19 thg 9, 2011

Cởi nút thắt cho cải cách


Sửa đổi Hiến pháp phải tạo nên những giá trị mới, thúc đẩy nhanh việc hình thành những rường cột mới có khả năng thay thế những rường cột cũ, chấm dứt hiện tượng hỗn mang: “cái cũ thì không còn giá trị, cái mới thì chưa hình thành, chưa được ghi nhận”.
LTS: Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng XI, tiến trình sửa đổi hiến pháp đã bắt đầu khởi động với việc thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch.
Để có luận cứ khoa học, cung cấp cái nhìn toàn diện cho việc sửa đổi Hiến pháp, văn kiện Hội nghị Trung ương 2, Ban chấp hành TW Đảng khóa XI kêu gọi "động viên sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân" vào việc sửa đổi Hiến pháp lần này. Hưởng ứng tinh thần cầu thị của Đảng, tham gia đóng góp vào việc sửa đổi Hiến pháp, Tuần Việt Nam sẽ lần lượt giới thiệu các ý kiến đóng góp, góc nhìn của các chuyên gia, nhà khoa học và độc giả.
Sau 25 năm đổi mới, dân tộc Việt Nam đã đạt được những tầm cao mới, đồng thời đối mặt với những thách thức mới. Đây là thời điểm cần nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu hay không?". Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là một trong những điều kiện tiên quyết để cho chúng ta giải quyết thành công những thách thức trong thời đại mới. Theo quy luật "lượng đổi chất đổi" của học thuyết Mác - Lênin, thì sau hai mươi lăm năm "tích lũy về lượng" thì cần phải có sự "thay đổi về chất" để dân tộc Việt Nam có thể thăng hoa; sau hai mươi năm đổi mới mạnh mẽ về kinh tế , thì "kiến trúc thượng tầng" cần phải có sự đổi mới tương ứng, tránh hiện tượng lệch pha.
Chính vì lẽ đó, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là trăn trở của các nhà khoa học, là mong muốn của nhân dân trong nước, là mong mỏi của kiều bào. Mong mỏi này đã được Đảng chấp thuận tại Hội nghị Trung ương 2 và Quốc hội khóa XIII đã chính thức thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo chúng tôi, sửa đổi Hiến pháp 1992 là cần thiết và tất yếu bởi những lý do sau:
Sự thay đổi giá trị và công cụ điều chỉnh
Trong xã hội thời kỳ bao cấp, tuy nghèo nhưng ổn định bởi có ba rường cột:
  • Tình đồng chí, các tổ chức đoàn thể;
  • Niềm tin của nhân dân vào cán bộ
  • Sự độc quyền của nhà nước về kinh tế.
Khi bước sang nền kinh tế thị trường thì ba rường cột này được nhúng vào một dung dịch mới, trong đó lợi ích cá nhân vừa là động lực thúc đẩy con người vươn lên làm giàu vừa đóng vai trò như là axít làm những cho "cương thường" của xã hội cũ cái thị bị tan chảy, cái thì bị đảo lộn. Những chuyện xa lạ với xã hội bao cấp đã xảy ra.
Vì hủ hóa mà vụ phó thuê đầu gấu hành hung vụ trưởng, vì tình dục mà thầy Đỗ Tư Đông được báo chỉ nêu tên, vì đồng tiền mà con đẻ kiện mẹ đòi tiền công nuôi dưỡng, vì chức tước mà cán bộ bỏ hàng đống tiền để chạy chức. Tham nhũng trở thành quốc nạn, tham nhũng diễn ra khi đi làm giấy khai sinh và cả khi khai tử. Đảng, Nhà nước và nhân dân đều quan tâm việc kiểm soát các vấn nạn này.
Để kiểm soát thành công các vấn nạn này thì chúng ta không thể dựa vào các công cụ của thời kỳ bao cấp, mà phải sử dụng những công cụ mới, những giá trị mới.
Trước hiện tượng lạm quyền, tham nhũng thì quyền lực nhà nước cần phải được kiểm soát theo mô hình nhà nước pháp quyền. Nhưng làm sao kiểm soát được quyền lực nhà nước khi Hiến pháp hiện hành chưa có cơ chế xem xét các văn bản quy phạm pháp luật trái hiến pháp, trái luật? Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cần phối hợp, kiểm soát lẫn nhau. Nhưng làm sao có thể kiểm soát lẫn nhau nếu như trong bộ máy nhà nước có một cành quyền lực trở nên quá mạnh, thế cân bằng quyền lực bị phá vỡ, và các cành quyền lực còn lại chỉ là cái bóng? Chỉ với một cụm từ "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Điều 2 Hiến pháp hiện hành thì chưa thể đủ đưa Việt Nam thành một nhà nước pháp quyền thực thụ, mà sửa đổi Hiến pháp lần này phải biến điều này thành hiện thực bằng những cải cách sâu rộng về bộ máy nhà nước theo tinh thần pháp quyền. Pháp quyền không thể thiếu tư pháp độc lập, tính chịu trách nhiệm, cân bằng quyền lực và minh bạch hóa sự vận hành của quyền lực nhà nước.
Đối với tham vọng, lợi ích cá nhân thì "đức trị và niềm tin" chưa đủ, mà cần dựa vào nguyên tắc "dùng tham vọng để kìm chế tham vọng, dùng lợi ích để cân bằng lợi ích", cần phải điều chỉnh bởi luật thay vì niềm tin và sự giáo huấn, cần phải khuyến khích họ cạnh tranh lành mạnh. Nhưng cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế làm sao có sự bình đẳng thực thụ khi Hiến pháp hiện hành ghi nhận "kinh tế nhà nước là chủ đạo" và ban phát cho doanh nghiệp nhà nước vô vàn lợi thế? Các công dân làm sao để có thể có được cơ hội bình đẳng khi Điều 2 Hiến pháp hiện hành chia công dân Việt Nam làm hai nhóm: thành phần cơ bản (công, nông, trí) và thành phần không cơ bản (thương nhân)?
Sửa đổi Hiến pháp phải tạo nên những giá trị mới, thúc đẩy nhanh việc hình thành những rường cột mới có khả năng thay thế những rường cột cũ, chấm dứt hiện tượng hỗn mang: "cái cũ thì không còn giá trị, cái mới thì chưa hình thành, chưa được ghi nhận".
Quốc hội khóa XIII đã chính thức thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992
Không thể mang thuyền tam bản ra biển lớn
Toàn cầu hóa như một làn gió càn quét khắp mặt đất, cùng lúc mang đến sự hưng thịnh cho dân tộc này và sự bần cùng hóa của dân tộc khác. Việt Nam đã thành công bước đầu trong làn sóng này và ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới; con thuyền Việt Nam đã theo sông ra biển lớn. Biển lớn có luật riêng của biển lớn. Việt Nam phải phê chuẩn tham gia hàng loạt công ước quốc tế trong 25 năm đổi mới vừa qua. Những cam kết với quốc tế của Việt Nam kéo theo quá trình hài hóa hóa pháp luật diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là trong và sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Việc hội nhập kinh tế, hài hòa hóa pháp luật sẽ đòi hỏi sự hài hòa hóa thể chế chính trị.
Khi xưa lão ngư với con thuyền tam bản vừa chèo thuyền, vừa cầm lái, vừa quăng chài bắt cá trên dòng sông nhỏ. Nay ra biển lớn, dân tộc Việt Nam không thể mang thuyền tam bản ra cạnh tranh với các hạm đội của láng giềng được, mà phải sắm những con thuyền to. Con thuyền to đòi công nghệ định hướng mới (navigation), đòi hỏi sự phân công lao động rạch ròi của thủy thủ đoàn, nhà nước không nên vừa cầm lái vừa cầm chèo như cũ. Nắm bắt được cơ hội và thách thức thiên niên kỷ này, nên Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xem việc "đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng" là một trọng tâm.  Vậy sửa đổi Hiến pháp 1992 cần phải tạo ra sự đột phá và thể hiện thành công sự hài hóa hóa chính trị này.
Đã đến lúc làm lễ thành niên?
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, dân tộc Việt Nam vừa sung sướng, vừa bở ngỡ với một hiện tượng mà hơn hai nghìn năm trước họ chưa hề được trải nghiệm: dân chủ. Để cho nhân dân làm quen từng bước và đi đến làm chủ thực sự của chế độ dân chủ, thì họ cần được sự dẫn dắt, gợi ý, thậm chí là giám hộ của lực lượng lãnh đạo. Sự dẫn dắt này thật là quý báu đối với một người từ miền núi xa xôi lần đầu ra chốn đô thành.
Thấm thoắt, từ đó đến nay đã 61 năm. Dân tộc Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hai cuộc chiến tranh nhỏ, biết nhận ra sai lầm của bao cấp để đi đến đổi mới thành công. Bản tính cần cù, đầu óc thông minh, năm nay tròn 61 tuổi, có nên làm lễ trưởng thành cho họ không? Hay họ vẫn tiếp tục đặt họ dưới sự giám hộ định hướng? Nếu tiếp tục giám hộ thì ở mức độ nào?
Đó chính là những vấn đề liên quan trưng cầu dân ý, phúc quyết toàn dân, hiệp thương trong bầu cử mà sửa đổi Hiến pháp lần này cần phải giải quyết để điều chỉnh mức độ giám hộ ở mức phù hợp.
TS. Võ Trí Hảo (ĐHQGHN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét