28 thg 11, 2011

GS. NGUYỄN MINH THUYẾT: TỘI CHO HAI CHỮ "BIỂU TÌNH"


Đào Tuấn thực hiện

"Tội cho hai chữ "biểu tình". Nó có tội vạ gì. Nước ta là một nước dân chủ. Nhưng một Quốc hội dân chủ thì nghị sĩ không cần phải nói khéo. Cũng như một quốc gia dân chủ thì người dân không phải coi cái gì là tế nhị, nhạy cảm"- GS TS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu QH các khóa XI, XII trả lời PV.
 
Đại biểu phải quen với sinh hoạt dân chủ

PV: Xin bắt đầu bằng cuộc tranh luận nảy lửa trên diễn đàn QH xung quanh dự án Luật Biểu tình. Thưa ông, vì sao cũng là đại diện cho nhân dân mà các đại biểu lại có những ý kiến hoàn toàn ngược nhau liên quan đến một quyền cơ bản của công dân như vậy?

GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Đại biểu QH (ĐB) là đại diện cho nhân dân và những phát biểu của họ tại QH phải nói lên tiếng nói của người dân. Nhưng nhân dân là một tập hợp đa dạng, và hiểu được dân để nói đúng ý dân là điều không dễ. Khi ĐB nói những điều phù hợp với lợi ích của đông đảo nhân dân thì dù họ có khiêm tốn nói đó là ý kiến cá nhân, người dân vẫn đồng tình. Ngược lại, dù ĐB có tự khẳng định là mình nói thay cho đại bộ phận nhân dân mà nội dung ý kiến không phù hợp với lợi ích của người dân thì cũng không được người dân tán thành. Trong trường hợp tranh luận về Luật Biểu tình, tôi cho rằng ĐB Hoàng Hữu Phước đã ngộ nhận ý kiến mình đại diện cho nhân dân. Ngay sau cuộc tranh luận tại QH, một trang mạng nổi tiếng đã tổ chức thăm dò và kết quả là có tới 98% ý kiến đồng ý ban hành Luật Biểu tình. Từ Hiến pháp năm 1946, quyền này đã được nói tới dưới hình thức quyền hội họp. Đến Hiến pháp 1959, biểu tình đã được coi là quyền hiến định. Biểu tình là quyền cơ bản của con người và chính nhờ những cuộc biểu tình như thế, Chính phủ mới biết được lòng dân mà điều chỉnh hành vi của mình. Luật Biểu tình cũng sẽ tạo điều kiện để Nhà nước thực hiện vai trò quản lý trật tự xã hội tốt hơn. Như vậy, xét cho cùng, biểu tình là có lợi cho Nhà nước. Cũng may tại QH vừa rồi còn có ĐB Dương Trung Quốc nói lại, chứ nếu không, người dân sẽ nghĩ về QH rất khác. Được biết, sau cuộc họp, ông Hoàng Hữu Phước có những lời khá nặng nề trên blog cá nhân. Nếu đúng như vậy thì thật là đáng tiếc. ĐB phải quen với sinh hoạt dân chủ, quen với việc người ta nói khác ý mình và quen với phản ứng của những người đã bầu ra mình, thông qua báo chí.

PV: Trong chính ngày QH Việt Nam tiến hành chất vấn, cuộc họp QH một nước khác đã biến thành cuộc ẩu đả khi các nghị sĩ đối lập thậm chí xịt hơi cay vào mặt nhau khi thông qua Hiệp định thương mại với Mỹ. So với nước ngoài, nghị sĩ Việt Nam có vẻ hiền hơn, hay ở Việt Nam các nghị sĩ không đại diện cho những quyền lợi đối lập nhau?

GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đã từng thăm toà nhà Nghị viện Anh. Trong phòng họp Nghị viện, người ta xếp các hàng ghế của nghị sĩ thành hai khối đối diện với nhau, qua một chiếc bàn to, với khoảng cách chừng 3m. Người ta giải thích đó là khoảng cách an toàn khi các nghị sĩ thời xưa muốn "nói chuyện" với nhau bằng ... kiếm. Ở Nghị viện một nước châu Á mà tôi có dịp tới quan sát cuộc họp, các nghị sĩ phản đối nhau bằng cách đập bàn ầm ĩ rồi đứng cả lên la lối, không cho phe đối lập nói. Chuyện ẩu đả không hiếm trên nghị trường thế giới. Còn Quốc hội Việt Nam, từ thời Dân chủ Cộng hòa đến nay chưa từng xảy ra trường hợp ẩu đả nào. Cả Nội quy kỳ họp QH cũng như dư luận xã hội nước ta đều không chấp nhận chuyện nghị sĩ "thượng cẳng chân hạ cẳng tay".

Không có chuyện ẩu đả thì tốt, nhưng đúng là các ĐBQH Việt Nam lành quá. Lành và không hiểu hết, không sử dụng được hết quyền và nghĩa vụ của mình.

Trong QH ta không có những nhóm lợi ích đối lập nhưng đại diện từ các nhóm lợi ích thì có. Tại kỳ họp thứ 1, có đại biểu là doanh nhân cho rằng không nên hạn chế tín dụng đối với kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Trong phiên chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp thứ 2, doanh nhân này lại đề nghị Thủ tướng cho lời khuyên các DN nên đầu tư vào đâu. Thủ tướng làm sao mà có quyền khuyên DN đầu tư vào đâu, trừ phi khuyên đầu tư vào miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo. Mà xin Thủ tướng một lời khuyên cũng không phải là chất vấn. Bản thân các giải trình của một số Bộ trưởng (chẳng hạn, giải trình của Bộ trưởng Tài chính về lỗ lãi của ngành xăng dầu, hay Bộ trưởng Công thương về câu chuyện lương ngành điện 7,3 triệu đồng) cũng làm không ít ĐB và cử tri băn khoăn về nhóm lợi ích. Các bộ không thể đại diện cho DN như vậy được.

PV: Thưa ông, câu chuyện nghị sĩ đội mũ sắt đi họp hay nghị sĩ ẩu đả ở cuộc họp nghị viện nước ngoài liệu có phải là thước đo mức độ dân chủ, hay văn hóa nghị trường?

GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, điều quan trọng nhất là nghị viện có tranh luận dân chủ không, có thực quyền không. Còn nếu các nghị sĩ đánh nhau mà người dân chấp nhận, thậm chí thấy đó là do nghị sĩ quyết liệt bảo vệ quyền lợi cho dân thì cũng không sao. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà. Còn ở Việt Nam, người dân có tiêu chuẩn khác. Vừa rồi, có vị ĐB khi chất vấn nói Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời lòng vòng như thế thì ai làm Bộ trưởng cũng được, hoặc khóa XII có vị nói một Bộ trưởng không xứng đáng với chức Bộ trưởng của mình, nói vậy thô quá, khó có thể nhận được sự đồng tình.

Trong kỳ họp thứ 2 này, tôi rất ấn tượng với phát biểu tranh luận của ĐB Dương Trung Quốc và chất vấn của ĐB Lê Bộ Lĩnh. Đó là những phát biểu sáng giá. Tại phiên chất vấn Thủ tướng hôm qua, ĐB Lê Bộ Lĩnh đã đưa ra những câu hỏi đúng tầm chính khách. Hỏi những điều mà người dân quan tâm và chờ đợi. Nhưng tôi không hiểu vì sao ĐB Lĩnh phải dùng cụm từ "biểu hiện lòng yêu nước" thay vì dùng “biểu tình”. Thật tội cho hai chữ "biểu tình". Nó có tội gì đâu? Nước ta là một nước dân chủ. Ở một Quốc hội dân chủ thì nghị sĩ không cần phải nói khéo. Cũng như ở một quốc gia dân chủ thì người dân không thể coi những việc đương nhiên phải làm là tế nhị, nhạy cảm.

PV: Chủ tịch QH Nguyễn Văn An từng nói về con số 400, tức là hơn 90% là đảng viên. Khóa này tỷ lệ còn cao hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến một số nghị quyết của QH có nội dung khác với cuộc tranh luận tại Quốc hội mà trường hợp 92,9% đại biểu thông qua dự án mở rộng thủ đô là một ví dụ?

GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Cũng chính Chủ tịch Nguyễn Văn An đã giải thích với các bạn nước ngoài về việc hơn 90% ĐBQH là đảng viên mà sinh hoạt QH vẫn dân chủ. Theo Chủ tịch Nguyễn Văn An, ở các nước theo chế độ đa đảng, mỗi đảng viên ra trước QH nhất thiết phải phát biểu theo quan điểm của đảng mình. Còn ở Việt Nam, ý kiến của các đại biểu là đảng viên vẫn đảm bảo đa dạng, tranh luận rất sôi nổi. Tôi thấy cách giải thích này rất thuyết phục. Nhưng lúc biểu quyết thì đúng là có vấn đề thật. Bởi khi Trung ương đã quyết thì đảng viên phải theo nghị quyết của TƯ. Ví dụ, khi thăm dò dự án mở rộng thủ đô, tôi nhớ có 226 phiếu thuận và 226 phiếu chống. Nhưng khi biểu quyết thì tỷ lệ lên tới 92,9% tán thành. Chỉ có 4 phiếu chống, trong đó có phiếu của tôi. Tôi quan niệm mình nghĩ sao thì phải nói vậy, và đã nói thì phải làm đúng những điều mình nói. Nhưng cũng may con số tán thành mở rộng thủ đô hồi đó là 92,9% chứ nếu là 100% thì không thể chấp nhận nổi. Sau nghị quyết mở rộng thủ đô, Bộ Chính trị và TƯ đã điều chỉnh phương thức lãnh đạo của Đảng đối với QH, mà trường hợp dự án Đường sắt cao tốc sau đó là một ví dụ.

Quốc hội treo nhiều luật rất cơ bản

PV: Kể từ năm 1992, Quốc hội khóa nào cũng được mùa làm luật, nhưng vì sao những dự án luật liên quan đến dân chủ dân quyền, như Luật Lập hội, Luật Biểu tình, QH lại nợ dân lâu đến như vậy? Thưa ông?

GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình xây dựng pháp luật hầu hết đều do Chính phủ đề xuất. Chính phủ có thể đã cố gắng cân đối các mặt nhưng có vẻ quy hoạch xây dựng pháp luật vẫn không hợp lý. Trước năm 2003, QH tập trung làm các luật liên quan đến kinh tế để đủ điều kiện gia nhập WTO. Tuy nhiên giai đoạn đó qua rồi. Quả thực là QH nợ nhân dân quá lâu một số luật liên quan đến quyền tự do, dân chủ của dân. Cứ thập thò, đưa vào chương trình hoặc đưa dự thảo ra rồi lại rút. Ví dụ, Luật Trưng cầu dân ý, Luật về hội đã được đưa vào chương trình hoặc trình ra QH thảo luận từ khóa XI nhưng sau đó lại được rút khỏi chương trình. Luật Báo chí sửa đổi cũng chưa biết bao giờ mới thông qua được. Có thể đó là những vấn đề “nhạy cảm”. Nhân đây, xin nói là nhiều nước không có Luật Báo chí. Ở Mỹ, 
Hiến pháp (tu chính án năm 1791) quy định : “Nghị viện không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí, quyền của dân chúng được hội họp hoà bình và kiến nghị chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.”

PV: Ông vừa dùng từ "nhạy cảm". Như thế nào là nhạy cảm, thưa ông?

GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Đó là một thuật ngữ rất khó giải thích rõ ràng. “Nhân quyền”, “dân chủ” là nhạy cảm. “Biểu tình” nhạy cảm. Chống tham nhũng cũng thế, cứ như là chống Chính phủ vậy. 

PV: Tại kỳ họp trước, QH được "báo cáo riêng" và không có thảo luận về tình hình Biển Đông. Vừa rồi QH nghe báo cáo dự thảo Luật Biển, rồi thảo luận trong tình trạng họp kín. Một  dự án luật có nhất thiết phải họp kín, thưa ông?

GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Không có quy định rõ trường hợp nào thì họp kín, trường hợp nào thì không. Thường thì trong trường hợp nghe báo cáo hoặc bàn luận những vấn đề bí mật quốc gia hay vấn đề đối ngoại, Quốc hội họp kín. Điều đó hợp lý vì những thảo luận tại QH sẽ không bị lộ hoặc không ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao. Tuy nhiên, đối với vấn đề Biển Đông - một vấn đề thiết thân với đông đảo người dân, được người dân hết sức quan tâm - thì QH cần họp công khai để người dân được biết và cũng để những nước liên quan biết rõ quan điểm của nhân dân thông qua các nghị sĩ. Luật Biển (Luật Các vùng biển Việt Nam) là một văn bản pháp quy, liên quan đến toàn dân. Người thực thi là nhân dân. Vì vậy, người dân càng cần được biết và được tham gia ý kiến. Mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các dự án luật phải công khai. 

PV: Tại kỳ họp vừa rồi, lần đầu mới xuất hiện việc các nghị sĩ QH đệ trình dự án luật. Cụ thể là Luật Nhà văn và Luật Đảm bảo quyền riêng tư. Thoạt nhìn, đây có vẻ như là một biểu hiện của dân chủ, nhưng theo ông, vì sao cử tri và nhân dân lại phản ứng dữ dội như vậy trước một biểu hiện của dân chủ?
  
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Việc cá nhân đại biểu đề xuất dự án luật theo tôi biết thì không phải đây mới là lần đầu tiên. Còn việc đề xuất 2 dự án luật nói trên gây ra phản ứng tiêu cực từ người dân là vì ý kiến đề xuất của ĐB không xuất phát từ lợi ích chung hoặc còn rất hời hợt. Chẳng hạn, nhiều người cho rằng ĐB đề xuất dự án Luật Đảm bảo quyền riêng tư xuất phát từ bức xúc cá nhân hơn là thấy sự cần thiết của dự án ấy đối với nhân dân. Còn đề xuất xây dựng Luật Nhà văn là một ý kiến hời hợt. Người đề xuất tuy là Hội viên Hội Nhà văn nhưng không hiểu rằng điều cần nhất đối với nhà văn không phải là luật hay tiền mà là tự do sáng tạo. Bên cạnh đó, cả hai ĐB đều không biết rằng việc đảm bảo quyền riêng tư đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và những điều liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm v.v… của nhà văn cũng như của những người sáng tạo nói chung đã được quy định trong Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ.
 

PV: Năm nay, QH tiếp tục có nghị quyết giám sát lời hứa của các vị Bộ trưởng. Nghị quyết này theo ông cần phải làm thường xuyên hơn?

GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo Luật Tổ chức QH và Nội quy kỳ họp QH, QH có thể ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn nếu thấy cần thiết. Nhưng việc ra nghị quyết đến khóa XII mới thực sự bắt đầu và cũng chỉ có ở 2 kỳ họp. Tôi cho rằng QH nhất thiết phải ra nghị quyết để xác định trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực điều hành của các cơ quan này, đồng thời yêu cầu những biện pháp buộc phải thực hiện, khuyến nghị những biện pháp cần xem xét. Bởi nếu không có nghị quyết, thì kết quả chất vấn của ĐB nhân dân sẽ phải phụ thuộc vào thiện chí của người trả lời chất vấn. Điều đó là không thể được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đào Tuấn (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét