3 thg 1, 2012

Nguyễn Văn Hải, Hoàng Khương, và Tuổi trẻ


Đào Tuấn - Ngày 12-5-2008 có lẽ là một ngày đáng nhớ của làng báo khi hai nhà báo Nguyễn Văn Hải, (tờ Tuổi trẻ), và Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị khởi tố bắt tạm giam vì những thông tin về vụ tiêu cực PMU18 mà họ viết trên báo.
Thanh Niên và Tuổi trẻ sau đó đã phản ứng dữ dội.
Ngay sáng 13-5, Tuổi trẻ đăng tải bài viết “Hai nhà báo chuyên viết đấu tranh chống tham nhũng bị bắt”. Nhà báo Bùi Thanh, mượn thái độ của các “blogger, nhà báo từ Nam chí Bắc” sử dụng hai từ: Buồn và phẫn nộ. “Họ phẫn nộ vì biết rõ đồng nghiệp vừa bị bắt của mình là ai, đã sống và viết như thế nào để bảo vệ cuộc sống tươi đẹp này trước lũ sâu mọt”…“Chiều qua nhiều nhà báo đã tự hỏi mình về sự chùn bước và ý chí chiến đấu chống tham nhũng ấy, khi những đồng nghiệp tử tế và trong sáng của họ được xe cảnh sát đưa vào trại giam”.

Những trang báo của Tuổi trẻ những ngày sau đó tràn ngập những bài viết với những cái tít:Quá sức kỳ lạ - Quá sức ngỡ ngàng và phẫn nộ; Sao lại giết "Lục Vân Tiên"?; “Đừng để lòng tin bị sói mòn”; “Công lý bị nhạo báng”…
Trong ngày 16-5, ngay cả mục “Thế giới” của Tuổi trẻ cũng khởi đăng loạt bài “Khi nhà báo rơi vào vòng lao lý”. Xin hãy đọc những dòng tít sau đây: “Cái giá của thông tin”; “Không phải người cầm micro cho vua”. “Thà ngồi tù, không lộ nguồn tin”…
Trong một sự liên hệ đầy chủ ý, BBT Tuổi trẻ đã cho đăng câu văn sau đây: (Báo) Cicero đã phản ứng một cách mạnh mẽ. Tổng biên tập Wolfram Weimar tuyên bố ủng hộ lập trường của phóng viên Schirra và khẳng định mục tiêu của giới báo chí là rất rõ ràng: "Nhà báo không phải là người giữ micro hoặc người ghi chép tài liệu cho nhà vua”... “Nhiệm vụ của họ là đưa những sự thật khó chấp nhận ra ánh sáng, bất chấp những người có quyền lực có thích hay không, và Otto Schily (tên của PV viết bài về thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Al Qaeda tại Iraq từ các nguồn của văn phòng Cảnh sát hình sự liên bang Đức) cũng không phải là ngoại lệ".

Một nhà báo cựu trào từng làm việc cho Tuổi trẻ từng ca ngợi tờ báo của mình là rất giỏi dấu chính kiến bằng một thứ siêu ngôn ngữ: Nói về một điều nhưng không có từ ngữ nào trực tiếp nói đến điều đó.
Nhưng trên hết, những phản ứng, không cần phải dấu chính kiến, của Tuổi trẻ vào tháng 5-2008, dù sau đó, một số người trong BBT cũng phải hầu tra…đã khiến làng báo nể phục. Và những phóng viên của Tuổi trẻ, có lẽ, chỉ cần đọc những dòng tít báo như vậy đã có thể sẽ sẵn sàng hy sinh sinh mạng của mình, cả nghĩa đen và nghĩa bóng- cho tờ báo.

Nhưng sáng nay, cũng ngay sau khi một phóng viên của Tuổi trẻ bị bắt, tờ nhật báo hàng đầu này chỉ có một bản tin 619 chữ, tính cả tên tác giả. Không còn bài nào ký tên Bùi Thanh. Không Nguyễn Quang A, Phạm Viết Đào. Không ý kiến Hội Nhà báo. Không ý kiến luật sư. Thậm chí không cả một dòng của bạn đọc. Bói cũng không thể biết quan điểm bản báo xung quanh việc PV của mình bị bắt.
Tuổi trẻ giờ “khách quan” đến nỗi đưa tin PV của mình bị bắt mà tưởng đó là câu chuyện xảy ra ở ở Campuchia.

Tuổi trẻ giờ “dấu quan điểm” giỏi đến mức không ai, không ai có thể biết quan điểm của họ.
Câu hỏi “Ai sẽ là người bảo vệ các nhà báo”, chua chát thay, cũng không phải do Tuổi trẻ đặt ra.

Hôm qua, trước khi lên xe vào trại giam Chí Hoà, Hoàng Khương đã cười. Có lẽ, vì anh chẳng có gì phải xấu hổ, vì anh tin tưởng vào sự “tử tế và trong sáng”, vào sự “bất vụ lợi” của mình. Nụ cười này năm 2008 đã từng xuất hiện khi nhà báo Nguyễn Việt Chiến chia tay đồng nghiệp trước khi vào trại.
Có điều, rất khó để có thể tin rằng sau khi hết án, Hoàng Khương sẽ quay trở lại tờ báo cũ- như Nguyễn Việt Chiến quay lại Thanh Niên, tờ báo mà sau khi anh bị bắt đã giật tít kín trang 1 “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính”, và như trước đây, cũng ở chính Tuổi trẻ, là Nguyễn Văn Hải.
Đào Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét