30 thg 12, 2010

Người lao động cần cù mà vẫn nghèo - lỗi tại các doanh nghiệp nhà nước độc quyền

Người lao động cần cù mà vẫn nghèo - lỗi tại các doanh nghiệp nhà nước độc quyền
Vương Tắc Kha*

Những năm gần đây giới trí thức Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về hiểm họa nghiêm trọng của sự phát triển chủ nghĩa tư bản thân quen ở nước này: một số ít người lợi dụng quan hệ thân quen với chính quyền để độc quyền thao túng nền kinh tế, làm thiệt hại quyền lợi của đa số nhân dân; các doanh nghiệp nhà nước độc quyền là công cụ để thực hiện sự thao túng đó. Dưới đây là bài viết của nhà kinh tế nổi tiếng Vương Tắc Kha đăng trên “Đông phương Tảo báo” Trung Quốc số ra ngày 28/10/2010.
Là một nhà kinh tế học, tôi đặc biệt tán thưởng câu nói của Giáo sư Trương Duy Nghênh “Bảo vệ kinh tế thị trường là trách nhiệm cơ bản của các nhà kinh tế” .
 Vương Tắc Kha

Giáo sư (GS) Trương Duy Nghênh [1] là người kiên định bảo vệ kinh tế thị trường. Cá nhân ông đã thực sự có những cống hiến cho công cuộc cải cách thể chế kinh tế định hướng thị trường của Trung Quốc. Tác phẩm mới của GS “Lô-gic của thị trường” tập hợp 16 bài viết của ông từng đăng trên báo chí Trung Quốc và nước ngoài trong một phần tư thế kỷ qua. Theo tôi nghĩ, tư tưởng trung tâm của cuốn sách này chính là câu nói của ông: Bảo vệ kinh tế thị trường.

Tư Mã Thiên và Adam Smith

Ngay từ đầu GS Trương đã nêu rõ: “Kinh tế thị trường là sáng tạo vĩ đại nhất của loài người, là Luật chơi tốt nhất trong các tiến bộ của loài người!” “Lô-gic cơ bản của kinh tế thị trường là: Nếu ai muốn được hạnh phúc thì người ấy trước hết phải làm cho người khác được hạnh phúc.”

Cơ chế của kinh tế thị trường hiện đại là để “đồng tiền-phiếu bầu” [2] lên tiếng, giỏi thắng kém thua, nâng cao mức độ phúc lợi toàn xã hội.

Nếu bạn muốn giành được nhiều đồng tiền-phiếu bầu thì bạn phải cung cấp cho thị trường các mặt hàng được người ta thích mua, kể cả các mặt hàng có tính dịch vụ như cắt tóc, du lịch. Trước tiên người ta bằng lòng bỏ tiền mua hàng của bạn, dưới tiền đề món hàng ấy đem lại cái tốt cho người ta, tốt hơn so với việc người ta giữ lại trong túi mình số tiền họ cần trả cho việc mua món hàng ấy của bạn. Thứ hai, người ta bằng lòng bỏ tiền mua hàng của bạn chứ không mua hàng của người khác, nguyên nhân là bỏ ra cùng một số tiền như nhau, hàng của bạn đem lại nhiều cái tốt hơn so với hàng của người khác.

So sánh cái tốt tức là so sánh giá trị. Bởi vậy, GS Trương Duy Nghênh nói: “Bản chất của cạnh tranh thị trường là sự cạnh tranh giá trị tạo ra cho người khác.

Đó chính là ý tưởng “Bàn tay vô hình” mà Adam Smith [3], ông tổ kinh tế học hiện đại khái quát lại trong danh tác Nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân sự giàu có của các dân tộc.

Theo giải thích của GS Trương, Adam Smith nói “Trong nền kinh tế thị trường, mỗi người đều theo đuổi lợi ích của mình – ở đây là lợi ích theo nghĩa rộng, kể cả mưu cầu tài sản, cũng có thể mưu cầu thanh danh cho mình – nhưng có một bàn tay vô hình làm cho bạn, trong khi theo đuổi lợi ích của mình thì lại tạo ra một giá trị cho người khác, cái giá trị ấy lớn hơn giá trị mà ý định chủ quan của bạn muốn đóng góp cho xã hội.” GS Trương cho rằng đây chính là điều kỳ diệu của kinh tế thị trường.

GS Trương Duy Nghênh nói một cách quy nạp: “Thị trường là gì? Thị trường là chế độ trong đó xấu hay tốt là do người khác đánh giá chứ không phải do bạn tự đánh giá. Trên thị trường, bất cứ ai không tạo ra giá trị cho người khác thì sẽ không thể có thu nhập. Cho nên bạn phải cố gắng tạo ra giá trị cho người khác.” “Cái nào có giá trị, cái nào không có giá trị, điều đó phải được thử nghiệm trên thị trường, phải do người mua đánh giá.

Những kẻ phản đối kinh tế thị trường không những hạ thấp ý tưởng “Bàn tay vô hình” của Adam Smith là “chủ nghĩa độc tôn thị trường” mà còn, trên độ cao ý thức hệ, quy nó vào ảnh hưởng của kinh tế học dung tục của giai cấp tư sản phương Tây – nghe thật là sởn tóc gáy.

Thực ra, trong cuốn Sử Ký của mình, Tư Mã Thiên, nhà văn và nhà tư tưởng nổi tiếng Trung Quốc thời Tây Hán đã thể hiện rõ ràng ý tưởng sau này Adam Smith khái quát lại thành “bàn tay vô hình”.

Trong Sử Ký, Tư Mã Thiên đã viết một đoạn văn ngắn, đại ý có nghĩa là: Nhờ vào sự trồng trọt của nông dân mà người ta có cái ăn, nhờ thợ sơn tràng mà người ta có gỗ ván để làm đồ đạc, nhờ thợ thủ công làm ra đồ dùng mà người ta được thỏa mãn nhu cầu; nhờ các nhà buôn chở và bán mọi thứ vật dụng đó mà người ta có dịp chọn mua. Lẽ nào lại còn phải cần tới nhà nước ra lệnh dạy bảo dân chúng định kỳ họp chợ để thực hiện những việc nói trên hay sao? Mọi người ai nấy làm việc theo khả năng của mình, gắng sức mình làm, qua đó thỏa mãn nhu cầu của mình. Bởi thế, khi vật giá rẻ thì họ tìm cách mua hàng, khi vật giá đắt họ tìm cách bán hàng. Ai nấy cần cù, vui vẻ làm nghề của mình, ví như nước chảy chỗ trũng, ngày đêm chảy mãi không thôi, chẳng cần ai kêu gọi họ cũng làm, chẳng cần ai tuyển mộ thì dân chúng cũng tự sản xuất ra mọi thứ. Điều ấy hợp quy luật và tự nhiên được chứng minh là đúng.

Đoạn văn nói trên của Tư Mã Thiên thể hiện ý tương hầu như hoàn toàn ăn nhập với cách trình bày “Bàn tay vô hình” nổi tiếng của Adam Smith, ông tổ của kinh tế học hiện đại. Nhưng Tư Mã Thiên của Trung Quốc có trước Adam Smith của Anh Quốc hơn 1800 năm!

Đáng tiếc là từ khi “Bãi truất Bách gia, độc tôn Nho thuật” [4] trở đi, chủ trương dùng đạo đức thay cho pháp trị trong việc cai trị quốc gia đã trở thành giấc mộng của giai cấp đại sĩ phu Trung Quốc. Đây là căn nguyên của bao nhiêu vấn đề tồn tại trong xã hội phong kiến, cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho Trung Quốc từ sau đời Đường Tống trở nên lạc hậu. Trên ý nghĩa đó, chúng ta cần “trở lại Tư Mã Thiên”, tôn thờ kinh tế thị trường.

Thị trường bị biến dạng cho nên không hoàn mỹ


GS Trương Duy Nghênh chỉ rõ: “Dĩ nhiên, trong thực tế, thị trường bao giờ cũng không hoàn mỹ mà luôn tồn tại vấn đề này vấn đề nọ. Nguyên nhân chính là ở chỗ môi trường pháp lý mà thị trường dựa vào đó để vận hành thường là không hoàn thiện, hiểu biết của con người có giới hạn, thị trường sẽ chịu sự can nhiễu của các lực lượng chống thị trường, nhất là sự can nhiễu từ các nhóm lợi ích và từ chính quyền.”

Nhân tố “môi trường pháp lý mà thị trường dựa vào đó để vận hành thường là không hoàn thiện” có ảnh hưởng rất rõ ràng đối sự vận hành của kinh tế thị trường. Thí dụ, nếu hiện tượng cân thiếu, hàng sai chủng loại mà không bị trừng phạt thì giao dịch thị trường sẽ không thể bảo đảm tạo ra giá trị cho đối phương. “Môi trường pháp lý thường xuyên không hoàn thiện” còn bao gồm mua tranh bán cướp, vơ vét hàng hóa... đều là hậu quả của sự phá hoại điều kiện tiền đề: giao dịch thị trường phải đem lại lợi ích cho cả hai bên giao dịch.

Chính quyền quấy nhiễu thị trường là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất. Trên thực tế, sự can nhiễu của “môi trường pháp lý không hoàn thiện” và của các nhóm lợi ích đều có thể bao hàm trong sự can nhiễu của chính quyền, bởi lẽ “môi trường pháp lý không hoàn thiện” chính là kết quả công việc của chính quyền; nếu chính quyền hoàn thiện được môi trường pháp lý kinh tế thị trường thì các nhóm lợi ích không thể quấy nhiễu được.

Sau khi khẳng định “Không có chính quyền thì kinh tế không thể phát triển; bản thân chính quyền là một nhu cầu của thị trường”, GS Trương chỉ rõ “Nhưng vấn đề là ở chỗ biện pháp mà chính quyền kiếm được thu nhập thì khác với biện pháp của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không tạo ra giá trị thì không thể có thu nhập, còn chính quyền thì dù không tạo ra giá trị nhưng vẫn có thu nhập qua biện pháp thu thuế.”

Đây là mấu chốt của vấn đề. GS Trương viết “Cái gọi là cạnh tranh không phải là nói một ngành nghề có nhiều doanh nghiệp, mà là nói chính quyền cho phép tự do làm ngành nghề đó.” Đúng vậy, khi một địa phương nào đấy chỉ có một cửa hàng mằn thắn, xem ra là không có cạnh tranh, nhưng ý nghĩ “người khác cũng có thể mở hiệu mằn thắn” lại là một sức ép cạnh tranh vô hình, nó khiến cho cửa hiệu kia khi nghĩ tới khả năng ấy phải ra sức làm cho cửa hiệu mình có thức ăn ngon, giá rẻ, chứ không được tùy tiện nâng giá vì lý do mình là cửa hiệu duy nhất. Lúc này, nếu chính quyền đặt ra trở ngại bên ngoài tiêu chuẩn mở cửa hiệu mằn thắn mới, thì sẽ xuất hiện không gian để tham nhũng.

Vụ sữa bẩn Tam Lộc là một bài học đau xót. Có người phê phán đó là do kinh tế thị trường để cho các doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận. Nhưng vì sao ở nhiều nước có cạnh tranh thị trường mạnh hơn Trung Quốc lại không có hiện tượng như vậy? Tam Lộc gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, họ dựa vào cái gì để thành công trên thị trường? Đó chủ yếu là do thị trường Trung Quốc chưa chuẩn hóa.

Đặc biệt, một năm trước khi xảy ra vụ Tam Lộc, dưới sự dàn dựng của Bộ Khoa học kỹ thuật, sữa bột Tam Lộc được tặng “Giải tiến bộ KHKT nhà nước hạng nhì”, một giải thưởng rất cao. Với hào quang như thế, sữa Tam Lộc giành được thành công thị trường ở Trung Quốc.

Doanh nghiệp nhà nước là hình thức quan trọng để chính quyền can thiệp thị trường


GS Trương vạch ra: chính quyền can thiệp thị trường làm cho thị trường không phát triển tốt; lẽ ra việc chính quyền nên làm là bảo vệ quyền sở hữu tài sản, đẩy mạnh cạnh tranh. GS viết: bất cứ biện pháp nào hạn chế cạnh tranh đều chỉ có lợi cho một số ít người. Việc điều động bố trí tài nguyên chỉ có hai cách: hoặc theo thị trường, hoặc theo đặc quyền. Nếu không theo thị trường thì nhất định là theo đặc quyền. Bất cứ biện pháp nào cố ý hạn định giá cả, hạn chế cạnh tranh, cuối cùng chỉ có lợi cho một số ít người có đặc quyền.
Doanh nghiệp nhà nước là hình thức quan trọng để nhà nước can thiệp thị trường, kể cả nhiều đặc quyền miễn phí chiếm dùng tài nguyên nhà nước.

Mới đây Ủy ban Phát triển Cải cách Nhà nước nói: “Mùa đông năm nay việc cung ứng khí đốt chịu nhiều sức ép, Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc bị lỗ nặng.” Loại tiếng nói tạo dư luận cho một đợt tăng giá mới này lập tức bị quần chúng nhân dân phê bình. Họ nói: Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc rõ ràng là tập đoàn kiếm tiền nhiều nhất trên thế giới, nắm độc quyền vững chắc nhất, thế mà ngày nào cũng kêu lỗ, đó chẳng qua là họ muốn kiếm thêm lợi nhuận lấy từ nhân dân cả nước mà thôi.

Vài năm gần đây, một quan chức nhà nước tự khoe là “trung thần” gọi tập đoàn độc quyền ấy là “Con cả của nước Cộng hòa”. Vị này nói nếu không có “Ba Thùng Dầu” như Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc thì chẳng biết nền kinh tế quốc dân nước ta sẽ ra sao đây.

Chúng ta không thể không hỏi: Những mỏ dầu và nhà máy lọc dầu được xây dựng bằng vốn đầu tư lấy từ mấy chục năm tiền thuế của hơn 1 tỷ dân ta đã trở thành tài sản riêng của vị “Con cả nước Cộng hòa” ấy; mấy chục triệu km2 đất đai và vùng biển tài nguyên thiên nhiên của toàn dân hầu như được miễn phí giao cho vị “Con cả nước Cộng hòa” ấy bới tung lên, khai thác với hiệu suất cực thấp... vì sao họ không kiểm điểm trách nhiệm mà ngược lại còn huênh hoang không biết xấu hổ?

Tại các nước lớn trên thế giới, thuế suất đánh vào ngành khai thác dầu đều bằng khoảng mười mấy phần trăm giá dầu. Chỉ có ở Trung Quốc thuế suất loại thuế tài nguyên này chưa tới 1%. Như vậy chẳng phải là hầu như miễn phí giao tài nguyên thiên nhiên cho vị “Con cả nước Cộng hòa” ấy bới tung lên đó sao? Trong tình hình đó tổng giá trị thị trường của doanh nghiệp dầu khí độc quyền Trung Quốc xếp thứ nhất toàn cầu, lợi nhuận ngày một tăng, điều này có gì mà huênh hoang? Họ chẳng đem lại bao nhiêu lợi ích lớn cho đời sống nhân dân, sau này khi tài nguyên khô kiệt sẽ chỉ để lại sự bần cùng và ô nhiễm.

Chính là cái doanh nghiệp độc quyền hiệu suất cực thấp mà lợi nhuận cực cao ấy lại dăm ngày ba bận gây ra sự căng thẳng trong cung cấp dầu khí, không ngại gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khác và thúc ép Bộ Tài chính thỉnh thoảng cấp cho họ những khoản “trợ cấp” khổng lồ.

Than ôi! Những vị “Con cả của nước Cộng hòa” có “giá trị thị trường đứng đầu toàn cầu” ấy có hiếu kính cha mẹ của mình – nhà nước – hay không? Có yêu mến hơn một tỷ “em trai em gái” của mình hay không?

Doanh nghiệp quốc doanh là hình thức quan trọng để chính quyền can thiệp thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc doanh độc quyền. Nhân dân nước ta cần cù lao động mà không giàu lên được, tài nguyên nước ta bị khai thác với hiệu suất thấp như vậy – trong việc này các doanh nghiệp quốc doanh độc quyền phải chịu trách nhiệm chủ yếu.
Trong một bài báo của mình, ông Hứa Tiểu Niên [5] viết: Trải qua 30 năm cải cách mở cửa, chính quyền trở thành tập đoàn lợi ích đặc biệt trong thị trường. Quyền thế chuyển hóa thành lợi ích kinh tế; một thị trường như vậy nếu phát triển tiếp sẽ rất nguy hiểm – đây là con đường của Suharto ở Indonesia, của Marcos ở Philippines, con đường áp chế quyền lợi của dân chúng và quyền lợi của các doanh nghiệp, đi ngược lại phương hướng cải cách thị trường hóa của Đặng Tiểu Bình.

Đúng như GS Ngô Kính Liên [6] từng chỉ rõ: đặc điểm bản chất nhất của kinh tế thị trường là sự trao đổi tự do, tự chủ; nếu ở bên trên luôn luôn có sự khống chế của lực lượng hành chính, nếu chính phủ có thế mạnh lại hoạt động mạnh tới mức chủ đạo trình độ điều phối nguồn tài nguyên kinh tế, thế thì không gọi là kinh tế thị trường nữa mà gọi là chủ nghĩa tư bản thân quen [7] mất rồi!

Cần kiên quyết bảo vệ kinh tế thị trường

GS Trương Duy Nghênh viết tiếp: Vì sao phải bảo vệ kinh tế thị trường? Trước hết, kinh tế thị trường không được những kẻ đã giành được quyền lợi và tầng lớp đặc quyền ưa thích lắm. Kinh tế thị trường là chế độ bình đẳng nhất kể từ khi loài người có sử, nó tạo ra cơ hội cho mỗi người, nó từ chối đặc quyền. Nó có thể làm cho người nghèo trở thành giàu và làm cho người giàu trở thành nghèo. Cho nên kẻ có đặc quyền, hoặc kẻ thích đặc quyền, hoặc kẻ muốn qua đặc quyền mà thu được lợi ích đều không muốn chấp nhận sự thách thức của kinh tế thị trường, vì nền kinh tế đó xung đột với lợi ích của họ. Lịch sử cho thấy, lực lượng lớn nhất chống đối kinh tế thị trường chính là tầng lớp đặc quyền và những kẻ đã giành được quyền lợi.

GS Trương viết, kinh tế thị trường có một nhược điểm: khi bạn được hưởng mặt tốt của nó thì bạn có thể thấy nó toàn là khuyết điểm; khi bạn không có dịp hưởng mặt tốt của nó thì bạn lại chẳng thấy đâu là ưu điểm của nó. Nhất là khi do sự can thiệp không thích đáng của chính quyền hoặc của một cường quyền nào đó làm cho sự vận hành bình thường của kinh tế thị trường bị phá hoại, khiến cho nó thể hiện thành một loại kinh tế thị trường bệnh hoạn, khi ấy người ta thường hay tưởng rằng đó là khiếm khuyết bản thân của nó.

Như vậy, cảm giác sai lầm nói trên của mọi người sẽ rất dễ bị bọn theo chủ nghĩa cơ hội lợi dụng.

Vì rất nhiều người chưa thể nhìn nhận một cách có lý trí các vấn đề xuất hiện trong xã hội, do đó đã tạo cơ hội cho những kẻ quen phỉnh phờ lấy lòng quần chúng. Bọn họ phê bình kinh tế thị trường, không phải vì họ nhất định cho rằng kinh tế thị trường không tốt mà là do họ biết rằng phê bình như thế sẽ được công chúng khen ngợi và ủng hộ. Số người ấy có thể là học giả, cũng có thể là các nhân vật chính trị.

Do nhu cầu chính trị, từ xưa tới nay bao giờ cũng có một số nhà chính trị nói xấu kinh tế thị trường, bởi lẽ họ biết rằng nếu đưa ra các khẩu hiệu và chính sách chống kinh tế thị trường thì họ sẽ được ca ngợi, giành được nhiều phiếu bầu. Các nhà chính trị thích hứa cho mọi người được ăn bữa trưa miễn phí, vì mọi người thích được ăn như thế, nhưng các nhà kinh tế thì lại bảo mọi người là trên thế giới này không bao giờ có bữa trưa miễn phí. Cho nên dù xưa hoặc nay, dù ở Trung Quốc hoặc nước ngoài bao giờ cũng có rất nhiều người phản đối lô-gic của kinh tế học, coi các nhà kinh tế là kẻ thù.

Đúng vậy, việc các quan chức chính quyền tự giác hoặc không tự giác đổ lỗi cho kinh tế thị trường đã trở thành một hiện tượng phổ biến.

Vì thế chúng ta phải bảo vệ kinh tế thị trường!

 Nguyễn Hải Hoành lược dịch

Ghi chú của người dịch:


* Wang Ze-ke, GS kinh tế Đại học Trung Sơn, Quảng Châu

[1] Zhang Wei-ying, GS kinh tế ĐH Bắc Kinh

[2] Currency votes: Khi người tiêu dùng chọn mua một sản phẩm trong vô số sản phẩm cùng loại, số tiền họ bỏ ra mua tựa như số phiếu bầu cho sản phẩm đó, giúp nâng cao địa vị của nó (và doanh nghiệp sản xuất nó). Khi ấy đồng tiền được coi là phiếu bầu. Thể hiện rõ nhất trên thị trường chứng khoán: cổ phiếu công ty nào được nhiều người mua tức là công ty đó nhận được nhiều phiếu bầu.

[3] Adam Smith (1723-1790), triết gia, nhà kinh tế người Scotland, một trong những nhà sáng lập kinh tế học cổ điển. Tác phẩm lớn: An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, 1776.

[4] Gạt bỏ trăm nhà, độc tôn Nho giáo. Thực chất là dựng Nho giáo làm hệ tư tưởng chuyên chế phong kiến phản động, tiêu diệt mọi tư tưởng dân chủ tự do bình đẳng.

[5] Xu Shao-nian, GS kinh tế Học viện Công thương quốc tế Trung Âu, nguyên cố vấn Ngân hàng Thế giới.

[6] Wu Jing-lian, Nghiên cứu viên Trung tâm Phát triển Quốc vụ viện TQ, Ủy viên thường vụ Chính Hiệp TQ

[7] Cronycapitalism, TQ gọi là chủ nghĩa tư bản quyền quý: tình trạng kết hợp tư bản với quyền lực, độc chiếm và độc quyền sử dụng tài sản xã hội, nó ngăn chặn lối thoát (qua sự công bằng về lao động và trí tuệ) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ này nhằm vào hành vi tham nhũng của tầng lớp quyền quý nắm chính quyền, do quan hệ thân thích, hôn nhân và bạn bè mà giành được lợi ích chính trị, kinh tế; cũng nhằm vào hành vi bao che bênh vực, đề bạt và tưởng thưởng của nhà lãnh đạo chính trị đối với những kẻ trung thành và bám theo mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét