13 thg 4, 2011

CUBA: LIỆU CÓ THỂ ÁP DỤNG MÔ HÌNH KINH TẾ CỦA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM?

Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ Hai, ngày 11/04/2011

TTXVN (La Habana 6/4)
Tờ Rebelion mới đây đã đăng bài viết của giáo sư Julio A. Diaz Vazquez, thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế Đại học La Habana, liên quan tới chính sách “Cập nhập hoá” mô hình kinh tế của Cuba. Dưới tiêu đề “Mô hình kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam liệu có thể áp dụng tại Cuba?”, tác giả viết:
Dự thảo “Đường lối chính sách kinh tế và xã hội”, sẽ được xem xét và thông qua tại Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI tới đây, đã khiến mọi người đặt ra nhiều câu hỏi. Người ta bàn luận cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Kinh nghiệm của các chính sách cải cách kinh tế ở Trung Quốc và Việt Nam liệu có được áp dụng tại Cuba hay không?
Việc hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ cùng với việc Liên Xô tan rã đã chôn vùi lý thuyết mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa mà trên thực tế kinh nghiệm thực hiện mô hình này chỉ có Liên Xô hiểu nhất. Trong giai đoạn 1953-1957, Trung Quốc đã áp dụng một vài điểm của mô hình này. Trong giai đoạn 1958-1976 (trừ thời kỳ đứt quãng 1961-1965), Trung Quốc đã cố gắng sáng tạo ra một mô hình xã hội chủ nghĩa khác với mô hình Xô Việt, trước tiên là “Công xã Nhân dân” và sau đó là “Cách mạng Văn hoá”. Trong giai đoạn 1978-2010, Trung Quốc áp dụng chính sách “Cải cách-Mở cửa” và nền kinh tế Trung Quốc đã gặt hái nhiều thành công. Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý của thế giới.
Vào năm 1975, Việt Nam đã thống nhất đất nước sau hơn 30 năm chiến đấu kiên cường chống giặc ngoại xâm. Người ta áp dụng mô hình kinh tế tập trung trên toàn quốc, mô hình này trước đó đã được áp dụng nhiều năm tại miền Bắc. Phao cứu sinh cho mô hình này đó là khoảng 80% ngân sách nhà nước do hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa cung cấp, đặc biệt là Liên Xô. Kết quả của nền kinh tế tập trung này thật tồi tệ: Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với nạn đói. Vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam bắt đầu áp dụng chính sách “Đổi mới”. Trong 20 năm gần đây, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Việt Nam đạt mức tăng trung bình 6%. Trong rất nhiều những thành tựu sản xuất rõ ràng mà Việt Nam đạt được có việc nước này hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê một thế giới và xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Tỷ lệ người nghèo giảm xuống chỉ còn 10%.
Sự thất bại của chủ nghĩa xã hội tại châu Âu, những thay đổi tại Trung Quốc và Việt Nam hay những gì đang diễn ra ở Bắc Triều Tiên cho thấy có thể hình thành những mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa mới hoàn toàn chẳng giống với lý thuyết hay thực hành trên thực tế của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Sự ra đời của những mô hình mới phù hợp với thực tế địa chính trị chiến lược của thế kỷ XXI cũng như hoàn cảnh và điều kiện của mỗi quốc gia là hoàn toàn có thể, và điều này củng cố tính đa dạng của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tại Cuba, việc thực hiện “Cập nhật hoá” mô hình kinh tế khẳng định rằng cách mạng, chủ nghĩa xã hội và độc lập chủ quyền gắn kết chặt chẽ.
Tiếp tục bước đi của Trung Quốc và Việt Nam sẽ đem lại kết quả tích cực, nhưng sự khác biệt về địa lý, đời sống văn hoá – xã hội và nhiều yếu tố khác cũng cần phải nhìn nhận kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, tăng trưởng và phát triển là điều tối cần thiết và là mệnh lệnh để Cuba không bị sa lầy trên con đường đi của mình. Trung Quốc và Việt Nam thực hiện cải cách đều chấp nhận những thách thức của tiến trình toàn cầu hoá và chấp nhận cạnh tranh với những luật chơi của nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, Cuba tại Mỹ Latinh không những phải đương đầu với những thách thức của toàn cầu hoá, mà còn phải tái hội nhập với nền kinh tế quốc tế vô cùng năng động, những thách thức này càng trở nên khó khăn hơn do chính sách thù địch và bao vây, cấm vận do Mỹ áp đặt. Có nhiều yếu tố mà Cuba không thể không bỏ qua:
1 – 75% dân số Cuba sống ở thành thị, trái với Trung Quốc và Việt Nam. 56% dân số Trung Quốc sống ở nông thôn và ở VIệt Nam tỷ lệ này lên tới 80%. Ở một chừng mực nào đó, điều này giải thích tại sao tại hai quốc gia này người ta đã phải vô cùng nỗ lực để thực hiện chính sách cải cách, hội nhập kinh tế thị trường và phát triển doanh nghiệp. Về mặt lịch sử, Cuba cũng là quốc gia có nền “kinh tế nông nghiệp” nhưng hoàn toàn khác với “kinh tế nông nghiệp” của Trung Quốc và Việt Nam.
2 – Các vùng miền và đặc tính đa dân tộc của các nước này cũng tạo nên sự khác biệt: khu vực giàu nghèo, giao thông, thông tin… những yếu tố này ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ thực hiện các chính sách cải cách. Tại Trung Quốc, sự khác biệt về đời sống kinh tế ở các vùng miền rất lớn. Tại Việt Nam, ngoài sự lạc hậu từ nhiều đời nay và nền kinh tế chậm phát triển, khoảng cách ngày càng gia tăng giữa miền Bắc và miền Nam là một thách thức lớn. Trong khi đó, Cuba, không có sự khác biệt lớn giữa các khu vực.
3 – Về khía cạnh văn hoá, vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các nhà tri thức tại Trung Quốc đã khơi mào tranh luận về luồng tư tưởng phương Tây hướng tới phát triển công nghệ và dân chủ. Còn tại Việt Nam, một quốc gia từng là thuộc địa của Pháp, người ta cởi mở hơn nhiều với những tư tưởng này. Còn ở Cuba, điều này hoàn toàn ngược lại. Cuba là một quốc gia mà gốc rễ và nền văn hoá được ra đời từ trong lòng văn hoá phương Tây. Ngoài ra, cần phải nhìn nhận rằng cả hai quốc gia châu Á này đều có một nền lịch sử văn hoá làng xã từ hàng nghìn năm nay, truyền thống gia đình đã ăn sâu vào lối sống và lối suy nghĩ của người dân các quốc gia này. Điều này hoàn toàn khác biệt với văn hoá Cuba.
Vậy kinh nghiệm cải cách kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam sẽ có ích gì cho Cuba?
1-     Nó chứng tỏ mô hình kinh tế Xô Viết không thể sửa đổi được.
2-     Những thay đổi từ “Cải cách-Mở cửa” ở Trung Quốc cũng như “Đổi mới” ở Việt Nam đều do thế hệ lão thành cách mạng đề ra. Những thay đổi này góp phần hình thành những mô hình khác với mô hình xã hội chủ nghĩa mà người ta biết đến trên lý thuyết.
3-     Có vẻ hữu hiệu khi thử nghiệm việc thể chế hoá mối quan hệ thị trường.
Tuy nhiên, không được quên rằng thị trường cũng có hai mặt của nó. Một mặt thị trường khuyến khích sản xuất và thương mại, khuyến khích sự năng động, làm hàng hoá tràn ngập khắp nơi… Đó là không kể tới có sự phân biệt đẳng cấp giữa những người lao động. Mặt khác, thị trường làm gia tăng sự tham lam, những tư tưởng và bản năng thấp hèn, sự ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân. Bản chất tự nhiên của thị trường không phải là tư bản chủ nghĩa cũng chẳng phải là xã hội chủ nghĩa.
4-     Không được kìm hãm mà cần khuyến khích tính sáng tạo của các công dân.
5-     Nghiên cứu vai trò tích cực của nền công nghiệp nông thôn Trung Quốc.
Kinh nghiệm của Việt Nam và Trung Quốc đều bắt đầu từ cải cách mối quan hệ ruộng đất. Việt Nam cần giải quyết khẩn cấp tình trạng thiếu lương thực, trong khi tại Trung Quốc, tình trạng đói kém không tới nỗi cấp bách như Việt Nam nhưng cũng cần phải loại trừ những mối đe doạ tiềm ẩn từ nạn đói, đảm bảo tăng trưởng sản xuất liên tục, nâng cao đời sống nông dân, loại bỏ nhập khẩu và đảm bảo có sự đồng thuận cao và sự ủng hộ trên khắp đất nước đối với tiến trình cải cách. Ở Trung Quốc, người ta phân chia đất theo đầu người trong mỗi hộ gia đình và hiện tại quyền sử dụng đất được kéo dài tới 30 năm và người dân hoàn toàn có quyền ký lại hợp đồng sử dụng đất thêm 30 năm nữa phù hợp với quyền thừa kế và quyền sử dụng đất. Ban đầu, nông dân phải nộp cho hợp tác xã 70% sản lượng thu hoạch và số còn lại được bán tự do trên thị trường. Sau này, sản lượng thu hoạch phải nộp cho nhà nước giảm đáng kể và lượng hàng hoá được bán tự do tăng nhiều. Đây là dấu chấm hết cho việc áp dụng mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa nổi tiếng: bán đắt-mua rẻ trong mối quan hệ nông thôn và thành thị.
Một vấn đề quan trọng khác cần phải nói đến đó là nền kinh tế cần phải hoạt động phù hợp với những yếu tố cấu thành của thị trường. Những kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam đều xuất phát từ những chế độ lãnh đạo tập trung. Trung Quốc bắt đầu “Cải cách-Mở cửa” không phải chịu áp lực lớn trong nước và hoàn toàn xuất phát từ tình hình thực tế. Còn tại Việt Nam, “Đổi mới” bắt đầu từ một thời điểm vô cùng khó khăn. Cả hai quốc gia đều phải đương đầu (dù thành công ít hay nhiều) với việc tổ chức lại cơ sở hạ tầng pháp lý – kinh tế – tài chính để có thể đưa mối quan hệ tiền tệ – hàng hoá đi vào hoạt động một cách bình thường.
Cải cách tại Trung Quốc và Việt Nam được bắt đầu với sự ưu tiên phát triển kinh tế. Trong cả hai trường hợp, đều là cố gắng giải quyết ít hay nhiều những vấn đề bức xúc nhất, mở rộng cơ sở xã hội để tìm kiếm sự ủng hộ đối với tiến trình cải cách, chủ yếu nhờ những thành công trong lĩnh vực cải cách nông nghiệp. Những thành công trong cải cách nông nghiệp mở đường thúc đẩy phát triển những lĩnh vực khác của nền kinh tế, đồng thời cô lập những bộ phận bảo thủ và chậm tiến. Sự thuận lợi của cả hai công cuộc cải cách kinh tế này đều là do Đảng quyết định thực hiện. Yếu tố đảm an ninh xã hội là tiêu chí đặc biệt mà Đảng quan tâm trong quá trình tiến hành cải cách.

Cả Trung Quốc và Việt Nam đều phải vượt qua những yếu tố chủ quan nhưng vô cùng quan trọng đó là giải phóng tư duy. Việc “Cập nhật hoá” mô hình kinh tế ở Cuba xuất phát từ nhiều thực tế quản lý và lãnh đạo tập trung của nền kinh tế, cần phải khắc phục những thói quen của nền kinh tế bao cấp. Việc thực hiện và tôn trọng pháp luật là yếu tố vô cùng cần thiết đối với nền kinh tế Cuba. Hơn một thế hệ sẽ phải vượt qua những ám ảnh bởi sự biến mất của một thực tế đã tồn tại từ nhiều năm và làm quen với một thực tế mới hoàn toàn khác.

Trong kế hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015, ngoài những vấn đề trọng tâm khác, cả Việt Nam và Trung Quốc đều nhấn mạnh tới việc phải cải thiện những tụt hậu trong giáo dục và y tế, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền cũng như phân biệt giàu nghèo, giảm mức chênh lệch trong thu nhập giữa thành thị và nông thôn, ngăn chặn tình trạng môi trường bị huỷ hoại và mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch.
Về phương diện chính trị cũng cần có sự thay đổi mặc dù các nhà phân tích trong và ngoài nước đều cho rằng ở khía cạnh này Việt Nam tiến bộ hơn Trung Quốc. Vai trò của công dân ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bộ máy các cơ quan nhà nước. Trong khi đó vai trò và trách nhiệm tập thể của Đảng ngày càng được củng cố. Cả nhà nước và Đảng đều nỗ lực thực thi pháp luật và tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng.
Những kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam trong quá trình hiện đại hoá hay đổi mới những nguyên tắc hoạt động của nền kinh tế cần phải được xem xét và đánh giá cả về thành quả cũng như những hạn chế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét