“Đi tắt đón đầu “bằng một tuyến ĐSCT 1.570 km dài nhất thế giới để “đi thẳng vào hiện đại”, hay “đu dây qua sông là sáng tạo không ngờ của người dân” Pô Cô dù có thành công bao nhiêu chăng nữa cũng không rửa nổi vết nhục tụt hậu và không che nổi trách nhiệm lịch sử của hơn 1.000 Giáo sư Tiến sỹ GTVT trước thực trạng hỗn loạn và thảm họa quốc gia về giao thông nước ta!
“Diễn đàn Hiến kế quốc gia”, sự sáng tạo hay bế tắc của các GS TS bộ GTVT!
Phải thấy rằng “Diễn đàn Hiến kế giao thông” năm 2008 là một nét đẹp văn hóa nhằm thu hút sáng kiến, nhân tài, cho việc giải một bài toán lớn, nan giải mang vận mệnh quốc gia … lần đầu tiên trong lịch sử ở một nước có bề dày văn hiến. Nó đã khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, lòng tự hào dân tộc, kích hoạt trí tuệ thông minh trong các tầng lớp nhân dân, thu hút được cả xã hội quan tâm với hàng vạn công trình nghiên cứu, các đề án, các giải pháp, sáng kiến hướng tới một trật tự của cộng đồng. Tất cả những người hiến kế đều mang dòng máu Lạc Hồng, Tối cao ủy ban Hiến kế quốc gia đã chọn ra được những công trình khoa học, những giải pháp hay để trao giải. Tiêu chí hàng đầu của Bộ trưởng GTVT kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGTQG là “trân trọng từng hiến kế”, song đã qua 3 năm sau tổng kết trao giải thì tình hình giao thông của nước nhà chẳng những không được cải thiện, trái lại càng nghiêm trọng thêm và tiến bộ của khoa học công nghệ về GTVT như đường sắt, hàng không, đường biền, đường bộ càng thi nhau tụt hậu, nhiều hãng, doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần, phá sản và thảm họa quốc gia về tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn chưa có gì sáng sủa!
Cũng tại thời điểm có diễn đàn quốc gia đó, một câu hỏi lớn đặt ra: “1.000 Giáo sư Tiến sỹ Bộ GTVT đang ở đâu, đóng vai trò gì, phải nghiên cứu những gì cho Đất nước khi họ là “Tinh hoa trí tuệ”của giao thông mà toàn dân đang kỳ vọng. Đây lại là “thời cơ và vận hội lớn” cho các GS TS bộ GTVT thực hành “thi đua yêu nước” trổ tài sáng tạo để cống hiến cho Đảng, Nhà nước và phụng sự cho toàn dân.
Thật đáng tiếc các GS TS bộ GTVT đã dành “vinh quang” đó cho nhân dân, cho các chuyên gia nước ngoài hiến kế về giao thông cho VN bằng một siêu dự án tầm quốc tế là ĐSCT dài nhất thế giới để “giảm thiểu TNGT” như Bộ trưởng đã ngợi ca!
Thực ra “hội chứng kỷ lục” như: Cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á, hầm đường bộ xuyên núi dài nhất ĐNA, hầm dìm vượt sông dài nhất ĐNA,… có trở thành “niềm kiêu hãnh tự hào của các GS TS ngành GTVT VN” hay không !? Siêu dự án 1570 km ĐSCT dài nhất thế giới có cứu nổi tình trạng giao thông ngày càng hỗn loạn, tắc nghẽn và đầy chết chóc được không?! Lại có một câu hỏi lớn lập tức được đặt ra: Học Tiến sỹ để làm gì!? Và 1.000 luận án Tiến sỹ của ngành đã làm được gì cho nước nhà, để có một thực trạng giao thông vô cùng tồi tệ như hiện nay?! Câu hỏi đó đang chiếu thẳng hướng trách nhiệm về phía các chuyên gia cao cấp Bộ GTVT!
Khi giao thông đang là “đáy” của khoa học công nghệ tại VN!
Có thể nói Việt Nam đứng hàng đầu ASEAN về “kinh tế trí thức” trong lĩnh vực GTVT với trên 10 trường Đại học lớn như GTVT Hà Nội , TP Hồ Chí Minh , Đại học hàng hải VN, Học viện hàng không VN, Viện nghiên cứu Công nghệ Giao thông, các khoa cầu đường, khoa đường sắt có hầu hết trong các trường đại học Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật… các viện nghiên cứu và tại các cục, vụ, viện, sở của Bộ GTVT với trên 1.000 Giáo sư Tiến sỹ được đào tạo trong nước và nước ngoài. Ngoài ra còn có nhiều GSTS về xây dựng, cơ khí, tự động hóa, thông tin tín hiệu, quản lý kinh tế, kiến trúc quy hoạch liên quan đến giao thông.
Tiềm năng trí tuệ người Việt Nam không thua kém các nước, chỉ số IQ của người Việt Nam là cao trong khu vực Động Nam Á, ra nước ngoài họ không thua kém người bản xứ. Tại các tập đoàn lớn ở Mỹ hay EU đều có trí thức Việt kiều giữ những vị trí quan trọng, nhất là ở thung lũng Silicon, cái nôi công nghệ của thế giới. Đỉnh cao trong khoa học công nghệ là người VN đã đoạt huy chương Fields giải nô-ben toán học thế giới , người VN đã vạch và tính toán được quỹ đạo cho tàu Apolo lên cung trăng và trở về trái đất thành công, lý thuyết và bài toán đó đã được NASA ứng dụng nhiều lần cho tàu Con thoi bay lên và trở về thành công . Từ chỗ quanh năm thiếu thốn lương thực, bằng công nghệ sinh học và chính sách khuyến nông, VN đã vươn lên giành vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo, nhất thế giới về xuất khẩu cà phê, phóng thành công vệ tinh VINASAT để làm chủ không gian, giành nhiều thành tựu trong công nghệ viễn thông, tin học, dầu khí, xây dựng…
Vậy mà tổn thất nặng nề nhất về con người và kinh tế của nước ta ở thời kỳ hiện đại lại ở lĩnh vực giao thông với bình quân mỗi ngày có trên 30 người thiệt mạng. Như vậy đã 10 năm qua tính bình quân tương đương thì ở Việt Nam cứ 7 ngày có một vụ rớt máy bay làm trên 200 người phải chết, cứ 2 tuần có một vụ “thảm họa giẫm đạp” với trên 400 người chết, cứ mỗi tháng có 1.000 tử nạn ngang với một vụ thảm họa thiên tai sóng thần hay động đất lớn trên thế giới…, cứ mỗi năm số người chết và bị thương của chúng ta còn cao hơn chiến tranh nóng như Irăc hay Apganixtan. Tại các kỳ họp của Chính phủ - của Quốc hội… không có phút mặc niệm để tưởng nhớ nạn nhân trong thảm họa song đây là tổn thất lớn, giai dẳng của cả một dân tộc.
Đường sắt quốc gia và Hàng không quốc gia là hai ngành vận tải công cộng chủ lực hiện đại tiên tiến, có tốc độ cao được toàn dân kỳ vọng thì tụt thê thảm. ĐS thua xa thời kỳ nô lệ, thị phần vận tải chỉ còn dưới 6% đang nằm trong thời kỳ phá sản, tốc độ vận hành chậm hơn tàu thuyền trên sông. Đã có người ví von rằng 1.000 Giáo sư Tiến sỹ Bộ GTVT đang ngủ say trên chiếc giường ĐS khổ 1 mét với “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”! Hàng không của một nước đã từng là cường quốc về không quân, đánh bại cả không quân hùng mạnh nhất thế giới, hiện có 48 sân bay trong đó có 9 sân bay quốc tế hiện đại trở thành cường quốc sân bay trong khu vục có tổng diện tích về sân bay lớn hơn Singapore lại tụt hậu thê thảm xếp gần cuối bảng của 10 nước hàng không ASEAN, chất lượng thua xa hàng không Lào, thị phần vận tải thua xa Singapore chỉ có 3 triệu dân có duy nhất 1 sân bay Changgi có diện tích nhỏ hơn Tân Sơn Nhất. Trình độ quản lý kinh tế hàng không yếu kém, bảo thủ đang gây thua lỗ và ùn tắc cả đường hàng không. Còn nhớ trong cuộc hội thảo khoa học toàn quốc “Hiệu quả kinh tế đường bay thẳng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh”, 100 Tiến sỹ Cục HKVN đã “bó tay”, phải đi mua phần mềm của nước ngoài về để tính toán và công bố “chỉ tiết kiệm được 42 km , với 2 phút rưỡi bay” làm cả hội thảo choáng váng. Giáo sư Trần Phương – Chủ tịch Hội khoa học kinh tế VN chủ tọa hội thảo đã bác bỏ kết quả này và Cục phó – TS Lại Xuân Thanh đã phải thừa nhận sai sót và hứa sẽ bay thẳng theo Hiệp định “Bầu trời mở rộng”, song cho đến nay hàng không VN vẫn đang trong thời kỳ bảo thủ theo kiểu “gà què ăn quẩn cối xay” gây nên thua lỗ nặng nề do bay vòng lãng phí trên 25% chi phí sản xuất, Nhà nước có nguy cơ mất trắng 200 triệu USD vốn cổ phần góp tại JPA, và thất thu hoàn toàn thuế tài nguyên không gian, cay đắng hơn Nhà nước đang phải bù lỗ cho hàng không.
Ngành vận tải biển mang gánh nợ thế kỷ “Vinashin”, vận tải đường bộ, đường sông qua tải, hỗn loạn, tắc nghẽn và chồng chất tai nạn. Rõ ràng rằng tiến bộ của khoa học công nghệ GTVT đang ở đáy của xã hội VN. Điều chứng minh là 1.000 Giáo sư Tiến sỹ bộ GTVT đã hoàn toàn “botay.com “và đầu năm 2008 đã khẩn thiết yêu cầu Bộ trưởng lập “diễn đàn hiến kế ” khẩn cầu trước toàn dân!
Hỗn loạn giao thông và “ăn mày trí thức”!
Một thực tế cay đắng là tất cả các Giáo sư Tiến sỹ bộ GTVT đã mất hết sự năng động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học thì còn đâu trí tuệ để lập kế hoạch làm tham mưu cho Đảng và Nhà nước về giao thông và Chiến lược giao thông. Trả lời phòng vấn báo Sài gòn tiếp thị , Tiến sỹ Nguyễn Lương Hải Khôi một chuyên gia nghiên cứu tại Nhật Bản đã nói về hiện thực căy đắng này: “Chúng ta mở cửa từ 1986, nhưng nay đang “cô lập” về trí tuệ. Chúng ta độc lập từ năm 1945, nhưng nay đang “nô lệ” về trí tuệ. Và bởi vì tự chủ trong trí tuệ là cơ sở để tự chủ trong kinh tế, và tự chủ trong kinh tế là nền tảng của độc lập chính trị, cho nên sự “nô lệ” và “cô lập” trong trí tuệ phải được chấm dứt… Trong suốt 10 năm qua, kẻ xây dựng chiến lược giao thông toàn quốc cho Việt Nam là JICA của Nhật, từ Vitranss 1 đến Vitranss 2. Và cũng chính JICA đề xuất cho Việt Nam vay ODA để xây dựng từng tiểu mục trong cái tổng thể chung ấy. Như vậy, họ kiểm soát từ A đến Z: không chỉ vốn vay, tiền lãi, kỹ thuật, thị phần xây dựng, mà cả tri thức, hiểu biết về thực tiễn của chính chúng ta, từ kế hoạch tổng thể chung đến từng dự án cụ thể.
Việt Nam gần như chẳng phải làm gì. Chỉ cần ký vào tờ giấy vay nợ và cầu đường cứ thế mọc lên. JICA đề xuất các dự án là với mục đích cho vay. Vì vậy, tư duy dự án, nhắm đến mục đích “gắp từng món trên mâm”, là kiểu tư duy chủ đạo. Nếu họ có vạch ra cho ta một “hệ thống” thì cái “hệ thống” đó chỉ là bản đồ những dự án mà các công ty Nhật đã sẵn sàng giành hợp đồng xây dựng”.
Thế mới biết các Giáo sư Tiến sỹ bộ GTVT từ lâu đã trở thành “nô lệ”, mất hết tính độc lập sáng tạo để nghiễm nhiên trở thành “ăn mày trí thức”, đang hưởng những đồng lương trong kinh phí “nghiên cứu đề tài khoa học” từ tiền thuế đóng góp của nhân dân, trong đó có nhiều nông dân và các tầng lớp tiểu thương, còn về trách nhiệm khoa học thì trông chờ vào trí tuệ nhân dân hiến kế và chuyên gia nước ngoài nghiên cứu hộ.
Vậy ai sẽ giải bài toán giao thông cho Việt Nam ?!
Xưa, Nguyễn Công Trứ khi còn là một học trò nghèo mà có tấm lòng yêu nước thương nòi, ngổi nắn nót viết 10 điều dâng Vua hiến kế những việc cần làm cho nước non thái bình, muôn dân no ấm!
Nay 1.000 Giáo sư Tiến sỹ Bộ GTVT được nhân dân dành cho ăn học tới nơi tới chốn, được thỏa sức nghiên cứu trong viện nghiên cứu hiện đại lại chấp nhận “botay.com” trước một thực trạng hỗn loạn và thảm họa quốc gia về giao thông được sao? Lại tiếp tục nhờ chuyên gia nước ngoài giải hộ bài toán giao thông được sao?!
Tại sao gỡ rối cho bài toán giao thông VN lại không chịu bắt đầu từ việc phải mở rộng và hiện đại hóa Đường sắt quốc gia, và cải tổ phương thức quản lý và hoạt động của ngành Hàng không quốc gia vì đó là hai ngành giao thông hiện đại chủ lực có tốc độ cao, có thể nhanh chóng làm thăng bằng được “cán cân cung cầu”. Khi ĐS và hàng không giành được trên 60% thị phần vận tải thì coi như chúng ta đã thắng. Cú đột phá chiến lược này nhằm khai thông “động mạch chủ” để làm cơ sở cho khai thông các mao mạch, đó là hệ thống giao thông công cộng tại các đô thị để thay thế dần phương tiện giao thông cá nhân vốn đã ngập tràn các đường phố . Tại sao các Tiến sỹ người VN lại không chịu “Mở rộng và hiện đại ĐS quốc gia”, không chịu xây dựng “ Chiến lược Giao thông VN, Chiến lược Đường sắt Việt Nam, Chiến lược Hàng không Việt Nam…” mà lại trao vận mệnh quốc gia cho người nước ngoài lập “Chiến lược”. Thực tế 10 năm qua JICA cũng đã bó tay hoàn toàn trước bài toán giao thông tại VN!
Trên thế giới các thành phố có 3 triệu dân thường phải có nhiều sân bay, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trên 8 triệu dân cần có tối thiểu hai sân bay ở hai đầu thành phố để tránh được dồn cục, để còn chi viện cho nhau. Vậy mà chúng ta đang để lãng phí sân bay Biên Hòa, sân bay Gia Lâm, sân bay Bạch Mai trên 35 tỷ USD. Chúng ta để xảy ra hỗn loạn, quá tải, ùn tắc hàng không trong khi quá lãng phí hạ tầng giao thông, đó là cả một hệ thống 48 sân bay, lãng phí 3200 km ĐS quốc gia, trong khi lại loay hoay đi thuê nước ngoài làm ĐSCT 56 tỷ USD, làm mới sân bay 20 tỷ USD bằng vốn vay ODA để “làm quà tặng cho con cháu 50 năm sau…”. Đã đến lúc 1.000 Giáo sư Tiến sỹ GTVT cần tỉnh giấc trên “chiếc giường ĐS khổ 1 mét” để rửa cái nhục tụt hậu, để được làm một trí thức chân chính của một nước độc lập có chủ quyền!
“Một dân tộc không sáng tạo sẽ trở thành hủ bại”, đó là tiêu đề lớn của một cuộc tọa đàm trên VNN. Kéo dài thảm họa quốc gia về giao thông sẽ là “đại hủ bại” cho cả một dân tộc và hủy hoại nhiều thế hệ. Xin mượn lời của chuyên gia Nguyễn Lương Hải Khôi để kết thúc cho bài viết đầy đau đớn này: “Muốn có hệ thống giao thông hiện đại, thông suốt, đồng thời giảm đầu tư công và thoát khỏi bẫy nợ nần, Việt Nam cần có một “binh pháp”, giúp chúng ta “chủ động” việc vay đó, đối trị với “binh pháp” ODA của các nước cho vay”.
TĐB
Hội Kinh tế &Vận tải Đường sắt Việt Nam !
Cháu Trần Thị Ánh Tuyết một mình đu dây qua sông để đến trường được Bộ trưởng GTVT ngợi khen là “sáng tạo đến bất ngờ” - Ảnh: Trùng Dương (Thanh niên).
Và “1.000 Giáo sư Tiến sỹ GTVT đang ngủ say trên chiếc giường ĐS khổ 1 mét có từ thời nô lệ ” (Ảnh: Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét