29 thg 3, 2012

Ngụy biện vì ông Đinh La Thăng


Dành thời gian đọc, sau đó phân tích các lỗi ngụy biện ở một bài viết như bài“Kính thưa ‘quý cô cái gì cũng muốn’” của tác giả Hoàng Thắng trên Petro Times (http://www.baomoi.com/ Home/ AmNhac/ www.petrotimes.vn / Kinh-thua-quy-co-cai- gi-cung-muon/8162668.epi) là một việc có lẽ chỉ nên làm trong lúc rảnh quá. Tuy nhiên, xét thấy sự ngụy biện đang lan tràn trong tất cả các cuộc tranh luận trên mạng, trên không gian báo chí, không loại trừ cả không gian học thuật, nên tôi nghĩ việc chỉ ra các lỗi ngụy biện sơ đẳng trong bài viết này cũng là điều cần thiết. Bên cạnh các lỗi ngụy biện là một số sai sót về kỹ thuật viết báo, tôi cũng sẽ cố gắng chỉ ra một phần.

Xin lưu ý: Đây là bài viết phân tích về ngụy biện và báo chí, không nhận xét và không phán xét tác giả Hoàng Thắng.
* * *
1.

Trích: “Trong bài trả lời phỏng vấn của mình, ca sỹ Mỹ Linh cho rằng: Thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí, chất lượng công trình giao thông chưa tương xứng với những khoản tiền mà dân phải đóng… và cuối cùng là kết luận một câu xanh rờn “Đề xuất giải pháp đó, theo tôi, chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!”

Chỉ chờ có thế, các trang mạng đua nhau đăng lại bài phỏng vấn ca sỹ này với tiêu đề “Bắt dân đóng phí, anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!” Đã không ít người tung hô cho bài phỏng vấn này của Mỹ Linh, đơn giản vì đó là lời nói của một người nổi tiếng. Tuy nhiên, để nói về hàm lượng kiến thức hay tư duy trong câu nói thì cũng chưa được nhiều cho lắm”.

Về khía cạnh nghiệp vụ báo chí, để đảm bảo tính khách quan, nhà báo không được sử dụng tính từ, phó từ, nhất là các tính từ và phó từ mang tính phán xét, nặng hơn nữa là có hàm ý miệt thị. Các động từ, nếu không đảm bảo trung tính, cũng không được dùng. Trong đoạn viết trên đây, tác giả Hoàng Thắng, ngược lại, đã sử dụng ít nhất ba từ không khách quan: “xanh rờn”, “đua nhau”, “tung hô”.

Suy luận “đơn giản vì đó là lời nói của một người nổi tiếng” là quá đơn giản. Người ta “tung hô” (nếu có) ý kiến của ca sĩ Mỹ Linh có thể còn vì nhiều nguyên nhân khác, như: cô ấy đẹp, cô ấy là dân thường (giống người ta) chứ không phải lãnh đạo, cô ấy là phụ nữ, cô ấy đã nói đúng điều người ta thích, v.v.

2.

Trích: “Mặc dù phát biểu văng mạng rằng “thuế chồng thuế, phí chồng phí” nhưng xin cam đoan là nữ ca sỹ sẽ chẳng thể nào chỉ ra nổi “phí chồng phí” ở đâu. Bởi đơn giản: Việc phân định có hay không chuyện “phí chồng phí” đang được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế tranh luận quyết liệt và chưa có hồi kết. Những phát ngôn của “người đẹp hát” cũng chỉ có thể là… nghe người ta nói thế thì biết thế thôi.

Còn kết luận phê phán kiến thức của Bộ trưởng Bộ GTVT “Bắt dân đóng phí chứng tỏ anh Đinh La Thăng kém cỏi” thì có lẽ là nên miễn bàn vì đơn giản: Tiến sỹ Đinh La Thăng cũng sẽ không bao giờ tranh cãi với ca sỹ Mỹ Linh về âm nhạc”.

Tác giả sử dụng các từ và lối diễn đạt sau đây: “văng mạng”, “phát ngôn của ‘người đẹp hát’”, “nghe người ta nói thế thì biết thế thôi”, “miễn bàn”… Về khía cạnh báo chí, lỗi lặp lại như ở trên: chủ quan, cảm tính, hàm ý miệt thị cá nhân. Có dấu hiệu của ngụy biện “tấn công cá nhân” với cách gọi Mỹ Linh là “người đẹp hát” trong ngoặc kép.

Với cách diễn đạt “miễn bàn về…”, tác giả phạm lỗi ngụy biện “Appeal to Ridicule”, tạm dịch là “Lố bịch hóa”, nghĩa là (chưa gì đã) chế nhạo ý kiến của người nói thay vì chỉ ra lỗi của người đó. Ví dụ (trích tài liệu của TS. Michael C. Labossiere, dự án Nizkor, 1995):

- Chắc chắn là đối thủ xứng đáng của tôi tuyên bố là chúng ta nên giảm bớt học phí rồi, nhưng điều này thật nực cười.

- Ủng hộ ERA à? Tất nhiên rồi, khi nào phụ nữ trả tiền đồ uống đã! Haha!

3.

Trích: “Cô ca sỹ còn đưa ra bằng chứng khá ngô nghê là “Ai bảo bắt cái ô tô oằn mình chịu đủ thứ thuế, thứ phí… là sẽ giúp giảm thiểu được tai nạn giao thông, khi mà đi xe máy ở Việt Nam mới là dễ bị tai nạn nhất! Chỉ mới cách đây hơn hai tuần thôi, vào đúng ngày 8/3, chị bạn tôi vừa mất một câu con trai 10 tuổi cũng vì hai bố con chở nhau đi xe máy, bị người ta quệt phải. Còn trước đó đi ôtô thì không sao, nhưng ô tô đã phải bán vì bố mẹ cháu không chịu nổi cơn tăng giá, phí.”

Lấy ví dụ thế thì chả hóa ra chỉ có đi ôtô như Mỹ Linh mới an toàn còn những người đi xe máy đều nguy hiểm cả. Chẳng lẽ an toàn giao thông chỉ là thứ người giàu người riêng hưởng?”.

Tương tự trên, tác giả dùng từ “ngô nghê” là vi phạm nguyên tắc báo chí, vì vừa chủ quan, vừa cảm tính, vừa miệt thị cá nhân.

Ở đây, nếu muốn phản bác Mỹ Linh, tác giả hoàn toàn có thể chỉ ra lỗi ngụy biện trong ý kiến của ca sĩ Mỹ Linh. Tuy nhiên, thay vì thế, tác giả đã đánh phủ đầu bằng miệt thị, chế nhạo, và vẫn không có cơ sở khoa học nào. Ý kiến của tác giả, do không được chứng minh, cho nên cũng không có lý hơn Mỹ Linh là bao nhiêu.

“Lấy ví dụ thế thì chả hóa ra chỉ có đi ôtô như Mỹ Linh mới an toàn còn những người đi xe máy đều nguy hiểm cả”. Thật ra thì, căn cứ vào lời được trích dẫn trên báo, thì ca sĩ Mỹ Linh không nói rằng CHỈ có đi ô-tô thì mới an toàn. Tác giả phạm hoặc là lỗi quy chụp, hoặc là lỗi trích dẫn. Một khi đã phạm lỗi quy chụp hoặc lỗi trích dẫn rồi thì các lập luận tiếp sau đó của người phạm lỗi không còn ý nghĩa nữa.

Tuy nhiên, ở đây cứ giả sử rằng chúng ta chấp nhận lỗi này của tác giả, giả sử rằng Mỹ Linh có ý cho rằng đi ô-tô an toàn hơn đi xe máy, thì Mỹ Linh vẫn đúng thay vì tác giả. Theo thống kê, tính trên 1 mile (dặm, tương đương 1,6 km), đi xe máy có nguy cơ gặp tai nạn cao hơn từ 30 đến 40 lần so với đi ô-tô. Còn khi tai nạn xảy ra, người đi xe máy có xác suất bị thương cao gấp 3 lần người đi ô-tô, và xác suất tử vong cao gấp 15 lần. Đây là các thống kê của US National Traffic Safety Board.

“Chả hóa ra chỉ có đi ô-tô như Mỹ Linh mới an toàn”. Đưa cụm từ “như Mỹ Linh” vào, tác giả đã phạm lỗi ngụy biện “Appeal to Spite”, tạm dịch là “gây thù chuốc oán”. Đây là ngụy biện theo đó, thay vì đưa bằng chứng cho thấy một người nào đó (Mỹ Linh) nói như vậy là sai, thì lại tìm cách làm cho người đó bị số đông ghét bỏ.

Tương tự, “Chẳng lẽ an toàn giao thông chỉ là thứ người giàu người riêng hưởng?”, cũng là lỗi ngụy biện “gây thù chuốc oán”.

4.

Trích: “Hàm lượng “chất xám” trong phát biểu của ca sỹ Mỹ Linh có lẽ cũng chỉ nên bàn đến thế. Cái cần bàn của chúng ta ở đây là thái độ xây dựng, cách phát ngôn của những “con người công chúng” với công việc chung, với lợi ích chung của cả xã hội.

Trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang sôi sục để cùng chung lưng đấu cật tìm ra biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải bài toán ách tắc giao thông thì “người của công chúng” lại đăng đàn và phát ngôn một cách vô trách nhiệm như thế”.

“Hàm lượng “chất xám” trong phát biểu của ca sỹ Mỹ Linh có lẽ cũng chỉ nên bàn đến thế”: chủ quan, cảm tính, miệt thị, xúc phạm cá nhân.

“Trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang sôi sục để cùng chung lưng đấu cật tìm ra biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải bài toán ách tắc giao thông thì “người của công chúng” lại đăng đàn và phát ngôn một cách vô trách nhiệm như thế”. Tác giả phạm các lỗi ngụy biện sau đây:

- gây thù chuốc oán (Appeal to Ridicule), đã phân tích ở trên

- có dấu hiệu của ngụy biện “viện đến tình cảm của số đông” (Appeal to Emotion): “trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang sôi sục…”. Sở dĩ mới là “có dấu hiệu”, vì ngụy biện này của tác giả, ngay cả khi được sử dụng, vẫn không có hiệu quả. Trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang sôi sục để cùng chung lưng đấu cật tìm ra biện pháp… thì Mỹ Linh cũng vậy, cô ấy cũng đang góp một tiếng nói trong cái hệ thống chính trị và cái xã hội đó, cho dù nó có vô trách nhiệm (như tác giả đã miệt thị một cách ngụy biện, thiếu căn cứ) hay không.

- đe dọa (Appeal to Fear): Đây là kiểu ngụy biện trong đó thay vì lập luận, đưa ra bằng chứng cho thấy Mỹ Linh sai thì lại có hàm ý đe dọa: Tất cả mọi người đều đang như thế này mà cô lại như thế kia à?

- “sức ép về bằng chứng” (Burden of Proof): Ví dụ của ngụy biện này như sau: “Theo tôi, chắc chắn là có ma. Vì sao à? Thì anh thử chứng minh xem? Đấy, anh không chứng minh được là không có ma. Như vậy tức là có ma”.

Ở đây, tác giả cũng đẩy sức ép về bằng chứng sang cho ca sĩ Mỹ Linh: Cô có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải bài toán ách tắc giao thông không mà cô dám lên tiếng?

5.

Trích: “Ngay sau khi cô ca sỹ này đăng đàn vài ngày, tại cuộc họp của Thành ủy Hà Nội bàn về vấn đề chống ùn tắc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tâm sự “Gia đình tôi đã hạn chế đi xe cá nhân để giảm ùn tắc”. Sự gương mẫu của Bí thư Phạm Quang Nghị hẳn sẽ là một tấm gương lớn cho nhiều người noi theo.

Ông cho rằng: “Nhiều cá nhân khi bị đụng chạm quyền lợi thì phản ứng gay gắt. Bỏ ra cả tỉ đồng mua xe thì không công khai rằng tiền từ đâu ra, trong khi đóng vài triệu xây dựng đường thì phản ứng”.

Lỗi nghiệp vụ báo chí: “Sự gương mẫu của Bí thư Phạm Quang Nghị hẳn sẽ là một tấm gương lớn cho nhiều người noi theo” là một cách viết suy diễn, chủ quan, cảm tính (chưa nói đến sự thiếu công bằng, và dụng ý xu nịnh).

Ngụy biện “Appeal to Authority”, tạm dịch là “viện dẫn thẩm quyền”: Đây là cách viện dẫn ý kiến của một người thực ra không phải là nhân vật chính đáng để có thể được trích dẫn. Phía trên bài, tác giả có ý cho rằng Mỹ Linh, với tư cách ca sĩ, không xứng đáng để nói về chính sách thu thuế và phí của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. (Trong khi thực ra Mỹ Linh hoàn toàn có thể phát biểu với tư cách một người dân có sở hữu ô-tô, và sử dụng ô-tô để tham gia giao thông). Vậy ở đây, ông Phạm Quang Nghị – với các chuyên ngành ông từng học là lịch sử và triết học trường Nguyễn Ái Quốc – có phải là nhân vật xứng đáng hơn Mỹ Linh để được tác giả viện dẫn, muốn số đông phải noi theo?

6.

Trích: “Nữ ca sỹ Mỹ Linh: Nhà rộng 1,3 hecta, hai vợ chồng mỗi người một chiếc xe hơi. Đấy là chưa kể xe của Mỹ Linh là xe Mitsubishi Grandis có 7 chỗ ngồi. Như vậy là một mình nữ ca sỹ mỗi khi ra đường đã chiếm diện tích bằng 4 người đi xe máy. Hẳn nữ ca sỹ cũng muốn đóng phí cho “đỡ ngại” với mọi người!

Tôi cũng xin cược rằng: Ca sỹ Mỹ Linh với son phấn, váy vóc xúng xính, quần áo thời trang chắc hẳn sẽ hiếm khi dám rời xế hộp vủa mình để leo lên xe bus, chung tay góp phần giảm ách tắc giao thông như Bộ trưởng Thăng. Đơn giản thôi, xế hộp có, lên xe bus làm gì, vừa đông người vừa… hỏng váy!”.

Ngụy biện “gây thù chuốc oán” được sử dụng triệt để. Bên cạnh đó là ngụy biện “tấn công cá nhân” (Personal Attack), một loại lỗi ngụy biện kinh khủng bởi vì nó rất… vô học.

7.

“Chuyện Mỹ Linh đăng đàn khen chê cũng nhắc chúng ta nhớ lại một cái bệnh rất xấu mà truyền thông đang mắc phải: Khi nhà nước cần lấy ý kiến về một vấn đề gì đó thì không ít người nhảy vào chê bai một cách thiếu khách quan, không mang tính xây dựng:

Lấy ý kiến về công trình xây dựng thì hỏi ý kiến… nhà thơ.

Lấy ý kiến về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì hỏi… nhà văn hóa.

Lấy ý kiến về chính sách giao thông, các kỹ sư còn chưa kịp nói gì thì ca sỹ, nghệ sỹ đã… lên tiếng ầm ầm”.

Nếu bàn ra ngoài văn bản thì có thể đồng ý với tác giả phần nào, tuy nhiên, xét trên văn bản, đây là những đoạn viết chủ quan, cảm tính, miệt thị, không bằng chứng.

8.

Trích: “Ai cũng thừa nhận rằng: bất cứ một cuộc đại phẫu nào cũng phải chịu đau, trong cuộc sống muốn có được thứ này thì phải hi sinh thứ khác, muốn đạt được cái đại cục thì phải hi sinh cái tiểu tiết. Còn nếu muốn cái gì cũng được, chắc phải lên… thiên đàng – thông minh và xinh đẹp như Mỹ Linh, chắc sẽ hiểu điều đó!

Người dân yêu mến Bộ trưởng Đinh La Thăng vì ông là con người hành động. Không lẽ giờ Bộ trưởng phải “nằm im thở khẽ”, đừng đụng chạm đến quyền lợi của ai thì mới làm cho nữ ca sỹ hài lòng!”.

Xin nhắc lại một đoạn ở trên: Ở đây có lỗi nghiệp vụ báo chí: “Người dân yêu mến Bộ trưởng Đinh La Thăng vì ông là con người hành động” là một cách viết suy diễn, chủ quan, cảm tính (chưa nói đến sự thiếu công bằng, và dụng ý xu nịnh).

Ngụy biện “gây thù chuốc oán” được sử dụng triệt để. Bên cạnh đó là ngụy biện “tấn công cá nhân” (Personal Attack), một loại lỗi ngụy biện kinh khủng bởi vì nó rất… vô học.

Đoan Trang

28 thg 3, 2012

Bộ mặt thật của Bộ trưởng Đinh La Thăng


Thời gian qua trên báo mạng lề đảng có cả vài ngàn bài báo và ý kiến bạn đọc khắp nơi trong cả nước, trong đó có cả các ý kiến của các nhân vật nổi tiếng của Việt Nam về Bộ trưởng GTVT Định La Thăng. Khác hẳn với trước đây khi ngài BT mới nhậm chức là: các bài báo và ý kiến này hầu hết là những tiếng kêu phẫn nộ đầy thất vọng... Điều này thực ra không phải là lạ vì ngay khi BT Thăng mới nhậm chức, giữa trong hàng trăm ý kiến ca ngợi và khấp khởi hy vọng, đã có rất nhiều ý kiến trung thực và thẳng thắn vạch ra bộ mặt thật và cảnh báo về con người thật của BT Thăng.

Vừa qua, báo chí lề đảng đăng tin BT. Thăng chủ trì một hội nghị về chất lượng các dự án GTVT. Ngài BT đã mạnh mẽ phê phán thậm tệ chất lượng các công trình GTVT, và còn công bố trịnh trọng việc giao cho một Thứ trưởng dưới quyền phải chịu trách nhiệm toàn bộ về vấn đề này, nếu có gì xảy ra thì ông này sẽ bị cách chức trước (?!). 

Thực sự, phải khâm phục tài năng lèo lái, gian hùng của BT. Thăng, một con người khôn ngoan mánh khóe bậc đại sư phụ, với các trò mà người miền Bắc thường nói là “láu tôm, láu cá”, người miền Nam thì nói là “đá cá, lăn dưa”, “ba sạo, ba trợn”. Vì ngài đã bắn một mũi tên trúng ba mục đích: một là sẽ được cánh hẩu bên báo chí lề đảng (mà ngài đã “nuôi dưỡng, chăm bẵm” bấy lâu nay) tôn sùng là “một vị BT dũng cảm, nói thẳng nói thật”; hai là đã cảnh báo rùm beng thiên hạ cho rõ là vấn đề  “chất lượng thậm tệ” nêu trên hiển nhiên là thuộc trách nhiệm của ê kíp nhiệm kỳ trước chứ không phải do nhiệm kỳ của ngài gây ra; ba là đã đẩy trái bóng “trách nhiệm” về cho một người cụ thể (là Thứ trưởng dưới quyền, vị này cũng đã ở trong ê kíp nhiệm kỳ trước), cũng như đã chọn trước được một vật (người) thế mạng nếu trong nhiệm kỳ này xảy ra các sự cố liên quan đến chất lượng công trình. 

Hô hào để đánh bóng tên tuổi mình và đẩy trách nhiệm cho người khác thì như vậy, nhưng thiên hạ không phải ai cũng bị bịp, nhất là những người đã từng làm việc với Thăng. Vì họ biết tỏng trong thời gian trước vừa mới đây thôi, khi đang làm "vua" trong ngành dầu khí, Thăng đã quan tâm đến chất lượng các công trình của ngành dầu khí như thế nào. 

Xin đơn cử một vài công trình đã góp phần tô bóng tên tuổi của Thăng như lọc dầu Dung Quất, đạm Cà Mau, điện Vũng Áng và Long Phú.... 

Lọc dầu Dung Quất tuy là một dự án có từ trước khi Thăng về dầu khí, nhưng một nhà máy lọc dầu hiện hữu cụ thể như Dung Quất hiện nay là tác phẩm chính của Thăng. Chỉ trong một vài năm tới đây thôi, theo các chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm và lương tâm trong ngành dầu khí, thiên hạ sẽ được thấy nhà máy này vận hành tậm tọet với các chi phí sửa chữa phát sinh khủng khiếp như thế nào, nhưng cái nhỡn tiền đã thấy là vận hành theo mức độ bình thường như hiện nay thì lỗ mỗi năm vào khoảng trên dưới ba ngàn tỷ đồng, càng vận hành nhiều hơn sẽ càng lỗ to hơn. Biết rõ căn bệnh cốt tử này, Thăng đã kịp vẽ ra bùa phép để chữa bệnh là: cố thuyết phục chính phủ cho được việc mở rộng lọc dầu Dung Quất, để lấy vốn của dự án mở rộng trám trét các lỗ thủng lớn về kỹ thuật công nghệ cho nhà máy hiện tại, đặc biệt là sự kén chọn quá mức chất lượng dầu thô đầu vào... Nếu ý đồ này trót lọt thì chính phủ và có thể cả các nhà đầu tư dự án mở rộng sẽ ăn phải quả lừa đắng ngắt, vì thực chất của dự án này như là cách "xẻo thịt của đứa con sẽ được sinh ra để trám vào các chỗ hoại tử của ông bố". 

Đạm Cà Mau cũng đã từng là nhiều đề tài hài hước châm biếm của công luận. Thăng "táo bạo, quyết đoán" sử dụng một anh tổng thầu "hùng mạnh" của một quốc gia "vĩ đại", hiện đại đến mức trong suốt giai đoạn đầu thi công dự án, các cán bộ, chuyên gia của họ mỗi sáng dậy, mỗi anh cầm một cái xẻng đi ra khu đất đã san nền của nhà máy đạm, để làm một cái việc đứng hàng thứ tư trong "tứ khoái" của con người (cái xẻng mang đi là để sau khi "làm xong" thì xúc cát phủ lên), vì tổng thầu này quy củ đến nỗi không cần xây dựng nhà vệ sinh cho chuyên gia của họ; nhân công thì thuê cả tù thường phạm để làm; lãnh đạo của tổng thầu chẳng hiểu ý nghĩa chữ "QA-QC" (chuẩn mực quốc tế về kiểm soát chất lượng công trình) là gì. Thiết bị cung cấp thì hầm bà làng, miễn sao nhà máy được lắp xong, cố gắng cầm cự chạy hết thời gian bảo hành, thế là Bên A và Bên B đều "phẻ", các khoản lại quả đã bỏ túi... Chỉ khổ cho những người vận hành buộc phải tiếp nhận công trình mà không ai dám hó hé gì. Dư luận đã quá râm ran lan rộng rằng: nếu Cà Mau không phải là quê ngoại của Thủ tướng, thì chẳng ông chủ đầu tư nào điên khùng quyết chí đến cùng bỏ ra gần tỷ USD để đầu tư hệ thống thiết bị tầm công xã của anh Tàu, để rồi sản phẩm bán ra thì lãnh đạo tập đoàn dầu khí hiện nay phải nghĩ ra bằng được cách mà bù lỗ khủng, chưa kể những phát sinh chi phí sửa chữa sự cố chắc chắn sẽ xảy ra dài dài như mọi công trình của Tàu đã và đang thực hiện ở Việt Nam. 

Nói đến dự án nhà máy điện Long Phú, nhiều người am hiểu kinh tế, luật đấu thầu và hợp đồng kinh tế Việt Nam nói rằng nó sẽ là một khúc xương to đùng mắc ở họng ĐLThăng (không dễ gì Thăng khạc ra và đỗ thừa cho nhiệm kỳ kế tiếp Thăng của tập đoàn dầu khí được). Một dự án lớn với tổng mức đầu tư vào khoảng trên 1,6 tỷ USD mà phê duyệt xong thiết kế kỹ thuật, thì phê duyệt luôn hợp đồng thiết kế mua sắm xây dựng chỉ trong vòng 2 tuần, bỏ qua tất cả các khâu như đấu thầu, xét thầu, đàm phán thương thảo, thiết kế chi tiết, trình duyệt, v.v..., mà thông thường cách bước này có làm nhanh, có lương tâm và nghiêm túc cũng phải mất 9 tháng. Chính với "ý chí quyết liệt" (câu nói cửa miệng của Thăng) nhưng rất "thần thoại" của Thăng, Thăng đã ép tổng thầu là tổng công ty trong ngành dầu khí và quyết ấn định giá trị hợp đồng thiết kế mua sắm xây dựng nhà máy điện Long Phú là 1,2 tỷ USD. Đã vậy, Thăng còn trân tráo lớn tiếng tuyên bố trước công luận và báo cáo với chính phủ rằng nếu hợp đồng này với thiết bị xuất xứ từ G7 và EU, không rẻ hơn "MỘT TRĂM TRIỆU USD" so với hợp đồng tương tự do tập đoàn điện lực đã ký kết (giá trị vào khoảng trên 1,3 tỷ USD)... thì Thăng sẽ tự nguyện "từ chức". Sau tuyên bố này, tập đoàn điện lực tưởng thật, đã hốt hoảng, vội qua dầu khí học tập..., họ mới vỡ lẽ ra đó là sự quảng cáo dối trá. Vì bây giờ đây, sự thực là gì: sau 15 tháng kể từ ngày hợp đồng nêu trên được Thăng phê duyệt, chưa có bất cứ hợp đồng cung cấp thiết bị chính nào được ký kết, mà giá trị ước tính đã vọt lên trên 1,3 tỷ USD (đó là sự thật, có tài như thánh cũng không ai "ém" được sự thật này!), mà hàng hóa phần lớn cũng sẽ xuất xứ từ anh bạn Tàu vĩ đại. Vậy Thăng có tự "từ chức" không khi Thăng đã nhảy vọt lên ghế BT và đã "thành công" trong việc đẩy quả đắng lại cho nhiệm kỳ hiện nay của lãnh đạo dầu khí? Không chỉ vậy, các nhà chuyên môn kinh tế - kỹ thuật am hiểu về ngành điện nói rằng, chắc chắn giá trị thực sự của hợp đồng nêu trên khi quyết toán sẽ đội giá lên trên 1,4 tỷ USD với thiết bị xuất xứ từ Tàu, và trên 1,6 tỷ nếu đúng thiết bị xuất xứ từ EU, G7. 

Dự án nhà máy điện Vũng Áng mặc dù điều kiện khởi đầu có khác Long Phú, nhưng vào giai đoạn thực hiện chính, nó cũng là tác phẩm của Thăng, với hệ thống thiết bị hầm bà làng, cũng xuất xứ của anh bạn Tàu, có nhiều nhà thầu phụ cũng là anh Tàu. Vậy mà hiện nay đã bị đội giá hợp đồng tổng thầu đến vài ngàn tỷ đồng và "được" điều chỉnh tiến độ chậm đi cả năm trời. Rồi đây, khi quyết toán, Bộ tài chính sẽ được biết chính xác giá trị thực vượt giá trị hợp đồng đã ký vài ngàn tỷ đồng với con số chính xác là bao nhiêu, sẽ chẳng thể nào mà dấu được. Với cơ sở nền tảng như vậy, nhà máy điện Vũng Áng cũng sẽ sập lụi chẳng hơn gì các nhà máy điện (như nhà máy điện Hải Phòng) của tập đoàn điện lực đã được thực hiện bởi tổng thầu Trung Quốc. 

Cũng như các quan chức khác, không vị nào là không hô hào câu cửa miệng là "bảo đảm chất lượng". Vậy chẳng lẽ Thăng không biết cái cách làm việc đạp lên mọi quy luật kinh tế kỹ thuật khách quan của Thăng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả kỹ thuật lẫn kinh tế sao? Thực ra Thăng rất biết rõ, nhưng Thăng còn biết rõ làm kiểu như vậy khoản bỏ túi của Thăng sẽ dầy hơn, cái thơm thì Thăng hưởng, còn quả đắng thì nhiệm kỳ kế tiếp sẽ phải gánh. Tại sao khoản bỏ túi Thăng dầy hơn? Xin thưa: Thăng đại tài đã kịp sáng tác ra cái cơ chế "phát huy nội lực trong tập đoàn dầu khí", nó là sản phẩm quái thai của kinh tế thị trường và thực chất là trái với cơ chế của chính phủ là "phát huy nội lực của toàn bộ đất nước" chứ không phải đóng cửa riêng cho mình anh dầu khí. Và từ đó các hợp đồng dự án mức khủng được ban phát cho các đệ tử ruột và cánh hẩu trong ngành dầu khí, và khoản lại quả tất nhiên càng dầy hơn, càng kín đáo hơn. Mặt khác, chơi với anh Tàu thì cái khoản "chăm sóc khách hàng" của anh này cho các "thượng đế" tại Việt Nam là "nhất" thế giới, không một Hãng tiên tiến thuộc khối G7 nào bằng! 

Nói về đệ tử, các đệ tử của Thăng đương nhiên là nhiều vì "quần thần" nào mà chẳng mong và tìm mọi cách để được lòng "vua", thì bổng lộc cả đời ăn không hết. Đệ tử ruột trong nhóm hàng đầu của Thăng như mọi người được biết và ấn tượng là Vũ Đức Thuận  Trịnh Xuân Thanh. Hai cán bộ đảng viên này làm việc trong DNNN mà tính cách như những đại ca giang hồ táo tợn, vô văn hóa, lòn trên nạt dưới, coi cấp dưới như nô bộc, được chính Thăng sự phụ cứu vớt, lôi về, thổi lên thành 2 lãnh tụ hàng đầu của tổng công ty xây lắp dầu khí. Cũng nhờ uy thế như ông vua tuyệt đối của Thăng trong tập đoàn dầu khí mà Thanh và Thuận đã có những miếng mồi béo bở và khủng tại tất cả các dự án lớn trong tập đoàn dầu khí. Hai học trò này cũng giống y như sư phụ, cũng "nổ", luồn lách, hối lộ với uy lực của đồng tiền mạnh như sóng thần, với các thủ đoạn đâm xỉa, trấn, trị... để leo cao.... dưới sự phù phép của sư phụ. Chỉ chút xíu nữa thôi, nếu tập thể lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh không tỉnh táo và đồng lòng, thì Thanh đã leo lên ghế phó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh và kế ngay đó ủy viên trung ương đảng rồi, thì giấc mộng leo cao như Thăng sẽ thành sự thật (nhưng đó là ác mộng cho đất nước). "Nổ" và "thần thoại", chính Thăng, Thanh, Thuận là đồng tác giả của dự án vĩ đại "tòa nhà dầu khí 102 tầng" (ý nghĩa của nó là "có một, không hai") tại Hà Nội, với giá trị khoảng 1,2 tỷ USD. Ngay khi huênh hoang phát ra công luận thông tin này, nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín tại Việt Nam và Việt kiều là bình luận rằng: đây là một dự án lừa bịp kiểu "dự án thép chục tỷ USD của công ty Eminence tại Thanh Hóa", hoặc là dự án hoang tưởng của những người Việt bị khiếm khuyết về trí tuệ... Thật may mắn cho Thăng, chính phủ đã nhận ra điều này và chỉ đạo tập đoàn dầu khí phải rút ra khỏi dự án này. Đâm lao phải theo lao và gỡ gạc danh dự, bộ ba đồng tác giả này lại trình chính phủ cho tiếp tục dự án với quy mô "thấp" hơn và tổng mức đầu tư nhỏ lại cỡ 600 triệu USD... Nhưng dư luận cho rằng, ngay cả khi teo lại còn cỡ này, cũng vẫn là sự hoang tưởng với tài năng thực của những con người cụ thể như Thanh, Thuận. Nhưng thực ra thiên hạ đâu có biết ý đồ sâu xa của các tác giả, vì nếu được thực hiện dự án này, ngoài khoản khủng phần trăm bỏ vào túi các tác giả, thì tổng công ty xây lắp dầu khí còn che lấp được các lỗ hổng khổng lồ về tài chính (tính chất tương tự lọc dầu Dung Quất), mà nếu để thanh tra nhà nước nhảy vào tổng công ty lúc này thì Thanh, Thuận ngồi bóc lịch là cái chắc, mà để đến nước này thì sự phụ cũng không khỏi lung lay... 

Nói đến đệ tử ruột của Thăng, nhiều quan chức lãnh đạo hiện nay đều biết đến sự nổi tiếng và tài năng của Lê Hồng Tịnh, mặc dù Tịnh chỉ là đệ tử hàng thứ 2 của Thăng. Cũng giống đến tầm 90% tài năng của Thanh, Thuận (như lòn, lách, lèo, lái, hối lộ....), nhưng Tịnh nổi bật hơn nhờ có chất văn hóa gần giống như một trí thức hơn Thanh và Thuận. Có một sự nổi bật của Tịnh là tài đánh hơi trước các hiểm họa và kịp thời luồn nhanh thoát hiểm như lươn của Tịnh. Bằng sức mạnh đô la của Tịnh, Tịnh đã được Thăng kết vào hàng đệ tử ruột (mặc dù sau Thanh, Thuận khá lâu). Ngay cả khi Tịnh đang là trưởng ban, đang quậy nát dự án điện tua bin khí Nhơn Trạch của dầu khí với các vi phạm thô bỉ các nguyên tắc tài chính và hợp đồng kinh tế, thủ tục đấu thầu, cấu kết với các nhà thầu cánh hẩu thổi giá để ăn phần trăm cao (mà nếu để thanh tra nhảy vào thì Tịnh và vài đại ca khác đã tiếp tay cho Tịnh, đi bóc lịch là cái chắc) thì đã được sư phụ phù phép xóa lấp và thổi lên ghế tổng giám đốc tổng công ty điện lực dầu khí. Do tại cương vị mới, Tịnh vẫn không thay đổi được bản chất, "làm" quá lộ liễu, "ăn" quá dầy và liều lĩnh (mặc dù "chia" cũng sòng phẳng), dư luận phản ứng sắp đến cơ bùng nổ, có thể ảnh hưởng tới uy tín của Thăng, thì sự phụ Thăng với tài năng bậc thầy (mang tầm cỡ chính phủ) đã thổi Tịnh lên ghế phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Khoảng 3 năm quậy tại tỉnh Hậu Giang, yếu điểm tử huyệt của Tịnh ngày càng bộc lộ, uy tín ngày càng xuống dốc thì cũng bằng "tài năng" lòn lách kết hợp sự phụ hỗ trợ, Tịnh trúng cử đại biểu quốc hội và được thổi lên ghế ủy viên thường trực ủy ban KHCNMT quốc hội. Nhờ đó, UBND tỉnh Hậu Giang thở phào nhẹ nhõm. Nhưng các chính khách sành sỏi bình luận và cũng chính miệng Tịnh nói ra: Tịnh sẽ không dừng lại ở đây! Gần đây nhất, khi đi thăm một số cơ sở của tập đoàn điện lực, Tịnh khoe là Tịnh sẽ ngồi ghế chủ tịch tập đoàn điện lực, một vị trí tuy lúc này có nhiều khó khăn, nhưng rất ngon ăn (vì Tịnh khoe đã có "núi" để chống lưng) và đầy quyền lực trong khối DNNN, tức là Tịnh sẽ bắt đầu vị trí xuất phát như sư phụ Thăng. Thật đại tài! 

Những sự kiện nêu trên chỉ là vài nét chấm phá về tài năng của BT Thăng và một vài trong những đệ tử ruột của ngài BT. Dân lành không biết thì bị lừa bịp, nhưng những quan chức có quyền có tầm quyết định biết rất rõ nhưng lại dung dưỡng nó, vì có lừa dối mới tham nhũng được, có tham nhũng được mới có những phong bì dầy... hối lộ (lòng tham là cố hửu, biết bao nhiêu cho đủ), hoặc những người có tâm thì thế quá yếu, đành khoanh tay thúc thủ. Chỉ khổ cho dân lành, luôn luôn nuôi hy vọng, rồi lại thất vọng tràn trề. Những kẻ như nêu trên đang tiếp tục leo cao (nhiều chính khách biết rõ, mục tiêu của ĐL Thăng là ủy viên BCT, phó thủ tướng kinh tế, cái ghế của PTTg Hoàng Trung Hải hiện thời; Thanh, Thuận, Tịnh no nê, thừa tiền, đô rồi, bây giờ mục tiêu sẽ vào lãnh đạo ở các Bộ và ghế ủy viên TW đảng...). Những tài năng như của các nhân vật nêu trên đang góp phần làm đất nước kiệt quệ, dân mất lòng tin vào đảng, chính phủ. Dân lành đang mong mỏi các lãnh tụ có đức có tầm có tài thực sự của đất nước: đã nói nhiều rồi, nay hãy dũng cảm mạnh mẽ và sáng suốt thực thi các biên pháp cụ thể để vạch mặt, loại bỏ các sâu mọt đục ruỗng đất nước như các nhân vật và sự kiện (chỉ là ví dụ) nêu trên!

26 thg 3, 2012

Tướng Trung Quốc bàn về niềm tin và đạo đức