17 thg 12, 2010

Cơ chế nào sửa sai lỗi hệ thống?

Cơ chế nào sửa sai lỗi hệ thống?

Nguyễn Chinh Tâm

Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

imageNhiều ý kiến cho rằng tham nhũng ở nước ta đã trở thành quốc nạn. Không phải chỉ một, hai cá nhân hay một vài đơn vị tha hóa mà căn bệnh đang lan rộng khắp guồng máy. Thừa nhận hay đến lúc bắt buộc phải thừa nhận: tham nhũng xuất phát từ cơ chế mà trong đó mỗi sai phạm của cá nhân chỉ đóng vai trò hệ quả. Cái nhân của nó nằm tận bên trong, vì bộ máy đang tồn tại những khuyết điểm mang tính hệ thống.
Nếu lấy cách lập luận ở chế kỷ XXI đánh giá một bộ máy hoạt động không hiệu quả, người ta thường quy về hai điểm chính: lỗi tại phần cứng hay tại phần mềm. Phần cứng ở đây được hiểu như các thiết chế, cơ cấu hình thành nên cơ chế. Phần mềm tương đồng với hệ thống tư tưởng, giá trị, văn hóa, tâm lý xã hội kèm theo các bản tính của dân tộc. Hai bộ phận này tuy tách rời, nhưng nhìn chung luôn tồn tại một mối tương quan khăng khít. Bộ máy chỉ chạy tốt khi cả phần cứng và phần mềm đều cùng hoạt động.

Lâu nay, tư duy chúng ta chỉ nằm ở phần mềm của bộ máy. Khi báo chí phanh phui nghi án, người dân tố giác tham nhũng thì giải thích đưa ra phần lớn chỉ tập trung vào đạo đức và tính cách của đối tượng, chẳng hạn do kinh tế thị trường làm cán bộ tha hóa, hoặc đó là số ít người bị mất phẩm chất, đạo đức... Nhưng lý giải này phần nào làm che mắt phần chìm của tảng băng. Nếu chỉ dừng ở đó thì hàng loạt câu hỏi sẽ mãi không có câu trả lời thỏa đáng: Tại sao ngày càng nhiều cán bộ bị tha hóa, mất phẩm chất. Tại sao nhiều người trước đây là dân tốt, Đảng viên gương mẫu, nhưng khi lên chức vụ càng cao thì cao thì tính xấu càng tăng, tính tốt giảm đi?
Đưa lỗi phần cứng ra mổ xẻ sẽ giúp vấn đề được nhìn rõ ràng hơn. Đó là cơ chế ở nước ta chưa có bộ máy giám sát có hiệu quả, tính minh bạch còn hạn chế do công việc còn bị chia nhỏ qua nhiều cửa, bộ máy hành chính quan liêu cồng kềnh, dẫn đến khoảng cách vô hình giữa người dân với chính quyền càng xa, hệ chống tiền lương nhiều bất cập “buộc" công chức phải tham nhũng để đủ sống...
Sửa chữa phần cứng của một máy tính, người thợ nhiều khi phải dũng cảm thay thế những gì không còn tác dụng nữa và lắp vào một cụm mới. Tuy vậy, phần cứng của một hệ thống chính trị là bài toán phức tạp hơn gấp trăm ngàn lần, giống như trong một cơ thể có khối u. Người ta không dám mạnh tay cắt đi khối u mà bắt buộc phải sống chung với nó. Giả sử thực tế đòi hỏi phải như vây, để tiếp tục phát triển, chúng ta cần một phương thuốc đặc trị làm sao cho khối u từ từ nhỏ đi hoặc ít nhất cũng kiềm chế, không cho nó phát tán.
Nếu đã xác định đây là lỗi hệ thống thì tầm nhìn và phương thức giải quyết cũng phải nâng lên thành hệ thống. Cơ chế mà chúng ta đang hoàn thiện sống chung và dần dần đè bẹp khối u tham nhũng phải có khả năng thực hiện bốn biện pháp sau đây:

1. Công khai về quyền lợi và nghĩa vụ của người nắm quyền. Như lời của triết gia người Pháp Montesquieu hồi thế kỷ XVII: 

Bất cứ ai có quyền đều có xu hướng lạm quyền, họ cứ sử dụng quyền đến khi nào gặp phải giới hạn”. Nền pháp trị ra đời và trưởng thành dưới ánh sáng của sự nhận thức ấy. Mục đích của nhà cầm quyền là thu phục được niềm tin và tìm sự đồng thuận của nhân dân. Trong xã hội hiện đại, niềm tin được đánh giá như một loại tài sản cộng đồng. Ta chỉ có thể đặt niềm tin tương đối vào ai đó khi hai bên có thể kiểm tra và trừng phạt lẫn nhau.Vì thế, niềm tin vào chính quyền được đo bằng bộ khung luật pháp. Luật càng công khai, rõ ràng niềm tin người dân vào chỉnh thế lãnh đạo càng vũng chắc, càng cao.

2. Luật hóa cách sử dụng ngân sách và chỉ tiêu minh bạch.

Phát biểu với giới báo chí, nhiều cán bộ cao cấp trong bộ máy đã thừa nhận tính phân tầng dày đặc của bộ máy hành chính làm cho các quyết định của bộ máy hành chính làm cho các quyết định về tài chính không minh bạch. Vụ PMU 18 là một trong nhiều thí dụ điển hình về cách quản lý thu chi phần lớn còn mang nhiều thuộc tính thời bao cấp. Luật hóa cách sử dụng ngân sách đồng nghĩa với việc làm rõ trách nhiệm cá nhân. Ai duyệt hay chi tiêu tiên từ ngân sách Nhà nước phải tự chịu trách nhiệm và thực hiện minh bạch ở các cấp, mà nơi để tiện việc kiểm tra, quản lý.

3. Tạo đối trọng bằng cách đảm bảo tính độc lập của các cơ quan làm công tác phản biện và kiểm tra.

Tinh hoa của Hiến pháp nước Mỹ thể hiện trong cơ chế check and balances (kiểm soát và cân bằng) đã cho thấy: guồng máy Nhà nước muốn hoạt động tốt phải luôn tồn tại trong tư thế đối trọng giữa các quyền lực. Động thái giám sát và điều chỉnh giúp cho các chính sách đưa ra không nghiêng hẳn về lợi ích một bên nào. Cơ chế chính trị của chúng ta dù là chế độ Đảng cầm quyền cũng rất can có sự cân bằng quền lực về một phương diện nào đó, có thể kể ra: Tăng cường khả năng lập pháp và giám sát của Quốc hội; tạo thêm nhiều điều kiện thực hiện phản biện xã hội mà Mặt trận Tổ quốc là cơ quan nòng cốt; cơ quan kiểm tra xử lý phải độc lập với bộ máy thi hành (thí dụ: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ và tới đây là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng).

4. Cải cách chế độ tiền lương.

Mục tiêu của chính sách tâng lương là làm sao cho công chức đạt mức lương trung bình tương đương với các ngành khác trong xã hội. Một câu hỏi được đặt ra là liệu ngân sách Nhà nước có vị thế mà lâm vào tình cảnh thâm hụt? Một vấn đề khác cũng đang được dư luận quan tâm là phải chăng bộ máy quản lý chính quyền đã phình quá to so với mức độ phát triển kinh tế. Có ý kiến cho rằng nên giảm lượng công chức đang có để cải cách chế độ tiền lương và chống tham nhũng. Đây cũng là một đề xuất hay, nên được đưa ra bàn luận một cách kỹ càng. 

Sức mạnh của một đất nước dựa phần nhiều vào thể chế điều hành. Chúng ta không thể tiến lên phía trước với một hành trang cồng kềnh và không còn hữu dụng. Phải dám dũng cảm bỏ lại cái thô, sửa chữa sai lầm khuyết điểm, xây dựng một cơ chế tinh, gọn, nhẹ, nhưng chuyên nghiệp và hiệu quả. Phải chăng đó là một động lực mới thúc đẩy đất nước tiếp bước trên con đường thiên lý, sớm hội nhập thành công vào thế giới trong thập niên này?
N. C. T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét