18 thg 2, 2011

Nâng lãi suất tái cấp vốn: Liều thuốc đắng nhưng tác dụng kép


(Vietstock) – Sau quyết định điều chỉnh tỷ giá cách đây 1 tuần, NHNN tiếp tục nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 2% lên 11%, mức cao nhất trong 2 năm gần đây. Mục tiêu của đợt điều chỉnh lãi suất này là nhằm ngăn chặn lạm phát và ổn định tỷ giá, hai vấn đề đang gây lo ngại nhất hiện nay. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất này có thể kích hoạt một đợt nâng lãi suất mới vốn đã rất cao.
Lãi suất chiết khấu và công cụ điều hành thị trường tiền tệ
Để hiểu và đánh giá được những tác động của quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN trước hết chúng tôi làm rõ các khái niệm và phân tích những tác động của công cụ này về mặt đối với thị trường tiền tệ.
Khác với các lần điều chỉnh lãi suất trước đây, NHNN thường công bố lãi suất cơ bản, vốn được người dân quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện tại lãi suất cơ bản hầu như không có tác dụng trong điều hành chính sách tiền tệ. Thực tế, chỉ có lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn mới thực sự là công cụ lãi suất để điều hành thị trường tiền tệ của ngân hàng trung ương (NHTW).
NHTW điều hành cung tiền trong nền kinh tế bằng 3 công cụ cơ bản là Dự trữ bắt buộc, Nghiệp vụ thị trường mở, Phát hành trái phiếu bắt buộc. Cả ba công cụ này đều nhằm mục tiêu bơm - rút tiền trong nền kinh tế để phòng chống lạm phát hoặc kích thích kinh tế.
Để điều hành chính sách tiền tệ qua nghiệp vụ thị trường mở, NHTW tăng hoặc giảm lãi suất tái chiết khấu. Qua việc tăng - giảm lãi suất này, NHTW có thể mua - bán các giấy tờ có giá trên thị trường mở. Thông qua hoạt động mua - bán giấy tờ có giá, NHTW tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng và từ đó điều tiết lượng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường.
Những con số lãi suất mà NHTW các quốc gia thường hay công bố chính là lãi suất này. Nếu muốn rút tiền khỏi nền kinh tế, NHTW tăng lãi suất tái chiết khấu để bán ra các giấy tờ có giá hoặc hạn chế nhu cầu chiết khấu giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng. Ngược lại, muốn bơm tiền vào nền kinh tế NHTW giảm lãi suất chiết khấu.
NHNN thường công bố 3 lãi suất trên website của mình là Lãi suất cơ bản, Lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn. Trước đây Lãi suất cơ bản rất được quan tâm vì nó xác định trần lãi suất cho vay của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay công cụ điều hành chính lại là Lãi suất tái chiết khấu và Lãi suất tái cấp vốn.
Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất mà ở đó NHTW áp dụng cho các nghiệp vụ tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại (NHTM). Ở Việt Nam, NHNN tái cấp vốn cho các NHTM qua các hình thức: cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác, cho vay lại dưới hình thức cầm cố các giấy tờ có giá ngắn hạn.
Lãi suất tái chiết khấu là lãi suất được áp dụng cho các nghiệp vụ chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá khác như tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi .
Như vậy, sự khác biệt giữa lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn là các tài sản dùng để thế chấp cho việc vay mượn tiền khác nhau. Lãi suất chiết khấu áp dụng đối với các giấy tờ có độ rủi ro thấp như trái phiếu chính phủ, thương phiếu, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn. Còn lãi suất tái cấp vốn là lãi suất áp dụng cho các loại tài sản thế chấp có độ rủi ro cao hơn. Đây cũng là lí do giải thích cho việc lãi suất tái chiết khấu thường thấp hơn lãi suất tái cấp vốn.
Tăng lãi suất: Kỳ vọng "Thuốc đắng dã tật”
Theo Quyết định số 271/QĐ-NHNN của NHNN, lãi suất tái cấp vốn là 11%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng là 11%/năm (tăng 2%).
Như vậy, theo quyết định này thì lãi suất tái cấp vốn là 11%, còn lãi suất tái chiết khấu vẫn giữ nguyên 7% như quyết định trước đó. Ngoài ra, lãi suất qua đêm cũng tăng thêm 2%. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có đủ số liệu về những khoản vay của NHTM đối với NHNN. Nếu tỷ trọng các khoản vay được áp dụng lãi suất tái chiết khấu lớn còn tái cấp vốn nhỏ thì sẽ tác động không nhiều.
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất này là một thông điệp rõ ràng cho thấy NHNN đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất qua đêm sẽ chắc chắn sẽ tác động đến lãi suất trên thị trường tiền tệ. Chi phí vốn của ngân hàng sẽ tăng lên đồng nghĩa với lãi suất không thể giảm được.
Quyết định này của NHNN dường như trái ngược với khuyến nghị giảm lãi suất của một số chuyên gia trong nước và quan điểm của một số thành viên Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC). Lãi suất trên thị trường hiện nay được xem là ở mức quá cao, lãi suất huy động tuy bị giới hạn mức trần 14% nhưng lãi suất thực tế có thể cao hơn con số này. Nhiều ý kiến đang rất quan ngại về khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp khi lãi suất quá cao. Kèm theo đó nợ xấu ngân hàng sẽ tăng lên khi nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng trả nợ.
Dù vậy, quyết định nâng lãi suất của NHNN được xem là “liệu thuốc đắng” nhưng được kỳ vọng là sẽ ngăn chặn được lạm phát đang bùng nổ dữ dội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2011 đã tăng 1.74%, và tháng 2/2011 cũng được ước đoán sẽ tăng khoảng 2%. Như vậy, 2 tháng đầu năm 2011 CPI có thể tăng gần 4%, làm cho mục tiêu cả năm 7% rất khó giữ.
Không chỉ vậy, áp lực lạm phát đối với nền kinh tế sẽ rất lớn khi giá một loạt các mặt hàng như xăng dầu, điện, than buộc phải điều chỉnh trong thời gian tới. Ngoài ra, giá cả thế giới và điều chỉnh tỷ giá cũng cộng hưởng cùng các yếu tố có thể làm lạm phát bùng nổ trở lại.
Tăng lãi suất đồng nghĩa với sự thặt chặt tiền tệ là một biện pháp cần thiết để ngăn chặn lạm phát. Cái giá của chính sách này là không nhỏ khi có thể tác động rất mạnh tới các doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, cần lưu ý là để kiềm chế lạm phát phải cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ và có tính căn cơ khác. Các giải pháp căn cơ đó là phải tăng hiệu quả đầu tư công, giảm thâm hụt ngân sách. Ngoài ra, xây dựng thể chế kinh tế minh bạch và vận hành hiệu quả.
Ngoài tác dụng kiềm chế lạm phát thì việc nâng lãi suất của NHNN còn có thể nhắm đến một mục tiêu khác là ổn định tỷ giá. Việc tăng lãi suất đồng nghĩa với đồng nội sẽ có giá trị hơn dẫn đến giảm nhu cầu nắm giữ ngoại tệ. Chẳng hạn nếu lãi suất tái cấp vốn cao thì NHTM thay vì chiết khấu giấy tờ có giá họ sẽ bán ngoại tệ cho NHNN để lấy tiền đồng vì chi phí đối với việc bán ngoại tệ sẽ thấp hơn việc vay vốn từ NHNN. 

Hồ Bá Tình – Phòng nghiên cứu Vietstock
 

17 thg 2, 2011

Nguy thật


 Đọc một vài bài báo nói về cuộc họp giữa TT Nguyễn Tân Dũng và các DNNN mà tôi thấy lo thật.

"Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tham vọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 7-7,5% và tái khẳng định các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải đóng vai trò nòng cốt."

Tôi đoán rằng chắc khi ông TT phát biểu ông cũng không thực sự hiểu mình đang nói cái gì. Nói theo kiểu đã được soạn thảo từ trước. Trong thời buổi mọi việc trắng đen rõ ràng thế mà đi khẳng định một câu xanh rờn vậy.
  
Dũng được TTXVN trích dẫn nói về "quyết tâm của Chính phủ xây dựng khối thành phần kinh tế nhà nước với vị trí nòng cốt, vai trò chủ đạo trong thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ở mức cao hơn năm 2010".

Nhưng cái mà ông nói ra hoàn toàn mâu thuẩn nhau. Đó chỉ là một ước mơ ko có thực. Có lẻ ông không hiểu nhiều về các vấn đề kinh tế hay kinh doanh. Chỉ là một người làm chính trị với mấy bài đã học thuộc từ trước.
Ôi buồn thay

12 thg 2, 2011

Cựu Chủ tịch QH: Ba vấn đề cốt lõi khi sửa Hiến pháp

 Tác giả: Nguyễn Văn An

Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An hi vọng lần sửa đổi Hiến pháp này sẽ bàn kĩ 3 vấn đề cốt lõi: Dân được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp để đúng nghĩa là người chủ đất nước; Quyền của nguyên thủ quốc gia cần được tập trung hơn; Phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước cần được cân bằng hơn để phòng ngừa lạm quyền và thoái hóa quyền lực.

LTS: Văn kiện Đại hội Đảng XI vừa qua đã nêu rõ chủ trương sửa Hiến pháp theo hướng đổi mới nhận thức về nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp một cách rành mạch và kiểm soát lẫn nhau, xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng nguyên thủ quốc gia...
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường mới đây khẳng định: đã đến thời điểm chín muồi để sửa đổi Hiến pháp và tư tưởng pháp quyền buộc phải có cách thức viết Hiến pháp khác, không thể "ôm đồm", "dài dòng" như hiện nay. Ông cho rằng, đổi mới nhận thức về nhà nước pháp quyền chính là cơ sở chính trị để các học giả, nhà nghiên cứu hiến kế cho việc xây dựng một bản hiến pháp theo đúng nghĩa hiến pháp của một nhà nước pháp quyền.
Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam lược ghi lại cuộc trò chuyện với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về việc tu chính Hiến pháp 1992 sắp tới.
>> Thời điểm chín muồi sửa Hiến pháp
Dân phải được phúc quyết Hiến pháp
Sửa đổi Hiến pháp là một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong toàn dân, toàn dân có được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ tham gia ý kiến và phúc quyết hay không?
Nếu nhân dân được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì đây là một cơ hội to lớn do ta tạo ra để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi hy vọng là như vậy.
Nếu nhân dân không được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì chúng ta lại bỏ lỡ mất cơ hội vô cùng quan trọng.
Kinh nghiệm các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây là như vậy. Chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi song chưa đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, nhân dân chưa có quyền phúc quyết Hiến pháp mà lẽ ra quyền phúc quyết Hiến pháp là quyền đương nhiên của người dân dưới chế độ dân chủ cộng hòa.
Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta đã sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác.
Sửa đổi như vậy là nhiều lần rồi, song dân chưa được phúc quyết lần nào. Hiến pháp 1946 quy định dân phúc quyết Hiến pháp song dân cũng chưa được phúc quyết vì chiến tranh đã xảy ra ngay sau đó.
Còn Hiến pháp sửa đổi 1959 lại quy định Quốc hội có quyền lập Hiến và lập Pháp. Thay đổi quan trọng đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bất khả kháng là đất nước trong tình trạng chiến tranh và chia cắt hai miền Nam - Bắc; rồi chịu ảnh hưởng của mô hình cộng hòa Xô Viết,...
Tuy vậy, chúng ta cần hiểu bản chất của thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa là quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An.
Cho nên, không thể đặt Hiến pháp ngang hàng với các bộ luật khác do Quốc hội thông qua. Hiến pháp là bộ luật cơ bản, luật gốc, luật mẹ được Quốc hội lập hiến thông qua và nhân dân phúc quyết nên rất ổn định, đặc biệt là những vấn đề cơ bản của Hiến pháp, như thể chế chính trị, ai là chủ đất nước, quyền của người chủ đất nước là những gì; ai là nguyên thủ quốc gia, quyền của nguyên thủ quốc gia là những gì?; vấn đề phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước...
Ai là chủ đất nước?
Thứ hai, tôi cho rằng các lần sửa đổi Hiến pháp sau này có một vài vấn đề cốt lõi lại xa rời hoặc lại không rõ ràng bằng Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có nhiều vấn đề, ở đây tôi chỉ đề cập tới 3 vấn đề cốt lõi:
Đầu tiên, Hiến pháp phải làm rõ AI LÀ CHỦ ĐẤT NƯỚC? NGƯỜI CHỦ ĐÓ CÓ NHỮNG QUYỀN GÌ? Với câu hỏi này, có thể nhiều người sẽ nói ngay rằng Dân làm chủ chứ ai. Đúng. Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp và Pháp luật của nhà nước đều khẳng định như vậy. Quốc hiệu của Việt Nam đã ghi rất rõ: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Thể chế chính trị là Dân chủ Cộng hòa, khác hoàn toàn với Quân chủ.
Do vậy, người chủ đất nước không phải là Vua nữa mà chính là Dân (không phân biệt thành phần, giới tính, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo...).
Song quy định cụ thể về quyền làm chủ trực tiếp của người dân thì còn quá ít, nhất là quyền phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thì các Hiến pháp sửa đổi sau này lại ghi khác hoàn toàn với Hiến pháp năm 1946:
Điều 21 của Hiến pháp 1946 quy định: "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều 32 và Điều 70".
Điều 32 của Hiến pháp 1946 quy định: "Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tống số nghị viện đồng ý".
Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định: "Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây... Khi được nghị viên ưng chuẩn, phải đưa ra toàn dân phúc quyết".
Những quy định trên đây của Hiến pháp 1946 có nghĩa rằng quyền lập Hiến hoàn toàn thuộc về toàn dân, thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.
Hiến pháp 1946 không có một điều nào, một ý nào quy định quyền lập Hiến thuộc về Quốc hội.
Các Hiến pháp sửa đổi sau này laị quy định Quốc hội có quyền lập Hiến:
Điều 43, 44 và 50 của Hiến pháp 1959 ghi: "Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", là cơ quan duy nhất "có quyền lập Pháp", có quyền "làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp".
Điều 6 của Hiến pháp 1980 quy định: "Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân".
Điều 82 của Hiến pháp 1980 và Điều 83 của Hiến pháp 1992 quy định: "Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập Pháp"...
Chúng ta nhận thấy ngay rằng đã có sự thay đổi rất lớn, rất cơ bản về quyền lập Hiến từ Dân đã được chuyển sang Quốc hội.
Câu hỏi đặt ra là ai có quyền chuyển quyền đó? Câu trả lời rõ ràng là chỉ có Dân mới có quyền đó. Song Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập Hiến của Dân sang Quốc hội cả, mà là do chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập Hiến cho mình.
Có thể nói đơn giản thế này: Ai là người có quyền tối hậu trong lập Hiến thì người đó là người chủ đích thực của đất nước. Từ chỗ Dân làm chủ trực tiếp trong lập Hiến, chuyển sang chỗ Dân làm chủ gián tiếp thông qua Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của Dân. Như vậy có thể nói, từ Dân làm chủ đích thực chuyển sang Quốc hội thay mặt cho dân làm chủ.
Đó là sự thay đổi, sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước.
Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp, người ta gọi như thế là vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Dân làm chủ có nghĩa là Dân phải quyết trực tiếp thể chế quốc gia, tức là Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, rồi Dân giao cho Nhà nước và giám sát Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ và Tòa án) quản lý đất nước theo Hiến pháp và những quyết định đó của Dân. Như vậy Dân mới làm chủ đích thực.
Đây là vấn đề xa rời bản chất dân chủ của nhà nước, cả về pháp lý, cả về thực tiễn. Như trên đã nói, do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân bất khả kháng, vì vậy, chúng ta đã chuyển từ Dân chủ thành Quốc hội chủ. Song về thực chất thì Quốc hội cũng còn nhiều hình thức.
Hiện nay khoảng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Do vậy mà nhiều người cho rằng, về hình thức thì Quốc hội quyết, song thực chất là Đảng quyết . Quyết định của Quốc hội chỉ là quyết định mở rộng trong nội bộ Đảng. Như vậy là từ Dân chủ đầy đủ chuyển sang Quốc hội chủ một phần, Dân chủ một phần, song cả Dân và Quốc hội đều còn nhiều hình thức nên nhiều người cho rằng Đảng mới thực quyền. Thực tế đó cho thấy, quyền của Dân - của người làm chủ còn bị phân tán quá lớn.
Nói cho dễ hiểu, ai làm chủ đất nước thì người đó phải có hai điều kiện, hai quyền thực chất tối thiểu là:
a/ - Bầu cơ quan đại diện cao nhất cho mình (Quốc hội) để bầu cử ra các cơ quan Nhà nước,
b/ - Phúc quyết Hiến pháp để giao quyền của Dân cho các cơ quan Nhà nước thực thi.

Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chúng ta nói nhiều về Dân chủ, rằng nhân dân ta là người chủ đích thực của đất nước, rằng nhà nước ta là nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân,... song những quyền tối hậu của người Dân thì lại chưa được quy định cụ thể và đầy đủ trong các Hiến pháp sửa đổi sau Hiến pháp 1946.
Ngay Hiến pháp 1946 tuy đã qui định rất rõ quyền lập Hiến thuộc về nhân dân, song cũng không thực hiện được trong thực tiễn vì lý do bất khả kháng là chiến tranh đã nổ ra ngay sau đó.
Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, nhân dân ta là người chủ đất nước, song Nhà nước ta chưa một lần nào hỏi ý kiến Dân với tính chất là trưng cầu dân ý cả. Nhân dân ta chủ yếu mới làm chủ gián tiếp thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội và HĐND các cấp, nhân dân mới làm chủ trực tiếp trong bầu cử trưởng thôn, bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp. Như vậy chưa đúng với quyền và nghĩa vụ của người Dân trong thể chế Dân chủ Cộng hòa trong điều kiện hòa bình và thống nhất đất nước như hiện nay.
Nếu Dân được phúc quyết Hiến pháp thì Hiến pháp chính là văn bản pháp lý quan trọng nhất của Dân trao quyền lực của Dân cho Nhà nước.
Ngược lại, nếu Dân chưa được phúc quyết Hiến pháp thì cũng có nghĩa là Dân chưa trao quyền lực của Dân cho Nhà nước bằng một văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp.
Sửa đổi Hiến pháp lần này cần giao lại quyền phúc quyết cho dân như Hiến pháp 1946 đã quy định cho đúng với bản chất của thể chế cộng hòa hoặc dân chủ cộng hòa, hoặc cộng hòa xã hội chủ nghĩa.
Quyền lực của nguyên thủ quốc gia bị phân tán 3 nơi
Vấn đề thứ hai là việc xác định: AI LÀ NGUYÊN THỦ QUỐC GIA? VÀ NGƯỜI ĐÓ CÓ NHỮNG QUYỀN GÌ?
Vấn đề này Hiến pháp 1946 ghi rất rõ, và Nhà nước ta khi đó thực hành cũng rất tốt.
Các Hiến pháp sửa đổi sau này lại không rõ ràng bằng Hiến pháp 1946, và trong thực hành cũng rất lúng túng.
Theo quy luật tự nhiên, đàn chim bao giờ cũng có chim đầu đàn, đàn trâu bao giờ cũng có trâu đầu đàn, dàn nhạc phải có nhạc trưởng,... Với một quốc gia cũng vậy, quốc gia nào cũng phải có một nguyên thủ.
Về quy định này, tại Điều 49 của Hiến pháp 1946 ghi cụ thể về quyền của Chủ tịch Nước như sau:
a, Thay mặt cho Nước...
b, Giữ quyền tổng chỉ huy quân đội toàn quốc...
c, Ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng....
d, Chủ tịch Hội đồng Chính phủ ...
...................
h, Ký hiệp ước với các nước....
Và Điều 50 của Hiến pháp 1946 cũng ghi: "Chủ tịch Nước không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc".
Những quy định của Hiến pháp 1946 rất ngắn gọn, rõ ràng rằng Chủ tịch Nước là nguyên thủ quốc gia, đại diện cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại; thống lĩnh các lực lượng vũ trang; và cũng là người đứng đầu cơ quan hành pháp là Chính phủ.
Nói cho dễ hiểu, nguyên thủ quốc gia phải có ba điều kiện, ba quyền thực chất tối thiểu như sau:
a, Thay mặt cho Nhà nước về đối nội cũng như đối ngoại,
b, Đứng đầu cơ quan hành pháp,
c, Thống lĩnh lực lượng vũ trang,
Các Hiến pháp sửa đổi sau này (1959, 1980, 1992) đều giảm nhẹ vai trò của Chủ tịch Nước, không rõ thực chất quyền của một nguyên thủ quốc gia. Điều đó không phải lỗi của vị Chủ tịch nước nào, mà chẳng qua là do các Hiến pháp sửa đổi sau này quy định như vậy:
Điều 6 của Hiến pháp 1959 quy định: "Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là người thay mặt cho Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về đối nội và đối ngoại".
Điều 65 của Hiến pháp 1959 quy định: "Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống lĩnh các lực lượng vũ trang trong toàn quốc, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng", song thực chất Tổng Bí thư mới là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang.
Điều 66 của Hiến pháp 1959 quy định: "Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi xét thấy cần thiết thì triệu tập và Chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ". Quy định như vậy là làm giảm nhẹ hẳn vai trò của Chủ tịch Nước trong cơ quan hành pháp so với Hiến pháp 1946.
Như vậy, các Hiến pháp sửa đổi sau này đều quy định không rõ ràng và không tập trung quyền của Chủ tịch nước bằng Hiến pháp 1946. Rõ ràng không có ai hội đủ ba điều kiện, ba quyền thực chất tối thiểu của một nguyên thủ quốc gia như Hiến pháp 1946.
Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương thống lĩnh lực lượng vũ trang song về pháp lý lại không thay mặt cho nhà nước về đối nội cũng như đối ngoại, cũng không đứng đầu cơ quan hành pháp.
Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Chính phủ nhưng lại không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp và cũng không thống lĩnh lực lượng vũ trang.
Chủ tịch Nước thay mặt cho nhà nước về đối nội và đối ngoại nhưng trong thực tiễn lại không thống lĩnh lực lượng vũ trang, cũng như không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay rằng quyền lực của một nguyên thủ quốc gia lại bị phân tán làm ba nơi, do ba người nắm giữ. Tức là ta có ba người thực thi quyền của một nguyên thủ trong điều hành thực tiễn, như thế có phân tán quyền của nguyên thủ quốc gia không? Tôi cho là quá phân tán.
Tới đây, chúng ta phải sửa đổi bổ sung Hiến pháp làm sao để chỉ có một nguyên thủ quốc gia, tập trung quyền hành pháp vào người đứng đầu để điều hành đất nước có hiệu lực và hiệu quả hơn.
Việc không rõ nguyên thủ quốc gia, không rõ con chim đầu đàn, không rõ nhạc trưởng, hậu quả thế nào thật dễ hiểu, dễ thấy.
Phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước
Cuối cùng là VẤN ĐỀ PHÂN CÔNG VÀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC. Phân công phải hướng tới cân bằng tương đối, phải rõ ràng, rành mạch; kiểm soát phải có chế tài, phải chặt chẽ, hiệu lực.
Phân công phải cân bằng thì mới có khả năng kiểm soát hiệu lực, kiểm soát hiệu lực nằm ngay trong sự phân công công bằng.
Nhìn lại lịch sử của thể chế quân chủ cho thấy, quyền lực tập trung vào nhà Vua, mà quyền lực bao giờ cũng có xu hướng lạm quyền, thoái hóa... Do đó mà triều đại nào lên, lúc đầu thường là được lòng người, sau lại thoái hóa, lại bị triều đại sau thay thế. Những sự thay thế đó thường diễn ra khi triều đại cũ đã quá thối nát, quá cản trở sự phát triển của xã hội và thường bị thay thế bằng bạo lực.
Chính vì thế mà thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa đã áp dụng sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực để chống độc quyền, hạn chế sự lạm quyền và khi cần thì thay thế ê kíp cầm quyền một cách chủ động, kịp thời, thông qua tranh cử nghị viện.
Quyền lực dưới thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa không tập trung vào một người hay một lực lượng, cơ quan nào, mà phân công tương đối cân bằng cho ba cơ quan: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp (Quốc hội - Chính phủ - Tòa án): Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, và Tòa án là cơ quan xét xử cao nhất.
Nghiên cứu kỹ các Hiến pháp sửa đổi sau này (1959, 1980, 1992) thì thấy rằng những quy định để cân bằng và kiểm soát quyền lực lại không được rõ ràng và cân bằng như Hiến pháp 1946.
Ví dụ, Quốc hội có quyền lập Hiến, điều đó có nghĩa rằng quyền lực của Quốc hội vượt trội quá lớn so với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Quốc hội có quyền phân công quyền lực cho cả các cơ quan hành pháp và tư pháp, và cho cả chính mình.
Đúng ra, quyền lập Hiến phải là quyền của Dân chứ không phải của Quốc hội. Do đó mà quyền của Dân cũng bị phân tán và yếu thế, không đúng với quyền của người làm chủ.
Hoặc quyền của nguyên thủ quốc gia bị phân tán ở ba nơi, điều đó cũng có nghĩa là quyền lực của cơ quan hành pháp quá yếu thế so với cơ quan lập pháp.
Còn quyền lực của cơ quan tư pháp thì sao? Trong thực tiễn thì nó yếu thế hơn các cơ quan lập pháp và hành pháp và còn bị chi phối trong xét xử.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, phân công quyền lực không cân bằng, không rõ ràng thì sự kiểm soát sẽ không có hiệu lực và hiệu quả. Tình trạng tham ô, lãng phí, quan liêu, cơ hội là những biểu hiện của sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực rõ ràng nhất. Nó cũng là hậu quả của sự phân công và kiểm soát quyền lực chưa được cân bằng như quy định của Hiến pháp 1946.
Cân bằng và kiểm soát quyền lực là một cơ chế cực kỳ quan trọng trong Hiến pháp nhằm tránh sự lạm quyền và thoái hóa mà trong thể chế quân chủ chuyên chế đã bất lực. Tất nhiên không thể nói tuyệt đối được, vì thể chế nào cũng phải thông qua con người cụ thể. Nhưng có một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực cho ba cơ quan Nhà nước, sẽ tốt hơn rất nhiều so với cơ chế tập trung quyền lực vào một ông vua, hoặc vào bất kỳ một lực lượng, một cơ quan nào khác.
Cân bằng và kiềm soát quyền lực là một sự tiến bộ về khoa học và nghệ thuật cầm quyền, là một bước tiến của văn minh nhân loại về quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này phải quan tâm để làm rõ ràng hơn, hoàn thiện tốt hơn sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Tóm lại, ở đây nhấn mạnh có ba vấn đề cốt lõi cần được bàn kỹ trong đợt sửa Hiến pháp tới đây:
1/- Dân được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, để cho đúng nghĩa với thể chế Dân chủ Cộng hòa, Dân là chủ đích thực của đất nước.
2/- Quyền của nguyên thủ quốc gia cần được tập trung hơn, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành pháp.
3/- Phân công và kiểm soát quyền lực cần được cân bằng hơn, nhằm phòng ngừa sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và cơ hội trong hệ thống chính trị.
Tôi hy vọng tới đây, nhân dân ta sẽ được hưởng quyền và làm nghĩa vụ của người chủ đích thực của đất nước là: Tham gia ý kiến và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này.
  • Thu Hà (lược ghi)

11 thg 2, 2011

6 tác động tích cực khi NHNN điều chỉnh tỷ giá


(Vietstock) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản Số 74/TB-NHNN nâng tỷ giá liên ngân hàng USD/VND thêm 9.30%, từ 18,932 lên 20,693 và thu hẹp biên độ giao động từ 3% xuống còn 1%. Đây là lần nâng tỷ giá USD/VND đầu tiên kể từ ngày 18/08/2010 đến nay. Chúng tôi cho rằng việc nâng tỷ giá này có tác động tích cực tới cả nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.


Theo đó, tỷ giá trần USD/VND có thể giao dịch sẽ tăng lên ở mức 20,900 VND/USD. Đây là đợt điều chỉnh đầu tiên trong năm 2011 và là lần thứ 4 kể từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đây là lần điều chỉnh tỷ giá mạnh nhất trong vài năm gần đây với tỷ giá liên ngân hàng được điều chỉnh tăng tới 9.3%.

Trong những ngày gần đây, tỷ giá thị trường chợ đen đã giao dịch quanh mức 21,500 VND/USD. Trước đó, trong khoảng 2 tháng, tỷ giá được giao dịch khá ổn định quanh mức 21,000 VND/USD và cao hơn tỷ giá niêm yết chính thức khoảng 7% - 8%. Việc tỷ giá thị trường chợ đen vượt xa giá niêm yết chính thức kéo dài trong gần 6 tháng thì việc điều chỉnh tỷ giá chính thức là điều không thể tránh khỏi.
Chúng tôi cho rằng quyết định điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và cả thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, việc ngân hàng nhà nước điều chỉnh tỷ giá chỉ còn là một động thái “hợp thức hóa” các giao dịch trên thị trường. Dưới góc độ kinh tế học thì việc đưa tỷ giá chính thức về gần tỷ giá thị trường chợ đen sẽ làm giảm chi phí giao dịch có nghĩa làm giảm tổn thất vô ích cho toàn bộ nền kinh tế.
Chúng tôi đánh giá mức độ tác động đến một số yếu tố như sau
Ổn định tâm lý người dân. Điều chỉnh tỷ giá là một việc làm cần thiết để ổn định tâm lý và kỳ vọng của người dân. Hiện nay, tỷ giá trần đã cao hơn khá nhiều so tỷ giá đang giao dịch trên thị trường phi chính thức. Như vậy, tỷ giá sẽ được giao dịch dựa trên cung cầu của thị trường và người dân sẽ không còn tâm lý đầu cơ, tích trữ USD. Do đó, cầu ảo về ngoại tệ sẽ giảm xuống.
Ngoài ra, việc điều chỉnh này còn “giải thoát” tâm lý người dân và ngân hàng lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ vì phải lách luật. Quy mô thị trường chợ đen cũng được thu hẹp, các giao dịch USD trở nên minh bạch hơn.
Thực tế, ba đợt điều chỉnh tỷ giá gần đây đều đã có tác dụng tích cực, giúp kéo giảm tỷ giá trên thị trường phi chính thức.
Cải thiện cán cân thương mại. Thâm hụt thương mại hàng hóa 2010 lên tới 12.4 tỷ USD, bằng 17.3% kim ngạch xuất khẩu. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cán cân thương mại của Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với tỷ giá, và việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện thâm hụt thương mại.
Đồng nội tệ giảm giá sẽ làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi hơn khi hàng hóa sản xuất có sức cạnh tranh hơn, trong khi đó nhập khẩu sẽ giảm đi và cán cân thương mại được cải thiện.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng tỷ giá chỉ là một trong những nhân tố gây thâm hụt thương mại cao tại Việt Nam. Yếu tố chính vẫn là các dòng tiền từ bên ngoài đổ vào Việt Nam như FDI, FPI, ODA, kiều hối và các chính sách thương mại khác.
Minh bạch thị trường ngoại hối: Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp cho thị trường ngoại tệ phản ứng một cách linh hoạt hơn theo cơ chế thị trường, giúp thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và giao dịch thực tế. Quy mô thị trường chợ đen giảm xuống, hoạch toán các giao dịch tỷ giá tại ngân hàng và doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn.
Thực tế, trong những đợt điều chỉnh tỷ giá gần đây đã có tác dụng tích cực, giúp kéo giảm tỷ giá trên thị trường phi chính thức.
Dòng vốn gián tiếp tự tin giải ngân: Một tác dụng quan trọng khác là đợt điều chỉnh tỷ giá này sẽ thúc đẩy thu hút thêm các dòng vốn đầu tư gián tiếp, và giúp khối nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn trong việc giải ngân, nhờ sự ổn định tỷ giá có thể tiên đoán được trong thời gian tới.
Áp lực đối với lạm phát không lớn. Áp lực lên lạm phát là một trong những lo ngại, vì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lên đến trên 150% so với GDP với nhiều mặt hàng nguyên liệu thiết yếu phải nhập khẩu từ bên ngoài.
Tuy vậy, thực tế trong thời gian qua các nhà nhập khẩu của Việt Nam đều phải mua USD với tỷ thị trường chợ đen. Vì vậy, việc điều chỉnh lần này trên sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới chi phí thực sự của những nhà nhập khẩu. Giá hàng hóa có thể tăng lên nhưng áp lực sẽ không quá lớn.
Đối với thị trường chứng khoán: Dường như việc VND bị phá giá đã được các nhà đầu tư dự báo và chiết khấu vào giá cổ phiếu. Tin đồn về VND bị phá giá đã được tung ra trước Tết âm lịch nhưng nhà đầu tư phản ứng một cách khá dè dặt. Trong phiên giao dịch sáng ngày 10/02/211 khác với lần trước phản ứng của thị trường vẫn được xem là tích cực.
Dù vậy, cũng cần lưu ý là những doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ sẽ chịu tác động rất mạnh bởi việc điều chỉnh tỷ giá này. Trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá sẽ tăng lên khiến các doanh nghiệp mất đi một khoản chi phí lớn.
Chúng tôi cho rằng việc nâng tỷ giá VND ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán về trung hạn. Một số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi; dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ mạnh dạn giải ngân hơn. Ngoài ra, thị trường chứng khoán cũng được hưởng lợi từ do nền kinh tế tích cực lên từ việc nâng tỷ giá này.
Hồ Bá Tình
 

9 thg 2, 2011

Thư gửi tân Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/8422/thu-gui-tan-truong-ban-to-chuc-trung-uong.html

Thư gửi tân Trưởng Ban Tổ chức Trung ương 
 
- Trước hết, xin chúc mừng ông đã được Đảng tin cậy giao trọng trách nắm giữ và chăm lo cho công tác cán bộ - khâu trọng yếu quyết định sức mạnh và năng lực lãnh đạo của Đảng.

Xưa nay, bên cạnh “tứ trụ”, có lẽ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương là một trong những vị trí được đảng viên và người dân quan tâm nhất. Dân quan tâm, bởi đó là người đứng đầu một trong ba trụ cột để Đảng thực hiện quyền lãnh đạo của mình: định ra đường lối, tổ chức cán bộ và kiểm tra giám sát. Người ta càng quan tâm hơn bởi thời gian qua ai cũng thấy rõ yếu kém về tổ chức, cán bộ đang là nỗi lo thường trực, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng.
Ông Tô Huy Rứa, tân Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Như chính những người tiền nhiệm của ông, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Phước Thọ và Nguyễn Văn An thừa nhận: công tác cán bộ hiện nay chưa thể trở thành động lực, mà ngược lại, là rào cản cho sự phát triển. Việc đổi mới công tác cán bộ vẫn chưa theo kịp với đổi mới kinh tế và phát triển của xã hội. Đến mức nhiều nhà lãnh đạo lão thành, mới đây khi góp ý cho Đảng đã tha thiết đề nghị chọn vấn đề tổ chức và cán bộ làm khâu đột phá cho Đại hội XI mà đòi hỏi trước hết là một sự thay đổi lớn về nhận thức và tư duy chọn người.
Làm thế nào để tinh hoa của dân tộc trở thành những nhà lãnh đạo các cấp của Đảng?

Làm thế nào để xóa bỏ nạn chạy chức, chạy quyền đang bị nhân dân ca thán, một nỗi “nhức lòng” mà nhiều nhà lãnh đạo của Đảng đã thừa nhận, nhưng vẫn chưa thể tìm ra phương thuốc đặc trị?

Làm thế nào để những người có năng lực, có chính kiến, dám nói, dám chịu trách nhiệm, thậm chí có thể cá tính “nói lời khó nghe” nhưng chính trực và nặng lòng với dân tộc có chỗ đứng trong hệ thống cơ quan công quyền và có điều kiện phát huy cao nhất khả năng của mình?

Làm thế nào để xóa bỏ cách làm cán bộ thiếu công khai, minh bạch, thiếu tiêu chuẩn hóa rõ ràng - những yếu kém đã được chính những nhà lãnh đạo từng làm công tác cán bộ chỉ ra?

Những điều ấy không chỉ là kỳ vọng của nhân dân, mà còn là đòi hỏi đã đến mức bức xúc, chín muồi của cuộc sống đang đặt ra đối với Đảng.

Bởi vậy, trọng trách đang được đặt lên vai ông hôm nay, dẫu quyền hạn thật lớn, song áp lực cũng nặng nề không kém.

Nhưng cũng chính kỳ vọng lớn lao và đòi hỏi bức xúc từ cuộc sống, từ nhân dân lại là nguồn sức mạnh hậu thuẫn lớn lao cho những ai dám tìm tòi và mạnh dạn đổi mới.

Nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa TƯ, sau đó là Ban Tuyên giáo, ông đã khiêm nhường nói với các tổng biên tập: “Tôi chỉ là người giúp đỡ cho các đồng chí”.

Khiêm cung là một phẩm chất đáng quý ở người lãnh đạo. Song, điều mà người dân đang chờ đợi nhiều nhất ở ông, là dấu ấn đổi mới ở một lĩnh vực có tính hệ trọng sống còn.

Năm năm nữa - một nhiệm kỳ lãnh đạo sẽ vèo trôi. Khi ấy, người dân sẽ nhìn nhận, đánh giá những gì các nhà lãnh đạo đã làm được cho đất nước. Hi vọng rằng, lúc ấy, ông sẽ có thể tự hào và thanh thản mà nói rằng: tôi đã làm hết sức mình, đã dựa vào đảng viên, dựa vào nhân dân, và tôi đã hoàn thành tốt những yêu cầu nhân dân đặt ra.
Lại thêm một người học toán lên làm lãnh đạo ở vị trí này (các ông Trần Đình Hoan, Hồ Đức Việt cũng là những người xuất thân từ Toán), với tư duy logic của một người học toán, người dân gửi gắm niềm tin vào phương pháp làm việc logic, vào phương pháp tư duy lấy thực tế cuộc sống, giải quyết các bài toán đặt ra từ thực tế, ông sẽ là nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mến, trân trọng khi kết thúc nhiệm vụ của mình.

Quốc Thái

Thư gửi các tân ủy viên Trung ương

 http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/6828/thu-gui-cac-tan-uy-vien-trung-uong.html
 
Thư gửi các tân ủy viên Trung ương 
 
- Các vị là người đã có chức danh, xin hãy phấn đấu để thành danh, nghĩa là ghi đậm được dấu ấn của mình trên cương vị mới - nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng gửi gắm.

LTS: 1 tuần Đại hội Đảng XI đã kết thúc với việc ra mắt ban lãnh đạo mới của Đảng. Với 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương khóa XI, người dân đang kỳ vọng đó sẽ là những người đáp ứng tốt được yêu cầu mới của lịch sử và chèo lái con thuyền cách mạng nước nhà đi tới một thời kỳ phát triển mới. VietNamNet giới thiệu lá thư của nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Trần Đình Huỳnh gửi các ủy viên Trung ương này.
Theo những gì mà toàn Đảng, toàn dân được biết thì các vị đều là những người xứng đáng vì đã hội đủ các tiêu chuẩn đức, tài theo như quy định về tiêu chuẩn của một ủy viên Trung ương đã được công bố và được xác nhận của Đại hội.
Các vị đã được đề cử, các vị không rút lui khi tiến hành bầu cử có nghĩa là các vị đã tự xem xét, tự đánh giá mình một cách nghiêm túc, chân thành với tinh thần cộng sản và Đại hội đã tin tưởng ở sự thành thật nơi các vị, đã quyết định bầu các vị, tức là tín nhiệm, giao trọng trách cho các vị, có nghĩa là các vị tự giác dấn thân, sẵn sàng hy sinh chiến đấu cho Đảng, cho dân tộc với tư cách là một chiến sĩ tiền phong tiêu biểu trong Đội tiền phong của dân tộc.
Biểu quyết tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Ảnh: Hoàng Long
Chúng tôi cùng đa số các tầng lớp nhân dân đã từng tin và vẫn đang giữ trọn niềm tin rằng Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện luôn có tư cách của một đảng chân chính cách mạng, nhất định trước sau vẫn khắc cốt, ghi lòng, tạc dạ lời căn dặn của Người rằng “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Hồ Chí Minh toàn tập, t5, tr249).
Thực trạng Đảng ta và trong xã hội ta - như chính các văn kiện Đại hội đã thẳng thắn chỉ rõ - đang có những biểu hiện suy thoái, tiêu cực làm giảm sút đáng kể uy tín của Đảng và là một nguy cơ của chế độ. Đại hội lần này đã tỏ thái độ kiên quyết chỉnh đốn đội ngũ và thể hiện quyết tâm làm xoay chuyển tình hình để tiếp tục tiến lên. Những tuyên bố ấy của Nghị quyết Đại hội đang có sức hấp dẫn sự chú ý của toàn dân tộc, đang hâm nóng tinh thần những người đã, hay đang có dấu hiệu nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Sứ mệnh lịch sử của Đảng trong giai đoạn mới, trước tiên, đặt lên vai các tân ủy viên Trung ương, tân ủy viên Bộ Chính trị và tân Tổng bí thư bởi vì các vị có trọng trách trước tiên trong việc biến những tuyên bố tích cực của Đảng thành hiện thực.
Là một đảng viên cộng sản theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một vinh dự lớn.
Là một ủy viên trong Ban chấp hành TƯ của Đảng thì vinh dự lại càng lớn.
Trên đất nước này, ở thời đại ta đang sống, hẳn không có gì vinh dự nào hơn thế!
Vinh dự vì được có quyền uy là người lãnh đạo, quản lý trong bộ máy của Đảng duy nhất cầm quyền. Cũng cần nói thêm một ý này của Ph.Ăngghen là không có quyền nào mà lại không có lợi trong đó. Cái lợi không chỉ là ở sự đãi ngộ vật chất để các vị an tâm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân mà còn có cái lợi về tinh thần, là niềm tự hào về sự phấn đấu của bản thân, là người đem lại vinh quang cho cả quê hương, dòng tộc và gia đình mình, là người sẽ góp phần làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi Việt Nam trong thời kỳ mới.
Là những người có bề dày kiến thức và kinh nghiệm, các vị thừa hiểu rằng người lãnh đạo, quản lý ắt phải có quyền uy, nếu xã hội không được điều khiển bằng quyền uy thì sẽ là xã hội vô tổ chức, sẽ rối loạn. Quyền uy của mỗi người, của mỗi tổ chức chính là sức mạnh của những người có chức vụ nắm giữ và buộc những người khác phải phục tùng. Nhưng sức mạnh ấy do đâu mà có?
Trước hết, quyền và uy có tính khách quan, do toàn Đảng mà Đại hội đại biểu toàn quốc thay mặt ủy thác, giao phó. Trước khi được bầu, các vị chưa có quyền uy. Sau Đại hội, các vị đã là người có quyền uy. Đó là quyền uy từ bên ngoài trao cho mỗi người, do tính tất yếu khách quan mà có.
Thứ hai, quyền uy còn có mặt chủ quan, là sức mạnh của chính bản thân mỗi người. Đó là trí tuệ (trí tuệ không đồng nghĩa với bằng cấp, học hàm, học vị; nó là khả năng vượt trội trong việc nắm bắt quy luật, có khả năng dự báo, dám quyết và dám chịu trách nhiệm trước những vấn đề khó khăn mà với tư duy của nhiều người, có khi là số đông, chưa đạt tới).
Đó là đạo đức, là nhân cách của một "người lớn" mà người ta thường gọi là những đại nhân. Đã là người lớn thì chắc chắn phải là một người không nhỏ hẹp, không tư túng, không tham quyền cố vị, không thiên vị, biết tôn trọng mình và tôn trọng danh dự của Đảng, danh dự của dân tộc; có tinh thần quốc sỉ (xấu hổ vì sự kém cỏi của quốc gia) như cách nói của C.Mác.
Vĩ đại như Bác Hồ mà Người đã từng nói mình lấy làm xấu hổ vì để đồng bào còn bị khó khăn, thiếu thốn hoặc bị đọa đầy đau khổ. Những người có đức, có tài như thế, tự bản thân họ toát ra một sức mạnh cảm hóa, hấp dẫn, lôi cuốn những người khác. Xưa đã thế và nay lại càng cần như thế. Đạo đức, nhân cách của mỗi người chính là sức mạnh tạo nên quyền uy của họ mà những người khác tự giác tin theo và phục tùng.
Chúng tôi tin rằng, ở những mức độ khác nhau nhưng các vị ít nhiều đều có sức mạnh tự thân đó.
Nhân dân coi các vị là những người ưu tú của Đảng và của dân tộc, mỗi vị đều là một viên ngọc quý của quốc gia, nhưng nhân dân cũng hiểu rằng không phải mọi viên ngọc đều sáng trong như nhau đều không có tì vết gì. Bác Hồ đã từng nói rằng: “Trong Đảng tá gồm những người có tài, có đức. Phần đông những người hăng hái nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều ở trong Đảng ta... Tuy vậy, không phải người người đều tốt, việc việc đều hay... Cũng như một nhà có rể khờ, dâu dại... Rất giản đơn, dễ hiểu: Đảng ta không phải trên trời rơi xuống. Nó ở trong xã hội mà ra... Phải cố sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng càng mạnh khỏe, bình an” (T5, tr.262-263).
Nhân dân tin, rất tin là các vị sẽ thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình thì Đảng ta, trước hết là Ban chấp hành TƯ sẽ ngày càng trong sạch, đoàn kết.
Ph.Ăngghen đã nói về việc xuất hiện các vĩ nhân như sau: "Dĩ nhiên thật là một điều ngẫu nhiên thuần túy mà một vĩ nhân nào đó xuất hiện ở một thời đại nhất định nào đó, trong một nước nào đó. Nhưng nếu chúng ta phế bỏ người đó đi thì lại xuất hiện sự đòi hỏi một người thay thế, và người thay thế này sẽ xuất hiện tốt hay xấu nhưng cuối cùng rồi cũng xuất hiện".
Thời thế đòi hỏi trước sau cũng phải xuất hiện những người anh hùng đáp ứng yêu cầu của thời thế nhưng những người anh hùng cũng có thể góp phần tạo ra thời thế mới, thậm chí một thời đại mới. Lịch sử dân tộc ta và chính lịch sử của Đảng ta đã chứng tỏ điều đó. Hy vọng rằng vận nước đã tới, các vị sẽ là những người đáp ứng tốt được yêu cầu mới của lịch sử và chèo lái con thuyền cách mạng nước nhà đi tới một thời kỳ phát triển mới, tới bến bờ hạnh phúc: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Là người đã có chức danh, xin các vị hãy phấn đấu để thành danh, nghĩa là ghi đậm được dấu ấn của mình trên cương vị mới, ở một địa phương, đơn vị mà các vị đảm nhiệm, để Tổ quốc, nhân dân vinh danh.
Chúc các vị thành công, luôn xứng đáng với vinh dự và trọng trách vừa được trao để đáp ứng niềm tin và hy vọng của đồng chí, đồng bào và bè bạn gần xa.

Trần Đình Huỳnh

Thư gửi tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/8504/thu-gui-tan-truong-ban-tuyen-giao-trung-uong.html

Thư gửi tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 
- Trước hết, xin chúc mừng ông đã được Đảng tin cậy giao trọng trách Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
>> Thư gửi tân Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Là đồng nghiệp, chúng tôi vui mừng và tự hào khi lần đầu tiên một nhà báo, một tổng biên tập đã được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị, trở thành một trong những nhà lãnh đạo cấp cao, chịu trách nhiệm đối với công tác lý luận - báo chí của đất nước.
Ông Đinh Thế Huynh, tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tại cuộc họp báo bế mạc Đại hội Đảng XI, ngày 19/1. Ảnh: HLong

Xuất thân từ một nhà báo, trưởng thành từ nghề báo, có lẽ hơn ai hết, ông thấu hiểu bằng chính trải nghiệm cá nhân mình tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật" - cũng là thông điệp mà Đảng đã kêu gọi tại Đại hội XI vừa qua.

Người dân kỳ vọng ông, bằng tinh thần "nhìn thẳng sự thật và nói đúng sự thật" của những người làm báo, sẽ “nhìn thẳng vào sự thật” vào công tác lý luận hiện nay, vốn vẫn đang bị coi là “trì trệ và lạc hậu” so với thực tiễn cuộc sống đang sôi động ngoài kia.

Công cuộc Đổi mới của đất nước do Đảng lãnh đạo đã đi được ¼ thế kỷ. Giai đoạn “dò đá qua sông”, tự mò mẫm tìm đường phát triển thời kỳ đầu Đổi mới đã qua từ lâu. Những thành tựu không thể phủ nhận của Đổi mới đã đủ bằng chứng thuyết phục và niềm tin vững chắc vào con đường chúng ta đang đi. Nhưng những động lực phát triển theo kiểu hiện tại đã gần như tới giới hạn, đặt ra đòi hỏi gay gắt đến mức sống còn về một mô hình phát triển mới.

Trên con đường tìm kiếm mô hình phát triển mới ấy, công tác lý luận đóng vai trò như những người tiên phong. Đã đến lúc, các nhà nghiên cứu lý luận phải trả món nợ lâu nay với đất nước: mạnh dạn tìm tòi, đổi mới để đưa ra những triết lý, mô hình và giải pháp phát triển đột phá, thay vì đi sau thực tiễn cuộc sống như hiện nay.
Muốn vậy, người chăm lo công tác lý luận không cách nào khác, phải tạo ra bầu không khí dân chủ và văn hóa tranh luận trong nghiên cứu lý luận và khoa học. Bởi, nói như GS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận TƯ: “Nếu không cho người ta nói trái với ý của mình thì chẳng bao giờ có tiến bộ trong lý luận, khoa học được cả”.
Đối với báo chí, một lực lượng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước, gìn giữ bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ, nhiệm vụ quản lý, định hướng và tạo điều kiện cho báo chí phát triển cũng nặng nề không kém.
Từng là tổng biên tập và Chủ tịch Hội nhà báo, hẳn ông thấu hiểu áp lực đối với mỗi tờ báo, mỗi nhà báo, không chỉ làm sao giữ được “sợi chỉ đỏ” - làm tốt chức năng cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước mà còn phải nói lên được tiếng nói của nhân dân, trở thành diễn đàn của nhân dân. Bởi nếu không giành được sự yêu mến, tin cậy của nhân dân, tờ báo ấy sẽ bị cuộc sống từ chối và rốt cục, chỉ đi bên lề cuộc sống đầy sôi động.
Bằng góc nhìn của người trong cuộc, hy vọng ông sẽ tạo điều kiện và tìm ra những giải pháp để báo chí phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của mình với sự phát triển của đất nước.

Từ một nhà báo, bước lên vị trí lãnh đạo báo chí, hi vọng ông sẽ lãnh đạo báo chí thực sự trở thành nơi phản ánh trí tuệ, tâm huyết xã hội, nói lên tiếng nói, tâm nguyện của nhân dân với lãnh đạo đất nước.

Là người đứng đầu ngành tuyên giáo của Đảng cũng có nghĩa phải nhận lãnh một sứ mệnh hệ trọng khác: lãnh đạo, định hướng cho giáo dục.
Từ môi trường báo chí, nơi giao tiếp trực diện với những bức xúc và nguyện vọng của dân, hẳn ông thấu hiểu cải cách giáo dục đang là nhu cầu, đòi hỏi bức bách của cuộc sống. Những hạn chế và yếu kém của giáo dục đã trở thành mãn tính, tích tụ trong một thời gian dài, có tính hệ thống, và đang trở thành lực cản đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, hội nhập và phát triển.
Bởi vậy, một cuộc cải cách giáo dục toàn diện và triệt để, hướng tới một nền giáo dục hiện đại, nhân bản, tiến bộ và công bằng là mệnh lệnh không thể chối cãi, không thể chần chừ, để giáo dục thực sự góp phần đưa đất nước thoát khỏi cái bẫy của nước thu nhập trung bình.

Hi vọng, ông, trên cương vị mới của mình, sẽ góp thêm tiếng nói từ thực tiễn, để tạo thêm thôi thúc và quyết tâm biến tầm nhìn của Đảng về cải cách giáo dục trở thành hành động thực sự!

Dẫu biết rằng, đó là những gánh nặng ngàn cân nhưng xã hội sẽ luôn ủng hộ và hậu thuẫn cho những ai có bản lĩnh đổi mới và hướng đi đúng đắn.

Chúng tôi gửi gắm niềm tin và hy vọng 5 năm sau, khi nhìn lại, ông sẽ thấy tự hào với những gì mình đã làm cho báo chí, cho công tác lý luận, cho cải cách giáo dục, cho nhân dân và sẽ được lịch sử và nhân dân ghi nhận.
 
Quốc Thái

6 thg 2, 2011

Ý chí của nhà cai trị và lòng dân?

Trần Minh Thảo
Tác giả đặt ra nhiều câu hỏi về những vấn đề rất căn bản của thể chế, của đường lối đối nội, đối ngoại hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 chưa khiến ông (và chắc chắn là rất nhiều người nặng lòng với đất nước ) yên tâm. Trong đó vấn đề bản chất của nhà nước hiện hành chắc là đề tài gây nhiều tranh cãi. Có một chuyện khá tế nhị, “tưởng dzậy mà không phải dzậy”. Đó là chuyện “linh hoạt, sáng tạo” của người cai trị. Tất nhiên “linh hoạt, sáng tạo” thì không thể có nhà nước pháp quyền, thì sẽ có nền hành chính không giống ai, sẽ vô chính phủ, phe cánh, mafia… Nhưng cũng chính “linh hoạt, sáng tạo” nên mới có Nghị quyết 6 phá vỡ vòng kim cô của “chủ nghĩa xã hội” về kinh tế. Đó là mặt tích cực của “linh hoạt, sáng tạo” trong hoàn cảnh ta cứ bị cái bóng của “hai ông Tây có râu” nó đè mãi không thoát ra nổi nên cứ phải hô to “kiên trì”. Vậy các nhà cai trị kỳ này lại “linh hoạt, sáng tạo” một lần nữa để giải phóng sức bật của đất đai khỏi cái gông “công hữu”, giải phóng sức sáng tạo của người dân khỏi cái cùm “độc… lãnh…”. Cứ thế mà “diễn biến” dần cho đến đứt cái đuôi “định hướng”. Xong việc rồi ta sẽ thề đoạn tuyệt với “linh hoạt, sáng tạo” để quyết trung thành với nguyên tắc dân chủ pháp quyền. Khi ấy mới mong “dân giàu, nước mạnh” để không ai có thể “thỏa hiệp trên lưng mình”.
Bauxite Việt Nam

Một vị tướng (vừa trở thành Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) trả lời phỏng vấn rất mạnh, hợp lòng dân, bộc lộ ý chí của một dân tộc tự quyết định vận mệnh của đất nước: Không để nước khác thỏa hiệp trên lưng mình. Trăm năm qua, đã mấy lần Việt Nam trơ mắt nhìn người ta bắt tay thỏa hiệp trên lưng? Đã phản ứng thế nào? Nếu người ta lại thỏa hiệp lần nữa thì Việt Nam hành xử ra sao? Thử xem bằng cách nào Đảng biến lời nói thành sức mạnh chặn đứng những bàn tay bẩn thỉu âm mưu “đẩy tốt qua sông” lần nữa (thỏa hiệp trên lưng hay bắt tay qua đầu khi có cùng một điều kiện: kẻ có lưng sẵn sàng khòm, có đầu sẵn sàng cúi).
Có thể khẳng định, một nhà nước tồi với một dân tộc hèn thì tránh sao được việc người ta “múa gậy vườn hoang” trên vận mệnh dân tộc mình.
Nói về nhà nước, trước hết phải xem xét từ kiểu nhà nước (quốc gia, chính quyền).
Đặc điểm của nhà nước hình thành sau mỗi cuộc khởi nghĩa nông dân thành công là:
-Bộ máy cai trị cha truyền con nối (phụ thừa tử kế, con thầy chùa lại quét lá đa)
-Công hữu tài sản (chủ yếu là đất đai, dạng của cải quan yếu nhất của nền kinh tế nông nghiệp tuy đã phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại, “đất đai” là nhân tố quyết định nổ ra khởi nghĩa nông dân).
-Nhà nước vô chính phủ (cai trị bằng ý chí của giai cấp thống trị đại diện bởi vị hoàng đế danh nghĩa – tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung gì đấy). Nhà nước ấy tất yếu là duy ý chí, điều hành bởi lợi ích phe nhóm, thỏa hiệp phe nhóm, coi nhà nước pháp quyền là thứ yếu, thậm chí là thù địch, là âm mưu diễn biến hòa bình. Luật pháp chỉ áp dụng cho thứ dân.
-Quan hệ xã hội là quan hệ trên-dưới, lớn-nhỏ, chủ-tớ.
-Quyền lực cai trị là tập hợp các thế lực, các thủ lĩnh của mỗi thế lực tạo địa bàn cát cứ khi mạnh lên sẽ tiêu diệt các thế lực khác, chưa mạnh hẳn thì thỏa hiệp phân chia quyền lực. Ông vua chỉ còn là “nhân danh”.
-Ngay khi cuộc khởi nghĩa nông dân toàn thắng thì đã manh nha trong lòng nó một cuộc khởi nghĩa nông dân khác.
Mô hình cai trị sau khởi nghĩa nông dân thành công từng bị những nhà lý luận Mác-xít kết án là phản bội giai cấp.
Xét khái quát tình hình chính trị xã hội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì thấy đúng như vậy. Bộ máy cai trị ở Trung Quốc là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khởi nghĩa nông dân thành công, đi lên từ hai thế lực: thái tử đảng (cha truyền con nối) và đoàn phái (còn gọi là đội hậu bị của Đảng – cũng là thành phần cốt cán – con ông cháu cha, phần còn lại không phải là con ông cháu cha thì chỉ là thành phần “giơ tay nhất trí”), đất đai vẫn được coi là tài sản chủ yếu thuộc quyền quản lý của tầng lớp thống trị (công hữu), ý chí của tầng lớp thống trị là vô đối, trái với ý chí đó đều bị buộc tội là phản động (vụ Lưu Hiểu Ba và Hiến chương 08 là một dẫn chứng. Do đó, giải Nobel Hòa bình cho ông được coi là một cú đánh vào thành trì thống trị của Đảng, là chống phá nhà nước Trung Quốc, thứ nhà nước “khởi nghĩa nông dân”).
Việt Nam giống Trung Quốc đến mức nào?
Nhà nước linh hoạt, sáng tạo hay nhà nước vô chính phủ và cơ chế thủ lĩnh?
Do thói quen hay cố ý, khái niệm nhà nước và chính quyền thường dùng thay thế nhau gây nhầm lẫn. TS Cù Huy Hà Vũ bị cáo buộc tội chống nhà nước (Xhcnvn) nhưng xét việc làm của ông thì “nhà nước” ở đây là “chính quyền”, không phải là “quốc gia”. Phản đối chính quyền, phê phán chính quyền, buộc tội chính quyền không coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, chỉ chú ý vun vén lợi ích phe nhóm, xâm hại lợi ích quốc gia thì không phải là chống nhà nước. Việc ấy, trong các xã hội trọng pháp, người công dân có quyền làm dựa trên luật pháp. Cũng không chừng, việc bắt vị tiến sĩ luật là theo phương thức “thần thiêng nhờ bộ hạ”, bộ hạ thực hiện mà thần muốn còn thiêng nên cũng phải gật đầu (tức là thực quyền nằm ở bên dưới). Xét rộng ra, theo tôi, những việc làm rất có trách nhiệm của TS Cù Huy Hà Vũ là để bảo vệ, kiện toàn nhà nước ở cả hai nghĩa: quốc gia, chính quyền.
Tại một địa phương, vị Chủ tịch UBND bị “đấu tố”: làm gì cũng luật và luật, không có năng lực sáng tạo, linh hoạt. Vị Chủ tịch bị mất chức, bị thuyên chuyển. Ở một địa phương kế cận, vị Chủ tịch UBND lại được khen biết làm việc, rất linh hoạt. Vị này được cho đi tham quan, học hỏi nước anh em, tương lai còn lên. Sáng tạo, linh hoạt chính là mị dân, tùy tiện, vô chính phủ, bất chấp luật lệ, lợi ích nhân dân, quốc gia (một thứ chủ nghĩa dân túy kiểu châu Á?). Nhưng tại sao đảng cầm quyền đánh giá cao những đảng viên “sáng tạo, linh hoạt”, lên án những đảng viên nào có ý thức về kỷ cương, luật pháp là chống Đảng? Phương thức điều hành việc nước của đảng cai trị nói lên điều đó. Đó là phương thức “kiên định, sáng tạo” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong dự thảo nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI. “Kiên định, sáng tạo” phải chăng là tùy tiện, duy ý chí, coi nhẹ lợi ích của nhân dân, đất nước?
Vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, vụ phá sản tập đoàn Vinashin, đại dự án đường sắt cao tốc, bán đất rừng… cũng nằm trong “phạm trù” nhà nước (chính quyền) linh hoạt, tùy tiện, nhân danh nhà nước (quốc gia) làm những việc xâm hại an ninh quốc gia. Chứng minh ai đó nhân danh Đảng chấp chính hay nhà nước, làm trái luật có hại cho dân tộc là không khó. Nhà nước linh hoạt, tùy tiện thực chất là nhà nước vô chính phủ. Một nhà nước vô chính phủ lại buộc tội người khác chống phá nhà nước, vi phạm pháp luật thì có hợp lý, hợp lẽ? Không hợp lý lẽ nhưng phải chăng hợp với quyền lợi của từng phe nhóm, từng vùng ảnh hưởng của các thủ lĩnh trong đảng cai trị?
Một vài dẫn chứng cho thấy cai trị kiểu “vô chính phủ” đã đưa đất nước lâm vào tình trạng tệ hại hiện nay:
-Về nội trị
1/Tấm bản đồ lốm đốm
Trong Hội thảo góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI do Hội Khoa học Kinh tế và Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) tổ chức, với sự tham dự của 22 trí thức - đảng viên cao cấp, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương, có một vị yêu cầu Đảng, Nhà nước công khai bản đồ Việt Nam ghi rõ các nơi có sự đứng chân của Trung Quốc. Nếu Đảng, nhà nước làm việc đó thì bản đồ Việt Nam là một thứ lốm đốm, da báo, xôi đậu (một thứ dư đồ rách của Tản Đà).
(Nguyễn Trung: “Tôi chỉ xin đề nghị thế này, nếu Đại hội chưa làm được cái việc này xin làm ơn vẽ cho một cái bản đồ của nước ta ở những địa điểm nào Trung Quốc có những xí nghiệp gì. Các anh chỉ cần nhìn vào cái bản đồ này thôi các anh sẽ thấy vấn đề nó ra làm sao.”). (Toàn văn hội thảo nghe, xem tại đây).
Vậy TS Cù Huy Hà Vũ chống nhà nước nói chung – là quốc gia (thực chất, chống như vậy cũng là vô chính phủ) – hay chống loại nhà nước (chính quyền) rước người ngoài vào “chiếm đóng”, “khai thác”, khuynh loát đất nước? Xét các cáo buộc của vị tiến sĩ luật thì thấy ông không chống nhà nước, ông chỉ chống những người nhân danh lợi ích đảng cai trị, nhà nước làm khốn quốc gia.
Tấm bản đồ lốm đốm, xôi đậu còn cho thấy tư tưởng nước lớn nước nhỏ, dưới trên, chủ tớ của văn hóa Khổng Nho được Đảng Trung Quốc hiện đại hóa về ngôn từ (anh em đồng chí “4, 16” gì đấy).
2/ Hành tinh Oxy
Là nhan đề cuốn truyện khoa học giả tưởng của một nước Đông Âu ("Hành tinh Oxy" của Klara Seher, nữ văn sĩ người Hungary (?), đã được dịch và nhà xuất bản Kim Đồng phát hành 30 năm trước). Trên hành tinh này có một thiên đường của tầng lớp cai trị thừa mứa oxy và một địa ngục mà oxy được bọn thống trị cấp phát hàng ngày như một thứ ân huệ hoặc trừng phạt.
Ở Việt Nam, thỉnh thoảng nghe nói ông này, bà kia chỉ dùng rau trái sạch trong nhà kính, có bệnh viện riêng rất hiện đại, ăn uống hàng ngày cũng khác dân thường (BBC: Phở cộng sản)... Trung Quốc và Việt Nam có những đặc điểm của hành tinh “thiên đường oxy”? Việt Nam hiện nay có không một tầng lớp ngồi ở trên và đại bộ phận sống lay lắt ở dưới? Ai đụng đến “thiên đường oxy” đều bị khoác tội “chống phá nhà nước XHCN”?
3/”Kẻ ăn không hết, người lần không ra”
Vinashin mất khả năng chi trả nợ đến hạn, Evn thì tự thú đang đứng ở chân tường và kiên quyết tăng giá điện trong năm 2011 (xem tại đây )... Nhiều ý kiến chuyên môn nói nợ quốc gia ở mức báo động nhưng chưa nghe Đảng khẳng định nợ nhà nước đang ở mức an toàn. Trong khi đó các đại gia ngày càng giàu, các nhà văn, nhà báo có tâm huyết gọi họ là “trọc phú” do cách xài tiền “kiểu Mỹ”. Trong một xã hội phần nhỏ “ăn không hết”, phần lớn “lần không ra”, của cải xã hội nhiều lên do đổi mới chủ yếu nằm trong tay ai? Sự sụp đổ, nợ nần, thua lỗ của các tập đoàn nhà nước làm ai giàu lên, ai nghèo đi, thành phần nào trong xã hội dễ bị tổn thương do các cuộc khủng hoảng sinh ra từ đường lối, chính sách “vô chính phủ”?
Về ngoại giao
4/ Bán và mất
Phải bán gì và phải mất gì để Việt Nam trở thành “hành tinh Oxy”? Một quyền lực cai trị không thể không linh hoạt, không thể không vô chính phủ là vì lẽ gì? TS Cù Huy Hà Vũ và những vị đang ngồi tù vì tội “chống phá nhà nước” có lẽ tin rằng có thể chuyển hóa một nhà nước (chính quyền) lạc hậu, vô chính phủ, chia năm xẻ bảy thành một nhà nước thống nhất, văn minh, hiện đại, thượng tôn pháp luật? Có thể chặn đứng việc “bán” và “mất” những thứ quý giá nhất của Tổ quốc? Theo tôi, sau Đại hội, Đảng nên mở một đợt sinh hoạt chính trị nội bộ, cung cấp đủ thông tin về “bán” và do đó bị “mất” những gì cho 3,5 triệu đảng viên và người dân biết. Có làm được không? Ít ra là nên cho đảng viên và người dân biết về “tấm bản đồ lốm đốm” và “tình hình biển Đông không có gì mới”.
5/ Ý bạn là ý trời?
Vụ hai lãnh đạo cũ kết tội ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội tội chống Đảng do ông ấy đề nghị sửa hiến pháp (xem tại đây), vụ bauxite Tây Nguyên được nói là “chủ trương lớn” của Đảng, đường sắt cao tốc được khẳng định không thể không làm,… những việc lớn đó là theo ý muốn của ai? Dư luận trong, ngoài nước nói Việt Nam không thoát ra được cái bóng của Trung Quốc, không thể có độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ? Ai đã đưa đẩy đất nước vốn “ra đường gặp anh hùng” đến tình trạng tồi tệ đó?
6/ Kim chỉ nam hay kim chỉ bắc?
Một nhà nước sinh ra từ cuộc khởi nghĩa nông dân thì luôn là một nhà nước vô chính phủ, mất định hướng, phát triển tùy tiện dù cho nó tự nói về kim chỉ nam, ánh sáng của chủ nghĩa này, tư tưởng nọ nếu nhà nước ấy không bước ra khỏi truyền thống, tập quán vô chính phủ của các cuộc khởi nghĩa nông dân có trong lịch sử Trung Quốc, Việt Nam. Dù nói gì thì kim chỉ nam của cuộc cách mạng vẫn là “sáng tạo”, “linh hoạt”, “vô chính phủ” để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước đi tới chủ nghĩa xã hội. “Kim chỉ nam” nào chỉ ra con đường chuyển cuộc khởi nghĩa nông dân thành ra cuộc cách mạng dân chủ, nhà nước pháp quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền ở những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa?
Không thấy có con đường nào, không có con người nào, không có kế sách nào vì chính trị thì cấm đa đảng, kinh tế thì công hữu về thực chất và nước ngoài đang đứng chân trên nhiều địa bàn trọng yếu của tổ quốc Việt Nam. Trong tình hình đó muốn giữ vững ổn định chính trị thì chỉ có một cách: xây thêm nhà tù, tăng cường lực lượng trấn áp… Có người nói, định hướng thế nào được khi “kim chỉ nam” lại là “kim chỉ bắc”?
Tùy tiện, tùy hứng vẫn là cách làm việc nước phổ quát với khẩu hiệu “kiên định” và “sáng tạo” làm cho xã hội lúng túng như gà mắc tóc.
Chưa rõ đảng cai trị giải quyết hình thái chiếm hữu và quan hệ xã hội chủ-tớ thế nào để đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp văn minh tiến bộ, giữ được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển bền vững. Cũng chưa thấy đảng cai trị làm gì để cải tạo chế độ chính trị dựa trên thành tích “khởi nghĩa nông dân” khi vẫn cứ coi “quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (tức là lãnh đạo cho đến khi nào có chủ nghĩa xã hội) là lý tưởng chính trị của Đảng. Có thứ chủ nghĩa xã hội nào không coi công hữu của cải xã hội là mục đích? Lịch sử nhân loại chưa có bằng chứng về công hữu tài sản có tên chủ nghĩa xã hội mà chỉ có tên gọi cho kiểu chiếm hữu ấy là quân chủ phong kiến – coi của cải nói chung là của nhà vua, nhân dân là tôi tớ của nhà vua.
Cuối cùng là chưa thấy đảng cai trị làm gì để không bị nước lớn bắt tay nhau trên đầu (trên lưng?) khi phương thức cai trị đã làm suy đồi mọi thứ kể cả lòng tin của người dân vào chế độ, vào bộ máy cai trị và các giá trị nhân văn khác.
Vị tướng trả lời phỏng vấn (thể hiện ý Đảng) có chí khí nhưng cũng “lực bất tòng tâm”, chỉ tại cái “la bàn chỉ bắc” làm cho “lòng dân đổi khác”.
T. M. T.