26 thg 4, 2011

Xã hội cần những trí thức suy nghĩ độc lập

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Phó Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, là một trong những chuyên gia trẻ được nhiều người biết. Anh là thành viên nhóm nghiên cứu của Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ), tham gia thực hiện bốn bài thảo luận chính sách theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, là “cánh chim báo bão” nhẫn nại với nhiều bài báo đề cập những giải pháp tháo gỡ khó khăn từ một số chính sách của Nhà nước.
Người đàn ông 36 tuổi này là thế hệ thứ ba trong một gia đình có truyền thống làm nghề dạy học. Gặp anh không dễ. Một phần vì công việc của anh khá bận rộn, phần khác vì anh ngại nói về mình. Ở anh có sự khiêm cung của một nhà giáo, thái độ điềm tĩnh của một nhà nghiên cứu và tâm thế dấn thân của một trí thức có lòng với đất nước.
* Được thành lập từ năm 1994, chuyên giảng dạy và nghiên cứu về chính sách công, nhưng dường như những góp ý từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright về các vấn đề chính sách mới chỉ xuất hiện trong thời gian năm, sáu năm trở lại đây?
- Trong thời gian gần mười năm đầu kể từ khi mở trường, chúng tôi tập trung vào những vấn đề chuẩn tắc của kinh tế học cơ bản, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi khung tư duy từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, tạo ra một “ngôn ngữ chung” để chuẩn bị cho những thảo luận sau này, đồng thời giúp cho hệ thống làm chính sách tiếp cận với nhiều tài liệu khác, chẳng hạn như của Ngân hàng Thế giới, IMF hay UNDP…
Trong giai đoạn đầu của chuyển đổi, khác với trường chúng tôi, vị thế quốc tế và đa phương của các tổ chức này giúp những phân tích chính sách của họ đến được với Chính phủ. Thêm nữa, trường chúng tôi cũng cần thời gian để tạo dựng niềm tin đối với các cơ quan của Nhà nước và với xã hội.
Từ những năm 2000, chúng tôi tiến hành nhiều phân tích chính sách hơn, và đến năm 2007, chúng tôi xuất bản quyển Lựa chọn thành công và sau đó là một số bài phân tích chính sách theo yêu cầu của Chính phủ, thảo luận những vấn đề chính sách quan trọng của Việt Nam để giúp nền kinh tế vượt qua bất ổn vĩ mô, trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
* Việt Nam chủ trương mở cửa từ năm 1986 nhưng đến đầu thập niên 1990 mới có những chuyển biến tương đối rõ nét. Theo anh, cánh cửa đã thực sự mở đối với mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là với đội ngũ trí thức?
- Nhìn lại lịch sử đất nước, đội ngũ trí thức ở Việt Nam nếu có tồn tại thì thường gắn bó chặt chẽ với chính quyền. Những người có tiếng nói cách tân độc lập như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ… bao giờ cũng rất hiếm hoi. Trong hai thập niên trở lại đây, những người trí thức có điều kiện trở nên độc lập hơn nhờ xu thế phát triển chung của đất nước.
Trong thời gian qua, chúng ta thấy một số trí thức đã từng cống hiến nhiều năm ở các cơ quan nhà nước chuyển sang làm việc ở khu vực dân doanh, liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài hoặc thậm chí ra nước ngoài làm việc.
Việc bốn nhà văn Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước trong năm 2007 là sự thừa nhận về những sai lầm của một thời và là một lời khẳng định rằng những giá trị đích thực sẽ luôn sống cùng thời gian. Đã biết thế thì đi một phần tư, một nửa hay đi trọn vẹn con đường tùy thuộc vào lựa chọn dấn thân của mỗi trí thức.
* Phải chăng người trí thức trong xã hội chúng ta vẫn còn mang trên vai một gánh nặng quá khứ ngột ngạt?
- Đó là phản ứng có tính tự nhiên. Tuy vậy, tôi nghĩ thái độ thận trọng có thể chia thành hai nhóm: tiêu cực và tích cực. Những người thận trọng một cách tiêu cực là tròn vo như quả bóng, không có kẽ hở để tấn công, có ngã cũng không tổn thương. Còn thận trọng tích cực là cố gắng hiểu để đẩy cái giới hạn lên cao và ra xa hơn.
Trong ngành hàng không có một thuật ngữ rất hay là “push the envelope.” “Envelope” ở đây không phải là “phong bì” theo nghĩa bình thường, mà trong kỹ thuật hàng không, nó miêu tả “phạm vi an toàn” (hay giới hạn trên và giới hạn dưới) của những nhân tố như tốc độ bay, công suất động cơ, độ cao, tốc độ gió… Như vậy, “push the envelope” có nghĩa là kiểm nghiệm những giới hạn đó để xem phạm vi bay an toàn có thể xa đến đâu.
Đương nhiên, trên thực tế, xác định được cái lằn ranh nhiều khi mong manh đó rất khó, quá một chút thì vượt giới hạn, có thể gặp nguy hiểm, bước lui một chút thì lại thành ra thận trọng tiêu cực.
* Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định 97, một vài điều khoản giới hạn phạm vi phản biện đối với các tổ chức khoa học công nghệ. Theo anh, phản biện như thế nào để có chừng mực?
- Đúng là chúng tôi có đôi chút kinh nghiệm về vấn đề này. Nguyên tắc thứ nhất, vấn đề mình phản biện phải quan trọng và là mối bận tâm của những nhà hoạch định chính sách. Việc Chính phủ đề nghị chương trình Fulbright thực hiện loạt bài về thảo luận chính sách là cơ hội rất tốt để chúng tôi phân tích những vấn đề chính sách một cách chính danh.
Nguyên tắc thứ hai là cần giữ thái độ khách quan, phê phán trên tinh thần xây dựng. Nếu không thì cũng giống như chê một ông bác sĩ bốc nhầm thuốc nhưng không đưa ra được toa mới hiệu nghiệm hơn. Nguyên tắc thứ ba là công khai minh bạch. Cụ thể là trình bày quan điểm nhất quán của mình ở mọi diễn đàn, dù đó là hội thảo của các cơ quan nhà nước tổ chức hay khi tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp.
Đảm bảo được các nguyên tắc này sẽ giúp đối tượng bị phản biện và toàn xã hội nói chung thấy được thái độ nghiêm túc và xây dựng của người phản biện. Thế nên, dù ý kiến có tính phê bình nhưng Chính phủ vẫn tiếp nhận, vẫn đề nghị chúng tôi tiếp tục đóng góp.
Tôi cho rằng sẽ luôn có chỗ cho những phản biện trên tinh thần hợp tác. Một điều cần nói thêm là những phân tích chúng tôi đưa ra đều dựa trên nền tảng số liệu chính xác và lý thuyết mạch lạc, từ đó Chính phủ có thể phản biện lại. Điều này tạo điều kiện cho sự đối thoại giữa hai phía. Phản biện mà không có đối thoại là thất bại.
* Tiếp tục với “nguyên tắc thứ nhất” anh vừa đề cập, đâu là những vấn đề các nhà hoạch định chính sách đang quan tâm?
- Có những vấn đề có tính ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, trong bối cảnh tiêu dùng đi xuống, đầu tư giảm, tăng trưởng chậm lại thì thách thức cấp bách là làm thế nào để phục hồi nền kinh tế và chớp được cơ hội sau khủng hoảng. Bên cạnh đó, ngân hàng bắt đầu chạy đua lãi suất, thị trường ngoại hối đóng băng - người xuất khẩu không muốn bán USD, người nhập khẩu không mua được USD, rồi nguy cơ lạm phát, bong bóng chứng khoán và bất động sản có thể quay trở lại khi tín dụng vẫn tiếp tục được nới lỏng...
Về dài hạn, mặc dù tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là rất lớn nhưng chưa đạt được do những bất cập có tính cơ cấu. Cụ thể là theo báo cáo giám sát mới đây của Thường vụ Quốc hội, trong khi khu vực nhà nước chiếm tới 47% về vốn đầu tư nhưng chỉ tạo ra được 31% doanh thu và 24% lao động thì khu vực dân doanh tuy chỉ chiếm 35% về vốn đầu tư nhưng lại tạo ra được 47% doanh thu và 53% lao động.
Nói cách khác, chính sách đầu tư của chúng ta đang kém hiệu quả, do vậy để đạt mức tăng trưởng khoảng 7,5% trong giai đoạn 2000-2007, mỗi năm Việt Nam phải đầu tư tới gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, ở giai đoạn phát triển tương tự như chúng ta hiện nay, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chỉ cần đầu tư khoảng 30% GDP để đạt mức tăng trưởng 9% đến 10%.
Nói nôm na, chi phí tăng trưởng của Việt Nam cao gấp rưỡi, thậm chí gần gấp đôi so với các nền kinh tế này. Một cách khác để nhìn vấn đề là nếu đầu tư của Việt Nam hiệu quả như các con rồng Đông Á thì với tỷ lệ đầu tư hiện nay, chúng ta có thể tăng trưởng trung bình 10-12% hàng năm.
Một thách thức có tính dài hạn nữa là làm sao để Việt Nam thoát được bẫy của những nước thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam hiện nay khoảng 1.000 USD, nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Thực tế cho thấy chỉ có rất ít quốc gia vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình để tiến lên nhóm có thu nhập cao. Nếu chúng ta không có chiến lược và chính sách đúng đắn thì có thể lại rơi vào tình trạng “giậm chân tại chỗ” của một số nước ASEAN như Indonesia hay Philippines.
* Lý do là gì, thưa anh?
- Có nhiều lý do. Về phương diện kinh tế, thứ nhất vẫn là đầu tư kém hiệu quả. Thứ hai, sự tồn tại của các nhóm đặc quyền, đặc lợi cản trở cải cách, nền kinh tế thì kém hiệu quả nhưng họ lại được lợi. Thứ ba, hệ thống giáo dục lạc hậu, không theo kịp yêu cầu của sự phát triển và hội nhập. Vấn đề thứ tư là các nút cổ chai của nền kinh tế, gồm hạ tầng, hệ thống hành chính, thể chế, luật pháp… và năng lực điều hành của Nhà nước đều bất cập.
Trong thời gian vừa qua, nhiều người có năng lực đã rời khỏi hệ thống nhà nước. Việc này dẫn đến thực trạng là năng lực của bộ máy quản lý đất nước đi xuống trong khi mặt bằng xã hội đang dần được nâng lên, tạo ra mâu thuẫn trong hệ thống quản trị nhà nước của Việt Nam. Chỉ khi giải quyết được vấn đề này thì hệ thống quản lý nhà nước mới đóng được vai trò trợ giúp và xúc tác cho quá trình phát triển.
* “Kém hiệu quả” có phải là lý do khiến anh phê phán mô hình tập đoàn trên nhiều diễn đàn?
- Các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam tuy nói là học theo mô hình chaebol của Hàn Quốc, nhưng là một sự học tập không đầy đủ. Cần lưu ý là hai mô hình này có nhiều điểm khác nhau rất cơ bản. Thứ nhất, tập đoàn ở Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước, trong khi các chaebol của Hàn Quốc về cơ bản thuộc sở hữu tư nhân. Hình thức sở hữu khác nhau thì ứng xử cũng sẽ rất khác do một bên tiêu tiền của Nhà nước, còn bên kia tiêu tiền do mồ hôi nước mắt của mình tích lũy nên.
Thứ hai, cách thức hỗ trợ của nhà nước ở hai mô hình cũng khác nhau. Điều kiện tồn tại của chaebol là phải nhanh chóng có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mà cụ thể là sau một thời gian, thường là 5-7 năm phải xuất khẩu được. Trong khi đó, ở Việt Nam nhiều tập đoàn được hưởng “ngân sách mềm”, hưởng lợi thế độc quyền trên thị trường nội địa và không bị buộc phải xuất khẩu.
Thứ ba, các chaebol phát triển một cách hữu cơ, không hình thành bằng cách lắp ghép một cách máy móc. Ngược lại, ở Việt Nam, các tập đoàn được dựng lên bằng việc sáp nhập cơ học các doanh nghiệp nhà nước với nhau. Thêm nữa, do ra đời trong bối cảnh chưa có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nên trong những năm 1960-1980, Chính phủ Hàn Quốc có thể sử dụng mọi biện pháp để hỗ trợ chaebol. Còn Việt Nam hiện đã là thành viên của WTO nên không thể đi lại con đường của Hàn Quốc.
Sau cuộc khủng hoảng năm 1997, bản thân Hàn Quốc cũng đã nhận ra rằng mô hình chaebol thực sự có vấn đề và cần phải cải cách. Cả thời, thế và cấu trúc tập đoàn đều đã thay đổi. Nói cách khác, Việt Nam đi theo một mô hình đã trở nên lỗi thời vào thời điểm không thích hợp. Hai cái sai cộng lại thì rất khó cho ra một kết quả đúng.
* Anh có nghĩ rằng những nhà hoạch định chính sách không nhìn thấy những khuyết tật của mô hình tập đoàn?
- Tôi không nghĩ như vậy. Có nhiều nguyên nhân nhưng chắc không phải do hạn chế về sự hiểu biết. So với tổng công ty, tập đoàn có khả năng tiếp cận vốn ngân sách, đất đai… lớn hơn rất nhiều. Người ta gắn cho nó những nhiệm vụ nghe có vẻ rất hay như tạo ra những “cú đấm thép”, trở thành những con tàu vươn ra biển lớn, cạnh tranh với thế giới.
Nhìn dưới góc độ tổng thể nền kinh tế, sự ra đời của tập đoàn không có lợi về nhiều mặt. Như đã nói ở trên, khoảng 50% tổng đầu tư xã hội được đổ vào các doanh nghiệp nhà nước, phần lớn là các tập đoàn, nhưng giá trị gia tăng và số lượng việc làm mới do những đơn vị này tạo ra lại thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI.
Đóng góp của tập đoàn vào GDP cũng thấp, không tương xứng với những ưu đãi nhận được. Hơn nữa, việc tập đoàn được hưởng nhiều lợi thế về thị trường, vốn, đất đai còn gây ra hiệu ứng chèn ép đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Chưa hết, nhờ vị thế rất lớn nên tập đoàn tạo ra những méo mó trên thị trường, thí dụ như độc quyền và việc bảo vệ thế độc quyền dẫn đến việc cản trở cải cách.
Một ví dụ là thời gian vừa qua Bộ Công Thương có đề xuất tái cấu trúc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) bằng cách chia nhỏ EVN thành các công ty và để chúng cạnh tranh với nhau. Đề xuất này của Bộ Công Thương theo tôi là rất đúng hướng, thế nhưng EVN lại không mặn mà với đề xuất này vì như vậy có thể họ sẽ mất thế độc quyền hiện có. Mà nếu EVN không “ưng” thì việc tái cấu trúc EVN tuy đúng đắn nhưng cũng khó được triển khai.
* Đúng là tập đoàn có những lý do để tạo ra nhiều bất cập. Liệu còn giải pháp nào để sửa tập đoàn cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay?
- Giải pháp luôn luôn có, vấn đề là ý chí thực hiện như thế nào. Kể từ khi Viettel tham gia thị trường viễn thông, VNPT mất thế độc quyền thì chất lượng dịch vụ đã thay đổi rõ rệt, sóng phủ rộng hơn, giá rẻ hơn, và toàn nền kinh tế được lợi rất nhiều. Trong khi đó, ngành điện dù đã có thêm Petro Việt Nam, sản xuất điện bằng khí, nhưng tình trạng thiếu điện vẫn không được cải thiện, ngay cả trong mùa mưa. Nguyên nhân là EVN vẫn một mình một chợ, có thể định giá thấp hay từ chối mua điện của Petro Việt Nam.
Từ hai câu chuyện này, tôi nghĩ rằng vấn đề không hoàn toàn nằm ở chỗ tập đoàn của Nhà nước hay tư nhân, mà yếu tố quyết định là phải có cạnh tranh bình đẳng, phải xóa thế độc quyền. Bên cạnh đó, cũng cần phải thay đổi hệ thống quản trị của các tập đoàn, tạo ra động cơ kinh doanh có lợi nhuận.
Về phía Nhà nước, cần tách bạch ba chức năng: quản lý hành chính, sở hữu nhà nước, và điều tiết độc quyền trong việc quản lý tập đoàn nhà nước. Về phía doanh nghiệp, cần tách bạch chức năng kinh doanh và chức năng xã hội của các tập đoàn. Lấy ví dụ như EVN có thể kêu lỗ vì phải đầu tư hạ tầng để kéo điện lên vùng cao, hoặc phải phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Việc này là trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Chính sự nhập nhằng giữa chức năng kinh tế và xã hội này là cái cớ để các tập đoàn biện bạch cho sự kém hiệu quả. Mặt khác, các tập đoàn sử dụng vốn ngân sách thì phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước bằng công tác kiểm toán công khai minh bạch, quy định đầu tư đến một ngưỡng nào đó thì phải chuyển qua một cơ quan thẩm định và giám sát đầu tư công độc lập.
* Thế còn vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì sao?
- Để đảm bảo tính minh bạch, những dự án cần phải được giao cho các tổ chức có tính khách quan hơn, chẳng hạn như Ủy ban Kinh tế hay Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Thực ra, thẩm định về kỹ thuật không khó, nhất là trong thời buổi hiện nay khi chúng ta có thể thuê các công ty tư vấn quốc tế giàu kinh nghiệm.
Chẳng hạn như một công ty tư vấn quốc tế có thể nói cho bạn biết rằng chi phí trung bình của đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải là 17 triệu USD/km, và từ đó đặt câu hỏi là tại sao chi phí trung bình của đường sắt cao tốc với chuẩn tương đương giữa Hà Nội và TP.HCM (tổng vốn đầu tư của dự án này là 56 tỉ USD, gồm các nguồn vốn vay viện trợ phát triển ODA của Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á - theo VOV) - lên tới 40 triệu USD/km, tức là cao gấp hơn hai lần.
* Chính sách được hoạch định tốt thì sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Nếu như có những lời mời tham gia hoạch định chính sách, anh nghĩ sao?
- Tôi tự xác định vị thế của mình là một trí thức độc lập. Cũng như một hệ thống điều khiển học, điều kiện tiên quyết để vận hành hiệu quả là phải có phản hồi. Vì vậy, khi trở thành một con ốc trong bộ máy nhà nước, chắc chắn tôi sẽ không thể phản hồi một cách khách quan.
Ở tất cả các quốc gia phát triển luôn tồn tại một đội ngũ trí thức độc lập, đóng góp tích cực và mạnh mẽ cho đời sống xã hội. Lực lượng này hành động vì lợi ích của đất nước. Họ cất tiếng nói luôn vì những điều lớn lao hơn cá nhân họ, và chính điều này khiến họ trở thành người trí thức. Để phát triển, xã hội luôn cần những trí thức suy nghĩ độc lập.
* Là người thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, anh nghĩ thế nào về lực lượng này?
- Rõ ràng đây là bộ phận năng động trong nền kinh tế của chúng ta. Tinh thần doanh nhân của họ rất đáng khâm phục, dù gặp trăm ngàn khó khăn nhưng họ vẫn bơi được. Tuy nhiên, về cơ bản thì những doanh nghiệp này vẫn còn nhỏ quá, cụ thể là quy mô vốn và lao động trung bình của họ thấp hơn hàng chục lần so với khu vực doanh nghiệp nhà nước hay FDI.
* Thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, am hiểu về doanh nghiệp và am hiểu về cộng đồng này cũng như những bất cập của chính sách. Nếu làm kinh doanh, anh có nhiều điều kiện để thành công?
- Tôi lại nghĩ mình không có những phẩm chất để bước vào thương trường. Nếu dùng thuật ngữ kinh tế thì “lợi thế so sánh” của tôi là giảng dạy và nghiên cứu. Không vơ đũa cả nắm nhưng môi trường kinh doanh hiện nay ở Việt Nam đòi hỏi nhiều sự hy sinh về gia đình và trong một chừng mực nào đó là những quan niệm về giá trị. Nghiệm lại thì nghiệp của tôi là làm nhà giáo và nhà nghiên cứu, mà đã là cái nghiệp thì rất khó thay đổi.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét