Các bạn mến thân!
Các anh, các chị kính quý!
Trước hết cho phép tôi giải thích đôi chút về cụm từ “có chức, có quyền”. Thường thường nói về các bạn, các anh, các chị; mọi người hay gọi trịnh trọng là “các đồng chí lãnh đạo”. Tôi cũng gọi như thế ở các cuộc họp hay trong các bài báo. Còn ở đây là một lá thư, tôi muốn có không khí thân mật nên gọi các bạn, các anh các chị là “những người có chức có quyền”. Gọi thế này nó không trang trọng một chút nhưng chính xác. Khi Đảng ta chưa giành được chính quyền, những cán bộ của Đảng cũng được gọi là “các đồng chí lãnh đạo” nhưng lúc đó làm gì có quyền? Còn bây giờ các bạn, các anh, các chị có quyền rồi thì nên gọi rõ là những người có chức, có quyền cho chính xác, dễ hiểu.
Thưa các bạn!
Kính thưa các anh, các chị!
Khi thấy bạn bè, người quen thăng quan, tiến chức, thông thường người ta rơi vào mấy trạng thái tình cảm như sau: ghen tị và sợ hãi, hoặc vui mừng. Với tôi, có khác một chút. Tôi không hề ghen tị, vì chỉ cần không thiểu năng trí tuệ là hiểu được rằng, những người đứng ngoài hàng ngũ của Đảng khó mà có chức tước gì quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực báo chí, văn hoá, tư tưởng. Mà tôi lại không làm gì ngoài việc làm báo và giảng dạy nên không bao giờ tôi nghĩ đến chức quyền. Do đó ở tôi không có sự ghen tị khi các bạn, các anh, các chị có chức cao, quyền trọng. Tôi cũng không hề sợ vì nếu sợ thì tôi đã không ngồi viết lá thư ngỏ này.
Vậy tôi có vui mừng không? Có nhưng ít thôi. Vì sao vậy? Vì theo tôi nghĩ, người ta phấn đấu để có chức, có quyền nhằm hai mục đích cơ bản: (1) Bảo đảm cuộc sống sung túc, no đủ, sang trọng; (2) Cống hiến tài năng của mình cho đất nước để ghi danh vào sử sách.
Về mục đích thứ nhất, tôi nghĩ các bạn, các anh chị đã đạt được rồi. Tôi chưa thấy ai có chức có quyền mà lại nghèo đói cả.
Trong tình hình của đất nước và của thế giới hiện nay, đạt được mục đích thứ hai là rất khó. Tôi sẽ nói rõ vấn đề này theo cách hiểu, cách cảm của tôi để các bạn, các anh, các chị tham khảo.
Sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, nước ta có bước phát triển khá ấn tượng về kinh tế. Tuy nhiên, những mặt khác như giáo dục, y tế, văn hoá, văn học - nghệ thuật… lại không có bước phát triển tương ứng như vậy. Do đó, trong xã hội nảy sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực: nạn tham nhũng tràn lan, nạn mua quan, bán tước phổ biến, đạo đức - đạo lý không được coi trọng, niềm tin của người dân vào tương lai giảm sút… Trong bối cảnh như vậy, những người có chức, có quyền muốn “có chút danh gì với núi sông” phải phấn đấu ghê gớm lắm mới có được. Nghĩa là các bạn, các anh, các chị phải góp phần giải quyết được những vấn đề bức xúc đang đặt ra, đấu tranh đẩy lùi những tiêu cực một cách hiệu quả may ra mới được người đời ghi nhận.
Để làm được những điều này trong hoàn cảnh hiện nay, các bạn, các anh, các chị phải quan tâm tới nhiều thứ và phải có nỗ lực lớn về sức lực và trí tuệ mới mong giải quyết được vấn đề.
Tôi sẽ nêu ra những yếu kém đòi hỏi phải khắc phục.
Tôi muốn: Các bạn, các anh chị nắm bắt được thông tin chính xác và đầy đủ về tình hình trong nước
Điều này tưởng là đơn giản, nhưng thực tế rất khó khăn và phức tạp. Nếu các bạn, các anh chị chỉ đọc báo (chính thống), nghe đài, xem tivi, nghe cấp dưới báo cáo thì không khi nào có được thông tin đầy đủ, trung thực. Thật là buồn khi phải nói ra điều này: Rất nhiều người làm trong lĩnh vực thông tin hiện nay không đủ trình độ để nhận thức đúng sai, thực giả; không đủ bản lĩnh để nói lên sự thật đen tối, để từ chối phát ngôn những điều trái đạo lý. Vì vậy, các bạn, các anh chị cần phải ngồi quán với giới trí thức, về nông thôn gặp nông dân, đọc các trang web, blog, báo chí nước ngoài thì mới có thông tin đa chiều, mới mong có được một bức tranh toàn cảnh tương đối đầy đủ và trung thực về xã hội, đất nước mà ta đang sống. Điều này thì chính Lênin đã từng chỉ rõ. Nhiều người trong các bạn, các anh chị đã học ở các trường đảng cao cấp, chắc biết đến bài báo“Có hai nền văn hoá” của Lênin (viết trước cách mạng tháng Mười). Trong bài báo này Lênin chỉ rõ thông tin của chính quyền Sa hoàng đưa ra thường không đầy đủ, không phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Rất may là còn một luồng thông tin nữa, không chính thống được lưu truyền bằng con đường truyền đơn, báo chí bí mật, và đặc biệt là truyền miệng. Đây chính là một nguồn thông tin quý…
Nhắc lại điều này, tôi chỉ muốn lưu ý các bạn xử lý thông tin thật tốt thì mới làm chủ được tình hình. Muốn vậy, cần phải nghe bằng hai tai; nghe những lời phê phán, chỉ trích để tìm ra sự thật. Còn nếu chỉ nghe những lời ca ngợi của “thông tin chính thống” và những lời khen của cấp dưới thì chính các bạn, các anh chị đang sống ở những lâu đài xây trên cát.
Tôi lưu ý: Tính hợp lý trong hoạt động của chúng ta đang có vấn đề
Ai cũng biết, làm bất cứ việc gì, nếu làm đúng (hợp lý) thì kết quả sẽ tốt, còn làm sai (không hợp lý), kết quả sẽ xấu cho đến tồi tệ.
Quan sát những hoạt động diễn ra trong thời gian vừa qua, tôi thấy quá nhiều điều không hợp lý. Tôi lấy ví dụ ngay từ vấn đề nổi bật nhất: Những cuộc biểu tình ở Hà Nội và TP HCM trong thời gian vừa qua. Chính quyền đã có cách nhìn nhận thiếu nhất quán và hành động không hợp lý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Công an Hà Nội đã từng đưa ra nhận xét đây là biểu tình yêu nước. Ấy thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, một số cơ quan báo chí của Thủ đô cho rằng, nhiều người tham gia biểu tình có mục đích xấu, là phản động. Vấn đề được đẩy lên căng thẳng đến mức có thể xảy ra kiện tụng, căm ghét lẫn nhau, thậm chí xô xát. Đến lúc này thì lãnh đạo Hà Nội mới mời những trí thức tham gia biểu tình lên gặp gỡ, đối thoại. Giá cuộc gặp gỡ này diễn ra ngay từ đầu chứ không phải để công an bắt bớ, đạp lên ngực, lên mặt người biểu tình thì hay biết mấy!
Cái không hợp lý lớn hơn, bao trùm hơn diễn ra trong phát triển kinh tế. Việt Nam là một nước thiếu điện triền miên nhưng lại cho phát triển những ngành tiêu thụ điện lớn như luyện kim, sản xuất xi măng một cách vô tội vạ. Vậy sự hợp lý ở đâu? Khi mới bước sang thế kỷ XXI, chúng ta thống nhất với nhau là Việt Nam phát triển kinh tế tri thức, nghĩa là ưu tiên đầu tư những ngành có sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học… Nhưng trên thực tế thì sao? Chúng ta phát triển những ngành “cơ bắp” như khai khoáng, luyện kim, đóng tàu… Phát triển kinh tế theo kiểu này, đừng mong phát triển bền vững!
Tôi chỉ nêu 2 ví dụ điển hình. Còn các bạn, các anh, các chị ở vị trí của mình, thừa biết còn biết bao nhiêu điều bất hợp lý đang diễn ra hàng ngày. Nếu chúng ta chấp nhận sự bất hợp lý thì rất nguy hiểm
Tôi gợi ý: Những vấn đề lý luận trong chủ trương đường lối phát triển đất nước cần được quan tâm hơn
Đây là vấn đề tôi theo dõi thường xuyên và cảm thấy chưa được quan tâm đúng mực. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12 -1986) đến nay, chưa có bước đột phá rõ ràng, thậm chí chưa giải thích rõ được những khái niệm có bản nhất. Ví dụ, chúng ta chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường nhưng có thòng cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vậy hình hài một xã hội có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ra sao? Chẳng thấy nhà lý luận nào giải thích rõ ràng, ngoài một mệnh đề gần như là khẩu hiệu: “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Những điều này là mục đích của bất cứ dân tộc nào, xã hội nào. Vấn đề của các nhà lý luận và hoạt động thực tiễn là phải chỉ ra những biện pháp để đạt được mục đích đó và chứng minh bằng thực tế cuộc sống.
Ở Việt Nam chưa làm được điều này, thậm chí là ngược lại. Ở Liên Xô trước đây đã có hàng chục năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành tựu mà mọi người cho là “có tính chủ nghĩa xã hội nhất” đó là việc có được nền giáo dục và nền y tế chất lượng tốt và miễn phí. Còn ở ta hiện nay thì sao? Người dân gần như khánh kiệt vì hai loại dịch vụ này. Tiền cho con cái đi học chiếm phần lớn thu nhập của gia đình. Nếu gia đình có người ốm đau đi viện là coi như cầm chắc nợ nần. Nhiều người ở nông thôn mang con ra thành phố chữa bệnh, không may con chết, họ không dám nhận xác mang về vì không có tiền thanh toán cho bệnh viện. Rồi lại có chuyện đám đông đạp phá bệnh viện, người nhà bệnh nhân giết bác sĩ… Một xã hội như vậy thì thử hỏi xã hội chủ nghĩa ở chỗ nào?!
Làm lý luận là căn cứ vào thực tế cuộc sống, rút ra những bài học kinh nghiệm để xác định đường lối phát triển phù hợp. Thực tế của đất nước ta hiện nay là như vậy mà vẫn nói là xã hội chủ nghĩa thì e rằng quá giáo điều. Trên thế giới cũng có nước nói là họ “kiên trì” xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, nhưng họ khẳng định riêng “giai đoạn quá độ có thể kéo dài hàng trăm năm”. Do vậy không ai đủ kiên trì để theo dõi họ xây dựng chủ nghĩa xã hội thế nào nữa.
Tôi thấy những người làm lý luận của chúng ta trong vài chục năm gần đây không có đột phá, không có sáng tạo, không đổi mới tư duy… Cho đến bây giờ mà vẫn nói: “Không có chủ nghĩa xã hội thì không có độc lập dân tộc” thì quả là bất chấp mọi thực tế! Hiện nay trên thế giới cho trên 200 quốc gia, trong đó phần lớn là có độc lập dân tộc, nhưng thử hỏi có bao nhiêu quốc gia có chủ nghĩa xã hội?
Công tác lý luận yếu kém còn thể hiện ở chỗ chúng ta ủng hộ cả những suy nghĩ, việc làm sai về cơ bản của một số cán bộ cao cấp, nắm giữ những chức vụ quan trọng. Tôi lấy ví dụ: Khi ông Nguyễn Thiện Nhân được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông liền đề ra “cuộc vận động hai không” - nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử.
Nếu chịu khó suy nghĩ một chút, chúng ta thấy ngay không thể biến việc chống tiêu cực trong thi cử và chống bệnh thành tích thành hoạt động chính của giáo dục được - hoạt động chính của giáo dục phải là dạy và học. Tư tưởng cơ bản của giáo dục là cố gắng học hỏi để làm những điều hay, điều tốt chứ không phải không làm điều xấu, điều ác. Một nhà giáo có kiến thức sư phạm sẽ nói với học sinh: “Các em cố gắng học tập rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi!”. Còn nhà giáo lỗ mỗ trong ngành giáo dục sẽ nói: “Các em cố gắng đừng trở thành kẻ trộm, kẻ cướp!”. Mục đích thì có vẻ tốt đẹp như nhau, nhưng cách truyền đạt khác hẳn nhau và sự tác động tới học sinh cũng khác nhau.
Trước khi ông Nguyễn Thiện Nhân phát động “phong trào hai không”, trong ngành giáo dục đang thực hiện “phong trào thi đua hai tốt: dạy tốt và học tốt”. Điều cốt lõi này của giáo dục bị xem nhẹ khi “phong trào hai không” được phát động rầm rộ ở khắp nơi.
Một tư tưởng sai về cơ bản, trái với bản chất của giáo dục như vậy mà được chúng ta nhiệt liệt ủng hộ, biến thành phong trào rầm rộ trong cả nước thì rõ ràng những người làm lý luận, chỉ đạo tư tưởng – văn hoá - truyền thông không sâu sát, thiếu tinh nhạy. Từ những yếu kém này sẽ nảy sinh nhiều yếu kém khác mà chúng ta chưa lường hết được.
Tôi suy nghĩ: Bảo vệ chủ quyền quốc gia
Vấn đề này không mới bởi dân tộc ta đã đối đầu với nó hàng ngàn năm. Chỉ có điều hiện nay mặc dù chúng ta sống trong hòa bình nhưng luôn luôn có cảm giác bất yên. Thật ra, vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia không cần phải nói nhiều, bàn nhiều vì đây là muốn đề thiêng liêng đối với mọi người dân. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để 90 triệu người Việt (kể cả 4 triệu Việt kiều) đoàn kết một lòng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia. Muốn vậy, chính quyền phải thể hiện được khát vọng của nhân dân, không nhượng bộ, không “đi đêm”, không tỏ ra mềm yếu.
So với các nước trong khu vực, chúng ta không lớn về diện tích, không mạnh về quân sự, không giàu về kinh tế nhưng chúng ta có truyền thống yêu nước và sự sẵn sàng xả thân vì đất nước. Đây chính là điểm tựa vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc quan trọng nhất của chính quyền hiện nay là không được làm xói mòn điểm tựa này.
Tôi hiểu là việc đấu tranh ngoại giao để bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là rất khó khăn, phức tạp. Những người trực tiếp làm vấn đề này đang chịu nhiều sức ép. Hôm trước ngồi tranh luận trực tiếp với mấy bạn, tôi có nói thế này: “Muốn gì thì gì, nếu để mất đất, mất biển, mất đảo thì sau này người ta đào mả các vị lên đấy!”. Tôi xin lỗi vì nói như thế nó gay gắt quá! Nhưng tôi vẫn bảo lưu ý kiến là phải tỏ ra cương quyết, nhất quán, mạnh mẽ trong vấn đề chủ quyền quốc gia, dù phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị của mình.
Tôi lo lắng: Lạm quyền là vấn đề đáng quan ngại nhất
Chuyện những người có chức có quyền lạm quyền đã quá quen thuộc, một số người yêu mến Trịnh Công Sơn nói đề tài này “xưa như Diễm”. Tôi là người không thích lặp lại chuyện cũ, nhưng sẽ nói về chuyện lạm quyền dưới góc nhìn mới - cụ thể, mang tính thời sự và mạnh mẽ hơn.
Trước hết, rõ ràng và bức xúc nhất là chuyện chính quyền giải quyết việc biểu tình phản đối thái độ trịch thượng và coi thường chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Cho đến ngày hôm nay, đây là đề tài chia rẽ bạn bè của tôi nhất. Số người ủng hộ những người biểu tình không phải là ít, số người phản đối cũng không phải là nhỏ, nhưng hầu như tất cả đều thống nhất rằng: Chính quyền lúng túng và sai lầm trong việc đối xử với những người biểu tình. Chứng minh điều này không hề khó. Biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra trong một thời gian dài (11 tuần). Trước khi bắt bớ và một số tờ báo phê phán những người biểu tình, Trung tướng Công an Nguyễn Đức Nhanh đã khẳng định: “Đây là biểu tình thể hiện lòng yêu nước và Công an Hà Nội không có chủ trương đàn áp biểu tình”. Vậy hà cớ gì ngày 21/8 lại có bắt bớ? Tệ hại hơn một số cơ quan truyền thông của Hà Nội có những bài báo với thái độ trịch thượng và nội dung sai sự thật. Đặc biệt, bà Nguyễn Phương Nga đã có những lời lẽ mâu thuẫn giữa những lần phát ngôn.
Tôi cho rằng, dẫu có chức, có quyền, có trách nhiệm cũng không nên phát ngôn theo kiểu “nói lấy được”.
Tôi nghĩ, đối phó với biểu tình yêu nước, trước hết đó không phải là việc của công an mà là của những nhà lý luận, tư tưởng, những nhà văn hoá. Việc Chính quyền Thủ đô Hà Nội ra một thông báo (không đúng quy trình ra văn bản có tính pháp quy) cấm biểu tình rồi căn cứ vào đó để quy kết những người tham gia biểu tình là “quấy rối”, là “phản động” là một trong những biểu hiện rõ ràng của lạm quyền.Tại sao không có người nào trong hàng ngũ “có chức, có quyền” trực tiếp đối thoại với những người biểu tình (phần đông là trí thức) một cách ôn hoà, trật tự? Nếu chính quyền cho rằng biểu tình là không có lợi cho lợi ích quốc gia thì phải có đại diện giải thích rõ ràng, có sức thuyết phục về vấn đề này.
Nhưng biểu hiện lạm quyền rõ nhất có lẽ thuộc ngành công an. Đã có vài chục trường hợp người dân bị công an đánh chết, hoặc chết không rõ nguyên nhân ở đồn công an. Còn cảnh sát giao thông chặn xe ăn tiền ở bất kỳ nơi nào đã trở thành chuyện cơm bữa. Điều này gây bức xúc rất lớn trong nhân dân. Trước mắt, tạm thời chỉ có những phản ứng nhỏ lẻ “chống lại người thi hành công vụ”. Nhưng nếu sự việc vẫn tiếp tục diễn ra mà không được giải quyết thoả đáng thì những vụ như ở Bắc Giang (hàng ngàn người kéo đến UBND tỉnh, kéo đổ cửa), thậm chí còn lớn hơn có thể xảy ra.
Nhiều người cho rằng, nước ta hiện nay có tình hình chính trị ổn định, quân đội và công an trung thành và vững mạnh, Đảng có trên 3 triệu đảng viên nên có thể yên tâm về mọi mặt. Theo tôi thì không nên chủ quan. Vào năm 1991, Liên Xô có gần 5 triệu người trong lực lượng vũ trang (quân đội và công an), gần 25 triệu đảng viên. Mọi thứ tưởng chừng rất yên ổn và vững chắc, ấy thế là rụp một cái, cường quốc xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Một trong những nguyên nhân trực tiếp chính là sự lạm quyền của các quan chức.
Tôi xin đưa ra lời khuyên: Không nên quá tham lam!
Mới đây tôi có đến khám Chí Hòa và muốn biết cái nhà tù nổi tiếng này đang giam giữ những đối tượng nào ở đó.
Những người phụ trách ở đó nói: “nhà tù này chỉ giam giữ cộng sản không thôi hà!”. “Tại sao lại nói như vậy?”. “Vì thực tế là như vậy. Trước Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp xây nhà tù này để giam giữ, tra tấn những người cộng sản yêu nước. Dưới thời Mỹ - Ngụy, nhà tù này cũng dành cho những người cộng sản, những chiến sỹ cách mạng bị bắt. Nay ở đây cũng giam giữ những đảng viên, những quan chức phạm tội tham nhũng… Thế có đúng nhà tù này chỉ giam giữ cộng sản không?...”. “À, những quan chức phạm tội, trước khi bị bắt vào tù, họ đã bị khai trừ khỏi Đảng rồi, không thể gọi họ là cộng sản được nữa!”. “Chỉ những người làm báo hay làm luật mới chú ý đến điều này, còn chúng tôi chỉ chú ý đến việc họ phạm tội là do lạm dụng chức quyền. Anh đã thấy những ai không phải là đảng viên cộng sản mà có chức quyền lớn ở nước ta hiện nay chưa?”. Tôi rời nơi này mà lòng cứ băn khoăn tự hỏi: Có bao nhiêu quan chức, thoái hoá, biến chất? Chắc cũng không ít đâu. Thông tin là trong đợt đặc xá nhân 2/9/2011 đã có tới 150 cựu quan chức được tha tù khẳng định điều này. Chỉ trong một lần đặc xá đã có tới 150 người trước kia có chức, có quyền phạm tội đã bị bắt giam và được tha. Như vậy có thể kết luận những người có chức có quyền có tỷ lệ phạm tội đáng kể.
Tôi kể lại chuyện này không chỉ để cảnh báo các bạn, các anh chị đâu, mà còn muốn nêu lên một băn khoăn là tại sao quan chức của chúng ta lắm người tham đến thế.
Tôi hỏi: Tại sao Việt Nam không có những tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ?
Đây là vấn đề không phải gay gắt đối với đại bộ phận nhân dân, nhưng nó khiến tầng lớp trí thức day dứt không yên. Người ta mổ xẻ nhiều rồi; nhiều nguyên cũng đã được nêu ra. Ở đây, tôi chỉ xin nói cảm nhận và suy nghĩ của mình.
Có thể nói trắng ra thế này: Văn học nghệ thuật của ta chưa có những tác phẩm có giá trị lớn vì các văn nghệ sĩ không có tự do tư tưởng. Nhiều người sẽ phản đối điều này, dẫn ra là quyền tự do tư tưởng đã được ghi trong hiến pháp, được bảo đảm bằng các văn bản nọ kia; không ai cấm các văn nghệ sĩ tự do sáng tạo, không có chuyện kiểm duyệt, v.v. Nhưng thực tế là đại đa số văn nghệ sĩ tự kiểm duyệt mình trước khi ngồi vào bàn sáng tác.
Theo tôi, sau “Vụ án Nhân văn Giai phẩm”, giới văn nghệ sĩ Việt Nam vẫn còn ở trạng thái khiếp đảm, nhiều người vẫn tiếp tục “đề cao cảnh giác”. Dường như văn nghệ sĩ của ta đã nhiễm tư tưởng cầu toàn, mong được sống bình yên. Cái “nguyên lý”:Đỉnh cao và vực thẳm xem ra đã được vận dụng.
Trong nghệ thuật, ngay bên cạnh đỉnh cao là vực thẳm. Để lên được đỉnh cao là rất khó và chỉ cần sơ sẩy một chút là rơi xuống vực thẳm. Có lẽ vì nhận thức được như vậy nên đại đa số các văn nghệ sĩ của ta chọn giải pháp an toàn là đứng cách vực thẳm vài ba bước. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận đứng dưới đỉnh cao vài ba bước.
Cũng có một số nhà văn, nhà thơ muốn “đến bên vực thẳm”, muốn viết những gì rút ra từ gan ruột. Nhưng chỉ nhà văn dũng cảm thôi chưa đủ, phải có người biên tập, giám đốc nhà xuất bản ủng hộ nữa mới ăn thua. Theo như tôi được biết, rất nhiều tác phẩm được viết công phu và tâm huyết không được xuất bản nguyên vẹn hay vĩnh viễn không được xuất bản. Tôi đã từng đề nghị làm một cuộc triển lãm những tác phẩm văn học không được xuất bản nhưng không ai ủng hộ cả. Ai cũng sợ những điều vô hình và nỗi sợ vô hình ám ảnh tất cả chúng ta một cách vô thức.
Trước đây vài chục năm, Đảng đã từng tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ sĩ. Nhưng điều quan trọng nhất là văn nghệ sĩ phải tự “cởi trói” cho mình, nếu không, chúng ta cũng chỉ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật loại hai, chỉ mang tính minh họa cho chế độ.
Hiện nay kinh tế nước ta đã có nhiều thành phần, đã có giáo dục tư thục, điện ảnh tư nhân; vậy khi nào chúng ta có báo chí, xuất bản tư nhân?
Tôi nêu vấn đề: Những căng thẳng trong xã hội ở mức đáng lo ngại
Hiện nay, nhìn chung mọi người sống trong những căn nhà rộng hơn, ăn uống ngon hơn, đi những chiếc xe đẹp hơn, nhưng những mâu thuẫn, những căng thẳng trong xã hội lại gay gắt hơn. Trước hết, đó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn; hiện tượng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” diễn ra ở khắp nơi. Rất phản cảm khi hàng ngàn biệt thự, căn hộ cao cấp bỏ không, còn sinh viên, người nghèo chui rúc trong những khu nhà ổ chuột.
Biểu hiện của những căng thẳng xã hội khá rõ ràng qua việc có nhiều người tự tử; chỉ cần va chạm nhỏ là đâm chém nhau; người thi hành công vụ bị chống đối ngày càng nhiều; cảnh sát đánh nhau ngoài đường; người dân đập phá bệnh viện, người nhà nạn nhân giết bác sĩ; dân thường có thái độ sợ sệt và căm ghét những người có chức, có quyền; nhiều giá trị tốt đẹp trong quan hệ giữa con người bị xem thường…
Những mâu thuẫn thông thường không được giải quyết triệt để nên nó trở nên sâu sắc và hoàn toàn có thể trở thành đối kháng. Ví dụ, người dân bị gây ô nhiễm môi trường sống, hộ kiến nghị không được nên họ chặn xe. Phía bên kia cho người đến đâm chém để dằn mặt, thế là xảy ra xung đột lớn. Hay những người đáng kính biểu hiện lòng yêu nước bằng cách biểu tình bị gọi là “phản động” nên rất bức xúc; có người cho rằng một lãnh đạo cơ quan báo chí Thủ đô là “vô liêm sỉ”… Nếu chúng ta cứ gay gắt với nhau ở mức độ như vậy thì sẽ trở nên căm thù nhau. Khi trạng thái căm thù đã ngự trị trong lòng thì sự cương quyết trong hành động là bước tiếp theo.
Các bạn, các anh chị là những người có chức, có quyền; đồng nghĩa với việc có trách nhiệm phải giải quyết những căng thẳng này.
Mặc dù thư đã dài, tôi cũng cố gắng đề cập tới nhiều lĩnh vực, nhưng trong một lá thư không thể nào nói hết những suy nghĩ của mình được. Tôi sẵn sàng đối thoại với các bạn, các anh các chị về những vấn đề mà mọi người cho rằng, tôi nói còn phiến diện, chưa thoả đáng. Ví dụ, tôi sẵn sàng đối thoại với những người làm việc ở lĩnh vực khoa học xã hội, văn hoá, truyền thông, chính trị - tư tưởng… về những điều mà tôi cho là yếu kém, chưa xứng tầm với một dân tộc như dân tộc Việt Nam (chúng ta đã chiến đấu, hy sinh và giành chiến thắng; chúng ta sẵn sàng làm lại điều như vậy, nếu có kẻ nào đó thách thức quyền lợi dân tộc ta).
Cuối cùng, với tư cách bạn bè, người quen, tôi mong các bạn, các anh chị có sức khỏe tốt, sống chan hòa với nhân dân, thực hiện được những điều tốt đẹp. Trong điều kiện hiện nay, vẫn còn chỗ cho những người như các bạn, các anh chị dành được sự yêu mến, kính trọng của mọi người. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại sứ Ngô Quang Xuân và nhiều người khác đã làm được như vậy. Tôi hy vọng trong số bạn bè, người quen của tôi cũng có những người được tin yêu và kính trọng.
Kính thư
Hồ Bất Khuất