28 thg 3, 2011

LS Hà Huy Sơn - Nói không thật, làm không thật, đất nước đi về đâu?

LS Hà Huy Sơn
Là Luật sư tham gia bào chữa cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong vụ án “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tôi đã không khỏi phải suy nghĩ về bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam hiện nay không chỉ dưới góc nhìn của pháp luật mà cả góc nhìn của văn hóa.

Nói không thật,

Không ai có thể chối bỏ được rằng: con người, xã hội là sản phẩm của văn hóa. Vậy xã hội chúng ta đang sống là sản phẩm của văn hóa nào? Phải chăng là cái văn hóa “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”? Luật pháp là một sản phẩm của văn hóa cao. Vì lịch sử loài người chỉ khi phát triển đến một trình độ nhất định mới làm ra được luật pháp và chỉ có một xã hội có luật pháp tiến bộ mới được coi là xã hội có văn hóa tiến bộ. Do vậy, muốn hiện đại hóa đất nước thì cần phải hiện đại hóa văn hóa và tất nhiên phải hiện đại hóa luật pháp. Không thể xây dựng con người, xây dựng đất nước bằng cách cứ “uốn lưỡi” muốn nói gì thì nói cốt để vừa lòng “người trên”, để lừa “kẻ dưới” như lâu nay. Thực tế buộc chúng ta trước hết phải nói thật cái suy nghĩ của mình, nếu điều nói ra mà không đúng với quy luật khách quan thì chúng ta phải sửa lại cái suy nghĩ đó hay nói cách khác là phải thay đổi tư duy của mình. Và ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp, học hỏi, đối thoại của con người với con người chứ tuyệt nhiên không phải là công cụ để nói dối, để lừa mị.
Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay đã nói thật chưa? Nếu căn cứ vào nội dung một số điều cơ bản của nó mà tôi một lần nữa dẫn ra sau đây (vì điều này nhiều người, nhiều lần đã dẫn ra) thì bản Hiến pháp này đã nói không thật.
1- Điều 2 của Hiến pháp: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Điều này đã khẳng định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Nhưng nó đã bị ngay Điều 4 của Hiến pháp: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” phủ định hoàn toàn và ngay trong Điều 4 cũng chứa đựng mẫu thuẫn, trái logic.
2 – Điều 4 nêu trên đã trái ngược ngay với Điều 83 của Hiến pháp, trích: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Trong một vấn đề mà có 02 sự thật là một vấn đề không có thật.
Hiến pháp Việt Nam hiện nay có nhiều nội dung lạc hậu về tư tưởng như Lời nói đầu: “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin …”. Để phát triển con người, đất nước Việt Nam chúng ta phải dựa trên tư tưởng hay trí tuệ của cả dân tộc Việt Nam, trí tuệ của cả nhân loại. Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, không phải là hệ tư tưởng của dân tộc Việt Nam và chỉ là một hệ tư tưởng trong số các tư tưởng của nhân loại. Nó không phải là một phạm trù vĩnh cửu, càng không phải là một phạm trù tuyệt đối. Lịch sử phát triển của các nước Đông Âu đã chứng tỏ nó là một tư tưởng lỗi thời. Một tư tưởng lỗi thời về logic không thể chứa đựng được sự thật của một xã hội hiện đại.

Làm không thật

Một số điều của Hiến pháp đã qui định về quyền của công dân như sau:
Điều 52
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
Điều 53
Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.
Điều 69
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Văn hóa “cá gỗ” không thể thay cho văn hóa “cá thật”. Sao lại ban hành các văn bản dưới Hiến pháp để ngăn cấm, để trói, để bịt, để treo mãi những quyền của công dân đã được ghi trong Hiến pháp như đã nêu trên. Rồi dựa vào đó, sử dụng công cụ “chuyên chính” triệt để, “mạnh tay” quyết để cho tự do của nhân dân, tự do của dân tộc mãi chỉ là con “cá gỗ”.
Bài học nhãn tiền về phong trào cách mạng đòi tự do của nhân dân các nước Bắc Phi, Trung Đông còn đang sôi sục kia. Câu trả lời không gì khác là không thể “chuyên chính giai cấp” mãi, không thể “toàn trị” mãi vì nó là cội nguồn gây nên biết bao đau thương, đổ vỡ về lòng người và hòa giải dân tộc.

Đất nước đi về đâu?

Vật giá leo thang, tiền đồng mất giá, Chính phủ cấm mua bán vàng, ngoại tệ, nhân viên công lực thì lại đánh chết người, “con cá lớn” Vinashin đã vọt lưới chống tham nhũng nhân dân… Chính mỗi người dân Việt Nam ngày hôm qua và ngày hôm nay đã tự trả lời cho chính mình đất nước đang đi về đâu!
Thăng Long - Hà Nội, ngày 27/3/2011

26 thg 3, 2011

Do dân trí hay do ý thức?

 Nguyễn Ngọc Lanh

Có hai bài liên quan nhau, gốc từ báo An ninh thế giới, nhan đề đều có từ dân trí, được đăng lại trên Chungta.com. Đó là những bài đọc xong có thể rút ra nhiều điều thú vị.
Phát huy dân trí như thế nào? là nhan đề một bài khiến bạn đọc nghĩ rằng sẽ được thấy những biện pháp lớn cho một vấn đề lớn (phát huy dân trí như thế nào?). Thực ra, chỉ là tác giả Hồng Hạc bức xúc khi văn minh đô thị xuống cấp và quy nó cho sự thiếu ý thức của người dân. Nhưng “ý thức” và “dân trí” là hai khái niệm rất không đồng nhất.

Tác giả so sánh: Trước đây 30 năm tình hình văn minh đô thị khá hơn nhiều, mặc dù dân trí thời đó không thể bằng ngày nay. Do vậy, tác giả cho rằng dân trí hôm nay đã đủ cao, chỉ cần “đánh thức” nó dậy. Rốt cuộc, không phải là “phát huy” – như nhan đề bài viết - mà là “đánh thức” dân trí - tức nhắc nhở, phạt, để mọi người có ý thức.
Đánh thức cách nào? Rốt cuộc vẫn là người dân phải tự nâng cao ý thức, còn chính quyền cần mạnh tay hơn. Nhà Hà Nội Học Nguyễn Vinh Phúc khi được phỏng vấn cũng cho rằng Cứ dùng pháp trị thì Hà Nội sẽ sạch, đẹp, văn minh, mà không nói dân trí.

Dẫu vậy, bài của Hồng Hạc vẫn được một tác giả khác “góp thêm”. Trong bài Đôi điều góp thêm về dân trí nước nhà, tiến sĩ Trần Hồng Lưu kiên nhẫn kể ra vô số hiện tượng kém văn minh, tiêu cực, bất chấp các quy định trong ứng xử… Và ai cũng có thể giúp tác giả kể thêm đến vô cùng tận các hiện tượng tương tự. Cách khắc phục vẫn là phải chỉnh sửa cho “nghiêm”. Chỉnh sửa từ những vi phạm nhỏ nhất; đồng thời phải giáo dục để người dân sống tình nghĩa, có thói quen tốt…
Tóm lại, hàng triệu người trưởng thành vẫn cần được giáo dục để… nâng cao ý thức.
Tìm nguyên nhân
Ý thức hàng triệu con người không bao giờ ngẫu nhiên sinh ra để cùng nhau vi phạm văn minh đô thị, mà phải có hoàn cành và điều kiện vật chất để nó sinh ra.
Thử áp dụng biện pháp của hai vị trong trường hợp dưới đây:
Có một hôm xảy ra kẹt xe.
- Trong số người bị kẹt, thiếu gì người buộc phải đến cơ quan đúng giờ, mặc dù họ đã thu xếp số thời gian đi trên đường gấp đôi thường lệ. Thế là ý thức về kỷ luật lao động (đến đúng giờ) và ý thức văn minh giao thông (không chen lấn, không cố vượt) chỉ có thể chọn một. Thiếu gì trường hợp phải đưa con tới nhà trẻ đúng giờ (không sớm quá, khi cô giáo chưa mở cửa), và sau đó lại phải tới cơ quan không muộn?. Thật nan giải, nếu cứ khư khư giữ vững ý thức.

- Thiếu gì những ngày kẹt xe trong tuần?

- Thiếu gì hôm kẹt xe trên diện rộng, không những ở nhiều tuyến phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… mà ngay ở đường 5 hay quốc lộ 1?.

- Thiếu gì nguyên nhân gây kẹt xe: Đôi khi do trời (mưa làm ngập đường), nhưng hầu hết do người. Ví dụ, lô cốt mọc giữa đường, đường hẹp và xấu, ai đó cho phép nhập xe máy và ô tô “vô tội vạ”, quy hoạch đường xá và giao thông thiếu lo xa; quy hoạch đô thị chắp vá, không đủ tầm dự kiến để đối phó với “trời” (lấp hết ao hồ chứa nước, hệ thoát nước chỉ chạy theo đuôi tình thế…). Tất nhiên, có cả nguyên nhân ý thức (và dân trí?).

Có điều, một nhóm rất nhiều nguyên nhân lại do số ít người gây ra, nhưng đó là ai, chúng ta khó chỉ ra cho cụ thể. Dường như họ vô hình, hoặc ngồi tận đẩu tận đâu, không dễ thấy, không dễ gặp. Nếu cố nêu ra một cái tên nào đó, lại e phạm thượng. Còn nguyên nhân ý thức thì số người mắc lại quá đông, rất dễ thấy, rất dễ gặp, có thể bắt tận tay, day tận trán để két tội; nhưng lại khó mà lên danh sách cho đủ vì họ đông tới hàng triệu và triệu… Phạt không xuể.
Vấn đề là trong hai nguyên nhân nói trên, cái nào sinh ra cái nào? Cần biết, để mà đặt trọng tâm giáo dục vào đâu. Nếu không, có thể làm chuyện ngược đời, là… xui đầy tớ phạt ông chủ để thay đổi ý thức cho ông ta? Từ đó, sẽ dễ trả lời câu hỏi: Có phải người Việt Nam vốn dĩ “kém ý thức”, không đáng địa vị làm chủ? Hay do không chọn được đầy tớ tận tâm và thạo việc? Chỉ biết rằng, cũng những con người Việt Nam “kém ý thức” này khi sang các xứ sở văn minh thì hầu hết lại “sớm phục hồi ý thức”, biết xử sự văn minh như ai…
Xin được kết thúc vấn đề. Nhưng tiện đây, xin nêu vài ý nhỏ về dân trí.

Dựa vào gì để nói dân trí cao hay thấp?
Có thể tạm coi dân trí là trình độ hiểu biết chung của một cộng đồng dân cư. Nhưng định lượng cái “hiểu biết chung” này bằng cách gì cho đơn giản? Và cho trúng?
- Có thể dựa vào tỷ lệ người biết chữ và có bằng cấp (các loại).
Thế thì dân trí nước ta liên tục “năm sau cao hơn năm trước”. Tuy nhiên, trong thời buổi cạnh tranh quốc tế này mà cứ so sánh thành tích hiện tại với quá khứ, nhiều khi rất phản cảm. Do vậy, với tình hình bằng cấp tràn lan hiện nay, tôi dám bạo gan kết luận: Dân trí nước ta không thua lắm so với Đức, Pháp (là những nước tôi đã có dịp tới). Nhưng tôi ngã ngửa, khi một kỳ thi nghiêm túc (để chống bệnh thành tích) đã làm phát lộ 30-50% các cháu đạt trình độ… “học giả”. Học thì giả, nhưng sự lãng phí tuổi xuân của nhiều triệu người suốt 30 năm lại rất “thật”.

- Cũng có thể soạn ra một bộ câu hỏi khảo sát sự hiểu biết phổ cập về các mặt (khoa học, văn nghệ, pháp luật, thể thao, tôn giáo…).

Tuy nhiên, soạn bộ câu hỏi đã khó (nhiều lĩnh vực quá), mà sự trả lời mỗi nhóm câu hỏi còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh mỗi cá nhân. Có người trả lời dễ dàng các câu phổ thông về internet, luật giao thông, nhưng lại rất lơ mơ về nông nghiệp, dân ca - tuỳ theo người đó làm nghề gì, sống ở nông thôn hay thành thị…
Do nhiều gợi ý (xem ở dưới), tôi nghĩ rằng nếu khảo sát sự hiểu biết về nghĩa vụ và quyền hạn công dân của những người đạt 18-22 tuổi (đã một lần đi bầu Quốc Hội) sẽ đơn giản về cách làm, mà lại phản ánh khá trúng trình độ dân trí - bất kể họ làm nghề gì, nam hay nữ, sống ở đâu... Bởi vì, bất cứ ai, một khi trở thành công dân đều phải có những hiểu biết để thực hiện tốt nhất nghĩa vụ và quyền hạn của mình.
Những gợi ý
1) Gợi ý từ… các cụ ta xưa
Năm 1946 có cuộc bầu cử đại biểu quốc hội. Tôi cùng các bạn trong Đội Nhi Đồng ở bãi Nghĩa Dũng (Hà Nội) đi đánh trống ếch cổ động xong thì đứng cạnh hòm phiếu để giúp đồng bào bỏ phiếu (vì hầu hết mù chữ). Mọi người nô nức. Hoàn toàn không có chuyện một người bỏ phiếu hộ những người khác. Câu tôi được nghe nhiều nhất, nay còn thuộc: Cậu để lại tên cụ Hồ và các ông Việt Minh cho tôi, còn lại, muốn gạch tên ai là tuỳ cậu (chú thích: đồng bào gọi “cưng” tôi là “cậu”). Câu hỏi: Phải chăng, giác ngộ quyền và nghĩa vụ công dân phải là tiêu chuẩn quan trọng của dân trí?

2) Gợi ý từ… bên TâyNếu đo dân trí bằng ý thức công dân thì dân trí Pháp và Đức hơn hẳn Việt. Khác hẳn kết quả so sánh tỷ lệ những người có bằng cấp. Xin cứ tranh luận tới cùng sẽ nảy sinh nhiều điều thú vị và bổ ích - miễn là có nơi để chúng ta tha hồ tranh luận (chả nhẽ, nhờ diễn đàn BBC?). Đây không phải chỗ bàn về thế nào là tự do ngôn luận thật và giả.

Có những lần bầu cử ở Pháp hay Đức mà số cử tri đi bầu rất không cao. Nguyên nhân quan trọng nhất là do (sau khi đã tìm hiểu kỹ nội dung tranh cử của các phe tranh cử) nhiều người cho rằng phe nào lên cầm quyền cũng như nhau, đều có thể chấp nhận. Thế là lần bầu cử ấy họ không đi bầu. Nhưng họ chấp nhận kết quả bầu cử.

Với họ, không có chuyện “đi bầu vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ”. Khó mà nhập nhằng điều đó khi dân trí đã cao. Đi bầu là quyền. Do vậy, thích thì hưởng, không thích thì thôi, chẳng ai dám “bắt bò” mình. Còn đóng thuế là nghĩa vụ, ai cũng phải thực hiện. Không ai dám ngụy biện khi dân trí đã cao rằng đóng thuế “vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền”.
3) Gợi ý từ một vị “đầy tớ”
Chuyện Dân là Chủ đã được đảng ta nói từ lâu, miễn phải nhắc lại. Rồi từ trên nửa thế kỷ nay, cụ Hồ đã nói: Cán bộ là công bộc của dân. Gần đây nhất, thủ tướng cũng thay mặt chính phủ và hệ thống hành pháp hứa rằng sẽ tận tâm làm người đầy tớ của dân. Còn quốc hội là cơ quan đại diện cho “Ông Chủ”, tức cho Dân - cũng là điều xin được miễn nhắc lại. Nhưng mà, khốn một nỗi…
Đồng chí Lê Doãn Hợp, trên cương vị bộ trưởng Bộ TT-TT (tức là một vị “đầy tớ cao cấp” của dân) khi giao lưu trực tuyến đã nói một câu không dễ ai quên: Dân trí đến đâu, dân chủ đến đó. Phát ngôn từ một vị “đầy tớ” câu này gợi cho tôi nhiều ý để bàn luận trong bài này. Ví dụ. Dân mà không khôn lên, chớ hòng được mở rộng dân chủ.
Tuy nhiên, tôi phải cố quên đi những ý mang tính suy luận, dù rất có cơ sở. Ví dụ, câu này hàm ý nước ta chưa thể có dân chủ đầy đủ (vì dân trí chưa cao). Mặt khác, khẩu khí của vị đầy tớ này khiến mọi người nghĩ rằng chính các vị là người ban phát dân chủ (nhiều hay ít dựa vào mức dân trí của ông chủ…). Rồi câu tục ngữ xa xưa dễ bị biến thể, thành… Làm đầy tớ thằng ít khôn mới dễ lạm quyền v.v… Thôi, đủ. Xin chấm dứt sự suy luận lan man.
4) Gợi ý từ một vị ở cơ quan thay mặt dân
Đồng chí tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nghiệm Văn Phòng Quốc Hội , nhân chuyện đảng ta đang nghiên cứu thí điểm cho phép dân trực tiếp bầu chủ tịch xã, có bài Dân chủ không bao giờ là “quà tặng” bất ngờ. Cái nhan đề của bài cho thấy: chẳng ai tự dưng “tặng” dân chủ cho dân, nếu dân không dám đòi hỏi - dù đó là dân ở một nước XHCN.
Từ bài viết trên, có thể nghĩ, rồi đây sẽ có nhiều ứng cử viên tranh cử một chức vụ. Dân sẽ nghe họ trình bày chương trình hành động và tranh luận. Dân sẽ hỏi han, cân nhắc để bỏ phiếu… Vâng, nếu chỉ có duy nhất một ứng cử viên cho một chức vụ… mà cứ lớn tiếng kêu gọi “hãy sáng suốt lựa chọn” thì có lố bịch không?

Chưa phải lúc so sánh sự khác nhau như “trời” với “vực” giữa cái cuộc bầu tưởng tượng (chưa diễn ra) này, với các cuộc bầu (đã diễn ra) kể từ khi có hiến pháp 1946 tới nay.
Do vậy, muốn cho dân lên tiếng đòi hỏi dân chủ, phải nâng cao dân trí, để họ biết họ có quyền gì và dám đòi hỏi cái quyền đó. Phải chăng, nói dân trí thì trước hết là nói sự giác ngộ đầy đủ về quyền hạn và nghĩa vụ công dân.
Nhưng thế nào là “giác ngộ đầy đủ”? Sẽ nói ở đoạn cuối bài.
Đảng phải chịu trách nhiệm về dân trí
Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, Dân làm chủ”. Thử hỏi mấy ai không thuộc cái câu diễn tả thể chế này của Việt Nam? Vậy, xin được miễn nhắc lại. Nhưng ai chịu trách nhiệm nâng cao dân trí cho Dân (ông chủ)? Đảng hay Nhà Nước?
Thiên hướng trời sinh của mọi loại “đầy tớ” là không muốn “ông chủ” khôn lên – vì như thế thì họ sẽ bị chủ sai phái và khiến trách nhiều hơn (ví dụ, trước Quốc Hội). Còn cơ hội lạm quyền của họ lại ít đi. Do vậy, ông chủ chớ dại mà nhờ đầy tớ dạy khôn.
Một trong những cách đối phó hữu hiệu của “đầy tớ” là tìm cách nhảy vào ngồi trong cơ quan đại diện ông chủ, càng đông đảo càng tốt. Những vị “đầy tớ thay mặt chủ” này sẽ tìm mọi cách, mọi dịp để bênh đầy tớ ở diễn đàn Quốc Hội, thậm chí lái được cả kết quả bỏ phiếu. Tuy nhiên, đây không phải chỗ nói về Luật của nhiều nước dân chủ đã biết phòng xa: Cấm công chức đương nhiệm ứng cử làm đại biểu của dân. Bà Clinton muốn làm bộ trưởng thì phải thôi ngay làm thượng nghị sĩ.
Vậy thì, chỉ còn Đảng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm nâng cao dân trí, trước hết là nâng cao sự hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân – vì nó liên quan tới mọi người trưởng thành, do vậy phản ánh rất tốt (hay rất cơ bản) trình độ dân trí nói chung.
Đó cũng là chỉ số đo đạc rất trực tiếp tính chất Vì Dân của đảng ta.

Nhưng dân trí được nâng cao vẫn chỉ là chuyện diễn ra trong đầu chúng ta (nói ra miệng). Cái cần là thể hiện ra ở bàn tay, ở hành vi (làm). Vâng, thuyết trình cho người dân “hiểu” Luật không khó bằng tạo điều kiện để họ “thi hành” Luật.
Vẫn là Đảng – không thể ai khác - là thực thể duy nhất có trách nhiệm tạo điều kiện để Dân thực hiện quyền và nghĩa vụ. Bởi, ở nước ta, Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.
Ví dụ về điều kiện thực hiện nghĩa vụ và quyền hạn. - Nghĩa vụ: Hiểu thế nào là văn minh đô thị là điều không khó. Thưc hiện nó khi thỉnh thoảng mới bị kẹt xe 15 phút, cũng không khó. Nhưng nếu kẹt xe “như cơm bữa” và kéo dài hàng giờ… thì có là thánh cũng không đủ kiên nhẫn mà thi hành nghĩa vụ.
- Quyền: Hiểu thế nào là tự do ứng cử thì đâu có quá khó? Cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu (1946) đã thực hiện rất tốt điều này, mặc dù dân trí còn rất thấp (95% dân mù chữ). Đó là vì, từ 2-9-1945, nước ta đã thành nước cộng hoà, chế độ ta đã là chế độ dân chủ. Trái lại, dưới chế độ độc tài hoặc dân chủ giả hiệu, nhiều người rất hiểu và thèm khát tự do ứng cử, nhưng đâu có dễ làm?
- Điều dễ hiểu: Không có tự do ứng cử, làm sao có tự do bầu cử?
Hiểu biết về quyền và nghĩa vụ. Vấn đề là thực hiện chúng
Nếu tạm coi dân trí là trình độ hiều biết chung của một cộng đồng dân cư thì từ hiểu biết tới thực hiện có một khoảng cách, có khi xa vô tận.

Khi đặt ra vài câu hỏi cho một thanh niên sắp lần đầu đi bầu quốc hội, nếu anh ta trả lời: Sẽ “thẳng thừng” gạch tên mọi ứng cử viên đang là công chức, thì đó là sự giác ngộ quyền lợi. Nếu anh dự định: Sẽ kiến nghị với Uỷ Ban Bầu Cử: Quý vị không được phép giới thiệu công chức (đầy tớ) vào danh sách ứng cử, thì đó sự giác ngộ cả về nghĩa vụ.
Anh sẽ bầu ai? Trả lời: Bầu ai có chương trình hành động tốt nhất và khả thi nhất. Gạch bỏ ngay những vị ứng chỉ khoe tiểu sử cá nhân. Thế thì dân trí không thấp đâu.
Nếu những ai 18 tuổi đều như trên thì “bố bảo” các công chức cũng không dám “hành dân”. Bởi vì, số người trên 18 tuổi (chiếm 70% dân số) lại càng hiểu rõ mình có quyền gì. Mặt khác, Dân cũng tự thấy nghĩa vụ là phải ưu đãi “đầy tớ”, phải trả lương cao và quý trọng. Và bảo vệ cái chế độ đã tạo ra đám công chức liêm khiết và tận tuỵ này.
Đảng chẳng cần bắt công chức học đạo đức, hoặc chỉnh đốn họ (càng chỉnh, càng đốn).
Vào cuộc bầu cử, nếu 30% số đoàn viên TNCS không trả lời được như trên, chi bộ đảng phải có trách nhiệm. Nếu 30% thanh niên cả nước cũng “dân trí thấp” như vậy thì bí thư trung ương đoàn nên tự rút trước khi bị cách chức.
Đoàn viên sẽ nói thẳng: Chúng tôi vào một đoàn thể chính trị là để được giác ngộ về chính trị, chứ không phải để bị “ngu dân” về chính trị.

Một giám đốc sở (đầy tớ cấp trung) bằng cách nào đó lại kiêm luôn đại biểu quốc hội (đại diện cho chủ) nếu tự thấy áy náy trong lòng… thế là thiện căn vẫn còn. Nếu dám xin rút ngay từ khi được đưa vào danh sách ứng cử… thế là liêm sỉ vẫn còn. Đồng chí tiến sĩ Đặng Hùng Võ khi thôi thứ trưởng mới có ý định ứng cử đại biểu quốc hội… thế là lương tri, nhân phẩm vẫn còn…
Được như vậy, là nhờ Đảng có chính sách nâng cao dân trí. Dân sẽ viết hoa tên Đảng và ơn Đảng đời đời.
Đảng có muốn rút khỏi cương vị lãnh đạo đất nước này, dân cũng chẳng cho rút, chiểu theo Hiến pháp hiện hành.

25 thg 3, 2011

Chế độ Độc tài - "boong-ke" cho tham nhũng quy mô


Bùi Quang Minh
Chungta.com

Sau khi lật đổ các nhà độc tài, người ta mới phát giác ra những chế độ ấy là nơi nương nhờ, bình phong và cung cấp phương tiện để những kẻ có "đặc quyền", "đặc lợi" tham nhũng, vơ vét tài sản công một cách có hệ thống, một cách lộ liễu, không biết đến công lý là gì. Kéo dài chế độ độc tài càng làm cho gia tăng mâu thuẫn xã hội: đất nước nghèo nạn và tàn tạ đi, tầng lớp siêu giàu ngày một giàu hơn, tầng lớp dân nghèo ngày một bần cùng hóa. Trong khi đó, những kẻ tham nhũng càng mạnh thêm, củng cố vững chắc thêm nhờ hoàn thiện được cách bao biện, che chắn, bảo vệ và gia tăng sức mạnh, quy mô tham nhũng.

1. Độc tài - hệ thống vững chắc như Boong-ke để ngụy trang và bảo vệ tham nhũng có quy mô

Hiểu một cách sơ lược, thì "vụ lợi tham nhũng được hiểu là lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần kẻ tham nhũng có được...", còn Kẻ tham nhũng là "Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: Cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước, Cán bộ, công chức, viên chức;
Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân quân đội, Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an
" có những "hành vi tham nhũng" ấy (theo quy định của Luật Phòng chống Tham nhũng số 55/2005/QH11 năm 2005). Theo định nghĩa này, tham nhũng là loại hành vi xấu xa rất dễ mắc phải của những cá nhân có chức quyền. Khi một người được bầu vào một chức vụ, dù lớn hay nhỏ, phía trước mở ra cho người đó một cơ hội tham nhũng nhờ được trao quyền hợp pháp tiếp cận các nguồn tài nguyên công cộng và có quyền đưa ra quyết định (có thể mang tính tư lợi vì lợi ích của chính họ, gia đình, bạn bè...)

"Kẻ thù lớn nhất của một người là Thói Xấu của người đó". Mỗi người phải chiến đấu chống lại kẻ thù lớn nhất này của mình. Mỗi khi một người được phong chức, tăng thêm quyền lực là cuộc của người đó với Thói Xấu của mình lại trở nên ác liệt. Có nhiều khả năng Thói Xấu sẽ giành được phần thắng và người công chức, quan chức nhanh chóng tham gia vào "binh đoàn tham nhũng" với chiến tích Tham nhũng ngày một đông dần. Đấy là chưa nói những kẻ đã quy hàng những Thói Xấu còn nói toạc ra như ông Vương - bí thư chi bộ làng Lữu Lương, Thượng Thủy, Sơn Tây, Trung Quốc từng nói: "Tôi không tham nhũng, làm quan để làm gì?1) hay như thì thầm trong gia đình nhà độc tài Ben Ali: “Nếu muốn nhiều tiền, ít ra nên vơ vét kin kín một chút”. Ở mức nhiều quốc gia, người ta ước tính hàng năm các quốc gia đang phát triển mất 20-40 tỉ USD vì hối lộ, biển thủ và các hành vi tham nhũng khác nhau của các nhà lãnh đạo (tương đương 20-40% lượng tiền hỗ trợ phát triển chính thức của các nước).
Độc tài là hình thức lộng hành cao nhất của loài người. Nó hủy hoại cùng lúc nhiều nguồn lực giá trị nhất trong phạm vi toàn xã hội. Chúng sử dụng các nguồn lực lớn nhất, mạnh nhất của kinh tế, chính trị, xã hội cho chính công cuộc Tham nhũng của mình. Ta gọi đó là những "Boong ke" cho bọn tham nhũng núp bóng, bảo vệ và chống trả lại sự nghiệp chống tham nhũng.

Tác giả Nguyễn Trần Bạt khi làm rõ hơn khái niệm tham nhũng đã mô tả việc sử dụng các quyền lực, uy tín và địa vị công cộng để chiếm đoạt các giá trị tinh thần của xã hội hoặc của người khác. "Giá trị tinh thần" bao gồm: độc quyền về chức quyền/ quyền lực, độc quyền về thông tin, tư duy và độc quyền về lẽ phải, phán xét. Mà trong chế độ độc tài, "Tham nhũng tinh thần" chính là cơ cấu bảo trợ về chính trị cho tham nhũng vật chất"2). Trong chế độ độc tài, tham nhũng "giá trị vật chất" sẽ tìm được nơi ẩn náu và cách thức bảo vệ trước sự những cố gắng Phòng và Chống tham nhũng của quốc gia.
Chỉ đến khi chế độ đó sụp đổ thì mức độ "tham nhũng vật chất" mới bị vạch trần và cũng qua đó người ta mới rõ hơn "đời sống tinh thần" của xã hội đã bị ô nhiễm đến mức nào và sự tha hóa của các tổ chức chính trị, sự mất nhân cách con người có quy mô và mức độ sâu sắc đến đâu. Ở vai trò cá nhân, ngay khi chế độ độc tài sụp đổ, nhà độc tài thường ngay lập tức bị điều tra và xét xử tội danh "tham nhũng" trước hàng loại tội danh kinh khủng khác của họ.

Kẻ Độc tài - Tham nhũng khác với Kẻ Tham nhũng thông thường là chúng độc chiếm và thao túng các công cụ sinh ra những "giá trị tinh thần" của một đất nước, dùng nó phục vụ cho công việc tham nhũng một cách có quy mô... (tham nhũng tinh thần trước khi tham nhũng vật chất)

2. Bức tranh tham nhũng qua trường hợp một số nhà độc tài
 
Trong số những nhà độc tài, tôi đã mô tả nhà độc tài Pol Pot của Campuchia là "Kẻ độc tài không kịp tham ô, tham nhũng, gia đình trị..." với nghĩa là chưa đi đến công đoạn gia tăng lợi ích vật chất bởi vì độc tài Pol Pot đang thực hiện dở dang công cuộc tham nhũng "lợi ích tinh thần" của dân tộc Campuchia.
Phần này tôi xin điểm qua vài nét số liệu "công cuộc tham nhũng" của những kẻ độc tài.

1- Độc tài 5 năm tại châu Phi

Sani Abacha nhà độc tài quân sự của Cộng hòa Nigeria, nắm quyền điều hành đất nước 5 năm trời từ tháng 11-1993 đến tháng 6-1998, chết đột ngột do đau tim. Trong 5 năm cầm quyền, Abacha không ngớt lời nhắc đến sứ mệnh đưa đất nước đi lên dân chủ trong khi thẳng tay xử tử 9 nhà đối lập và cùng gia đình, dòng tộc biển thủ từ 2 đến 5 tỷ USD. (5 tỷ USD tương đương với 10% thu nhập giàu mỏ trong 5 năm của quốc gia này). Lượng tiền này có được thông qua biển thủ tiền từ Ngân hàng Trung ương Nigeria (chở thẳng các thùng tiền về biệt thự của mình) và các khoản hối lộ nhận từ các công ty nước ngoài, từ chương trình cứu trợ. Sau khi cái chết của nhà độc tài hàng chục tài khoản ngân hàng của Abacha cùng gia đình tại nước ngoài bị phong tỏa và quốc tế coi gia tộc Abacha là một tổ chức tội phạm.
2- Độc tài 30 năm tại châu PhiHosni Mubarak nhà độc tài của Cộng hòa Ai Cập, nắm quyền điều hành đất nước 30 năm qua đến khi bị nhân dân lật đổ. Người ta ước tính ông cùng gia đình đã biển thu 40 - 70 tỷ USD chủ yếu gửi ở ngân hàng nước ngoài và đầu tư vào thị trường địa ốc rải khắp các thành phố lớn trên thế giới. Ban đầu, khi lên cầm quyền, ông luôn phát biểu với quyết tâm cao chống tham nhũng triệt để. Về sau, ông cùng gia đình đã năng vơ vét bằng chương trình tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước, hoa hồng của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Ai Cập, đỡ đầu các doanh nghiệp làm ăn. Trước khi bị lật đổ, báo chí Ai Cập vẫn đánh giá Mubarak sống "liêm khiết có tiếng" và "khá giản dị"

3- Độc tài 23 năm tại châu Phi

Ben Ali nhà độc tài của Cộng hòa Tunisia, nắm quyền điều hành đất nước 23 năm qua. Người ta ước tính ông cùng gia đình đã kiểm soát 35% nền kinh tế Tunisia, thu vén được 5 tỷ USD. Gia tộc Ben Ali đã kiểm soát cổ phần 3 ngân hàng lớn, 2 công ty điện thoại, 1 hãng hàng không quốc gia, các tài sản lớn trên khắp Tunisia. Ông cùng vợ, các thành viên gia tộc bị kết tội tham ô, ăn cắp tài nguyên quốc gia, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài. Trong thời gian cầm quyền, ông kiểm soát chặt chẽ báo chí, truyền thông và bịt miệng những người chỉ trích và đối lập. Trước khi bị lật đổ, hình ảnh của ông vẫn "trong sạch đến mức tiệt trùng", hình ảnh, bích chương ca ngợi ông và chế độ treo khắp các đường phố ở thủ đô.

4- Độc tài 42 năm tại châu Phi

Muammar al-Gaddafi nhà độc tài của Đại Dân quốc Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ả rập Libya, nắm quyền điều hành đất nước 42 năm qua đến khi bị nhân dân lật đổ. Gaddafi mong muốn xây dựng một nhà nước công bằng hơn thời kỳ phong kiến của vua của vua Idris, phân chia nguồn thu dầu mỏ đồng đều hơn đến từng người dân. Gaddafi còn in sách viết về học thuyết "Chủ nghĩa Xã hội Hồi Giáo" của mình với ý tưởng tiên tiến "dân chủ trực tiếp và phổ thông" và "kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước, trong đó kinh tế nhà nước là chủ lực, làm nền móng". Tuy nhiên, nhà nước "Đại Dân quốc Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ả rập Libya" hoạt động theo khẩu hiểu "Tự do, Chủ nghĩa xã hội, Đoàn kết" chỉ là công cụ để Gaddafi thực hiện hành vi tội ác với nhân dân và vơ vét của cải cho gia đình mình. Người ta ước tính ông cùng gia đình đã đánh cắp hàng chục tỷ USD từ nguồn thu nhập dầu mỏ và chi tiêu của chính phủ Libya.
Trong lúc đại đa số nhân dân phải sống khó khăn dưới chế độ độc tài hà khắc, thì gia đình Gaddafi sống phè phỡn, như những ông hoàng. Số tiền biển thủ này được chuyển một cách bí mật tới các ngân hàng ở Dubai, Thụy Sĩ, Canada, Mỹ, các quốc gia vùng vịnh Ba Tư. Gia đình Gaddafi đông con và thường xảy ra các tranh chấp xuất phát từ việc ăn chia không đồng đều các khoản tiền ăn cắp của nhân dân.

5- Độc tài 31 năm tại châu Phi

Robert Mugabe nhà độc tài của đất nước Cộng hòa Zimbabwe, nắm quyền điều hành đất nước từ 1980. Ông được xem là anh hùng đấu tranh cho độc lập. Mugabe đã tự mô tả mình là "sinh ra để chống lại những kẻ thực dân".
Trong những năm cầm quyền, ông Robert Mugabe đã thay thế sự thống trị của thiểu số da trắng bằng sự thống trị của thiểu số da đen tập hợp quanh lợi ích cá nhân của chính ông. Ông cũng cho rằng Chúa đã giao quyền lực cho ông ta nên không ai có thể đoạt lại. Ban đầu, ông và các đồng đội tin rằng sẽ chủ yếu là phục vụ dân chúng nên đã lập nên các quy tắc lãnh đạo nghiêm khắc, coi việc làm giàu là không được phép. Về sau, ông nhận ra tất cả đều tham nhũng nên ông cho phép họ thoải mái tham nhũng, song ghi chép lại đầy đủ để buộc chặt họ với quyền lực của ông. Ông còn tiến hành công hữu hóa các công ty nước ngoài, chia lại cổ phần cho quan chức của mình.
Ông nhiều lần chấn áp đối lập, điển hình vụ trấn áp năm 1980 đã làm 20.000 người thiệt mạng. Năm 1998, quân đội của Mugabe trấn áp những cuộc biểu tình của người dân phản đối tình trạng giá nhu yếu phẩm tăng cao. Năm 2005, gần 600.000 người Zimbabwe có thu nhập thấp đã mất nhà cửa bởi các “chiến dịch thanh lọc” thành phố. Do sử dụng bạo lực để đàn áp phe đối lập mà ông Mugabe đã bị thế giới lên án và bị cấm vận.

Mặc dù tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục (231 triệu %), chính sách y tế đội sổ và thất nghiệp (94%) tràn lan kéo dài từ những năm 1990 tới nay, 7 trong số 12 triệu người Zimbabwe sống nghèo đói, không khiến Tổng thống Robert Mugabe (86 tuổi) từ bỏ lối sống xa hoa ngoài sức tưởng tượng của mình.
Trong năm 2008, ông Mugabe đã cho xây dựng một tòa nhà 25 phòng trị giá 26 triệu đô la tại một khu ngoại ô thành phố Harare, khu dân cư dành riêng cho những người giàu có. Đây là lần thứ 3 ông Mugabe cho xây dựng biệt thự riêng và là căn biệt thự thứ 5 ông sở hữu kể từ khi ông lên nhậm chức Tổng thống. Trong cuối những năm 1990, vợ của Tổng thống Mugabe, Grace, cũng bị lên án sau khi dùng tiền của quỹ của chính phủ dành xây dựng nhà ở giá rẻ cho người nghèo để xây dựng cho riêng mình một dinh thự 30 phòng tên là "Graceland". Gia đình Mugabe còn có nhiều bất động sản ở châu Á. Một số nguồn tin cho biết gia đình Mugabe hiện giấu hàng triệu đôla tại một nhà băng ở Kuala Lumpur.
Chương trình sinh nhật lần thứ 85 mừng thượng thọ Robert Mugabe được tổ chức long trọng "khiêm tốn" với chi phí khoảng nửa triệu đôla. (tính theo tiền Zimbabwe, tiệc sinh nhật Mugabe tốn hơn 12 ngàn tỷ đôla Zimbabwe). Bữa tiệc có chừng 500 con bò bị giết thịt, 2.000 chai Moet, Chandon và sâm banh Bollinger 1961; chưa kể 500 chai Johnny Walker “nhãn xanh”, 400 phần trứng cá, 8.000 con tôm hùm…

6- Độc tài 29 năm tại châu Mỹ

Jean-Claude Duvalier nhà độc tài của Cộng hòa Haiti (Trung Mỹ), nắm quyền điều hành đất nước 29 năm đến khi bị nhân dân lật đổ. Ban đầu, Duvalier có thực hiện đôi chút cải cách như thả tù nhân chính trị, nới lỏng tự do báo chí nhưng sau đó bóp nghẹt các lực lượng đối lập, luật pháp chỉ còn nằm trên giấy. Trong người dân rất khó khăn để kiếm sống, ông cùng gia đình sống hết sức xa hoa, có hàng chục triệu USD trong tài khoản nước ngoài và dàn xếp được cuộc bỏ phiếu làm "Tổng thống suốt đời" với 99,8% đồng ý. Dưới thời cầm quyền, Duvalier đã bắt, tra tấn bỏ tù không xét xử 60.000 người vì các lý do chính trị. Báo chí vẫn từng mô tả chế độ "tốt đẹp" của ông là không tồn tại tù nhân chính trị, mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật mà thôi. Ngay sau khi bị lật đổ, Duvalier bị truy tố vì tội tham nhũng và cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người.

7- Độc tài 21 năm tại châu Á

Ferdinand Marcos nhà độc tài của Cộng hòa Philippines, nắm quyền điều hành đất nước 21 năm đến khi bị nhân dân lật đổ. Tổ chức minh bạch quốc tế ước tính Marcos đã cướp đi của đất nước Philippines 5-10 tỷ USD. Ông đã có thành tích lớn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng và ngoại giao quốc tế. Nhưng ông cũng nhanh chóng trở thành một nhà độc tài, gia đình trị, đàn áp đối lập. Marcos đã đòi tiền hoa hồng từ các công ty làm ăn ở Philippines và trao các hợp đồng làm ăn béo bở của nhà nước cho các thành viên gia đình mình và những đồng minh thân cận, chiếm đoạt các công ty tư nhân, tạo ra những tập đoàn nhà nước độc quyền kinh doanh các sản phẩm quan trọng như đường, dừa, vận tải biển, xây dựng, truyền thông... Ngoài ra, ông Marcos còn ăn cắp tiền từ nguồn viện trợ quốc tế và thậm chí còn tổ chức các cuộc “cướp phá” ngân khố và các cơ quan nhà nước để chuyển vào các tài khoản ở nước ngoài. Đến khi bị lật đổ vào năm 1986, ông Marcos và vợ đã chuyển hàng tỉ USD ăn cắp được sang các tài khoản ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, gia đình Marcos cũng đổ nhiều tỉ USD vào các tập đoàn trong nước để rửa tiền.
8- Độc tài 31 năm tại châu Á
Mohamed Suharto nhà độc tài của Cộng hòa Indonesia, nắm quyền điều hành đất nước 31 năm đến khi bị nhân dân lật đổ. Tổ chức minh bạch quốc tế ước tính Suharto đã cướp đi của đất nước Indonesia 15-35 tỷ USD. Trong thời gian cầm quyền, ông xây dựng được một chính phủ và quân đội vững mạnh, kiểm soát tuyệt đối đất nước đa sắc tộc, cải thiện được kinh tế và dân sinh Indonesia. Ông cũng thu hút được đầu tư nước ngoài và giành được sự ủng hộ về kinh tế ngoại giao quốc tế. Từ 1990, do sự lãnh đạo độc đoán và tham nhũng, sự từ chối các quyền tự do chính trị và dân chủ của người dân. Ông đã tạo nên một hệ thống "tham nhũng, cấu kết, con ông cháu cha”. Để có quyền kiểm soát công ty nhà nước, bạn bè, họ hàng phải đút lót, chia lợi nhuận cho ông qua các "quỹ từ thiện" của ông. "Phí" giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, vay tiền của ngân hàng quốc gia... đưa trả cho ông và gia đình thông qua các cổ phần ưu đãi. Vài ngày sau khi từ chức hồi tháng 5-1998, ông Suharto đã chuyển tới 9 tỉ USD từ Thụy Sĩ đến một tài khoản ngân hàng ở Áo.

9- Độc tài 24 năm tại châu Á

Saddam Hussein nhà độc tài của Cộng hòa Iraq, nắm quyền điều hành đất nước 24 năm đến khi bị lật đổ. Trong thời gian cầm quyền, ông thực hiện chính sách "bàn tay sắt" tiêu diệt các sĩ quan quân đội, chính khác bị coi là chống đối. Mặc dù kinh tế Iraq ngày một sa sút, xuống dốc trầm trọng, ông cùng gia đình vẫn tích lũy được một khối lượng tài sản khổng lồ lên tới hàng tỷ USD trong các ngân hàng ở Thụy Sĩ.



10- Độc tài 21 năm tại châu Á

Saparmurat Niyazov nhà độc tài của Cộng hòa XHCN Turkmenistan, nắm quyền điều hành đất nước 21 năm cho tới khi bị chết đột ngột. Mặc dù là nước có nhiều khí đốt hàng thứ năm thế giới nhưng ông vẫn để cho kinh tế đất nước kém phát triển và hơn 60% người dân thất nghiệp.
Trong khi đó Niyazov không tiếc tiền dân đầu tư xây dựng những công trình hoành tráng cho riêng mình. Ông ra lệnh tạo dựng một hồ nước ngay giữa sa mạc khô cằn, đồng thời cho xây một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại khu vực đồi núi giáp biên giới Iran, nơi không bao giờ có tuyết rơi. Niyazov đã cho xây cất một dinh Tổng Thống làm toàn bằng đá hoa cương tại thủ đô Ashgabat. Ở vùng ngoại ô, ông cho xây cất 30 khách sạn đồ sộ nhưng ít khi nào sử dụng để đón tiếp ai. Cũng vì lý do đó, đến nay chính phủ Turkmenistan vẫn còn nợ gần 2.3 tỉ đô la.

11- Độc tài 24 năm tại châu Âu

Nicolae Ceauşescu nhà độc tài của Cộng hòa XHCN Rumania, nắm quyền điều hành đất nước 24 năm đến khi bị nhân dân lật đổ. Ban đầu ông đưa đất nước đi theo định hướng XHCN, kinh tế mở cửa thân phương Tây và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Dần dần trở thành một chế độ độc tài gia đình trị, tệ nạn tham nhũng, xa hoa rộng khắp trong giới lãnh đạo. Trong khi người dân sống trong điều kiện ngày càng khốn khó, đặc biệt là số lượng và chất lượng thực phẩm cũng như hàng hoá trong các cửa hàng ngày một ít thì vợ chồng Ceauşescu sống vương giả, sa hoa với 39 vila sang trọng, được xây dựng ở các vùng khác nhau của Rumani, 21 căn hộ cao cấp tại các sứ quán của Rumani ở nước ngoài. Tại thủ đô, 2 vợ chồng sống trong một cung điện sang trọng với 40 phòng khác nhau được trang trí bằng những bức tranh đắt giá, phòng tắm được khảm bằng vàng 18. Mỗi phòng đều có truyền hình, máy video và những đồ đắt tiền...

3. Công cụ gì để chống boong ke "Độc tài - Tham nhũng"?

Tại các xã hội giương cao khẩu hiệu của nhà nước văn minh: "Tổng thống là đầy tớ của Nhân dân", cơ chế đi đến tham nhũng, độc tài là tìm cách đi tắt, lách kẽ hở công lý "nhảy vào" giữ một lúc vừa là "đầy tớ" phục vụ hết lòng nhân dân, vừa làm "đại diện cho ông chủ" tức là đại biểu của chính nhân dân. Cơ chế này giúp họ nhanh chóng tư lợi phi pháp; lại dễ dàng thao túng công lý, luật pháp làm nền tảng Nhà nước pháp trị bị vô hiệu hóa. Trong boong-ke của Nhà độc tài-Tham nhũng vừa có công cụ của "ông chủ" vừa có công cụ của "đầy tớ". Quyền lực, thông tin, công lý, chân lý, phán xử... đều được Kẻ độc tài-tham nhũng thâu tóm hoàn toàn qua tháng năm cầm quyền.
Vậy để tiêu diệt Độc tài -Tham nhũng, sự nghiệp chống tham nhũng và nhân dân có trong tay những công cụ gì? Dựa trên nguồn lực vật chất, nguồn lực tinh thần nào?
Xin dành cho người dân và những người đã từng tin cậy, đề bạt, bầu chọn những kẻ Độc tài-Tham nhũng trả lời câu hỏi này.

Boong ke của Kẻ Độc tài-Tham nhũng có đầy đủ các công cụ mạnh nhất của một dân tộc: Vũ khí và nhân danh "Đầy tớ nhân dân" + Vũ khí và nhân danh "Nhân dân"...

12 thg 3, 2011

Lời khuyên chân tình

(Điều trần và thỉnh cầu của Bauxite Việt Nam về vụ Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ)
Phiên tòa đầu tiên xét xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” sẽ được tiến hành vào ngày 24/3. Để bạn đọc hiểu rõ quan điểm của Bauxite Việt Nam về vụ án này, chúng tôi cho đăng lại bài Lời khuyên chân tình, vốn đã được công bố cách đây hai tháng.
Bauxite Việt Nam

Thưa quý vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Chúng tôi trân trọng gửi quý vị văn bản này, vừa có lời bàn bạc cùng quý vị, vừa có mấy điều thỉnh cầu quý vị về vụ Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.
Thưa quý vị,
Những công dân Việt Nam có tinh thần trách nhiệm ở trong nước và nhiều kiều dân Việt Nam ở nước ngoài, cùng với đông đảo bè bạn thuộc nhiều quốc tịch ở khắp nơi trên thế giới, vẫn theo dõi với một nỗi lo lắng sâu sắc vụ bắt và khởi tố Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.
Nỗi lo lắng này là cho cả hai phía: lo cho sức khỏe của Luật gia Cù Huy Hà Vũ và cái bản án có thể đến với vị Tiến sĩ Luật còn trẻ và sung sức này – nỗi lo lắng đó không chỉ dừng lại ở một phía bên này, nỗi lo lắng cũng hướng sang cả phía những người đang nắm vận mệnh Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong tay, lo rằng một hành động khôn ngoan hay thiếu khôn ngoan, một thái độ công minh đúng mực đúng lúc hay một thái độ cố tình đàn áp ông Cù Huy Hà Vũ sẽ để lại hoặc là tiếng khen và lòng biết ơn hoặc là để lại tiếng xấu khó gột rửa trong muôn đời con cháu, hơn thế còn tiếp tục đào sâu hố ngăn cách giữa người quan tâm đến vận mệnh đất nước và kẻ cai trị chỉ bằng quyền lực tuyệt đối.
Chỉ những ai nhắm mắt làm ngơ mới không thấy những hoạt động xã hội của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã đem lại nhiều cảnh báo tích cực cho đời sống xã hội nước ta lâu nay – xin điểm qua một vài vụ việc nổi tiếng cả nước như sau:
- Vụ kiện đòi duy trì cảnh quan đồi Vọng Cảnh Huế chống lại việc xây dựng trục lợi trái phép;
- Vụ phát hiện đàn Âm Hồn tại Thừa Thiên thờ các chiến sĩ trận vong chống giặc Pháp xâm lược từ cuối thế kỷ XIX;
- Vụ nhận cãi cho giáo dân xứ đạo Cồn Dầu Đà Nẵng;
- Vụ kiện rầm trời đất đòi công lý cho bà Mẹ Việt Nam Anh hùng bị mất đất oan ức đến chết ở thành phố Hồ Chí Minh;
- Vụ kiện Trung tướng Vũ Hải Triều về việc vị tướng này tuyên bố công khai tại một hội nghị là đã đánh sập hàng trăm trang mạng;
- Vụ nhận làm cố vấn pháp lý cho trang mạngBauxite Việt Nam đòi ngừng khai thác bô-xit bán nguyên liệu thô của đất nước, cũng như lên tiếng bảo vệ người điều hành trang mạng vô cớ bị lục soát nhà và thẩm vấn vào ngày 13 tháng Giêng năm 2010 và kéo dài trong suốt 22 ngày – tính đến nay vừa tròn một năm; đặc biệt là vụ tự mình dũng cảm khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã ký quyết định khai thác bô-xít vừa sai luật vừa có khả năng tác hại tới cả kinh tế, văn hóa và quốc phòng của đất nước gần như ra đời chỉ ít lâu sau bản Kiến nghị xin ngừng khai thác bô-xít với hàng mấy ngàn chữ ký của trí thức và các tầng lớp dân chúng trong ngoài nước xuất hiện vào ngày 12 tháng Tư năm 2009;
- Và rất nhiều lần phát biểu trên các phương tiện truyền thông cả trong và ngoài nước mà chủ đề không bao giờ đi xa khỏi những lo lắng cho vận mệnh đất nước của một trí thức trẻ…
Thưa quý vị,
Trong bức thư khuyến cáo và thỉnh cầu này, chúng tôi không muốn dừng lại để lập luận rằng Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đúng hay sai – đúng sai là khái niệm không chỉ tùy thuộc vào “chân lý khách quan” mà còn tùy thuộc vào không gian và thời gian nữa.
Về thời gian, cách nay vài chục năm, thử hỏi có ai dám công khai đăng báo bàn về việc học thuyết có tên gọi chủ nghĩa xã hội và việc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa là đúng hay sai? Chỉ riêng một ý nghĩ ngờ vực mới thoáng qua trong đầu, mỗi con người định bụng tư duy theo hướng đó đã vội vàng “tự kiểm duyệt bỏ” để tránh tai họa – tấm gương Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Dần… vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo.
Về không gian, chỉ cần cách nay mươi năm thôi, thử hỏi nào có ai dám đứng giữa Hội trường Ba Đình tỏ ý nghi ngờ sự trong sáng về đạo đức của vô số người cộng sản, hoặc cất lời phê phán sự thiếu năng lực của cán bộ lãnh đạo do Đảng Cộng sản cắt cử, hoặc dám đặt bút viết ra nhiều điều “trung ngôn nghịch nhĩ” công bố ở trong nước và ở ngoài nước?
Nói thế để thấy các khái niệm khoa học xã hội liên quan đến sự phát triển của đất nước ta đã tự chúng lột xác rất mạnh. Phải là những đầu óc chây ì lắm thì mới khăng khăng cự tuyệt đổi mới cách tư duy, nhờ đó mà có hy vọng đổi mới cách làm việc.
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một trong vô số người Việt Nam thời nay đứng ra tham gia vào những cơ hội lột xác tư duy đó. Chúng tôi không nói Cù Huy Hà Vũ đã “thành công” hay “thắng lợi” – chúng tôi chỉ nói đến sự cảnh báo tích cực đến nhận thức của công chúng Việt Nam đương đại nhờ những bài viết và nhờ cả những hành động của vị Tiến sĩ Luật trẻ tuổi này.
Chúng tôi xin phép đưa ra phân tích ba chi tiết sau đây.
Như mọi người đều biết, vụ đồi Vọng Cảnh ở Huế, nếu không có Cù Huy Hà Vũ và nhiều người khác lên tiếng, và cứ làm ăn theo lối ém nhẹm của Bộ Văn hóa và các giới chức Huế, thì các nhà đầu tư đã vì mối lợi của họ mà làm dân ta mất đi vĩnh viễn một di sản văn hóa vật chất và tinh thần vô giá. Điều trớ trêu, người đứng đầu giới chức ở Huế, đã không động thủ gì để làm điều tốt thì chớ, lại vẫn nhận phần thưởng cao quý vì thành tích học tập đạo đức Bác Hồ, mà hình như Ban chấm giải quên mất rằng kẻ được trao phần thưởng danh dự kia chỉ mới trước đây dăm năm đã bị dư luận cực lực lên án sau khi nhận một cái tát trời giáng của một cô gái trẻ phục vụ nhà hàng vì có hành vi sàm sỡ với cô ta, để rồi cô ta phải chấp nhận lệnh đuổi việc ban hành từ cửa công sấm sét ngay sau đó!
Như mọi người đều biết, vụ kiện cáo đất đai của giáo dân xứ đạo Cồn Dầu và việc đàn áp kinh hoàng người dân đã khiến có người cứ thấy bóng Công An là hoảng loạn, và làm cho nhiều người phải bỏ trốn ra nước ngoài. Trong vụ này, không cấp phép cho Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ tranh biện bảo vệ giáo dân là một việc làm thất sách. Cứ cho là Cù Huy Hà Vũ và giáo dân đã sai và sẽ thua kiện, thì một sự tranh tụng công khai nghiêm chỉnh vẫn giúp xóa tai tiếng một đất nước đang đối diện sự than phiền của nhiều chính phủ cũng như tổ chức phi chính phủ trên thế giới về vấn đề nhân quyền cũng như pháp luật không nghiêm minh.
Việc thứ ba, như mọi người chẳng ai là không rõ, công dân Cù Huy Hà Vũ đã khởi kiện công dân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong việc này, nếu cư xử cao tay và đàng hoàng, Thủ tướng có thể mời “ông nhân sĩ” thuộc dòng họ Cù Huy tới tận nhà mình hoặc tới tận phòng khách cơ quan mình để giải quyết vấn đề đúng sai và hướng xử lý. Tiếc rằng sự việc đã không đi theo hướng lành mạnh đó. Cũng giống như vụ xử lý đối phó với các nhà trí thức của Viện IDS, ông Thủ tướng đã ưng chọn cách xử lý ít sức thuyết phục.

Thưa quý vị,

Không chỉ ít sức thuyết phục, mà hoàn toàn khó thuyết phục là nhà cầm quyền có chính nghĩa khi tìm cách bắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong vụ việc gán ghép thô kệch với một “gái bán dâm” mà về sau mới lộ ra là một trí thức con nhà lành, và việc “mua dâm bán dâm” mất vệ sinh đó lại đã được một vị Trung tướng vội vã công bố trên truyền hình vào giờ đông người xem nhất.
Như ở bên trên chúng tôi đã trình bày, chúng tôi thực sự lo lắng cho sức khỏe và sinh mệnh của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ khi ông nằm trong tay những thế lực đã bị Cù Huy Hà Vũ làm bẽ mặt nay có đủ cơ hội trả thù – mặt khác chúng tôi cũng thực sự lo lắng cho uy tín của quý vị nếu để sự việc trôi đi theo chiều hướng xấu, chiều hướng của những việc làm quá thấp so với hành vi nghiêm minh tối thiểu buộc người chức việc nhà nước nào cũng phải có mà vụ hai cái bao cao su “đã qua sử dụng” là một dẫn chứng đáng xấu hổ.
Chúng tôi theo dõi vụ việc và thấy có thông tin rằng việc hỏi cung đã hoàn tất. Chúng tôi xin mạnh dạn góp ý kiến khuyến nghị quý vị:
1./ Căn cứ sức khỏe Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ (ông mắc chứng đau tim), xin thỉnh cầu quý vị ra lệnh cho tạm tha ông Hà Vũ để ông được tại ngoại hầu tra;
2./ Xin quý vị ra lệnh bảo đảm sao cho việc xét xử được công khai, công bằng và văn minh, xứng với một dân tộc vừa kỷ niệm 1.000 năm Thủ đô nước mình.
Chỉ với hai đề xuất như trên, thật ra chúng tôi hoàn toàn không muốn tính những điểm mạnh về nhân thân của bị cáo mà cơ quan pháp luật Việt Nam thường viện đến trước tiên mỗi khi xét xử các quan chức có tội: Luật gia Cù Huy Hà Vũ, con trai của ông bà Cù Huy Cận mà người cha là công thần của chế độ và người mẹ là nữ y tá của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, con nuôi của nhà văn hóa Giải thưởng Hồ Chí Minh thi sĩ Xuân Diệu.
Cho phép chúng tôi nói một lời nói thẳng cuối cùng: một Cù Huy Hà Vũ (dù có là tên “nghịch tử”), thì cũng không tạo thành mối nguy mất nước ta – trái lại, chính sự dốt nát, ngạo mạn và tham lam vô độ mới dẫn tới một vụ Vinashin và sẽ dẫn tới những vụ Vinashin khác vẫn có nhiều khả năng tiếp tục bùng nổ, sẽ đẩy dân tộc nợ nần này vào bàn tay người chủ nợ Bắc Kinh, và đó mới chính là nguy cơ mất nước nhỡn tiền.
Thưa quý vị,
Chúng tôi rất tin tưởng vào sự chính trực của quý vị nên mới viết văn bản này hầu quý vị. Nhưng để đề phòng một thiện chí sẽ được đối xử lại bằng một phản ứng không trông đợi, chúng tôi xin phép công bố văn bản này lên trang mạng của mình. Nếu cả chúng tôi nữa cũng bị đàn áp, thì văn bản này vẫn sẽ còn nguyên giá trị nâng cao nhận thức của người đọc.

Xin kính chào quý vị,

BAUXITE VIỆT NAM

9 thg 3, 2011

Đường sắt Nhật Bản – “ốc vẫn chưa lo nổi mình ốc…”!

TS. Trần Đình Bá

Hội Kinh tế và Vận tải ĐSVN

Đến nay, Bộ GTVT, Tổng công ty ĐSVN và Viện Quy hoạch Bộ GTVT vẫn đang ở trong “giấc mơ sâu” về 2 tuyến ĐSCT Hà Nội – Vinh, TP HCM – Nha Trang do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Hà Nội vẽ nên. Thực chất về “nghiên cứu sâu” ĐSCT là như thế nào? BVN xin giới thiệu bài viết của TS Trần Đình Bá – Hội Kinh tế & Vận tải ĐSVN, phân tích về lòng hào hiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang “lo nghiên cứu ĐSCT cho Việt Nam”. 

Để phục vụ cho Thế vận hội mùa hè 1964, Nhật Bản đã xây dựng các tuyến ĐSCT kết nối các thành phố lớn, đông dân như Tokyo, Osaka… Đó là những đại đô thị phát triển công nghiệp có trên 3 triệu dân, nơi diễn ra các cuộc thi đấu, nhờ vậy các dự án đó đã thành công cùng Thế vận hội. Hình ảnh đoàn tàu cao tốc shikansen chạy dưới chân ngọn núi Phú Sĩ trở thành biểu tượng của nước Nhật hùng cường đứng thứ nhì thế giới về kinh tế và là cường quốc về công nghệ và kỹ thuật ứng dụng.
Thế nhưng phía sau hào quang chói lọi đó là cả một mảng tối mà chỉ sau khi xảy ra sự cố, cả nước Nhật mới bàng hoàng bừng tỉnh và thế giới mới biết rõ về những “kỷ lục” của ĐS Nhật Bản!
Niềm kiêu hãnh từ những đoàn tàu “mang hình viên đạn”!
Trên đống tro tàn của chiến tranh do tham vọng phát xít mà mình gây nên, nước Nhật bại trận, cay đắng hổ thẹn lặng lẽ xây lại ngôi nhà của chính mình. Họ đã nổ lực không mệt mỏi, làm được điều kỳ diệu, trở thành cường quốc có nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới với những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu từ phát minh của các nhà bác học trên thế giới để thành công về công nghệ ứng dụng bán dẫn, vi mạch, đường sắt cao tốc, ô tô, xe máy...
Những đoàn tàu shikansen mang hình viên đạn xé gió trên mặt đất trở thành niềm kiêu hãnh tự hào của họ, và các thập niên qua vẫn luôn dẫn đầu về kỷ lục tốc độ, vượt các công nghệ đường sắt cao tốc như TGV của Pháp, KTX của Đức. Nhiều vị nguyên thủ nước ngoài khi đến Tokyo được đón tiếp nồng hậu, được đi tàu shikansen để tạo được cảm giác mạnh và tìm đối tác kinh tế ngay trên chính trường ngoại giao. Đường sắt Nhật Bản đã khai thác mọi cơ hội để quảng bá, giành những hợp đồng xây dựng lớn, chuyển giao và bán các thiết bị công nghệ ĐS cao tốc ra nước ngoài.
Nhật Bản có các tuyến ĐSCT như Tohoku, Joetsu, Nagano, Yamagata, Akita… nối các đại đô thị công nghiệp đều trên 3 triệu dân. Loại tàu hỏa này giống như địa phi cơ, kết nối nhanh theo những tuyến hành trình định sẵn, tiết kiệm thời gian khi làm thủ tục lên xuống tàu do chỉ chở hành khách kèm theo hành lý xách tay nhẹ nhàng, không có thủ tục ký gữi và giao nhận hành lý như đi máy bay. Theo nhận xét của các quan chức ĐS Nhật Bản, trong 5 tuyến ĐSCT thì chỉ có Tokyo-Osaka được cho là có lãi, còn lại đều lỗ nặng.
Người dân Nhật Bản nhiều thập niên qua vẫn luôn luôn tự hào về hệ thống giao thông đường sắt của mình là tốt nhất, ưu việt nhất thế giới!
Mảng tối phát lộ và hiệu ứng domino sau thảm họa quốc gia
Vào lúc 9 giờ 20 phút ngày 25/4/2005, tại tỉnh Hyohgo (gần Osaka) trên tuyến JR Fukuchiyama, đoạn giữa hai ga Tsukaguchi - Amagasaki, một đoàn tàu nhanh 7 toa đã bị trật khỏi đường ray khi chạy ở tốc độ 70 km/h. Từ toa số 1 tới toa số 3 bị quay ngang, vượt khỏi hàng rào an toàn, đầu tàu lao vào một toà nhà chung cư và bị phá hủy nặng. Tai nạn thảm khốc làm 80 người chết và hơn 500 người bị thương, Chính phủ Nhật Bản phải tuyên bố quốc tang tưởng nhớ người bị nạn. Sau đó không lâu, ngày 25/12/2005, lại một đoàn tàu 6 toa lại bị lật nhào làm 4 người chết và 33 người bị thương khi chạy với tốc độ 90 km/h. Cả nước Nhật lại một phen nữa bàng hoàng cay đắng, giới quan chức ĐS họp báo tuyên bố đây chỉ là “sự cố hy hữu” do đoàn tàu chạy trong bão tuyết khắc nghiệt.
clip_image002
Ảnh: Vụ thảm họa ĐS tại Nhật ngày 25/4/2005 trên ĐS khổ 1,067 mét tốc độ 70 km/h. Nguồn: Internet.
clip_image003
Ảnh: Vụ lật tàu tại Nhật Bản trên đường sắt 1,067 mét tốc độ 90 km/h ngày 25/12/2005. Nguồn: Internet.
Một câu hỏi lớn đặt ra, tại sao tàu hỏa cao tốc Nhật Bản giành kỷ lục thế giới với tốc độ trên 300 km/h mà lại bị lật khi chỉ chạy ở tốc độ khiêm tốn 70 - 90 km/h?
Điều tra cho thấy: cả hai vụ lật tàu làm gần 100 người chết và 500 người bị thương đều xảy tra trên hệ thống ĐS quốc gia khổ 1,067 mét có từ thời Nhật hoàng Minh trị những năm 1860, sau này đã được tập đoàn ĐS Nhật Bản kiên cố hóa bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực được gọi là “tiêu chuẩn Nhật Bản”. 

Người Nhật luôn tự hào về hệ thống 27.000 km đường sắt tốt nhất thế giới. Khi biết được mạng lưới ĐS khổ hẹp 1,067 mét đồ cổ có từ thời Minh trị Thiên Hoàng vẫn chiếm 93% tổng số chiều dài ĐS quốc nội, hàng chục triệu dân hàng ngày vẫn phải đi lại, đặt số phận của mình lên đó, người dân Nhật Bản phẫn nộ đặt câu hỏi: Tại sao Nhật Bản là cường quốc về kinh tế, về khoa học công nghệ lại có ĐS khổ hẹp với chiều dài ĐS nhiều nhất hành tinh này!?
Giới quan chức ĐS Nhật Bản không sao giải thích, biện minh nổi cho sự trì trệ lạc hậu của chính mình, Chủ tịch ĐS Nhật Bản đã phải từ chức trước áp lực của dư luận!
Người Nhật với 120 triệu dân đã phải chính thức ôm nổi nhục tụt hậu ĐS từ đó.
Sóng gió sau thảm họa ĐS năm 2005 phủ vận đen lên chính trường Nhật Bản và tác động gây hiệu ứng domino. Nhân dân mất lòng tin vào Chính phủ vì họ không thể biết được cho đến bao giờ mới hiện đại được hệ thống ĐS khổng lồ 24.000 km khổ đường 1,067 mét này, và liệu quá trình sử dụng nó có thoát khỏi được những sự cố tương tự như 2 vụ liên tiếp trong năm 2005. Để mở rộng và hiện đại 93% chiều dài ĐS quốc nội lạc hậu đó không dễ, vì tốn gần trăm tỷ USD khi mà nợ công của Chính phủ đã vượt trên 208 % GD, có nguy cơ vỡ nợ trở thành một Hy Lạp thứ hai.
Từ sau thảm họa ĐS năm 2005 đó đến nay, các đảng đối lập liên tiếp chỉ trích sai lầm của nhau, do suy thoái kinh tế cùng các vấn đề quốc nội, bình quân cứ 8 tháng Nhật Bản lại có một Thủ tướng mới, đây là kỷ lục mới nhất trong lịch sử chính trị thế giới hiện đại.

Ốc chưa lo nổi mình ốc” thì lấy đâu cao tốc cho VN!

Chính phủ cũng như quan chức về giao thông Nhật Bản đang chịu sức ép nặng nề của dư luận trong nước vì hệ thống ĐS lạc hậu nhất thế giới. Vậy mà Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản tại VN (JICA) lại lạc quan đến mức lãng mạn vĩ đại, vẽ ra cho Việt Nam tuyến ĐSCT 1570 km dài nhất thế giới với chi phí 56 tỷ USD bằng “tiền của Chính phủ Nhật Bản mà không động gì đến tiền của nhân dân Việt Nam”.
Các tuyên bố của “Người phát ngôn” Bộ GTVT Việt Nam cũng như của các chính khách Nhật Bản khi đến VN, hết đợt này đến đợt khác vẫn không ngừng lặp đi lặp lại nội dung “Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam làm đường bộ cao tốc và ĐS cao tốc Bắc Nam”. Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng thì quyết tâm “làm ĐSCT để đi thẳng vào hiện đại…”; Tiến sĩ Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Nguyễn Hữu Bằng thì “Tôi tư duy đi tắt đón đầu…, chỉ cần quốc hội nhất trí thông qua là được còn hiệu quả kinh tế thì chưa cần tình đến…”; Tiến sĩ Viện trưởng Quy hoạch và Quản lý giao thông - Bộ GTVT Khuất Việt Hùng, người phát ngôn chính thức của Bộ GTVT thì hùng hồn hiệu triệu toàn dân: “…Nước Mỹ đang phải cay đắng nhận ra kỷ nguyên đường bộ cao tốc đã kết thúc… Quốc hội nên quyết ngay chủ trương làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam… Đối với một dự án lớn thế này phải có một tinh thần như tinh thần giải phóng dân tộc… Với tôi, nếu Quốc hội duyệt thì vui còn không thì buồn nhưng điều quan trọng nhất là các Đại biểu phải quyết với chính cái tâm và trách nhiệm của họ. Tôi mong Quốc hội sẽ thông qua nhưng mong đợi lớn lao hơn cả là Đại biểu làm tròn trách nhiệm được nhân dân giao”, “…chưa thông qua chứ không phải bác”, “…Bộ GTVT đang “nghiên cứu sâu” ĐSCT để trình quốc hội…”.
Nhật Bản siêu cường đang chấp nhận ôm hận trước cả một hệ thống ĐS khổ hẹp 1,067 m lạc hậu nhất thế giới để “nhiệt tình” giúp Việt Nam giành kỷ lục đứng đầu thế giới về ĐSCT? Chuyện cứ mơ mơ, thực thực giống như ngụ ngôn “chạch đẻ ngọn đa”!
Khi vừa lên nhậm chức, Thủ tướng Naoto Kan đã cảnh báo người dân Nhật chớ lạc quan tếu, công nợ của quốc gia giàu có thứ nhì thế giới đã vượt ngưỡng 208 % GDP, nếu không có những cải tổ thì sẽ nguy cơ vỡ nợ trở thành Hy Lạp thứ hai. Cho đến nay Thủ tướng Kan vẫn đang trên “ghế nóng” nhấp nhổm giữa việc ngồi lại hay phải ra đi sau nhiều vị Thủ tướng tiền nhiệm mang theo lời hứa tốt đẹp “Chính phủ Nhật sẽ giúp VN làm đường bộ cao tốc Bắc Nam và làm ĐSCT Bắc Nam…”. 

Không hiểu vì sao người Nhật nhiệt tình quan tâm giúp Việt Nam làm ĐSCT đến thế? Lòng tốt dù có thành tâm đến mấy cũng làm cho người hàm ơn áy náy. Nước Nhật đâu phải là thiên đường hay niết bàn! Trên những nhà ga xe lửa của họ vẫn còn những người dân vô gia cư hàng đêm phải thu mình ngủ trong những thùng giấy dưới cái lạnh băng tuyết. Thử hỏi siêu dự án ĐSCT tại VN 56 tỷ USD có vượt quá sức tưởng tượng của những người Nhật đó không, khi hệ thống ĐS Nhật Bản vẫn đang lạc hậu nhất thế giới?
“Ốc chưa lo nổi mình ốc…” thì làm sao lại “lo được đường sắt cao tốc cho Việt Nam” hỡi các chuyên gia Nhóm hợp tác quốc tế Nhật Bản tại VN (JICA) và các Tiến sĩ ở Bộ GTVT Việt Nam đang tham gia vẽ nên các dự án ĐSCT?!

Chuyện ĐSCT nói dài, nói dai, phán bừa vô tội vạ đã làm mất hết tính nghiêm túc của “Người phát ngôn Bộ GTVT” trước Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân!
Người VN thường khuyên nhau “đừng thấy người ta ăn khoai mà vội vác mai đi đào” để không biến mình thành kẻ tôi đòi đến mức kệch cởm trơ trẽn. Giữa biển lớn hội nhập và hội chợ phù hoa đầy sắc màu sặc sỡ, vàng thau lẫn lộn, người Việt Nam cần có lòng tự trọng để nhận ra những điều thực tế hơn để khỏi phải vừa “mang ơn” vừa bị mắc vào chiếc bẩy nợ nần đổ lên đầu các thế hệ con cháu như chuyện “chiếc tàu Vinashin”!

Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Tiến sĩ Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Nguyễn Hữu Bằng và Tiến sĩ Viện trưởng Quy hoạch và Quản lý giao thông - Bộ GTVT Khuất Việt Hùng phải qua cơn “mê sâu” để quay về với hệ thống 3200 km ĐS quốc gia của chính mình.

Hãy yêu Đường sắt quốc gia,
Dày công hiện đại “ao nhà” vẫn hơn

T. Đ. B.