Giáo dục học đường không khai phóng trí tuệ, không khuyến khích sáng tạo, tinh thần phản biện, thói quen trao đổi thảo luận mà chủ tâm nhồi nhét, phát tán những quan điểm một chiều, thiếu sinh động, xa rời thực tế.- ý kiến của ông Nguyễn Đăng Hưng, GS danh dự thực thụ ĐH Liège, Bỉ.
Tự mãn che lấp bất cập
Tự mãn che lấp bất cập
PV:- Thưa ông, trong các báo cáo thành tích thường niên cũng như từng 5 năm một, bao giờ cũng là điệp khúc "chúng ta đã và đang đạt được những thành tựu mới trong khoa học, giáo dục, hướng tới đẳng cấp quốc tế..." nhưng trên thực tế thì so sánh thứ hạng khoa học, số bằng sáng chế, số tên tuổi những nhà khoa học trong nước được thế giới công nhận, Việt Nam chưa đạt được nhiều thành tựu, ở đa số các lĩnh vực là "dậm chân tại chỗ" hoặc thụt lùi. Đây có phải là "nghịch lý", "nghịch dị" hay là siêu logic thưa ông? Ông giải thích hiện tượng này như thế nào?
GS Nguyễn Đăng Hưng: - Có lẽ từ "siêu logic" gần hơn với câu trả lời. Thật vậy, việc lạc đường trong chính sách giáo dục cũng như nghiên cứu khoa học đã tồn tại trên nửa thế kỷ rồi. Cái điệp khúc tư mãn về thành tựu vốn là bài ca cố hữu dùng để che lấp những bất cập, những thất bại triền miên nay không còn hiệu quả nữa. Thông tin đã trở thành không gian mở và không những bậc trưởng thượng mà người dân thường cũng bắt đầu bị dị ứng.
Phải thay đổi thôi. Nhưng vấn đề là bằng cách nào và với ai thì vẫn còn hoàn toàn bế tắc. Nếu có nghịch lý thì chính là chỗ này. Người ta biết không thể tiếp tục, phải cải cách, nhưng vẫn khư khư ôm lấy cơ chế cũ rích với những nhân sự xơ cứng, với mớ kiến thức hạn hẹp của thời bao cấp giáo điều, thì làm sao có được sự đổi thay.
Cái bắt đầu, những quyết định cơ bản vẫn chưa ló dạng thì làm sao tránh được tình trạng "dậm chân tại chỗ" hoặc thụt lùi. Nghịch lý phát xuất từ lỗi hệ thống. Mà cũng như trong tin học, nếu không cài đặt lại hệ thống mới, thay đổi quyết liệt hệ điều hành gồm nhân sự mới, có thực học, thực tài, có kinh nghiệm ở các nước tiên tiến, có hiểu biết và khả năng loại trừ những bệnh di căn, những khuất tất thường trực thì làm sao có đổi thay tiến bộ. Cũng phải nói khi căn bệnh đã vào xương vào tủy thì thời gian chữa trị phải lâu, thuốc phải mạnh, đủ hàm lượng thì mới mong có kết quả…
Bởi vì thế mà tình trạng tụt hậu ngày càng trầm trọng ra. Bây giờ so với Malaysia, Thái Lan ta đã thua rồi. Sắp đến nếu tiếp tục như hiện nay, chúng ta sẽ thua luôn so với Campuchia, Myanmar…
GS Nguyễn Đăng Hưng |
PV: - Trong khi thứ hạng khoa học không thăng tiến, nghĩa là sự phát triển trí tuệ hay nỗ lực hội nhập khi mở cửa với thế giới là không thu hoạch được gì thì người Việt lại càng ngày càng xa xỉ, kinh tế khó khăn nhưng vẫn chi mạnh tay không kém bất cứ đại gia nào ở các nước phát triển. Đây có phải là mối quan hệ biện chứng trí tuệ giảm thì sự chiều lụy thân xác tăng lên?
GS Nguyễn Đăng Hưng: - Đây cũng là hậu quả của các chính sách vĩ mô của nhà nước hiện hành. Đổi mới về văn hóa học thuật, giáo dục, quản lý khoa học thì đứng nửa vời, đầy nghịch lý trong khi đó thì làm giàu được khuyến khích, hết mực đề cao.
Những trọc phú ít học, nhưng có điều kiện tích lũy của cải vật chất bằng mọi cách, ngay cả việc kinh doanh địa vị, chiếm hữu đất đai, nhà cửa của người thấp cổ bé miệng ngày càng xuất hiện nhiều.
Họ có tiền một cách quá dễ dàng, quá nhanh, chẳng cần tài ba, trí lực, sức lao động, thì việc coi thường giá trị đồng tiền, dùng đồng tiền để che lấp những khiếm khuyết về tri thức, về nhân cách là đương nhiên. Cái này không phải chỉ có ở Việt Nam.
Nhưng tôi thấy tại Việt Nam ở những năm gần đây, tình trạng này phát triển quá sức tưởng tượng với những diện mạo gớm ghiếc, những hành vi vô cùng phản cảm…
Tôi đồng ý với nhận định của nhà báo: Đây chính là mối quan hệ biện chứng khi trí tuệ không được bồi dưỡng thì nhân cách tha hóa, đạo đức suy tàn, sự chiều lụy thân xác tăng lên.
Đạo đức tụt bậc từ ngày giả dối lên ngôi
PV: - Bây giờ, ở đâu cũng có thể bắt gặp, chứng kiến những nghịch cảnh như: một người đi xe Lexus mắng xa xả vào người bán hàng rong vì dám chắn lối xe của ông ta bên lề đường mà chẳng người nào lên tiếng phản đối. Tâm lý trọng giàu khinh nghèo, coi giàu có tiền bạc là thước đo đẳng cấp xã hội đã thay thế hẳn những quy tắc ứng xử như bênh vực kẻ yếu, kiến ngãi bất vi... Nghĩa là, khi các bảng so sánh thứ hạng về trí tuệ trong đó chúng ta tụt bậc thì cùng với nó là những giá trị văn hóa, văn minh, đạo đức cũng tụt bậc theo, quá trình "phi nhân hóa" này được giải thích hay biện minh như thế nào, thưa ông?
PV: - Bây giờ, ở đâu cũng có thể bắt gặp, chứng kiến những nghịch cảnh như: một người đi xe Lexus mắng xa xả vào người bán hàng rong vì dám chắn lối xe của ông ta bên lề đường mà chẳng người nào lên tiếng phản đối. Tâm lý trọng giàu khinh nghèo, coi giàu có tiền bạc là thước đo đẳng cấp xã hội đã thay thế hẳn những quy tắc ứng xử như bênh vực kẻ yếu, kiến ngãi bất vi... Nghĩa là, khi các bảng so sánh thứ hạng về trí tuệ trong đó chúng ta tụt bậc thì cùng với nó là những giá trị văn hóa, văn minh, đạo đức cũng tụt bậc theo, quá trình "phi nhân hóa" này được giải thích hay biện minh như thế nào, thưa ông?
GS Nguyễn Đăng Hưng: - Làm sao giải thích được tình trạng “phi nhân hóa” hay trầm trọng hơn tình trạng “lưu manh hóa” như hiện nay?
Tâm lý trọng giàu khinh nghèo là tâm lý của một xã hội đang phát triến theo chiều hướng lệch lạc. Nó ấu trĩ như một đứa trẻ không may sống nhờ một người lớn có nhiều khiếm khuyết, không được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Tâm lý này là tệ hại nhưng qua thời gian có thể thay đổi qua giáo dục phổ thông bằng những bài học thường thức.
Nhưng khi những hành động côn đồ xảy ra giữa chợ mà không ai phản đối thì là điều rất ư trầm trọng. Điều này có nghĩa là môi trường nhân gian đã bị băng họa, đạo đức của một xã hội lành mạnh đã không còn, xã hội đã bị sa mạc hóa và việc phục hồi là vô cùng gay go, đòi hỏi hằng thập kỷ, hằng thế kỷ mới vực lại được. Tình trạng đó đến từ đâu?
Nó đến từ ngày giả dối lên ngôi, từ ngày con người không còn có tự do chọn lựa nữa, từ ngày con người bắt đầu không phân biệt cái phải cái quấy, từ ngày những giá trị đạo đức đích thực ngàn năm bị hủy hoại…
Giả dối đã lên ngôi và phát triển qua tháng năm đã trở thành bao trùm cả chính đạo, tình người. Khi giả dối lên ngôi thì còn gì là văn hóa văn minh, còn gì khoa học, tri thức? Khi giả dối nhan nhản ở mọi nơi, mọi chỗ mà người chính trực không có cách chi phản biện can thiệp, vạch trần, cáo giác đến nơi đến chốn, thì quy tắc ứng xử dẫn tới sự thụ động, sự im lặng, sự chấp nhận, sự ươn hèn. Đây là hậu quả phải chờ đợi mà thôi…
PV: - Thông thường, chúng ta hay giải thích trí tuệ phát triển chậm là do các điều kiện kinh tế còn khó khăn chi phối, tiếng thét của dạ dày thường to hơn tiếng nói thì thầm của học thức, đạo lý....nhưng ở đây là câu chuyện tiêu tiền lớn cho những món đồ xa xỉ và coi đó là đẳng cấp vị thế trong xã hội. Như vậy, ở cả hai chiều kích đều dẫn đến sự ưu tiên cho chiều lụy thân xác, nô lệ của đồ vật mà không thấy bóng dáng của trí tuệ hay đạo đức ở đâu. Chúng ta phải hiểu điều này như thế nào, thưa ông?
GS Nguyễn Đăng Hưng: - Trừ những vùng cao, vùng xa thu nhập của người dân quá ít ỏi, phần đông tại thành thị hay ở nông thôn phì nhiêu, cuộc sống đã khấm khá và tiếng thét của dạ dày cũng đã bớt chát chúa. Thế nhưng tại sao người ta vẫn cứ“chăm lo đến bộ lông của mình” đến mức át đi tiếng thì thầm của học thức, đạo lý?
Tôi cho đây là hậu quả của một nền giáo dục bị chệch hướng, một môi trường xã hội bị bóp méo.
Giáo dục học đường không khai phóng trí tuệ, không khuyến khích sáng tạo, tinh thần phản biện, thói quen trao đổi thảo luận mà chủ tâm nhồi nhét, phát tán những quan điểm một chiều, thiếu sinh động, xa rời thực tế.
Các kỳ thi trung học đại cúng gần đây đã phát hiện là đại đa số, học sinh chán ngán học sử, không mặn mà với văn nữa. Vì sao vậy, vì đây là những môn được chính trị hóa một cách thô thiển nhất… Và khi trên ghế học đường tuổi trẻ chỉ lo sao chép, học thuộc lòng không tiêu hóa được bài học, không được khuyến khích theo hướng tự do tìm tòi học hỏi, độc lập suy nghĩ, thì thói quen động não bị ngưng trệ, trí tuệ trở thành xơ cứng…
Lớn lên, vào đời, họ sẽ không thích suy nghĩ, họ sẽ không ham đọc sách, không có dịp cập nhập thường xuyên những giá trị chân thiện mỹ, cần thiết cho việc xây dựng nhân cách, củng cố cá tính.
Và những phương tiện thông tin đại chúng cũng đồng loạt hòa nhịp theo cách hành xử khép kín một chiều như vậy.
Trong trình trạng ấy làm sao sinh hoạt tri thức không bị hạn hẹp, đạo đức không bị xói mòn? Phát biểu trước các sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân ngày ông nhận bằng tiến sỹ danh dự ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Đức gốc Việt, ông Philipp Roesler đã thẳng thắn nhắc nhở: “Với những người không chọn cho mình cách suy nghĩ và hành động độc lập, thì sẽ không có kinh doanh, và thiếu nó thì kinh tế cũng sẽ không có tự do xã hội.”
Trong trình trạng ấy làm sao sinh hoạt tri thức không bị hạn hẹp, đạo đức không bị xói mòn? Phát biểu trước các sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân ngày ông nhận bằng tiến sỹ danh dự ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Đức gốc Việt, ông Philipp Roesler đã thẳng thắn nhắc nhở: “Với những người không chọn cho mình cách suy nghĩ và hành động độc lập, thì sẽ không có kinh doanh, và thiếu nó thì kinh tế cũng sẽ không có tự do xã hội.”
Tôi xin nói thêm là những người ấy sẽ vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, sẽ trở thành nô lệ của vật chất thấp kém, sẽ chỉ vâng theo một động cơ duy nhất là tinh thần thực dụng vị kỷ. Ý niệm mọi người vì mình, mình vì mọi người sẽ chỉ là những hoài niệm xa vời của một thời mà lý tưởng dấn thân vì độc lập dân tộc, vì công bằng xã hội được suy tôn lên hàng đầu.
Tôi hiểu tình trạng này như vậy đó.
- Hoàng Hạnh (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét