27 thg 5, 2011

Tâm sự gửi đại biểu Quốc hội vừa trúng cử Trương Tấn Sang

Hà Sĩ Phu

Thưa ông Trương Tấn Sang, Đại biểu Quốc hội vừa trúng cử

clip_image002
Hà Sĩ Phu
Chưa cần đọc danh sách những đại biểu Quốc hội mới, tôi cứ mặc nhiên xác quyết ông là “Đại biểu Quốc hội vừa trúng cử” mà không sợ sai, vì tôi biết chắc điều ấy ngay từ trước khi bầu (ở Việt Nam mình có cái lợi ấy). Điều xác quyết này tuy đúng với tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng ta, song đối với riêng ông, niềm tin ông sẽ trúng cử có một nguyên nhân khác, và đây chính là điều khiến tôi muốn viết bức thư này.
Tất cả những người Việt Nam còn quan tâm đến tình hình nước mình chắc không ai quên lời phát biểu của ông cách đây mấy hôm:
“Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ"! Không nhẽ cứ để mãi như vậy mai kia, người “ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết! Thế đâu “có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi! Một bầy sâu là chết cái đất nước này!...”
Một vị lãnh đạo Đảng hiện nay mà dám nói một câu như thế nhất định người dân chúng tôi phải bầu, kể cả những cử tri đã quen nghĩ “Quốc hội là của Đảng” (còn nói “của dân” thì chỉ là nói xã giao), kể cả những cử tri định bụng sẽ “gạch tuốt”.
Nếu chỉ công nhận trong Đảng có “một số những kẻ thoái hóa biến chất, không làm theo lời dạy của Bác Hồ” thì dân nghe đã quen tai. Nhưng gọi hẳn chúng là “SÂU”, mà CẢ MỘT BẦY SÂU, thì rất khác trước (mặc dù còn phải chờ xem rồi đây có vạch mặt chỉ tên được “đồng chí Sâu” nào không).
Điều thứ hai khiến dân chúng ngạc nhiên là câu “Nghe mà thấy XẤU HỔ"! Suốt mấy chục năm được Đảng dẫn dắt “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” dân chúng chỉ thèm nghe một lời “xấu hổ” từ giới lãnh đạo.
Đi mãi trên đường thắng lợi mà sao hàng đoàn em gái nước Việt phải sang làm nô lệ tình dục, mà nhục nhã là ở… Căm-pu-chia? Hàng đoàn em gái Việt khỏa thân cho mấy thằng “nhăng nhít” nước ngoài kiểm tra mang về làm “vợ thử” cho cả gia đình chúng hoặc chơi chán thì giết quách… Mà đây không phải là những phụ nữ sa đọa gì về tính dục, họ con nhà lành, trong một xã hội tốt đẹp họ phải được hạnh phúc! Tuy ông chưa kể ra, nhưng một khi người lãnh đạo đã dám nói lời xấu hổ, ắt còn nghĩ đến dân, đến những người đang đóng thuế nuôi mình, trong đầu không thể bỏ qua những day dứt như thế phải không thưa ông?
Ông cha ta đã để lại cho giống nòi một “quỹ gen” rất quý nên mới sinh được những người tài như Nghệ sĩ Piano Đặng Thái Sơn, như GS Toán học Ngô Bảo Châu, như Phó thủ tướng Đức người Việt Philipp Rösler… Tiếc rằng khi “nhận vội” những vinh quang ấy về cho mình, ta đã không hề băn khoăn tự hỏi nếu những hạt giống ấy không được nước ngoài vun xới, cứ ở trong nước thì Đặng Thái Sơn liệu có thoát khỏi cái lí lịch “xấu” của người cha Nhân văn Đặng Đình Hưng, Ngô Bảo Châu liệu có được yên thân như Lê Bá Khánh Trình, vì ông Châu sớm muộn gì cũng bị quy là một kẻ “ngộ nhận, tiếp tay cho diễn biến hòa bình”? Khi tiếp nhận những thành tựu ấy, bên cạnh niềm vui, nhà nước phải biết giật mình mà xem lại chính sách của mình đối với những “nguyên khí quốc gia”, có vàng trong nhà mà không biết dùng, người Việt thông minh tài giỏi thế mà sao nền giáo dục bây giờ cứ nát như tương, chẳng có tác phẩm văn học hay điện ảnh nào xứng tầm thời đại?
Trước khi du nhập trào lưu Cộng sản, dẫu còn nằm trong quỹ đạo Thực dân và Phong kiến, cha ông ta vẫn để lại được cho đất nước một “thế hệ vàng”. Nhưng Cách mạng đã tận dụng và bồi đắp thế nào mà gặt hái được một thế hệ “mất gốc hoàn toàn, vong bản tuyệt đối” ? Nếu chưa thấy rõ điều đáng xấu hổ ấy thì ít nhất cũng phải dừng ngay sự bắt bớ, xử tệ với những tiếng nói phản biện trong lĩnh vực bảo vệ đất nước, chống nội xâm tham nhũng, sửa đổi cách cai trị đang mất lòng dân… Chưa nói đến chuyện phân định ai đúng ai sai, ít nhất cũng phải nhận ra cơn “địa chấn xã hội” đang rung chuyển, thấy xã hội đang rất cần “những phút tĩnh tâm” để cùng nhau rà soát lại cung cách điều hành và dẫn dắt xã hội, vai trò của bất cứ Đảng nào cũng không là gì trước sự tồn vong thịnh suy của đất nước. Còn nếu cứ khăng khăng nhắm mắt lao dốc theo khẩu hiệu “Cách mạng không ngừng” của Lênin thì thưa ông Trương Tấn Sang, bốn chữ Xã hội chủ nghĩa thành “xuống hố cả nút” là điều chắc chắn.
Ta thường nêu cao đặc điểm Văn hóa phương Đông, nên xin thưa Văn hóa phương Đông đặc biệt coi trọng điều liêm sỉ, biết điều sỉ nhục. Dân tộc Nhật Bản, sau Đại chiến 2 biết nỗi nhục của kẻ bạo cuồng phát xít bại trận mà “phẫn chí” bảo nhau tu tỉnh rồi vụt lên thành cường quốc kinh tế thứ nhì đáng nể trọng. Trung Quốc có câu “Bang hữu đạo, bần thả tiện yên, sỉ dã. Bang vô đạo, phú thả quí yên, sỉ dã”, nghĩa là khi nước có đạo lý thì kẻ nào chịu nghèo và chịu hèn phải lấy làm sỉ, nhưng khi nước vô đạo thì những kẻ đã giàu lại sang chính là kẻ đáng sỉ nhục vậy (cái bầy Sâu mà ông đề cập nhất định không biết điều sỉ nhục này dù vẫn luôn mồm viện dẫn Văn hóa phương Đông!).
Một hôm trên tivi, trong lời tâm sự với thày giáo cũ của mình, nhà Toán học Ngô Bảo Châu nói một lời chí lý: “Muốn thành người tử tế, hữu ích trước hết phải là người biết xấu hổ”! Tiêu chuẩn phân định thật đơn giản, rành mạch như toán học. Chỉ dạy tự hào mà không dạy xấu hổ thì con người bị lệch, muốn bay lên mà không xác định được mình đang ở đâu. Khi vận động tranh cử, ông chỉ cần khẳng định “tôi là người biết xấu hổ” là dân tin được một nửa rồi.

Một số Bloggers đã có sáng kiến truy tìm xem điều gì là điển hình cho nỗi QUỐC NHỤC? Các anh em ấy đã tìm thấy cội nguồn sức mạnh của một dân tộc là ở sự biết nhục, biết xấu hổ, trong đó có những ý kiến rằng nỗi Quốc nhục thì có nhiều, nhưng phải tìm ra “nỗi nhục Mẹ” sinh ra các “nỗi nhục Con”, hoặc gợi ý “nỗi nhục lớn nhất là không biết nhục”…, nhưng cuộc trưng cầu ý kiến không thấy kết thúc, vì xúm nhau vào tìm “Quốc hoa” thì được, tìm Quốc nhục là phạm húy chăng? Để cho “cả một bầy Sâu” lũng đoạn xã hội, làm nhục đất nước mà những người tử tế, thậm chí có học mà đành khoanh tay thở dài thì đây là Quốc nhục hay là Quốc vinh?
Lại xin trở về với ấn tượng “một bầy Sâu”. Ai cũng biết câu “Con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng với tôi câu ấy gợi một lần trải nghiệm khó quên. Một lần vợ tôi bận việc, tôi xung phong nấu cơm. Tôi chuẩn bị giã cua, gọt mướp, nhặt rau đay tinh tươm. Bữa cơm dọn ra, tôi thầm nghĩ thế nào cũng được vợ khen. Chẳng ngờ khi mở vung nồi canh thì thấy một chú sâu xanh lẹt chết, còn bám chặt vào mặt dưới chiếc vung nồi canh. Tôi chỉ còn biết xin lỗi vợ về sự bất cẩn. Cũng chẳng cần biết con sâu có “can dự” trực tiếp vào nồi canh bên dưới không, nhưng chúng tôi đành đổ phắt cả nồi canh cua đi, ngồi ăn cơm trộn nước mắm, sau này mỗi lần bất giác nhớ lại vẫn ghê cả người. Bây giờ tưởng tượng có một bầy sâu đang sống ngoay ngoảy, con cựa trong nồi, con bò quanh bát thì cơm ngon canh ngọt gì mà nuốt cho được? Tôi tin rằng những người có tâm hồn nhạy cảm, cả một đời sống trong sạch, thiết tha yêu đất nước quê hương, trước những cảnh ghê tởm hiện nay trong xã hội cũng có cảm giác rùng mình như tôi trong bữa cơm có sâu ấy. Nhiều người tâm đắc với bài thơ “Tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt” của nhà thơ Bùi Minh Quốc là vì vậy.
Chúng tôi tin là ông có quyết tâm trừ Sâu, nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên… tử” phải không thưa ông? Thiên tử (con Trời) là Vua, bây giờ là Vua tập thể, trong tập thể Vua ấy có những ai thuộc họ nhà Sâu?

Sâu bọ đã nảy sinh từ lâu, trước ông đã nhiều người đã muốn diệt trừ chúng mà chịu bó tay. Hãy ví dụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông có thể còn điều này điều kia đáng trách, nhưng ai cũng biết ông không hề dính vào bọn “Sâu”, không cho con sang Mỹ, không có đô la gửi Thụy Sĩ, không đưa con vào ngôi vị cao…, nghĩa là ông rất có tư cách để khai chiến với lũ Sâu mà còn bất lực than thở: Sâu từ vai trở xuống thì may còn trị được, chứ Sâu từ vai trở lên đỉnh đầu thì đành xin hàng!
Có vị Bộ trưởng bị đem kiểm điểm đã thú thật: Tôi có lỗi, nhưng đồng chí khác có lên thay thì cũng thế thôi. Cái “cơ chế của ta” nó thế.
Phó thủ tướng người xứ Nghệ thì nói huỵch toẹt cho dễ hiểu: Cứ “chặt chém” (chém sâu) thẳng tay thì bầu cũng không kịp (tức là người số tử tế bổ sung vào không thể nhiều bằng số Sâu sinh ra), thế thì Quốc hội kỳ này có bầu được toàn những “người đủ tài đủ đức”, thì chiểu theo nhận định của ông Sinh Hùng, số “tài đức” ấy cũng chỉ làm cho đội ngũ của “bầy sâu” được đông đảo thêm mà thôi.
Chấp nhận như vậy thì trừng trị cũng vô ích thật, “tốc độ tăng trưởng” của bầy sâu bao giờ cũng cao hơn cùng kỳ khóa trước! Để củng cố thêm cho nhận định sắc như dao của ông Sinh Hùng, Bộ Chính trị cũng nói thẳng là trong vụ thất thoát 84.000 tỷ đồng của Vinashin chưa thấy có ai đáng phải kỷ luật cả. Thế là rất rõ, xin quán triệt.
Cứ với “tốc độ tăng trưởng” của bầy Sâu như vậy thì chẳng mấy chốc mối lo ngạinhư vậy mai kia, người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hếte dễ thành hiện thực lắm. Và khi ấy điều lo lắng tiếp theo của ông “Một bầy sâu là chết cái đất nước này cũng thành hiện thực nốt. Rất rõ, “chết” theo cả nghĩa đen.
Dân chúng tán thưởng lời phát biểu có nét mới của ông nhưng cũng thoáng thấy trong quyết tâm có phảng phất chút gì lo ngại cho tương lai, biết đâu “mai kia tất cả thành sâu hết”…. Khó thế, đến nhân vật thứ nhì trong hệ thống quyền lực (là nói thứ nhì trong Bộ Chính trị, chứ Quốc hội thì quyền lực nỗi gì) còn không trị được Sâu, thì Sâu phải bự phải mạnh hơn “ông thứ nhì” này? Vậy nó là ai hoặc những ai?
Nếu những kẻ gây hại chỉ là Sâu thì cớ sao không diệt được? Sâu ấy phải có tiền mua được tay chân, phải có quyền bắt người vào tù, phải chiếu được hào quang làm người dân lóe mắt, phải biết ngụy trang lúc ẩn lúc hiện, lúc là thánh thiện lúc là ma cô…, chắc phải như vậy thì con người mới phải sợ Sâu, đến nỗi người có quyền lực nhất nhì cũng chịu bó tay.
Thưa ông Trương Tấn Sang, vì cảm được nỗi khó khăn, lắt léo, ma quái trong cuộc trừ Sâu nên trong một bài thơ tôi đã phải gọi con “Sâu bự” ấy là con “QUỶ SỨ” tai ác nằm trong đống rơm, ai cũng trông thấy mà vẫn như không thấy gì cả, cả xã hội cứ chơi hoài một trò Ú tim. Bài thơ làm đã hơn 20 năm nay, mà lúc ấy còn đăng được trên một tờ báo của ngành Tư Pháp.
Xin đưa lại bài thơ này để ông đọc cho vui, như lời chia sẻ có ý nghĩa nhất của tôi với vị đại biểu Quốc hội vừa trúng cử Trương Tấn Sang, người có lời phát biểu đầy ấn tượng, hợp lòng dân hiếm thấy. Tuy thấu hiểu khó khăn, nhưng tôi cũng học nhạc sĩ Tô Hải, thêm một lần hy vọng, vì dẫu sao “đề án diệt sâu” của ông vẫn còn để ngỏ, hiệu quả ở phía trước còn tùy thuộc nơi biện pháp và bản lĩnh của tác giả, tùy thuộc quyết tâm và sự gắn bó với nhân dân.

Trước khi dừng bút xin gửi ông một lời hy vọng chân thành.
Kính thư

Đà Lạt 24-5-2011
H. S. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Tìm con Quỷ sứ
Con Quỷ nằm giữa Đống Rơm
Một đoàn đốt đuốc lom khom đi tìm
Đuốc soi sáng cả lỗ kim
Mà con Quỷ sứ vẫn tìm chẳng ra
Miệng người lớn tiếng hò la
Tay người như chớp nhặt quà Quỷ ban
Con Quỷ hở một ngón chân
Chục anh xúm lại rút rơm che liền
Thính tai, nghe Đống Rơm truyền:
- “Để rơm bén lửa thì phiền với ông!” 

Hà Sĩ Phu
(Đã đăng báo Tư pháp LĐ tháng 10-1987
và báo Doanh nghiệp tháng 11-1993)

16 thg 5, 2011

Kinh tế tri thức: Việt Nam đang ở đâu?


Vấn đề & Sự kiện
 
Thứ Hai, 16/05/2011, 08:38 (GMT+7)
Kinh tế tri thức: Việt Nam đang ở đâu?

TTCT - Bản tường trình mới đây của UNESCO về kinh tế tri thức trên thế giới cho thấy thang bậc về kinh tế tri thức của Việt Nam dù có tăng thời gian qua nhưng vẫn còn quá thấp so với các nước trong vùng. Một trong những lý do khiến Việt Nam ở thứ hạng thấp như vậy là do yếu kém về giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Trong nền kinh tế tri thức, sự phát triển kinh tế liên quan tới mức độ cạnh tranh về công nghệ. Cạnh tranh công nghệ lại phụ thuộc vào khoa học và nghiên cứu khoa học (NCKH). Do vậy, trong nền kinh tế tri thức, NCKH đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số KEI: xếp hạng 106/145
Ngân hàng Thế giới đã phát triển một số chỉ số để đo lường một nền kinh tế tri thức. Những chỉ số này bao gồm chỉ số tri thức, chỉ số sáng tạo, chỉ số về giáo dục, công nghệ thông tin. Từ các chỉ số này người ta có thể tổng kết thành một chỉ số chung gọi là chỉ số kinh tế tri thức (Knowledge Economy Index hay KEI). Nhìn toàn cục, các chỉ số này phản ánh phần nào tình trạng kinh tế tri thức của một nước và cho phép chúng ta so sánh với các nước khác.
Trong báo cáo về tình hình khoa học trên thế giới năm nay của Tổ chức Giáo dục - khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), có 145 nước được xếp hạng về kinh tế tri thức. Kết quả phân tích và xếp hạng cho thấy (dựa vào chỉ số KEI) nền kinh tế tri thức của Việt Nam đứng hạng 106 trên 145.
Nếu dựa vào chỉ số H thì Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ khoa học quốc tế?
Theo số liệu của SCOPUS, chỉ số H của Việt Nam trong thời gian 1996-2009 là 84. Nói cách khác, trong số hơn 8.000 bài báo khoa học công bố thời gian trên có 84 bài được trích dẫn ít nhất là 84 lần. Với chỉ số H này, Việt Nam đứng hạng 61 (trong số 235 nước), trong khi Thái Lan hạng 39, Malaysia 54, Indonesia 58 và Philippines 56. Các cường quốc khoa học châu Á như Singapore hạng 31, Hàn Quốc 21 và Trung Quốc 18, cách Việt Nam khá xa.
So với năm 1995, thứ hạng của Việt Nam tăng 14 bậc. Song so với các nước tương đương trong vùng, kinh tế tri thức của Việt Nam thấp nhất (Indonesia hạng 103, Philippines hạng 89, Thái Lan 63, Malaysia 48 và Singapore hạng 19). Việt Nam thậm chí còn ở thứ hạng thấp hơn cả bán đảo Fiji (hạng 86)! Đấy là bảng xếp hạng trong tình hình Philippines đã giảm 16 bậc, Indonesia giảm 2 và Thái Lan giảm 9 bậc.
Sản phẩm của NCKH ngoài những bài báo công bố trên các tập san quốc tế còn thể hiện qua số bằng sáng chế - một hình thức chuyển giao công nghệ. Từ năm 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng ký được 19 bằng sáng chế, có năm như năm 2007 chẳng có bằng sáng chế nào. Trong cùng thời gian, Thái Lan đăng ký được 310 bằng sáng chế, Singapore 3.644, Indonesia có 85, Philippines 256 và Malaysia có tới 901 bằng sáng chế.
Nếu nhìn vào tình hình xuất khẩu hàng hóa kỹ thuật cao (hi-tech) - một chỉ số quan trọng của nền kinh tế tri thức - thì thấy năm 2008, Việt Nam xuất khẩu đạt 48,6 tỉ USD. Con số này có vẻ ấn tượng nhưng vẫn chưa bằng 1/3 của Thái Lan (153,6 tỉ USD) và chỉ bằng 16% của Singapore (399,3 tỉ USD). Và thật ra, xuất khẩu hàng hi-tech của Việt Nam thấp nhất so với các nước trong khu vực. Hơn 1/5 tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam là khoáng sản và có tới 41% là hàng công nghiệp mà chủ yếu là gia công, dệt may. Trong khi đó, ngành xuất khẩu chủ đạo của Thái Lan là máy móc và thiết bị (chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu) và hàng công nghiệp (24%). Singapore cũng tương tự Thái Lan.
Những kết quả phân tích trên cho thấy vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh tế tri thức thế giới còn rất thấp. Những số liệu một lần nữa cho thấy lĩnh vực nghiên cứu chủ đạo của Việt Nam là y sinh học và vật lý chứ không phải toán. Và cho thấy ngay “nội lực” khoa học cũng kém vì có tới 62% công trình nghiên cứu phải hợp tác với nước ngoài và vì xuất khẩu hàng hóa hi-tech ở mức thấp nhất trong vùng.
Định vị khoa học Việt Nam trên trường quốc tế
Kết quả nghiên cứu khoa học thể hiện qua số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học trong những tập san chuyên ngành có bình duyệt quốc tế (peer review). Tuy có tới hơn 100.000 tập san khoa học trên toàn thế giới, chỉ có những tập san được liệt kê trong danh mục của Institute of Scientific Information (ISI) là được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Do đó, trên bình diện quốc gia, người ta dựa vào số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học trên các tập san thuộc thư mục ISI như là một thước đo để đánh giá và xếp hạng các nước.
Trong vài năm gần đây, nhiều người đã phân tích số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học của nước ta, so sánh với các nước trong vùng cho thấy khoa học nước ta nói chung còn kém. Từ năm 2001-2010, các nhà khoa học Việt Nam công bố được 8.220 bài báo khoa học trên các tập san ISI, dù đã tăng 3,4 lần so với thập niên trước đó (1991-2000) song vẫn chỉ bằng 1/4 của Thái Lan, 1/3 Malaysia và 1/6 Singapore.
Tuy vậy, các phân tích trên chưa định vị khoa học Việt Nam trên trường quốc tế ra sao.
Để xác định vị trí của nghiên cứu khoa học trên trường quốc tế, người viết bài này sử dụng dữ liệu của ISI và SCOPUS (các thư mục khoa học quốc tế) trong thời gian 14 năm (từ 1996-2009). Có nhiều cách định vị (hay xếp hạng) khoa học, nhưng tựu trung là dựa vào số lượng và một chỉ số hỗn hợp giữa số lượng và chất lượng. Đơn giản nhất là dựa vào số lượng ấn phẩm khoa học, vì chỉ số này phản ánh khối lượng thông tin khoa học “sản xuất” của một nước.
Nhưng cách xếp hạng này có vấn đề, vì có nước công bố rất nhiều công trình khoa học nhưng chẳng ai quan tâm vì chất lượng quá thấp. Tiêu biểu cho xu hướng này là Trung Quốc: từ năm 1996-2009, Trung Quốc công bố 1,5 triệu ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế, đứng thứ 2 sau Mỹ với gần 4,77 triệu bài báo khoa học, nhưng nếu dựa vào tầm ảnh hưởng thì Trung Quốc đứng hạng 10 trong số 235 nước có thể xếp hạng.
Số lượng công trình khoa học chỉ phản ánh lượng mà không phản ánh phần chất. Một nhà khoa học có thể có hàng trăm bài báo khoa học, nhưng chẳng ai trích dẫn hay quan tâm thì không thể xem là một nhà khoa học giỏi. Do đó, cách xếp hạng khách quan và hợp lý hơn là dựa vào chỉ số H (một sáng kiến của nhà vật lý học Jorge Hirsch - Đại học California San Diego). Có thể hiểu như sau: nếu một nhà khoa học có chỉ số H = 20 nghĩa là nhà khoa học này có 20 công trình nghiên cứu, mỗi công trình được trích dẫn ít nhất 20 lần.
Cần nói thêm rằng một nhà khoa học với chỉ số H 20 là ở vào đẳng cấp giáo sư. Các nhà khoa học y sinh học, vật lý học, hóa học từng đoạt giải Nobel thường có chỉ số H trên 30. Do đó, chỉ số H “dung hòa” giữa lượng và chất trong xếp hạng khoa học của một nước (xem bảng).
Cần chuẩn mực mới và cách mạng khoa học, công nghệ
Những kết quả phân tích trên một lần nữa cho thấy khoa học Việt Nam chẳng những ở một vị trí thấp trên thế giới mà còn thấp so với các nước trong vùng. Tính chung, ta chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar.
Cả nước hiện có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, cùng với trên 3 vạn tiến sĩ nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 900 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Đó là một năng suất cực kỳ khiêm tốn, nếu nhìn theo chuẩn mực quốc tế mỗi giáo sư phải có ít nhất một bài báo khoa học mỗi năm.
Vấn đề là ở nước ta vẫn tồn tại một sự nhầm lẫn giữa bài báo khoa học và bài báo phổ thông. Chẳng hạn, gần đây báo chí nói đến một nhà khoa học có số lượng bài báo kỷ lục về rùa, nhưng tìm hiểu thì ông này chỉ có hai công trình nghiên cứu và chưa có bài nào trên một tập san quốc tế! Không ít nhà khoa học nghĩ rằng những bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hay thậm chí trên báo chí phổ thông là công trình nghiên cứu! Với cách làm khoa học như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy năng suất khoa học quốc gia rất thấp so với quốc tế.
Vấn đề là cộng đồng khoa học Việt Nam chưa nhất trí tạo ra những chuẩn mực khách quan để đánh giá thành tựu một nhà khoa học. Vì thiếu một chuẩn mực khách quan nên có sự lẫn lộn giữa bài báo phổ thông, bảng tóm tắt trong hội nghị và một bài báo khoa học nghiêm chỉnh. Từ sự lẫn lộn này dẫn đến những sai lầm trong đánh giá và đề bạt các chức danh khoa học. Từ đó chúng ta có rất nhiều nhà khoa học “phổ thông”, nhưng rất ít những nhà khoa học thứ thiệt.
Theo thông lệ quốc tế, một công trình khoa học chỉ có thể xem là hoàn tất nếu kết quả công trình đó được công bố trên những tập san khoa học có bình duyệt, để người ta có thể công khai đánh giá công trình khoa học đó giá trị ra sao. Một công trình mang tiếng là nghiên cứu khoa học, tiêu nhiều triệu, thậm chí nhiều tỉ đồng (tiền thuế của dân đóng) mà không được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt, tức không công khai quốc tế, thì không thể xem là hoàn tất được và như vậy tác giả vẫn còn nợ người dân.
Đã đến lúc thiết lập các tiêu chuẩn để đánh giá một công trình khoa học và cần thay thế quy trình “nghiệm thu” bằng những bài báo khoa học quốc tế - cách mà Quỹ Nafosted của Bộ Khoa học - công nghệ đang áp dụng.
Những nước tiến rất nhanh trên con đường công nghiệp hóa như Hàn Quốc và Singapore đều có đặc điểm nổi bật là khoa học rất mạnh. Chỉ trong vòng 20 năm, Hàn Quốc và Singapore đã trở thành cường quốc về khoa học với nhiều đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu.
Năm 2020 được xem là thời điểm đến đích của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước của Việt Nam, tức chỉ còn chín năm. Đại hội Đảng XI mới đây nhấn mạnh đến “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường”. Từ vị trí hiện nay, mục tiêu cao cả đó có thể hoàn thành được không nếu không có một cuộc cách mạng trong khoa học và công nghệ?
GS NGUYỄN VĂN TUẤN
__________
Để phát triển bền vững với kinh tế tri thức
Để xây dựng một nền kinh tế tri thức, các đô thị như TP.HCM đều đang đứng trước những chọn lựa gay cấn về đường hướng phát triển.
Trong khi vẫn phải tiếp tục xử lý những tồn tại như hạ tầng quá tải, kinh tế, an sinh xã hội tiềm ẩn nhiều thách thức và nhân lực thiếu hụt, các nhà lãnh đạo hôm nay còn phải đối diện với những thách thức mới của quá trình phát triển bền vững.
“Bền vững hóa” - làn sóng thứ tư
“Phát triển bền vững” là một khái niệm cần được cụ thể hóa như trả lời sáu câu hỏi: tại sao, cho ai, làm gì, khi nào, ở đâu và như thế nào, nhằm tránh việc đề ra những tiêu chí không thực tế, mà hệ lụy luôn là lãng phí đầu tư cơ bản và làm tăng tính bất ổn về lâu dài.
Nếu xem TP.HCM là một “đầu tàu kinh tế” có thương hiệu, uy tín trên toàn quốc và quốc tế, ta có thể thấy được những tiêu chí của “phát triển bền vững” phải bao gồm từ việc nâng cao giá trị và uy tín của TP trong thu hút đầu tư và các cơ chế hành chính, thuế thông thoáng...; gia tăng GDP của TP phải đi đôi với việc giảm dần tỉ lệ chi tiêu công, tức gia tăng hiệu quả của bộ máy hành chính và các dự án đầu tư kinh tế - xã hội trên địa bàn TP...
Khi bước vào giai đoạn “phát triển bền vững”, nền kinh tế các quốc gia phát triển đã hoàn thiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp tri thức và dịch vụ, sản phẩm của họ đã được toàn cầu hóa (sản xuất toàn cầu, tiêu thụ cũng toàn cầu) và năng suất lao động cùng trình độ quản lý đạt mức cao nhờ cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin hoàn thiện.
Nói cách khác, xã hội của họ đã từ nền tảng pháp trị phát triển lên thành xã hội học tập, xã hội thông tin, và kinh tế tri thức với các quan hệ sản xuất không còn như thời kỳ mới đi lên công nghiệp hóa. Với lao động tri thức, rất khó lòng chỉ ra đâu là người làm công, đâu là giới chủ, ai bóc lột hay phụ thuộc ai, bởi vì mọi thành viên đều phụ thuộc lẫn nhau và mọi người tự do chọn nơi để cống hiến tri thức của mình mọi lúc mọi nơi, nhờ mạng thông tin của thời đại số hóa.
Tương tác thành công giữa các thế hệ
TP.HCM (và cả nước) đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành công nghiệp hóa. Chuyển từ “đi tắt” sang giai đoạn “phát triển bền vững” trong khi những điều kiện phát triển chín muồi và nhận thức xã hội vẫn còn trong quá trình hình thành và hoàn thiện là một quyết định không dễ dàng.
Đây chính là thời điểm lựa chọn ngặt nghèo, vấn đề lớn nhất làm thế nào để sử dụng hữu ích công nghệ của các nền kinh tế phát triển cao tiếp nhận được, giữ vững nhịp độ phát triển dựa trên cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin hiện đại vừa được gầy dựng, năng suất lao động và trình độ sản xuất công nghiệp bước đầu đạt được những thành tựu đáng kể... Trong đó, yếu tố con người và môi trường cần được phục vụ, quan tâm và bảo vệ bằng tất cả kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất nhằm phát huy tối đa năng lực lao động và sáng tạo không ngừng của xã hội nói chung và cư dân TP nói riêng.
Nếu giải thích của lãnh đạo TP Hà Nội vừa qua về việc chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tụt 10 bậc là vì “TP phải lựa chọn các nhà đầu tư do có quá nhiều nhà đầu tư muốn vào” là đúng thì việc tụt hạng này biết đâu lại là cần thiết. Cần nói thêm là Hà Nội đã nhìn thấy việc có tới 35 sản phẩm công nghiệp chủ lực song chưa có giá trị công nghiệp cao xứng với tiềm năng là một vấn đề nghiêm trọng.
Các nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên “phát triển bền vững” cần có tầm nhìn, hiểu biết tổng hợp về hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, có tri thức và kinh nghiệm lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ còn phải có kỹ năng thiết kế chiến lược và lãnh đạo hệ thống chính trị thi hành những chiến lược có tính khả thi cao và lâu dài.
Thực thi chiến lược ấy đòi hỏi người lãnh đạo phải tương tác thành công với các thế hệ khác nhau, đặc biệt là kỹ năng hiểu để tạo lập nền móng và trao đổi thành công với các lực lượng sản xuất nòng cốt trong tương lai: thế hệ Z (9X) và thế hệ An-pha (10X) vì các thế hệ này sinh ra, lớn lên và tiếp thu hoàn chỉnh những tinh hoa của kỷ nguyên số hóa và là những nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại của kỷ nguyên “phát triển bền vững”.
Lịch sử phát triển cho thấy ba làn sóng cách mạng kinh tế trong ba thế kỷ vừa qua của các quốc gia hàng top trên thế giới đã diễn ra theo trình tự: thứ nhất là công nghiệp hóa (thế kỷ 18 và 19), thứ hai là toàn cầu hóa (đầu thế kỷ 20) và thứ ba là số hóa (cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21). Các làn sóng ấy sẽ được tiếp nối bằng làn sóng phát triển thứ tư, đó là “bền vững hóa” (sustainability) trong nửa sau của thế kỷ 21.
Theo đó, làn sóng “phát triển bền vững” thuộc thế hệ thứ tư sẽ kế thừa và phát triển dựa trên những thành quả và cơ chế hình thành từ cách mạng công nghiệp hóa, được tăng chiều rộng lẫn chiều sâu bằng quá trình toàn cầu hóa và được nâng tầm hiệu quả bằng cuộc cách mạng số hóa.
TRẦN KHUÊ

15 thg 5, 2011

Đối thoại Nguyên Ngọc - Vũ Thành Tự Anh “Vóc dáng tự do , tinh thần độc lập”

Nguyễn Thu Phương
Tạp chí Tinh hoa
clip_image002“Triết lý giáo dục, nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm gì? Với nền giáo dục này, chúng ta muốn đào tạo nên những con người như thế nào đây? Chúng ta định đào tạo nên những con người tự do, biết suy nghĩ và có suy nghĩ độc lập, từ đó là những con người sáng tạo, hay đào tạo nên những con người chỉ biết chấp hành, vâng lời, phục tùng, hết sức dễ bảo…”. Đây là những lời mở đầu cho cuộc đối thoại giữa nhà văn Nguyên NgọcTiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Phó giám đốc phụ trách chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright Việt Nam) về sự vận động của giáo dục Việt Nam thế kỷ XXI – Một hình dung về con người cân đối hài hòa giữa thể chất và trí tuệ, với bản lĩnh tư duy độc lập để lựa chọn đường đi cho chính mình.

Một nền giáo dục tự do

Nhà văn Nguyên Ngọc (NN): Triết lý giáo dục sẽ chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của giáo dục. Kiểu triết lý giáo dục nào thì đưa đến kiểu nội dung, phương châm, phương pháp, tổ chức giáo dục đó. Vấn đề của Việt Nam là nên có một triết lý giáo dục như thế nào? Triết lý giáo dục hiện thời có vấn đề gì không? Và nếu có vấn đề thì có phải thay đổi nó không? Thay đổi như thế nào đây?
Vũ Thành Tự Anh (VTTA): Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm hệ thống giáo dục sẽ đào tạo một con người như thế nào? Tôi muốn bổ sung thêm trong điều kiện hiện nay thì Việt Nam càng phải nghĩ nhiều hơn đến triết lý giáo dục. Bên cạnh đó, triết lý giáo dục không phải là vấn đề của riêng Bộ GD – ĐT mà nó là hệ thống con nằm trong “hệ thống lớn” hơn. Muốn xây ngôi nhà tốt thì toàn bộ nguyên liệu, thiết kế, trang trí phải tương ứng với ngôi nhà đó.
NN: Đương nhiên chuyện giáo dục không chỉ là một cái gì của riêng nó. Giáo dục là hệ thống con nằm trong hệ thống mẹ là toàn xã hội, chịu sự chi phối tất yếu của hệ thống mẹ ấy. Triết lý của nền giáo dục tất yếu phải chịu sự chi phối từ triết lý chung của xã hội mà nó là con đẻ. Vậy vẫn đề đặt ra là khi hệ thống mẹ còn chưa có sự chuyển biến đáng kể thì có phải hệ thống con cứ đành chịu bị động một mực nằm chờ không?
Theo tôi, hệ thống mẹ chi phối hệ thống con là một quy luật, nhưng tác động phản hồi của hệ thống con lên hệ thống mẹ, góp phần làm lay động, chuyển đổi hệ thống mẹ cũng lại là một quy luật. Điều này càng đặc biệt đúng với giáo dục. Giáo dục cần và có thể góp phần làm chuyển động xã hội.
Trong lịch sử, từng có nhiều cuộc cách mạng xã hội bắt đầu từ giáo dục. Chúng ta biết chẳng hạn chính các nhà tư tưởng lớn, cũng là những nhà giáo dục tiên phong, như Jean Jacques Rousseau, là những người đã chuẩn bị cho các cuộc cách Pháp 1789. Nhật Bản thời Minh Trị cũng là một ví dụ sinh động và hùng hồn về vai trò tiên phong của giáo dục làm thay đổi xã hội. Những cuộc “hóa rồng” của các nước và vùng lãnh thổ châu Á trong thời hiện đại như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… đều bắt đầu từ giáo dục. Trước hết là thay đổi triết lý giáo dục.
VTTA: Phẩm chất quan trọng nhất của con người mà triết lý giáo dục phải hướng tới là tự do. Nếu không tự do thì sẽ không thích ứng với điều kiện kinh tế, xã hội trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay. Bên cạnh tự do thì phải có tiếng nói sáng tạo, phải chịu trách nhiệm trước bản thân, trước xã hội và biết tôn trọng người khác. Tức là sự tự do của anh có thể đảm bảo với một điều kiện là anh không xâm phạm tự do của người khác.
NN: Tôi cũng đồng ý với anh là giáo dục là phải đào tạo ra những con người tự do, tự mình đi tìm chân lý, sự thật. Nói theo một cách nào đó, sống tức là lựa chọn. Con người tự do là con người có ý chí và có khả năng tự mình lựa chọn, chứ không phải chịu sự áp đặt của người khác, dù là ai, trong lựa chọn. Và khi đã lựa chọn, thì tự mình chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó…
Vừa rồi tôi có dự một cuộc hội thảo về cách xưng hô trong trường đại học tại Đại học Hoa Sen, ở đấy người ta đã thảo luận về việc có nên để sinh viên xưng “Tôi” trong trường đại học hay không ? Theo tôi, việc đó là cần thiết. Nó tạo ra tư thế cho người sinh viên cần thiết để bắt đầu là một con người độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mình, bình đẳng với mọi người trước chân lý. Tất nhiên đấy không phải là tất cả, nhưng nếu không có bước đầu tiên đó thì sẽ rất khó đi tới nữa.
VTTA: Tôi nghĩ để tạo nên con người tự do thì anh ta phải có một vị thế tự do trong xã hội. Việc thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy như bác Nguyên Ngọc nói là để tạo nên con người tự do, thì cách xưng hô là bước đầu tiên để ra con người tự do theo nghĩa dưới góc độ khoa học. Bởi vì, khi đi vào lâu đài tri thức thì tôi và thấy đều phải như nhau, chứ không phải với người đi trước thì người đi sau phải quỵ lụy hay cảm thấy mình thấp hơn. Chuyện đó tồn tại trong xã hội tôn ti trật tự rất nặng nề như ở Việt Nam…
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh là sự bình đẳng giữa học trò và thầy giáo phải là yếu tố tiên quyết. Nếu không tạo được sự bình đẳng mà vẫn là những “tôn ti trật tự” như trước thì sự áp đặt về mặt tri thức, tức ông thấy là chân lý tuyệt đối còn học trò chỉ là thụ động, sao chép và ghi nhớ sẽ vẫn diễn ra. Và nếu không có sự bình đẳng sẽ không có sự trao đổi và tranh luận, thì không phải là khoa học.
Tôi nghĩ người thấy phải có sự dũng cảm và tầm nhìn xa trông rộng để thực hiện một việc dù nhỏ nhất ấy. Trong trường Fullbright, tôi gọi các học viên là “bạn”, ngược lại họ có thể xưng “tôi” với giáo viên, chuyện đó hết sức bình thường, mặc dù về mặt tri thức họ không thể được so với người đào tạo hết sức bài bản, nhưng khi ở phạm trù “tôi” và “các bạn” đối thoại với nhau thì hoàn toàn bình đẳng. Thế nên tôi nghĩ vấn đề là ở nhận thức của người thầy chứ đừng đổ tại sinh viên.
NN: Đúng vậy. Một ít kinh nghiệm vừa qua đã cho tôi thấy sự thay đổi ở người thầy lại khó hơn là ở sinh viên. Chính người thầy phải chủ động tạo ra sự bình đẳng về tư thế của con người trước chân lý, thì mới làm thay đổi được tình hình.
VTTA: Chúng ta phải nhận thức rất rõ điều kiện xã hội và điều kiện lịch sử mình đang có, vì trong thế giới có tính toàn cầu hóa, giao thoa nhanh, mạnh và luôn luôn thay đổi như thế thì chắc chắn không thể chuẩn bị tất cả mọi thứ cho con người.
Vậy thì anh phải chuẩn bị những cái cơ bản nhất, đó là khả năng tự đưa ra lựa chọn và năng lực lựa chọn, tự mình chịu trách nhiệm. Hệ thống giáo dục này không nói là anh phải chọn A hay chọn B, đỏ hay đen mà phải cung cấp cho họ năng lực để họ có khả năng đưa ra sự lựa chọn của mình một cách thông minh. Đây là sứ mệnh của hệ thống giáo dục.
Thứ hai là trong quá trình chọn lựa người ta phải linh hoạt, tức là khi mình đối diện với một môi trường thay đổi liên tục, thì mình không thể suy nghĩ một chiều, không thể mình đúng mà mọi người sai, mà phải chấp nhận một nền “tri thức mở” hơn, theo nghĩa có thể đúng và có thể sai. Cá nhân học sinh phải có tính sáng tạo, có khả năng tiếp nhận tư duy bất định. Với một thế giới như thế, anh phải có một tư duy như thế, nếu không anh sẽ tự diệt, tự đào thải anh ra khỏi cuộc sống.
NN: Đúng vậy với một thế giới luôn bất định như thế thì sứ mệnh của giáo dục không chỉ là trang bị cho con người chủ yếu là kiến thức (vì kiến thức là vô tận, lại luôn biến đổi và phát triển, và trên đời này không ai có độc quyền chân lý cả), mà là trang bị cho họ phương pháp để họ tự biết và dám tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi tìm lấy những gì mình tin là chân lý và sống làm việc theo những chân lý đó.
Những con người như vậy là những con người tự do, có năng lực tư duy độc lập, giàu khả năng và ý chí sáng tạo, nền tảng của một xã hội tự do và phát triển. Xin nhấn mạnh lại chữ “dám” , theo tôi đấy là một từ rất quan trọng. Người dám tự mình đi tìm chiếm lĩnh lấy kiến thức, chân lý là người không tin một cách tiên nghiệm, như một niềm tin tôn giáo, rằng có những chân lý tuyệt đói, bất biến được rao giảng như tín điều đặc kín trong các sách giáo khoa dày cộp. Con người đó dám tự mình đi khám phá thế giới, với những phương pháp mà nhà trường đã trang bị, gợi ý cho họ. Đó là những con người tự do sâu sắc từ bên trong.
Tôi nghĩ đó chính là điều chúng ta tha thiết mong ở lớp trẻ của chúng ta, có được một lớp trẻ như vậy, một lớp trẻ thật sự lành mạnh về tinh thần và trí tuệ, có bản lĩnh vững chắc, đầy tự tin, thật sự độc lập và tự do trong chính mình như vậy, thì có thể hoàn toàn tin chắc ở tương lai tươi sáng của dân tộc.

clip_image004“Lý thuyết trò chơi” trong thay đổi giáo dục

NN: Nền giáo dục của chúng ta hiện nay quả như một con bệnh nặng và trầm kha và lâu nay đã có nhiều thầy thuốc đưa ra những đơn thuốc khác nhau. Về đại thể có thể có hai hướng đề xuất giải quyết: Một hướng chủ trương trên cơ sở xác định mục tiêu chiếc lược lâu dài, về biện pháp nên làm từ từ, chuẩn bị thật kỹ và tích cực một thời gian (có thể đến mươi năm) để cuối cùng đi đến một chuyển đổi cơ bản toàn bộ hệ thống.
Một hướng thứ hai muốn dùng biện pháp mạnh để có thể từ đột phá nhất điểm, làm lay chuyển toàn bộ hệ thống, có thể gây ra rối loạn tạm thời, nhưng rồi sẽ điều chỉnh dần, nếu không thì sẽ lần nữa, chùng chình kéo dài mãi, không bao giờ chuyển động được. Nên chọn thế nào giữa hai hướng đó?
Gần đây, giáo sư Hoàng Tụy có nói đến ba “khối u dị dạng” của giáo dục cần phải cắt bỏ (thi cử, dạy thêm – học thêm và sách giáo khoa). Tôi đồng ý về chuyện ba “khối u” đó (thật ra còn nhiều “khối u” khác, có thể cũng chẳng kém nguy hiểm) và không thể chữa bằng “thuốc nam” mà chắc phải dùng đến “Tây”, đến “phẫu thuật”… Trong các “khối u” đó, cần chọn đúng một “khối u” kiên quyết cắt bỏ đi, đương nhiên riêng “khối u” đó không giải quyết hết được vấn đề, nhơng “cắt” nó đi thì sẽ làm chuyển động tất cả các bộ phận khác của “cơ thể”, buộc các bộ phận khác phải chuyển động theo.
Vậy nên chọn “khối u” nào đây? Theo tôi, “khối u” biểu hiện tập trung nhất, rõ nhất, “mưng mủ” nhất, hằng năm lại làm rối mù, nhức nhối cả toàn xã hội chính là “khối u” thi cử. Nó đã thực sự trở thành điều cực kỳ kỳ quặc trong nền giáo dục của chúng ta.
Theo tôi, bỏ thi cử chủ trương đang được bàn tới hiện nay là điều nhất thiết phải làm và cố gắng làm càng sớm càng tốt. Trước hết cần xác định học không phải để thi, như vẫn đang diễn ra vài chục năm nay, mà để chiếm lĩnh tri thức. Và tri thức không phải là vô số những kiến thức chồng chất ngày càng được nhân lên đến như vô tận hàng ngày, không cách gì chạy theo, học thuộc lòng cho hết. Nói cho thật đúng, cần học các kiến thức, rồi sau đó phải biết quên chúng đi, giữ lại cho được cái cốt lõi, tức cách thức tư duy được thể hiện qua việc con người đã phấn đấu như thế nào để khám phá ra được kiến thức đó. Học hết phần nào, thi luôn (ta gọi là kiểm tra) phần ấy, sau đó cũng chẳng cần nhớ những cái quá cụ thể làm gì, chủ yếu là qua đó tư duy ta được rèn luyện để từ nay về sau tự mình có thể độc lập suy nghĩ và từ đó mà hành động.
Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm: Tại sao lại có chuyện quy định cái gọi là “điểm sàn”? Người đã học xong chương trình thì đương nhiên có quyền đi học tiếp đại học. Mỗi trường đại học chỉ nhận được một số lượng sinh viên nhất định vì khả năng nó chỉ có thế. Vậy thì nó sẽ thi tuyển theo cách của nó để chọn lấy số sinh viên vừa đủ theo khả năng của nó, tính từ trên xuống dưới. Vào đại học là tuyển, tuyển cho đủ số sinh viên trường mình cần. Vậy quy định điểm sàn là vô lý… Như vậy là ta lại trở lại câu chuyện lúc mở đầu: Cải cách thi cử, kiên quyết bỏ cách thi hiện nay, lại chính là phải xuất phát từ một triết lý giáo dục khác mới đúng…..
Trong thực tế vừa qua, có thể nhận thấy những sự thay đổi như vậy không thật sự khó ở người học, mà chủ yếu, khó trước hết ở người dạy, người thầy giáo. Đấy phải là một người thầy giáo có năng lực toàn diện, có lương tâm nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm rất cao trước học sinh là những chủ nhân trước tương lai của xã hội mà xã hội giao cho mình nhiệm vụ đào tạo thành những thành viên xứng đáng.
Ta có được những giáo viên có thể dạy theo cách này không? Tôi tin là có. Sở dĩ lâu nay họ đã không làm như vậy là vì họ ở trong một hệ thống giáo dục được chỉ đạo bằng một triết lý giáo dục hoàn toàn ngược lại, bị chi phối sâu sắc bởi triết lý giáo dục đó. Tức vấn đề là ở trong cái đầu, trong cách nghĩ, cách quan niệm, chứ không phải ở tài năng, khả năng. Tôi thấy giáo viên ở các nước như vừa nói về kiến thức, khả năng không hơn gì giáo viên ở ta. Họ chỉ khác ta, hơn ta ở quan niệm giáo dục.
Cách giải quyết như trên cũng sẽ đưa đến chỗ giải quyết khối u thứ ba mà thầy Tụy đã nói đến: sách giáo khoa. Sách giáo khoa sẽ không phải là nhồi nhét kiến thức, mà là người dẫn đường đáng tin cậy và vui vẻ cho con người lên đường đi khám phá thế giới rất đáng tò mò này.
Ngoài ra, còn có những cách đáng du kích có thể chen vào hệ thống giáo dục cứng nhắc, cũ kỹ vừa lạc hậu, không đồng bộ, vụn vặt thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau như hiện nay. Ví dụ, chúng ta có thể thành lập những trường đại học tư có thể thực nghiệm triết lý giáo dục này. Sau đó, nhóm những trường học tiên phong có thể liên kết với nhau trao đổi các môn học, các sinh viên nhằm tăng thêm tính đa dạng, phong phú trong chương trình giảng dạy.
VTTA: Theo tôi, con đường thành lập các trường đại học đi theo một triết lý như bác đã nêu ở trên sẽ còn rất khó khăn. Thứ nhất là do khuôn khổ pháp lý, thể chế điều chỉnh các hoạt động giáo dục như hiện nay còn nhiều hạn chế khiến bất kỳ cái gì muốn làm mới cũng đều khó khăn. Thứ hai là vấn đề con người như tôi đã nói, là nếu không có những người thầy dám chấp nhận, dám dấn thân để giải phóng mình, giải phóng tư tưởng, học thuật… thì không thể nào có những con người tự do, biết độc lập, suy nghĩ, sáng tạo và biết chịu trách nhiệm. Thứ ba là về cơ chế tài chính, thuế má của chũng ta hiện nay không khuyến khích các hoạt động từ thiện tài trợ, nghiên cứu văn hóa khoa học kỹ thuật.
Đặc biệt là quan điểm của hệ thống giáo dục Việt Nam được chế tài và thể chế hóa coi hội đồng trường đại học như hội đồng quản trị, nghĩa là một công ty tư nhân đem lại lợi nhuận. Trong tiêu chuẩn các trường lớn trên thế giới thì hội đồng trường là hội đồng đưa ra những quyết định lớn nhất về mặt học thuật cũng như những hội đồng quản trị trường đại học… Hoạt động giáo dục mà có tính lợi nhuận thì hỏng!
NN: Lúc đầu, trường Đại Học Phan Châu Trinh của chúng tôi cũng có mời một số nhà khoa học, nhà văn hóa đến tham gia nhưng cuối cùng chúng tôi lại phải từ chối vì họ không đóng tiền sáng lập trường và theo quy định của điều lệ về trường đại học tư do nhà nước ban hành hiện nay là không được!
Như vậy, theo tôi chính những quy định của nhà nước đã thể hiện tư tưởng coi đại học tư chẳng khác gì các hội buôn, và nếu ở các đại học ấy xảy ra các tình trạng buôn bán giáo dục thì cũng chớ nên trách người ta! Chúng tôi chỉ biết cố gắng làm sao những thành viên trong hội đồng quản trị của chúng tôi cùng chung một mục tiêu, một triết lý, một phương hướng hành động chung để không biến trường đại học thành một hội buôn.
VTTA: Theo tôi, chúng ta có thể áp dụng lý thuyết trò chơi trong việc thay đổi hệ thống giáo dục hiện nay. Trước tiên, chúng ta có thể thay đổi “người chơi”, tức là không phải ông bộ trưởng này mà là một ông bộ trưởng khác, không phải trường này mà là trường mới, có thể là một trường ở nước ngoài vào hoặc là một biến thể mới của hệ sinh giáo dục Việt Nam như Đại học Phan Châu Trinh. Những trường này sẽ tạo nên một nhân tố tích cực và được nhân rộng ra. Thứ hai là thay đổi “ luật chơi”, hay khuôn khổ pháp lý, thể chế điều chỉnh các hoạt động về giáo dục. Thứ ba là thay đổi “trọng tài”, tức là người đứng ra phán xét điều anh làm là đúng hay sai phải thay đổi.
Vấn đề như bác Nguyên Ngọc vừa nói, có những điều Nhà nước không quy định thì mình có thể làm, như trao đổi giữa các trường, sau đó vẫn về trường mình lấy bằng. Nhưng đến lúc ông trọng tài tuýt còi, bảo thế là phạm luật, lúc đó phải làm sao? Và một điều nữa là xã hội nhìn nhận vấn đề đó như thế nào. Vì khi xã hội cũng nhìn nhận trách nhiệm giáo dục thuần túy chỉ là do Bộ GD – ĐT như thế này.
Tư duy quan trọng hơn kiến thức
VTTA: Còn một điểm khó khăn trên con đường thực hiện triết lý giáo dục mới mà tôi muốn trao đổi với bác, đó là việc dạy học theo một tinh thần mới không phải là truyền đạt tri thức mà là để thay đổi cách nghĩ của học viên. Ví dụ như các học viên theo học chương trình FulBright trước đó đã quen với cách đào tạo “chỉ đâu đánh đấy”, “bảo gì nghe nấy” theo một tư duy tuyến tính, còn vấn đề tri thức chỉ là phụ. Tương tự như thế, làm thế nào để sinh viên trường Đại học Phan Châu Trinh suy nghĩa đúng và làm khác so với những người đã được họ đào tạo cũng là điều đáng phải bàn.
NN: Cái này rất khó và đòi hỏi ở những người dạy phải kiên trì. Người thầy vô cùng quan trọng và không khí nhà trường cũng rất quan trọng để làm sao sinh viên họ cảm thấy họ được tự do, được giải phóng.
VTTA: Tôi cũng đồng ý với bác là thái độ của người thầy và không khí văn hóa của trường là rất quan trọng. Ví dụ như trường Fullbright mà tôi giảng dạy, sinh viên ngồi cao hơn giáo viên. Thứ hai là tranh luận thoải mái. Sinh viên có quyền nêu câu hỏi chất vấn, phản biện thầy và ông thầy trở thành người đối thoại chứ không phải người đứng ra khư khư bảo vệ ý kiến của mình. Phải có một phương pháp giáo dục, một văn hóa đối thoại thì mới có thể đưa ra phương pháp ấy. Thứ ba là chúng tôi có cách để sinh viên truyền đạt ý kiến của mình mà không cần nói trước công chúng. Bên Mỹ có một cái gọi là black box, sinh viên có thể gửi thẳng câu hỏi và thầy sẽ trả lời thẳng trực tiếp. Tôi thường khuyến khích bằng cách sinh viên nào phát biểu nhiều, có ý kiến sắc sảo cho điểm tham gia chiếm 10 – 15% tổng số điểm.
NN: Tôi cũng muốn nhấn mạnh trên con đường thực hiện triết lý mới thì chúng ta cần phân biệt giữa những cái cơ bản, lâu dài với những giải pháp cụ thể để thực hiện. Điều chúng ta cần làm là những giải pháp cụ thể.
VTTA: Để “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như bác nói thì chúng ta phải đi tới ngọn nguồn của hệ thống giáo dục phương Tây, nếu không sẽ chỉ là học lỏm, sao chép và chắc chắn sẽ không thành công. Còn nếu đi đến ngọn nguồn thì chúng ta sẽ biết cái gì nên áp dụng vào Việt Nam, cái gì cần giữ, cái gì nên bỏ.
NN: Những cải cách chắp vá hiện nay của chúng ta có tính chất “học lỏm” rất nhiều.
VTTA: Đúng vậy, chúng ta đang học hiện tượng, còn những cải cách thì hoàn toàn mang tính chất kỹ thuật chấp vá. Cái khó của Việt Nam là luôn đặt ra chỉ tiêu định lượng, bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp, bao nhiêu trường đại học, tỉ lệ giáo viên và học sinh là bao nhiêu… Ngay cả chỉ tiêu 20 nghìn tiến sĩ cũng hoàn toàn vô nghĩa và phi thực tiễn. Đến thời điểm này thì tôi nghĩ Bộ GD – ĐT của mình đang vướng vào những chuyện kỹ thuật như vậy. Còn những thứ sâu sắc, nền tảng hơn thì lại bị bỏ quên.
NN: Quan điểm “đào tạo theo khả năng và theo nhu cầu” của Bộ giáo dục và đào tạo rất dễ được hiểu là anh đào tạo đáp ứng nhu cầu hiện tại của xã hội như là mỳ ăn liền. Phải rất cẩn thận ở chỗ này. Trong thực tế thì “mì” đó không ăn liền được. Cử nhân ra trường không có nền tảng tiêu chuẩn thì sẽ không làm việc được và thực tế vừa qua là các doanh nghiệp phải đào tạo lại.
VTTA: Thực ra, bằng cách đặt ra mục tiêu ấy không đạt được cả hai, vừa không đạt được mục tiêu tạo ra những con người có tính nhân văn cao và có kiến thức phổ quát vừa không tạo ra những con người có tính chuyên muôn cao. Tôi lấy ví dụ như Intel tổ chức cho 200 sinh viên. Cuối cùng có 90 sinh viên đạt điểm tối thiểu của họ. Trong 90 người đó chỉ có 40 người có đủ trình độ tiếng Anh để làm việc. Rõ ràng, chỉ riêng kĩ năng thôi thì không đủ.
Một nghiên cứu của một trường đại học không được công bố, theo mẫu điều tra của họ thì chỉ cần 10% sinh viên có óc sáng tạo bằng mức trung bình, tức là 90% dưới trung bình – tức là không tạo được những con người có chuyên môn cao. Có một vực thẳm giữa giáo dục và cuộc sống, nó không song hành và lệch lạc với nhau.
Nguồn: Chungta.com

14 thg 5, 2011

PN&HĐ: "Sướng quan", "nhiều sâu" và ...dọa dân

Tác giả: Kỳ Duyên

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-05-12-pn-and-hd-suong-quan-nhieu-sau-va-doa-dan

Quan "hành khất" và quan đi xe xịn, nhiều "con sâu" và nỗi xâu hổ của người lãnh đạo, một ông quan huyện chỉ thích dọa dân...là những lát cắt bi hài của cuộc sống mà chuyên mục Phát ngôn và hành động tuần này xin chia sẻ với bạn đọc

Quan "hành khất" và quan đi xe xịn

Rất ngẫu nhiên, mới đây vào ngày 7 và 10-5, trên báo Sài Gòn Tiếp Thị và Bee.net.vn có 2 thông tin, mà khi đọc người ta bỗng cảm thấy dư vị chua chát của kiếp người.
Đó là tin "Thanh Hoá- thiếu đói từ miền xuôi lên miền ngược": Hiện nay tại 21/27 huyện, thị xã, t/p của tỉnh Thanh, có tới 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực, phải chạy ăn từng bữa. Nhiều hộ phải ăn khoai độn hàng ngày, ăn ngô giống... Đến mức ông Phó Chủ tịch tỉnh vừa phải "vác rá"- làm công văn số 2592/UBND-DTMN gửi Thủ tướng CP xin hơn 2000 tấn gạo cứu trợ cho dân chúng trong kỳ giáp hạt.
Có điều, nếu trước đây, tin dân thiếu đói khiến cả xã hội lo ngại, thì bây giờ, người ta lại đặt câu hỏi ngược!
Ở một đất nước đã vươn lên đứng thứ 2 xuất khẩu lúa gạo, nhiều tỉnh đang hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì cái việc lãnh đạo một tỉnh chưa phải tỉnh khó khăn nhất như Đắc Nông, Điện Biên, Lai Châu... vẫn còn làm "hành khất" với trung ương, kể cũng kỳ kỳ. Đến mức, có ý kiến cho rằng nên xem lại, lãnh đạo như vậy thì cũng là "thiếu đói" về năng lực?
Bên cạnh cái tin quan phải "hành khất" là cái tin "quan sướng": "Quan chức Bộ Tài chính muốn đi xe xịn hơn?". Cái tin ấy, không biết có làm xao xuyến con tim quan chức các Bộ, các ngành không, nhưng chắc chắn nó làm cái bụng đói cồn cào của người dân tỉnh Thanh... réo sùng sục
Theo dự thảo mới này, trung bình các quan chức Bộ TC được cấp thêm từ hơn 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng để mua xe công: Bộ trưởng được cấp thêm 300 triệu đồng (từ 800 triệu đồng lên 1,1 tỷ đồng), tăng 40% so với mức kinh phí hiện quy định. Xe công cho các lãnh đạo, công ty thuộc Bộ này cũng tăng khoảng 25-30%.
Ngay lập tức các chuyên gia kinh tế định lượng- nhưng là sự định lượng về đạo lý:
1) Trong thời điểm lạm phát tăng cao, đời sống nhân dân nhiều nơi rất khó khăn, Chính phủ đang chủ trương cắt giảm đầu tư, chi tiêu công, dự thảo này có hợp lý và có phải đạo?
2) So sánh với mức lạm phát năm 2010 là hơn 10%, thì việc dự thảo tăng kinh phí mua xe mới đây không phải do lạm phát và trượt giá, mà vì các quan chức muốn lên đời xe xịn hơn!
3) Trung bình, mỗi xe tăng 200 triệu đồng, mỗi Bộ ít nhất cũng trăm chiếc. Sau Bộ TC, nếu 20 Bộ, và chính quyền các cấp ở 65 tỉnh, TP cả nước cũng nô nức học tập tấm gương đi xe xịn của các quan chức Bộ TC, thì số tiền phát sinh sẽ là trăm nghìn tỷ đồng.
Và còn thêm một sự không phải đạo nữa: Chưa ai tính được chất xám của các quan chức đi xe xịn đóng góp hiệu quả ra sao vào những chủ trương, chính sách đúng đắn cho dân nhờ. Nhưng người dân thì chỉ nhớ bằng "mắt thấy tai nghe" có những xe công, xe xịn dùng để đưa các phu nhân đi lễ bái cầu lộc cầu tài, cầu chức cầu vinh, đi chúc mừng và đón 1 vị tiến sĩ nào đó vừa đội mũ con chuồn chuồn.
Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2448/QĐ-BTC ngày 05/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý và sử dụng xe ôtô phục vụ công tác trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và các công ty nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính dựa trên nguyên tắc chỉ sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với Quyết định số 61/2010/QĐ ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 06/2011/TT-BTC ngày 14/01/2011 của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, trên cơ sở những thay đổi về chủ trương, chính sách của Nhà nước và Bộ Tài chính trong một số lĩnh vực thuộc hoạt động quản lý của Bộ Tài chính như: Việc thanh toán tiền mặt và nộp tiền thu thuế qua Kho bạc Nhà nước, việc các doanh nghiệp được phép tự in hoá đơn VAT,… do vậy nhu cầu sử dụng, trang bị ôtô chuyên dùng trong lĩnh vực hoạt động vận chuyển tiền mặt của Kho bạc Nhà nước, vận chuyển ấn chỉ của các đơn vị hệ thống Thuế,… cần được và sửa đổi bổ sung cho phù hợp theo hướng giảm chỉ tiêu trang bị xe chuyên dùng, nhằm tăng cường công tác quản lý, đồng thời căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức quy định về xe ôtô chuyên dùng chủ động sắp xếp, bố trí lại xe ôtô chuyên dùng, hạn chế tối đa việc mua sắm, sử dụng phương tiện xe ôtô trong toàn ngành Tài chính, góp phần thực hiện và cụ thể hoá các chủ trương cắt giảm chi tiêu công, đảm bảo an sinh xã hội theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Chính phủ.
Xe xịn oách và oai đến nỗi cách đây ít lâu, một ông giám đốc doanh nghiệp tư nhân (xe biển trắng) cũng phải tìm mọi cách đi đêm để mua được một cái biển xanh, dọa thiên hạ giữa thanh thiên bạch nhật. Sợ quá!
Rất tình cờ, trên báo Lao Động, cách đây hơn 1 tháng, có đưa tin nước láng giềng- Trung Quốc, một nước kinh tế khổng lồ, bình quân thu nhập cao hơn hẳn mà mới đây, Chính phủ nước này đã yêu cầu các bộ trưởng và chủ tịch tỉnh nâng thời hạn sử dụng xe công lên 8 năm mới được đề nghị thay mới. So với quy định cũ, niên hạn sử dụng xe công cho quan chức tại Trung Quốc kéo dài thêm 3 năm.
Không hiểu các quan chức Bộ TC nghĩ gì khi đọc tin này?
Và không hiểu người dân chúng ta nghĩ thế nào về năng lực và phẩm cách các quan "hành khất" và quan đi xe xịn bạc tỉ?
"Sâu" và thuốc DDT
Mới đây, 1 bài viết trên ViêtNamNet khiến dư luận cả xã hội xôn xao: "Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy". Xôn xao, vì  đó là câu phát ngôn cực kỳ ấn tượng, và hay nhất của ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư trong cuộc tiếp xúc với cử tri Quận 1 (TP. HCM).
"Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này"
Đọc kỹ, người viết bài này đã lặng đi hồi lâu.
Xin cảm ơn ông Trương Tấn Sang đã hiểu, và chia sẻ với nỗi đau lớn của nhân dân.
Đương nhiên, có sâu thì phải có thuôc trừ sâu DDT. Nhân dân ngàn đời nay- chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa- vẫn làm như thế.
Nhưng những con sâu- như ông đã trầm ngâm và xấu hổ thốt lên, thì DDT sẽ phải là loại biệt dược gì? Để có thể diệt trừ được, nhất là sâu tham nhũng, loại sâu quốc nạn. Làm đất nước suy vi. Làm nhân dân mất niềm tin. Làm kẻ thù hí hửng. Làm vị thế dân tộc yếu đi trong con mắt quốc tế. Họa của quốc gia chưa đến từ bên ngoài, mà rất có thể nảy nòi từ bên trong, bắt đầu từ loại sâu này.
Đương nhiên không thể khác, thuốc DDT đặc trị- chính là 1 thiết chế quản lý xã hội văn minh, tiên tiến, hợp quy luật và vì lợi ích dân tộc. Nhiều người vẫn hoài nghi về loại thuốc đặc trị đã có chưa, nhưng cũng không ít người nhen nhóm niềm hy vọng, khi ông nhấn mạnh: "Mục tiêu trước mắt là sửa đổi cơ chế, thể chế và tổ chức chỉ đạo".
Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn  Sang.
Một sự sửa đổi cơ chế, thể chế, hay đổi mới tiếp tục- là nhu cầu tự thân, là tiếng gọi thiết tha của dân tộc, của sự phát triển. Nhưng sự sửa đổi đó, phụ thuộc lớn vào tầm tư duy chiến lựơc, vào cái tâm và bản lĩnh của bộ máy lãnh đạo đất nước. Đổi mới theo phương cách nào là sự chọn lựa tài ba hay không, nhưng cuối cùng hành pháp vẫn phải ra hành pháp, lập pháp phải ra lập pháp, tư pháp phải ra tư pháp. Và thần Công lý không thể bị bịt mắt chỉ vì mải ...đếm tiền.
Lịch sử của mọi quốc gia trên thế giới không có chỗ cho chữ "giá như", mà lịch sử chỉ có chỗ cho chữ "trả giá". Nếu thất bại chỉ dân tộc là thiệt thòi, và nhân dân lãnh đủ. Nếu thành công, dân tộc ấy có cơ phát triển và thăng hoa.
Dân tộc Việt Nam đã trả giá, và chấp nhận trả giá đắt trong quá khứ chiến tranh chống xâm lược, để có một nền độc lập, tự do vô giá. Nhưng trong thời hội nhập, chúng ta phải trả giá đắt bằng biết bao tiền thuế của dân, lại là vị đắng của sự non kém.
Vì lẽ đó, nhân dân đang trông đợi vào sự sửa đổi vĩ đại như ông, thay mặt cho các đồng chí, đồng sự đã cam kết trước các cử tri, cũng là trước nhân dân. Một chữ Đợi, xin đừng để quá lâu, đừng để  như ý tứ ca từ Đợi thiết tha của nhạc sĩ Huy Thục: "Đợi một ngày, đất lạ thành quen. Đợi một đời anh quen thành lạ!". Xin đừng để một đời...
Lòng mẹ và sự "từ mẫu"
Ngày 7-5- 2011, báo Tuổi Trẻ có một bài viết với tiêu đề giản dị: "Mẹ của trẻ bị bỏ rơi". Nhưng câu chuyện lại mang đến cho người đọc những xúc cảm đa chiều. Đó là hai người đàn bà- chị Đặng Thị Hiệp, và chị Nguyễn Thị Lành, đều ở lứa tuổi 50 'tri thiên mệnh". Không rõ vì những ẩn ức nào trong đời riêng, mà hàng chục năm nay, các chị chỉ đắm đuối với số phận của những đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn bị cha mẹ chúng nhẫn tâm vứt bỏ.
Chị Đặng Thị Hiệp nâng niu những đứa trẻ bất hạnh. Ảnh Tuổi Trẻ
Và thế là Tổ ấm Bình Minh (thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) trở thành gia đình mẹ  Hiệp, mẹ Lành cùng hàng chục đứa con sơ sinh đang khát sữa, khát sự âu yếm vỗ về của tình mẹ.
Con số trẻ được 2 mẹ nuôi nấng không hề nhỏ, nếu như biết rằng, mỗi năm có tới 50 đứa trẻ vô tội được nhặt mang về đây. Những giọt sữa ân tình và nhân ái của cuộc đời góp lại nuôi hàng trăm thiên thần, từ mong manh sự sống, đến khi da trắng môi hồng, thông qua Ban bác ái xã hội Giáo phận Huế, và nhờ vào đôi tay, tấm lòng của mẹ Hiệp, mẹ Lành.
Những người như mẹ Hiệp, mẹ Lành không hiếm trong đời này. Một sư thầy Đàm Lan hàng chục năm nay nuôi nấng hàng trăm bé thơ và những đứa trẻ bị ruồng bỏ, không nhà không cửa, cư ngụ dưới mái chùa Bồ Đề (Gia Lâm- Hà Nội). Một người mẹ trẻ Mai Anh gắn bó cả cuộc đời gia đình mình với bé Thiện Nhân, em bé bất hạnh mới sinh bị vứt bỏ, bị thú hoang ăn đứt cả bộ phận sinh dục và một bên chân.
Một ông bố có cái tên như phận làm người của ông- Tống Phước Phúc, hàng chục năm nay, tình nguyện chôn cất các hài nhi không may, rồi nuôi dưỡng, khuyên nhủ những người mẹ trẻ lầm lỡ dũng cảm chấp nhận bổn phận làm mẹ, để nuôi dưỡng các sinh linh của chính mình... Cũng may, vẫn còn có những con người, họ có thể không được làm mẹ, có thể là nhà tu hành, thậm chí có thể là một người đàn ông...Tất cả đều trọn vẹn hai chữ- lòng Mẹ.
Nhưng cũng giá như trong đời này, không có những người bố, người mẹ ích kỷ và vô trách nhiệm, vô cảm đến nhẫn tâm, đến ghẻ lạnh sau những hoan lạc, những mê đắm tối tăm của họ. Thì đời sẽ bớt đi những bất hạnh bé thơ.
Tiếc thay, sự ích kỷ, vô cảm của con người giờ đây, cũng ngang nhiên trú ngụ ngay trong lương tâm của những người có học thức, có trình độ, lại nhân danh trách nhiệm xã hội cao quý- thầy thuốc cứu người. Nó như sự đối chứng xấu hổ với những người mang nặng tấm lòng người mẹ lặng lẽ trong đời nói trên.
Bởi mới đây, ngày 5-5, báo Tuổi Trẻ có bài điều tra mang tiêu đề Bệnh viện vệ tinh thu phí cắt cổ. Tóm tắt: Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động (1A Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM, gọi là Trung tâm 1A), là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Chợ Rẫy nhận điều trị tiếp những người có bệnh lý tạm ổn định của bệnh viện CR (do quá tài) chuyển sang.
Đương nhiên vệ tinh này phải có bổn phận "thối" lại những lãi lờ thơm tho cho bệnh viện CR: 15% trên tổng số tiền thu được. Số tiền được phân bổ cụ thể: Ban Giám đốc 2,5%, phòng Kế hoạch tổng hợp 2,5%, phòng Tài chính kế toán 2,5%, khoa Chuyển bệnh 7,5%.
Nói cho công bằng, ở thời buổi này, và sự làm ăn ở đâu cũng vậy, ông có rút chân giò, bà mới thò chai rượu. Người thầy thuốc cũng cần phải sống, khi mà đồng lương Nhà nước trả cho họ còn eo hẹp. Thế nhưng ở đây, cái sự thầy thuốc "cắt cổ" bệnh nhân- như tên bài viết- để tự cứu mình, trước khi họ ra tay mổ xẻ cứu người, nó thất đức quá, nhất là ở cái ngành cần chữ đức làm đầu.
Để bù lại cái 15% đã mất, Trung tâm 1A đã làm gì mà đến nỗi có biết bao cảnh "bệnh nhân khóc, bác sĩ cười"?
Đến nỗi nhiều bệnh nhân cho rằng mình đã bị lừa. Và họ chua chát tặng cho vệ tinh này danh hiệu cao quý "Bệnh viện 2 ngày 3 triệu". Cứ nằm 2 ngày, chưa biết bệnh tình ra sao, đã nhận giấy thông báo nộp tiền tạm ứng 3 triệu đồng. Các bệnh nhân dù nặng hay nhẹ,  đều được điều trị gần như giống nhau, cùng được truyền dịch, chích thuốc 2-3 lần/ngày, được phát thêm vài viên thuốc uống,và đều có mức viện phí hơn 1 triệu đồng/ngày.
Cũng không phải chỉ có vệ tinh Trung tâm 1A. Ngay giá thuốc kê cho bệnh nhân- là của bệnh viện CR áp giá cho vệ tinh- cũng rất cao. Một bênh nhân bị chấn thương sọ não nhẹ, vẫn đi lại được, mà được kê đơn tới 800.000-1 triệu đồng/ngày. Không tin nổi, BS Dương Minh Mẫn, Trưởng khoa chấn thương sọ não Bệnh viện CR, cũng phải thốt lên: Không có lý gì mà kê tới giá đó? Ông bác sĩ quản lý khoa còn hoa mắt với giá thuốc nói chi người bệnh?
Phải rất buồn mà nói rằng, từ lâu cái câu khẩu hiệu "Lương y như từ mẫu" (Thầy thuốc như mẹ hiền) đã được bệnh nhân hiểu một cách mai mỉa rằng: "Từ mẫu" tức là từ bỏ tấm lòng người mẹ (!).
Có ai, người thầy thuốc nào còn nhớ tới Lời thề Hippocrates? Hay người ta chỉ nhớ mỗi câu thành ngữ VN: "Lời thề....cá trê chui ống!"(?)
Vì dân hay dọa dân?
Ngày 4-5, VietNamNet đưa tin ông Phan Thanh Lai, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đạ Hoai (Lâm Đồng) bị ông Trần Đăng Khoa, ngụ tại khu phố 3 thị trấn Mađagui của huyện này, làm đơn tố cáo đã dùng súng ngắn uy hiếp gia đình ông.
Cơ sự thế này: Cuối tháng 10/2020 Vợ chồng con trai ông Lai vay của gia đình ông Khoa 470 triệu đồng- một khoản tiền khá lớn. Sau nhiều lần hứa hẹn, cuối cùng họ tuyên bố vỡ nợ không có khả năng chi trả. Vào ngày 8-3-2011, ông Khoa có gọi cho chị Dương Trùng Dương, con dâu ông Lai nói chuyện phải trái: "Nếu vợ chồng em không trả nợ cho anh thì anh sẽ phải bán nhà trả nợ cho ngân hàng, sau đó anh sẽ dọn sang nhà em ở luôn".
Ông Khoa đang diễn tả lại vụ bị ông Lai dọa bắn, Ảnh VietNamNet
Không biết chị Dương, con dâu ông Lai về nhà tiếp tục "trái phải" thế nào cho bố chồng nghe, mà ông Lai nổi giận đùng đùng, cầm luôn khẩu súng ngắn K 59 sang nhà chủ nợ của con dâu lên đạn, chĩa súng thẳng vào vợ chồng ông Khoa: "Hôm nay tao qua đây, ăn thua đủ với vợ chồng mày...". Vợ ông Khoa thấy súng hoảng quá, ngất xỉu. Biết gặp phải "hình sự' rồi, ông Khoa tính đường thoát thân, thì bị ông Lai chặn lại, dí súng vào đầu: "Mày bước vô nhà không, tao bắn vỡ sọ", rồi tiếp tục uy hiếp, chửi rủa "chủ nợ" suốt 10 phút sau đó.
Phải tới khi con trai ông là Phan Thanh Lợi chạy qua mới lôi được ông về, nhưng cựu chủ tịch huyện vẫn còn dọa lần cuối: "Tao thách mày kiện tao"
Đương nhiên, ông Khoa sau phút hoàn hồn, thì thực hiện đúng lời ông cựu chủ tịch huyện nhắn gửi.
Chuyện vỡ lở, bàn dân thiên hạ đều biết. Ông cựu chủ tịch huyện khi đương chức, chả ai biết ông là ai, ngoài mỗi cái huyện ông quản lý. Khi nghỉ hưu, phút chốc lại nổi tiếng toàn xã hội bởi cái hành vi vi phạm pháp luật: Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và đe dọa giết người. Nhưng người dân thì không khỏi bàn tán, vì sao đang là quan hệ "dân sự", bỗng chốc ông cựu chủ tịch huyện lại cứ thích chuyển thành quan hệ "hình sự"?
Nên biết thêm, ông Lai từng giữ các cương vị quan trọng: Chủ tịch UBND huyện Đạ Hoai, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông và trước khi nghỉ hưu năm 2010, ông còn là Bí thư Huyện ủy Cát Tiên. Tức là người phải nắm rất vững về nguyên tắc ứng xử theo quy định pháp luật và đạo đức đảng viên.
Trước đó, ngày 28-4, Tam nhin.net đưa bài: "Hình ảnh súng thần công trước trụ sở UBND huyện nói gì?". Thì ra,  những người dân lần đầu đến trụ sở HĐND - UBND Đức Thọ (Hà Tĩnh) không khỏi ngỡ ngàng và phát sợ khi thấy phía trước tiền sảnh trụ sở là 2 "ông" súng thần công ngạo nghễ vươn nòng. 1 ông chĩa nòng về phía đông bắc, ông kia chĩa nòng phía đông nam.
Người am hiểu bảo, xưa nay súng thần công chỉ trang trí ở viện bảo tàng, hoặc doanh trại quân đội, biểu trưng cho sức mạnh quân sự. Đố thấy ở đâu, súng thần công đặt trước UBND. Hơn nữa, diện mạo chính quyền, nơi hàng ngày phải tiếp dân, lắng nghe dân bao giờ cũng phải thể hiện sự lịch sự, văn hóa, khiến dân cảm giác thân thiện. Đó cũng chính là tư tưởng, là triết lý lãnh đạo của hệ thống chính trị một quốc gia, từ cấp cao đến cơ sở.
Thế mà ở đây, huyện Đức Thọ có phong cách rất khác đời- một mình chơi một kiểu!
Có lẽ cũng biết những lời bàn ra tán vào của dân, nên sau đó ít lâu, ở ngực 2 ông thần công bỗng lủng lẳng tấm biển đề: "Nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày thành lập QĐNDVN 20 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân. Chi hội Doanh nghiệp huyện Kính tặng UBND huyện Đức Thọ". Dân Đức Thọ lại một phen bán tín bán nghi: Quà tặng nhân ngày QĐNDVN thì địa chỉ được tặng phải "dính líu" tới súng ống, như Ban Chỉ huy Quân sự huyện mới phải.
Người ta đi hỏi tiếp ông Chi hội Doanh nghiệp huyện, thì ông Đoàn Minh Khoa, Chi hội trưởng Doanh nghiệp huyện (từ 2006 đến 2010), rồi cả một số doanh nghiệp cũng chả ai biết 2 cái khẩu thần công đó ở đâu ra.
Chuyện 2 ông thần công chĩa thẳng ra 2 hướng đằng đằng sát khí, cũng chưa ngã ngũ hệt chuyện ông cựu chủ tịch huyện Đạ Hoai (Lâm Đồng) dí súng vào đầu dân. Còn dư luận ở Đức Thọ thì vẫn nghi có gì đó không trung thực trong cái món quà tặng đặt không đúng địa chỉ này.
Còn người viết bài này chợt nghĩ tới Cụ Hồ, luôn dạy cán bộ: "Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân", mà chán cho mấy ông quan huyện này quá.
"Vì dân" chưa thấy đâu mà chỉ thích....dọa dân.

12 thg 5, 2011

Công An Nhân Dân viết bài bôi xấu Đảng?

Lưu Mạnh Anh
-
Với văn phong khá chải chuốt, ngôn từ có phần gạn lọc, ý mạch xem ra khá tuôn trào tựa… nham thạch từ ngọn núi lửa nào đấy tưởng chừng mãi ngủ vùi trong quên lãng, bỗng chốc “nổ banh” đến tận trời cao nhằm mục tiêu lan tỏa sức nóng hừng hực tưởng đến cả ngàn độ bách phân của một sự dày vò nhiều ngày chất chứa uất ức, nay được dịp xổ tràn cho dịu lại; Quý Thanh định đưa người đọc đi vào tâm thức u minh trong vụ án Ts. Cù Huy Hà Vũ “được dựng lên như một biểu tượng” bằng việc nhấn nhá về: trí tuệ, anh hùng, lấp lánh, long lanh… qua cách vừa khen tặng tài năng của Ngô Bảo Châu vừa chê trách Ngô Giáo sư đã tự biến thành ngọn gió để cho nhiều kẻ “mượn gió mà bẻ măng” như Quý Thanh viết:
Việc trích dẫn Ngô Bảo Châu xét cho cùng cũng chỉ là mượn gió bẻ măng.
Cứ nhẹ nhàng mà chấp nhận nội dung bài viết mang hơi hướm:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
(Tố Hữu)
của Quý Thanh để cùng nhau đi vào vài nội dung của bài viết xem sao nhé!
Quý Thanh viết:
Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troy cũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác.
Chỉ một khoảnh khắc ngã xuống của chàng Hector đã trở thành huyền thoại!
Dường như “hình tượng khoảnh khắc” người ta đã bắt gặp đâu đó trong dòng văn học “lãng mạn cách mạng” mà một nhà thơ “nổi tiếng” của Việt Nam đã từng “tụng ca” (chữ của Quý Thanh) rằng:
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra
Quả là hay, khi Quý Thanh ca ngợi Hector mà không chắc nhiều người dân đã có thời gian để đọc hết câu chuyện của chàng dũng sĩ này. Vậy tại sao không góp lời cảm ơn đến tác giả Quý Thanh đã đưa quan điểm thật rõ ràng khi minh định Hector: “chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khao khát quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình”.
Ngô Bảo Châu chỉ nhắc đến tên Hector, Kinh Kha…. và Quý Thanh đã “tiếp tay” để làm đậm đà bản sắc anh hùng vì dân vì nước của Hector.
Chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Phải chăng chàng Hà Vũ đang làm điều đấy?

Chàng Hà Vũ chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình
: chống khai thác bauxite, bởi khai thác bauxite dẫn đến nguy cơ ngoại bang có thể vào Quê hương mà thao túng.

Chàng Hà Vũ chiến đấu để bảo vệ chính gia đình mình
: khi “người ta” đến đập phá hàng rào ngôi nhà, nơi đang thờ phụng hai Nhà thơ lớn (Cù Huy Cận & Ngô Xuân Diệu) của Việt nam cũng là cha và bác ruột của Hà Vũ và có nguy cơ đe dọa sự an toàn vợ con chàng, Hà Vũ đã dùng Luật pháp và quyền tự do ngôn luận để chiến đấu bảo vệ an toàn tổ ấm.
Chàng Hà Vũ chiến đấu để bảo vệ chính nhân dân mình: kiến nghị trả tự do cho quân-cán-chính của chế độ VNCH, để thực hiện hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù. Hình như đây là một trong các mục tiêu tối quan trọng của Đảng và Nhà nước(?)
Chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực. Còn gì để bàn cãi “trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác” bên vợ con đầm ấm, thong dong xách giá vẽ đi họa chân dung cho cụ Võ Nguyên Giáp và tận hưởng những buổi trà dư tửu hậu đàm đạo sự đời với bạn hữu… Đời người lý tưởng đến thế còn gì bằng! Liệu Quý Thanh (và bất kỳ ai) có sẵn sàng đánh đổi 10 năm (tù giam + tù nhà) để thỏa “khao khát quyền lực” và “danh vọng”?
Hóa ra, nếu Ngô Bảo Châu “có tội một” thì Quý Thanh “có tội mười” vì bỗng dưng, chính Quý Thanh làm người đọc xoay ra so sánh những việc làm của chàng Hà Vũ qua hình tượng chàng Hector!
Quý Thanh viết tiếp:
Từ trước đến nay, không ai biết đến Cù Huy Hà Vũ trong các lĩnh vực học thuật hay tư cách cá nhân. Có hai con đường để mọi người biết đến Vũ. Thứ nhất là cái bóng của những thế hệ đi trước. Thứ hai là cách gây ra những sự vụ chẳng giống ai qua những lá đơn kiện. Nó hao hao như cách những ngôi sao đánh bóng tên tuổi bằng những scandal. Khi chạm tới những giá trị cá nhân, Vũ chỉ là một kẻ nhỏ bé với những cư xử tầm thường.
Ô hay! “từ trước đến nay”, mấy ai biết chàng Hà Vũ là cái ông nào, mãi cho đến khi hai cái bao cao su đã qua sử dụng được trây đầy mặt các trang báo (có cả báo CAND). Dân mình lại vốn tính tò mò, đặc biệt hay tò mò mấy cái vụ liên quan đến bao cao su đã qua sử dụng, vì thế chàng Hà Vũ bỗng nổi danh từ đấy. Hãy nghe Huy Đức nói:
Nếu cứ để ông Cù Huy Hà Vũ nghênh ngang bên ngoài, có lẽ ông khó lòng tập hợp được sự quan tâm của quần chúng tới mức dấy lên sự sợ hãi cho chính quyền. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do ngôn luận, có lẽ ông khó lòng thu hút được sự chú ý của giới bloggers, báo chí và khó lòng trở thành một nhân vật được đề cập trong một bài feature của tờ New York Times. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do kiện tụng có lẽ người dân sẽ thấy Chính quyền tự tin và mạnh mẽ. Và có lẽ, nếu thả ngay ông Cù Huy Hà Vũ sau cái hôm ở khách sạn, hình ảnh một người đàn ông 50s bụng phệ sẽ được nhớ lâu hơn, và khó có thể bị thay thế bởi hình ảnh một tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, comple, cavat, trán rộng, đầu ngửng cao, ngạo nghễ đi giữa hai hàng cảnh sát.
Xem ra Huy Đức thuyết phục người dân, trong khi Quý Thanh “lý giải rất thú vị” rằng: chàng Hà Vũ nổi tiếng từ con đường “cái bóng” và con đường “đánh bóng”. Ai làm cho chàng Hà Vũ nổi tiếng? Ai dại? Ai khôn?
Thoắt cái, Quý Thanh bỗng trở nên tiểu nhân với đoạn văn sau:
Bỏ qua những mưu đồ chiếm dụng nhà đất, bỏ qua những cách ứng xử đoạn tuyệt tình nghĩa gia đình, bỏ qua quá khứ học hành và làm việc không rõ ràng, chỉ cần vài chi tiết nhỏ cũng đủ nói lên bản chất của Vũ. Đơn cử như năm 2006, Vũ tự ứng cử mình vào vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Khi trả lời về khả năng để có thể đảm đương chức vụ, Vũ nói: “Bố của tôi là nhà thơ, nhà cách mạng Cù Huy Cận. Tôi học được ở ông rất nhiều điều, nhất là nhiệt huyết. Còn nếu nói về đức và tài, tôi xin tự khẳng định là tôi thừa đủ. Đảng đã nói là cần phải lựa chọn cán bộ có đức có tài cơ mà, vậy tôi có những điều đó tại sao lại không được lựa chọn?”. Với một người có khả năng trả lời một cách kiêu ngạo và tùy tiện như vậy, hẳn cũng không phải nói thêm nhiều.
“Bỏ qua” mà lại chẳng bỏ qua (!) Một chiêu thức của kẻ tiểu nhân nhưng luôn tỏ ra người quân tử! Lịch lãm và trí tuệ hơn, Quý Thanh nên đề cập việc làm của chàng Hà Vũ có sai về lý, có phạm về luật không, hơn là bộc lộ tánh khí tủn mủn, vặt vãnh của tên hạ tiện, đấy là chưa kể đến Quý Thanh phạm “tội làm nhục người khác” theo điều 121 Luật hình sự!
Tiếp tục, Quý Thanh tự phơi bày tư tưởng chống Đảng và sai cơ bản về lý luận:
Tuy nhiên, nếu những cá nhân trên thật sự muốn dân chủ, hẳn họ phải hiểu rằng dân chủ đi đôi với trí tuệ
Những cá nhân nào “THẬT SỰ MUỐN DÂN CHỦ”? Nói như thế hóa ra “đất nước tươi đẹp” này chưa có dân chủ ư? Không đời nào! nên nhớ “dân chủ XHCN được coi là nền dân chủ kiểu mới – dân chủ gấp trăm lần dân chủ tư sản” Quý Thanh viết thế có khác nào tát thẳng vào bản mặt “nền dân chủ trăm lần hơn của Đảng ta”? Dân chủ đi đôi với trí tuệ ư? Chính xác hơn, dân chủ đi đôi với tự do. Quý Thanh ghép dân chủ đi đôi với trí tuệ hóa ra xem thường giai cấp công nhân (nghèo khó) và giai cấp nông dân (khốn khổ), hai giai cấp cho đến nay trên “giấy tờ” vẫn là đội tiên phong của “đảng ta”! Ai khôn? Ai dại?
Quý Thanh chuyển qua “dạy khôn” (hay “dạy dại”?) Ngô Giáo sư và thấp thoáng trong lời dạy bảo này là sự đố kỵ, khi lời nhận xét từ phía Ngô giáo sư về chàng Hà Vũ có vẻ làm ai đó mang danh “Giáo sư”, “Tiến sĩ”, Giáo sư – Tiến sĩ”… cảm thấy họ bị “quýnh giá thấp” mà Quý Thanh lên tiếng hộ?:
Hệ quả là chính GS cũng được biến thành một kiểu biểu tượng về trí tuệ uyên bác trên các diễn đàn. Là một tài năng trong lĩnh vực toán học, GS đã được đám đông mặc định như một trí tuệ ở một ngạch khác bao trùm hơn: hình ảnh của GS đã trở thành một cái gì đó hao hao như một nhà triết học, một nhà chính trị học, một nhà xã hội học có khả năng phán xét đúng sai cho mọi vấn đề trong cuộc sống Việt Nam.Trong khi đó hơn một nửa cuộc đời mình GS Ngô Bảo Châu làm việc, học tập và nghiên cứu ở châu Âu. Lĩnh vực chuyên môn và chắc chắn cũng là lĩnh vực GS dành nhiều thời gian nghiên cứu nhất là toán học. Cuộc sống thì rộng hơn toán học và mang nhiều những phức tạp trong mỗi toan tính của con người. Phải sống trên chính đất nước của mình, thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người mới hiểu phần nào thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Cao thượng nhỉ?! “Phải sống trên chính đất nước của mình” mới “thấu hiểu”?! Không sống trên chính đất nước của mình thì không thấu hiểu?! Lý luận gì đây trời?! Hình như Quý Thanh quên mất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba lặn lội ở nước ngoài những 30 năm (từ 1911 – 1941) cũng chỉ vì “thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người”?
Quý Thanh cho rằng:
Việt Nam rất cần những anh hùng.
Không! Chắc chắn là không! Việt Nam cần: tự do dân chủ, Tổ quốc vẹn toàn, thượng tôn pháp luật và “…Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật” (trích điều 12 Hiến pháp).
Quý Thanh kết:
Ngạn ngữ Hy Lạp nói: “Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần”. Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng.
Mặc dù cả bài viết có nhiều điều kém thuyết phục, một số chi tiết vụn vặt, tủn mủn bên cạnh những nội dung “tự phản đề”, nhưng kết thúc của Quý Thanh lại rất có lý.
Thật chí lý! “Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng”
Câu ca dao quen thuộc ai cũng nhớ:
Tháp Mười đẹp nhất bông Sen
Việt Nam đẹp nhất có tên…
Hầu như mọi người đều công nhận hoa Sen là biểu tượng gắn liền với Đức Phật và nay “ngẫu nhiên” gắn liền với tên ai đó…!
Phải chăng từ lâu “người ta” đã biến một nhân vật nổi tiếng trở thành biểu tượng để lợi dụng?
… nhưng đến giờ, nhờ có Quý Thanh nói hộ thay?
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn

(Tố Hữu)
Một biểu tượng thanh cao, giản dị và đẹp lồng lộng!

Phải không ông Hữu Ước – Tổng biên tập Báo Công An Nhân Dân?

10 thg 5, 2011

Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, tuyệt vời ông Trương Tấn Sang!

Hà Văn Thịnh

Ngày 7.5.2011, lúc 4:24:05 PM, VietnamNet đăng tải một bài báo tuyệt vời với nhan đề: “Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy”. Tên của bài báo là nguyên văn lời của ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (nhân vật số 2) khi trả lời cử tri ở Quận 1, TP HCM sáng 7.5. Cụ thể hơn, bài báo cho biết ông Trương Tấn Sang đã nói rằng “Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘CHẾT’ cái đất nước này.” (tác giả nhấn mạnh – HVT).
Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là lần đầu tiên một quan chức cực cao cấp dám dùng đến từ “xấu hổ” khi nói trước dân chúng. Dù muốn hay không, mỗi chúng ta buộc phải ghi nhận rằng “Đảng” đã bắt đầu thấy sai, thấy bức bối (thật hay giả, bao nhiêu phần trăm thì còn phải xem hồi sau mới biết) trước thực trạng có quá nhiều con sâu; thậm chí tất cả là sâu. Tuy ông Sang nói là chuyện đó “đâu có được” nhưng ngẫm kỹ một chút sẽ thấy cái ngôn từ lấp lửng của chính trị gia nó sâu sắc lắm. “Tất cả là sâu” tuy “đâu có được” nhưng một bầy sâu nhiều gần bằng “tất cả” cũng là sự thú nhận!

Là một “lều” sử học (theo ngôn ngữ của Thầy Trần Quốc Vượng), tôi xin lạm bàn như sau.

1. Một khi quan chức cao cấp biết chỉ một con sâu là nguy hiểm thì tại sao chưa có giải pháp nào hữu hiệu để loại trừ mối hiểm nguy từ cả “một bầy” đó? Tôi tuy chẳng có tài cán gì, nhưng nếu cho tôi có thực quyền, bảo đảm rằng dù không diệt trừ được hết tham nhũng nhưng loại bỏ NGUY HIỂM là hoàn toàn có khả năng làm được. Chẳng hạn, kê khai tài sản công khai trước dân, giải trình tất cả mọi khuất tất trước dân, cho phép dân có quyền chất vấn cặn kẽ, triệt để, cho phép dân thành lập những Uỷ ban đặc biệt có quyền giám sát tất cả những gì mà dư luận băn khoăn…, thì, chắc chắn, sẽ chẳng còn hiểm nguy nữa. Tại sao không làm? Nếu những điều tôi đề nghị chưa hợp lý thì ông Trương Tấn Sang có thể đưa ra được giải pháp nào tốt hơn?
2. Đã là lãnh đạo, là trí thức, một khi đã thấy xấu hổ mà nói rồi để đấy là không thể chấp nhận được. Theo tôi, ông Trương Tấn Sang đã làm hởi lòng hởi dạ biết bao con dân Nước Việt, cúi XIN ông hãy đừng thêm một lần đưa chúng tôi (các công dân – phó thường dân) đến với nỗi thất vọng. Người dân lâu nay luôn than phiền rằng quan chức thời nay không biết xấu hổ. Họ đã sai (kể cả tôi). Bởi vì sự thật nhãn tiền là nhân vật số hai của Đảng cũng biết xấu hổ một cách rõ ràng. Chữa trị căn bệnh đó cũng không hề khó – vấn đề là nói có đi đôi với làm hay không thôi. Báo chí (cả mọi lề) cho biết ông Ngọc, có bằng TS dổm, bị Đại hội đảng bộ cấp tỉnh gạt ra bên lề nhưng quan trên vẫn bổ nhiệm một chức vụ tương đương thứ trưởng là can cớ làm sao? Chẳng lẽ ông Ngọc không xấu hổ và, người bổ nhiệm ông ta cũng chẳng hề thấy xấu hổ?

3. Đất nước này đang “chết” dần mòn, tủi nhục, ê chề là điều ai cũng biết. Cái chết về văn hoá, về đạo đức, về lương tâm, về ước mơ, về lòng dũng cảm, về tính tự tôn dân tộc, về sự đau đớn trong im lặng của sự câm lặng… là cái chết thảm thương và vô phương cứu chữa, dù xét dưới bất kỳ góc độ nào. Ông Trương Tấn Sang đã thừa nhận rằng không cần tất cả là sâu mà chỉ cần một bầy sâu là đã đủ làm ‘chết’ dân tộc này? Thử hỏi, đã biết là như thế, nhìn thấy người chết là cha mình, tổ tiên, giống nòi mình mà không cứu, không chữa thì trả lời sao đây? Cứu và phải cứu bằng được bất kể giải pháp nào vì trước cái chết, mọi sự biện minh đều vô nghĩa lý. Người xưa dạy là dù xây chín bậc phù đồ hay chín ngàn bậc cũng không thể bằng việc cứu được mạng sống cho một người, huống hồ là cả một dân tộc! Chúng tôi nghĩ rằng nếu còn bận tâm suy nghĩ, cân nhắc trước cái chết, đó cũng là tội ác!

Lâu lắm rồi mới được nghe một vị lãnh đạo nói ra những lời vàng ngọc, thiết tha và đớn đau đến thế. Cho dù còn điều này điều nọ băn khoăn nhưng thực sự, người viết bài này dường như đã thấy vệt hồng đỏ nào đó của hy vọng nơi đường chân trời xám xịt bấy lâu nay. Xin tri ân ông Trương Tấn Sang vì những lời lẽ thật hay, thật sâu sắc ngay trong một ngày mà cả dân tộc Việt Nam đều biết rõ giá trị của thiêng liêng, của cẩn trọng, của giữ lời! Rất tin và hy vọng rằng nhưng điều tâm huyết của ông Trương Tấn Sang sẽ rất nhanh trở thành quyết sách hiện thực, đủ đầy. Nói thật lòng rằng, viết đến đây, tôi vẫn cứ vấn vương về câu mà một người bạn ở Paris vừa gọi – nói về, cho rằng tôi chỉ luôn sàm tin vào chót lưỡi, đầu môi!?

Huế, 8.5.2011.