vừa ngầm làm cho thế trận chống nội xâm chống bành trướng xây dựng dân chủ dần tiến đến thế thượng phong ngày càng vững hơn với lực ngày càng đông đảo hơn. Hàng mấy chục triệu đảng viên, cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ, bộ phận hy sinh mất mát nhiều nhất trong chiến tranh nhưng thiệt thòi nhất trong hòa bình (đến mức đảng viên cũng mất luôn cả quyền công dân) là lực lượng tiềm ẩn hùng mạnh của dân chủ.

Thế thượng phong của dân chủ là thế của những người đi đánh giặc bành trướng, đánh giặc nội xâm (trong đó có bọn tay sai bành trướng), là thế của người đi đòi nợ, trước hết là món nợ về các quyền cơ bản đã được ghi trong Hiến pháp như tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do lập hội, tự do biểu tình, v.v. mà giặc nội xâm (chiếm đa số trong các cấp ủy và các cương vị chủ chốt trong bộ máy công quyền) đang cố tình vỗ nợ. Khi ý thức được thế thượng phong của người đi đánh giặc, đi đòi nợ, nhân dân sẽ tự vượt thoát ra khỏi tâm lý của quan hệ xin-cho, chuyển sang tâm lý và ý thức làm chủ, từ đó chuyển sang hành động làm chủ.
Khâu then chốt thứ hai của làm chủ là làm chủ lá phiếu. Hệ thống chính trị hiện hành dù là độc đảng toàn trị nhưng vẫn cứ phải có ứng cử, bầu cử từ trong đảng cầm quyền đến các hội đoàn cây cảnh của Đảng và trên toàn xã hội. Bấy lâu nay các cuộc bỏ phiếu hầu như đều diễn ra với kết quả đúng theo sự sắp đặt từ bàn tay của “một người hoặc một nhóm người” (cụm từ của nguyên Phó ban tổ chức trung ương Nguyễn Đình Hương nói về tình trạng bê bối trong công tác cán bộ) là bởi vì cả đảng viên lẫn người dân đều chưa ý thức được sức mạnh của lá phiếu trong tay mình, trước hết là ý thức thật rành mạch và nắm thật vững nguyên tắc: người cầm lá phiếu phải được biết rõ những người có tên trên lá phiếu tốt xấu thế nào, mà muốn làm rõ, thì nhất thiết các ứng cử viên phải công khai nhân thân và tài sản, trình bày chương trình tranh cử, trả lời đầy đủ các yêu cầu, chất vấn của cử tri.Tại Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà văn Việt Nam vừa rồi, những người chỉ đạo và tổ chức Đại hội đã khôn khéo lẩn tránh việc “yêu cầu, chất vấn” (thơ Hồng Nguyên) còn những người dự đại hội (= người bỏ phiếu) cũng thờ ơ với việc “yêu cầu”, “chất vấn” nên đã diễn ra thảm cảnh “yêu nước ú ớ” như nêu trên. Nhưng tình hình ở nhiều nơi đang dần khác trước. Đã xuất hiện một sự thức tỉnh, tuy còn lẻ tẻ phân tán nhưng sớm muộn cũng sẽ lan rộng: người dân tự nhận ra sự hớ hênh rất lớn của mình – A, cái thằng cái con cán bộ hôm nay về cướp đất mình lại cũng chính là mấy đứa dạo trước có tên trong lá phiếu chúng nó bảo mình bầu, ôi giời, rõ thật vô duyên, chung quy cũng tại mình đây, chính mình tự đeo tai ách vào mình đây, chỉ có mỗi động tác gạch béng tên chúng nó đi mà đầu óc mụ mị thế nào cũng không biết đàng mà làm! Và thế rồi khi sắp tới ngày bầu cử đợt mới, bên bờ ruộng, các bà các cô thợ cấy sẽ bàn nhau: “Này, cái thằng X cái con Y ấy ta biết rõ nó là quân ăn cắp ăn cướp nên mới nhiều nhà nhiều đất như thế, nhưng ta chưa bắt được quả tang, ta cứ gạch béng tên chúng nó đi các chị ạ” – “Ừ, phải đấy, cái bọn chưa bị bắt quả tang thì còn nhung nhúc, tôi là tôi cứ gạch tuốt những đứa nào tôi nghi ngờ”. Khi cuộc bầu cử ở một nơi mà diễn ra tình hình người bỏ phiểu, bằng lá phiếu của mình làm phá sản trò xiếc sắp đặt nhân sự từ trong tay “một người hoặc một nhóm người”, thì nếu thông tin tốt, sẽ làm xuất hiện ở các nơi khác hai ba cuộc như thế, năm mười cuộc như thế, dần dần lan ra khắp nước…

Muốn thế, phải vận động. Từng ngày vận động. Từng người tự vận động. Vận động lẫn nhau. Lập những nhóm nòng cốt mà vận động. Dân vận động đảng viên. Chỉ cần người dân hỏi đảng viên: “Này, bành trướng nó đưa người vào tận Tây Nguyên khai thác bô-xít gây nguy hại cho môi trường và an ninh quốc phòng, nó hành xử ngang ngược trên biển Đông xâm phạm chủ quyền, bắt giết ngư dân của ta như thế, Võ Đại tướng cùng các lão thành và hàng ngàn công dân đã lên tiếng rồi mà sao anh im thít thế? Anh lại định bầu cho mấy đứa chủ trương “rước voi giày mả tổ”đấy à?” thì người đảng viên không thể không thấy day dứt tâm can. Rồi đảng viên vận động lẫn nhau. Không sợ bị quy là bè phái, vì đây là vận động để phá tan cái hành vi bè phái vĩ mô “công tác cán bộ do một người hoặc một nhóm người quyết định”. Những người làm dân vận chân đất nói tiếng nói của sự thật, của lẽ phải nhất định sẽ thắng những kẻ làm dân vận ngồi xe máy lạnh. Nhất định thắng, tôi tin thế. Bởi vì tôi nhớ thuở nào, dân trí còn thấp lắm, cụ Phan Châu Trinh vận động đàn ông nước ta cắt đi cái mớ tóc dài ngự trị trên đầu hàng bao đời. Cụ Phan Khôi chỉ viết ngắn gọn “Cúp hè ! Cúp hè !/Bỏ cái ngu mầy! Bỏ cái dại mầy!...”  mà mấy câu vè nôm na dễ hiểu mau chóng lan truyền từ miền Trung ra khắp nước đi thẳng vào lòng người, mau chóng biến thành hành động. Chỉ trong 4 năm, mái tóc dài trên đầu người đàn ông Việt biến đâu mất. Thời nay, từ lâu rồi dân gian đã có câu: “Công an, thuế vụ, kiểm lâm/Trong ba thằng ấy phải đâm thằng nào ?...”. Bây giờ vận động người dân thay vì định “đâm” bằng dao thì hãy “đâm” bằng ngọn bút trên lá phiếu, gạch phắt những cái tên đáng ngờ trên lá phiếu, việc này chắc cũng không đến nỗi khó và lâu như việc vận động cắt tóc ngày xưa.

Xin mỗi ban mai, ngẩng nhìn trời, nhìn nhau, nắm tay nhau, cùng nhau hát vang:


LẬP QUYỀN DÂN, TIẾN LÊN, VIỆT NAM!
Đà Lạt 07.09.2010
B. M. Q.




8 thg 9, 2010

Câu chuyện Hiến pháp và tư duy trong tổ chức bộ máy nhà nước

Kỷ niệm 65 năm Quốc khánh nước VNDCCH – Vài suy ngẫm và lạm bàn về bản Hiến pháp đầu tiên (1946) và bản Hiến pháp hiện hành (1992)

Vũ Trọng Khải
image Ai cũng hiểu Hiến pháp là một đạo luật gốc, cao nhất, chi phối các đạo luật khác. Hiến pháp khác các đạo luật khác ở chỗ:
- Về hình thức pháp lý: Hiến pháp do toàn thể dân tộc, “không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo” (trích Lời mở đầu của Hiến pháp 1946) quyết định bằng một cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo Hiến pháp đã được Quốc hội chuẩn bị và thông qua, mà người ta gọi là “quyền phúc quyết” của người dân. Hiến pháp chỉ có giá trị khi đã được toàn dân phúc quyết. Quyền phúc quyết Hiến pháp của người dân là thể hiện quyền làm chủ cao nhất và trực tiếp, được gọi là “quyền lập hiến” của người dân, trong đó, không một giai cấp, tầng lớp nào của dân tộc lại được coi là nền tảng của thể chế chính trị Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nói cách khác, quyền phê duyệt Hiến pháp là quyền của người dân, không phải của Quốc hội, như quy định trong các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 của nước ta. Còn các đạo luật khác thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội, với mục đích duy nhất là để thực thi có hiệu quả nội dung của bản Hiến pháp.
Do vậy, các đạo luật do Quốc hội phê duyệt phải căn cứ vào Hiến pháp và tuyệt nhiên không được trái với các nội dung của Hiến pháp. Các đạo luật được ban hành bởi Quốc hội là thể hiện quyền làm chủ gián tiếp của người dân, thông qua người đại diện của mình là các nghị sĩ Quốc hội. Làm ngược lại có nghĩa là Quốc hội và đại biểu Quốc hội không làm tròn nhiệm vụ mà toàn dân đã giao phó cho họ.

- Về nội dung: bản Hiến pháp quy định: (1) nghĩa vụ và quyền hạn, quyền lợi của người dân nói chung và của công dân nói riêng, tức con người nói chung và con người công dân nói riêng, trong thể chế chính trị dân chủ cộng hòa. Những quy định này phải bảo đảm rằng “mọi người dân được làm bất cứ việc gì để mưu cầu hạnh phúc cho mình, mà pháp luật không cấm”; (2) Quyền hạn, trách nhiệm, quyền lợi của bộ máy nhà nước và các công chức làm việc trong bộ máy nhà nước đó chỉ để bảo đảm “đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt nòi giống, gái trai, giai cấp, tôn giáo và các quyền tự do dân chủ” của người dân, “thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”, để “nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại” (trích Lời mở đầu Hiến pháp 1946). Lời mở đầu của bản Hiến pháp 1946 chẳng những chứng tỏ Việt Nam không chỉ muốn phát triển trong độc lập, thống nhất của đất nước mình trên nền tảng đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn muốn hội nhập với trào lưu tiến bộ, văn minh của nhân loại.
Những quy định về trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi của bộ máy nhà nước cùng các công chức làm việc trong bộ máy đó, từ thấp đến cao, được xây dựng theo nguyên tắc: “các cơ quan nhà nước và công chức chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép” để khống chế xu hướng lạm quyền của chúng.

Cơ cấu bộ máy nhà nước cộng hòa dân chủ do Hiến pháp quy định bao giờ cũng bao gồm 3 bộ phận, 3 nhánh quyền lực: Quyền lập pháp (Quốc hội), Quyền hành pháp (Chính phủ) và Quyền tư pháp (Tòa án). Chỉ có toàn dân, thông qua quyền lập hiến của mình, mới có quyền phân chia quyền lực cho 3 nhánh đó sao cho hạn chế đến mức cao nhất sự lạm quyền của mỗi nhánh quyền lực. Không ai có quyền thay thế toàn dân đứng ra để phân chia hay phân công quyền lực cho 3 nhánh đó của cơ cấu bộ máy nhà nước. Hoạt động của cả 3 nhánh quyền lực chỉ duy nhất vì mục đích thực thi Hiến pháp, do toàn dân phúc quyết, một cách có hiệu quả mà thôi. Đó chính là tính thống nhất của bộ máy nhà nước do Hiến pháp quy định. Chính nhờ vậy, quyền lợi hợp pháp của người dân mới được bảo vệ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân mới được phát huy đến mức cao nhất, trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, cùng hội nhập với thế giới văn minh.
Xét về tổng thể, Hiến pháp 1946, cả về nội dung, cơ cấu bố cục, văn phong, phù hợp với trào lưu phát triển nói chung và sự phát triển về pháp luật nói riêng của thế giới. Vì thế, tôi cho rằng, việc sửa Hiến pháp 1992 phải dựa trên những nền tảng nguyên tắc thiết kế của Hiến pháp 1946. Suy rộng ra, đó chính là nguyên tắc xây dựng và phát triển của thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hội nhập với sự tiến bộ của thế giới. Phải chăng mục tiêu đó chính là “định hướng XHCN”? Nhưng kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự trên thế giới trong 64 năm qua kể từ khi bản Hiến pháp 1946 ra đời, đã có những thay đổi và tiến bộ hết sức to lớn. Vì vậy, sửa đổi Hiến pháp 1992 không chỉ kế thừa Hiến pháp 1946 mà còn phải sử dụng những thành tựu mới nhất của nhân loại, của Việt Nam, trong kinh nghiệm và lý thuyết phát triển.

1. Quyền và nghĩa vụ công dân:

1.1 Điều 10 của Hiến pháp 1946 cần được bổ sung bằng điều 56 của Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Tất nhiên “quy định của pháp luật” phải bảo đảm phát huy cao nhất quyền tự do kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp, trong những lĩnh vực có lợi cho quốc kế dân sinh mà pháp luật không cấm, không được vì lợi ích của mình mà gây phương hại đến lợi ích của người khác, của xã hội (Ví dụ như: làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác…). Chỉ có làm được điều đó mới chấn hưng được nền kinh tế nước nhà, hội nhập với thế giới đang ngày càng trở nên “phẳng” hơn. Cụ Vũ Trọng Khánh, vị Luật sư duy nhất trong 7 thành viên của Ban soạn thảo Hiến pháp 1946 (theo sắc lệnh số 34 ngày 20/09/1945), đồng thời cũng là người trực tiếp ký sau Chủ tịch Hồ Chí Minh vào bản dự thảo Hiến pháp đệ trình Quốc hội năm 1946, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, có kể lại rằng, cụ Nguyễn Sơn Hà, một nhà tư sản tiêu biểu, đại biểu Quốc hội của thành phố cảng Hải Phòng, đã đề nghị ghi quyền tự do kinh doanh vào Hiến pháp 1946, nhưng không được chấp nhận, nên đã trở thành một trong hai đại biểu Quốc hội khóa I bỏ phiếu không tán thành Hiến pháp 1946 (sau đó cụ Nguyễn Sơn Hà tham gia kháng chiến chống Pháp với tư cách một công dân, một nhà tư sản kinh doanh làm lợi cho quốc kế dân sinh, góp phần chấn hưng kinh tế ở vùng tự do của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, không trở thành công chức; con cả của cụ là ông Nguyễn Sơn Lâm, một chiến sĩ Vệ quốc đoàn đã hy sinh ngay trong những ngày đầu gây hấn của thực dân Pháp ở Hải Phòng trong năm 1946, nay có đường mang tên “Sơn Lâm”, còn ở quận 3, TP HCM có một con đường mang tên “Nguyễn Sơn Hà”). Quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp chỉ được tôn trọng nếu Hiến pháp không xác lập bất cứ thành phần kinh tế nào là chủ đạo, là nền tảng của nền kinh tế thị trường dưới chính thể dân chủ cộng hòa.
1.2 Điều 15 của Hiến pháp 1946 có ghi “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí… Học trò nghèo được Chính phủ giúp đỡ”; Điều 59 Hiến pháp 1992 có ghi “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”. Như vậy, luật giáo dục và các văn bản dưới luật về giáo dục hiện hành không những vi hiến đối với Hiến pháp 1946 mà cả Hiến pháp 1992. Phải nói, ngay năm 1946 khi chính quyền cách mạng còn non trẻ trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” trước giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt, mà Hiến pháp năm 1946 đã ghi như vậy là vô cùng sáng suốt, đạt tầm nhìn của thời đại. Sáu mươi bốn năm đã trôi qua, kể từ năm 1946, trong đó có 35 năm hòa bình, nhưng Việt Nam vẫn chưa thực hiện được điều này (!?), thử nghĩ các vị đứng đầu Nhà nước và Bộ GD – ĐT có nên “sờ gáy mình” và bớt “rao giảng” những điều hay ho cho đỡ hổ thẹn hay không?
1.3 Hiến pháp 1992, điều 69 có ghi “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội và biểu tình theo pháp luật”. Quy định này của Hiến pháp 1992 là tiến bộ, rõ ràng và cụ thể hơn về quyền công dân so với Hiến pháp 1946. Mặt khác, điều 10 của Hiến pháp 1946 lại quy định công dân Việt Nam có quyền xuất bản. Phải chăng các văn bản lập pháp và lập quy hiện hành đều vi hiến đối với cả Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1992? (Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có luật biểu tình và luật về tổ chức các hội xã hội - nghề nghiệp của người dân. Thật trớ trêu khi các em sinh viên, thanh niên vì bức xúc trước tình trạng chủ quyền của đất nước bị xâm phạm, chỉ mới giương biểu ngữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” đã bị đàn áp thô bạo).
2. Xã hội công dân
2.1 Biểu tình
Biểu tình theo quy định của pháp luật phải được xem là một nét văn hóa ứng xử của người dân trong xã hội văn minh để phản đối, đòi hỏi sửa đổi những luật pháp, chính sách, cách ứng xử của Nhà nước, hay phản đối những hành vi vi phạm pháp luật và giá trị văn hóa đạo đức theo truyền thống dân tộc của các tổ chức và người dân khác. Nhờ đó, cả Nhà nước, xã hội và người dân đều tiến bộ, hội nhập vào trào lưu phát triển văn minh nhân loại.
2.2 Quyền lực thứ 4
Công luận thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, như báo in, báo nói, báo hình, báo mạng internet, xuất bản ấn phẩm… trong xã hội hiện đại phải được Hiến pháp thừa nhận là nhánh quyền lực thứ 4 của nhân dân, có tác dụng hạn chế sự lạm quyền của cả 3 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp của bộ máy nhà nước. Hiến pháp 1946 và 1992 đã thừa nhận quyền của người dân về tự do ngôn luận, xuất bản, biểu tình..., nhưng do hạn chế của lịch sử, các bản Hiến pháp này chưa thấy hết vai trò của công luận và sự phản ứng theo pháp luật của người dân trong thể chế chính trị dân chủ cộng hòa. Người ta vẫn coi báo chí, các tổ chức hội chỉ là công cụ, là cánh tay nối dài của Nhà nước để cai trị dân. Trong xã hội dân sự, báo chí phản ánh công luận, sự biểu tình của người dân, sự phản biện của các tổ chức xã hội đều là công cụ của nhân dân giáo dục Chính phủ và toàn bộ bộ máy nhà nước cũng như các công chức của nó. Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ năm 1946 đã chỉ ra rằng “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ… Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ (HCM toàn tập, NXB Sự thật, T. 4; tr. 283). Muốn thực hiện ý tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Hiến pháp phải thực sự xác lập quyền lực thứ 4 của báo chí và công luận thông qua việc xác lập quyền tự do ra báo và xuất bản của người dân và các tổ chức xã hội theo luật định. Còn tình trạng như hiện nay, đến báo chí công cộng của Nhà nước cả đấy mà còn phải quàng thêm cái biển chỉ báo “Đi theo lề phải” thì ghi rõ to một điều khoản về quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp chỉ làm cho dân chúng có thêm nhiều câu vần vè đầu cửa miệng để chế giễu và thế giới thì được những chuyện mua cười.
2.3 Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự

Các tổ chức hội do người dân tự nguyện thành lập và quản lý hoạt động theo pháp luật, không sử dụng ngân sách Nhà nước, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, kể cả việc đề xuất dự thảo luật pháp, chính sách, vận động hành lang trong việc ban hành và thực thi luật pháp, chính sách của Nhà nước.

Hiện nay, các hội đều do Nhà nước thành lập và hoạt động bằng ngân sách Nhà nước - tức là bằng tiền thuế của dân, thì những hội đó chỉ có thể là cánh tay nối dài của Nhà nước, làm gì bảo vệ được quyền lợi nghề nghiệp của mình cũng như phản biện được các chính sách, hành vi ứng xử của Nhà nước nói chung và của Chính phủ nói riêng. Như vậy, Nhà nước và xã hội làm sao tiến bộ được? Nếu các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của người dân phát triển thì sẽ giảm bớt gánh nặng trách nhiệm của bộ máy Nhà nước, do đó mới có thể giảm biên chế công chức, tăng lương cho công chức để họ có thể sống bằng lương, chứ không phải bằng “phong bì” như hiện nay. 

Ví dụ: Hàng năm, các đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện các hoạt động theo chức năng của mình, như các trường học, viện nghiên cứu khoa học, bệnh viện, các đoàn thể quần chúng…, đều phải làm báo cáo quyết toán tài chính lên cơ quan chủ quản (Bộ, UBND tỉnh, thành phố…). Bộ phận chức năng, như Vụ hay Sở tài chính của các cơ quan chủ quản phải thẩm tra phê duyệt thanh quyết toán của các đơn vị trực thuộc. Nhưng do số đơn vị và khối lượng công việc quá nhiều, bộ phận chức năng không thể thẩm tra phê duyệt chính xác, đầy đủ các báo cáo quyết toán tài chính do các đơn vị cấp dưới gửi lên. Do đó, việc phê duyệt này chỉ là hình thức và vô hình trung đã hợp pháp hóa những sai sót trong chỉ tiêu của các đơn vị này. Vì thế, để tránh trách nhiệm, người đi phê duyệt, như con đà điểu chui đầu vào cát, thường ghi vào bản quyết toán câu “sau này nếu phát hiện có sai sót, đơn vị vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Một bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, quan liêu, kém hiệu quả được tổ chức ra để đi phê duyệt quyết toán theo kiểu “đười ươi nắm ống” lại là mảnh đất tốt cho “văn minh phong bì” phát triển.

Một ví dụ khác tương tự: các dự án đầu tư và thiết kế - dự toán các công trình xây dựng bằng ngân sách Nhà nước do một cơ quan Nhà nước chủ quản phê duyệt hàng năm lên tới hàng trăm, ngàn. Một cơ quan Nhà nước chủ quản với một số chuyên viên xa rời thực tế, làm sao có thể phê duyệt đúng đắn và kịp thời? Nhưng thực tế, tất cả đều được thông qua để kịp giải ngân…

Trong xã hội dân sự, Chính phủ không cần tổ chức ra bộ máy để phê duyệt quyết toán hay dự án mà thuê các tổ chức chuyên môn do người dân thành lập, như công ty kiểm toán, công ty tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng, hay các hội nghề nghiệp như hội kế toán - kiểm toán, hội xây dựng… Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các báo cáo kết luận của mình. Bộ máy hành pháp của Nhà nước căn cứ vào báo cáo kết luận của các tổ chức dân sự này để ra các quyết định phê duyệt và chỉ trực tiếp thẩm tra theo xác suất hay khi nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ tính chính xác của các kết luận do các tổ chức dân sự này đệ trình mà thôi.

Trường hợp vụ Vedan vừa qua, tuy mới manh nha nhưng đã chứng minh được sức mạnh của tổ chức xã hội dân sự. Suốt 2 năm sau khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo Vedan cứ lần khân, mặc cả mức “trợ giúp” (chứ không chịu “bồi thường”) cho nông dân bị thiết hại chỉ bằng 1/3 con số của Viện Tài nguyên - Môi trường thuộc Đại học Quốc gia TP HCM đưa ra. Mà con số này lại thấp xa so với doanh số 3.000 tỷ VND/năm của Vedan ở Việt Nam và chắc là con số thiệt hại được công bố cũng lại thấp xa so với thực tế. Nhưng khi các siêu thị và người dân phẫn nộ tuyên bố không mua - bán sản phẩm Vedan nữa, thì chỉ trong chưa đầy một tuần lễ, quay ngoắt 180 độ, lãnh đạo Vedan đồng ý bồi thường cho người dân 100% số thiệt hại theo con số do Viện Tài nguyên - Môi trường công bố! Vedan sợ sức mạnh của xã hội dân sự chứ không sơ Tòa án của Việt Nam. Nếu ngay từ đầu, hội những người tiêu dùng, hay hội bảo vệ môi trường, kiểu như tổ chức hòa bình xanh, lên tiếng kêu gọi người dân “tẩy chay” sản phẩm Vedan cho đến khi Vedan không những chịu bồi thường thỏa đáng cho người dân bị hại mà còn phải khắc phục xong hậu quả, khôi phục lại môi trường tự nhiên như trước, thì chắc sự việc không kéo dài như vậy (Nghe đâu “Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai” ăn lương Nhà nước lại khuyến cáo nông dân không nên khởi kiện Vedan vì thiếu chứng cứ! Ấy, những cái “hội nhà nước” lâu ngày mất tính năng động, trở nên những người ăn lương và xoay xở quyền chức, trở nên quan liêu vô tích sự là như vậy đấy!). Các đoàn Luật sư - một tổ chức dân sự, trái lại đã giúp nông dân miễn phí lập hồ sơ khởi kiện Vedan ra tòa. Đó chính là sự biểu hiện sức mạnh của xã hội dân sự, của công luận, sức mạnh của người dân biết đoàn kết, chưa cần Nhà nước phải ra tay thực thi công lý.

Hiện nay, cơ quan Nhà nước đã làm quá nhiều việc lẽ ra thuộc các tổ chức xã hội dân sự, nên bộ máy cồng kềnh, công chức nhiều, hưởng lương thấp, nên hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước thấp. Nếu phát triển các tổ chức xã hội dân sự, số biên chế công chức có thể giảm đến 2/3, nên có thể thi, tuyển chọn những người thực tài, công tâm và được trả lương cao để họ chuyên tâm thực thi công vụ, không phải “nhận phong bì” để sống.

2.4 Quyền lực thứ 5:

Tổ chức kiểm toán độc lập của Nhà nước và tư nhân phải được Hiến pháp thừa nhận là nhánh quyền lực thứ 5 của nhân dân dưới chính thể dân chủ cộng hòa trong việc hạn chế sự lạm quyền của các cơ quan Nhà nước. Vụ Vinashin là một minh chứng rõ ràng. Nếu kiểm toán Nhà nước hàng năm thực thi công vụ ở Vinashin thì sẽ phát hiện sớm những sai sót khi còn nhỏ, dễ khắc phục. Tổ chức kiểm toán Nhà nước phải được hiến định quyền kiểm toán bất kỳ tổ chức nào có sử dụng ngân sách Nhà nước. Nếu không đủ sức, cơ quan kiểm toán Nhà nước có thể thuê các tổ chức kiểm toán tư nhân thực thi nghiệp vụ kiểm toán ở những tổ chức không có những hoạt động thuộc bí mật quốc gia.

Mặt khác, luật pháp cũng phải quy định rằng, tất cả các tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước - tiền thuế thu của người dân, đều phải được kiểm toán hàng năm.
Khoản nợ 86 ngàn tỷ đồng của Vinashin được công bố trên báo chí là quá lớn so với 86 triệu dân VN và so với GDP của Việt Nam (khoảng 5% GDP). Nếu kiểm toán tất cả các tập đoàn kinh tế Nhà nước và các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước khác, hơn nữa, kiểm toán tất cả các tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước, con số thất thoát tiền thuế của dân còn có thể lớn đến chừng nào?

Hiến pháp ngày nay không phải như năm 1946 chỉ hiến định quyền lực của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án mà còn phải hiến định quyền lực của báo chí - công luận và quyền lực của kiểm toán độc lập. Đó chính là thực thi điều 1 của Hiến pháp 1946: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Không được phép phân biệt giai cấp, tầng lớp là nền tảng và không phải là nền tảng của thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa).

3. Nguyên tắc quản trị học và tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước. 

Các nguyên tắc quản trị học được áp dụng để thiết lập và vận hành bất kỳ tổ chức nào, nếu muốn hoạt động của chúng đạt hiệu quả cao. Tổ chức bộ máy Nhà nước cũng vậy.

3.1 Đầu tiên phải kể đến nguyên tắc: “không được song trùng vai trò quản lý và bị quản lý (chủ thể quản lý và khách thể quản lý) trên một người, một pháp nhân có quan hệ phụ thuộc trực tiếp”, hay nói theo kiểu dân gian là “không được vừa đá bóng vừa thổi còi”. Người ra quyết định lại là người phải thực thi quyết định đó hay là đối tượng bị điều chỉnh bởi quyền lực đó thì chắc chắn sai lầm và thất bại sẽ xảy ra nhiều hơn so với sự đúng đắn và thành công trong công việc.

a. Lẫn lộn lập pháp và hành pháp:

Điều 47, Hiến pháp 1946 ghi: “… Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách…”. Tức là Bộ trưởng nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội (chính vì Hiến pháp 1946 quy định Bộ trưởng phải là nghị viên (đại biểu quốc hội) nên Luật sư Vũ Trọng Khánh, do không đắc cử đại biểu Quốc hội ở Hải Phòng, không được giữ chức Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ chính thức và chuyển sang giữ chức vụ Chưởng lý Tòa thượng thẩm, tức Viện trưởng Viện công tố tại Tòa án tối cao, và cụ Vũ Đình Hòe rời chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ lâm thời để nhận chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ chính thức. Về lý do Luật sư Vũ Trọng Khánh thất cử đại biểu Quốc hội ở Hải Phòng năm 1946, cụ Vũ Đình Hòe đã kể với tôi là do bọn Việt quốc, Việt cách phá hoại, muốn loại cụ Vũ Trọng Khánh, bằng cách bôi trên các tờ áp phích để biến tên “Vũ Trọng Khánh” thành tên “Vũ Hồng Khanh”, một lãnh tụ Việt quốc; còn chính Luật sư Vũ Trọng Khánh đã kể với tôi rằng, do cụ đã không nhận lời giới thiệu là ứng viên của Mặt trận Việt minh, cụ rất tự tin ra ứng cử với tư cách ứng viên tự do không thuộc đảng phái nào. Sau khi thất cử đại biểu Quốc hội ở Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Luật sư Vũ Trọng Khánh về ứng cử ở Hà Đông, quê nhà, theo sự giới thiệu của Mặt trận Việt minh, trong đợt bầu cử bổ sung, nhưng Luật sư Vũ Trọng Khánh tự ái không ra ứng cử nữa. Thật là một sự ngây thơ chính trị trong sáng của một trí thức yêu nước trong những ngày đầu Cách mạng (Sự kiện này khiến tôi nghĩ đến Thương Ưởng, Tể tướng nước Tần thời Chiến quốc bên Tàu: kẻ làm ra luật lại bị trừng phạt bởi chính cái luật ấy).

Chính phủ và Bộ trưởng có quyền và phải thực thi pháp luật do Quốc hội ban hành. Đại biểu Quốc hội và Quốc hội có quyền giám sát thực thi pháp luật của Chính phủ và của các Bộ trưởng. Hãy tham khảo Hiến pháp Hoa Kỳ 1787, điều I, khoản 6 có ghi: “Trong nhiệm kỳ của mình, không Thượng nghị sĩ hoặc Hạ nghị sĩ nào được bổ nhiệm vào một chức vụ dân sự trong chính quyền Hợp chủng quốc…; không một ai khi đang đảm nhiệm bất kỳ chức vụ dân sự nào trong chính quyền Hợp chủng quốc lại được bầu vào bất cứ viện nào của Quốc hội”
Hiến pháp 1992, điều 110 có ghi: “… ngoài Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ không nhất thiết là đại biểu Quốc hội”. Tuy nói là không nhất thiết nhưng trong thực tế phần lớn Bộ trưởng của chúng ta đồng thời là đại biểu Quốc hội. Họ vừa là người lập pháp vừa là người hành pháp! Đó là điểm hạn chế không thể chối cãi ở cả hai bản Hiến pháp khiến cho dù muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền ngay từ năm 1946 cũng rất khó thực hiện một cách chuẩn mực

Hiện nay ở Việt Nam, phần lớn đại biểu Quốc hội đều giữ một cương vị nào đó của cơ quan hành pháp từ Trung ương đến cơ sở. Hơn nữa, đó mới là trách nhiệm chủ yếu của họ trong xã hội và mang lại thu nhập chủ yếu cho họ. Điều đó càng cho thấy nhà nước pháp quyền mà chúng ta đều mong mỏi thực ra vẫn đang đứng trước những thử thách vô cùng gay gắt. 

b. Kế toán viên kiêm thủ quỹ
Điều 11, Hiến pháp 1946 có ghi “Tư pháp chưa quyết định thì không được bất bớ và giam cầm người công dân”. Điều 71, Hiến pháp 1992 lại ghi: “công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể…, không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hay phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang”. Điều này quá đúng, không cần bàn cãi. Tuy nhiên, cơ quan công an có nhiệm vụ thực thi các quyết định bắt người của Tòa án hay của Viện kiểm sát và điều tra xét hỏi nghi phạm, đồng thời lại trực tiếp quản lý trại giam. Điều này chẳng khác “kế toán viên kiêm thủ kho, thủ quỹ” trong một tổ chức. Việc bắt và thả người không đúng luật pháp là điều dễ xảy ra, cũng như việc nhập - xuất tiền mặt, sản phẩm tùy tiện nếu kế toán viên - người làm thủ tục xuất - nhập, lại kiêm thủ quỹ, thủ kho. Thời kháng chiến chống Pháp và ở các nước văn minh từ trước đến nay, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ quản lý trại giam và tù nhân, tương tự như thủ quỹ, thủ kho, trong một tổ chức. Kế toán viên không chỉ làm thủ tục “xuất – nhập” mà còn phải kiểm tra kho sản phẩm, quỹ tiền mặt do thủ kho và thủ quỹ quản lý. Công an vừa bắt người vừa quản lý trại giam thì nguy cơ sai sót trong cả khâu bắt giam giữ và tha nghi phạm hay tội phạm là rất lớn. Trên thực tế, nhiều khi nghi phạm bị công an bắt giam rồi mới làm thủ tục hợp thức hóa bằng các quyết định của Viện kiểm sát. Không ai kiểm tra trại giam, nên việc công an tra tấn, đánh đập nghi phạm và tội phạm rất dễ xảy ra như ta đã thấy. Mặc dù, Điều 71, Hiến pháp 1992 có ghi: “Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”. Điều 68, Hiến pháp 1946 cũng ghi “cấm không được tra tấn, đánh đập, ngược đãi những bị can và tội nhân”. Để thực thi điều này của Hiến pháp 1946 và 1992, nhất thiết trại giam cả nghi can và tội nhân phải đặt dưới sự quản giáo của Bộ Tư pháp. Mặt khác, phải trở lại Hiến pháp 1946, chỉ có cơ quan tư pháp, tức Tòa án, mới duy nhất có quyền ra quyết định bắt công dân được coi là nghi phạm. Viện kiểm sát giữ quyền công tố không có quyền ra lệnh bắt công dân – nghi can.

3.2 Tinh chỉnh thể của một tổ chức. 

Có lẽ Hiến pháp 1946 đã thể hiện tinh chỉnh thể trong tổ chức bộ máy nhà nước, (gồm Nnghị viện (Quốc hội): lập pháp, Chính phủ: hành pháp, Tòa án: tư pháp) và trong tổ chức của mỗi nhánh quyền lực tư pháp này.
Điều 22 và 23 của Hiến pháp 1946 xác định: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài”. Điều 43 của Hiến pháp 1946 xác định “cơ quan hành chính cao nhất toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Điều 44, Hiến pháp 1946 lại ghi “Chính phủ có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Phó chủ tịch nước và nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng; có thể có Phó thủ tướng”. Có lẽ chỉ nên bỏ quy định Thứ trưởng các Bộ cũng là thành phần nội các. Nhưng nội dung này của Hiến pháp 1946 khác hẳn với Hiến pháp 1992. Bởi Hiến pháp 1992 quy định Quốc hội vừa là cơ quan lập pháp vừa là cơ quan lập hiến, tức là Quốc hội có quyền phân giao trách nhiệm, quyền hạn cho Chính phủ, Tòa án và cho chính mình. Trong khi đó, Điều 101 của Hiến pháp 1992 quy định: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”.

Chủ tịch nước đứng trên cả 3 nhánh quyền lực nhà nước là Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, chứ không phải chỉ đứng đầu cơ quan hành pháp là Chính phủ. Bởi như Điều 105, Hiến pháp 1992 có quy định: “Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên hợp của Ủy ban thường vụ Quốc hội”, “khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên hợp của Chính phủ”. Điều 103, điểm 8 của Hiến pháp 1992 quy định Chủ tịch nước “bổ nhiệm, miễn nhiệm các Phó chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao…”. Còn Điều 109, Hiến pháp 1992 quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”. Như vậy, Hiến pháp đã không xác định rõ cụ thể ai là nguyên thủ quốc gia, có vẻ như Chủ tịch nước, nhưng trên thực tế lại không phải vậy. Thực quyền nguyên thủ quốc gia lại là Thủ tướng Chính phủ. Thật là không rõ ràng nhất quán. Theo điều 63 và 64 Hiến pháp 1946, “cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ công hòa gồm có: a) Tòa án tối cao, b) các Tòa án phúc thẩm, c) các Tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp”; “các Thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm” nhưng trong khi xét xử, các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp (điều 69 Hiến pháp 1946). Hiến pháp 1946 không quy định Viện công tố là một bộ phận cấu thành của cơ quan tư pháp.

Hiến pháp 1992 coi Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là hai bộ phận cấu thành của cơ quan tư pháp, trong đó “Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự và các Tòa án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (điều 127, Hiến pháp 1992); “Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” (điều 137, Hiến pháp 1992 sửa đổi). Điều này cần được xóa bỏ và thay vào đó là thành lập Viện công tố bên cạnh các Tòa án theo một đạo luật do Quốc hội ban hành.

Mặt khác, cũng nên tham khảo Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787: “Quyền lực tư pháp của Hiệp chủng quốc được trao cho Tòa án tối cao và những Tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thành lập trong một số trường hợp. Các quan tòa của Tòa án tối cao và các Tòa án cấp dưới sẽ giữ chức vụ của mình suốt đời, nếu luôn luôn có hành vi chính đáng” (điều III, khoản 1)… “theo thỏa thuận và đồng ý của Thượng viện, Tổng thống sẽ bổ nhiệm các Thẩm phán của Tòa án tối cao” (khoản 2, điều II). Do vậy, tuy do Tổng thống (người trong bộ máy hành pháp) bổ nhiệm, nhưng các quan tòa vẫn giữ được vai trò độc lập xét xử của mình theo pháp luật. Trong xét xử quan tòa phải đứng trên Công tố viên và Luật sư, lắng nghe một cách khách quan tranh tụng giữa họ, người buộc tội và người gỡ tội. Trong tranh tụng, Công tố viên (người buộc tội) và Luật sư (người gỡ tội) đều bình đẳng, đều phải dựa vào luật pháp, án lệ và chứng cứ để bảo vệ cho lập luận của mình. Nhờ đó, các vị quan tòa (Thẩm phán và Bồi thẩm nhân dân trong các vụ trọng án hình sự) mới đưa ra được bản án chính xác, khách quan theo luật định, giảm thiểu các vụ án oan sai, theo phương châm “thà sót còn hơn sai” chứ không phải “thà sai còn hơn sót”. Nếu tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo Hiến pháp 1992, thì Công tố viên có vị thế cao hơn Luật sư, thậm chí ngang bằng với quan tòa nên việc xử oan, sai ở mức cao là khó trách khỏi.

Ngoài ra, tổ chức bộ máy hành chính theo Hiến pháp năm 1946 cũng cần có những điều phải sửa chữa.
Ví dụ: cần xóa bỏ cấp hành chính bộ: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, nhưng lại cần nhấn mạnh quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng có liên quan, theo điều 53, Hiến pháp 1946: “Mọi sắc lệnh (nay là nghị quyết, nghị định) của Chính phủ phải có chữ ký của Chủ tịch nước Việt Nam và tùy theo quyền hạn của các Bộ, phải có một hay nhiều vị Bộ trưởng tiếp ký. Các vị Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện” (nay là Quốc hội).

4. Văn phong và thuật ngữ: 

Văn phong và thuật ngữ cần được chuẩn hóa và hiện đại hơn, khi sửa đổi Hiến pháp. Nhưng nhìn chung, văn phong và thuật ngữ của Hiến pháp năm 1946 là chuẩn xác, rõ ràng, cụ thể và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đương thời. Nhưng văn phong và thuật ngữ của Hiến pháp 1992 cần phải thay đổi căn bản. Không nên diễn đạt dài dòng những nội dung không cần thiết trong bản Hiến pháp, càng không nên sử dụng những thuật ngữ không chuẩn mực, không đạt được sự trong sáng, rõ ràng, cụ thể. Có thể dẫn ra đây một số ví dụ trong Hiến pháp 1992.

- Nên dùng thuật ngữ “sắc tộc” thay cho “dân tộc” (Điều 5)
- “Cán bộ, viên chức nhà nước” (Điều 8) phải được thay bằng “công chức
- “Văn hóa phẩm phản động đồi trụy” (Điều 3) “hoạt động văn hóa… làm tổn hại lợi ích quốc gia…” (Điều 33) cần được thay bằng “sản phẩm phản văn hóa” gây tổn hại đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (không có khái niệm “văn hóa phẩm phản động hay đồi trụy)

- “Y tế nhân dân” (Điều 39) cần thay bằng “y tế tư nhân
 - “Kiến nghị với quốc hội những vấn đề về dân tộc” (Điều 94) cần được thay bằng: “những nội dung của chính sách dân tộc”. Kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vị hoạt động của nhà nước” (Điều 95), cần thay thuật ngữ “vấn đề” bằng “nội dung” ….

Từ 1946 đến 1992 trải qua 46 năm, Việt Nam có 4 bản Hiến pháp (Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992) nhưng xem xét một cách thấu đáo, những sự thay đổi xuất phát từ yêu cầu thời sự của từng chặng đường đó vẫn không tạo nên một sự tiến bộ chung theo hành trình lịch sử, bây giờ lại phải sửa. Trải qua 25 năm “đổi mới”, từ 1986 đến nay, lại “trở về với cái tưởng đã cũ”. Đó là sự giật lùi cần thiết để Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới văn minh, đi đến tương lai tốt đẹp hơn. Tất nhiên, khi sửa Hiến pháp 1992, chúng ta còn phải sử dụng những giá trị của văn minh nhân loại và vận dụng chúng cho phù hợp với những điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Kế thừa và sáng tạo (ít nhất là vận dụng sáng tạo) là điều kiện cần và đủ để Việt Nam phát triển đi đến tương lai sáng sủa hơn, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
2/9/2010

3 thg 9, 2010

Tông giáo thành thần, một sự so sánh thú vị giữa Đông và Tây

Bài viết này của Tướng Lưu Á Châu bàn về văn hóa. Một bài viết rất hay và thú vị. Tuy nhiên cũng cần đọc kỹ để nhận ra những gì người ta nói. 

Thật hoan hô và cảm động đối với một cách nhìn. Đăng bài ở đây để cps thể tham khảo.


Nguyễn Hải Hoành lược dịch

Ngày nay Trung Quốc đang tiến những bước dài, đồng thời cũng để lộ ra không ít vấn đề. Tất cả mọi vấn đề đều hướng về chế độ mà mọi vấn đề về chế độ đều hướng về văn hóa, song tất cả mọi vấn đề về văn hóa đều hướng vào tôn giáo.
Tôn giáo quyết định văn hóa mà văn hóa thì quyết định tính cách dân tộc; tính cách dân tộc lại quyết định số phận dân tộc.
Xin nêu thí dụ chống tham nhũng. Trừng trị tham nhũng không thể diệt được tận gốc nạn tham nhũng. Có một biện pháp là hoàn thiện chế độ xã hội, mà phương pháp căn bản là bắt tay từ văn hóa. Thí dụ biện pháp “Lương cao nuôi dưỡng sự liêm khiết”. Ở Trung Quốc lương cao chưa chắc đã có thể nuôi dưỡng được sự liêm khiết. Tại sao thế? Văn hóa Trung Quốc có màu sắc “văn hóa gia đình” rất nặng. Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại [Trong 3 điều bất hiếu, điều lớn nhất là không có con nối dõi]. Càng nhiều con cháu càng lắm phúc. Đời cha nhất định phải để dành tiền của cho con cháu. Điều này khác hẳn văn hóa phương Tây. Những kẻ làm cha như chúng ta, lương bổng bản thân có cao đến đâu cũng vẫn muốn để dành cho con, bởi thế người ta vẫn cứ tham. Đây cũng là một nguyên nhân hình thành “văn hóa hối lộ” trong quan trường Trung Quốc.
Sự hình thành văn hóa Trung Quốc có 3 nhân tố chủ yếu: thứ nhất là hoàn cảnh sinh tồn; thứ hai là tôn giáo; thứ ba là chính sách ngu dân.

1. Hoàn cảnh sinh tồn

Từ xưa tới nay, số dân trên mảnh đất Trung Quốc này đều nhiều hơn châu Âu. Đàn bà Trung Quốc bị “văn hóa gia đình” biến thành máy đẻ.
Châu Âu có diện tích bình quân đất đai trên đầu người cao hơn Trung Quốc rất nhiều thế mà họ vẫn cảm thấy chật hẹp, không thở hít được nữa, phải khai thác vùng đất mới, bởi thế mà có việc khám phá các đại lục mới.
Người Trung Quốc thì tranh đấu trong hoàn cảnh ác liệt này. Phép sinh tồn rất khắc nghiệt. Nhưng khi nói về hình thành văn hóa mà chỉ nhấn mạnh hoàn cảnh là chưa đủ. Hoàn cảnh xấu tạo nên một loại văn hóa không thành công; hoàn cảnh tốt cũng vẫn có thể tạo dựng nên một loại văn hóa không thành công. Cần xem xét văn hóa Trung Quốc từ hai mặt. Từ xưa Trung Quốc đã có thảm thực vật rất tốt, khắp nơi là rừng. Vùng Sơn Tây có nhiều than đá như thế chứng tỏ thời cổ rừng ở đấy rất tốt. Do có quá nhiều rừng nên người ta chẳng cần đi quá xa nơi ở cũng có thể kiếm được gỗ, vì vậy người ta dùng gỗ để làm nhà, vừa đơn giản vừa đỡ mất công. Lâu ngày kiến trúc Trung Quốc bèn trở thành kiến trúc có hình thức kết cấu thổ mộc.
Khi tiến sang thời đại văn minh, các dân tộc châu Âu có môi trường ác liệt hơn Trung Quốc rất nhiều: rừng ít, đá lắm. Muốn làm nhà, họ chỉ có cách lấy đá trên núi mà làm. Lâu ngày nền kiến trúc phương Tây trở thành kiến trúc gạch đá. Qua nhiều nghìn năm, rừng của chúng ta bị đốn hết, các kiến trúc thổ mộc sụp đổ. Kiến trúc kết cấu gạch đá của phương Tây thì giữ lại được, rừng của họ cũng giữ được. Tại Ý, hiện nay vẫn thấy các kiến trúc có từ hai nghìn năm trước, tương đương đời nhà Tần nhà Hán. Tại Trung Quốc hiện nay cả đến kiến trúc đời nhà Minh cũng hiếm thấy.

2. Tôn giáo

Trung Quốc có ba tôn giáo chính là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo (tôi gọi Nho học là một loại tôn giáo). Ba tôn giáo này có trách nhiệm không thể thoái thác đối với với sự hình thành trạng thái tâm lý và đạo đức ngày nay của người Trung Quốc. Lịch sử cho thấy ba tôn giáo trên căn bản không thể chấn hưng được dân tộc Trung Hoa.
Xin để tôi so sánh đối chiếu Ki Tô giáo với tôn giáo của Trung Quốc.
Văn hóa Trung Quốc dạy chúng ta “Nhân chi sơ, tính bản thiện” [con người lúc mới ra đời có bản tính lương thiện]. Tôn giáo của phương Tây thì ngược lại, cho rằng con người sinh ra đã là xấu [nguyên văn chữ Hán: ác], bản tính con người cũng xấu. Bởi vậy, tôn giáo phải hạn chế anh, bắt anh suy ngẫm về chính mình. Văn hóa phương Tây cho rằng loài người có tội tổ tông [Sáng Thế Ký trong Cựu ước chép chuyện thủy tổ đầu tiên của loài người là ông Adam và bà Eva không nghe lời răn của Thượng Đế, đã ăn vụng trái cấm, tức đã phạm tội]. Lòng người đen tối.
Trong số các đồng chí có người đã trải qua “Cách mạng Văn hóa”, xin hỏi cái đen tối nhất ở đâu? Cái đen tối nhất thì ở trong lòng người [Trong Cách mạng Văn hóa, vì để chứng tỏ sự trung thành với “minh chủ”, nhiều người Trung Quốc đã phạm những lỗi đạo đức khó có thể tưởng tượng, thí dụ bắn giết nhau, hành hạ thể xác và tinh thần vô cùng dã man chính bạn bè, đồng chí, đồng đội, đồng sự của mình; vợ từ bỏ chồng, con từ bỏ cha chỉ vì chồng, cha bị vu cáo là chống Đảng; có Hồng Vệ Binh cắt họng đồng chí mình dám nói sự thật...]. Tâm hồn mỗi người đều có mặt vô cùng bẩn thỉu. Văn hóa phương Tây mổ xẻ, hé lộ nó ra, trưng nó ra. Phê phán nó, kiềm chế nó. Văn hóa phương Đông thì ôm ấp nó, nuôi dưỡng nó. Nhà thờ ở phương Tây có phòng xưng tội [nguyên văn: sám hối]. Người ta vào nhà thờ trình bày với thánh thần các thứ trong tâm hồn mình.
Nói cho thần thánh nghe mọi cái xấu xa bẩn thỉu của mình thì người ta thấy nhẹ nhõm. Tâm hồn người ta được rửa sạch. Hồi sang Mỹ tôi có vào nhà thờ ngồi hẳn một ngày trời. Tôi phát hiện thấy một cảnh rất thú vị: mọi người ai nấy khi vào nhà thờ thì mặt mày ủ ê, khi đi ra thì sắc mặt thư thái nhẹ nhõm. Về sau tôi mới dần dà hiểu được bí quyết của chuyện ấy. Lâu ngày, người ta trở thành thành con người lành mạnh, con người có tâm trạng và tâm hồn đặc biệt kiện toàn. Con người ai cũng có ham muốn. Nhưng người ta phải kiềm chế ham muốn của mình, ai nấy ắt phải tự mình (chứ không phải người khác) kiềm chế bản thân.

Người Trung Quốc không biết kiềm chế mình, không biết tra khảo bản thân, thế là người ta đi kiềm chế kẻ khác, tra khảo kẻ khác. Quất roi và tra khảo bản thân là chuyện đau khổ. Chỉ khi nào trong lòng mình mãi mãi có tín ngưỡng, có tín ngưỡng vĩnh hằng với thần thánh, thì mới có thể làm được như thế.
Rất nhiều đồng chí đã đi thăm nhà thờ ở phương Tây. Ở đấy thánh thần xuất hiện với hình ảnh đầm đìa máu, chịu khổ chịu nạn. Jesus bị đóng đinh trên giá chữ thập. Đức Mẹ không đổ máu nhưng rơi lệ. Đấy thực sự là hóa thân của con người, là hóa thân của sự khổ nạn và tư tưởng của con người. Thần thánh trong tôn giáo phương Tây nhìn vào tựa như thần thánh, thực ra là con người. Cái chết của Jesus đã hoàn tất việc ngài lột xác [nguyên văn: thoát biến] từ thánh thần thành con người. Chỉ con người mới chết.
Nhưng thánh thần trong các đền miếu của Trung Quốc thì mới là thánh thần. Bạn hãy xem hình ảnh các vị thần thánh ấy: bụng chảy xệ, nét mặt chẳng lo nghĩ gì sất, nhăn nhở cười cợt, thụ hưởng của thờ cúng. Vị nào vị ấy ăn đến béo rụt đầu rụt cổ.
Người phương Tây đến nhà thờ là để sám hối. Chúng ta lên đền lên chùa là để hối lộ. Chẳng phải thế hay sao? Vì muốn làm được một chuyện gì đây, chúng ta khấn vái thần thánh, bỏ tiền mua mấy nén hương thắp lên hoặc bày lên mâm những thứ dân gian thường ăn như trái cây gì gì đó, rồi im lặng cầu nguyện. Như thế chẳng phải hối lộ thì là gì?
Người phương Tây đến nhà thờ để giải thoát nỗi khổ về tinh thần. Chúng ta lên đền chùa để giải quyết nỗi khổ trong đời sống thực tế. Thần thánh trong tôn giáo phương Tây luôn luôn chịu khổ còn nhân dân thì không chịu khổ. Thần thánh trong tôn giáo phương Đông thì hưởng thụ, còn dân chúng thì chịu khổ. Đây là khác biệt lớn nhất giữa tôn giáo phương Đông với phương Tây.
Ở nước ngoài, nhà thờ bao giờ cũng xây dựng tại trung tâm đô thị, gần gũi với dân. Đền chùa Trung Quốc thì bao giờ cũng xây dựng trong rừng sâu núi cao, xa rời dân. Tôi từng nói người Trung Quốc về cơ bản là một dân tộc không có tín ngưỡng. Nói không có tín ngưỡng không phải là không có hình thức tín ngưỡng. Ngược lại, những thứ người Trung Quốc tín ngưỡng thì phức tạp nhất, người ta tin cả các đại sư khí công. Cái quái gì cũng tin lại chính là chẳng tin cái gì hết. Trong lòng người Trung Quốc không có vị trí của một vị thần thánh vĩnh hằng. Nói sâu một chút, tức là chẳng có sự mưu cầu theo đuổi tinh thần văn hóa có tính tận cùng! Loại người đó không mở rộng phạm vi quan tâm của mình ra tới bên ngoài gia đình, thậm chí cá nhân. Nếu mở rộng sự quan tâm ấy ra thì nhất định sẽ là làm hại kẻ khác. Một dân tộc như vậy sao lại không “năm bè bảy mảng” kia chứ?
Tại phương Tây, khi trên đường có một chiếc xe hỏng thì hầu như tất cả các xe khác đều dừng lại, người ta đến hỏi anh có cần giúp đỡ gì không. Tại Trung Quốc thì hầu hết xe đều bỏ đi, khó khăn lắm mới có người dừng xe hỏi anh, có lẽ tôi còn ngờ vực, anh làm gì thế? Anh có mục đích gì.
Phương Tây đã thắng trong cuộc cạnh tranh với phương Đông cả nghìn năm nay. Tôn giáo phương Tây đã thắng trong cuộc cạnh tranh với tôn giáo phương Đông. Thắng lợi của tôn giáo là thắng lợi thế nào? Tôi cho rằng đó là một loại thắng lợi về tinh thần. Không có tín ngưỡng thì không có sức mạnh tinh thần. Cái chúng ta thiếu lại chính là cái người ta có. 

Hãy nói về chuyện xây đền chùa. Phương Tây khi xây đền chùa thường là bạt hẳn một quả đồi. Đó là một kiểu khí thế, một kiểu dũng khí đấu tranh với thiên nhiên. Người Trung Quốc xây đền chùa thường hay xây trong núi sâu. Xem ra là hòa nhập cùng núi rừng thành một khối, trên thực tế là một kiểu đầu cơ. Có một bức tranh cổ tên là Ngôi chùa cổ trong núi sâu, rất nổi tiếng, nhưng nhìn vào tranh chẳng thấy một bức tường hay một viên ngói nào cả. Bức tranh vẽ gì vậy? Một lối mòn chạy giữa hai quả núi, một nhà sư quẩy đôi thùng đi gánh nước. Rốt cuộc bức họa có ý gì? Là nói ngôi chùa cổ trong núi sâu, chùa và núi hòa làm một với nhau. Chúng ta khẳng định rằng ý của bức họa rất khôn khéo.
Người Trung Quốc có tâm lý đầu cơ rất nặng, ai cũng chỉ muốn không làm mà hưởng. Ngày nay, trong thời đại cải cách mở cửa, có biết bao nhiêu người lao vào biển thương mại, ai nấy đều nghĩ “Ngày mai đến lượt mình [làm giàu] rồi”, Họ muốn làm cái bộ phận “Để một số người giàu lên trước” ấy. Sau nhiều năm được giáo dục “Vì nhân dân phục vụ” mà họ lại đều muốn trở thành đối tượng đựơc phục vụ.
Người Trung Quốc trước đời Tần thì không như thế. Sau đời Hán, đặc biệt sau khi Lưu Triệt [tức Hán Vũ Đế, 156-87 trước CN] độc tôn Nho thuật [tức Nho học, Nho giáo] thì người Trung Quốc đã thay đổi.
Tôi rất thích đọc bộ Sử ký [của Tư Mã Thiên]. Đọc hết sách này mà chẳng thấy có đoạn nào viết về những kẻ phản bội. Ngày nay chúng ta có biết bao nhiêu kẻ phản bội! Thời xưa có rất ít kẻ cáo giác. Thời nay thì khắp nơi đều có! 

Chính ủy Đại học công trình không quân Vương Hồng Sinh đến thăm tôi. Hồi ở Ban chính trị không quân, anh ấy và tôi là chiến hữu với nhau. Hai chúng tôi nhắc đến một chuyện thế này: đơn vị Vương Hồng Sinh có một anh cán sự, là người được lãnh đạo rất coi trọng. Một đồng sự của anh ta ngủ với gái; vị cán sự ấy bèn vác ghế đến ngồi lỳ tận nửa đêm ngoài cửa nhà người đồng sự, cho tới lúc bắt được hai người kia hủ hóa với nhau. Anh cán sự được biểu dương. Tôi than thở căm tức mãi không thôi. Tôi bảo: sức mạnh nào đã chi phối anh ta ngồi trong bóng đêm lâu đến thế? Tuyệt đối là một loại ý thức phạm tội.
Thời xưa, Bảo Định, Dịch Thủy là nơi sinh ra những Kinh Kha, Cao Tiệm Ly, Điền Quang, Phàn Ư Kỳ [bốn nhân vật anh hùng nổi tiếng trong vụ ám sát không thành Tần Thủy Hoàng]. “Gió vù vù, hề, sông Dịch lạnh ghê, Tráng sĩ một đi, hề, không trở về” [câu thơ Kinh Kha cảm tác khi qua sông Dịch trên đường đi mưu sát Tần Thuỷ Hoàng]. Trong kháng chiến chống Nhật, phủ Bảo Định có nhiều Hán gian [nguyên văn: Nhị cẩu tử, tên thời trước gọi cảnh sát] nhất. Hồi làm ở Hội Nhà văn tôi có đến Bảo Định sưu tầm dân ca. Một ông nông dân hát cho tôi nghe một bài ca ngày xưa: “Năm ấy giặc Nhật đến làng, chúng tôi vác súng đi lính...... ” Về sau tôi mới biết ông ta đi lính gì. Lính ngụy. 

Ở nước ngoài không phải là không có kẻ phản bội, nhưng ít hơn nhiều so với Trung Quốc. Sức mạnh nào đã tác động đến người ta? Sức mạnh tinh thần.
Năm 1986 tôi sang Mỹ. Đêm khuya ra đường, đèn tín hiệu giao thông bật đỏ, chẳng thấy chiếc xe nào chạy cả, tất cả xe đều tự động dừng lại ở ngã tư. Tôi không hiểu, bảo người Mỹ sao mà ngốc thế nhỉ. Về sau tôi mới biết đấy là sự tự kiềm chế của họ. Kiềm chế bản thân là cứu vớt tâm hồn. Việc nhỏ đã thế, việc lớn lại càng thế.
Người Nhật nói, trận địa Trung Quốc rất dễ bị chọc thủng. Lê Minh [triết gia Trung Quốc đương đại nổi tiếng là “khùng”] nói rất hay: “Tôn giáo Trung Quốc biến dân chúng thành bầy cừu”.
Đều là cố thủ trận địa, người phương Tây tuy cũng sợ nhưng họ có thể kiềm chế bản thân. Chúng ta thì sao? Trước hết là mong người khác làm bia đỡ đạn. Thấy người khác bỏ chạy thì nghĩ, vì sao mày chuồn? Tao cũng chuồn. Mày đi lính ngụy no nê cơm rượu, tao cũng đi. Mày tham ô, tao cũng tham ô. Tao không chịu kém mày. Tại các nước phương Tây không phải không có chuyện ăn hối lộ nhưng nhìn chung ít hơn chúng ta. Khi nhận hối lộ, lương tâm và tinh thần người ta sẽ ràng buộc họ. 

Phó Chủ tịch Trì Hạo Điền [Thượng tướng, sinh 1929, thời gian 1998-2003 làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc] có kể một chuyện để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với tôi. Ông kể, trong thời kỳ chống Nhật vùng căn cứ địa Giao Đông có bảy tám tên lính Nhật vác cờ mặt trời [tức quốc kỳ Nhật] đi càn, ba bốn chục nghìn quân dân căn cứ địa bỏ chạy hết. Sói đuổi cừu mà.
Trên xe buýt một cô gái bị cướp, xe đầy ắp người mà chẳng ai ho he. Cô gái xúc động thốt lên: “Cha tôi kể năm xưa một tên giặc Nhật cai quản cả một huyện của chúng ta. Ngày ấy tôi không tin, bây giờ thì tin rồi”.
Hồi “Cách mạng văn hóa”, ga xe lửa lúc nào cũng đông nghịt. Khi tàu đến, người ta chen nhau ùa vào ga lên tàu. Một cô nhân viên soát vé nói: các ông bà đông thế này, một đứa con gái như tôi không thể nào giữ được ai, mà tôi cũng chẳng muốn làm thế. Bắt giữ ai nào? Giữ người đầu tiên chen vào. Thế là ai nấy ngoan ngoãn xếp hàng.

3. Kẻ thống trị các thời kỳ trước kia thực hành chính sách ngu dân

Tôn giáo Trung Quốc có mấy loại, tuy khác nhau về tư tưởng nhưng trên mặt chủ nghĩa chống hiểu biết hoặc chủ trương ngu dân thì đều như nhau. Chính vì thế mà tôn giáo mới được tầng lớp thống trị coi trọng. Dưới sự giáp công của văn hóa tôn giáo và chính sách ngu dân của bọn thống trị, người Trung Quốc hình thành quần thể như ngày nay. Người Trung Quốc giỏi nhất về chuyện ca tụng công đức, thứ nhì là tố giác, thứ ba là giở thủ đoạn, cuối cùng là khôn ngoan bo bo giữ mình [nguyên văn: minh triết bảo thân].
Người Mãn Thanh thống trị Trung Quốc thành công nhất. Họ hiểu rõ đặc tính quan trường của người Trung Quốc: dốc lòng trung thành với cá nhân, không trung thành với nhà nước. Ai có vú thì người ấy là mẹ [Ai có sữa cho bú thì nhận người ấy làm mẹ. Ý nói vì tham lợi mà vong ân bội nghĩa, ai cho mình quyền lợi thì theo người đó].

Trong việc thống trị ba dân tộc Hán, Mông, Tạng ở Trung Quốc, người Mãn Châu nhằm vào các đặc điểm khác nhau của ba dân tộc này để sử dụng những mánh khóe khác nhau. Người Tây Tạng tin Phật Giáo, triều đình nhà Thanh cho dựng ngay tại Thừa Đức [1 trong 10 địa điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất Trung Quốc, cách Bắc Kinh 180 km] một ngôi chùa phỏng theo kiểu chùa Tây Tạng, đón Lạt Ma về kinh đô làm ông lớn. Người Mông Cổ nhanh nhẹn dũng mãnh thì dùng thủ đoạn hôn nhân, gả con gái hoàng tộc cho vương công Mông Cổ. Mày đẻ ra con trai thì nó là cháu ngoại tao. Đối với người Hán thì dùng khoa cử. Người Hán có tật thích làm quan. Chỉ cần cho mày làm quan, tựa như quẳng khúc xương cho con chó, là mày cúi đầu cụp tai ngoan ngoãn nghe theo.
Hồi tôi sang Mỹ, thầy hướng dẫn tôi là người chuyên nghiên cứu về Mao Trạch Đông. Ông ấy cho rằng trong đời mình, Mao Trạch Đông tổng cộng làm được 31 việc: 

1- Năm 1921 vào Đảng; 2- Năm 1925 chuyển sang theo nông dân; 3- Năm 1923-1927 vào Quốc dân đảng; 4- Năm 1928 xây dựng căn cứ địa ở nông thôn; 5- Xây dựng Khu Xô-viết Giang Tô; 6- Sự kiện Phú Điền [sự kiện nội bộ đảng CSTQ thanh trừng giết nhầm nhiều cán bộ của đảng năm 1930 tại căn cứ địa Phú Điền tỉnh Giang Tô]; 7- Năm 1925 đi Trường chinh; 8- Hội nghị Tuân Nghĩa [hội nghị mở rộng Bộ chính trị ĐCSTQ họp tháng 1/1935 tại Tuân Nghĩa tỉnh Quý Châu, xác lập quyền lãnh đạo của Mao Trạch Đông; được coi là bước ngoặt của cách mạng Trung Quốc]; 9- Tranh giành quyền lãnh đạo Đảng CSTQ với Trương Quốc Đào; 10- Năm 1937 hợp tác với Quốc dân đảng; 11- Kết hôn với Giang Thanh; 12- Chỉnh phong ở Diên An; 13- Đại hội VII xác lập tư tưởng Mao Trạch Đông; 14- Giành chính quyền trên cả nước; 15- Tiến hành cải cách ruộng đất; 16- Năm 1950 tham gia cuộc chiến tranh Nam Triều Tiên; 17- Sự kiện Cao Cương [nguyên Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa; năm 1954 bị kết tội chia rẽ đảng, bị kỷ luật, tự tử chết 1954]; 18- Tam phản ngũ phản [hai phong trào trong thời gian cuối 1951 đến 10/1952. Tam phản: chống tham ô, lãng phí và quan liêu; Ngũ phản: trong ngành công thương nghiệp tư doanh chống hối lộ, trốn thuế và lậu thuế, lấy cắp tài sản nhà nước, làm ăn gian dối, đánh cắp tình báo kinh tế]; 19- Công tư hợp doanh và hợp tác xã nông nghiệp; 20- Chống phái hữu; 21- Đại Nhảy vọt; 22- Hội nghị Lư Sơn [hội nghị mở rộng Bộ chính trị và hội nghị lần 8 trung ương ĐCSTQ, cách chức Bộ trưởng Quốc phòng của Bành Đức Hoài]; 23- Cắt đứt quan hệ với Liên Xô; 24- Chuẩn bị đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ; 25- Phát động cách mạng văn hóa; 26- Giúp Việt Nam chống Mỹ; 27- Xác định Lâm Bưu là người kế vị; 28- Tan băng quan hệ với Mỹ; 29- Nâng đỡ Nhóm Bốn Tên; 30- Đánh đổ Đặng Tiểu Bình; 31- Bố trí Hoa Quốc Phong làm người kế vị.
Tôi nghiên cứu kỹ 31 sự việc này, phát hiện thấy trong đó có 20 sự việc liên quan tới hủy hoại tinh thần và đạo đức con người. Đến năm 1966, cuối cùng Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng Văn hóa chưa từng có trong lịch sử, làm cho kinh tế Trung Quốc đi tới bờ vực sụp đổ, càng làm cho phẩm chất đạo đức của nhân dân toàn quốc hạ thấp xuống tới mức đáng sợ, nhà nước mấy lần sa vào tình cảnh muôn đời không phục hồi được. 

Tinh thần là cái gốc lập mệnh của mỗi con người, là cái gốc lớn mạnh của một dân tộc, cái gốc sinh tồn của một quốc gia. Cái gì cũng có thể không có nhưng tinh thần thì không thể không có.
Cách đây ít lâu khi xuống sư đoàn 33 Không quân, tôi có đến thăm trại tập trung Tra Tử Động. Nhiều liệt sĩ như Chị Giang [tên thân mật gọi Giang Trúc Quân, nữ liệt sĩ cách mạng Trung Quốc, 1920-1949] đã hy sinh tại đây. Hồi ấy nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thành lập. Chị Giang đang ở trong tù mà vẫn thêu một lá cờ đỏ năm sao. Chị chưa biết mẫu của cờ đỏ năm sao như thế nào, cho nên đã thêu ngôi sao lớn nhất vào chính giữa lá cờ, 4 ngôi sao nhỏ ở 4 góc. Khi bọn Quốc dân đảng chuẩn bị làm cuộc đại tàn sát tù nhân thì Quân Giải phóng đã tiến tới gần Bạch Thị Dịch. Đội du kích Hoa Doanh Sơn bắt được liên lạc với Quân đoàn 47. Đội du kích nói: Các đồng chí mau tiến quân đi, trại tập trung Tra Tử Động sắp hành quyết các chính trị phạm. Nhưng Quân Giải phóng cho rằng đội viên du kích Hoa Doanh Sơn là tên lừa đảo, có thể là bẫy kẻ địch cài, cho nên họ không hành động. Kết quả là cuộc tàn sát bắt đầu. Các liệt sĩ hiên ngang đi tới chỗ chết.
Có người nói, thật đáng tiếc, các liệt sĩ ấy đã không nhìn thấy nước Trung Quốc Mới. Mục tiêu phấn đấu mà họ theo đuổi sắp được thực hiện thế mà họ lại không được nhìn thấy.

Tôi bảo anh nhầm rồi. Nói thực lòng, họ vô cùng hạnh phúc. Tín ngưỡng trong lòng họ sắp được thực hiện, chết vào lúc đó không phải là nỗi đau mà là một niềm hạnh phúc. Những người còn sống sót mới thực sự đau khổ. Họ nhìn thấy nước Cộng hòa nhân dân được thành lập, sau đó là các phong trào chống phái hữu, tam phản ngũ phản, “Cách mạng Văn hóa”, những người bị cái đảng mà mình hiến dâng tính mạng hành hạ mình chết đi sống lại ấy mới là những người đau khổ nhất. Chết, chết không được. Sống, sống không thành. Cuối cùng để mất niềm tin và tín ngưỡng, chẳng khác gì cái thây ma biết đi. 

Đảng viên cộng sản mất tín ngưỡng thì là cái gì? Hãy nhìn bọn quan tham nhũng hiện nay thì khắc rõ. Bọn chúng tên nào cũng sợ chết, quan càng to càng sợ chết. Thứ trưởng Bộ Công an Lý Kỷ Châu khi bị bắt còn hung hăng lắm. Hắn nói: “Nếu tôi có vấn đề thì phải đem chém đầu một nửa Bộ Chính trị !” Đến lúc chuẩn bị đưa đi xử bắn, hắn quỳ xuống van xin: “Xin cho tôi một con đường sống”. ./.
NHH lược dịch và ghi chú trong ngoặc [ ].

2 thg 9, 2010

Thấy gì qua Đường sắt cao tốc

Câu chuyện đường sắt cao tốc đã chiếm rất nhiều tâm trí của nhà khoa học người dân trung thực và bút mức của báo chí. Tưởng rằng sau khi Quốc hội và người dân lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự án này những người có chủ trương sẽ dừng bước. Tuy nhiên họ vẫn áp dụng chiến thuật "trường kỳ kháng chiến", "tranh thủ thời cơ" ... để cố tình đưa ra dự án này.

Điều đau xót thay đây là một dự án mà rõ ràng là hoàn toàn không có hiệu quả và chịu sự phản đối quyết liệt của dư luận. Bao nhiêu con người đã phải thao thức, thót tim vì nó thế mà giờ đây BGTVT lại tiếp tục "nghiên cứu khá thi" tìm cách trì hoản để trình bằng được dự bán này.

Xin giới thiệu một vài nhận định của Nguyễn Quang A - Bài đăng trên báo Người lao động


Đường sắt cao tốc - không thông qua chứ không phải bác?
Thứ Tư, 1.9.2010 | 16:00 (GMT + 7)
(LĐ) - Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, sau khi đã xin phép Chính phủ, Tổng công ty Đường sắt khởi động lại dự án đường sắt cao tốc hơn hai tháng (chính xác là 73 ngày) sau khi Quốc hội đã bỏ phiếu ngày 19-6-2010 về chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc với số phiếu tán thành chủ trương chỉ có 185 chiếm 37,53%, và số phiếu không tán thành là 208 chiếm 42,19%; 34 đại biểu không biểu quyết.
Nếu tính tỉ số trên số đại biểu hiện diện thì số tán thành là 43,32%, số không tán thành là 48,71%. Còn nếu tính trên số người biểu quyết (393), thì số tán thành là 47,07% số không tán thành là 52,92%. Trong mọi trường hợp chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã không được chấp thuận.
Một tuyến đường sắt cao tốc ở Pháp.     Ảnh: TL
Một tuyến đường sắt cao tốc ở Pháp. Ảnh: TL
Dự án được khởi động lại chỉ 73 ngày sau khi Quốc hội đã bác bỏ chủ trương xây dựng. Tổng giám đốc Công ty tư vấn Đầu tư và Xây dựng, giao thông vận tải (đơn vị lập dự án thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) giải thích với báo giới: Quốc hội “không thông qua chứ không phải bác”. Một sự ngụy biện quá vụng về. Hay ông hiểu đúng như vậy? Nếu thế, thì thật đáng buồn cho kiến thức chung của ông Tổng giám đốc về tiếng Việt, hay do hiểu biết quá sâu về chuyên môn nên ông không để ý đến tiếng mẹ đẻ (với chất lượng của dự án bị Quốc hội bác thì người ngoài có thể hoài nghi về điều đó). Theo Từ điển tiếng Việt 2009 (Nhà xuất bản Đà Nẵng, tr. 32), “bác” và “bác bỏ” đều có nghĩa là “không chấp nhận”. Nói cách khác, Quốc hội đã bác bỏ thực sự chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam ngày 19-6-2010.
Một chủ trương đã  bị Quốc hội bác bỏ mà được khởi động lại chỉ sau 73 ngày sẽ gây những tác động rất tiêu cực:
Thứ nhất, việc khởi động lại làm cho cử tri nghĩ gì về nghị quyết của Quốc hội? Đó là sự coi thường quyết định của Quốc hội, nói ở mức thấp nhất. Cử tri có thể nghĩ gì về nghị quyết của “cơ quan quyền lực cao nhất” của nước Việt Nam?
Thứ hai, việc cơ quan hành pháp và doanh nghiệp phớt lờ nghị quyết của cơ quan lập pháp cao nhất sẽ tạo một tấm gương xấu về tính thượng tôn pháp luật. Việc không thông qua một bản nghị quyết chính là một nghị quyết, tức là nghị quyết bác bỏ dự thảo nghị quyết được trình ra. Như thế việc không chấp thuận chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam là một nghị quyết của Quốc hội. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008, nghị quyết của Quốc hội là văn bản luật (chỉ dưới Hiến pháp và các luật, nhưng đứng trên tất cả các loại văn bản quy phạm pháp luật khác). Xét ở khía cạnh này có thể nói về sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng được không? Theo tôi, chắc chắn. Dư luận bức xúc vì cho rằng những người chức càng cao thì khi vi phạm pháp luật sẽ gây hậu quả càng lớn. Và việc khởi động lại dự án đường sắt cao tốc sẽ củng cố thêm nhận định trên. Nếu đúng thế, thì những lời hô hào người dân và doanh nghiệp tôn trọng pháp luật liệu có được người dân lắng nghe và làm theo. Cấp càng to mà nêu gương xấu thì hậu quả càng nghiêm trọng và đừng có than vãn “trên bảo dưới không nghe”. Việc làm đó không góp phần xây dựng tính thượng tôn pháp luật, không góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, tức là ngược lại với chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hay người ta sẽ lý giải: Không có chuyện khởi động lại dự án! Đấy chỉ là nghiên cứu chuyên môn! Rồi sẽ trình Quốc hội để Quốc hội quyết. Làm gì có chuyện phớt lờ nghị quyết của Quốc hội. Chúng tôi hết sức tôn trọng quyết định của Quốc hội (!).
Nghiên cứu khả thi chỉ vài đoạn, chứ không phải cả tuyến như đã bị Quốc hội XII bác bỏ. Nghiên cứu khả thi ít nhất cũng mất một năm và dự án (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội mới, sẽ được bầu vào tháng 5-2011. Chắc hầu hết những đại biểu đã bỏ phiếu không tán thành sẽ không được đề cử trong khoá tới, và cử tri sẽ rất “sáng suốt” bầu ra các đại biểu mới và hẳn tỉ lệ tán thành dự án sẽ rất cao.
Nếu kịch bản sau xảy ra, thì thôi, chẳng còn gì để nói. Hay lúc đó các chuyên gia và nhân dân lại tham gia phản biện tích cực hơn? Hãy đợi xem.
Nguyễn Quang A