7 thg 12, 2010

Vì sao Mars, Engels không dùng từ xã hội chủ nghĩa?

Tại sao lại phải vậy nhĩ

Làm một điều trái ngược với những quy tắc thông thường, trái ngược logic. Tại sao người ta lại cố đấm ăn xôi như vậy?

Câu hỏi đã có câu trả lời nhưng không bao giờ được trả lời thỏa đáng



Vì sao Mars, Engels không dùng từ xã hội chủ nghĩa?

 Tống Văn Công
"Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta". Ý này trong Dự thảo văn kiện Đại hội 11 đã không được sự đồng thuận xã hội. Nhiều đảng viên cộng sản cũng tỏ ý không tán thành. Giáo sư, tiến sĩ Dương Phú Hiệp góp ý: Cương lĩnh chỉ nên nêu ra những việc phải thực hiện trong 20 năm. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chưa biết bao lâu mới tới, có thể cả 100 năm. Chủ nghĩa xã hội "bao gồm thực hiện chuyên chính vô sản, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiến hành đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa 2 con đường chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản để giải quyết vấn đề "ai thắng ai" đều là những nội dung mà hiện nay Đảng không dùng nữa, không còn nói nữa. Khi những nội dung cơ bản đó chúng ta không dùng thì tại sao vẫn dùng khái niệm thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vì nhân dân đã khốn khổ về những nội dung nói trên". Theo ông Dương Phú Hiệp, nên bỏ cụm từ “xã hội chủ nghĩa” mà nhân dân đã vì nó mà khốn khổ và chỉ nên gọi là Cương lĩnh phát triển đất nước thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu.
Hóa ra vấn đề "đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng..." nếu không nói là không tưởng thì cũng vô cùng duy ý chí, vì nêu ra mà không biết bao giờ mới tới, vậy mà lại gây chia rẽ gay gắt trong Đảng và trong dân tộc.
Nếu "Đi lên chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa là khát vọng của dân tộc" thì tại sao từ 1940 đến 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ nêu ra để vận động nhân dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945? Cương lĩnh Mặt trận Việt Minh không hứa hẹn đáp ứng "khát vọng" đó? Mười lăm năm sau, Cương lĩnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng không hứa hẹn đáp ứng "khát vọng" đó?
Dân tộc ta không có một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng như dân tộc Pháp với Charles Fourier, như dân tộc Anh với A. Robert Owen. Ngay người Trung Hoa láng giềng nếu muốn nói về khát vọng xã hội chủ nghĩa không tưởng thì họ còn có tập sách Ghi chép ở suối Hoa Đào của Đào Tiềm miêu tả cuộc sống bình đẳng hạnh phúc do ông ấy tưởng tượng ra. Việt Nam ta chỉ có chuyện tình lãng mạn Từ Thức gặp tiên, nhưng cuối cùng Từ Thức nhớ trần gian quá phải bỏ tiên trở về trần!
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc: "Mong ước cuối cùng của tôi là thực hiện được một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Như vậy là Cụ Hồ chỉ coi xã hội chủ nghĩa chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh, trong trái tim Cụ Hồ chỉ có độc lập, dân chủ.
Nhân đây xin kể chuyện vì sao Marx và Engels đã không dùng từ xã hội chủ nghĩa để đặt tên Cương lĩnh của phong trào công nhân (tức là bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản). Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Anh xuất bản năm 1888 ở Luân Đôn, Engels viết: "Chúng tôi không thể gọi nó là Tuyên ngôn xã hội chủ nghĩa được. Năm 1847, người ta thường dùng từ xã hội chủ nghĩa, một mặt để gọi những người theo các hệ thống không tưởng như phái A.R. Owen ở Anh, phái Ch. Fourier ở Pháp, là những phái hiện chỉ còn đang sống ngoắc ngoải. Mặt khác, người ta dùng để gọi những tên lang băm xã hội đủ các cỡ, chúng hứa sẽ không làm hại gì đến nhà tư bản và lợi nhuận của họ, mà vẫn chữa khỏi mọi tệ nạn xã hội bằng đủ mọi biện pháp vá víu". Năm 1890, trong một bài viết khác, Engels lặp lại gần như nguyên văn đoạn vừa kể trên và nói thêm: "Trong cả hai trường hợp, họ đều là những kẻ sống ngoài phong trào công nhân và thật ra họ chỉ đi tìm chỗ dựa ở phía các giai cấp "có văn hóa"”, và "Năm 1847, chủ nghĩa xã hội có nghĩa là một phong trào tư sản, còn chủ nghĩa cộng sản là một phong trào công nhân. Chủ nghĩa xã hội đã "ra mắt thiên hạ" rồi, ít ra là ở trên lục địa, còn chủ nghĩa cộng sản thì trái hẳn lại".
Vì sao hai ông lấy từ cộng sản để đặt tên cho Tuyên ngôn đảng cộng sản? Engels cho biết, "có một bộ phận công nhân tự mệnh danh là những người cộng sản". Ông cho rằng "Đó là một chủ nghĩa cộng sản mới phát họa ra, hoàn toàn bản năng, đôi khi còn thô kệch, nhưng nó cho thấy được cái căn bản và tỏ ra mạnh mẽ...".
Như vậy năm 1848, Marx và Engels không dùng từ chủ nghĩa xã hội để đặt tên cho Tuyên ngôn là vì nó hàm chứa nội dung không thích hợp, không được số đông công nhân lao động tin theo. Từ cộng sản chỉ do một bộ phận tự xưng, chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng không có tì vết hoen ố. Ngày nay, từ chủ nghĩa xã hội và cả từ cộng sản đều hàm chứa nội dung không thích hợp, cả hai từ này đều đã bị hoen ố nhiều lần: Cả nhân dân Liên Xô và nhân dân các nước Đông Âu vùng lên xóa bỏ nó. Ở nước ta, đúng như ông Dương Phú Hiệp nhận định, chủ nghĩa xã hội gợi lên những cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, trong vụ Nhân văn, Giai phẩm, những vụ án xử tù Vua lốp ngoài Bắc, bà Tuyết Minh trong Nam. Nó khiến cho hằng triệu người Việt vượt biển rời bỏ Tổ Quốc! Có những người chủ trương tìm cho chủ nghĩa xã hội một nội dung mới để cố duy trì nó, nhưng hằng chục năm vẫn chưa thể tìm ra! Tuy nhiên, mỗi từ ngữ khi ra đời đều mang khái niệm mà nó đã hàm chứa nội dung miêu tả cuộc sống của thời ấy, không thể hồi sinh nó bằng cách đánh tráo một khái niệm khác!
Nội dung lớn của Tuyên ngôn cộng sản do hai bộ óc vĩ đại viết cũng không phải có thể thích hợp với mọi thời đại. Ngay từ năm 1872, trong Lời nói đầu cho bản Tuyên ngôn tiếng Đức, Marx và Engels đã viết "Chính ngay Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đó không nên quá câu nệ những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối Chương II. Đoạn này, nếu ngày nay viết lại thì về nhiều mặt cũng phải viết lại khác đi. Vì đại công nghiệp đã có những tiến bộ hết sức lớn trong hai mươi lăm năm qua và giai cấp công nhân cũng đạt được những tiến bộ song song...". Ở Chương IV, hai ông cũng cho rằng "trong chi tiết, những nhận định ấy đã cũ rồi, vì tình hình chính trị đã hoàn toàn thay đổi".
Năm 1890, kể lại chuyện chuẩn bị cho việc thành lập Hội Liên hiệp Lao động quốc tế, Engels viết: "Hội có mục đích đoàn kết toàn thể giai cấp công nhân có tinh thần chiến đấu ở Âu châu và Mỹ châu thành một đạo quân to lớn duy nhất. Cho nên Hội không thể xuất phát trực tiếp từ những nguyên lý trong bản Tuyên ngôn cộng sản được. (Bởi vì) Hội cần phải có một Cương lĩnh không đóng cửa đối với những Hội Công liên ở Anh, đối với phái Pierre Joseph Proudhon ở Pháp, Bỉ, Ý và Tây Ban Nha và đối với cả phái F. Lassalle ở Đức nữa. Cương lĩnh ấy – tức là lời nói đầu trong Điều lệ của Quốc tế – là do Marx thảo ra với một biệt tài mà ngay cả Bacunin và những người vô chính phủ cũng phải khâm phục".
Qua những câu chuyện kể trên, chúng ta thấy Marx và Engels coi trọng thực tiễn và lòng người biết chừng nào trong việc soạn thảo các bản Tuyên ngôn và Cương lĩnh. Dù vậy, các ông vẫn cho rằng mỗi bước tiến của thực tế còn hơn một tá Cương lĩnh. Ngày nay, chúng ta những kẻ hậu sinh hơn 150 năm, sao vẫn muốn nhìn thế giới vừa mới xảy ra Cách mạng năm 1917?!
Nhiều văn kiện của Đảng đều nhắc rằng phải Đổi mới toàn diện và Đổi mới chính trị phải theo kịp Đổi mới kinh tế. Tuy nhiên cho đến nay hệ thống chính trị hầu như không có gì khác trước đổi mới! Đó chính là nguyên nhân đẻ ra đủ thứ tệ nạn làm suy yếu nhà nước và mất uy tín của Đảng. Xin nhắc lại một ý kiến của Engels viết ngày 28-6-1883 cho Lời tựa bản Tuyên ngôn in bằng tiếng Đức, khi Marx vừa mất mấy tháng: "Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn là: Trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra – cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy".
Ý kiến đó giúp chúng ta nhận thức rằng, nền kinh tế thị trường lớn mạnh đang từng ngày phá bung chiếc áo "cơ cấu xã hội" đã cũ nát!
Ngày 5 -12 - 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét