26 thg 5, 2012

Quý tử quần quật làm thêm, Bí thư trổ tài ăn nói

Cuối cùng thì sự thật rành rành xung quanh khu vườn thượng uyển lộng lẫy ở Hải Dương cũng được phơi bày, thông qua những lời thật như đếm của những người có trách nhiệm liên quan. Hẳn độc giả cũng không còn lạ, nhưng cứ xin điểm qua đây tiến trình sự thật được phơi bày, hiển hiện giữa ánh mặt trời.



Cơ ngơi này là của con, chứ không phải là của bố!
Cơ ngơi này là của con, chứ không phải là của bố!
Hôm thứ Hai, 21/5, trả lời báo Giáo dục Việt Nam, ông Bí thư chỉ đính chính một thông tin duy nhất, ấy là không phải  gia đình ông xây nhà trên đất nông nghiệp, mà đất đã được chuyển đổi đàng hoàng. Ông tuyệt nhiên không nói đến chuyện nhà báo phản ánh: Đất của ông, tài sản trên đất cũng là của ông.
Hôm sau, 22/5, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang (Hải Dương) Nguyễn Xuân Thuấn mau mắn khẳng định đất này không phải thuộc sở hữu của đồng chí Bùi Thanh Quyến mà của anh Bùi Thanh Tùng, con trai ông Quyến (theo báo Lao Động). Ông Chủ tịch huyện cũng chẳng đả động gì đến chuyện tài sản trên đất là của ai.
Sang ngày 24/5, đến lượt đích thân con trai ông Bí thư lên tiếng hùng hồn nhận toàn bộ dinh cơ đang xây dựng là của mình, đồng thời không quên khẳng định: Tiền xây nhà là mồ hôi, nước mắt, xuất phát từ trí tuệ, vận động cá nhân chứ không phải là dựa dẫm vào bất kỳ ai, vào mối quan hệ nào.
Cứ tạm bỏ qua những mâu thuẫn nho nhỏ trong lời phát ngôn của 3 nhân vật, hẳn người trần mắt thịt chúng ta phải vừa xuýt xoa về tài làm kinh tế, vừa gật gù trước con đường hoạn lộ thênh thang của chàng thanh niên này. Tiếc là không có nguồn thông tin nào cho biết quý tử nhà ông Bí thư đã bao nhiêu tuổi, nhưng bằng chứng về cái sự trí tuệ, vận động cá nhân của anh thì đã rành rành: Hiện đang là Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương.
Thật đúng là tuổi trẻ tài cao, hổ phụ sinh hổ tử và người ta hoàn toàn có quyền hi vọng một ngày kia anh sẽ làm quan to hơn cả bố để xứng với câu nói của người xưa rằng con hơn cha thì nhà có phúc.
Dĩ nhiên, sẽ có một vài kẻ xấu bụng cho rằng thế nào chả có chút ít dây mơ rễ má giữa ông bố đừng đầu tỉnh với địa vị hiện tại của cậu con, nhưng xin thưa là quý vị không nên công tư lẫn lộn như vậy. Ô hay, thế cứ  là con quan thì toàn là phường kém năng lực hết cả hay sao, mà cánh hậu sinh bây giờ cũng tài năng đầy mình đấy chứ. Cứ thử nhìn ra nước ngoài thì đủ biết thôi: Trong khi Nga vừa có một bộ trưởng 30 tuổi, thì ở Trung Quốc, theo truyền thông phương Tây, những tập đoàn chủ chốt trong nhiều lĩnh vực đang nằm trong tay con cái giới lãnh đạo cấp cao, đâu phải ai cũng “ăn chơi tàn bạo” như cậu ấm Bạc Qua Qua…
Dĩ nhiên, bố con ông Bí thư cũng nên thể tất cho những ý kiến không thiện ý lắm từ phía dư luận. Khổ, có ai muốn hẹp hòi làm gì đâu, nhưng cứ đọc báo thì người ta lại phải nghĩ ngợi…
Chắc bạn còn nhớ, năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã khiến dư luận một phen bổ chửng khi chỉ ra một sự thật bấy lâu nay ai cũng biết mà không ai nói, chả hiểu vì ngần ngại điều gì: Nếu trông chờ vào lương, thì các Bộ trưởng cũng phải mất 40 năm cúc cung tận tụy làm việc mới mua được nhà thu nhập thấp.
Còn liên quan trực tiếp đến cái sự vụ ở Hải Dương, mấy hôm trước, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã cặm cụi ngồi làm công việc của học sinh cấp I, ấy là cộng trừ nhân chia xem với mức lương hiện tại (khoảng 12 triệu đồng mỗi tháng), một ông Bí thư Tỉnh ủy liệu có thể xây một căn nhà tàm tạm hay không. Dĩ nhiên, độc giả có thể và phải tự trả lời lấy câu hỏi này. Và không biết câu hỏi trên có khó hay không, nhưng nếu áp vào trường hợp của đồng chí Trưởng phòng con trai ông, thì chắc chắn việc đưa ra đáp án dễ dàng hơn nhiều, phải không quý vị nhỉ?
Hà Thị Hồng trong đường dây mại dâm giá ngàn đô!
Giờ, chỉ có mấy cô gái là mất nhân phẩm!
Và nếu bạn vẫn thấy phân vân, thì xin mời nghe phát biểu của Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khi ông thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tại hội trường Quốc hội hôm 23/5. Đọc cái tít của Báo Tuổi Trẻ rằng “Lương không đủ sống mới phải làm thêm”, bà con chúng ta hẳn sẽ phải rơi nước mắt thương cảm với con trai Bí thư Tỉnh ủy, vì không biết anh ta phải quần quật làm thêm như thế nào mới để dành được chút tiền để xây dựng cái cơ ngơi hơn 4.000m2 ở nơi chôn nhau cắt rốn.   
Dĩ nhiên, không phải dành hết cảm phục cho cậu quý tử là độc giả vội quên ngay ông Bí thư đâu, người Việt ta không dễ cạn tàu ráo máng đến thế. Ừ thì ông không có tài làm kinh tế, không yêu thiên nhiên hoa cỏ, không thích thú điền viên… như đã từng được tán tụng, nhưng với tư cách đại biểu Quốc hội, ông Bí thư khiến ta phải tấm tắc về tài ăn nói.
Theo báo Dân Việt, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Quyến đã đề nghị các nhà báo cứ tự tìm hiểu! xem những thông tin về cái biệt thự vườn có đúng hay không, vì lời ông nói thì không chắc đã khách quan.
Câu trả lời của ông Bí thư ắt hẳn phải khiến hàng loạt các đại biểu Quốc hội khác phải cảm thấy ngại ngùng, vì có vị thì báo chí không dám hỏi đến, có vị thì dân hỏi không biết trả lời thế nào.
Đây, hãy thử lấy 2 ví dụ còn nóng hổi trong ngày trên mặt các báo. Ở Đồng Nai, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy vừa ra thông cáo báo chí yêu cầu không được đề cập đến bà Đỗ Thị Thu Hằng khi nói đến vụ Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành xả thải ra môi trường. Bà Hằng là người đứng đầu Tổng Công ty Sonadezi, công ty mẹ của cái công ty bị bắt quả tang nói trên. 
Phải nói đây là một yêu cầu chuẩn không cần chỉnh, vì mẹ ra mẹ mà con ra con, đừng có lẫn lộn. Dĩ nhiên, bà còn là đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nhưng như đại biểu Bùi Thanh Quyến đã nói, phát ngôn của bà cũng khó mà khách quan cho được, nên báo chí không nên hỏi. Người ta chỉ băn khoăn một tí xíu là không lẽ bà Hằng đã làm thủ tục “từ” công ty con này từ bao giờ rồi. Vì khổ lắm, nếu nó vẫn là của bà, nếu bà còn lo cho nó, và những lời lãi của nó mà bà vẫn được hưởng chút đỉnh, thì người ta còn có quyền phàn nàn rằng con hư tại mẹ, con dại cái mang chứ nhỉ?
Nghĩ quẩn mới thấy, nếu chẳng may Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương cũng ra một văn bản yêu cầu báo chí không đề cập đến ông bố, vì cái nhà vườn trăm tỷ kia là của ông con, chả liên quan, thì có lẽ báo chí cũng ngọng thôi. May quá, ông Bí thư vẫn trả lời, mà lại còn rất sòng phẳng nữa: Các vị có giỏi thì đi mà điều tra, tôi không nói đâu! Hay là ông cũng chẳng biết, hoặc không tin con mình nó phải làm thêm quần quật để xây nhà...
Đến đây, xin có một lời mách nhỏ cho những đại biểu Quốc hội đã phát biểu rằng họ vô cùng xấu hổ, thấy mặt mình cứ trơ ra vì không biết ăn nói thế nào khi cử tri bức xúc hỏi về hết Vinashin đến Vinalines. Thưa, quý vị hoàn toàn có thể tìm thấy một cái phao cứu sinh hết sức linh nghiệm từ câu trả lời của đại biểu Bùi Thanh Quyến: Xin cử tri cứ tự tìm hiểu cho nó khách quan! Người viết có thể đảm bảo, với bí kíp này, các cử tri sẽ không bao giờ mở miệng hỏi thêm một câu nào nữa. 
Cơ mà khổ lắm, có tiền thì sao không âm thầm tiêu vào mấy cái cô diễn viên, người mẫu, sinh viên 1.500 USD như hôm nay các nhà báo loan tin nhỉ. Ai biết đấy là đâu, giờ chỉ có mấy cô gái ấy là bị mất nhân phẩm thôi, dù các cô cũng cày cuốc cả ngày như ai. Thiên hạ cứ kêu giá ấy là đắt, nhưng cũng có bõ bèn gì đâu...
Tam Thái

22 thg 5, 2012

Chuyện mới nhưng không vui ở hành lang Quốc hội

NGUYÊN THẢO
http://vneconomy.vn/20120522042045436P0C9920/chuyen-moi-nhung-khong-vui-o-hanh-lang-quoc-hoi.htm 

Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến không xuất hiện ngay từ phiên khai mạc. Góc hành lang quen thuộc không còn cảnh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vui vẻ chuyện trò với báo chí. Các cuộc phỏng vấn ở hành lang được đề nghị dừng lại vì quy định mới…
Đó là một vài quan sát và ghi chép ở hành lang kỳ họp Quốc hội thứ ba, qua hai ngày đầu.

Khá bất ngờ, khi ngay từ phiên họp đầu tiên, báo chí đã nhận được bản thông cáo số 1, trong đó có quy định về khu vực phỏng vấn. Theo đó, không phỏng vấn đại biểu Quốc hội tại hành lang phía sau và hành lang hai bên hội trường Bộ Quốc phòng (tầng 1). Nếu phóng viên có yêu cầu phỏng vấn, mời lên tác nghiệp tại phòng phỏng vấn (phòng số 12 ở tầng 2) hoặc sảnh tầng 2 của hội trường.

Điều này, khác với các kỳ họp trước, cũng không được thông báo tại cuộc họp báo trước kỳ họp.

Đề án về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội vừa được trình Quốc hội ngay ngày làm việc đầu tiên có khẳng định: “Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tiếp cận, đưa tin về hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Xây dựng trung tâm báo chí hiện đại, có không gian dành cho việc tiếp xúc của các phóng viên báo chí với các đại biểu Quốc hội, khách mời của kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Trung tâm báo chí hiện đại ở đây, theo cách hiểu của người viết, có lẽ đang nằm ở thì tương lai, khi nhà Quốc hội mới được hoàn thành.

Còn nay, ở hội trường Bộ Quốc Phòng, với 20 phút giải lao mỗi buổi họp, phóng viên thường “chờ” đại biểu uống trà, cà phê mất vài phút, sau đó mới có thể phỏng vấn hoặc trao đổi về vấn đề tờ báo hoặc cử tri quan tâm.

Theo quy định mới, sau khi đặt vấn đề, được đại biểu đồng ý, rồi mời được đại biểu lên tầng hai, tìm chỗ hợp lý... chắc vừa lúc chuông báo hết giờ.

Khá bất ngờ bởi quy định này, đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng nói rằng, đại biểu không được thông báo trước mà chỉ được “nhắc” khi đang trả lời phỏng vấn báo chí.

“Quy định thế khiến hai phía đều ngại cả, nếu cùng một tầng thì đỡ ngại hơn”, ông Vinh tỏ ra thông cảm với báo chí.

Một vị đại biểu khác cũng cho biết, anh em phóng viên địa phương cũng đang “nhờ” ông “kêu” vì điều kiện tác nghiệp khó, sau khi khẳng định vai trò không thể thiếu của báo chí trong việc làm “cầu nối” với cử tri và nhân dân cả nước.

Bình luận về quy định mới này, đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói rằng “làm gì có chuyện” chỉ “trả lời phỏng vấn ở tầng 2”, vì “việc tác nghiệp của phóng viên là theo Luật Báo chí, phóng viên có quyền hỏi bất kỳ ai”, còn trả lời hay không là quyền của người được hỏi.

Không liên quan đến quy định mới, Bộ trưởng Đinh La Thăng ngay từ phiên khai mạc kỳ họp đã “né” báo chí , không phải vì bận đến mức không thể trả lời báo chí được mà vì “cứ nói một đằng đăng một nẻo”, nên “không bao giờ trả lời nữa”.

Dù gì, đây cũng là chuyện không vui, bởi có không ít vấn đề nếu báo chí hiểu hơn, từ ông, thì cử tri cũng sẽ đồng thuận hơn.

Còn sự vắng mặt của đại biểu Hoàng Yến, không bất ngờ, nhưng cũng đủ để không khí nghị trường có đôi phần “xao xuyến”, khi 1/500 chỗ ngồi đã trống và có thể sẽ trống thêm 4 năm nữa.

Một vị đại biểu nói, ông không quan tâm lắm đến “phân trần” của đại biểu Yến, mà đặt vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc hiệp thương, giới thiệu bà Yến ra ứng cử.

Cử tri cũng “phê” Quốc hội chưa giải quyết tốt việc xem xét tư cách đại biểu Yến, vị phó đoàn khác nói với VnEconomy.

Phải chờ đến cuối phiên họp ngày 26/5 mới có thể có kết quả cuối cùng về việc xem xét tư cách đại biểu Hoàng Yến. Và, khi đưa tin về kết quả này, báo chí chắc chắn thêm một lần không vui.

19 thg 5, 2012

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Chống vi hiến, cần có thiết chế bảo hiến

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Chống vi hiến, cần có thiết chế bảo hiến

PGS Phạm Duy Nghĩa (Chủ nhiệm khoa Luật, ĐH Kinh tế TPHCM - ảnh) học ĐH và làm tiến sĩ ở ĐH Leipzig, CHDC Đức, sau đó là học giả Fulbright, Harvard LawSchool và đã tham gia nghiên cứu, thảo luận nhiều về đề tài bảo hiến. Với câu hỏi về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước và cơ chế bảo hiến ở Việt Nam, TS Phạm Duy Nghĩa phân tích:
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Chống vi hiến, cần có thiết chế bảo hiến
- Trước hết, cần lưu ý hiến pháp là một khế ước của nhân dân lập ra để kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp viết ra để ràng buộc chính quyền chứ không phải ban quyền cho người dân. Nhưng ở một số quốc gia, hiến pháp đã không được hiểu với ý nghĩa đó. Một số quốc gia sử dụng hiến pháp như cương lĩnh của nhà nước, của những người lãnh đạo, còn những quốc gia dân chủ, hiến pháp viết ra để trói buộc nhà cầm quyền. Bởi lẽ, người có khả năng vi phạm hiến pháp thường không phải nhân dân, mà là các cơ quan có thể sử dụng quyền lực công. Các cơ quan giữ quyền lực công là chính phủ, tòa án, quốc hội. Một đạo luật do quốc hội ban hành có thể vi phạm hiến pháp, chính vì vậy phải có thiết chế bảo hiến. 

Sự tồn tại của thiết chế bảo hiến không phải tự thân sự ra đời của nó. Ý nghĩa của chữ “sống” ở đây là cơ quan bảo hiến đóng vai trò đáng kể trong đời sống chính trị, nhân dân có thể đặt niềm tin và sự kính trọng vào cơ quan đó. Không phải chỉ riêng VN mà bất cứ quốc gia nào cũng cần có quá trình trưởng thành, hay nói cách khác là hội đủ các điều kiện để có được một thiết chế bảo hiến thực chất. Hàn Quốc du nhập thiết chế bảo hiến từ năm 1945, nhưng thực sự đến năm 1980 mới hoạt động có hiệu quả. Đức tuyên bố có tư duy bảo hiến từ Hiến pháp Weimar những năm 1918, nhưng trên thực tế, mãi đến sau 1949, cơ quan bảo hiến của Đức mới có hình hài rõ rệt. Thái Lan vay mượn thiết chế bảo hiến của Đức, song thành công còn hạn chế. 

Ông có đề cập đến sự nhận biết của người dân, vấn đề này được hiểu như thế nào?

- Dư âm của tâm lý thần dân đã tồn tại ở VN cả ngàn năm nay không thể một sớm một chiều mà tan biến được. Cần phải có quá trình và thời gian để người dân nhận biết đầy đủ về quyền công dân của mình, hiểu rằng quyền được nói, được biết, được tự do hội họp, biểu tình của công dân là những quyền đương nhiên họ được hưởng. Khi tinh thần công dân tăng lên mới xuất hiện nhu cầu đòi các quyền đó phải được tôn trọng. 

 Theo ông, chế ước quyền lực nhà nước sẽ thiết kế ra sao khi VN không đi theo chủ thuyết tam quyền phân lập? 


- Trong cấu trúc quyền lực VN, quyền lực thực tế dồn vào Chính phủ và UBND các địa phương. Hệ thống tòa án cần nỗ lực để có thêm niềm tin và sự kính trọng cao trong xã hội. Quốc hội với 3/4 đại biểu kiêm nhiệm nên chưa thể chuyên nghiệp. Vì hai thiết chế đó còn yếu nên quyền lực tập trung vào lực lượng hành pháp. Nếu phân bổ lại quyền lực, cần phân nhiệm để có đối trọng và kiểm soát quyền lực. Quốc hội thực sự mạnh khi đại biểu Quốc hội thực sự nói lên tiếng nói cử tri của mình. Muốn làm được điều đó đại biểu phải chuyên nghiệp, là một nghề có thù lao xứng đáng, có đầy đủ phương tiện và điều kiện hỗ trợ phục vụ cho hoạt động. Muốn tòa án mạnh, nhiệm kỳ của thẩm phán phải đủ dài, không hạn chế 5 năm như hiện nay. Tổ chức tòa án phải độc lập, tách ra khỏi ảnh hưởng của lực lượng hành pháp mà tòa án khu vực có thể là một mô hình.

- Xin cảm ơn ông!
Lê Thanh Phong thực hiện

14 thg 5, 2012

“Moi hết tim gan” để nói với Đinh Bộ Trưởng một lần!

Mạnh Quân

LTS: Trong số các comment của bạn đọc gởi đến Báo Người Lao Động hôm nay có một comment rất đặc biệt. Đặc biệt vì nó dài đến hơn 2.500 từ, được viết lên bằng tất cả tâm huyết của tác giả. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý kiến ấy đến bạn đọc.

Đã gần 9 tháng kể từ khi ông Đinh La Thăng được Quốc hội phê chuẩn là Bộ trưởng GTVT. Sau những tuyên bố mạnh mẽ đầu tiên của ông tại Quốc hội và một loạt tuyên ngôn và các hoạt động điều hành của ông trên cương vị người đứng đầu ngành giao thông, cũng đã đủ thời gian để dư luận có những đánh giá đầy đủ hơn về trình độ, năng lực và cả phẩm chất của vị bộ trưởng này.
Ai cũng hiểu, hệ thống giao thông, vận tải có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đến thế nào trong việc phát triển kinh tế, đến đời sống dân sinh. Trong nhiều năm qua, sự yếu kém, lạc hậu của hệ thống đó, tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông thường xuyên ở cả đường bộ, đường sắt… đã gây cản trở biết bao nhiêu cho sự phát triển của nền kinh tế, gây khó khăn biết bao nhiêu cho việc đi lại của người dân.
Chính vì thế, ngành giao thông hơn lúc nào hết, cần một người lãnh đạo có tầm nhìn, hiểu biết, có tài năng và tâm huyết để chỉ đạo, điều hành, tổ chức lại hệ thống yếu kém đó, một cách toàn diện. Đáp lại sự kỳ vọng đó của đa số dân chúng, của cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian đầu, sự xuất hiện của ông Đinh La Thăng - nguyên là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), với những tuyên bố, hành động ban đầu khá mạnh mẽ và rõ ràng, dư luận đã tưởng rằng, đây chính là một người lãnh đạo cần phải có trên chiếc ghế bộ trưởng GTVT.
Ngay trong ngày được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng GTVT, ông Thăng tuyên bố: “Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành, phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”. Ông cũng nói rõ, phương hướng, kế hoạch hành động của mình với báo giới: “Bộ Giao thông sẽ tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn giao thông, thứ ba là ùn tắc giao thông. Tôi sẽ thực hiện quyết liệt 3 vấn đề trên”.
Một hành động khác đáng chú ý của Bộ trưởng Đinh La Thăng sau 2 tháng nhậm chức là khi đi kiểm tra công trình nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng, ông đã chỉ đạo thay chức vụ Trưởng ban quản lý dự án dự án xây dựng nhà ga này. Tiến độ công việc tại dự án này sau đó tiến triển rõ rệt. Với những sự khởi đầu như vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhận được những đánh giá tích cực từ dư luận, báo chí.
Người ta đã tưởng rằng, đây chính là vị bộ trưởng mà ngành giao thông cần có trong thời điểm hiện nay. Trong thời điểm ấy, chỉ có một điểm khá lợn cợn khi người ta đánh giá về Bộ trưởng Thăng là tại kỳ họp Quốc hội, ông có đề nghị Quốc hội dành 40.000 tỷ đồng tổng thu vượt dự toán từ nguồn dầu thô quốc gia để dành hết cho Bộ GTVT sử dụng. Đây là một đề nghị bất ngờ do tính phi lý, cục bộ của người đề xuất.
Nhưng với một loạt hoạt động chỉ đạo, điều hành trực tiếp của ông Đinh La Thăng trong những tháng gần đây đang khiến cho dư luận từ ủng hộ chuyển sang nghi ngờ về năng lực, tầm hiểu biết, phẩm chất thực sự của người đứng đầu ngành giao thông. Một trong những điểm người ta dễ đặt câu hỏi nhất là trình độ hiểu biết pháp luật của Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Một thành viên Chính phủ, đứng đầu một lĩnh vực quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đến quốc kế, dân sinh không thể không hiểu rõ hệ thống, quy định chính sách, pháp luật. Nhưng với nhiều quyết định, chủ trương của ông Đinh La Thăng, người ta không thể không nghi ngờ về sự hiểu biết của ông trong vấn đề này. Ngay từ khi Công văn số 6630/BGTVT-TCCB do ông ký ngày 17-10-2011. Trong đó quy định: “Các đồng chí lãnh đạo thuộc diện bộ quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên không chơi gôn, không tổ chức hoặc tham gia các giải gôn”. Theo ông Lê Hồng Sơn, cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, đây là văn bản có nội dung “sai thẩm quyền, vi phạm quyền cán bộ công chức”.

Một ví dụ khác rõ hơn, ngày 16-3-2012, Bộ trưởng Đinh La Thăng ký ban hành ban hành công văn số 1782 yêu cầu dừng ngay việc nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe cơ giới cải tạo. Công văn có hiệu lực ngay ngày ký. Theo nhiều chuyên gia pháp luật, công văn trên có nhiều điểm sai như: không phải là văn bản quy phạm pháp luật (vì không phải thông tư hoặc thông tư liên tịch hay chỉ thị, quyết định) nhưng yêu cầu dừng thực hiện một văn bản có tính quy phạm pháp luật (Quyết định số 15/2005/QĐ-BGTVT năm 2005 của bộ trưởng GTVT). Hơn nữa, lại yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngành thực hiện ngược lại nội dung trên, thực hiện ngay rồi mới soạn thảo quyết định thay thế quyết định cũ.
Điều này cho thấy, ông Đinh La Thăng thiếu sự hiểu biết về pháp luật mặc dù đây là một kiến thức rất đơn giản mà một cán bộ nhà nước cần phải nắm bắt. Để thực hiện kế hoạch hành động mang tính “đột phá” cho ngành GTVT-giảm ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có những chủ trương và có nhiều chỉ đạo trực tiếp nhưng cho đến nay, những hoạt động này cũng khiến không ít người dân, tổ chức nghi ngờ, mất lòng tin vào các hành động đó.
Cụ thể như việc đổi giờ học, giờ làm ở thành phố Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn đã chứng minh không đem lại hiệu quả. Hay mới đây, việc đề xuất thu thuế hạn chế phương tiện giao thông cũng gây bức xúc lớn không chỉ trong dư luận mà cả các chuyên gia, cán bộ có uy tín của ngành giao thông. Nhiều người đánh giá đây là chủ trương bất hợp lý, không khoa học, làm tăng thêm chi phí vận tải, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam.

Chính vì điều này, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét lại chủ trương này để trình vào một thời điểm khác. Nhưng hết chủ trương trên thì Bộ trưởng Giao thông lại đề ra sáng kiến thu tiền của dân qua “Quỹ tham gia giao thông” - một dạng quỹ có thể coi như quỹ chết - đóng hụi, để dễ thu tiền của người tham gia giao thông khi có vi phạm.
Việc tập trung các giải pháp để giảm tai nạn, ùn tắc giao thông là đúng đắn nhưng nó cần phải bằng các giải pháp thực sự khoa học, có nghiên cứu, tính toán đầy đủ và có tính giải trình cao. Nhưng với tất cả những giải pháp do Bộ GTVT đề xuất như vừa rồi trong đó có những biện pháp, giải pháp có dấu ấn cá nhân của Bộ trưởng Đinh La Thăng nó cho thấy chưa đem lại hiệu quả, chưa tạo được sự ủng hộ từ dư luận, từ nhiều cơ quan, các chuyên gia trong lĩnh vực này. Thậm chí, trong nhiều thời điểm, các giải pháp đó bị đánh giá tiêu cực, khó có thể triển khai do những sự bất hợp lý, thiếu những cơ sở khoa học, thực tế về giao thông đường bộ và không được lòng dân.
Người ta đang lo ngại, với những chính sách mới của ngành GTVT, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam mới bắt đầu hình thành một chút, ngành vận tải… đang đi vào ngõ cụt. Các hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô như đang dần đông cứng lại. Theo số liệu của bộ Tài chính thì chỉ trong quý I/ 2012, số thu thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm trên 4000 tỷ đồng - một số tiền đủ xây dựng gần 20 cái cầu vượt lắp ghép dạng nhẹ đang phát huy hiệu quả chống ùn tắc tại Hà Nội - và nên nhớ - mới chỉ trong 1 quý.
Những bức ảnh mới đây đăng trên các báo về minh họa cho tình trạng ùn tắc giao thông cho thấy, có nhiều con đường lớn ở một số thành phố, phần đường dành cho ô tô vắng hoe trong khi phần đường dành cho xe máy chật cứng như nêm, kéo dài hàng cây số. Phải chăng, nó đang phản ánh cho sự lệch lạc của chính sách?
Trong bối cảnh dư luận thất vọng với những đề xuất, giải pháp mới về chống ùn tắc giao thông thì việc mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng lại có đề xuất dành hơn 10.000 tỷ đồng để đầu tư cho hệ thống văn phòng, trụ sở làm việc của Bộ GTVT càng khiến hình ảnh tốt đẹp mà vị Bộ trưởng này gây dựng được trong mấy ngày đầu biến mất trong cách nhìn của những người ủng hộ, có lẽ còn rất ít ỏi của ông.
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, chính Bộ trưởng GTVT còn phải nghĩ nhiều cách để thu thật nhiều tiền của dân qua việc đề xuất thu nhiều loại phí giao thông đường bộ như phí hạn chế phương tiện rồi “quỹ tham gia giao thông”… để có tiền đầu tư, thì việc đề xuất dành hơn 10.000 tỷ đồng trên để xây dựng trụ sở làm việc cho thấy cách xử lý, tầm nhìn của một vị bộ trưởng như vậy là rất có vấn đề.
Hơn nữa, trong khi các bộ khác: Kế hoạch, Tài chính… bắt đầu thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công mà Chính phủ yêu cầu thì việc lãnh đạo Bộ GTVT lại đề xuất đầu tư cả chục ngàn tỷ đồng cho trụ sở như vậy, thật là điều bất bình thường.
Đáng nói hơn nữa, là Bộ trưởng GTVT còn đề xuất vay vốn ODA để xây trụ sở lại càng phản cảm vì vốn ODA là vốn vay, cuối cùng cũng phải trả bằng những đồng tiền thuế do dân, doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách và nó chỉ nên sử dụng, đầu tư cho những công trình, dự án cấp bách cho phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải để làm nhà làm việc cho ngành giao thông.
Nhưng giao thông cũng không chỉ có chuyện ùn tắc, tai nạn. Người ta cũng chưa thấy vai trò của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc xử lý nhiều vấn đề quan trọng khác của ngành này. Như tình trạng làm ăn thua lỗ, bết bát của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành giao thông: tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)…

Trong khi Vinalines đang làm ăn thua lỗ hàng ngàn tỷ, hàng chục tàu cũ lạc hậu… thì việc quy hoạch, tiếp tục dành cả 100.000 tỷ đồng đầu tư cho doanh nghiệp này liệu có phải là giải pháp đúng đắn? Hay trong lĩnh vực hàng không, trong khi cần phải xây dựng một môi trường cạnh tranh thì việc cho phép Vietnam Airlines thâu tóm, chiếm cổ phần chi phối trong hãng hàng không Jetstar Paciffic để độc quyền khoảng 90% thị trường hàng không trong nước có đúng đắn?
Sự yếu kém, lạc hậu của hệ thống giao thông đường sắt, chưa thấy có những đổi mới đáng kể nào từ khi Bộ trưởng Đinh La Thăng lên nắm quyền. Một câu chuyện liên quan đến tính trung thực của Bộ trưởng. Trong khi Chánh văn phòng Bộ GTVT khẳng định xe Land Cruiser chở Bộ trưởng Đinh La Thăng đã bị một ôtô khác đâm trong chuyến công tác tại Ninh Bình, thì ông Thăng phủ nhận sự việc đó: "Không có chuyện ai bị tai nạn nào hết. Tôi khẳng định là không có chuyện đó". Người ta tất nhiên có quyền đặt câu hỏi nghi vấn về lời thanh minh của Bộ trưởng bởi ba nhẽ: báo chí trưng ra hình ảnh ô tô của ông bị đâm; chánh văn phòng là người phát ngôn của bộ nên lời của ông mang tính chính thức của tổ chức; không một báo nào đăng tin bộ trưởng đâm đã phải cải chính, nếu họ đưa tin không đúng.
Cơ sở hạ tầng đang là 1 trong 3 nút thắt để Việt Nam phát triển. Giải quyết nó không phải là những tuyên bố ngẫu hứng, những văn bản tùy tiện. Hơn lúc nào hết, ngành giao thông cần một bộ trưởng có phẩm chất của một nhà chính trị và nhà kỹ trị, có cái nhìn dài hạn, bao quát và ý thức được những tuyên bố và chính sách của mình đối với sự phát triển của đất nước. Nhìn toàn diện tất cả các vấn đề như vậy để thấy, mặc dù ngành GTVT đang rất cần phải có một Bộ trưởng giỏi giang, quyết đoán, có tâm, có tầm nhưng cho đến giờ này, với lựa chọn là Bộ trưởng Đinh La Thăng, có thể cần phải xem lại. Cũng có thể nói, BT Đinh La Thăng có một số phẩm chất tốt: quyết đoán, nhanh nhẹn, dám làm… nhưng ở cương vị một chính khách, một bộ trưởng có lẽ phải cần nhiều hơn thế: tầm hiểu biết, cách làm bài bản, khoa học - những điều người ta chưa thấy có ở ông mà người ta chỉ thấy rõ hơn đó là sự nóng vội và nông nổi.
Thường vụ Quốc hội mới rồi họp cũng đã có bàn đến việc bỏ phiếu tín nhiệm với cấp bộ trưởng trở lên. Việc này nếu làm được, sẽ giúp Quốc hội đánh giá, nhìn nhận lại những chức danh đã phê chuẩn-để có những vị trí nào chưa phù hợp, có thể điều chỉnh lại, có thể, bước đầu là rất nên với vị trí Bộ trưởng Bộ GTVT?

Mạnh Quân

13 thg 5, 2012

KHI NHÀ BÁO BỊ ĐÁNH

http://phamduynghia.blogspot.jp/2012/05/normal-0-false-false-false-en-us-x-none.html

Khi không thể chối cãi mãi được nữa, chính quyền tỉnh Hưng Yên, dù chưa biết xin lỗi, song đã bắt đầu lấy làm tiếc về việc lực lượng cưỡng chế ở Văn Giang đánh người. Thật trớ trêu, người bị đánh đòn đau lại là hai nhà báo từ trung ương. Mặt mày sưng húp rồi cũng sẽ lành, song nỗi đau tinh thần sẽ mãi ê ẩm với cảnh đánh đập hung tợn này.
Gần hai vạn phóng viên của 800 cơ quan báo chí nước ta rất dè dặt, chưa dám phanh phui những nhức nhối ẩn sau vụ thu hồi đất mang tính kinh điển này. Một ống kính bí hiểm, cho đến nay vẫn chưa lộ danh tính, đã chộp lấy cảnh hành hung, sau khi được tung lên mạng, đoạn video clip lan truyền nhanh chóng, day dứt nhiều, dần dần lộ ra danh tính của các nạn nhân. Không có đoạn video clip đó, không có sự phản ứng của công chúng trên mạng, nếu người bị hại cũng cam nín lặng, ai dám tin rằng ở đất nước chúng ta hàng chục dân phòng và cảnh sát lại xúm vào đánh hội đồng một người không có khả năng kháng cự giữa thanh thiên bạch nhật.
Người ta bảo ánh nắng làm chết vi trùng. Bưng bít thông tin chỉ làm cho sự gian trá lên ngôi. Ngày nay, với chiếc điện thoại di động bé xíu, một người nông dân vốn quen cầy cuốc bỗng chốc có thể trở thành nhà báo công dân. Mẩu video clip trở thành chứng cứ buộc chính quyền tỉnh Hưng Yên phải đối mặt với sự thật, đối mặt với trách nhiệm giải trình.
Để giữ lấy sự chính danh, xứng đáng đại diện cho nhân dân để cầm quyền, Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố xây dựng một chính quyền minh bạch. Báo chí là một trụ cột góp phần tạo nên sự minh bạch ấy. Muốn làm được điều đó, nhà báo phải có quyền được an toàn, được tự do hành nghề. Luật pháp Việt Nam không hề thiếu những cam kết đó.
Đối mặt với những thế lực không ưa sự minh bạch, nguy cơ nhà báo bị cản trở tác nghiệp tự do, bị mua chuộc, bị đe dọa hoặc thậm chí bị đánh là những rủi ro nghề nghiệp thường thấy. Theo một nghiên cứu của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam công bố tháng 10/2011, có tới 12 loại hành vi cản trở báo chí tác nghiệp rất phổ biến ở Việt Nam. Trong số các hành vi cản trở đó, đe dọa, giữ người, khủng bố tinh thần nhằm vào cá nhân và người thân trong gia đình nhà báo, trả thù phóng viên do viết bài phanh phui tiêu cực là các hành vi thường xảy ra. Vì lẽ ấy, dấn thân cho một nền báo chí trung thực và có trách nhiệm trước công chúng quả thật là một cam kết không kém phần nguy hiểm.
Hành vi hành hung nhà báo không chỉ làm tổn thương sức khỏe, tinh thần, danh dự và nhân phẩm của cá nhân người bị hại. Đằng sau báo chí là hàng triệu người dân với quyền được biết về những gì đang xảy ra trên đất nước này. Mỗi nhà báo bị đánh là ẩn chứa một mưu đồ bưng bít thông tin. Không được biết, không được bàn thì khó giám sát, quyền lực thực sự của nhân dân sẽ bị cản trở ngay từ quyền được tiếp cận thông tin. Vì lẽ ấy, những hành vi hành hung nhà báo làm tổn thương đến hàng triệu bạn đọc, chúng cần bị nghiêm trị bởi pháp luật và lên án bởi toàn xã hội.
Hai nhà báo bị đánh ở Văn Giang, thêm một lời cảnh báo để xây dựng một chính quyền mạnh chúng ta cần chung tay xây dựng một xã hội công dân mạnh, có năng lực phản kháng chống lại những điều ác, bất công và tàn nhẫn vẫn còn nhởn nhơ tồn tại trong xã hội này.

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN QUA LĂNG KÍNH VĂN GIANG

Trịnh Hữu Long

(NCTG) Cả một hệ thống các văn bản pháp luật đồ sộ và phức tạp, từ luật đất đai, đến các nghị định của Chính phủ và thông tư của các cơ quan bộ, ngành,… được người dân Văn Giang viện dẫn để chứng minh cho những quyền lợi mà đáng ra họ phải được hưởng. Sau 8 năm theo đuổi khiếu kiện, họ đã thành… những chuyên gia về luật đất đai từ lúc nào không hay. Song có một văn bản họ chưa bao giờ nhắc tới…

  
Quang cảnh Văn Giang trong buổi sáng xảy ra vụ cưỡng chế - Nguồn: Internet.

Người dân Văn Giang chúng tôi chỉ muốn tuân thủ pháp luật, muốn chính quyền và chủ đầu tư thực hiện đúng pháp luật chứ không mong muốn gì hơn”. 


Đây là điều được ông Nguyễn Văn Bính (70 tuổi, xóm 3 xã Xuân Quan – Văn Giang) cũng như rất nhiều nông dân khác khẳng định, liên quan đến vụ cưỡng chế thu hồi đất ngày 24-4-2012 tại địa bàn này. Trong khi các nhà nghiên cứu lý luận và các luật gia đang cố công phân tích bản chất của nhà nước pháp quyền trên những tạp chí chuyên ngành uy tín, trong khi nhà nước đang ra sức tuyên truyền về tinh thần 
thượng tôn pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, thì bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy tinh thần cốt lõi đó của nền pháp quyền trong lời nói và hành động của những người nông dân Văn Giang này trong gần 8 năm qua. 

Cả một hệ thống các văn bản pháp luật đồ sộ và phức tạp, từ luật đất đai, đến các nghị định của Chính phủ và thông tư của các cơ quan bộ, ngành,… được người dân Văn Giang viện dẫn để chứng minh cho những quyền lợi mà đáng ra họ phải được hưởng. 


Ông Lê Thạch Bàn (xóm 4, xã Xuân Quan) cho rằng: “ 
Trên văn bản, tỉnh Hưng Yên quy định đây là đô thị loại IV. Theo khung giá đất nhà nước ban hành (kèm theo Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ), giá cao nhất cho đô thị loại IV là 13.350.000 đ/m2, thấp nhất là 50.000 đ/m2, bình quân là 6,7 triệu đồng/m2. Nhà nước chỉ đóng vai trò là trọng tài giúp chúng tôi thương lượng với nhau một mức giá thuận mua vừa bán nào đấy, chứ sao lại đem lực lượng hùng hậu như vậy cưỡng chế chúng tôi phải nhận có 135.000 đ/m2 như vậy?”. 

Mặc dù viện dẫn rất nhiều văn bản như vậy, có một văn bản họ chưa bao giờ đề cập tới, đó là Hiến pháp. 


Dự án Ecopark phục vụ an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia? 


Năm 2004, dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (sau này được biết đến với tên gọi là khu đô thị sinh thái Ecopark) được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) làm chủ đầu tư. Quyết định thu hồi đất cũng được ban hành ngày 30-6 cùng năm và để thực hiện quyết định này, 3.900 hộ dân của 3 xã Cửu Cao, Xuân Quan và Phụng Công sẽ gần như không còn đất sản xuất nông nghiệp – vốn là sinh kế duy nhất của họ từ nhiều thế hệ qua. Với mức giá đền bù chỉ ở mức 135.000 đ/m2, mỗi hộ dân có 5 nhân khẩu và 2.5 sào ruộng ở đây có thể nhận về số tiền hơn 120 triệu đồng. Số tiền này đủ để duy trì cuộc sống của 5 con người trong vòng 1 năm, trước khi họ rơi vào thế bần cùng. Quyết định thu hồi đất trở thành cái án nặng nề cắt đứt nguồn sống của họ. Hiến pháp – đạo luật gốc – là căn cứ cao nhất để xem xét tính chất pháp lý của quyết định này. 



  
Những hình ảnh hãi hùng của cuộc cưỡng chế - Nguồn: Internet

Ở Việt Nam, đại đa số người dân chưa có thói quen viện dẫn đến Hiến pháp để xác định tính chất pháp lý của một vấn đề. Với tư cách là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, Hiến pháp chi phối mọi nội dung và thể thức của toàn bộ hệ thống pháp luật. Người dân vẫn chỉ quan tâm đến tính hợp pháp (hiểu theo nghĩa là tính phù hợp với văn bản luật), chứ chưa có nhiều khái niệm về tính hợp hiến của vấn đề. 

Vốn dĩ, điều 23 Hiến pháp 1992 quy định: “ 
Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”. 

Như vậy, với tư cách là chủ sở hữu quyền sử dụng đất, các hộ nông dân ở Văn Giang chỉ bị nhà nước trưng mua, trưng dụng quyền sử dụng đất đã được giao, cho các mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, theo giá thị trường. Trong khi đó, Ecopark là một dự án đầu tư xây dựng khu đô thị của Vihajico – vốn là một công ty cổ phần, thuộc sở hữu tư nhân và hoạt động vì mục đích lợi nhuận của các cổ đông góp vốn. Bằng bất cứ cách nào, người ta cũng không thể gán cho những tòa biệt thự, những hồ bơi của Ecopark vào một mục đích nào trong 3 mục đích được minh định tại điều 23 của Hiến pháp kể trên. 


Giả định Ecopark thỏa mãn điều kiện về mục đích trưng mua, trưng dụng, thì cái giá 135.000 đ/m2 có được coi là giá thị trường? Sẽ cần đến những tổ chức định giá độc lập hoặc những quy trình thẩm định nghiêm túc để định đoạt đâu là giá thị trường của những thửa đất nằm sát địa phận Hà Nội này. Nhưng đối với những người nông dân trồng cây cảnh ở Văn Giang, giá trị của đất nằm ở con số hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/sào mà họ thu được mỗi năm và nuôi sống gia đình họ từ năm này qua năm khác. Còn đối với chủ đầu tư, họ cũng sẽ thu được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu nhưng không phải tính trên đơn vị “sào”, mà là mét vuông, một khi các căn hộ, các lô đất ở đây được rao bán. 


Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật, UBTƯMTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP. HCM cho rằng: “ 
Xét về mặt Hiến pháp cũng như về Luật đất đai 1993 (*) thì việc thu hồi đất ở Văn Giang là không đúng. Bởi vì Hiến pháp và Luật đất đai 1993 xác định chỉ những công trình an ninh, quốc phòng hoặc phúc lợi chung thì nhà nước mới đứng ra cùng với nhân dân trao đổi, bàn bạc đi đến phương án giải tỏa, còn đối với các công trình kinh tế thì nhà đầu tư phải trực tiếp thương lượng với dân theo giá thị trường chứ nhà nước không thể đứng ra thay mặt cho nhà đầu tư thu hồi, giải tỏa với giá rẻ mạt như vậy được”. 

Rõ ràng, nếu chúng ta có một cơ chế bảo hiến hiệu quả, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ gặp rắc rối lớn với Tòa án Hiến pháp khi cưỡng chế thu hồi đất của nông dân Văn Giang với mức giá bị cho là rẻ mạt và giao cho chủ đầu tư kinh doanh. 


Dấu hiệu vi hiến của một đạo luật quan trọng 


Việc thu hồi đất ở Văn Giang nêu trên chỉ là dấu hiệu vi hiến của một hành vi, nhưng sâu xa hơn là dấu hiệu vi hiến của một đạo luật quan trọng. 


Để đi tìm một mục đích phù hợp cho việc thu hồi đất bàn giao cho chủ đầu tư dự án, người ta viện dẫn đến Luật đất đai 2003, vốn quy định tại điều 38 rằng: “ 
Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: 1. Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế;…”. Rất dễ để thuyết phục bất kỳ ai rằng các dự án như Ecopark là nhằm mục đích phát triển kinh tế. 

Như vậy, so với quy định tại điều 23 Hiến pháp, khái niệm “trưng mua”, “trưng dụng” đã bị thay thế bởi khái niệm “thu hồi” và xuất hiện thêm 2 mục đích thu hồi không có trong Hiến pháp là “ 
lợi ích công cộng” và “phát triển kinh tế”. 

Trước đó, Luật đất đai năm 1993 cũng quy định tại điều 27 rằng: “ 
Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”. 

Như vậy, cùng một nội dung hiến định tại điều 23 của Hiến pháp, Luật đất đai 1993 bổ sung mục đích “ 
lợi ích công cộng”, đến Luật năm 2003 tiếp tục bổ sung thêm mục đích “phát triển kinh tế”. Nhờ mục đích “phát triển kinh tế” này và sự nhập nhèm trong cách giải thích luật, nhà nước đã tạo ra một cơ chế bảo vệ cho quá trình dịch chuyển một cách không tự nguyện quyền sử dụng đất đai từ tay người nông dân vào tay các nhà đầu tư, quá trình mà đúng ra phải là thỏa thuận dân sự thuần túy giữa hai chủ thể. Dễ dàng nhận thấy ai là người phải chịu thiệt từ cơ chế này. 


 
Nông dân Văn Giang tìm cách trở lại khu vực đã bị cưỡng chế và tiếp tục canh tác.
 Ảnh: Minh Quang (“Tuổi Trẻ”)

Trong các phát biểu của mình, PGS-TS. Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội) cũng cho rằng: “Việc luật đất đai quy định thêm các trường hợp được phép thu hồi đất như “lợi ích công cộng”, “phát triển kinh tế” đã được tôi và các đồng nghiệp đánh giá rất nhiều lần là vi hiến. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có Tòa án Hiến pháp, nên chưa có cơ chế nào để phán quyết tính vô hiệu của các quy định này”. 

Trước năm 1958, nước Pháp cũng rơi vào tình trạng luật ban hành ra có những nội dung trái Hiến pháp nhưng không có một cơ quan có chức năng bảo hiến nào để bác bỏ các đạo luật này. Trong khi đó, các cơ quan hành chính lại rất nhuần nhuyễn trong việc đảm bảo tính hợp pháp trong các quyết định hành chính của mình. Khi luật ban hành ra đã vi phạm Hiến pháp, thì mọi biện pháp thực thi luật đều không có giá trị. Đó là lý do ngày nay nước Pháp có một cơ chế bảo hiến đủ mạnh để tuyên vô hiệu đối với bất kỳ đạo luật vi hiến nào. Một quốc gia không xây dựng được cơ chế bảo vệ Hiến pháp của mình, khó có thể nói là họ đang xây dựng nhà nước pháp quyền. 


Ghi chú: 


(*) Quyết định thu hồi đất cho dự án Ecopark được ban hành vào ngày cuối cùng khi Luật đất đai 1993 còn hiệu lực.
Trịnh Hữu Long