14 thg 1, 2011

Suy nghĩ nhân bài “Khi bộ trưởng giao thông vận tải không biết về đường sắt!” của Tiến sĩ Trần Đình Bá - đăng bởi BVN ngày 12/01/2011


Bình Tâm
imageTrong cuộc sống có biết bao công việc cần phải làm được đặt ra cùng một lúc. Để không sa vào một núi công việc mà cuộc sống cùng lúc yêu cầu, cần phải biết phân loại công việc theo tính chất và vai trò của từng việc, tức theo tầm quan trọng và tính cấp bách của công việc.
Tầm quan trọng của công việc là do vai trò của công việc ấy tạo nên.
- Những công việc lặt vặt, giản đơn, độc lập, nhằm phục vụ cho những mục tiêu đơn lẻ, cá biệt trước mắt được gọi là công việc sự vụ.
- Những công việc có ảnh hưởng và liên quan đến nhiều công việc, nhằm phục vụ từng phần, trong từng thời điểm cho những nhu cầu quan trọng hơn được gọi là công việc chiến thuật, hay còn được gọi là công việc sách lược.
- Những công việc phục vụ cho mục tiêu hay nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất được gọi là những công việc mang tính chiến lược.
Chiến lược nói khái quátnội dung và cách thức hành động nhằm đạt được mục đích chính và quan trọng nhất đã xác định.
Nhiệm vụ chiến lược là những nhiệm vụ chính và quan trọng để thực hiện mục tiêu chiến lược; nhiệm vụ chiến lược có được hoàn thành thì mục tiêu chiến lược mới được thực hiện.
Việc chiến lược quan trọng hơn việc chiến thuật và việc chiến thuật quan trọng hơn việc sự vụ.
Vì vậy, trên nguyên tắc, tính sự vụ phải phục tùng tính sách lược; tính sách lược phải phục tùng tính chiến lược.
Thứ tự ưu tiên phục tùng cũng là để ưu tiên về thời điểm, về thời lượng, về phương tiện và vật chất, cũng như về công sức khi thực hiện công việc.
Một vài ví dụ phản diện:
1/ Thủ tướng Chính phủ là người của những công việc vĩ mô có tầm chiến lược, nhưng lại trực tiếp ký nghị quyết cấm xe ba, bốn bánh gắn máy; đây là việc làm của cấp chiến thuật, cấp thừa hành là Bộ Giao thông Vận tải. Đã hơn 2 năm, nội dung nghị quyết này của Thủ tướng vẫn chưa được thực hiện bởi nhiều lý do, nhưng điều đáng nói ở chỗ, Thủ tướng là cấp chiến lược lại đi làm công việc của cấp chiến thuật; vì không hiểu việc nên đã hỏng việc.
2/ Vì Chính phủ không hiểu việc nên đã phân công sai việc. “Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam” (VFA) là một tổ chức xã hội của các doanh nhân, vì lợi ích của doanh nhân, nhưng lại được giao một số chức năng của cơ quan nhà nước, vì vậy nên họ đã thao túng giá cả và hoạt động xuất nhập khẩu lúa gạo vì lợi ích của chính họ. Đã thế họ lại còn lớn giọng qua câu nói gây sốc đầy hào khí của người đứng đầu hiệp hội này: “Hiệp hội cần tính toán làm sao đưa ra mức giá thầu cho thật hợp lý. Vì khi đi dự thầu, mục đích không phải là nhân cơ hội này đưa ra cái giá thật cao để đạt thầu. Quan trọng là Việt Nam phải tham gia vấn đề an ninh lương thực thế giới (!?)”.
Vì không hiểu việc nên Chính phủ đã giao cho một tổ chức vụ lợi ở cấp chiến thuật có toàn quyền quyết định một việc mang tầm chiến lược là an ninh lương thực quốc gia, và mức sống của 80% dân số Việt Nam. Hiệp hội này sau đó đã đề nghị Chính phủ ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực khi giá gạo thế giới lên đến 1.000 đô la Mỹ/tấn, để rồi khi giá gạo rớt xuống mức thấp nhất mới đề nghị bán ra. Theo các chuyên gia, người nông dân đã mất đứt 400 triệu đô la Mỹ vì sự lỡ nhịp này.
Người ở tầm chiến lược không hiểu việc, người ở tầm chiến thuật không hiểu việc, không biết rồi đây con tàu xã hội với những người cầm lái này sẽ đi đâu về đâu? Nếu các việc làm trên không do sự kém hiểu biết mà lại do lợi ích cục bộ của một số lãnh đạo nhà nước kết cấu với các nhóm lợi ích thì mối nguy hại còn to biết mấy? Nếu sự kiện Quốc hội phân công cho Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch chính quyên cấp tỉnh là người đứng đầu tổ chức phòng & chống tham nhũng ở TW và địa phương là do thiếu hiểu biết về công việc mà phân công sai việc thì đã đáng trách, nhưng nếu đó lại là ý đồ nhằm bảo vệ những phần tử có nhiều khả năng tiềm ẩn để trở thành kẻ tham nhũng thì mối nguy hại này là cực kỳ to lớn, vì Quốc hội đại diện cho dân và là công cụ bảo vệ lợi ích cho dân đã bị thao túng.
Vai trò của công việc – tức tầm quan trọng của công việc do tính bức xúc của chính công việc ấy tạo nên.
Cái bức xúc là cái hết sức cấp bách, đòi hỏi phải sớm được giải quyết. Tính bức xúc của công việc được đánh giá theo hiệu quả, tác dụng mà nó sẽ đem lại cho mục tiêu khi công việc ấy được hoàn thành, hoặc tác hại của nó, nếu công việc không được hoàn thành.
Mức độ bức xúc quyết định tầm quan trọng và vai trò của công việc, vì vậy chính mức độ bức xúc là nhân tố quyết định tính sự vụ, tính sách lược, hay tính chiến lược của công việc.
Xác định tầm quan trọng của công việc – tức vai trò của công việc – là khâu quyết định đầu tiên cho việc tổ chức thành công một công việc, đồng thời còn là tiền đề tất yếu để xác định công việc chủ đạo và tìm ra khâu cơ bản cùng khâu đột phá của công việc cần làm.
(Vì tính chất của chủ đề, khâu cơ bản và khâu đột phá của công việc sẽ được tác giả trình bày ở một dịp khác).
Cái chủ đạo là cái đóng vai trò chủ yếu, vai trò trung tâm có tác dụng chi phối toàn bộ.
Cuộc sống đặt ra biết bao nhu cầu cần giải quyết và biết bao công việc cần phải xử lý hàng ngày và suốt trong cuộc đời. Điều kiện cơ bản quyết định cho sự thành công là phải tìm ra trong hàng loạt nhu cầu đó đâu là nhu cầu chủ đạo.
Nhu cầu chủ đạo là nhu cầu cơ bản nhất, thiết yếu nhất, nếu thiếu nó thì mọi nhu cầu khác sẽ trở nên vô nghĩa, hoặc sẽ không thực hiện được; vì vậy đối với một nhu cầu, một nhiệm vụ, một sự nghiệp, hay một thời kỳ lịch sử thì việc xác định công việc chủ đạo cũng chính là xác định mục tiêu chiến lược cho nhu cầu, cho nhiệm vụ, cho sự nghiệp, hay cho thời kỳ lịch sử ấy vậy.
Công việc chủ đạo phải đáp ứng được hai yêu cầu, khi nó được giải quyết thì một mặt sẽ đạt được mục đích đã đề ra, mặt khác sẽ tạo tiền đề thuận lợi để giải quyết các công việc có liên quan còn lại, tức sẽ giúp hóa giải, hoặc làm giảm bớt sự gay gắt, sự bức xúc của các yếu tố cơ bản còn lại có liên quan đến các công việc, khiến cho mục đích đạt được sẽ trọn vẹn hơn.
Để xác định tính chủ đạo của nhu cầu, cần đặt ra câu hỏi rằng:
- Công việc ấy bức xúc đến đâu, sự bức xúc đó chỉ là bức xúc so với cục bộ hay so với toàn cục?
- Công việc ấy sẽ giải quyết nhu cầu cơ bản của mục tiêu chiến lược đến mức độ nào; chỉ một phần hay toàn cục?
- Công việc ấy sẽ có tác động thuận lợi hay khó khăn cho các nhiệm vụ cơ bản còn lại của mục tiêu chiến lược?
- Tính khả thi, tức điều kiện con người, điều kiện vật chất kỹ thuật và hoàn cảnh, bối cảnh có đảm bảo cho việc thực hiện công việc ấy?
Ví dụ:
1/ Đường sắt cao tốc Bắc – Nam (ĐSCTBN) có phải là nhu cầu chủ đạo, nhu cầu bức xúc nhất của đất nước, của nền kinh tế hiện nay không, hay chỉ là nhu cầu bức xúc của nội bộ ngành giao thông, hay chỉ là nhu cầu bức xúc của một số lãnh đạo trong Chính phủ và trong Bộ Giao thông?
Về cục bộ ngành: Độ bức xúc của ĐSCTBN so với nhu cầu đáp ứng và cải thiện tình trạng giao thông đã thiếu lại đang xuống cấp nghiêm trọng đều khắp trong cả nước, nhất là vùng sâu, vùng xa hiện nay thì bức xúc nào lớn hơn?
Về toàn cục: Độ bức xúc của ĐSCTBN so với nhu cầu của ngành điện, của giáo dục & văn hóa, xã hội và những nhu cầu khác của nền kinh tế quốc dân hiện nay thì bức xúc nào lớn hơn?
Về cá nhân: Giải đáp được các câu hỏi trên là có thể trả lời nhu cầu bức xúc này có phải là riêng của một số lãnh đạo trong Chính phủ và trong Bộ Giao thông hay là của toàn cục?
2/ Nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ Tổ quốc có còn là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam?
ĐSCTBN sẽ phục vụ ai và sẽ phục vụ gì cho chiến lược phát triển kinh tế? Toàn dân gồm mọi thành phần dân cư sẽ sử dụng phương tiện này, hay chỉ là tầng lớp có thu nhập cao trong xã hội? ĐSCTBN sẽ phục vụ cho nhu cầu vận chuyển và giao lưu hàng hóa, hay chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại, thăm viếng và du lịch; trong hai nhu cầu ấy thì nhu cầu nào bức xúc hơn?
Sau khi xây xong ĐSCTBN thì mức vay nợ nước ngoài của Chính phủ sẽ đạt ngưỡng nào, có còn là ngưỡng an toàn không? Phụ thuộc quá lớn về nợ nước ngoài liệu mục tiêu an ninh quốc phòng có còn ở ngưỡng an toàn không?
Như vậy ĐSCTBN phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế và chiến lược bảo vệ Tổ quốc, hay chỉ là sách lược của nhóm lợi ích nào đó thôi?
3/ Sau khi dồn vốn cho ĐSCTBN thì bài toán vốn để phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội còn lại sẽ tính ra sao? Lấy vốn đâu? Hay các lĩnh vực ấy sẽ phải hy sinh cho ĐSCTBN mà chịu sự đình trệ? Sự phát triển của ĐSCTBN sẽ kéo đất nước đi lên hay đưa đất nước lún sâu vào công nợ và phụ thuộc nước ngoài?
4/ Với mức sống bình quân hiện tại và trong tương lai thì số lượng lượt người sử dụng ĐSCTBN là bao nhiêu? Trong bao năm sẽ thu hồi vốn? Thời gian thu hồi vốn có đảm bảo trả nợ nước ngoài và bù đắp hao mòn hữu hình lẫn hao mòn vô hình?
Trình độ và năng lực quản lý của Bộ Giao thông nói riêng và của ngành giao thông nói chung còn kém xa nhu cầu cần phải có hiện nay, thế thì ý muốn cần phải có ĐSCTBN với bất cứ giá nào như hiện nay có phải là một sự “đèo bòng”của con ốc mang chưa nổi cái hiện có của bản thân mình ? Hay đây chỉ là một cách biểu diễn mang tính quảng cáo cho bản thân của ông Bộ trưởng trước kỳ đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng CSVN?
Cuối cùng ai sẽ trả nợ? Tại sao sắp mãn nhiệm kỳ rồi mà Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và nhóm người cùng quan điểm cứ nhất quyết bắt Quốc hội và Chính phủ phải quyết về nhiệm vụ của nhiều thế hệ nhiệm kỳ sau?
Vậy dự án ĐSCTBN có khả thi không?
Câu nghi vấn và kết luận của một chuyên gia am hiểu trong ngành giao thông - Tiến sĩ Trần Đình Bá – (Hội Kinh tế & Vận tải đường sắt Việt Nam) rằng “Bộ trưởng Giao thông Vận tải không biết về đường sắt!” có lẽ là không sai tí nào. Không những thế, ông Bộ trưởng này chỉ là cấp chiến thuật chưa thạo việc, hà cớ gì lại tham lam đèo bòng công việc của cấp chiến lược?
Xin Quốc hội và Chính phủ chớ lặp lại sai lầm nhiều lần trong việc giao chức năng chiến lược cho cấp chiến thuật không thạo việc đảm trách như đã từng mắc phải! Hậu quả sẽ khôn lường!
B.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét