31 thg 1, 2012

Lần lại định nghĩa "trí thức"

Giai cấp trí thức được định nghĩ chung như là tầng lớp của thành phần hiểu biết.
Do có cấu trúc từ vựng tương tự bởi từ "giai cấp" nên nhiều người Việt Nam ngộ nhận đây là một giai cấp thực sự như kiểu giai cấp công - nông. Về mặt xã hội, "giai cấp trí thức" không thực sự tồn tại mà là sự phiếm chỉ về quyền lực văn hóa của một số tầng lớp hiểu biết "thượng tầng" trong xã hội.
Lúc đầu, nhà văn Lỗ Tấn đã đặt ra cụm từ "giai cấp trí thức" là để đặc biệt chỉ về hành vi bá quyền văn hóa của một số tầng lớp có học trong xã hội Trung Quốc. Việt Nam tiếp nhận cụm từ này từ nguồn Trung Quốc để phiên dịch khái niệm xã hội học hiện đại của Tây phương nhưng ý nghĩa và thái độ sử dụng thì khác xa theo chiều hướng tinh anh cao quý tạo nên cảnh tượng tự nhốt vào những ý niệm 'bâng khuâng.'
Cũng nói thêm, ngày nay tại quê hương của chữ Hán, hai chữ "trí thức" bị coi là mang tính đại ngôn nay đã bị mai một do lịch sử đấu tranh giai cấp để hầu như không còn được dùng đến nữa. Trí thức được thay thế thành "tri thức" hay là "thức tự" (biết chữ) để phổ thông hóa vai trò trách nhiệm của con người đối với xã hội.
"Giai cấp trí thức" trong cập nhật hóa định nghĩa được coi là thành phần có nhận thức và hiểu biết để tránh bớt sự khái quát hóa và sự thậm xưng cao độ về khái niệm được gợi ý đã được bày ra trong ngữ cảnh. Đứng tại vị trí này mà xem xét thì sẽ thấy bức tranh minh họa về trí thức trong vòm trời Việt Nam rất rõ nét.
Vượt qua được ngưỡng cửa khái niệm nguồn gốc để đi đến nội dung, thì thành phần trí thức luôn tự mang vào tâm trí một sứ mệnh về trách nhiệm đối với xã hội, thường hay có ý kiến khơi dậy lương tri dù trong vòm trời riêng biệt. Do đó nói rằng giai cấp trí thức ở Việt Nam hiện nay là một sản phẩm khắc họa giữa truyền thống văn nhân, kẻ sĩ của phương Đông với phong thái đạo đức và nghĩa khí… kết hợp với biên chế của một số chức nghiệp trong xã hội là một định nghĩa tương đối phù hợp với hoàn cảnh.
Trong một số định nghĩa nới rộng hơn còn cho rằng nếu thành phần hiểu biết mà dừng lại mọi ý kiến (băn khoăn, hiếu kỳ, phê bình, phản biện) thì địa vị họ không tồn tại.
Trí thức biên chế
"Thực ra, lúc mới lên cầm quyền, đảng cộng sản nào cũng phải tiêu diệt một bộ phận trong thành phần "trí thức", tái lập trật tự mới để rồi nặn lên một thành phần tri thức khác chịu sự liên kết về mặt chiến tuyến"
Trần Đông Đức
Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và có lẽ là ở cả Việt Nam coi "thành phần trí thức" là một đối tượng đặc thù cần có chiến tuyến liên kết với đảng cộng sản và có phạm vi công tác mang tính chức nghiệp. Do đó, khái niệm trí thức ở trong những vùng ảnh hưởng chính trị này càng trở nên phức tạp. Thực ra, lúc mới lên cầm quyền, đảng cộng sản nào cũng phải tiêu diệt một bộ phận trong thành phần "trí thức", tái lập trật tự mới để rồi nặn lên một thành phần tri thức khác chịu sự liên kết về mặt chiến tuyến. Các khái niệm trí thức "cánh tả" phê phán, thách thức thế lực cầm quyền như kiểu hoạt động tự do trong xã hội Tây Phương vì thế mà không có phạm vi hoạt động ở cấp độ tương đương.
Vì không có phạm vi hoạt động về mặt công cộng, trí thức phải lui về cấu trúc văn hóa cục bộ, theo một định nghĩa thô hẹp mang tính bổ sung nào đó. Chế độ cầm quyền cũng nhân đó mà có thể kỹ thuật hóa (lao động trí óc) để đánh đồng và vô hiệu hóa những nảy nở về tư duy theo biện pháp khoanh vùng cho trí thức vào hoạt động ở khu vực chuyên môn.
Lại nói thêm, cũng do điều kiện đặc thù và lập trường giai cấp công nông, lao động trí óc bị đánh đồng về mặt thao tác dẫn đến sự tưởng tượng về sự có mặt riêng biệt của giai cấp này mang tính đại diện cao cho trí thức xã hội chủ nghĩa, dùng phương thức sản xuất và thành quả lao động để định hình. Xét cho cùng, lao động trí óc (nếu có) thì chỉ là sự phát triển thao tác cao cấp của giai cấp công nhân mà thôi. Lao động trí óc không phải là từ ngữ để chỉ về hoạt động học thuật của tầng lớp thượng tầng tinh anh trí tuệ: khoa học, triết học, nghệ thuật của xã hội Tây phương. Đây chỉ là nghĩa bổ sung trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ở trong tiếng Trung Quốc (trí lực lao động) và tiếng Việt chứ trong tiếng Anh không thấy phổ biến.
Do đó, bản thân trí thức, giai cấp trí thức cũng là một khái niệm "Đông tà Tây độc" rối mù, từ ngữ bất đồng theo từng thời đại. Và cũng xin mở ngoặc nói thêm, trí thức hoặc bằng tiến sĩ là những từ ngữ cận cổ trong Hán ngữ đã bị phế bỏ ở Trung Quốc theo quy phạm ngữ vựng hiện đại. Việt Nam vẫn dùng một số từ xưa, đã sẵn có ý nghĩa cũ trong một giai đoạn lịch sử cho những khái niệm ngày nay. Nhưng vì sự gợi ý đặc thù trong từ gốc Hán cho nên không tránh khỏi môt số thắc mắc, phân vân. Do đó, khi nói đến trí thức hoặc ngay cả bằng cấp tiến sĩ thì cần phải nói đến giai đoạn nào, điều kiện xã hội nào thì mới đánh giá đúng mức giá trị.
Xu hướng hiện nay

"Người hiểu biết (trí thức) tham gia vũ đài nêu lên ý kiến, phê phán, phản biện trở thành dấu hiệu tích cực cho luồng suy tư sâu sắc đang tự hoàn thiện và phát triển"
Trần Đông Đức
Nhưng rồi nội dung cốt lõi ở bên trong trí thức vẫn có sự gợi ý cố định nào đó về mặt thực tế. Sau nhiều phong trào xã hội và biến cố chính trị, khái niệm trí thức nhờ vậy mà được mở rộng phạm vi hoạt động cho đến cả thành phần "biết chữ". Như một nhu cầu thúc đẩy xã hội mang tính lương tri, con người phải đấu tranh và phát triển, thoát khỏi chướng ngại tâm lý ở địa vị thấp kém về trình độ văn hóa.
Người hiểu biết (trí thức) tham gia vũ đài nêu lên ý kiến, phê phán, phản biện trở thành dấu hiệu tích cực cho luồng suy tư sâu sắc đang tự hoàn thiện và phát triển. Quyền phê bình không còn là phạm vi của một tầng lớp có đặc quyền kỹ thuật, giới hạn ngành nghề mà từng ngày càng được nới rộng phạm vi ở cấp độ nhân văn với nhiều chủ đề, nhiều tầng lớp xã hội. Khi phạm vi nền tảng được nhân rộng thì cấu trúc tư duy thượng tầng cũng được tăng lên theo độ cao của sự phát triển văn hóa xã hội.
Cho dù chủ đề phản biện thường thuộc về tư duy cá nhân hướng về công đạo dù trong vùng trời riêng biệt, nó cũng được xem là một biện pháp đấu tranh để vươn lên và tồn tại. Về mặt lý tưởng xã hội hiện đại, đây là một mặt trận bình đẳng để người "biết chuyện" được quyền phát ngôn.
Nói đến hoạt động trí thức là một câu chuyện dài vừa thực tế vừa trừu tượng. Cũng nằm trong nội dung đó, không thể bỏ qua được thực tế của tiếng Việt là có một số từ vựng không cần dùng tự điển mà cũng suy ra được ý nghĩa, nhiều lúc chỉ cần theo phương pháp giải âm Hán sang Nôm là xong, là hiểu rồi… Nhưng đụng đến loại từ như trí thức có độ sâu về văn hóa, khái niệm, học thuật vv… thì không thể đơn giản phiên phiến theo định nghĩa dân gian đơn giản.
Bàn về về vai trò và lập trường của trí thức hiện nay ở Việt Nam thường có xu hướng là đang tranh luận về các định nghĩa của từ này.
Bài viết phản ánh quan điểm và lối hành văn riêng của tác giả Trần Đông Đức, ký giả tự do hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ.

30 thg 1, 2012

Góp sức trên quê nhà

Bạn trẻ Việt dấn thân ra biển lớn, thành công dân toàn cầu, nay trở về, đơn giản là để góp sức trẻ với quê nhà.
Nguyễn Minh Triết - sứ mệnh kết nối
Thạc sỹ Nguyễn Minh Triết, 23 tuổi, thủ lĩnh của hơn 7.500 du học sinh Việt Nam tại Anh, bất ngờ về nước làm cán bộ Đoàn khiến bạn bè ngỡ ngàng.
Minh Triết - Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Anh (thứ 2 từ trái qua)
Minh Triết - Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Anh (thứ 2 từ trái qua).
Tu nghiệp ngành kỹ thuật hàng không và chế tạo máy 7 năm tại Anh, lấy bằng Thạc sỹ với đề tài đang khát nhân lực: Kỹ thuật động cơ siêu thanh. Minh Triết được ĐH Queen Mary (London) cấp học bổng học tiếp Tiến sĩ, làm giảng viên cùng những cơ hội công việc hấp dẫn khác, nhưng anh chọn trở về.
Du học tại Anh nhờ Quỹ học bổng từ Hiệp hội động cơ hàng không của thế giới quan tâm đến Việt Nam nên Minh Triết luôn thấy mang nợ đất nước. Nhiều vấn đề nóng bỏng khác của đất nước cũng như của giới trẻ trong nước cũng là động lực thôi thúc Minh Triết trở về.
Cơ duyên để trở thành cán bộ Đoàn từ đầu tháng 11 - 2011 cũng thật đơn giản. Mải miết tham gia hoạt động xã hội hướng về Tổ quốc, giúp đỡ du học sinh, từ lâu Minh Triết đã mang dáng dấp của một cán bộ Đoàn năng động, nhiều sáng kiến.
Ngoài vai trò cán bộ Đoàn, Minh Triết vẫn theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Anh chủ động tìm đến các thầy cô, sinh viên chuyên ngành động cơ ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Bách khoa... để học tập, chia sẻ kiến thức về lĩnh vực khá mới tại Việt Nam là động cơ siêu thanh, phần mềm cho máy bay không người lái...Minh Triết vốn mê máy móc từ khi còn là học sinh chuyên Lý trường THPT Trần Đại Nghĩa (TPHCM) nên anh không dễ gì từ bỏ nó.
Nhờ mạnh dạn đảm nhận tổ chức nhiều sự kiện nên Hội sinh viên Việt Nam tại Anh do Minh Triết làm Chủ tịch có quỹ cho các hoạt động như giúp đỡ du học sinh gặp khó khăn, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, hằng năm trao giải Sinh viên của năm cho 12 du học sinh xuất sắc... Sau 6 tháng thực tập tại hãng Rolls Royce, bảo vệ thành công luận án thạc sỹ vào tháng 9, Minh Triết không chút do dự quyết định về nước với khát khao cống hiến tri thức và sức trẻ.
Vừa nhận việc, Minh Triết xách ba lô cùng các cán bộ Đoàn rong ruổi Bắc Nam để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của HSSV và bạn trẻ. “Xa quê hương từ năm 16 tuổi, tôi luôn dõi theo mọi diễn biến ở trong nước, nhưng cũng cần thời gian để tìm hiểu, trải nghiệm thực tế trước khi có những việc làm cụ thể”, Minh Triết tâm sự. Hỏi chuyện tình yêu, chàng trai 23 tuổi chỉ biết lắc đầu cười với câu: Chưa vội.
Trước khi trở về, Triết đã tự đặt cho mình trách nhiệm kết nối du học sinh, trí thức trẻ người Việt khắp thế giới để cùng đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Anh đề xuất sáng kiến thành lập Trung tâm phát triển tri thức và đang liên hệ với nhiều nhóm du học sinh Việt ở các nước với mong muốn kế hoạch kết nối sớm thành hiện thực.
“Tôi cũng như các du học sinh đều luôn hướng về Tổ quốc dù bằng cách này hay cách khác. Vấn đề là tìm phương cách đánh thức, khơi dậy nguồn nhiệt huyết và tri thức đó”, Minh Triết chia sẻ. Anh cũng cho rằng, cách thể hiện tình yêu, cách đóng góp thiết thực nhất là học tập thật tốt, tích luỹ nhiều tri thức để phụng sự Tổ quốc.
Trần Mạnh Đức - chọn nơi khó
Nhiều người thấy lạ với hình ảnh tiến sỹ quản trị kinh doanh Học viện Quản lý thành phố Rennes (ĐH Tổng hợp Rennes 1- Pháp), Trần Mạnh Đức xách cặp đi thi tuyển vào cơ quan nhà nước ở Hà Nội.
Trần Mạnh Đức
Trần Mạnh Đức .
Lý giải về sự trở về vội vàng, chỉ sau một tuần bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Mạnh Đức nói: “Dù gia đình (mẹ là dược sĩ, bố là giảng viên ĐH hiện làm việc tại Ukraine - PV) muốn tôi ở lại Pháp làm việc, giáo sư hướng dẫn đề nghị tôi giảng dạy tại trường với mức lương khởi điểm tương đương 50 triệu- 60 triệu đồng/tháng, nhưng tôi muốn trở về”.
“Nhiều bạn trẻ nghĩ làm nhà nước sẽ gặp môi trường làm việc khó khăn, nhiều thủ tục, khó phát huy hết khả năng. Tuy nhiên, theo tôi, môi trường càng khó, tôi càng muốn làm”. Anh trải qua các công việc từ hành chính đến quản lý tại Cục Thuế Hà Nội, Tổng cục thuế và hiện làm tại Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ).
Nguyễn Thúy Hà - Thử sức ngay quê hương mình
Nguyễn Thuý Hà (SN 1983), tốt nghiệp thạc sỹ tại Pháp chuyên ngành thương mại quốc tế. Về nước, Thuý Hà làm việc tại văn phòng đại diện Cty dược Shine Resource của Hồng Kông tại TPHCM với vị trí Giám đốc thương mại và nuôi chí mở Cty Dược riêng.
Nguyễn Thúy Hà
Nguyễn Thúy Hà.
Thuý Hà nói: “Trước khi đi du học, tôi từng làm việc trong nước nên xác định rõ mục tiêu trở về ngay từ đầu. Với tôi, ở trong nước, khó khăn, thử thách tôi luyện con người mạnh mẽ hơn".
Thúy Hà cho biết, hiện giới trẻ các nước đang có xu hướng tìm đến nước đang phát triển như Việt Nam để làm việc, dễ khẳng định bản thân. Các nước Philippines, Thái Lan, Việt Nam... đang là điểm đến hấp dẫn.
Thúy Hà cho rằng người Việt trẻ cũng nắm được xu hướng này và tận dụng thế mạnh để quay về nước làm việc sau khi trau dồi kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm ở các nước phát triển. “Làn sóng trở về của du học sinh ngày càng mạnh, cho thấy họ ý thức rõ việc nắm bắt cơ hội phát triển trong nước”, Thuý Hà nói.
Đinh Mai Long - lương 900 triệu cũng bỏ
Tốt nghiệp xuất sắc thạc sỹ về Tài chính và Phát triển tại ĐH Tổng hợp London (Anh), Đinh Mai Long (SN 1986) nhận được lời mời làm việc với mức lương khủng 30 ngàn bảng/tháng (gần 900 triệu đồng), nhưng anh đã trở về.
Đinh Mai Long
Đinh Mai Long.
Giành học bổng du học tại ĐH Westminster (Anh) ngành Tài chính ngân hàng từ tháng 9-2005, Long vừa học vừa tham gia các hoạt động ngoại khoá vừa đi làm. Long làm đủ nghề như dịch tài liệu cho văn phòng luật sư với các vụ kiện dân sự liên quan đến người Việt; tham gia tổ chức các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, văn hóa của người Việt tại Anh...
Học nổi trội, thường xuyên làm trợ giảng, có kinh nghiệm làm việc nên khi thực tập tại một số quỹ đầu tư, ngân hàng hay tham gia hội thảo, Long đã được ngân hàng như Barclays Capital, JP Morgan Chase London... mời về làm việc với mức lương hấp dẫn.
Long chia sẻ: Hè năm 2009, Ngân hàng đầu tư Barclays Capital có đề nghị tôi khi tốt nghiệp thạc sỹ sẽ về làm dự án Nghiên cứu rủi ro khi đầu tư vào thị trường Đông Nam Á với mức lương hơn 30.000 bảng /tháng. Khi được hỏi tại sao không chọn môi trường phát triển tại Anh, lại chấp nhận về nước với nhiều khó khăn, Long nói: “Tôi xác định rõ con đường đi của mình nên những khó khăn của môi trường làm việc trong nước chỉ là vấn đề nhỏ, điều quan trọng là luôn lạc quan, áp dụng được kiến thức đã học”.
Trần Tuấn Tài - Chìa khóa để thành công
Có bằng công nghệ thông tin ở trong nước, nhận bằng thạc sỹ về quản lý quỹ đầu tư tại Úc đầu năm 2011, chàng trai Sài Gòn Trần Tuấn Tài (22 tuổi), được giữ lại ĐH New South Wales làm trợ giảng với mức lương khởi điểm 100 USD/giờ. Làm việc được 2 tháng, Tài đột ngột về nước đầu quân cho Cty Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) có trụ sở tại TPHCM.
Trần Tuấn Tài
Trần Tuấn Tài.
Tuấn Tài lý giải việc mình trở về và làm việc cho FPT Capital là vì được làm đúng chuyên ngành đã học, đây lại là Cty quản trị nguồn vốn lớn, chuyên nghiệp và tạo điều kiện cho mình phát huy hết khả năng. Với mức lương hiện tại ở FPT Capital, Tài cho biết cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống nhưng về nước là quyết định đúng đắn. Tài cho rằng, kinh tế đất nước đang phát triển mạnh, những du học sinh trở về sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Mong muốn lớn nhất của Tuấn Tài hiện nay không phải thu nhập cao mà là cơ hội được tiếp xúc, giao lưu học hỏi, hiểu sâu hơn về kinh tế cùng các vấn đề thực tế khác của đất nước. Theo Tài, đây chính là chìa khoá để thành công.
  Hải Yến - Hải Anh - Nguyên An - Trí Đường - Nguyễn Hà - Hà Linh

23 thg 1, 2012

Tại sao các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước chắc chắn sẽ phá sản?


Các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước (TĐKTNN) của Việt Nam hiện nay là mô hình tổ chức các các doanh nghiệp chủ đạo của nhà nước trong các ngành kinh tế, vừa có nhiệm vụ kinh doanh trong nền kinh tế mở hội nhập (với kinh tế thị trường), vừa có nhiệm vụ quản lý chuyên môn toàn ngành, lại vừa có nhiệm vụ thực hiện các chính sách (nhiệm vụ chính trị) của nhà nước trong ngành đó với sự hỗ trợ toàn diện của nhà nước (và có lẽ như thế nên gọi là “theo định hướng XHCN”).

Chúng đều rât lớn, có vốn và tài sản riêng được nhà nước giao từ hàng chục đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, có con dấu và pháp nhân riêng và hạch toán độc lập, nhưng lại khó có thể nói chúng có pháp nhân độc lập tương đương như các công ty tư nhân TNHH chả hạn. Chúng không chỉ bắt buộc phải có các bộ phận đoàn thể chính trị xã hội như đảng bộ, đoàn TNCS, công đoàn, phụ nữ… trong đó đảng là “người” (quái nhân?) chỉ đạo toàn diện kể cả ban giám đốc, mà còn có hội đồng quản trị rất nhiều quyền lực trên Ban giám đốc, tất nhiên do đảng bổ nhiệm. Thành viên ban giám đốc và hội đồng quản trị của các TĐKTNN diện cán bộ do trung ương quản lý. Tóm lại, các TĐKTNN là các nhà nước con con trong ngành của mình… Bạn chả tìm ra một mô hình tổ chức doanh nghiệp nào tương tự trên thế giới, tất nhiên trừ Trung Quốc ra nhé!

Nhưng bài viết này không bàn đến việc mô hình của các TĐKTNN có hợp lý hay hợp pháp hay không, mà là chúng hoạt động có hiệu quả trong kinh doanh hay không, vì thiết nghĩ chỉ điều đó mới quyết định lý do tồn tại của chúng?

Đặc điểm đầu tiên và cơ bản của các TĐKTNN là sự nhập nhèm về quyền sở hữu tài sản của tập đoàn được giao từ tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Sở hữu toàn dân thành sở hữu nhóm/tập đoàn, rồi sở hữu nhóm thành sở hữu đại diện cá nhân. Những cá nhân được giao đại diện tài sản thuộc sở hữu toàn dân này bằng cách nào, theo tiêu chuẩn nào và ai kiểm soát họ, không ai biết. Điều đó dẫn đến cơ hội trục lợi nhóm và cá nhân.


Đặc điểm thứ 2 của TĐKTNN là dù rất lớn, siêu mạnh và không có pháp nhân bình đẳng với các công ty CP hay TNHH khác nhưng lại tham gia kinh doanh “bình đẳng” trên thị trường “tự do” nên chúng kinh doanh mà không cần cạnh tranh với nhau và với ai, sức mạnh và khả năng sáng tạo giá trị trong kinh doanh của chúng bị triệt tiêu hoàn toàn. Các công ty con của các TĐKTNN cũng tương tự, là những thực thể kinh doanh có pháp nhân độc lập nhưng không có đam mê sở hữu, sáng tạo và chấp nhận rủi ro trong kinh doanh.

Hai đặc điểm chính: nhập nhèm về sở hữu và nhập nhèm về pháp lý trên làm cho các TĐKTNN hoàn toàn không có khả năng (động lực) cạnh tranh bình đẳng và kinh doanh sáng tạo trong nền kinh tế thị trường với các doanh nghiệp phi quốc doanh khác trong và ngoài nước. Có nghĩa là chúng chỉ có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ kém chất lượng với giá thành cao, nên khó có thị trường lành mạnh cho họ. Để tồn tại, họ đều phải tạo ra thị trường méo mó của mình: tự tiêu sản phẩm của mình bằng cách lập ra luôn các công ty con tiêu thụ sản phẩm của tập đoàn mình. 

Điều này càng dẫn họ đi vào ngõ cụt của kinh tế tự sản-tự tiêu không có cạnh tranh để hoàn thiện và phát triển, triệt tiêu luôn “bàn tay vô hình” kỳ diệu của thị trường tự do vồn là linh hồn và động lực phát triển của kinh tế thị trường.

Tóm lại, TĐKTNN là mô hình doanh nghiệp của nhà nước CS để kinh doanh trên nền kinh tế thị trường, nhưng lại phủ nhận là làm triệt tiêu hoàn toàn các giá trị cơ bản tích cực của hai khái niệm/hình thái kinh tế tiến bộ nhất của loài người trên: doanh nghiệp (enterprise hay corporate) và thị trường tự do (với cạnh tranh bình đẳng). 

Chúng ta thử phân tích sự bất lực thảm hại trong cạnh tranh lành mạnh cùng việc khai thác mô hình kinh doanh qua công ty và các “giải pháp để phát triển” của 2 TĐKTNN tiêu biểu của VN, một yếu nhất - đã phá sản, và một mạnh nhất – cũng đang trên đường phá sản hoành tráng, qua hai ví dụ sau.

Ví dụ 1: Kinh tế “tự sản – khó tiêu” của TĐKTNN Vinashin

Khi thành lập năm 1996 Vinashin chỉ có 26 đơn vị với 23 nhà máy đóng tàu. Dù được nhà nước cho vay vốn đầu tư rất lớn với lãi suất ưu đãi, Vinashin vẫn không cạnh tranh được với các xưởng đóng tàu tư nhân trong nước và càng không xuất khẩu được tàu ra nước ngoài do giá thành cao và chất lượng thấp. Ví dụ, trên thị trường nội địa, những con tàu pha sông biển 900-1200 tấn giá thành của Vinashin là 7-8 tỷ vnđ trong khi của các xưởng đóng tàu tư nhân là 5-6 tỷ vnđ, nên không thể bán được. 

Vì có tiền vay được và có “nhiệm vụ chính trị”, Tập đoàn Vinashin đã đặt các đơn vị của mình đóng hàng vài trăm con tàu các loại như thế hàng năm và lập ra hàng chục công ty vận tải sông và vận tải biển mới để giao khai thác các con tàu mới đó, với giá “giao vốn” ngất ngưởng - thường là gấp hơn 2 lần giá thị trường! Như vậy, Tập đoàn và các nhà máy đóng tàu luôn “hoàn thành suất sắc nhiệm vụ quả đấm thép nhà nước giao”. Còn các công ty vận tải chắc chắn không có cách nào kinh doanh có lãi? Không, các công ty này vẫn luôn có lãi vì “vốn được giao” là những con tàu lại được tập đoàn cho treo nợ, khoanh vốn, khoanh nợ, khấu hao sau nhiều năm…, nên họ được kinh doanh vận tải biển không cần bỏ vốn mua tàu, chỉ cần hạ giá cước – điều họ luôn luôn làm, và luôn luôn kinh doanh “có lãi”, như Vinashinlines vậy.

Cấu trúc ba tầng: “Tập đoàn => Các NMĐT => Các Cty Vận tải” cứ thế phình to ra ở tầng dưới cùng, tổng cộng lên đến gần 400 công ty con trong Vinashin (năm 2010), tỷ lệ thuận với số tiền nhà nước đổ vào ngành đóng tàu. Ở cả ba tầng hoạt động của Vinashin (đầu tư => sản xuất => tiêu thụ sản phẩm) đều không có cạnh tranh, không phải cố gắng và ai cũng phát triển, không ai “lỗ”. Chỉ tiền nhà nước đổ vào Vinashin như nước đổ lỗ chuột và tài khoản nợ của các công ty vận tải sông biển thì luôn còn nguyên đó và chỉ ngày càng tăng lên cho đến khi… Vinashin phải trả nợ vay! Thế là cả ba tầng của TĐKTNN này sụp đổ và 4,5 tỷ USD của nhân dân vẫy cánh bay đi sau khi Vinashin “hoàn thành nhiệm vụ chính trị”...

Ví dụ 2: TĐKTNN PetroViệtnam – anh cả đỏ đang và sẽ đánh chìm dăm ba “con tàu Vinashin” nữa của đất nước 

Nếu vấn đề của Vinashin là làm sao rút được vốn của nhà nước vào túi mình rồi làm tan biến, thì vấn đề của PVN lại là ngược lại: Làm sao giữ lại PVN hợp pháp được nhiều nhất từ tiền bán dầu của quốc gia rồi làm tan biến trước khi nộp cho ngân sách nhà nước? 

Sau khi khai thác dầu thô, khí đốt và làm ra xăng dầu PVN có thể rất dễ dàng và nhanh chóng bán sản phẩm cho các thị trường xăng dầu, điện để các tập đoàn chuyên ngành khác là EVN và Petrolimex kinh doanh, nhưng PVN lại giữ lại và lập ra các đơn vị của riêng mình để tự tiêu thụ, lấn sân họ. Thế là các tổng công ty khí đốt (PVGas), điện (PV Power), xăng dầu (PV Oil)… ra đời để PVN trở thành cả người mua và người bán tất cả các loại sản phẩm của PVN (như Vinashin tự mua bán những con tàu mình đóng ra vậy). Lý do: giá thành trong các thương vụ đó (hàng vài chục tỷ USD mỗi năm) phải do PVN tự “định đoạt” và ngay cả chính phủ cũng không thể và không biết đường nào mà can thiệp. Ta thấy có cấu trúc ba tầng ngược hình phễu ở đây: 

Các công ty khai thác => Các Cty Tiêu thụ => Tập đoàn PVN.

Đinh La Thăng còn đẩy hệ thống “phễu vắt sữa bò” PVN này đi xa hơn khi thành lập Tổng công ty Xây lắp Dầu khí - PVC cho các đệ tử cũ từ Sông Đà (không biết gì) điều hành để vắt sữa PVN ở giai đoạn đầu tư các công trình lớn: các đơn vị bắt buộc phải giao tổng thầu cho PVC “theo giá cạnh tranh” (nhưng không có đơn vị nào được cạnh tranh với PVC của Thăng) để PVC bán thầu lại cho các nhà thầu thực sự khác.

Sơ đồ: “Chủ đầu tư => PVC => Các Nhà thầu thực sự” này đã làm vốn đầu tư các công trình dầu khí của PVN mấy năm gần đây tăng vọt và cao hơn thị trường thế giới và khu vực 2-3 lần.

Tương tự, Đinh La Thăng cho đàn em triển khai đầu tư khai thác dầu khí ở nước ngoài nhiều tỷ USD, nhưng PVN và nhất là đám đàn em từ Sông Đà của Thăng làm sao có thể làm việc đó khi việc thăm dò khai thác trong nước PVN còn đang rất bị động vì chưa đủ cả “sức khỏe” và trình độ, còn khai thác ở nước ngoài thì phải cạnh tranh với các tập đoàn dầu khí siêu và xuyên quốc gia? PVN là TĐKTNN chỉ có thể “cạnh tranh” trong nước với…không ai cả mà thôi. Kết quả đầu tư nước ngoài (5-6 tỷ USD) của PVN đến nay chắc chắn là đã đổ ra… biển cả.

Chỉ riêng 2 việc: “dịch vụ thầu xây lắp” PVC và “đầu tư ra nước ngòaì” của Đinh La Thăng mấy năm qua cũng đã làm tiêu tan 2-3 “cái’ Vinashin trong PVN nữa của nhà nước rồi, tức là hàng chục tỷ USD đã đi tong. Thêm vụ PV Power (Điện lực PV) để tự tiêu sản phẩm của mình của Thăng thì cũng sẽ làm nhà nước mất thêm 2-3 “con tàu” Vinashin nữa từ tiền của nhân dân…

Lời kết 

Một con tàu Vinashin đắm đã làm cả nước choáng váng, cả nền kinh tế chao đảo và chính phủ rồi sẽ phải đứng ra trả nợ “thay” Vinashin, chưa biết đến bao giờ? 

Nếu dăm “con tàu Vinashin” nữa sẽ chìm theo PVN và các TĐKTNN khác như EVN, TKV, Ngân hàng VIDB…(điều chắc chắn sẽ lần lượt xảy ra trong một vài năm tới) thì chắc toàn dân sẽ lên tăng xông hoặc xuống đường, còn nền kinh tế sẽ tê liệt và sụp đổ hoàn toàn.

Điều tôi muốn nói là chắc chắn các TĐKTNN sẽ phá sản như Vinashin vì chúng cùng căn bệnh ung thư, có một thứ gọi là cái “bánh lái định hướng XHCN” được đảng CSVN cài đặt trong mô hình các TĐKTNN hiện nay.

Muốn tránh sự sụp đổ của cả nền kinh tế, phải cắt đuôi “định hướng XHCN”. Mà cắt đuôi “định hướng XHCN” là bỏ vai trò lãnh đạo của đảng trong kinh tế cũng như mọi mặt xã hội, tức là bỏ Điều 4 HP của đảng, hay viết lại HP mới bởi toàn dân cho dân.

Đảng không đủ dũng cảm và năng lực làm việc cắt khối ung thư cộng sản hay XHCN đó của chính mình, thì nhân dân sẽ phải làm thôi, trước khi nó làm ung thư cả tương lai dân tộc Việt Nam.


Phan Châu Thành

18 thg 1, 2012

Vì sao lại vu oan cho Nhân dân?

http://dantri.com.vn/c702/s702-557796/vi-sao-lai-vu-oan-cho-nhan-dan.htm


(Dân trí) - Đổ tội cho nhân dân, vu vạ cho cấp dưới là vô liêm sỉ. Sự lèo lá, tráo trở đã không còn giới hạn.
Vụ gia đình ông Vươn, mình đã im lặng. Im lặng trong xót xa, uất nghẹn và cả thương xót cho số phận người dân bị đẩy tới bước đường cùng mà ông Vươn chỉ là một người trong số đó. Mình im lặng vì mình nghĩ sự việc này quá lớn, chắc chắn Nhà nước sẽ phải xử lý nghiêm minh. Không và không thể che chắn. Nhiều vị nguyên là lãnh đạo Nhà nước, tướng lĩnh cao cấp như Nguyên Chủ tịch Nước - Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước… đã lên tiếng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã trực tiếp có ý kiến chỉ đạo.
 
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Thế nhưng gần đây, khi nghe ông Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nói nhà của ông Đoàn Văn Quý (em ông Vươn) do “người dân bức xúc phá” thì mình không thể im lặng. Trong khi trước đó không lâu, trả lời lý do phá nhà ông Quý, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền đã nêu lý do phá ngôi nhà là bởi đó là nơi trú ẩn của những người chống lại lực lượng cưỡng chế. Bình luận về câu nói này, bạn đọc Dân trí đã ví von hài hước một cách xót xa rằng nếu có kẻ khủng bố núp trong tòa nhà Kengnam (tòa chung cư cao cấp cao nhất Việt Nam hiện nay) thì chả lẽ cũng… san phẳng toàn nhà này?!
Tưởng sự dối trá đến thế là cùng nhưng vẫn chưa đủ khi gần đây, ông Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại nêu việc phá ngôi nhà của ông Quý là do… nhân dân bức xúc. Một sự vu oan giá họa, trắng trợn đổ tội cho nhân dân và đó là câu dối trá vô liêm sỉ nhất mà mình được nghe từ miệng một quan chức chính quyền cấp tỉnh.
Còn giả sử, vâng giả sử nếu do nhân dân bức xúc phá nhà ông Quý  thì gần một trăm chiến sĩ công an, quân đội và nhiều vị lãnh đạo các cấp có mặt tại thời điểm đó tại sao không ngăn cản, bảo vệ? Trách nhiệm của công bộc đối với những người đóng thuế nuôi họ để đâu? Rồi “nhân dân bức xúc” là ai? Tên tuổi là gì? Tại sao cho đến giờ chưa có “nhân dân bức xúc” phá nhà nào bị truy tố vì tội phá hoại tài sản công dân? Đó là chưa kể có nhiều bức ảnh đã ghi lại cảnh đập phá này.
Đổ tội cho nhân dân, vu vạ cho cấp dưới là vô liêm sỉ. Sự lèo lá, tráo trở đã không còn giới hạn.
Bùi Hoàng Tám

16 thg 1, 2012

Có phải tại vì lỗi hệ thống?


Tô Văn Trường
Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề có tính chất thời sự của đất nước. Ngay cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng vừa qua cũng nói nhiều về suy thoái đạo đức lối sống, và an nguy của chế độ. Người ta đang đặt ra câu hỏi: Do lỗi hệ thống hay đã đến mức hỏng hệ thống?

Có hai hệ thống trên hành tinh của chúng ta đang sống được con người đặc biệt quan tâm đó là hệ thống nhân tạo và hệ thống tự nhiên. Hệ thống nhân tạo muốn nói ở đây là hệ thống kinh tế xã hội do con người tạo nên.

Có ý kiến cho rằng quy luật tồn tại khách quan, nhất là trong tự nhiên, nhưng quy luật cũng có biến đổi (phát triển), nhất là trong xã hội. Quy luật của thế giới tự nhiên dễ thấy và tương đối ổn định hơn, còn qui luật trong xã hội loài người thì khó phát hiện và hay biến động, nhất là định danh cái nào là quy luật, cái nào là phạm trù, cái nào là cái chung - cái riêng, rất khó xác định chân lý vì quy luật còn chịu tác động của thời gian và không gian, nhất là của hoạt động con người là trung tâm của xã hội - phát triển. Tuy nhiên, có một quy luật phổ biến và cơ bản nhất là con người dù thuộc dân tộc, quốc gia nào, quá trình phát triển, dù có nhanh chậm, tuần tự trước sau nhưng cũng phải có những bước đi tương đối giống nhau, tuy có thể bước dài, bước ngắn khác nhau nhưng tuyệt nhiên không ai có thể chưa biết đi mà lại biết chạy.
Tôi được nghe kể một câu chuyện thật, có lần một đồng chí lãnh đạo cao nhất ngành tư tưởng giảng bài trước lớp học của các lãnh đạo địa phương nói về đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khi được chia đất không chịu nhận và đòi để làm chung, ăn chung trong hợp tác xã, rồi ông nhận xét: "Thật tuyệt vời, từ cộng sản nguyên thủy đi thẳng lên cộng sản văn minh”. Rồi ông còn nói thêm "Thật thi vị hóa"! Đúng là ý tưởng ấy chỉ để thơ thẩn chơi cùng gió trăng, không thể có trên hành tinh này! Bởi vì là con người nên không thể khác nhau về bước đi và con đường đi, mà chỉ có thể trước sau nói theo chữ nghĩa là con đường phát triển. Do đó, hạnh phúc được hưởng cũng phải như nhau: bình đẳng, bình quyền, tự do, dân chủ và những quyền cá nhân thiêng liêng bất khả xâm phạm khác mà tạo hóa ban cho con người như Tuyên ngôn của những nước văn minh mà Bác Hồ đã tái khẳng định trong phần mở đầu Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của nước ta ngày 2/9/1945.

Sự thật mọi chuyện ở nước ta hiện nay hàng đầu là nguyên nhân của hệ thống, rồi mới đến con người trong hệ thống. Bởi vì hệ thống này mới đào tạo, sắp xếp và cấu trúc thành con người, thành thế chế hiện nay. Trong hệ thống này, cá biệt vẫn còn có những cái đầu tỉnh táo, song hầu như “mũ ni, che tai”, đứng ngoài hoặc bị loại khỏi hệ thống, hoặc nếu còn trong hệ thống thì cũng bị vô hiệu hóa. Đương nhiên khi khắc phục yếu kém thì phải tiếp cận cả hai vế là con người và hệ thống.

Nhìn lại quá trình phát triển, chúng ta đã tự mò mẫm đưa ra lý luận “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” mà ngay cả những người thường đi rao giảng cũng thấy mơ hồ, thơ thẩn chẳng hiểu bản chất của nó là gì? Trong thực tế cái đầu ‘kinh tế thị trường” là động lực tư bản/capital có chủ sở hữu bị mang cái đuôi dùng sở hữu vô chủ để tiêu diệt cái đầu dẫn đến tình trạng pháp luật hết khả thi, cường hào ác bá mới nổi lên, cái này gọi là pháp chế xã hội chủ nghĩa!
Nhiều người có trí tuệ, tâm huyết với đất nước biết rõ các nguyên nhân bất cập của "lỗi hệ thống" mà muốn "gỡ" lại tháo chưa ra. Đúng ra là không dám và cũng không đủ sức. Nói “lỗi hệ thống" nghe thời thượng nhưng thiếu nội dung. Bởi cái hệ thống ta đặt ra hồi nào đến giờ có ai thiết kế và vận hành nó thành công đâu mà nói có lỗi chỗ này, chỗ kia, nghĩa là nhân loại chưa trải qua, như trong toán học chưa có phương trình dù là nhiều ẩn số để đi tìm cách giải. Một thời cả hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh do Liên Xô đứng đầu, nhiều người ngộ nhận cứ tưởng là sẽ có con đường thứ hai song hành với con đường tư bản chủ nghĩa nên ta đã cố sức làm để mạnh hơn và phủ định con đường tư bản chủ nghĩa. Thực tế, ngày nay đã chứng minh chỉ còn Trung Quốc xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc và Việt Nam “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nhưng về thực chất cả hai đều là tư bản chủ nghĩa của thế kỷ 19, trong khi nhân loại đã sang thế kỷ 21 với một hệ thống tư bản chủ nghĩa tham lam ích kỷ tàn bạo, và cũng vì đang mắc những cái lỗi cố hữu ấy mà tàn tạ, và cũng đang có nhu cầu khẩn cấp, sống còn là phải "tái cấu trúc" hệ thống. Nợ công và phong trào chiếm lấy Phố Wall là phần nổi của tảng băng. Cái thắt nút chính là ở chỗ này. Xã hội Việt Nam và Trung Quốc đều rất giống nhau như hình với bóng về tất cả tồn tại xã hội, kể cả mầm an nguy của chế độ.

Trên thế giới cũng đã có bài học kinh nghiệm về lỗi hệ thống nhưng lãnh đạo không chịu sửa, bỏ mặc dẫn đến bị hỏng cả hệ thống và hậu quả đất nước bị mất ổn định, nhiều người dân lương thiện phải hy sinh, trả giá bằng chính mạng sống của mình. Lãnh đạo cần có chữ “tín” làm đầu. Nhưng khi chữ “tín” lặn mất tăm, mất dạng, làm sao mà hệ thống đứng vững được? Làm sao mà hệ thống vận hành được? Những nỗ lực dù gọi là mạnh tay đến mấy cũng bị biến thành những “phần mềm” lạc hậu, quá đát, hết giá trị. Đã có khái niệm mới là “haker chính trị”, mà chính những phương pháp chính trị, quản trị, có khi cả thống trị đã sản sinh ra loại “hacker” này. Nó phá ngang bất kỳ lúc nào. Những lời [giáo] huấn dạy về đạo đức đã bị chai lỳ, mất tác dụng, không thấm vào đâu. Đây là sự cố tình trong hệ thống nhằm mục đích vụ lợi, cá nhân chủ nghĩa, tự hạ nhân cách, coi thường pháp luật và bất chấp cả chân lý, bất cần đến cộng đồng xã hội, bất cần cả tồn vong của loài người. Họ vì lòng tham cái gì cũng chỉ thấy cái lợi trước mắt. Đó cũng là hậu họa sinh ra từ thực trạng thiếu văn hóa trong đội ngũ lãnh đạo, làm suy thoái “văn hóa lãnh đạo”, dẫn tới mất nhân tính, loại trừ nhân văn, biến tướng nhân cách. Cho nên, chính những con người đã ở cương vị lãnh đạo mà vì lòng tham lam vô độ, vì ngu dốt và vô học đã tự mình làm hỏng hệ thống.

Nhớ lại trong một lần trò chuyện với ông Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt), chính nhờ tâm hồn rộng mở, biết lắng nghe, không có “vùng cấm” của ông, tôi đã mạnh dạn trải lòng mình, phản ánh ý kiến chung của nhiều trí thức trăn trở lo âu về vận nước. Suy cho cùng là con người đâu cũng vậy, có lòng tham, sân, si. Vấn đề là phải có một hệ thống pháp luật thực sự để thiết chế cho nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội dân sự, không bất kỳ tổ chức cá nhân nào được đứng trên Hiến pháp và pháp luật. Một công ty, doanh nghiệp mà Hội đồng Quản trị cứ can thiệp vào việc của Ban Giám đốc, hay làm thay, quyết thay cho Ban Giám đốc mà không có sự giám sát nào thì sẽ ra sao? Một trận đấu thể thao mà cả trọng tài, giám sát, tổ chức trận đấu đều là một thì thế nào? Một chính quyền địa phương hay một đất nước mà người lãnh đạo tham gia điều hành trưc tiếp, có quyền lực tuyệt đối, không ai được phép giám sát, hiệu chỉnh sửa đổi, họ vừa chủ trương vừa ban hành luật lệ, vừa quản lý điều hành mọi công việc, vừa tự đánh giá hiệu quả việc mình làm và tự trả lương bổng, khen thưởng cho mình luôn thì có khách quan? Cái khó là chúng ta có một số vấn đề lớn nan giải về thể chế là căn nguyên của mọi vấn đề: một đảng thì làm sao kiểm soát độc quyền (đây là vấn đề được xem là nhạy cảm, khó nói, dễ bị “chụp mũ” là chống phá, làm mất chế độ); quyền lực có xu hướng tham nhũng mà quyền lực tuyệt đối chắc chắn sẽ dẫn tới tham nhũng lớn mà không ai được phép tiết chế? Các nhóm lợi ích sẽ chắc chắn nổi lên thao túng trong sự mất kiểm soát vì thiếu pháp luật dân sự trong hệ thống. Về đất đai, không đa dạng hóa quyền sử dụng, nếu ai nắm pháp luật trong tay cũng có thể “thu hồi” và cưỡng chế lấy đất của người khác và giao đất cho người thân, người nhà mình thì xã hội sẽ ra sao? Vấn đề doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo: tại sao ta cứ khăng khăng một điều mà thực tế khách quan chưa chứng minh được? Nếu quản lý kinh tế là khoa học quản lý, thì việc khẳng định một điều chưa có tiền lệ đúng, chưa bao giờ thành công một cách khách quan trong lịch sử trước giờ trên thế giới, vậy thì dựa vào lý do gì để đặt doanh nghiệp nhà nước lên vai trò chủ đạo trong nền kinh tế? Nếu chưa có thực tiễn thì lý luận có giá trị nào? Nếu vậy đây chỉ mới là giả thiết chứ không phải cơ sở khoa học !!!

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: đây cũng tương tự như “ước mơ” bay bổng hay sự suy tưởng, lý tưởng tương tự “Doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo trong nền kinh tế” chứ chưa có tiền lệ lịch sử hay luận chứng khoa học nào. Nếu ai đó đã từng học đại học đều bị hỏi: phương pháp luận là gì? Cơ sở dữ liệu nào, thực tế ở đâu để xác quyết điều này??? Nếu không giải quyết được những vấn đề cốt lõi trên, thì lòng tham sân si của cá nhân và các nhóm lợi ích đang thắng thế, chắc chắn sẽ có cơ hội và mảnh đất sống màu mỡ, được dịp ký sinh trên lưng của 90 triệu người dân đất nước ta. Sẽ còn thấy nhiều Vinashin nữa trong tương lai mà người dân sẽ không ai ngạc nhiên và sẽ còn nhiều vụ Tiên Lãng khác mà không có gì ngăn cản nổi!!!
Ngay cả những người đang thời đắc ý thì khi hết thời, mất chức, con cháu họ vẫn phải tiếp tục sống trong cái hệ thống mà họ đã góp phần dựng nên? Và tới lúc chính cái hệ thống thể chế đó, giờ tới thời của người khác, nhóm lợi ích khác sẽ quay lại đè bẹp, lấy mất các thành quả hay lợi ích mà họ kiếm được trong thời vượng thế đắc ý. Hôm nay, anh có thể dùng thế lực để lấy đất của anh Vươn, ở Tiên Lãng, có chắc là anh giữ được nó cho con cháu anh khi anh hết thời sau này? Quyền lực và tiền bạc nhiều như Ghadafi ở Lybia kết cục ra sao ai cũng biết?
Nếu đi nhiều, tiếp xúc nhiều sẽ thấy cán bộ cấp xã, huyện, thậm chí cả cấp tỉnh nhiều nơi bây giờ rất kém về trình độ chung, rất thô thiển trong giao tiếp với nhân dân, hầu như không có kỹ năng quản lý chứ đừng nói đến trình độ lãnh đạo. Những người có năng lực ở những vùng xa thường tìm cách rời bỏ quê hương đi kiếm sống khi có cơ hội. Người có năng lực trong hàng ngũ đảng viên tại chỗ cũng không muốn phải mệt mỏi đứng mũi chịu sào mà tìm mọi cách vào được những vị trí có "cửa". Đến những nơi đồng bào nghèo ở miền núi càng thấy rõ là việc mưu sinh của họ bị bỏ mặc, có một số dự án giúp họ định cư thì có rất nhiều dấu hiệu là vốn đầu tư bị rút ruột qua nhiều chỗ nghẽn, hoặc chỉ làm cho có một cái báo cáo xong là thôi. Không khí làng xã ở những vùng xa mặt trời này thường là u ám, dân sợ xã hội đen và sợ cả chính quyền, rất hiếm thấy ai hiểu rằng chính quyền là giúp họ, hoặc công an là để bảo vệ họ mà chỉ thấy cảm giác là người dân bị áp chế nặng nề quá làm họ sống trong sợ hãi!
Dù sao, chúng ta cũng may mắn hơn người dân Bắc Triều Tiên, hay Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng vì đất nước đã mở cửa. Các tương tác với quốc tế, người dân có cơ hội học tập, hiểu biết sẽ là yếu tố tất yếu dẫn tới thay đổi sớm hay muộn, vì con người ở đâu cũng có nhu cầu như nhau, ước mơ phù hợp quy luật như nhau. Không thể chúng ta cứ là “ốc đảo dị thường” mãi?

Xã hội ta đang loạn trị và không biết cách trị loạn. Cái gốc sinh loạn không trị, lại đi bênh che cho cái lối "hớt ngọn" để mầm loạn có thêm "kích thích tố" mọc mầm, đẻ nhánh ngày càng nhanh, thậm chí nguy đến sự tồn vong của chế độ.
Trước đây, thành quả đổi mới của chúng còn hạn chế vì chỉ đổi mới từ dưới lên trên điển hình như Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc. Cuộc sống ngày nay và vận nước đòi hỏi phải đổi mới từ trên xuống dưới. Nếu lãnh đạo mạnh dạn đổi mới sớm hệ thống còn rất nhiều bất cập, dám hy sinh lợi ích nhóm, vượt lên chính mình, thoát khỏi “vòng kim cô” ý thức hệ thì đất nước sẽ tiến nhanh. Không tư nhân hóa, thị trường hóa, xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự sớm thì sẽ kiềm chế năng lực phát triển của đất nước. Đất nước sẽ vinh danh các nhà lãnh đạo dám đổi mới, cải cách, làm cách mạng mới, dám hy sinh lợi ích cá nhân phục vụ tổ quốc, đưa đất nước thoát khỏi vòng lẩn quẩn, lạc hậu, đói nghèo.
T. V. T.

15 thg 1, 2012

Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống

Hoàng Tụy

Mấy năm nay trong xã hôi ta thường nghe nói đến các lỗi hệ thống. Và trong năm 2011 cụm từ tái cấu trúc được nhắc đi nhắc lại với tần số kỷ lục trong các giải pháp vượt qua khó khăn kinh tế gay gắt hiện nay. Không hẹn mà gặp, các từ này đã trở thành những từ khoá trong phần lớn các nghiên cứu về quản lý kinh tế xã hội trong cả năm 2011. Cho nên có lẽ cũng là tự nhiên nếu câu chuyện đầu năm xoay quanh tái cấu trúc và lỗi hệ thống.
Một hệ thống phức tạp được đặc trưng bởi mục tiêu, thành phần, cơ chế hoạt động và cấu trúc các mối quan hệ giữa các thành phần của nó với nhau và với môi trường bên ngoài.
Trong quá trình hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu của nó, một hê thống phức tạp, dù là một doanh nghiệp, một ngành kinh tế, văn hoá, xã hội hay những hệ thống lớn hơn, đều không tránh khỏi lúc này lúc khác có trục trặc. Nếu chỉ là trục trặc trong vận hành bình thường thì có thể dựa theo cơ chế phản hồi để phát hiện và điều chỉnh. Nhưng nếu trục trặc lớn, kéo dài thời gian lâu, thì thường có thể do mục tiêu sai, hoặc cấu trúc của hệ thống có vấn đề, có khuyết tật cơ bản, hoặc cả mục tiêu lẫn cấu trúc đều có chuyện. Khi đó, nếu chỉ xử lý cục bộ, chắp vá, vụn vặt, theo phương thức sai đâu sửa đó, thì không những không giảm bớt được truc trặc, mà có khi còn làm phát sinh thêm những rối ren, phức tạp mới, làm bất ổn gia tăng, đến mức có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Giải pháp đúng đắn trong tình huống đó chỉ có thể là dựa trên phân tích hệ thống, xét lại toàn bộ tổ chức, từ mục tiêu đến cơ chế hoạt động và các mối quan hệ trong nội bộ hệ thống với nhau và với môi trường, để thấy rõ và tìm cách sửa chữa những khuyết tật cơ bản của hệ thống, tức là các lỗi hệ thống, theo cách nói quen thuộc gần đây.
Đó là ý nghĩa các phạm trù “lỗi hệ thống” và “tái cấu trúc” mà gần đây đã được sử dụng khá phổ biến trong các câu chuyện chính trị và kinh tế, xã hội. 
Thực tế xây dựng đất nước hơn ba mươi năm qua đã dạy chúng ta một bài học đắt giá: chỉ trong vòng mười năm sau ngày thống nhất Tổ quốc, đất nước đã đứng trên bờ vực sụp đổ, buộc chúng ta phải tỉnh giấc, nhìn thẳng vào những thất bại gây nên do những lỗi lầm hệ thống tich luỹ trong quản lý kinh tế xã hội, từ đó mới có công cuộc đổi mới mà nhờ đó đất nước đã vượt qua khủng hoảng để hồi sinh kỳ diệu trong thập kỷ 90.
Ngày nay, éo le lịch sử lại đặt thế hệ chúng ta đứng trước tình huống tương tự như 25 năm trước. Bên cạnh những thành tựu bắt nguồn từ đổi mới, trong thời gian 5-7 năm gần đây đã xuất hiện nhiều sai lầm, thất bại đưa đất nước đến những khó khăn hết sức nghiêm trọng. Những gì tich cực mà đổi mới có thể đem lại đều đã đạt tới giới hạn. Nhiều lỗi hệ thống ở tầng sâu trước đây còn khuất nay bắt đầu lộ diện, khiến chúng ta đứng trước sự lựa chọn mới: hoặc tiếp tục làm ngơ với các lỗi hệ thống đó, chấp nhận đối mặt với nguy cơ trì trệ, thậm chí lụn bại và chuốc lấy nguyền rủa của đời sau, hoặc chịu đau giải phẫu và cắt bỏ những mầm bệnh mà thật ra đã ủ sẵn trong cơ thể từ nhiều thế hệ trước, và dũng cảm thay đổi tư duy một lần nữa, mở ra một thời kỳ khai sáng mới, xứng đáng với truyền thống cách mạng của các thế hệ tiền bối và không thẹn với những hy sinh mất mác to lớn của cả dân tộc qua mấy chục năm chiến tranh tàn khốc.
Trước hết, về đời sống chính trị. Có thể nói hầu hết những gì khó khăn, bê bối, trì trệ, suy thoái, hư hỏng, kéo dài trong mấy chục năm qua, suy cho cùng, có nguồn gốc liên quan tới những khuyết tật hệ thống của thể chế chính trị, cho nên sẽ khó có hy vọng khắc phục triệt để nếu không loại bỏ những lỗi hệ thống đó.
Điều nguy hiểm đáng lo, như Tổng Bí Thư đã nhận định trong Hội nghị TƯ vừa qua, là suy thoái biến chất đã diễn ra ở một bộ phận không nhỏ đảng viên giữ vị trí cao trong bộ máy quyền lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của dân. Nói như dân gian: nhà dột từ nóc. Sở dĩ như vậy là do quyền lực tập trung quá đáng mà không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, tiếng là thể chế dân chủ nhưng nặng về dân chủ hình thức, luật pháp không nghiêm minh, khiến tham nhũng, tội phạm có điều kiện hoành hành cả ở những nơi lẽ ra phải gương mẫu và trong sạch nhất. Bộ máy hành chính qua nhiều lần “cải cách” ngày càng đồ sộ mà vẫn quan liêu, xa dân, hành dân là chính. Nhiều quan lớn trong bộ máy không ngớt rao giảng đạo đức mà thật ra lối sống đồi truỵ, chỉ chăm chăm lợi dụng chức quyền mưu lợi vinh thân phì gia. Với một nền quốc trị như thế, trách sao văn hoá, đạo đức xã hội không ngày một suy đồi, các bản tin hàng ngày dày đặc những vụ lừa đảo, trộm cắp, chém giết nhau mất hết tính người.
 Thật đau xót khi nghĩ tới một xã hội cách đây chưa lâu từng được ca ngợi nghèo nhưng vẫn giữ được phẩm cách, nay đầy rẫy những cảnh xa xỉ lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng. Cho nên sửa đổi hiến pháp đi đôi với chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn bộ máy chính quyền, tái cấu trúc ở tầng sâu chính trị nhằm sửa sai hệ thống là yêu cầu khẩn thiết hiện nay cần thực hiện bằng được mới mong có thể lấy lại niềm tin đang mất dần của dân.

Thứ hai, về đời sống kinh tế. Trong mấy thập kỷ mải mê phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao đông giá rẻ, lấy doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo, xây dựng các tập đoàn chủ chốt dựa trên độc quyền và sự ưu ái của Nhà nước chứ không dựa trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, trong khi đó lơ là văn hoá, giáo dục, khoa học khiến các lĩnh vực này sa sút nghiêm trọng – nay đã  rõ mô hình đó không thể tiếp tục. Tai hại là đường lối phát triển kinh tế thiển cận đó được thực thi trên nền một thể chế lỏng lẻo bị thao túng bởi các nhóm lợi ích, khiến tham nhũng, lộng quyền, thiếu dân chủ đã trở thành những căn bệnh đặc trưng của xã hội Viêt Nam hiện nay. Nếu không đủ quyết tâm trừ diệt tận gốc mà cứ để những căn bệnh này ăn sâu vào xương tuỷ xã hội thì không mong gì những kế hoạch tái cấu trúc kinh tế có thể thực hiện có hiệu quả.
 Sau cùng, nhưng xét về lâu dài lại là căn bản nhất, là đời sống văn hoá, giáo dục, xã hội. Không phải không có cơ sở mà ngay trong chế độ thực dân hà khắc, Phan Châu Trinh đã khởi xướng cứu nước bằng đường lối “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Sự xuống cấp ở đây thấm thía từng ngày, chưa bao giờ người dân bình thường cảm thấy cuộc sống bất an như lúc này. Đường sá, phương tiện giao thông thiếu an toàn (gần đây càng trầm trọng do các vụ cháy xe liên tiếp vì xăng kém phẩm chất), bệnh viện quá tải thê thảm, thực phẩm độc hại tràn lan, trường học cũng không yên tĩnh, đành rằng tất cả đều có phần hệ quả  trực tiếp của những sai lầm hệ thống nói trên về chính trị, kinh tế. Tuy nhiên, ở đây cũng cần nhận rõ những sai lầm hệ thống ngay trong văn hoá, khoa học, giáo dục, y tế, xã hội nữa.
Về giáo dục, những yếu kém, bất cập, hư hỏng lưu niên đến nay chưa dứt chứng tỏ đường lối đổi mới cục bộ, chắp vá, vụn vặt, lăng nhăng, từng thực thi qua ba đời bộ trưởng đã hoàn toàn phá sản. Từ lâu, cải cách giáo dục toàn diện, triêt để, đã được cuộc sống cảm nhận bức thiết và TƯ Đảng, Chính Phủ cũng đã có những nghị quyết trịnh trọng khởi xướng từ 6-7 năm nay. Sai lầm hệ thống lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục là đã đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới, kìm hãm thế hệ trẻ trong nền cử nghiệp hư học mà ngay từ thời phong kiến, vua Minh Mạng triều Nguyễn đã từng nghiêm khắc lên án nó là nguyên nhân khiến “nhân tài trong nước ngày một kém đi” (“Viêt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, trang 463). Trong đó cái chính sách lương không ra lương, ban đầu còn có lý do bào chữa là do khó khăn kinh tế, kỳ thật là một chính sách thiển cận tai hại, đương nhiên chủ yếu do chịu vòng cương toả của chính sách chung về lương công chức của Nhà nước, nhưng trong đó cũng có một phần không nhỏ là trách nhiệm của bản thân ngành giáo dục. Vì cái chính sách lương kỳ quặc này, không giống bất cứ ai trên thế giới, nên mới có tình trạng cũng không giống ai trên thế giới là thầy giáo không tập trung vào công việc mình được trả lương mà phải đầu tắt mặt tối kiếm thêm thu nhập từ những công việc khác. Nghịch lý lạ lùng là không đâu người thầy bị rẻ rúng, coi thường như ở xứ này, nơi mà từ xa xưa đã có truyền thống tôn kính thầy và nay vẫn luôn nhắc tới bốn chữ tôn sư trọng đạo. Vì vậy, tuy lúc này mới bắt tay cải cách giáo dục cũng đã quá muộn, nhưng lại có thể có thuận lợi cơ bản nếu được làm đồng bộ với cải cách chính trị và cải cách kinh tế như trên đã bàn.
Còn nhớ khi mới bắt đầu đổi mới, vào cuối thập kỷ 80, đã có lúc, do nghe theo đề xuất của một số cán bộ nghiên cứu thiếu hiểu biết, khái niệm hộp đen trong khoa học hệ thống đã được vận dụng khá bừa bãi trong quản lý kinh tế. Kỳ quặc đến nỗi danh từ hộp đen dùng để chỉ các xí nghiệp đã trở thành thời thượng trong các phát biểu của lãnh đạo, trên các báo lớn nhất ở trung ương, và cả một thời gian dài cái áo khoa học sang trọng khoác lên danh từ đó từng là yếu tố kích thích, tạo hứng cho hoạt động của các câu lạc bộ giám đốc xí nghiệp. Thậm chí nhiều người, cả ở cấp lãnh đạo cao, cũng tin tưởng ngây thơ chỉ việc “quay” các hộp đen cho giỏi thì sản xuất sẽ phát triển. Còn “quay” như thế nào thì tuỳ nghi, ai muốn hiểu cách nào cũng được, tha hồ cho trí tưởng tượng mặc sức vẽ vời.  Đó là thời kỳ ấu trĩ, tuy cũng là một cách giải toả bớt tâm lý bế tắc chung vào lúc nhìn đâu cũng thấy khó khăn, nhưng cái hại lớn là tạo ra thói quen say sưa bàn thảo những chuyện vu vơ, chẳng ăn nhập gì với cuộc sống đang nước sôi lửa bỏng hàng ngày. Mong rằng lần này chúng ta không lặp lại sai lầm đó, dù ở trình độ cao hơn.
Tái cơ cấu là để sửa các lỗi hệ thống, cho nên trước hết phải nhận định đúng các lỗi hệ thống, mới biết nên tái cơ cấu như thế nào và sau đó phải có đủ quyết tâm mới thực hiện được đến nơi đến chốn. Toàn bộ công việc đụng chạm đến các nhóm lợi ích mà một số nhóm này gắn chặt với các lỗi hệ thống, cho nên sẽ rất gay go, gian khổ.  Từ hai mươi năm nay đây là thử thách lớn nhất,  cầu mong hồn thiêng sông núi giúp đất nước vượt qua được thử thách này.

Hoàng Tụy