26 thg 3, 2011

Do dân trí hay do ý thức?

 Nguyễn Ngọc Lanh

Có hai bài liên quan nhau, gốc từ báo An ninh thế giới, nhan đề đều có từ dân trí, được đăng lại trên Chungta.com. Đó là những bài đọc xong có thể rút ra nhiều điều thú vị.
Phát huy dân trí như thế nào? là nhan đề một bài khiến bạn đọc nghĩ rằng sẽ được thấy những biện pháp lớn cho một vấn đề lớn (phát huy dân trí như thế nào?). Thực ra, chỉ là tác giả Hồng Hạc bức xúc khi văn minh đô thị xuống cấp và quy nó cho sự thiếu ý thức của người dân. Nhưng “ý thức” và “dân trí” là hai khái niệm rất không đồng nhất.

Tác giả so sánh: Trước đây 30 năm tình hình văn minh đô thị khá hơn nhiều, mặc dù dân trí thời đó không thể bằng ngày nay. Do vậy, tác giả cho rằng dân trí hôm nay đã đủ cao, chỉ cần “đánh thức” nó dậy. Rốt cuộc, không phải là “phát huy” – như nhan đề bài viết - mà là “đánh thức” dân trí - tức nhắc nhở, phạt, để mọi người có ý thức.
Đánh thức cách nào? Rốt cuộc vẫn là người dân phải tự nâng cao ý thức, còn chính quyền cần mạnh tay hơn. Nhà Hà Nội Học Nguyễn Vinh Phúc khi được phỏng vấn cũng cho rằng Cứ dùng pháp trị thì Hà Nội sẽ sạch, đẹp, văn minh, mà không nói dân trí.

Dẫu vậy, bài của Hồng Hạc vẫn được một tác giả khác “góp thêm”. Trong bài Đôi điều góp thêm về dân trí nước nhà, tiến sĩ Trần Hồng Lưu kiên nhẫn kể ra vô số hiện tượng kém văn minh, tiêu cực, bất chấp các quy định trong ứng xử… Và ai cũng có thể giúp tác giả kể thêm đến vô cùng tận các hiện tượng tương tự. Cách khắc phục vẫn là phải chỉnh sửa cho “nghiêm”. Chỉnh sửa từ những vi phạm nhỏ nhất; đồng thời phải giáo dục để người dân sống tình nghĩa, có thói quen tốt…
Tóm lại, hàng triệu người trưởng thành vẫn cần được giáo dục để… nâng cao ý thức.
Tìm nguyên nhân
Ý thức hàng triệu con người không bao giờ ngẫu nhiên sinh ra để cùng nhau vi phạm văn minh đô thị, mà phải có hoàn cành và điều kiện vật chất để nó sinh ra.
Thử áp dụng biện pháp của hai vị trong trường hợp dưới đây:
Có một hôm xảy ra kẹt xe.
- Trong số người bị kẹt, thiếu gì người buộc phải đến cơ quan đúng giờ, mặc dù họ đã thu xếp số thời gian đi trên đường gấp đôi thường lệ. Thế là ý thức về kỷ luật lao động (đến đúng giờ) và ý thức văn minh giao thông (không chen lấn, không cố vượt) chỉ có thể chọn một. Thiếu gì trường hợp phải đưa con tới nhà trẻ đúng giờ (không sớm quá, khi cô giáo chưa mở cửa), và sau đó lại phải tới cơ quan không muộn?. Thật nan giải, nếu cứ khư khư giữ vững ý thức.

- Thiếu gì những ngày kẹt xe trong tuần?

- Thiếu gì hôm kẹt xe trên diện rộng, không những ở nhiều tuyến phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… mà ngay ở đường 5 hay quốc lộ 1?.

- Thiếu gì nguyên nhân gây kẹt xe: Đôi khi do trời (mưa làm ngập đường), nhưng hầu hết do người. Ví dụ, lô cốt mọc giữa đường, đường hẹp và xấu, ai đó cho phép nhập xe máy và ô tô “vô tội vạ”, quy hoạch đường xá và giao thông thiếu lo xa; quy hoạch đô thị chắp vá, không đủ tầm dự kiến để đối phó với “trời” (lấp hết ao hồ chứa nước, hệ thoát nước chỉ chạy theo đuôi tình thế…). Tất nhiên, có cả nguyên nhân ý thức (và dân trí?).

Có điều, một nhóm rất nhiều nguyên nhân lại do số ít người gây ra, nhưng đó là ai, chúng ta khó chỉ ra cho cụ thể. Dường như họ vô hình, hoặc ngồi tận đẩu tận đâu, không dễ thấy, không dễ gặp. Nếu cố nêu ra một cái tên nào đó, lại e phạm thượng. Còn nguyên nhân ý thức thì số người mắc lại quá đông, rất dễ thấy, rất dễ gặp, có thể bắt tận tay, day tận trán để két tội; nhưng lại khó mà lên danh sách cho đủ vì họ đông tới hàng triệu và triệu… Phạt không xuể.
Vấn đề là trong hai nguyên nhân nói trên, cái nào sinh ra cái nào? Cần biết, để mà đặt trọng tâm giáo dục vào đâu. Nếu không, có thể làm chuyện ngược đời, là… xui đầy tớ phạt ông chủ để thay đổi ý thức cho ông ta? Từ đó, sẽ dễ trả lời câu hỏi: Có phải người Việt Nam vốn dĩ “kém ý thức”, không đáng địa vị làm chủ? Hay do không chọn được đầy tớ tận tâm và thạo việc? Chỉ biết rằng, cũng những con người Việt Nam “kém ý thức” này khi sang các xứ sở văn minh thì hầu hết lại “sớm phục hồi ý thức”, biết xử sự văn minh như ai…
Xin được kết thúc vấn đề. Nhưng tiện đây, xin nêu vài ý nhỏ về dân trí.

Dựa vào gì để nói dân trí cao hay thấp?
Có thể tạm coi dân trí là trình độ hiểu biết chung của một cộng đồng dân cư. Nhưng định lượng cái “hiểu biết chung” này bằng cách gì cho đơn giản? Và cho trúng?
- Có thể dựa vào tỷ lệ người biết chữ và có bằng cấp (các loại).
Thế thì dân trí nước ta liên tục “năm sau cao hơn năm trước”. Tuy nhiên, trong thời buổi cạnh tranh quốc tế này mà cứ so sánh thành tích hiện tại với quá khứ, nhiều khi rất phản cảm. Do vậy, với tình hình bằng cấp tràn lan hiện nay, tôi dám bạo gan kết luận: Dân trí nước ta không thua lắm so với Đức, Pháp (là những nước tôi đã có dịp tới). Nhưng tôi ngã ngửa, khi một kỳ thi nghiêm túc (để chống bệnh thành tích) đã làm phát lộ 30-50% các cháu đạt trình độ… “học giả”. Học thì giả, nhưng sự lãng phí tuổi xuân của nhiều triệu người suốt 30 năm lại rất “thật”.

- Cũng có thể soạn ra một bộ câu hỏi khảo sát sự hiểu biết phổ cập về các mặt (khoa học, văn nghệ, pháp luật, thể thao, tôn giáo…).

Tuy nhiên, soạn bộ câu hỏi đã khó (nhiều lĩnh vực quá), mà sự trả lời mỗi nhóm câu hỏi còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh mỗi cá nhân. Có người trả lời dễ dàng các câu phổ thông về internet, luật giao thông, nhưng lại rất lơ mơ về nông nghiệp, dân ca - tuỳ theo người đó làm nghề gì, sống ở nông thôn hay thành thị…
Do nhiều gợi ý (xem ở dưới), tôi nghĩ rằng nếu khảo sát sự hiểu biết về nghĩa vụ và quyền hạn công dân của những người đạt 18-22 tuổi (đã một lần đi bầu Quốc Hội) sẽ đơn giản về cách làm, mà lại phản ánh khá trúng trình độ dân trí - bất kể họ làm nghề gì, nam hay nữ, sống ở đâu... Bởi vì, bất cứ ai, một khi trở thành công dân đều phải có những hiểu biết để thực hiện tốt nhất nghĩa vụ và quyền hạn của mình.
Những gợi ý
1) Gợi ý từ… các cụ ta xưa
Năm 1946 có cuộc bầu cử đại biểu quốc hội. Tôi cùng các bạn trong Đội Nhi Đồng ở bãi Nghĩa Dũng (Hà Nội) đi đánh trống ếch cổ động xong thì đứng cạnh hòm phiếu để giúp đồng bào bỏ phiếu (vì hầu hết mù chữ). Mọi người nô nức. Hoàn toàn không có chuyện một người bỏ phiếu hộ những người khác. Câu tôi được nghe nhiều nhất, nay còn thuộc: Cậu để lại tên cụ Hồ và các ông Việt Minh cho tôi, còn lại, muốn gạch tên ai là tuỳ cậu (chú thích: đồng bào gọi “cưng” tôi là “cậu”). Câu hỏi: Phải chăng, giác ngộ quyền và nghĩa vụ công dân phải là tiêu chuẩn quan trọng của dân trí?

2) Gợi ý từ… bên TâyNếu đo dân trí bằng ý thức công dân thì dân trí Pháp và Đức hơn hẳn Việt. Khác hẳn kết quả so sánh tỷ lệ những người có bằng cấp. Xin cứ tranh luận tới cùng sẽ nảy sinh nhiều điều thú vị và bổ ích - miễn là có nơi để chúng ta tha hồ tranh luận (chả nhẽ, nhờ diễn đàn BBC?). Đây không phải chỗ bàn về thế nào là tự do ngôn luận thật và giả.

Có những lần bầu cử ở Pháp hay Đức mà số cử tri đi bầu rất không cao. Nguyên nhân quan trọng nhất là do (sau khi đã tìm hiểu kỹ nội dung tranh cử của các phe tranh cử) nhiều người cho rằng phe nào lên cầm quyền cũng như nhau, đều có thể chấp nhận. Thế là lần bầu cử ấy họ không đi bầu. Nhưng họ chấp nhận kết quả bầu cử.

Với họ, không có chuyện “đi bầu vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ”. Khó mà nhập nhằng điều đó khi dân trí đã cao. Đi bầu là quyền. Do vậy, thích thì hưởng, không thích thì thôi, chẳng ai dám “bắt bò” mình. Còn đóng thuế là nghĩa vụ, ai cũng phải thực hiện. Không ai dám ngụy biện khi dân trí đã cao rằng đóng thuế “vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền”.
3) Gợi ý từ một vị “đầy tớ”
Chuyện Dân là Chủ đã được đảng ta nói từ lâu, miễn phải nhắc lại. Rồi từ trên nửa thế kỷ nay, cụ Hồ đã nói: Cán bộ là công bộc của dân. Gần đây nhất, thủ tướng cũng thay mặt chính phủ và hệ thống hành pháp hứa rằng sẽ tận tâm làm người đầy tớ của dân. Còn quốc hội là cơ quan đại diện cho “Ông Chủ”, tức cho Dân - cũng là điều xin được miễn nhắc lại. Nhưng mà, khốn một nỗi…
Đồng chí Lê Doãn Hợp, trên cương vị bộ trưởng Bộ TT-TT (tức là một vị “đầy tớ cao cấp” của dân) khi giao lưu trực tuyến đã nói một câu không dễ ai quên: Dân trí đến đâu, dân chủ đến đó. Phát ngôn từ một vị “đầy tớ” câu này gợi cho tôi nhiều ý để bàn luận trong bài này. Ví dụ. Dân mà không khôn lên, chớ hòng được mở rộng dân chủ.
Tuy nhiên, tôi phải cố quên đi những ý mang tính suy luận, dù rất có cơ sở. Ví dụ, câu này hàm ý nước ta chưa thể có dân chủ đầy đủ (vì dân trí chưa cao). Mặt khác, khẩu khí của vị đầy tớ này khiến mọi người nghĩ rằng chính các vị là người ban phát dân chủ (nhiều hay ít dựa vào mức dân trí của ông chủ…). Rồi câu tục ngữ xa xưa dễ bị biến thể, thành… Làm đầy tớ thằng ít khôn mới dễ lạm quyền v.v… Thôi, đủ. Xin chấm dứt sự suy luận lan man.
4) Gợi ý từ một vị ở cơ quan thay mặt dân
Đồng chí tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nghiệm Văn Phòng Quốc Hội , nhân chuyện đảng ta đang nghiên cứu thí điểm cho phép dân trực tiếp bầu chủ tịch xã, có bài Dân chủ không bao giờ là “quà tặng” bất ngờ. Cái nhan đề của bài cho thấy: chẳng ai tự dưng “tặng” dân chủ cho dân, nếu dân không dám đòi hỏi - dù đó là dân ở một nước XHCN.
Từ bài viết trên, có thể nghĩ, rồi đây sẽ có nhiều ứng cử viên tranh cử một chức vụ. Dân sẽ nghe họ trình bày chương trình hành động và tranh luận. Dân sẽ hỏi han, cân nhắc để bỏ phiếu… Vâng, nếu chỉ có duy nhất một ứng cử viên cho một chức vụ… mà cứ lớn tiếng kêu gọi “hãy sáng suốt lựa chọn” thì có lố bịch không?

Chưa phải lúc so sánh sự khác nhau như “trời” với “vực” giữa cái cuộc bầu tưởng tượng (chưa diễn ra) này, với các cuộc bầu (đã diễn ra) kể từ khi có hiến pháp 1946 tới nay.
Do vậy, muốn cho dân lên tiếng đòi hỏi dân chủ, phải nâng cao dân trí, để họ biết họ có quyền gì và dám đòi hỏi cái quyền đó. Phải chăng, nói dân trí thì trước hết là nói sự giác ngộ đầy đủ về quyền hạn và nghĩa vụ công dân.
Nhưng thế nào là “giác ngộ đầy đủ”? Sẽ nói ở đoạn cuối bài.
Đảng phải chịu trách nhiệm về dân trí
Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, Dân làm chủ”. Thử hỏi mấy ai không thuộc cái câu diễn tả thể chế này của Việt Nam? Vậy, xin được miễn nhắc lại. Nhưng ai chịu trách nhiệm nâng cao dân trí cho Dân (ông chủ)? Đảng hay Nhà Nước?
Thiên hướng trời sinh của mọi loại “đầy tớ” là không muốn “ông chủ” khôn lên – vì như thế thì họ sẽ bị chủ sai phái và khiến trách nhiều hơn (ví dụ, trước Quốc Hội). Còn cơ hội lạm quyền của họ lại ít đi. Do vậy, ông chủ chớ dại mà nhờ đầy tớ dạy khôn.
Một trong những cách đối phó hữu hiệu của “đầy tớ” là tìm cách nhảy vào ngồi trong cơ quan đại diện ông chủ, càng đông đảo càng tốt. Những vị “đầy tớ thay mặt chủ” này sẽ tìm mọi cách, mọi dịp để bênh đầy tớ ở diễn đàn Quốc Hội, thậm chí lái được cả kết quả bỏ phiếu. Tuy nhiên, đây không phải chỗ nói về Luật của nhiều nước dân chủ đã biết phòng xa: Cấm công chức đương nhiệm ứng cử làm đại biểu của dân. Bà Clinton muốn làm bộ trưởng thì phải thôi ngay làm thượng nghị sĩ.
Vậy thì, chỉ còn Đảng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm nâng cao dân trí, trước hết là nâng cao sự hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân – vì nó liên quan tới mọi người trưởng thành, do vậy phản ánh rất tốt (hay rất cơ bản) trình độ dân trí nói chung.
Đó cũng là chỉ số đo đạc rất trực tiếp tính chất Vì Dân của đảng ta.

Nhưng dân trí được nâng cao vẫn chỉ là chuyện diễn ra trong đầu chúng ta (nói ra miệng). Cái cần là thể hiện ra ở bàn tay, ở hành vi (làm). Vâng, thuyết trình cho người dân “hiểu” Luật không khó bằng tạo điều kiện để họ “thi hành” Luật.
Vẫn là Đảng – không thể ai khác - là thực thể duy nhất có trách nhiệm tạo điều kiện để Dân thực hiện quyền và nghĩa vụ. Bởi, ở nước ta, Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.
Ví dụ về điều kiện thực hiện nghĩa vụ và quyền hạn. - Nghĩa vụ: Hiểu thế nào là văn minh đô thị là điều không khó. Thưc hiện nó khi thỉnh thoảng mới bị kẹt xe 15 phút, cũng không khó. Nhưng nếu kẹt xe “như cơm bữa” và kéo dài hàng giờ… thì có là thánh cũng không đủ kiên nhẫn mà thi hành nghĩa vụ.
- Quyền: Hiểu thế nào là tự do ứng cử thì đâu có quá khó? Cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu (1946) đã thực hiện rất tốt điều này, mặc dù dân trí còn rất thấp (95% dân mù chữ). Đó là vì, từ 2-9-1945, nước ta đã thành nước cộng hoà, chế độ ta đã là chế độ dân chủ. Trái lại, dưới chế độ độc tài hoặc dân chủ giả hiệu, nhiều người rất hiểu và thèm khát tự do ứng cử, nhưng đâu có dễ làm?
- Điều dễ hiểu: Không có tự do ứng cử, làm sao có tự do bầu cử?
Hiểu biết về quyền và nghĩa vụ. Vấn đề là thực hiện chúng
Nếu tạm coi dân trí là trình độ hiều biết chung của một cộng đồng dân cư thì từ hiểu biết tới thực hiện có một khoảng cách, có khi xa vô tận.

Khi đặt ra vài câu hỏi cho một thanh niên sắp lần đầu đi bầu quốc hội, nếu anh ta trả lời: Sẽ “thẳng thừng” gạch tên mọi ứng cử viên đang là công chức, thì đó là sự giác ngộ quyền lợi. Nếu anh dự định: Sẽ kiến nghị với Uỷ Ban Bầu Cử: Quý vị không được phép giới thiệu công chức (đầy tớ) vào danh sách ứng cử, thì đó sự giác ngộ cả về nghĩa vụ.
Anh sẽ bầu ai? Trả lời: Bầu ai có chương trình hành động tốt nhất và khả thi nhất. Gạch bỏ ngay những vị ứng chỉ khoe tiểu sử cá nhân. Thế thì dân trí không thấp đâu.
Nếu những ai 18 tuổi đều như trên thì “bố bảo” các công chức cũng không dám “hành dân”. Bởi vì, số người trên 18 tuổi (chiếm 70% dân số) lại càng hiểu rõ mình có quyền gì. Mặt khác, Dân cũng tự thấy nghĩa vụ là phải ưu đãi “đầy tớ”, phải trả lương cao và quý trọng. Và bảo vệ cái chế độ đã tạo ra đám công chức liêm khiết và tận tuỵ này.
Đảng chẳng cần bắt công chức học đạo đức, hoặc chỉnh đốn họ (càng chỉnh, càng đốn).
Vào cuộc bầu cử, nếu 30% số đoàn viên TNCS không trả lời được như trên, chi bộ đảng phải có trách nhiệm. Nếu 30% thanh niên cả nước cũng “dân trí thấp” như vậy thì bí thư trung ương đoàn nên tự rút trước khi bị cách chức.
Đoàn viên sẽ nói thẳng: Chúng tôi vào một đoàn thể chính trị là để được giác ngộ về chính trị, chứ không phải để bị “ngu dân” về chính trị.

Một giám đốc sở (đầy tớ cấp trung) bằng cách nào đó lại kiêm luôn đại biểu quốc hội (đại diện cho chủ) nếu tự thấy áy náy trong lòng… thế là thiện căn vẫn còn. Nếu dám xin rút ngay từ khi được đưa vào danh sách ứng cử… thế là liêm sỉ vẫn còn. Đồng chí tiến sĩ Đặng Hùng Võ khi thôi thứ trưởng mới có ý định ứng cử đại biểu quốc hội… thế là lương tri, nhân phẩm vẫn còn…
Được như vậy, là nhờ Đảng có chính sách nâng cao dân trí. Dân sẽ viết hoa tên Đảng và ơn Đảng đời đời.
Đảng có muốn rút khỏi cương vị lãnh đạo đất nước này, dân cũng chẳng cho rút, chiểu theo Hiến pháp hiện hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét