Nguồn: Toquoc
Nền kinh tế tăng trưởng không bền vững, do vẫn còn nhiều “khuyết tật” nhưng không hẳn do kinh tế thị trường đem lại mà đó chính là những “khuyết tật” trong bộ máy quản lý nhà nước.
Tại hội thảo “Tiếp tục cải cách bộ máy Chính phủ” do Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển đã có rất nhiều ý kiến thẳng thắn đề cập đến những bất cập trong cách điều hành nền kinh tế của Chính phủ.
Không hẳn do khuyết tật của thị trường
Thừa nhận đây không phải là lần tiên vấn đề cải cách chính phủ được đề cập mà thực tế đã có rất nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu nhưng theo ông Lê Viết Thái (Trưởng ban pháp chế, CIEM), trong một thời gian dài chuyển từ cơ chế quản lý tập trung sang cơ chế thị trường, mọi người vẫn hay nhắc nhiều đến khuyết tật của nền kinh tế thị trường.
“Nhưng trong quá trình chuyển đổi này, chúng ta chưa hề có kiến thức về nền kinh tế này và hoàn toàn thu nhận kiến thức từ nước ngoài. Vì vậy sau thời gian nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng vấn đề cản trở nhất, bức xúc nhất không phải là những khuyết tật, mặt trái của nền kinh tế thị trường đem lại mà là chính là khuyết tật của nhà nước. Nhà nước đã có quá nhiều dự báo sai lầm, nên hệ lụy của nó là đã đưa ra quá nhiều quyết định sai trong quá trình điểu hành nền kinh tế”, ông Thái nói.
Nhóm nghiên cứu đã đề cập đến sáu yếu tố căn bản để dẫn đến những khiếm khuyết của bộ máy nhà nước trong đó, đầu tiên phải nói đến tính vị kỷ trong tư duy của người lãnh đạo.
Ông Thái cho biết: “bất kỳ ai cũng có lợi ích của riêng mình, một khi lợi ích này lớn hơn lợi ích tập thể thì lập tức lợi ích chung của xã hội bị bỏ quên hoặc bị đánh đổi”.
Bên cạnh đó, tư duy nhiệm kỳ do tính ngắn hạn của các chu kỳ bầu cử; sự tác động của nhóm lợi ích lên nhà nước (lobby) trong điều kiện không minh bạch, không công khai, “mọi quyết định đều kín như bưng”; tính phức tạp của thị trường gây khó khăn cho việc dự báo và kế hoạch; những sai lầm trong quản lý suốt thời gian đổi mới; sử dụng mệnh lệnh hành chính trong quá trình điều hành là những yếu tố tạo nên khuyết tật của bộ máy nhà nước thời gian qua.
Vì vậy theo nhận định của CIEM, giữa các cơ quan của chính phủ luôn diễn ra hiện tượng “đùn đẩy”, hoặc “cắt khúc” trách nhiệm lẫn nhau.
“Khai thác và quản lý khoáng sản là một ví dụ điển hình. Hiện ngành này đang được các Bộ Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên môi trường cùng quản lý. Cuối cùng thì hiện tượng chảy máu các loại tài nguyên khoáng sản trong nước vẫn diễn ra thường xuyên mà các đơn vị chủ quản này vẫn tỏ ra lung túng trong vấn đề quản lý”, ông Thái đưa ra ví dụ
Còn quá nhiều doanh nghiệp nhà nước
Trong bài tham luận của mình, TS Đinh Duy Hòa (Bộ Nội vụ) cho rằng: không thể và không nên quá nhiều doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.
Ông Hòa nói: “Một năm mà có dăm ba vụ như Vinashin thì biết bao cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội phải vào cuộc. Có nhất thiết phải có những ngành, lĩnh vực chỉ có doanh nghiệp nhà nước được độc quyền kinh doanh hay nên chăng có cả doanh nghiệp tư nhân được phép tham gia”.
Đồng tính với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ: “Nhà nước nên tập trung vào các việc rất cần kíp hiện nay như giáo dục, y tế, môi trường khí hậu chứ không nên xa đà vào những việc kinh doanh”.
Cũng theo ông Doanh, công khai minh bach, giúp Chính phủ tiết kiệm hơn, hoạt động hiệu quả hơn và chống được tham nhũng. Những bước điều chỉnh như hạ mức tăng trưởng, cắt giảm chi tiêu ngân sách, nêu gương tiết kiệm…thời gian vừa qua chứng tỏ Chính phủ đã nhìn thẳng vào sự thật.
Tại hội thảo, có một vấn đề được đưa ra đó là chức năng đầu tư kinh doanh của nhà nước liệu có phù hợp với nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay?
Theo ông Thái, khi nói đến doanh nghiệp nhà nước nếu kinh doanh kể cả hiệu quả cũng không phù hợp vì thực tế nhà nước không có tiền, nếu nhà nước đầu tư thì tiền đó là tiền thuế của dân đặ được sử dụng vào một rủi ro nào đó.
“Đã là rủi ro thì không phải lúc nào cũng có lãi, nếu bỏ tiền để đầu tư các doanh nghiệp nhà nước vì mục tiêu kinh doanh thì không hợp với cơ chế thị trường nếu có thì nên để phục vụ các mục tiêu khác”, ông Thái nói.
Ông Thái cũng cho rằng: “Lạm phát đang là vấn đề nóng hổi, các biện pháp đã được đưa ra về mặt lý thuyết đều đúng. Song để có thể có biện pháp tác động lâu dài chính là chất lượng tăng trưởng thì phải tái cơ cấu lại nền kinh tế, không những năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế cao hơn mà tỷ lệ các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cũng ngày càng cao. Liệu nhà nước có cần thiết tự bỏ tiền ra để hình thành tập đoàn trong nền kinh tế hay không hay thay vì thành lập các “nắm đấm thép” đó nên hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân, khối thị trường họ sẽ năng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, năng cao chất lượng tăng trưởng”.
Thành Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét