pro&contra – Ông Lê Hồng Hà, cựu đại tá công an, năm nay 86 tuổi, là người đã tham dự Khóa I cho người Việt Nam về Chủ nghĩa Marx-Lenin tại Bắc Kinh năm 1949 và ở lại làm trợ giảng cho các khóa II, III đến năm 1952. Năm 1953 về nước phụ trách Trường Công an Trung ương (tiền thân của Học viện An ninh hiện nay). Năm 1958 là Chánh văn phòng Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, là Ủy viên Đảng Đoàn Bộ Công An từ năm 1956. Ông là người đã cùng ông Nguyễn Trung Thành (cựu Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng dưới thời ông Lê Đức Thọ), vào nửa cuối thập niên 1990, đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) phải minh oan cho những nạn nhân trong vụ án có tên “Vụ án chống Đảng theo chủ nghĩa xét lại làm tình báo cho nước ngoài” (tên thường gọi: “Vụ án xét lại chống Đảng”). Không lâu sau ông đã bị khai trừ khỏi Đảng (cùng ông Nguyễn Trung Thành) và bị vào tù một thời gian.
Phạm Hồng Sơn thực hiện
Phạm Hồng Sơn: Thưa ông Lê Hồng Hà, với cương vị là người đã tham gia Cách mạng tháng Tám, Kháng chiến chống Pháp và chứng kiến Kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ Đổi Mới, xin ông cho biết tình hình Việt Nam hiện nay có những vấn đề gì đáng lưu tâm nhất?
Lê Hồng Hà: Tình hình chung hiện nay tôi thấy có ba vấn đề lớn nhất. Thứ nhất là sự đánh giá của ĐCSVN về chính ĐCSVN và về hiện trạng đất nước nói chung là sai lầm. ĐCSVN vẫn cố tô vẽ cho thực trạng hiện nay những điều không có, vẫn tự khoe khoang, huyênh hoang rằng nhờ mình thì đất nước mới có nhiều điều tiến bộ. Ví dụ Đảng luôn cho lịch sử của dân tộc từ khi có Đảng là một bản anh hùng ca. Theo tôi, về công cuộc giải phóng dân tộc thì có thể là anh hùng ca nhưng về việc xây dựng và phát triển đất nước thì từ khi có ĐCSVN đến giờ đó là một quãng lịch sử thất bại. Và giải phóng dân tộc vừa qua cũng không như Đảng nói là nhờ chủ nghĩa Marx-Lenin mà cái chính là do nhân dân đã tiếp thu, tiếp nối được truyền thống yêu nước của dân tộc. Chủ nghĩa Marx-Lenin nếu có chỉ có một phần nhỏ là tập hợp được đoàn kết giữa công nhân và nông dân thôi. Còn thực tế đã cho thấy Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN thì càng phát triển lại càng tụt hậu về nhiều mặt so với các nước trong khu vực. Xây dựng và phát triển đất nước mà lại theo chủ nghĩa Marx-Lenin thì sai hoàn toàn. Chủ nghĩa Marx-Lenin là một học thuyết đấu tranh giai cấp, là một học thuyết phản phát triển.
Thứ hai là tình hình xã hội hiện nay ở mức độ xấu chưa từng có, kể từ năm 1975 đến giờ. Sự xuống cấp của đất nước hầu khắp mọi lĩnh vực từ an ninh, đạo đức, văn hóa, giáo dục, xã hội, hay chính trị. Chính trị nghĩa là uy tín của của ĐCSVN đã xuống thấp chưa từng có, gần như không còn ai tin vào cái Đảng này nữa. Như vậy xã hội hiện nay, theo tôi, đang lâm vào một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện mà nguyên nhân là do đường lối của ĐCSVN về phát triển là sai.
Thứ ba là vấn đề Trung Quốc. Trung Quốc đã và đang ráo riết thực hiện những kế hoạch dữ dội, xâm nhập, ảnh hưởng, chèn ép, bao vây trên mọi lĩnh vực, kinh tế, an ninh, quốc phòng, lãnh thổ, nhằm thực hiện ý đồ cuối cùng là thôn tính Việt Nam. Còn về phía Việt Nam thì nhiều cán bộ lãnh đạo của Việt Nam lại đã và đang bị Trung Quốc mua chuộc và khống chế. Tất cả những điều đó đều là một quá trình liên tục từ Đại hội VI của ĐCSVN đến nay. Thái độ nói chung của lãnh đạo Việt Nam hiện nay về Trung Quốc lại lờ phờ, không rõ ràng. Đó là một vấn đề hết sức nguy hiểm.
Phạm Hồng Sơn: Vậy ĐCSVN còn đóng vai trò gì đối với đất nước hiện nay?
Lê Hồng Hà: Trước đây Đảng đã từng giữ vai trò tiền phong trong xã hội, thúc đẩy tiến bộ cho xã hội ở một số phương diện. Nhưng đến nay Đảng không còn giữ được những vai trò đó nữa vì Đảng vẫn đi theo hệ tư tưởng Marx-Lenin. Còn về đội ngũ của Đảng, đặc biệt là hàng ngũ cầm quyền, đã bị tha hóa, tham nhũng, xoay sở, vô cảm với đất nước, xã hội. Vì vậy Đảng hiện nay chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội thôi.
Phạm Hồng Sơn: Vừa rồi ĐCSVN đã có Hội nghị Trung ương 4 và tiếp theo là một Hội nghị toàn quốc về chỉnh đốn Đảng, ông có kỳ vọng gì?
Lê Hồng Hà: Nói đúng ra thì những Hội nghị được tổ chức rất ghê gớm đó họ đã có những phát hiện cũng có ích chứ không phải là vứt đi nhưng nó không trúng vấn đề chính, không đi vào nguyên nhân gốc. Nhiều cán bộ lâu năm đã có những bộc bạch là nếu cứ ra những nghị quyết kiểu như thế thì sẽ “chẳng giải quyết được cái quái gì cả”. Họ chỉ dựa vào những biểu hiện, rồi tập trung phân tích vào những hư hỏng bên ngoài. Họ chưa nhận ra hoặc không dám nhận ra nguyên nhân gốc của những hư hỏng đó thì làm sao có thể chỉnh đốn được.
Phạm Hồng Sơn: Tại sao họ “không dám nhận ra”?
Lê Hồng Hà: Nếu họ phải thừa nhận sai lầm từ gốc nằm ở cương lĩnh, ở đường lối, ở hệ tư tưởng thì tức là họ phải chấp nhận rằng công tác tuyên huấn là bịp bợm còn công tác lý luận là bế tắc, họ sẽ phải tự cách chức hết, tự nghỉ hết, tức là sự tự “lật đổ”, sự thay đổi hoàn toàn. Mà hiện nay họ vẫn tỏ ra phải giữ quyền lực, địa vị, giữ lợi ích của họ, nghĩa là họ phải giữ những đường lối đó. Không những thế, vừa rồi họ vẫn còn cho rằng ai phê phán đường lối chính trị của họ là sai lầm là đều thuộc lực lượng “chống đối, thù địch”, nghĩa là những gì chúng ta trao đổi từ nãy đến giờ là thuộc lực lượng “thù địch” rồi. Do đó trong tình hình muốn tạo thế chuyển biến cho đất nước Việt Nam thì phải dựa vào dân, chứ dựa vào Đảng, mong muốn đổi mới cái Đảng này cho nó mạnh lên, nó sạch lên thì không có. Trong tình hình hiện nay của đất nước thì cái Đảng này không thể đổi mới được. Chỉ dân mới có thể tạo ra đổi mới. Nếu cái Đảng này có làm được cái gì tiến bộ thì cũng phải dựa vào sức ép của dân. Nhân dân sẽ là người bắt Đảng phải thay đổi.
Phạm Hồng Sơn: Xin ông đánh giá về lực lượng tiến bộ hiện nay?
Lê Hồng Hà: Vì đất nước, xã hội đang lâm vào một cuộc tổng khủng hoảng nên chính điều đó đang tạo ra một đòi hỏi phải thay đổi của bản thân xã hội, của các thành phần trong xã hội. Những vận động, đấu tranh cho tiến bộ đã được nhiều người thực hiện liên tục từ hàng chục năm qua với nhiều bước thăng trầm. Nhưng khoảng 1 đến 2 năm nay phong trào đang lên mạnh với sự xuất hiện của nhiều nhân vật mới, đang trồi lên liên tục và là tổng hợp của rất nhiều cái cụ thể. Nếu lấy mốc thì tôi lấy mốc là Vụ án Cù Huy Hà Vũ, những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và một loạt những kiến nghị tập thể, phải kể đến nhất là Kiến nghị có chữ ký ban đầu của 85 vị ở cả trong Nam và Bắc, rồi Kiến nghị của hơn 20 trí thức, rồi Kiến nghị về Bauxite, rồi cả các Kiến nghị của ông Trần Văn Huỳnh (bố Trần Huỳnh Duy Thức). Nói chung lực lượng tiến bộ đang trồi lên với nhiều hình, nhiều vẻ và với những quan điểm rất khác nhau. Vấn đề hiện nay là vẫn chưa có ai tổng hợp được về những lực lượng đối lập đang nổi lên ở trong nước, gồm những ai, như thế nào. Việc này cần quan tâm để đánh giá cho chính xác, để hiểu rõ họ như thế nào. Ví dụ nhóm Minh Triết của Nguyễn Khắc Mai, rồi Khối 8406, hay những người đang nằm trong hệ thống như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết, Tương Lai, Nguyễn Trung, họ phát biểu còn dè dặt thì đánh giá thế nào, rồi Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, rồi hiện tượng ở Phú Yên hay là Nguyễn Xuân Diện đi thăm Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Quang Vinh đưa tin về Tiên Lãng, Ba Sàm điểm tin hàng ngày, hay Nguyễn Huệ Chi đi thăm Cù Huy Hà Vũ, rồi Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lên tiếng đòi thả Bùi Thị Minh Hằng. Rồi ở ngoài nước, tôi thấy có nhiều phát biểu cũng rất giỏi, nhiều hoạt động rất tích cực. Như vậy hiện nay đang có rất nhiều tiếng nói, hoạt động, rất đa dạng, rất phong phú, rất khác nhau, rất phức tạp, rất ghê gớm. Tôi đang quan tâm nhưng chưa tài nào tổng hợp được.
Phạm Hồng Sơn: Ông tiên liệu gì về phản ứng của ĐCSVN trước những “trồi lên” đó?
Lê Hồng Hà: Họ sẽ đi đến chỗ phải đàn áp. Mà một trong những biểu hiện của nó là Đảng vừa ra 19 điều cấm kỵ đối với đảng viên, nghĩa là nó chuẩn bị đàn áp đấy. 19 điều cấm là tước quyền công dân của đảng viên, vi phạm luật pháp. Nhưng điều đó cũng thể hiện Đảng đang ở tâm trạng bất lực. Một biểu hiện bất lực rõ nữa là tháng trước ông TBT Nguyễn Phú Trọng phải đứng ra mời gặp các cán bộ lão thành trong Nam và ngoài Bắc. Hoạt động đó cách đây khoảng 2-3 năm là một chế độ thường niên, nhưng mỗi lần gặp thì lại bị các cán bộ lão thành phê phán, góp ý kiến rất “lộng óc” nên sau đó Đảng đã bỏ đi, không tổ chức nữa. Nhưng rồi dư luận kêu ca nhiều quá nên vừa rồi lại phải tổ chức lại nhưng lại chỉ dám mời những cán bộ lão thành cao cấp như kinh qua Ban Bí thư, kinh qua Thủ tướng, không dám mời mở rộng và cũng không dám nghe hết các ý kiến. Như vậy là Đảng đang muốn xoa dịu, đang muốn tỏ ra có sự đoàn kết, gắn bó giữa lãnh đạo hiện nay với lớp về hưu, nhưng thực tế cho thấy sự chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng là hiện tượng phổ biến.
Phạm Hồng Sơn: Ông là người đã tiếp thêm tiếng nói mạnh mẽ về việc phải bạch hóa và minh oan cho những nạn nhân trong “Vụ án xét lại chống Đảng” thời những năm cuối 1960 đầu 1970. Theo ông, những tấm gương nạn nhân năm xưa đó có ý nghĩa gì với lịch sử và đặc biệt có ý nghĩa gì trong bối cảnh đất nước hiện nay?
Lê Hồng Hà: Đó là những con người xứng đáng với bản lĩnh anh hùng, xứng đáng là tấm gương cho thế hệ hiện nay noi theo. Xã hội cần phải tiếp tục công việc để đòi ĐCSVN phải tuyên bố sửa sai, đòi minh oan cho những con người lịch sử đó để bảo vệ chân lý, bảo vệ pháp luật và trả lại thanh danh cho những con người anh hùng đó.
Phạm Hồng Sơn: Với tư cách là một người đi trước hay nói theo cách thường thấy là một “lão thành cách mạng”, giả thiết nếu có lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay đến tham vấn, ông sẽ nói gì với họ?
Lê Hồng Hà: Tôi sẽ nói với họ đúng như những gì đã nói ở trên.
Phạm Hồng Sơn: Ông có những lời khuyên cụ thể nào không?
Lê Hồng Hà: ĐCSVN cần phải họp lại với nhau để thôi hệ tư tưởng Marx-Lenin đi. Tôi không kêu gọi thủ tiêu “anh” nhưng “anh” muốn tồn tại thì phải thực hiện đa đảng, dân chủ, để mà tồn tại.
Phạm Hồng Sơn: Trân trọng cảm ơn ông Lê Hồng Hà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét