27 thg 12, 2011

Phát ngôn ấn tượng và "thần khẩu" kinh hoàng

Đào Tuấn

Bộ trưởng Giao thông cấm... chơi golf. Bộ trưởng Giáo dục bảo điểm không môn Sử là bình thường. Bộ trưởng Y tế tuyên bố không hứa gì cả.  Năm 2011 có vẻ là năm được mùa với những phát ngôn ấn tượng của các chính trị gia, cả những phát ngôn khiến dân chúng vỗ tay, và cả những "thần khẩu" kinh hoàng.
"Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa"
Trên diễn đàn Quốc hội được truyền hình trực tiếp ngày 25-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
"Đối với Hoàng Sa, năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo. Đến năm 1974, cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này".
"Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình".
Đây được đánh giá là một trong những phát ngôn ấn tượng nhất, mạnh mẽ nhất được dân chúng ủng hộ nhất trong năm 2011.
Đừng tạo ra những khoảng không đáng có giữa CP và nhân dân
Nhưng tại kỳ họp trước đó, Đại biểu QH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phê phán việc Quốc hội "họp riêng" về vấn đề Biển Đông: “Ngay chương trình làm việc của QH ban đầu hầu như chẳng có vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông cả, phải đến lúc dư luận và đại biểu QH yêu cầu thì QH mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy 1 tiếng và không có thảo luận...
Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa CP và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết”.
Không ai dọa được Nhà nước
"Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước… Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 86 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ này”.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” ngày 20/9.
“Các ông đùa à?
“Các ông đùa à? Thợ Đà Nẵng nổi tiếng về khâu hoàn thiện, ở Hà Nội còn mời họ ra, làm gì phải đưa từ Hà Nội vào. Vấn đề là ông trả tiền không thỏa đáng nên người ta không làm thôi!”. Đây là lý luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Sân bay Đà Nẵng, trước khi ông "chém tướng".
Ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Thăng đã nói rằng: "Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành, phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”. Ngay sau đó, ông ra văn bản yêu cầu lãnh đạo thuộc Bộ không chơi golf, kể cả vào ngày nghỉ để tập trung làm việc.
Trả lời về văn bản yêu cầu “CBCNVC sử dụng xe buýt tối thiểu 1 ngày trong tuần”, ông Thăng nói: “Nếu nhân viên cấp dưới không đi xe buýt thì tôi cũng sẽ không phạt họ đâu. Thực tế, với tình hình chất lượng xe buýt như hiện nay thì đến tôi còn chẳng thể đi nổi, làm sao mà bắt buộc anh em phải đi được”.
"Một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này"
Tiếp xúc với cử tri quận 1 (TP. HCM) với tư cách ứng viên ĐBQH vào ngày 7/5, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang (hiện nay là Chủ tịch nước) cho rằng so với mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, chúng ta làm chưa tới, chưa thành công. "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này", ông nói.
"Trừ quyết định của Thủ tướng"
"Tòa án là cơ quan xét xử duy nhất, xét xử 2 cấp nên nếu thấy quyết định trái pháp luật thì có quyền hủy, trừ quyết định của Thủ tướng".
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu trong phiên họp Quốc hội ngày 22-03.
"Mong bà con thông cảm"
"Những năm 1980, Nhà nước thực hiện chính sách đưa đất dân khai hoang vào tập đoàn để nhường cơm sẻ áo. Biết là người dân có thiệt thòi nhưng mong bà con thông cảm với chủ trương chính sách của Nhà nước. Luật Đất đai hiện hành quy định là không xem xét trả đất cũ".
Phát ngôn của ông Nghiêm Sĩ Minh - Phó Cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ.
"Nghị sĩ rau muống"
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng: “Lòng tin của nhân dân đối với đồng tiền bị giảm sút ghê gớm, ngày xưa phát hành tiền thì tính bằng tiền xu, nhưng bây giờ đi chợ tính bằng tiền nghìn, tức là mất giá đến 1.000 lần”.
Nhưng cũng là một nghị sĩ QH, cũng trên diễn đàn QH, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. HCM) nói: "Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực… Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn... đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất”.
Chỉ ngay sau đó, tại phiên họp góp ý cho đề án đổi mới chất lượng hoạt động Quốc hội, tại Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, mỗi đại biểu phải chọn lọc ý kiến để phát biểu cho trúng, tránh tình trạng đưa ra dẫn chứng, ví von không hợp lý khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng tân đại biểu. Bà Doan nhắc lại là ý kiến của vị đại biểu so sánh giá rau muống ở Việt Nam với Singapore, và bình luận: Ý kiến trên đã lan truyền nhanh chóng trên mạng và vị nghị sĩ nói trên được đặt cho biệt danh mới là “nghị sĩ rau muống”.
Chưa cần Luật Biểu tình vì dân trí thấp
"Biểu tình, tức là Demonstration luôn để chống Chính phủ nước mình hay một chủ trương của Chính phủ nước mình... Việt Nam có cần các cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không? Nếu không cần tại sao lại đưa dự án Luật Biểu tình nói rồi nói mãi như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ”.
ĐBQH Hoàng Hữu Phước phát biểu đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật Lập hội và Luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ khóa XIII.
Ngay sau đó, trả lời PV Tuổi Trẻ, ông Hoàng Hữu Phước đề xuất đợi đến “khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”.
"Vì sao cần có luật này thì tôi chưa nghĩ ra"
Đại biểu QH Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), tác giả của dự án Luật Nhà văn tâm sự: Tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn. Tôi chỉ thực hiện lời hứa, còn cụ thể vì sao cần có luật này thì tôi chưa nghĩ ra.
"Người dân phải tự bảo vệ lấy mình"
Trao đổi với VietNamNet trong lễ chuyển giao chức vụ Bộ trưởng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà không đưa ra lời hứa nào trong nhiệm kỳ 13 "vì những đặc thù".
Sau đó, một mặt trình đề án tăng giá viện phí, một mặt xuất hiện tại bệnh viện, trước ống kính truyền hình, bà Bộ trưởng phát biểu: “Nhìn thấy bệnh nhân nằm trên, nằm dưới, nằm hành lang, một giường dồn hai ba người tôi cảm thấy đau đớn".  "Không một quốc gia nào bệnh viện lại quá tải như ở Việt Nam".  “Chân dung, bộ mặt ngành Y tế của chúng ta hiện nay không thể chấp nhận được”.
Đối với dịch Tay chân miệng khiến 99.000 trường hợp nhiễm và 160 trường hợp tử vong, bà Bộ trưởng trả lời SGTT: “Tổ chức y tế thế giới đã lên tiếng gì đâu... Khi công bố dịch là khi mức trầm trọng quốc gia, các ngành công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp... gần như là công bố tình trạng khẩn cấp... Nhưng trước hết người dân phải tự bảo vệ lấy mình”.
Hàng ngàn điểm 0 là bình thường.
“Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém. Đã là cuộc thi tuyển đại học thì đề thi có sự phân loại để tuyển chọn. Vừa qua, học sinh theo đuổi ngoại ngữ, tin học… những môn như Lịch sử và Văn học bị xem nhẹ hơn chút. Chúng ta đừng coi đó là thảm họa rồi quy là chú trọng đẩy cái này, sao nhãng cái kia”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải thích về tình trạng có hàng ngàn điểm không môn lịch sử ở kì thi đại học 2011.
Lương 7,3 triệu đồng không thể sống được
“Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được. Là Tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”.
Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh than thở vì mức lương để hạch toán vào giá thành điện của cán bộ nhân viên ngành điện "chỉ 7,3 triệu".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét