Hà Văn Thịnh
Ngày 7.5.2011, lúc 4:24:05 PM, VietnamNet đăng tải một bài báo tuyệt vời với nhan đề: “Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy”. Tên của bài báo là nguyên văn lời của ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (nhân vật số 2) khi trả lời cử tri ở Quận 1, TP HCM sáng 7.5. Cụ thể hơn, bài báo cho biết ông Trương Tấn Sang đã nói rằng “Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘CHẾT’ cái đất nước này.” (tác giả nhấn mạnh – HVT).Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là lần đầu tiên một quan chức cực cao cấp dám dùng đến từ “xấu hổ” khi nói trước dân chúng. Dù muốn hay không, mỗi chúng ta buộc phải ghi nhận rằng “Đảng” đã bắt đầu thấy sai, thấy bức bối (thật hay giả, bao nhiêu phần trăm thì còn phải xem hồi sau mới biết) trước thực trạng có quá nhiều con sâu; thậm chí tất cả là sâu. Tuy ông Sang nói là chuyện đó “đâu có được” nhưng ngẫm kỹ một chút sẽ thấy cái ngôn từ lấp lửng của chính trị gia nó sâu sắc lắm. “Tất cả là sâu” tuy “đâu có được” nhưng một bầy sâu nhiều gần bằng “tất cả” cũng là sự thú nhận!
Là một “lều” sử học (theo ngôn ngữ của Thầy Trần Quốc Vượng), tôi xin lạm bàn như sau.
1. Một khi quan chức cao cấp biết chỉ một con sâu là nguy hiểm thì tại sao chưa có giải pháp nào hữu hiệu để loại trừ mối hiểm nguy từ cả “một bầy” đó? Tôi tuy chẳng có tài cán gì, nhưng nếu cho tôi có thực quyền, bảo đảm rằng dù không diệt trừ được hết tham nhũng nhưng loại bỏ NGUY HIỂM là hoàn toàn có khả năng làm được. Chẳng hạn, kê khai tài sản công khai trước dân, giải trình tất cả mọi khuất tất trước dân, cho phép dân có quyền chất vấn cặn kẽ, triệt để, cho phép dân thành lập những Uỷ ban đặc biệt có quyền giám sát tất cả những gì mà dư luận băn khoăn…, thì, chắc chắn, sẽ chẳng còn hiểm nguy nữa. Tại sao không làm? Nếu những điều tôi đề nghị chưa hợp lý thì ông Trương Tấn Sang có thể đưa ra được giải pháp nào tốt hơn?
2. Đã là lãnh đạo, là trí thức, một khi đã thấy xấu hổ mà nói rồi để đấy là không thể chấp nhận được. Theo tôi, ông Trương Tấn Sang đã làm hởi lòng hởi dạ biết bao con dân Nước Việt, cúi XIN ông hãy đừng thêm một lần đưa chúng tôi (các công dân – phó thường dân) đến với nỗi thất vọng. Người dân lâu nay luôn than phiền rằng quan chức thời nay không biết xấu hổ. Họ đã sai (kể cả tôi). Bởi vì sự thật nhãn tiền là nhân vật số hai của Đảng cũng biết xấu hổ một cách rõ ràng. Chữa trị căn bệnh đó cũng không hề khó – vấn đề là nói có đi đôi với làm hay không thôi. Báo chí (cả mọi lề) cho biết ông Ngọc, có bằng TS dổm, bị Đại hội đảng bộ cấp tỉnh gạt ra bên lề nhưng quan trên vẫn bổ nhiệm một chức vụ tương đương thứ trưởng là can cớ làm sao? Chẳng lẽ ông Ngọc không xấu hổ và, người bổ nhiệm ông ta cũng chẳng hề thấy xấu hổ?
3. Đất nước này đang “chết” dần mòn, tủi nhục, ê chề là điều ai cũng biết. Cái chết về văn hoá, về đạo đức, về lương tâm, về ước mơ, về lòng dũng cảm, về tính tự tôn dân tộc, về sự đau đớn trong im lặng của sự câm lặng… là cái chết thảm thương và vô phương cứu chữa, dù xét dưới bất kỳ góc độ nào. Ông Trương Tấn Sang đã thừa nhận rằng không cần tất cả là sâu mà chỉ cần một bầy sâu là đã đủ làm ‘chết’ dân tộc này? Thử hỏi, đã biết là như thế, nhìn thấy người chết là cha mình, tổ tiên, giống nòi mình mà không cứu, không chữa thì trả lời sao đây? Cứu và phải cứu bằng được bất kể giải pháp nào vì trước cái chết, mọi sự biện minh đều vô nghĩa lý. Người xưa dạy là dù xây chín bậc phù đồ hay chín ngàn bậc cũng không thể bằng việc cứu được mạng sống cho một người, huống hồ là cả một dân tộc! Chúng tôi nghĩ rằng nếu còn bận tâm suy nghĩ, cân nhắc trước cái chết, đó cũng là tội ác!
Lâu lắm rồi mới được nghe một vị lãnh đạo nói ra những lời vàng ngọc, thiết tha và đớn đau đến thế. Cho dù còn điều này điều nọ băn khoăn nhưng thực sự, người viết bài này dường như đã thấy vệt hồng đỏ nào đó của hy vọng nơi đường chân trời xám xịt bấy lâu nay. Xin tri ân ông Trương Tấn Sang vì những lời lẽ thật hay, thật sâu sắc ngay trong một ngày mà cả dân tộc Việt Nam đều biết rõ giá trị của thiêng liêng, của cẩn trọng, của giữ lời! Rất tin và hy vọng rằng nhưng điều tâm huyết của ông Trương Tấn Sang sẽ rất nhanh trở thành quyết sách hiện thực, đủ đầy. Nói thật lòng rằng, viết đến đây, tôi vẫn cứ vấn vương về câu mà một người bạn ở Paris vừa gọi – nói về, cho rằng tôi chỉ luôn sàm tin vào chót lưỡi, đầu môi!?
Huế, 8.5.2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét