4 thg 11, 2010

Cơ chế Thủ tướng chủ quản?

Cơ chế Thủ tướng chủ quản?

Nguyễn Quang A
clip_image003
 
"Chúng sử dụng quá nhiều nguồn lực của nhà nước nhưng mang lại thành tích rất không tương xứng". Ảnh Lao Động.
 
Với mấy chục bộ và 19 tập đoàn tổng công ty như vậy, số đầu mối mà Thủ tướng phải trực tiếp điều khiển là quá lớn, vượt quá khả năng của một người, dẫu tài giỏi đến đâu.
Phiên họp của Quốc hội đã thực sự nóng khi có đại biểu kiến nghị lập Ủy ban điều tra về Vinashin và bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ vào cuối kỳ họp này. Đấy là những kiến nghị hợp pháp nhưng chưa rõ sẽ có được thực hiện không.
Vinashin, với khoản nợ lúc đầu được cho là 86 ngàn tỷ đồng, nay có thể lên 120 hay 130 ngàn tỷ (khoảng 4,5- 5% GDP). Không nghiêm túc cải tổ một cách quyết liệt các tập đoàn kinh tế nhà nước, sẽ có thể có thêm các Vinashin khác và có thể nguy hiểm cho nền kinh tế nước nhà. Chúng sử dụng quá nhiều nguồn lực của nhà nước nhưng mang lại thành tích rất không tương xứng. Có lẽ, từ bài học Vinashin, đã đến lúc chúng ta phải xem lại cụm từ "kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo".
Trước kia các tổng công ty còn do các Bộ (và một vài địa phương) quản lý trực tiếp (tức là Bộ là đại diện chủ sở hữu nhà nước, quyết định về nhân sự, kế hoạch..., giám sát hoạt động của chúng) vì thế người ta gọi là các bộ chủ quản. Cơ chế này có nhiều khiếm khuyết và bị kiến nghị hủy bỏ.
Với các tập đoàn (mà thực ra vẫn là các tổng công ty nhà nước có gắn thêm hai chữ “tập đoàn”) và các tổng công ty 91, các Bộ chủ quản trước kia nay mất các quyền quản lý đó mà chỉ tập trung vào quản lý nhà nước về ngành mình phụ trách.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, “Theo quy định, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền tập trung quản lý nhà nước và quyền chủ sở hữu của nhà nước đối với tập đoàn”. Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm các thành viên và chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc của các tập đoàn. Hiện tại có 19 tập đoàn và tổng công ty do Thủ tướng trực tiếp quản lý như vậy.
Với cơ chế Thủ tướng chủ quản này, quyền lực kinh tế đã tập trung quá cao vào tay một người và ẩn chứa những rủi ro khôn lường (thời xưa rải ra các Bộ và các địa phương, nên rủi ro cũng được trải ra và có thể không đến mức khốc liệt như với cơ chế Thủ tướng chủ quản).
Với mấy chục bộ và 19 tập đoàn tổng công ty như vậy, số đầu mối mà Thủ tướng phải trực tiếp điều khiển là quá lớn, vượt quá khả năng của một người, dẫu tài giỏi đến đâu. Không những thế chính trị gia hàng đầu của đất nước không thể đồng thời đảm nhiệm việc liên quan đến kinh doanh trực tiếp như vậy.
Liệu đã đến lúc cần xem lại cơ chế Thủ tướng chủ quản?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét