9 thg 2, 2011

Thư gửi tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/8504/thu-gui-tan-truong-ban-tuyen-giao-trung-uong.html

Thư gửi tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 
- Trước hết, xin chúc mừng ông đã được Đảng tin cậy giao trọng trách Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
>> Thư gửi tân Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Là đồng nghiệp, chúng tôi vui mừng và tự hào khi lần đầu tiên một nhà báo, một tổng biên tập đã được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị, trở thành một trong những nhà lãnh đạo cấp cao, chịu trách nhiệm đối với công tác lý luận - báo chí của đất nước.
Ông Đinh Thế Huynh, tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tại cuộc họp báo bế mạc Đại hội Đảng XI, ngày 19/1. Ảnh: HLong

Xuất thân từ một nhà báo, trưởng thành từ nghề báo, có lẽ hơn ai hết, ông thấu hiểu bằng chính trải nghiệm cá nhân mình tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật" - cũng là thông điệp mà Đảng đã kêu gọi tại Đại hội XI vừa qua.

Người dân kỳ vọng ông, bằng tinh thần "nhìn thẳng sự thật và nói đúng sự thật" của những người làm báo, sẽ “nhìn thẳng vào sự thật” vào công tác lý luận hiện nay, vốn vẫn đang bị coi là “trì trệ và lạc hậu” so với thực tiễn cuộc sống đang sôi động ngoài kia.

Công cuộc Đổi mới của đất nước do Đảng lãnh đạo đã đi được ¼ thế kỷ. Giai đoạn “dò đá qua sông”, tự mò mẫm tìm đường phát triển thời kỳ đầu Đổi mới đã qua từ lâu. Những thành tựu không thể phủ nhận của Đổi mới đã đủ bằng chứng thuyết phục và niềm tin vững chắc vào con đường chúng ta đang đi. Nhưng những động lực phát triển theo kiểu hiện tại đã gần như tới giới hạn, đặt ra đòi hỏi gay gắt đến mức sống còn về một mô hình phát triển mới.

Trên con đường tìm kiếm mô hình phát triển mới ấy, công tác lý luận đóng vai trò như những người tiên phong. Đã đến lúc, các nhà nghiên cứu lý luận phải trả món nợ lâu nay với đất nước: mạnh dạn tìm tòi, đổi mới để đưa ra những triết lý, mô hình và giải pháp phát triển đột phá, thay vì đi sau thực tiễn cuộc sống như hiện nay.
Muốn vậy, người chăm lo công tác lý luận không cách nào khác, phải tạo ra bầu không khí dân chủ và văn hóa tranh luận trong nghiên cứu lý luận và khoa học. Bởi, nói như GS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận TƯ: “Nếu không cho người ta nói trái với ý của mình thì chẳng bao giờ có tiến bộ trong lý luận, khoa học được cả”.
Đối với báo chí, một lực lượng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước, gìn giữ bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ, nhiệm vụ quản lý, định hướng và tạo điều kiện cho báo chí phát triển cũng nặng nề không kém.
Từng là tổng biên tập và Chủ tịch Hội nhà báo, hẳn ông thấu hiểu áp lực đối với mỗi tờ báo, mỗi nhà báo, không chỉ làm sao giữ được “sợi chỉ đỏ” - làm tốt chức năng cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước mà còn phải nói lên được tiếng nói của nhân dân, trở thành diễn đàn của nhân dân. Bởi nếu không giành được sự yêu mến, tin cậy của nhân dân, tờ báo ấy sẽ bị cuộc sống từ chối và rốt cục, chỉ đi bên lề cuộc sống đầy sôi động.
Bằng góc nhìn của người trong cuộc, hy vọng ông sẽ tạo điều kiện và tìm ra những giải pháp để báo chí phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của mình với sự phát triển của đất nước.

Từ một nhà báo, bước lên vị trí lãnh đạo báo chí, hi vọng ông sẽ lãnh đạo báo chí thực sự trở thành nơi phản ánh trí tuệ, tâm huyết xã hội, nói lên tiếng nói, tâm nguyện của nhân dân với lãnh đạo đất nước.

Là người đứng đầu ngành tuyên giáo của Đảng cũng có nghĩa phải nhận lãnh một sứ mệnh hệ trọng khác: lãnh đạo, định hướng cho giáo dục.
Từ môi trường báo chí, nơi giao tiếp trực diện với những bức xúc và nguyện vọng của dân, hẳn ông thấu hiểu cải cách giáo dục đang là nhu cầu, đòi hỏi bức bách của cuộc sống. Những hạn chế và yếu kém của giáo dục đã trở thành mãn tính, tích tụ trong một thời gian dài, có tính hệ thống, và đang trở thành lực cản đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, hội nhập và phát triển.
Bởi vậy, một cuộc cải cách giáo dục toàn diện và triệt để, hướng tới một nền giáo dục hiện đại, nhân bản, tiến bộ và công bằng là mệnh lệnh không thể chối cãi, không thể chần chừ, để giáo dục thực sự góp phần đưa đất nước thoát khỏi cái bẫy của nước thu nhập trung bình.

Hi vọng, ông, trên cương vị mới của mình, sẽ góp thêm tiếng nói từ thực tiễn, để tạo thêm thôi thúc và quyết tâm biến tầm nhìn của Đảng về cải cách giáo dục trở thành hành động thực sự!

Dẫu biết rằng, đó là những gánh nặng ngàn cân nhưng xã hội sẽ luôn ủng hộ và hậu thuẫn cho những ai có bản lĩnh đổi mới và hướng đi đúng đắn.

Chúng tôi gửi gắm niềm tin và hy vọng 5 năm sau, khi nhìn lại, ông sẽ thấy tự hào với những gì mình đã làm cho báo chí, cho công tác lý luận, cho cải cách giáo dục, cho nhân dân và sẽ được lịch sử và nhân dân ghi nhận.
 
Quốc Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét