27 thg 7, 2012

KHÔNG AI "LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC"!


Bùi Văn Bồng

Gần đây, khi nhân dân có sự biểu thị và tỏ rõ sự phản đối trước những hành động trắng trợn của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền thiêng liêng trên vùng biển-đảo của Tổ quốc, lãnh đạo của thành phố và một số phương tiện truyền thông Hà Nội lu loa lên rằng có sự “Lợi dụng lòng yêu nước, có sự tiếp tay, kích động của các thế lực thù địch”(?!). Chưa nói đến động cơ gì thôi thúc, đó là nhận thức đầy chủ quan và áp đặt, phát ngôn tùy tiện, thiếu căn cứ, gây dị nghị cho dư luận xã hội, gây dị ứng và lo ngại cho trình độ "quan trí". làm lãnh đạo, khi thấy dân phản ứng điều gì khác thường, thì trước hết phải bình tĩnh xem xét, nhìn nhận xem quan điểm, vai trò lãnh đạo, cung cách, biện pháp có gì sai, không nên vội vàng phản ứng chủ quan và tậm chí "chụp mũ". Làm như thế là sai với phương pháp cách mạng, sai quan điểm quần chúng của Đảng….

Hãy thật sự bình tĩnh xem xét, không ai “lợi dụng lòng yêu nước”, vì hai lẽ: Thứ nhất, biết bao máu xương của nhiều thế hệ đã đổ xuống mà cho đến nay đất nước vẫn chưa sạch bóng quân xâm lược, nguy cơ bị mất nền độc lập dân tộc đe dọa thường trực, nhân dân không thể yên lòng trước thế lực bên ngoài liên tục gây hấn, lăm le và bộc lộ rõ mưu đồ chờ thời cơ xâm lược bất kỳ lúc nào. Sự biểu hiện không yên lòng đó chính là lòng yêu nước. Thứ hai, là những tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quyền dân chủ nghiêm trọng và tràn lan, sự suy thoái mất phẩm chất của "một bộ phận không nhỏ có chức có quyền" đang có nguy cơ phá ruỗng xã hội từ bên trong, kìm hãm công cuộc đổi mới đất nước.

Cả hai sự lo lắng, bất bình đó chính là sự thể hiện lòng yêu nước chân chính. Lòng yêu nước không cho phép ai thỏa hiệp với những sai lầm, những nguy cơ bất ổn nêu trên. Trong mọi cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, sức mạnh toàn dân chính là sức mạnh của cả dân tộc. Không có sức mạnh toàn dân sẽ không giành được thắng lợi. Cho nên, khi đất nước có nguy cơ bị xâm lăng, và cả khi giặc xâm ngoại xâm đã ngang nhiên chiếm mất chủ quyền lãnh thổ, đe dọa trực tiếp đến cuocj sống bình yên của mỗi người, chỉ có nhân dân mới đánh đuổi được giặc ngoại xâm, chỉ có nhân dân mới làm lạnh mạnh hóa các mối quan hệ xã hội. Khi nội tình đất nước không yên, chỉ có nhân dân mới đủ sức mạnh để dẹp trừ kẻ tham lam độc ác, đem lại sự bình yêu, đem đến sự phát triển lành mạnh và bền vững.

Khi lãnh đạo biết nhận rõ sức mạnh vĩ đại của nhân dân, tôn trọng dân chủ, động viên toàn dân đánh giặc, khuyến khích người dân mạnh dạn đấu tranh chống những thói hư tật xấu, nhiệt tình tham gia xây dựng Đảng, chính quyền,  thì mới chiến thắng được thù trong, giặc ngoài. Vơ đũa cả nắm, cho rằng nhân dân đang nghe lời "thế lực thù địch", là coi thường nhân dân. Và như thế, đánh mất đi sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, có lợi cho kẻ thù mà nguy cơ mất nước ngày càng gia tăng mức độ nguy hiểm trầm trọng. Lòng yêu nước chân chính làm nên sức mạnh toàn dân tộc không dễ gì bị thế lực thù địch lợi dụng. Trong thể chế dân chủ XHCN, ai cố tình đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, phản dân, hại nước thì chính kẻ đó là "thế lực thù địch".
Những quan điểm, nhận thức tư tưởng sai lầm khi đánh giá về lòng dân, phân tuyến với nhân dân là sự thể hiện phi giai cấp vô sản, đi trật đường lối "cách mạng là sự nghiệp quần chúng" của Đảng.  Quan điểm sai, động cơ sai, dẫn đến phát ngôn và hành động sai. Nó thường xuất phát từ động cơ cá nhân, nói theo cấp trên để nịnh hót, bợ đỡ, chiều lòng, thậm chí a dua một bề, một sự ngu trung để lại những hệ lụy tai hại. Cũng có thể bị mắc mưu kẻ địch, mất cảnh giác do cạn suy, ngộ nhận, hoặc vì động cơ quyền lợi cá nhân ích kỷ nào đó. Cả hai biểu hiện duy ý chí và đầy chủ quan đó đều có sự xúi giục: Chính lương tâm xúi giục và kẻ khác xúi giục. Làm cách mạng mà sai từ quan điểm tư tưởng đến phương pháp thì cũng coi như phản cách mạng.

Từ thực trạng đó, suy ra, thế lực thù địch không đâu xa, mà ngay trong lòng người. Cái tâm không sáng, lòng không trong, tâm hồn bị thực dụng che khuất thì sinh ra ngu muội, thấp hèn và liều lĩnh. Khi ngu muội đã làm mất tỉnh táo thì ám muội xuất hiện sinh ra những phát ngôn, hành xử tùy tiện, thậm chí bất nhân. Cần phải thấy rằng, toàn dân đã bất bình lên cao độ vì đã đổ bao xương máu của nhiều thế hệ, nay đất nước vẫn chưa có hòa bình thực sự, cuộc sống vẫn còn nhiều biểu hiện trái với bản chất của chế độ xã hội "của dân, do dân, vì dân". 

Bên trong thì quan tham cấu kết lâu năm thành bè nhóm, phe phái, phân rã đoàn kết nội bộ lãnh đạo, kéo lùi sự phát triển đất nước, ngân khố quốc gia bị đục ruỗng do nạn tham nhũng tràn lan. Bên ngoài thì nguy cơ Tổ quốc bị xâm lăng đe dọa. Người dân yêu nước, và yêu chính cuộc sống hòa bình, tự do, độc lập, sao lai có thể “mũ ni che tai" được? Phải hiểu rằng, những người không đi biểu tình không phải ai cũng phản đối biểu tình. Nhưng vì những cuộc ngăn chặn, bắt bớ của chính quyền và công an, vì tôn trọng sự kêu gọi, cẩn trọng vì sự đe nẹt, dọa dẫm, cũng chưa có "Luật biểu tình" một cách hợp pháp, họ chưa đi biểu tình. Không ít người cho rằng, "Thôi, họ đâu có hiểu dân, đâu có biết tôn trọng dân; ba mươi sáu chước, phòng thân cho được yên vẫn hơn”. Nhưng khi tình huống đất nước đến độ một mất một còn, làn sóng nhân dân sẽ dội lên như từng lớp sóng thần, lúc đó không có thế lực nào có thể ngăn được.

Vì thế, làm lãnh đạo, làm truyền thông phải hiểu được lòng dân. Dân ta ngày xưa chưa được nâng cao nền giáo dục, dân trí thấp, đã không dễ dàng bị “thế lực thù địch” xui khiến. Nay, trình độ dân trí đã được nâng cao, toàn cầu hóa đã đưa thông tin nóng hổi trên trái đất này đến từng người, “thế giới phẳng” đã giúp con người hiểu hết đúng-sai, phải-trái. Nếu lúc nào cũng ngăn chặn, che chắn, dùng chút quyền lực nhỏ hẹp của mình để chặn làn sóng nhân dân, chẳng khác nào đang tự dìm mình xuống đáy bùn.

Do sớm đánh giá đúng sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, hiểu rõ bản lĩnh, ý chí của người dân nước Việt, Chủ tịch Hồ Chí Mính đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước". 

Kẻ địch, nếu có, và đang rắp tâm chống phá chế độ này, đâu đến mức hết cách để phải “lợi dụng lòng yêu nước”, để rồi “thưa ông tôi ở bụi này”? Nghị quyết Trung ương 4, cũng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi tiếp xúc cử tri đều kêu gọi toàn dân tham gia việc nước trong lúc nhiều rối ren, yếu kém, toàn dân tham gia chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Dân thì không thể "ra" được công văn, chỉ thị, chỉ biểu hiện bằng tiếng nói của quyền tự do dân chủ, trong đó có tham gia biểu tình, tuần hành. Nếu như nay Nhà nước đứng ra tổ chức cho cả nước biểu tình, tuần hành, sẽ có hàng triệu người hăng hái tham gia. Muốn dân không tự phát, thì chính quyền phải đứng ra tổ chức mítting, biểu tình, tuần hành để thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Không ai “lợi dụng lòng yêu nước”, chỉ có nhân dân luôn luôn giữ vững truyền thống dân tộc và lòng yêu nước sẵn sàng cuồn cuộn dâng lên những lớp sóng nhấn chìm lũ quan tham làm tàn hại đất nước, lũ bán nước và cướp nước. Biểu tình, tuần hành là hoạt động đã đi vào truyền thống của dân ta. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta cũng phát động, kêu gọi nhân dân biểu tình, mít tinh, tuần hành, thị uy, bãi công, bãi chợ. Đó là một trong những phương pháp cách mạng, được coi là ‘mũi giáp công” cần thiết. Phản đối Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền dân tộc, đưa ra những yêu sách, kiến nghị một cách ôn hòa đòi công bằng, chống bất công, chống cường quyền để bảo vệ quyền làm chủ, tất cả đều vì “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”.

15 thg 7, 2012

Ý kiến chuyên gia về vấn đề các vụ cưỡng chế.



(Tamnhin.net) - Ngày 25/5/2012, Thủ tướng có yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hưng yên giải trình, báo cáo lại cụ thể quá trình cưỡng chế đất đại tại Văn giang, trong đó có việc lực lượng cưỡng chế gây thương tích cho người dân và nhà báo. Với tinh thần hưởng ứng Nghị Quyết HN TƯ 3, 4, 5 K XI, xin có một số thông tin để góp phần làm rõ thêm Về vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang. Trên một số mặt chủ yếu sau đây. 

Cũng như vụ cưỡng chế tại Tiên lãng, vụ cưỡng chế tại Văn giang tiếp tục vi phạm điều 40 của Luật đất đai 2003 nhưng lại lộ ra là một hoạt động có tổ chức, với quy mô lớn hơn, có bài bản đầy đủ hơn, hình thành một dây chuyền bảo kê rộng để có thể thực hiện cưỡng chế với sự chống đối thấp hơn của dư luận xã hội. Thực trạng đó phản ánh quy mô và tác động rộng lớn của “nhóm lợi ích”, đồng thời phản ánh một thực tiễn phổ biến trên thế giới là “có sự móc nối giữa lực lượng maphia của thế giới ngầm với một số cán bộ có thế lực của hệ thống chính quyền. Tuy nhiên trong việc này, có một kẽ hở nhưng không rõ nhóm lợi ích đã bịt chưa? Luật có kẽ hở để nhóm lợi ích có thể lợi dụng là tại khoản 1, điều 40 của Luật đất đai 2003 có ghi là “dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ”. Do đó phải rà soát lại là Chính phủ đã ban hành quy định nào chưa và theo đó, có thể liệt Ecopark vào danh mục dự án đầu tư lớn không ? Nếu không có văn bản quy định theo chiều hướng này thì việc tỉnh Hưng yên cưỡng chế thu hồi đất để giao cho Vihajico là hoàn toàn sai điều 40, khoản 2 của Luật đất đai 2003.
Có hoạt động hạn chế, vô hiệu hóa vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng, thông qua hoạt động hạn chế vai trò của các phóng viên. Tại vụ Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng mới khống chế được hoạt động tuyên giáo, báo chí, truyền thông trực thuộc TP, sử dụng lực lượng tại chỗ, bao gồm cả lực lượng xã hội đen, để khống chế, hạn chế hoạt động của phóng viên. Thế nhưng đến vụ Văn Giang thì vừa có sự hạn chế các phương tiện thông tin đưa tin, vừa có tình hình lực lượng cưỡng chế lại đi tới hành hung, bắt giữ phóng viên, tức sự khống chế lại phát triển lên mức cao hơn.
Việc khống chế hoạt động của phóng viên còn thể hiện trong vụ cản trở phóng viên đến thu thập thông tin tại địa điểm Biệt thự giá khủng của con Bí thư Hải dương. Nói chung, không thể coi nhẹ hoạt động của “nhóm lợi ích BĐS nói riêng và nhóm lợi ích nói chung” trên lĩnh vực khống chế các phương tiện truyền thông.
Đặc biệt là với vụ án trang trại Phường Đồng tâm, TP Vĩnh yên (Vĩnh phúc) núp danh lập trang trại để nuốt biến đất trang trại thành nền biệt thự để kinh doanh. Sau gần 1 năm điều tra, ngày 14/10/2011, công an tỉnh Vính phúc đã có kết luận và đến 12/2011 đã ra lệnh truy nã Nguyễn Anh Quân là chủ mưu, đã kịp trốn ra nước ngoài. Nhiều báo, trang mạng điện tử đã kịp thời phản ánh và cung cấp thông tin về vụ này và, qua đó, phát hiện những khuất tất trong quá trình điều tra, kết luận và khởi tố. Trong hoàn cảnh đó, một số người có hành vi tiêu cực liên quan đến quá trình này đã phản công lại bằng gửi đơn tố cáo  báo điện tử tamnhinnet lên nhiều cơ quan và lãnh đạo Nhà nước, trong đó có gửi lên cả tới Chủ tịch nước. Đồng thời Lãnh đạo Báo,,Ban biên tập và phóng viên báo điện tử tamnhin nét bị đe dọa, qua mạng. Qua đó thì có thể thấy lực lượng khống chế phóng viện đã phát triển lên trình độ cao có thể sử dụng hệ thống mạng, dùng cả đến cơ quan công quyền chứ không còn ở những người có trình độ thấp như tại vụ Tiên Lãng, Văn Giang. Mặt khác, đã có Công an đến trụ sở của tamnhinnet để theo dõi tình hình dân đến tố cáo.                    
Qua các sự kiện chủ yếu như đã nêu ở trên, có thể sơ bộ kết luận là:
Từ sau vụ cưỡng chế trái pháp Luật tại Tiên Lãng, các nhóm lợi ích trên thị trường BĐS đã có phản ứng tích cực thúc đẩy cưỡng chế tại nhiều nơi. Do thấy các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận không có phản ứng mạnh mẽ như đối với vụ Tiên Lãng nên, qua vụ cưỡng chế tại Văn Giang và qua việc các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh những khuất tất trong vụ xét xử vụ án trang trại phường Đồng Tâm, các nhóm lợi ích trên thị trường BĐS đã tích cực phản công, trước mắt là chĩa mũi nhọn vào giới phóng viên, báo chỉ để hạn chế thông tin đến với dư luận xã hội để họ dễ bề hành động. 
Tình hình chính quyền thiên về lợi ích của chủ đầu tư, không quan tâm đúng mức đến lợi ích của công nhân cũng đã mở rộng đến tình hình không qua tâm đúng mức đến lợi ích của nông dân. Xu thế này không thể coi thường.
Do đó, quá trình đấu tranh trên lĩnh vực này phải là cuộc đấu tranh có tổ chức, có sự chỉ đạo khách quan của cơ quan có trách nhiệm thì mới có khả năng đối phó thành công trước sự phản công của các nhóm lợi ích trên thị trường BĐS.
Quá trình từ dự án Ecopark đến cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) được thành lập vào ngày 19/8/2003 và đến khi dự án Ecopark được Chính phủ phê duyệt thì quá trình này có một số đặc điểm chủ yếu sau :
Dự án Ecopark sử dụng 500 ha, vốn đầu tư 3.989 tỷ nên là dự án thuộc nhóm A, phải do Chính phủ phê duyệt. Do đó UBND tỉnh Hưng Yên có trình xin sự phê duyệt của Chính phủ.
Vì là dự án đổi đất lấy công trình nên thủ tục xem xét phải theo Quyết định 22/2003/QĐ-BCT. Thực hiện chức năng thẩm định, Bộ KH&ĐT có công văn số 3796/BKH/TĐ&GSĐT (18/6/2004) trong đó xác định “phương án đền bù giải phóng mặt bằng dự án chưa đảm bảo tính khả thi; hồ sơ pháp lý của chủ đầu tư, khả năng tài chính cho việc thực hiện dự án… chưa đủ, vi phạm Thông tư 04/2003/TT-BKH của Bộ hướng dẫn thảm định dự án đầu tư”.
Ngày 28/6/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng yên vẫn lập tờ trình 704/TT-UB gửi lên TTg xin cho thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư là Công ty đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng.
Ngày 30/6/2004, Chính phủ có Quyết định 742/QĐ-TTg cho phép thu hồi đất (tức 1 ngày trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực).
Dự án Ecopark đã được sự ủng hộ của một số tổ chức trong và ngoài nước sau đây:
- Năm 2012, dự án Ecopark đã được trao giải thưởng Bất động sản châu Á-TBD tại Malasia.
- Công ty bất động sản Sevills (chuyên kinh doanh văn phòng, nhà ở thuộc loại lớn nhất nước Anh) đã tham gia giai đoạn I của Ecopark và, vào năm 2009, đã ký thỏa thuận với Vihajico để được độc quyền bán nhà tại Ecopark. Theo thông cáo báo chí của Sevillis thì Sevills đã nghiên cứu thị trường VN từ 1995, có đặt trụ sở tại HN và TP HCM,  đã tuyển đến hơn 800 nhân viên.
- Bristish University Việt nam (thuộc London Univercity) vào tháng 11/2011 đã ký hợp đồng với Vihajico để xây dựng trường Đại học Anh quốc tại Ecopark.
- Cũng trong năm 2012, Ecopark còn được Hội Kiến trúc sư VN trao giải thưởng kiến trúc xanh.
- Dự án Ecopark cũng tranh thủ được sự đồng tình của Bộ Công an nên Bộ đã cử lực lượng trực thuộc Bộ tham gia vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang.
Sau khi xẩy ra vụ cưỡng chế tại Văn Giang,  GS Phạm quang Tuấn, công tác tại Úc, đã cùng 27 người khác ký tên vào một bức thư gửi lãnh đạo Đại học London (London University) đề nghị tác động đến lãnh đạo Bristish University Việt nam (thuộc London University) và lãnh đạo Công ty Sevills là hai tổ chức có liên quan đến dự án Ecopark để họ gây áp lực với chủ đầu tư Vihajico phải xin lỗi người dân và thực hiện đền bù thỏa đáng hơn. Viện phó Đại học London đã có thư trả lời GS Phạm quang Tuất cho biết sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này và thông báo là Bristish University Việt nam chưa phải là thành viên của Đại học London vì họ chỉ mới đang ký xin gia nhập Đại học London. (BBC Tiếng Việt, ngày 13/5/2012).
Theo Ông Bùi huy Thành, CVP UBND tỉnh Hưng Yên, trả lời phóng viên báo Tuổi trẻ, dự án khu đô thị-thương mại-du lịch Văn Giang (Ecopark) là một dự án đổi đất lấy công trình. Theo đó công trình mà tỉnh cần là tuyến đường từ chân cầu Thanh trì – Thành phố Hưng Yên, dài khoảng 22 km, trong đó có 5,3 km đi qua khu đô thị Ecopark. Để có được công trình đó, tỉnh chấp nhận đổi 500 ha đất cho Vihajico để xây dựng khu đô thị Ecopark. Do chủ đầu tư đã thực hiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng tầng thuộc Huyện Văn Giang nên Tỉnh phải có trách nhiệm giao đủ đất thuộc dự án cho chủ đầu tư nên đã thực hiện việc cưỡng chế như đã triển khai.
Lực lưỡng cưỡng chế có quy mô lớn, có thể nói là chưa từng có. Tuy nhiên, thông tin đưa ra có những sai số cụ thể: (i) tin đưa về số lượng lực lượng cưỡng chế có tin là chỉ có 1.000 người nhưng cũng có tin đưa ra con số 3.000 người. (ii) tin đưa là lực lượng cưỡng chế chỉ sử dung 2 quả lựu đạn hơi cay để giải tán khoảng 300 người chống cưỡng chế. Nhưng lại có tin đưa ra là lực lượng cưỡng chế nổ súng bắn hơi cay mù mịt, có đánh đập người chống cưỡng chế. (iii) có tin 2 cảnh sát bị xây sát nhẹ vì trúng đá do người chống cưỡng chế ném nên đã phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Huyện. Ngoài ra còn khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” để tạm giữ hơn 20 người dân.
Đại bộ phận những người bị cưỡng chế thu hồi đất là người dùng đất đó để sản xuất kinh doanh cây cảnh nên thu nhập cao, mức đền bù tuy đã được chủ đầu tư nâng lên nhưng không đủ bù đắp thiệt hại (Nhân dân 24/4/2012, trong bài “làm gì để bảo vệ 3,81 triệu ha đất trồng lúa” có đưa tin là trong năm 2009, thu nhập bình quân tính theo GDP/ha của đất trồng lúa là 9,1 triệu đồng trong khi đất kinh doanh phi nông nghiệp là 2,1 tỷ đồng, tức cao gấp 230 lần đất trồng lúa. Thông tin này cho thấy việc nông dân trồng cây cảnh không chấp nhận giá đền bù của chủ đầu tư là có căn cứ thực tế).
Trong quá trình thực hiện cưỡng chế, có hai phóng viên VOV của đài TNVN, Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long, được cử đi tìm hiều tình hình cưỡng chế tại Văn Giang vào ngày 24/4/2012 bị CA đánh và bắt đưa về Viện kiểm sát nhân dân Huyện Văn Giang.
Ngày 9/5/12, Hội Luật gia VN chính thức có công văn đề nghị Bộ CA, tỉnh ủy và UBND tỉnh Hưng yên làm rõ vụ nhà báo, luật gia Nguyễn ngọc Năm bị hành hung khi đang tác nghiệp tại Văn Giang.
Ngày 9/5/12, Ủy ban bảo vệ nhà báo, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York đã lên án vụ hành hung 2 nhà báo tại Văn Giang.
Đài TNVN đã có công văn, ngày 9/5/2012 gửi Ban tuyên giáo TƯ, Bộ Thông tin truyền thông, Hội nhà báo VN và UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu làm rõ vấn đề. Chiều ngày 10/5/2012, Thiếu tướng Trần Huy Ngạn, GĐ CA Hưng Yên đã đến đài TNVN làm việc với lãnh đạo đài. Cùng tham dự có đại diện A87 (Bộ CA), VP đài TNVN, lãnh đạo trung tâm-tin đài TNVN và 2 nhà báo. Theo Ông Ngạn thì việc xẩy ra ngoài ý muốn của tỉnh. Tham gia cưỡng chế có CA của xã, huyện, tỉnh và một số CA của Bộ và dân phòng. Lãnh đạo đài TNVN khẳng định là Đài cử 2 phóng viên đi tác nghiệp tại đây và hoạt động theo đúng pháp luật. Do đó yêu cầu CA Hưng Yên nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm những người hành hung, bắt giữ 2 phóng viên của đại. Theo tin chính thức của VOV thì đã nhận được giấy mời của CA Hưng Yên, đến 16/5/2012 làm việc với tỉnh (gồm cả VP UBND tỉnh) để làm rõ vụ việc.
Liên chi hội nhà báo VOV có kiến nghị với Liên chi hội nhà báo VN, thông tin về vụ này và đề nghị có ý kiến. Ông Hà Minh Huệ, PCT Liên chi hội nhà báo VN cho biết vì mới nhân được thông tin một chiều nên chưa có thể nói quan điểm của mình, cần có thêm thông tin của phía tỉnh.
Chánh văn phòng UBND, Bùi huy Thành, tỉnh Hưng Yên yêu cầu làm rõ những căn cứ đánh hai nhà báo như đòi hỏi phải có bản gốc của video clip, chứng thực thương tích,…thì mới có thê có căn cứ kết luận. Cách đòi hỏi phải có chứng cứ cụ thể là đùng nhưng lại hạn chế vào những chứng cứ đó mà không đề cập đến những nhân chứng, vật chứng khác và bảo đảm cho các nhân chứng không bị chính quyền làm khó dễ. Do đó, trong chừng mực nhất định, yêu cầu của Ông Thành cũng thể hiện việc muốn áp đặt quan điểm của chính quyền. Clip các lực lượng cưỡng chế đánh người là rõ và có thể xác định những người thuộc lực lượng bảo vệ đánh người là ai, từ đó, làm rõ những chứng cứ cụ thể. Dù người bị đánh không phải là nhà báo thì đấy cũng là hành vi phạm pháp. Đánh nhà báo cũng là hành vi phạm pháp theo tội danh “chống người thi hành công vụ” là 2 nhà báo đó.
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo do TTg chủ trì ngày 2/5, có mặt lãnh đạo của 63 tỉnh, thành, Bộ, ngành. Theo yêu cầu của PTTg Nguyễn Xuân Phúc, Phó CT UBND tỉnh Hưng Yên, Nguyến khắc Hào, báo cáo là việc cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang là theo đúng Luật đất đai. Sau 8 năm từ khi có quyết định thu hồi đất, tỉnh vẫn chưa hoàn thành việc giao đất cho chủ đầu tư do dân khiếu kiện liên tục….. Do đó tỉnh phải thực hiện việc cưỡng chế. Cho là trong vụ việc này, có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước, dựng video clip giả về việc lực lưỡng cưỡng chế đàn áp dân. Các phương tiện thông tin đại chúng nói ít trong khi phía bên kia phản ứng nhanh, đưa tin liên tục.
Trước ngày cưỡng chế, dân đã dựng lều, tụ tập để chống đối và CVP UBND tỉnh  Bùi Văn Thành đã yêu cầu các phóng viên không được có mặt tại nơi cưỡng chế để “đảm bảo an toàn tuyệt đối”
Một số nhận xét về quá trình trên.

Cho tới nay, chỉ mới có báo Người cao tuổi, ngày 24/4/2012 lên tiếng xác định cưỡng chế tại Văn Giang là sai luật đất đai.
Theo Luật đất đai 2003, điều 40, khoản 1 về thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế thì dự án Ecopark không thuộc phạm vi thu hồi đất để phát triển kinh tế mà là dự án sản xuất kinh doanh nên thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 2 “Đối với dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”. Do đó quyết định cưỡng chế thu hồi đất của tỉnh là trái Luật đất đai 2003. Đặc biệt lưu ý là lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng làm theo TP Hải Phòng trong vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng là vận dụng Luật đất đai 1993 để biện minh cho việc cưỡng chế thu hồi đất. Theo điều 145 của Luật đất đai 2003 thì Luật đất đai 2003 thay thế Luật đất đai 1993 và Luật bổ sung một số điều được ban hành vào các năm 1998 và 2001. Vì thế nên lãnh đạo tình Hưng Yên không thể dựa vào các điều khoản của Luật đất đai trước đó để biện minh cho quyết định của mình là đúng luật, coi dự án Ecopark thuộc diện đề án có thể thi hành cưỡng chế theo điều 40, khoản 1 của Luật đất đai.
            - Dự án Ecopark là dự án đổi đất lấy công trình. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) chứ không phải chủ đầu tư là UBND tỉnh Hưng yên. Do đó, đây là dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Theo điều 40, khoản 2 của Luật đất đai thì nhà đầu tư phải tiến hành thương thảo với người đang sử dụng đất và chính quyền chỉ có thể đứng làm trung gian chứ không có quyền thu hồi đất cho nhà đầu tư.
Về nội dung của dự án Ecopark. Tổng diện tích đất giao cho dự án Ecopark là 500 ha và được sử dụng như sau:
            - 33,85% diện tích dùng để xây nhà ở.
            - 22,28% diện tích được dùng phục vụ thương mại.
            - 21,86% diện tích dùng để trồng cây xanh và mặt nước (phục vụ du lịch sinh thái).
            - 17,13% diện tích phục vụ giao thông.
            - 4,88% diện tích phục vụ quản lý công cộng của Ecopark.
Với cơ cấu sử dụng đất như vậy dự án Ecopark thực chất là dự án sản xuất kinh doanh (đầu tư xây dựng khu đô thị-thương mại-du lịch), thuộc phạm vi điều chỉnh của điều 40, khoản 2 của Luật đất đai 2003. Toàn bộ vốn đầu tư là thuộc Vihajico chứ không thuộc vốn từ NS của UBND tỉnh Hưng Yên. Nếu Vihajico chấp nhận đầu tư xây dựng đường giao thông từ Hà Nội về Hưng Yên để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh, theo tinh thần đổi đất lấy công trình thì, so với tổng mức đầu tư mà Vihajico bỏ ra, kinh phí đầu tư đó không lớn. Mặt khác, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đó còn có tác động đến khía cạnh tạo điều kiện thuận lợi để khai thác Ecopark vì nếu không có giao thông thuận lợi đưa khách đến Ecopark thì Ecopark sẽ không có đầu ra và, do đó, không thể đảm bảo hiệu quả mong đợi. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông của Tỉnh và, về cơ bản, vốn đầu tư thuộc về ngân sách. Trong trường hợp này thì  UBND tỉnh có thể sử dụng phương thức cho Vihajico thuê một diện tích nào đó trong quỹ đất mầu mỡ của nông dân để giao cho Vihajico, qua đó thu về số tiền cần thiết để đầu tư xây dựng tuyến đường từ cầu Thanh trì đến TP Hưng Yên.
Từ đó, có thể nói là UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang vừa sai luật đất đai 2003, vừa phục vụ cho lợi ích của chủ đầu tư là chủ yếu chứ không phải phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh (và phục vụ đời sống nhân dân Văn Giang) là chủ yếu vì công trình được dùng để cho Vihajico đổi lấy đất, về thực chất, còn để đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự án Ecopark. Do đó đã buộc nông dân phải chấp nhận giá đền bù quá thấp do Vihajico đưa ra, so với phần lợi nhuận mà Vihajico thu được từ dự án. Để đánh giá đúng mức hơn sai lầm của vụ cưỡng chế tại Văn Giang của UBND tỉnh Hưng yên, cần đối chiếu với vụ thỏa thuận thu hồi đất tại ngã ba Tràng tiền-Hai Bà Trưng, đối diện với Trung tâm thương mại Tràng Tiền. Sự việc như sau:
Công ty cổ phần Thời đại mới T&T là chủ đầu tư của dự án thành lập Trung tâm Thương mại - Văn phòng cho thuê trên mảnh đất này.
Công ty phải thương lượng với người đang sử dụng căn nhà đó để xác định giá đền bù. Suốt thời gian dài hai bên không đi được đến thỏa thuận vì không thống nhất được giá đền bù nên không thực hiện được việc giải tỏa địa bàn để Công ty thực hiện đề án đầu tư của mình.
Trong trường hợp đó, lãnh đạo TP HN phải vào cuộc và cuối cùng hai bên đã thống nhất được giá đền bù là 500 triệu đồng/m2. Đấy là giá cao kỷ lục, vượt xa khung giá của TP đã ban hành. Như vậy không có chuyện UBND TP Hà nội cưỡng chế người dân phải nhận mức đền bù do Công ty đưa ra và cũng không cưỡng chế thu hồi đất tức đã thực hiện đúng điều 40, khoản 2 của Luật đất đai.
Trong khi đó thì tại Văn Giang, tuy UBND tỉnh Hưng Yên có tham gia vào quá trình thương thảo giá đền bù giữa hai bên nhưng người dân vẫn không chấp nhận giá do chủ đầu tư và UBND tỉnh thống nhất đưa ra vì quá thấp so với nguồn lợi mà người dân thu được từ sản xuất kinh doanh cây cảnh. Trong trường hợp này, UBND tỉnh Hưng Yên đã không tiếp tục làm theo đúng luật và tiền lệ đã hình thành tại Hà nội nên đã thực hiện cưỡng chế người dân trên hai bình diện chủ yếu : (i) Buộc người dân phải chấp nhận giá đền bù được chủ đầu tư và UBND đơn phương thống nhất. Qua đó, UBND đã đứng ra bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư, không tôn trọng quyền lợi của người dân. (ii) Thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư nên đã vi phạm điều 40, khoản 2 của Luật đất đai.
Phải chăng từ đó, có thể kết luận là UBND tỉnh Hưng Yên vừa làm sai luật, vừa đứng về phía bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư, coi thường quyến lợi hợp pháp của người dân, không thể hiện đúng nhiệm vụ là đại diện của nhân dân, phục vụ nhân dân.
Qua vụ hành hung, bắt giữ 2 nhà báo, lộ ra thông tin chính thức là có cả lực lượng của Bộ CA tham gia vào cưỡng chế. Thực tế đó cho thấy việc UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện việc cưỡng chế đã được sự đồng tình của cơ quan cấp TƯ, tổi thiểu là của Bộ CA. Trước đây, trong trường hợp vụ Tiên Lãng, Trung Tướng Phạm quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ CA được cử tham gia vào vụ xét sử cưỡng chế tại Tiên Lãng, sau một đêm xem xét lại hồ sơ, đã tự điều chỉnh nhận thức, công nhận là cưỡng chế sai Luật để báo cáo với TTg. Đối với trường hợp cưỡng chế tại Văn Giang, lãnh đạo Bộ CA có xem xét sự kiện một các nghiêm túc, như Trung tướng Phạm Quý Ngọ, trước khi có quyết định ủng hộ tỉnh Hưng yên trong cưỡng chế tại Văn Giang không?
Quy mô của vụ cưỡng chế tại Văn Giang lớn gấp nhiều lần (có thể cả trăm lần) so với quy mô cưỡng chế tại Tiên Lãng. Thế nhưng dư luận xã hội và các phương tiện thông tin báo chí có thái độ ứng xử khác biệt. Tại vụ Tiên Lãng, các phương tiện truyền thông và tuyên giáo của TP và Huyện đều ủng hộ việc cưỡng chế thu hồi đất nhưng dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng đều lên tiếng phản đối một cách mạnh mẽ vả rộng rãi. Tại vụ Văn Giang, dường như dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng không có phản ứng gì rõ rệt và mạnh mẽ như tại vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng. Tại sao có sự khác biệt đó? Phải chăng là từ sau vụ Tiên Lãng đến vụ Văn Giang, đã có những vụ cưỡng chế từ Bắc Giang đến Vụ bản nhưng dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng hầu như không lên tiếng như đối với vụ Tiên Lãng nên đã tạo cơ hội để thực hiện tiếp vụ cưỡng chế tại Văn Giang với quy mô lớn hơn?
Về việc PCT UBND tỉnh Hưng Yên đánh giá là có sự móc nối giữa các thế lực chống đối trong và ngoài nước để gây ảnh hưởng xấu đối với chính quyền thì cần lưu ý là tuy không có lệnh cấm phóng viên đến tác nghiệp trong vụ cưỡng chế tại Văn Giang nhưng CVP UBND tỉnh, Ông Bùi Văn Thành “đã yêu cầu các phóng viên không được có mặt tại đây với lý do đảm bảo an toàn cho phóng viên”. Thế nhưng thực tế lại cho thấy sự uy hiếp an toàn của phóng viên lại từ lực lượng cưỡng chế trong khi người dân chống cưỡng chế lại bảo vệ phóng viên.
Nhìn chung, không thấy có bằng chứng nào thể hiện vai trò của các thế lực chống đối trong và ngoài nước đứng ra tổ chức chống cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang, tuy chắc các thế lực đó lợi dụng vụ cưỡng chế này để xuyên tạc thêm. Trong thực tế, chỉ mớỉ có tác động từ bên ngoài là trí thức việt kiều, đấu tranh đòi hỏi các đối tác nước ngoài của Vihajico phải tác động trở lại với Vihajico chứ không phải kích động người dân đứng lên chống việc UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện cưỡng chế tại Văn Giang. Nhưng lại có biểu hiện rõ ràng là trong thực tế, Vihajico còn tranh thủ (lobby) được ba tổ chức nước ngoài như đã nêu ở trên. Ngoài ra Vihajico còn tranh thủ được sự ủng hộ trong nước từ Hội kiến trúc sư VN và sự đồng tình của Bộ Công an để Bộ cử người tham gia cưỡng chế. Phải chăng Công ty đầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đã có hoạt động lobby trong và ngoài nước để ủng hộ đề án Ecopark ? Hoạt động lobby này có dừng lại ở các đối tượng trên không ? Phải chăng việc tranh thủ đó đã củng cố thêm quyết tâm của UBND tỉnh Hưng Yên để triển khai việc cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang ?

N.Lang

Theo Tạp chí Mặt trận Tổ Quốc số 105 tháng 7