16 thg 4, 2012

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm thân hữu Cuba


Tuần qua người ta nói nhiều đến chuyến đi Cuba của ông Trọng. Hình như các nhà lãnh đạo CS Việt Nam có tài hài hước giúp đồng bào đang vất vả kiếm sống có dịp xả stress.

Ngày 27 tháng Chín năm 2009, ông Triết sang Cuba cam kết thay nhau canh gác cho hòa bình thế giới giữa lúc Trung Quốc ủi ghe đánh cá, bắt và giết ngư dân đang hành nghề ngay trên biển của mình. Còn tuần rồi, hôm 9 tháng 4 năm 2012, ông Trọng lại sang thăm Cuba và nói với nhân dân Cuba về sự kiên định tiến lên XHCN của Việt Nam. Ông còn khẳng định thêm hộ nhiều nước khác cũng đang tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Người Hà Nội gọi ông là “Trọng lú”. Không biết thực hư ra sao. Lẽ ra ông nên đeo kính đen thay cho kính trắng. Vì dường như ông không thấy những gì đang xảy ra ở ngay trong đất nước CHXHCN Việt Nam ngày nay.

Đây thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôi xin chia sẻ cùng quý vị.

Không biết quý vị sao, chứ riêng tôi mỗi khi đứng trước bất cứ cửa tiệm nào hay tản bộ trên hè phố chỉ khoảng chưa đầy 10 phút đã có ít nhất là từ ba tới bốn em nhỏ, bà già hay phụ nữ; cũng có khi một người tàn tật lại năn nỉ mua xổ số. Họ chỉ biết sống bằng những đồng tiền bán vé số đó thôi. Chẳng biết lời lãi, chia phần trăm thế nào trên tấm vé số. Tôi không bao giờ mua vé số. Vì tiền thu được phần lớn vào tay nhà nước, nhưng tiền thu được sẽ chi ra như thế nào có trời biết. Nên nếu khi nào có chút tiền mà thấy một bà già bán vé số quá tội nghiệp thì tôi xin biếu bà thôi, chứ nhất định không mua số.

Có nhiều người cực khổ mới kiếm được đồng bạc. Lúc khát cũng muốn ra uống ly nước mía. Đôi khi muốn ăn tô phở. Ráng nhịn để đem tiền về nuôi vợ con, nhưng cũng trích ra chút ít cho vé số. Ngày này qua tháng nọ cứ nuôi mộng. Trúng đâu không thấy, nhưng chỉ biết mỗi ngày cũng cứ phải bỏ ra chút tiền cho xổ số.

Có buổi sáng, tôi vừa bước vào một cửa tiệm, hai ba em kéo lại năn nỉ xin đánh giầy. Không biết ai sao chứ tôi cảm thấy vô cùng ái ngại để một em nhỏ chà đôi giầy cho mình giữa bàn dân thiên hạ.

Một lần tôi thuê một chiếc xe của một người quen ra phi trường, tự nhiên tôi thấy xe vô lề và ngừng lại. Tôi hỏi ông tài chuyện gì thế. Ông cho hay bị công an “stop”. Tôi hỏi sao bị stop. Ông nói đi không đúng “line”.


Trước khi ông xuống ông cầm sẵn ba trăm nghìn. Nhưng chỉ mấy phút, ông vội vàng trở lại mượn hai trăm ngàn và lần này mới xong. Tôi hỏi ông sao lại phải đưa tiền chi vậy, cứ chờ để họ phân xử sao hãy đóng tiền. Ông nói họ giam xe, công đi lên đi xuống vừa tốn kém, vừa mất thì giờ còn công việc làm ăn hằng ngày nữa. Rồi lại còn bị đóng dấu vào bằng lái. Bằng lái bị đóng ba dấu là hết lái xe, rồi làm sao kiếm sống. Họ nhận tiền mà tha cho mình là phước lắm đó. Thế là cả một ngày vất vả chở khách cộng với tiền xăng đi đoong.

Còn khắp phố phường sáng tối, những người phu quần áo bạc mầu, mồ hôi, mù kê nhễ nhại với cái giễ dài vật vờ quét đường, đồng lương thì bèo bọt, rồi những xe đẩy tay len lỏi trên các hè phố thu gom rác. 

Công nhân làm nhiều giờ, lương thấp muốn đình công xin tăng lương bị công an đánh đập, bỏ tù. Ngày xưa hồi các nước Châu âu mới công nghiệp hoá. Chính mấy ông tổ CS xúi nhân công biểu tình yêu cầu đòi thêm quyền lợi. Mấy ông còn xúi công nhân đòi luôn nhà máy. Vì cho rằng bọn chủ đã bóc lột công nhân trên giá trị thặng dư và rồi lấy cớ hô hào công nhân toàn thế giới xiết tay nhau chôn sống bọn tư bản để tự giải phóng mình. 

Ngày nay đảng kiên định tiến lên XHCN, thì công an cầm dùi cui, lựu đạn hơi cay, vòi xịt nước, khiên chắn súng đạn ra o ép công nhân cho tư bản bóc lột. Ai cưỡng lại, ăn đòn ngay hoặc vào tù. Đỗ Thị Minh Hạnh ơi, tội nghiệp em quá. Em đã làm đúng những gì mà các sư tổ CS dạy, nhưng hậu duệ của mấy ông lại đánh đập và bỏ tù em. Đấy họ kiên định con đường đi lên XHCN như thế đó.

Rồi những dân oan, mất nhà mất đất lấy mặt bằng cho bọn tư bản xây dựng nhà máy để bóc lột giá nhân công rẻ mạt, và nhiều chuyện bi đát hơn xảy ra hằng ngày trong cái thiên đường này. Sáng nay tôi vừa coi ba xướng ngôn viên xinh như mộng tuôn ra những lời kết án Chị Bùi Thị Minh Hằng (tội tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược). Tôi liên tưởng ba ngôi sao xướng ngôn viên xinh đẹp như thế của truyền hình nhà nước Việt Nam sao nó giống y chang những lời của bần cố nông tố cáo địa chủ khi xưa. Chuyện cứ lặp lại mãi, xấu hổ quá.

Ngược lại cái cảnh đói rách của cả một tầng lớp dân nghèo, là cả một giới quý tộc thượng lưu mới ăn chơi phung phí tiền bạc. Chúng ta nghe Anh Alastair Leihead tả lại: “Ăn phở 35 Dollars, chơi xe máy dầu Harley Davidson. Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy nhiều xe sang trọng như thế ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Chơi xe mới, mắc không thể tưởng được. Xe Porsch hai cầu dù tôi là nhà báo đi nhiều nơi cũng chưa biết loại xe đó; xe Rolls-Royce Phantom chế tạo theo yêu cầu của khách hàng." 

Theo RFA, thống kê của Bộ Công Thương của CS Hà Nội công bố năm 2010, Việt Nam đã nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ lên đến 10 tỷ Dollars.

Chỉ so sánh đơn giản như thế để thấy con đường xã hội chủ nghĩa mà ông Trọng đang rao hàng trong chuyến viếng thăm hữu nghị Cuba vừa qua. Con đường XHCN mà đảng CS kiên định đưa Việt Nam đi tới. Ông còn khẳng định đó là con đường đúng đắn mà nhiều nước Tây Nam Bán cầu đang cố gắng bắt chước theo đuổi. Đây chính là con đường mà Ông Lữ Phương gọi là “Chế độ Tư bản rừng rú.”

Ông ca tụng Fidel Castro là biểu tượng, hình ảnh được cả 80 triệu người Việt Nam ấp ủ trong tim. Bây giờ đi hỏi bất cứ người Việt Nam nào, nhất là giới trẻ, họ chả quan tâm để tìm xem mặt mũi ông Castro tròn hay méo, râu ria ra sao họ cũng mù tịt. Đại loại họ xếp ông cũng cùng loại với Kim Young Ill. Ông làm cứ như thời cải cách ruộng đất với Tố Hữu: “Yêu biết mấy nghe con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi Staline.” 

Người Việt Nam bây giờ ấp ủ cái gì, ông Trọng có biết không? Giới trẻ họ đang ấp ủ hình ảnh các minh tinh Hàn Quốc như nhóm nhạc Big Bang, Bi Rain, Jeon Ji Hyun, Song Seung Hun, Hae Young, v.v. . . Ngày 25 tháng Sáu năm 2009, khi Michael Jackson chết, thanh niên học sinh đã đem đầy hoa thắp nên trước hình ảnh anh chàng và khóc sướt mướt nỉ non ở các góc phố Hà Nội.

Còn trong tim các đại gia là hình ảnh những bộ chân dài, những bữa ăn đắt tiền, những chiếc xe sang trọng, những ngôi nhà trang trí bằng những chậu kiểng cả trăm ngàn đô. Những mớ tiền cược cho cuộc cá độ cả hàng triệu đô. 

Chẳng có một ai nghĩ tới ông Castro lấy một giây. Trong khi ông Trọng ca tụng XHCN, thì chính ông Castro đã nói là con đường ông chọn cho Cuba không phù hợp. Hết sức mong muốn được buôn bán với Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ cũng chỉ nhập khẩu những hàng như xì gà, thuốc lá, đường; ngoài ra, không thấy những mặt hàng nào khác. Những người tỵ nạn Cuba tích cực hoạt động, lobby nhằm ngăn cản việc giao thương này.

Cuba nằm trong vị thế Hoa kỳ kiểm soát được về an ninh, nên họ cũng chẳng mặn mà gì vấn đề giao thương. Mặc cho cuộc sống khó khăn của đất nước này với thời gian cho bõ ghét những ngày đầu cách mạng chửi bới, lên án đế quốc và kiên định con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa.  Để mặc cho các nước xã hội chủ nghĩa với nghĩa vụ quốc tế vô sản anh em ráng cưu mang nhau. Cuba mới nhận của ông Trọng 5,000 tấn gạo, nhưng rồi cũng sẽ cứ đói dài như Bắc Hàn để mà kiên định con đường XHCN.

Không biết ông Triết trước đây và ông Trọng mới đây đều là những nhà khôi hài đại tài hay họ chỉ là những bệnh nhân tâm thần “mental” trầm trọng, nhưng quả thực đã giúp nhiều người cảm thấy rất thoải mái vì đã xả được những cơn stress do cuộc sống vất vả hằng ngày gây ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét