Trần Minh Thảo
Tác giả đặt ra nhiều câu hỏi về những vấn đề rất căn bản của thể chế, của đường lối đối nội, đối ngoại hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 chưa khiến ông (và chắc chắn là rất nhiều người nặng lòng với đất nước ) yên tâm. Trong đó vấn đề bản chất của nhà nước hiện hành chắc là đề tài gây nhiều tranh cãi. Có một chuyện khá tế nhị, “tưởng dzậy mà không phải dzậy”. Đó là chuyện “linh hoạt, sáng tạo” của người cai trị. Tất nhiên “linh hoạt, sáng tạo” thì không thể có nhà nước pháp quyền, thì sẽ có nền hành chính không giống ai, sẽ vô chính phủ, phe cánh, mafia… Nhưng cũng chính “linh hoạt, sáng tạo” nên mới có Nghị quyết 6 phá vỡ vòng kim cô của “chủ nghĩa xã hội” về kinh tế. Đó là mặt tích cực của “linh hoạt, sáng tạo” trong hoàn cảnh ta cứ bị cái bóng của “hai ông Tây có râu” nó đè mãi không thoát ra nổi nên cứ phải hô to “kiên trì”. Vậy các nhà cai trị kỳ này lại “linh hoạt, sáng tạo” một lần nữa để giải phóng sức bật của đất đai khỏi cái gông “công hữu”, giải phóng sức sáng tạo của người dân khỏi cái cùm “độc… lãnh…”. Cứ thế mà “diễn biến” dần cho đến đứt cái đuôi “định hướng”. Xong việc rồi ta sẽ thề đoạn tuyệt với “linh hoạt, sáng tạo” để quyết trung thành với nguyên tắc dân chủ pháp quyền. Khi ấy mới mong “dân giàu, nước mạnh” để không ai có thể “thỏa hiệp trên lưng mình”. Bauxite Việt Nam |
Một vị tướng (vừa trở thành Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) trả lời phỏng vấn rất mạnh, hợp lòng dân, bộc lộ ý chí của một dân tộc tự quyết định vận mệnh của đất nước:
Không để nước khác thỏa hiệp trên lưng mình. Trăm năm qua, đã mấy lần Việt Nam trơ mắt nhìn người ta bắt tay thỏa hiệp trên lưng? Đã phản ứng thế nào? Nếu người ta lại thỏa hiệp lần nữa thì Việt Nam hành xử ra sao? Thử xem bằng cách nào Đảng biến lời nói thành sức mạnh chặn đứng những bàn tay bẩn thỉu âm mưu “đẩy tốt qua sông” lần nữa (thỏa hiệp trên lưng hay bắt tay qua đầu khi có cùng một điều kiện: kẻ có lưng sẵn sàng khòm, có đầu sẵn sàng cúi).
Có thể khẳng định, một nhà nước tồi với một dân tộc hèn thì tránh sao được việc người ta “múa gậy vườn hoang” trên vận mệnh dân tộc mình.
Nói về nhà nước, trước hết phải xem xét từ kiểu nhà nước (quốc gia, chính quyền).
Đặc điểm của nhà nước hình thành sau mỗi cuộc khởi nghĩa nông dân thành công là:
-Bộ máy cai trị cha truyền con nối (phụ thừa tử kế, con thầy chùa lại quét lá đa)
-Công hữu tài sản (chủ yếu là đất đai, dạng của cải quan yếu nhất của nền kinh tế nông nghiệp tuy đã phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại, “đất đai” là nhân tố quyết định nổ ra khởi nghĩa nông dân).
-Nhà nước vô chính phủ (cai trị bằng ý chí của giai cấp thống trị đại diện bởi vị hoàng đế danh nghĩa – tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung gì đấy). Nhà nước ấy tất yếu là duy ý chí, điều hành bởi lợi ích phe nhóm, thỏa hiệp phe nhóm, coi nhà nước pháp quyền là thứ yếu, thậm chí là thù địch, là âm mưu diễn biến hòa bình. Luật pháp chỉ áp dụng cho thứ dân.
-Quan hệ xã hội là quan hệ trên-dưới, lớn-nhỏ, chủ-tớ.
-Quyền lực cai trị là tập hợp các thế lực, các thủ lĩnh của mỗi thế lực tạo địa bàn cát cứ khi mạnh lên sẽ tiêu diệt các thế lực khác, chưa mạnh hẳn thì thỏa hiệp phân chia quyền lực. Ông vua chỉ còn là “nhân danh”.
-Ngay khi cuộc khởi nghĩa nông dân toàn thắng thì đã manh nha trong lòng nó một cuộc khởi nghĩa nông dân khác.
Mô hình cai trị sau khởi nghĩa nông dân thành công từng bị những nhà lý luận Mác-xít kết án là phản bội giai cấp.
Xét khái quát tình hình chính trị xã hội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì thấy đúng như vậy. Bộ máy cai trị ở Trung Quốc là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khởi nghĩa nông dân thành công, đi lên từ hai thế lực: thái tử đảng (cha truyền con nối) và đoàn phái (còn gọi là đội hậu bị của Đảng – cũng là thành phần cốt cán – con ông cháu cha, phần còn lại không phải là con ông cháu cha thì chỉ là thành phần “giơ tay nhất trí”), đất đai vẫn được coi là tài sản chủ yếu thuộc quyền quản lý của tầng lớp thống trị (công hữu), ý chí của tầng lớp thống trị là vô đối, trái với ý chí đó đều bị buộc tội là phản động (vụ Lưu Hiểu Ba và Hiến chương 08 là một dẫn chứng. Do đó, giải Nobel Hòa bình cho ông được coi là một cú đánh vào thành trì thống trị của Đảng, là chống phá nhà nước Trung Quốc, thứ nhà nước “khởi nghĩa nông dân”).
Việt Nam giống Trung Quốc đến mức nào?
Nhà nước linh hoạt, sáng tạo hay nhà nước vô chính phủ và cơ chế thủ lĩnh?
Do thói quen hay cố ý, khái niệm nhà nước và chính quyền thường dùng thay thế nhau gây nhầm lẫn. TS Cù Huy Hà Vũ bị cáo buộc tội chống nhà nước (Xhcnvn) nhưng xét việc làm của ông thì “nhà nước” ở đây là “chính quyền”, không phải là “quốc gia”. Phản đối chính quyền, phê phán chính quyền, buộc tội chính quyền không coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, chỉ chú ý vun vén lợi ích phe nhóm, xâm hại lợi ích quốc gia thì không phải là chống nhà nước. Việc ấy, trong các xã hội trọng pháp, người công dân có quyền làm dựa trên luật pháp. Cũng không chừng, việc bắt vị tiến sĩ luật là theo phương thức “thần thiêng nhờ bộ hạ”, bộ hạ thực hiện mà thần muốn còn thiêng nên cũng phải gật đầu (tức là thực quyền nằm ở bên dưới). Xét rộng ra, theo tôi, những việc làm rất có trách nhiệm của TS Cù Huy Hà Vũ là để bảo vệ, kiện toàn nhà nước ở cả hai nghĩa: quốc gia, chính quyền.
Tại một địa phương, vị Chủ tịch UBND bị “đấu tố”: làm gì cũng luật và luật, không có năng lực sáng tạo, linh hoạt. Vị Chủ tịch bị mất chức, bị thuyên chuyển. Ở một địa phương kế cận, vị Chủ tịch UBND lại được khen biết làm việc, rất linh hoạt. Vị này được cho đi tham quan, học hỏi nước anh em, tương lai còn lên. Sáng tạo, linh hoạt chính là mị dân, tùy tiện, vô chính phủ, bất chấp luật lệ, lợi ích nhân dân, quốc gia (một thứ chủ nghĩa dân túy kiểu châu Á?). Nhưng tại sao đảng cầm quyền đánh giá cao những đảng viên “sáng tạo, linh hoạt”, lên án những đảng viên nào có ý thức về kỷ cương, luật pháp là chống Đảng? Phương thức điều hành việc nước của đảng cai trị nói lên điều đó. Đó là phương thức “kiên định, sáng tạo” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong dự thảo nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI. “Kiên định, sáng tạo” phải chăng là tùy tiện, duy ý chí, coi nhẹ lợi ích của nhân dân, đất nước?
Vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, vụ phá sản tập đoàn Vinashin, đại dự án đường sắt cao tốc, bán đất rừng… cũng nằm trong “phạm trù” nhà nước (chính quyền) linh hoạt, tùy tiện, nhân danh nhà nước (quốc gia) làm những việc xâm hại an ninh quốc gia. Chứng minh ai đó nhân danh Đảng chấp chính hay nhà nước, làm trái luật có hại cho dân tộc là không khó. Nhà nước linh hoạt, tùy tiện thực chất là nhà nước vô chính phủ. Một nhà nước vô chính phủ lại buộc tội người khác chống phá nhà nước, vi phạm pháp luật thì có hợp lý, hợp lẽ? Không hợp lý lẽ nhưng phải chăng hợp với quyền lợi của từng phe nhóm, từng vùng ảnh hưởng của các thủ lĩnh trong đảng cai trị?
Một vài dẫn chứng cho thấy cai trị kiểu “vô chính phủ” đã đưa đất nước lâm vào tình trạng tệ hại hiện nay:
-Về nội trị
1/Tấm bản đồ lốm đốm
Trong Hội thảo góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI do Hội Khoa học Kinh tế và Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) tổ chức, với sự tham dự của 22 trí thức - đảng viên cao cấp, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương, có một vị yêu cầu Đảng, Nhà nước công khai bản đồ Việt Nam ghi rõ các nơi có sự đứng chân của Trung Quốc. Nếu Đảng, nhà nước làm việc đó thì bản đồ Việt Nam là một thứ lốm đốm, da báo, xôi đậu (một thứ dư đồ rách của Tản Đà).
(Nguyễn Trung: “
Tôi chỉ xin đề nghị thế này, nếu Đại hội chưa làm được cái việc này xin làm ơn vẽ cho một cái bản đồ của nước ta ở những địa điểm nào Trung Quốc có những xí nghiệp gì. Các anh chỉ cần nhìn vào cái bản đồ này thôi các anh sẽ thấy vấn đề nó ra làm sao.”). (Toàn văn hội thảo nghe, xem
tại đây).
Vậy TS Cù Huy Hà Vũ chống nhà nước nói chung – là quốc gia (thực chất, chống như vậy cũng là vô chính phủ) – hay chống loại nhà nước (chính quyền) rước người ngoài vào “chiếm đóng”, “khai thác”, khuynh loát đất nước? Xét các cáo buộc của vị tiến sĩ luật thì thấy ông không chống nhà nước, ông chỉ chống những người nhân danh lợi ích đảng cai trị, nhà nước làm khốn quốc gia.
Tấm bản đồ lốm đốm, xôi đậu còn cho thấy tư tưởng nước lớn nước nhỏ, dưới trên, chủ tớ của văn hóa Khổng Nho được Đảng Trung Quốc hiện đại hóa về ngôn từ (anh em đồng chí “4, 16” gì đấy).
2/ Hành tinh Oxy
Là nhan đề cuốn truyện khoa học giả tưởng của một nước Đông Âu ("Hành tinh Oxy" của Klara Seher, nữ văn sĩ người Hungary (?), đã được dịch và nhà xuất bản Kim Đồng phát hành 30 năm trước). Trên hành tinh này có một thiên đường của tầng lớp cai trị thừa mứa oxy và một địa ngục mà oxy được bọn thống trị cấp phát hàng ngày như một thứ ân huệ hoặc trừng phạt.
Ở Việt Nam, thỉnh thoảng nghe nói ông này, bà kia chỉ dùng rau trái sạch trong nhà kính, có bệnh viện riêng rất hiện đại, ăn uống hàng ngày cũng khác dân thường (BBC:
Phở cộng sản)... Trung Quốc và Việt Nam có những đặc điểm của hành tinh “thiên đường oxy”? Việt Nam hiện nay có không một tầng lớp ngồi ở trên và đại bộ phận sống lay lắt ở dưới? Ai đụng đến “thiên đường oxy” đều bị khoác tội “chống phá nhà nước XHCN”?
3/”Kẻ ăn không hết, người lần không ra”
Vinashin mất khả năng chi trả nợ đến hạn, Evn thì tự thú đang đứng ở chân tường và kiên quyết tăng giá điện trong năm 2011 (xem
tại đây )... Nhiều ý kiến chuyên môn nói nợ quốc gia ở mức báo động nhưng chưa nghe Đảng khẳng định nợ nhà nước đang ở mức an toàn. Trong khi đó các đại gia ngày càng giàu, các nhà văn, nhà báo có tâm huyết gọi họ là “trọc phú” do cách xài tiền “kiểu Mỹ”. Trong một xã hội phần nhỏ “ăn không hết”, phần lớn “lần không ra”, của cải xã hội nhiều lên do đổi mới chủ yếu nằm trong tay ai? Sự sụp đổ, nợ nần, thua lỗ của các tập đoàn nhà nước làm ai giàu lên, ai nghèo đi, thành phần nào trong xã hội dễ bị tổn thương do các cuộc khủng hoảng sinh ra từ đường lối, chính sách “vô chính phủ”?
Về ngoại giao
4/ Bán và mất
Phải bán gì và phải mất gì để Việt Nam trở thành “hành tinh Oxy”? Một quyền lực cai trị không thể không linh hoạt, không thể không vô chính phủ là vì lẽ gì? TS Cù Huy Hà Vũ và những vị đang ngồi tù vì tội “chống phá nhà nước” có lẽ tin rằng có thể chuyển hóa một nhà nước (chính quyền) lạc hậu, vô chính phủ, chia năm xẻ bảy thành một nhà nước thống nhất, văn minh, hiện đại, thượng tôn pháp luật? Có thể chặn đứng việc “bán” và “mất” những thứ quý giá nhất của Tổ quốc? Theo tôi, sau Đại hội, Đảng nên mở một đợt sinh hoạt chính trị nội bộ, cung cấp đủ thông tin về “bán” và do đó bị “mất” những gì cho 3,5 triệu đảng viên và người dân biết. Có làm được không? Ít ra là nên cho đảng viên và người dân biết về “tấm bản đồ lốm đốm” và “tình hình biển Đông không có gì mới”.
5/ Ý bạn là ý trời?
Vụ hai lãnh đạo cũ kết tội ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội tội chống Đảng do ông ấy đề nghị sửa hiến pháp (xem
tại đây), vụ bauxite Tây Nguyên được nói là “chủ trương lớn” của Đảng, đường sắt cao tốc được khẳng định không thể không làm,… những việc lớn đó là theo ý muốn của ai? Dư luận trong, ngoài nước nói Việt Nam không thoát ra được cái bóng của Trung Quốc, không thể có độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ? Ai đã đưa đẩy đất nước vốn “ra đường gặp anh hùng” đến tình trạng tồi tệ đó?
6/ Kim chỉ nam hay kim chỉ bắc?
Một nhà nước sinh ra từ cuộc khởi nghĩa nông dân thì luôn là một nhà nước vô chính phủ, mất định hướng, phát triển tùy tiện dù cho nó tự nói về kim chỉ nam, ánh sáng của chủ nghĩa này, tư tưởng nọ nếu nhà nước ấy không bước ra khỏi truyền thống, tập quán vô chính phủ của các cuộc khởi nghĩa nông dân có trong lịch sử Trung Quốc, Việt Nam. Dù nói gì thì kim chỉ nam của cuộc cách mạng vẫn là “sáng tạo”, “linh hoạt”, “vô chính phủ” để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước đi tới chủ nghĩa xã hội. “Kim chỉ nam” nào chỉ ra con đường chuyển cuộc khởi nghĩa nông dân thành ra cuộc cách mạng dân chủ, nhà nước pháp quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền ở những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa?
Không thấy có con đường nào, không có con người nào, không có kế sách nào vì chính trị thì cấm đa đảng, kinh tế thì công hữu về thực chất và nước ngoài đang đứng chân trên nhiều địa bàn trọng yếu của tổ quốc Việt Nam. Trong tình hình đó muốn giữ vững ổn định chính trị thì chỉ có một cách: xây thêm nhà tù, tăng cường lực lượng trấn áp… Có người nói, định hướng thế nào được khi “kim chỉ nam” lại là “kim chỉ bắc”?
Tùy tiện, tùy hứng vẫn là cách làm việc nước phổ quát với khẩu hiệu “kiên định” và “sáng tạo” làm cho xã hội lúng túng như gà mắc tóc.
Chưa rõ đảng cai trị giải quyết hình thái chiếm hữu và quan hệ xã hội chủ-tớ thế nào để đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp văn minh tiến bộ, giữ được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển bền vững. Cũng chưa thấy đảng cai trị làm gì để cải tạo chế độ chính trị dựa trên thành tích “khởi nghĩa nông dân” khi vẫn cứ coi “quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (tức là lãnh đạo cho đến khi nào có chủ nghĩa xã hội) là lý tưởng chính trị của Đảng. Có thứ chủ nghĩa xã hội nào không coi công hữu của cải xã hội là mục đích? Lịch sử nhân loại chưa có bằng chứng về công hữu tài sản có tên chủ nghĩa xã hội mà chỉ có tên gọi cho kiểu chiếm hữu ấy là quân chủ phong kiến – coi của cải nói chung là của nhà vua, nhân dân là tôi tớ của nhà vua.
Cuối cùng là chưa thấy đảng cai trị làm gì để không bị nước lớn bắt tay nhau trên đầu (trên lưng?) khi phương thức cai trị đã làm suy đồi mọi thứ kể cả lòng tin của người dân vào chế độ, vào bộ máy cai trị và các giá trị nhân văn khác.
Vị tướng trả lời phỏng vấn (thể hiện ý Đảng) có chí khí nhưng cũng “lực bất tòng tâm”, chỉ tại cái “la bàn chỉ bắc” làm cho “lòng dân đổi khác”.
T. M. T.