4 thg 12, 2011

Tăng tính chịu trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội

Tác giả: VÕ TRÍ HẢO


Không thể dùng một Quốc hội nghiệp dư để kiểm soát một Chính phủ chuyên nghiệp được; không thể dùng một Quốc hội họp „xuân thu nhị kỳ" để bám sát dòng chảy liên tục của công việc quản lý nhà nước.
Hiện nay theo quy định của Hiến pháp 1992 cũng như theo quy định của Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội thì tất cả các thành viên của Chính phủ có thể bị chất vấn trước Quốc hội. Nhưng hiệu quả hoạt động chất vấn chưa đủ cao, chưa trở thành một áp lực thực sự đối với các thành viên của Chính phủ. Hiệu quả chất vấn cũng như tính chịu trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội còn chưa cao liên quan đến vấn đề ai chất vấn ai? Người chất vấn có động cơ gì, thông tin gì? Chất vấn xong để làm gì?
Nguyên tắc bất khả kiêm chưa được công nhận
Vấn đề lớn nhất hiện nay làm cho tính chịu trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội thấp là nguyên tắc „bất khả kiêm" - là một nguyên tắc phổ quát của các nghị viện trên thế giới -  vẫn chưa được thừa nhận ở Việt Nam. Chính vì chế độ bất khả kiêm chưa được áp dụng nên hiện nay, ngoài số đại biểu chuyên trách[1] chiếm khoảng 30%, thì khoảng 70% đại biểu còn lại là đại biểu kiêm nhiệm[2]. Phần đông các đại biểu kiêm nhiệm này xem công việc của đại biểu QH là việc phụ, không mấy ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của mình. Họ không có nhu cầu sống còn làm cho Quốc hội mạnh lên, không có động cơ xây dựng một Quốc hội thực quyền; ngược lại một Quốc hội yếu ớt, thiếu hiểu biết về quản lý nhà nước thì càng làm cho công việc của họ trở nên dễ thở, ít bị soi mói. Điều này càng đúng đối với những đại biểu quốc hội, nhưng chính bản thân họ hoặc thủ trưởng của họ thường phải trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Ảnh Lê Anh Dũng
Hiện nay, các lãnh đạo Quốc hội bao giờ cũng muốn làm cho Quốc hội thực quyền, thông qua đó quyền lực chính trị của mình được mở rộng tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, đó chỉ là mong muốn của số ít trong Quốc hội, chưa phải là mong muốn của hơn 70% đại biểu còn lại. Không thể dùng một Quốc hội nghiệp dư để kiểm soát một Chính phủ chuyên nghiệp được; không thể dùng một Quốc hội họp „xuân thu nhị kỳ" để bám sát dòng chảy liên tục của công việc quản lý nhà nước.
Tình hình sẽ khác hẳn, khi nguyên tắc bất khả kiêm được thừa nhận. Nếu nguyên tắc bất khả kiêm được thừa nhận, thì không riêng gì lãnh đạo Quốc hội mà từng đại biểu Quốc hội đều xem việc làm đại biểu là một nghề, gắn liền với sự nghiệp chính trị của họ. Các đại biểu sẽ không còn lợi ích nào để chăm chút ngoài việc khẳng định, củng cố vị trí đại biểu của mình. Lúc đó các đại biểu Quốc hội sẽ đồng thanh với lãnh đạo Quốc hội xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp, thực quyền, thực hiện đúng thẩm quyền và chức năng mà hiến pháp đã quy định.
Chế độ thông tin của đại biểu Quốc hội chưa được bảo đảm
Để chất vấn nói riêng cũng như giám sát nói chung được hiệu quả thì Đại biểu Quốc cần có được thông tin một cách đầy đủ và kịp thời. Hiện nay Quốc hội giám sát Chính phủ chủ yếu dựa trên các số liệu, thông tin mà các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cung cấp. Mà số liệu này thường không đầy đủ và có độ tin cậy thấp. Ví dụ điển hình là Petrolimex một mặt than kinh doanh xăng dầu lỗ để xin tăng giá, nhưng trong báo cáo để chuẩn bị IPO thì lại báo cáo lãi hàng nghìn tỷ đồng[3].
Việc che dấu thông tin của Chính phủ đối với Quốc hội, ở mức độ nhiều hay ít đều diễn ra ở các nước. Nhưng nghị sỹ các nước không bị mù khi phía Chính phủ che dấu thông tin vì họ có nhiều nguồn thông tin có giá trị khác.
Các nghị sỹ này thường có văn phòng riêng và được quyền tuyển dụng đội ngũ giúp việc cho mình. Chính đội ngũ này sẽ giúp nghị sỹ tìm kiếm và tổng hợp thông tin. Ngoài ra, mỗi nghị sỹ thường đại diện thực sự cho một ngành nghề hay một địa phương nào đó, nên các tổ chức này sẽ tích cực cung cấp thông tin cho các nghị sỹ. Đặc biệt các nghiệp đoàn, hiệp hội thường cử các luật sư, chuyên gia, cố vấn của mình phối hợp với các nghị sỹ để bảo vệ lợi ích của ngành, của các thành viên hiệp hội một cách tốt nhất. Chính sợi dây liên hệ chặt chẽ này, nên các nghị sỹ luật có thông tin đầy đủ kịp thời để chất vấn chính phủ; nâng cao tính chịu trách nhiệm của chính phủ.
Vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ
Hiện nay, theo Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội thì Ủy ban thường vụ QH hoặc một nhóm từ20% đại biểu Quốc hội (Điều 13) có thể đề xuất việc „bỏ phiếu tín nhiệm" đối với thành viên chính phủ. Tuy nhiên cơ chế „bỏ phiếu tín nhiệm" hiện nay có rất nhiều bất cập.
Trước hết, có lẽ người soạn thảo đạo luật này đã dùng lẫn lộn từ ngữ giữa „bỏ phiếu tín nhiệm" và „bỏ phiếu bất tín nhiệm". Nếu đề xuất bỏ phiếu xuất phát từ người được đưa ra bỏ phiếu nhằm đánh giá sự tín nhiệm của quốc hội/nghị viện dành cho mình cao hay thấp, đề từ đó mình có thể đưa ra chính sách cải cách mang tính đột phá hay không. Hay nói cách khác trong „bỏ phiếu tín nhiệm", thì các thành viên của chính phủ sẽ đóng vai trò chủ động, sẽ là người đề xuất việc bỏ phiếu.
Nếu nghị viện/quốc hội bất bình với cách lãnh đạo, điều hành của cá nhân bộ trưởng hay cả tập thể chính phủ nói chung, từ đó để xuất việc bỏ phiếu, thì trong trường hợp này là đề xuất bỏ phiếu nhằm bày tỏ sự không hài lòng, nên cần được gọi là „bỏ phiếu bất tín nhiệm". Hay nói cách khác, khi thành viên chính phủ bị động trong việc bị mang ra bỏ phiếu, thì đây chính là việc bỏ phiếu „bất tín nhiệm".
Theo hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, thì không có hiện tượng thành viên Chính phủ hay tập thể Chính phủ tự nêu ra vấn đề bỏ phiếu, mà họ chỉ có thể bị bỏ phiếu ở dạng bị động, dạng này đáng tiếc là được Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội gọi là „bỏ phiếu tín nhiệm".
Vì sự nhầm lẫn này, nên trong bài viết này tôi xin dùng từ bỏ phiếu bất tín nhiệm để chỉ hiện tượng các thành viên Chính phủ bị động trong việc bị đưa ra bỏ phiếu.
Việc sử dụng nhầm từ, chỉ là dấu hiệu hình thức, không thay đổi bản chất, vị trí quyền lực nhưng nó gián tiếp thể hiện việc biên tập viên khi soạn thảo dự thảo luật đã chưa nghiên cứu thấu đáo về hoạt động giám sát của Quốc hội.
Vấn đề quan trọng nhất của cơ chế bỏ phiếu bất tín nhiệm của Luật này, nằm ở chỗ đã đặt ra yêu cầu quá cao, dẫn đến đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm gần như không thể hình thành từ các đại biểu Quốc hội được. Vì luật này đã đưa ra tỷ lệ 20% tổng số đại biểu QH, trong khi thông lệ của các nghị viện thì con số này chỉ là 10%. Đặc biệt trong điều kiện một đảng và cơ chế sinh hoạt của Đảng đoàn Quốc hội thì 10% cũng đã là đặc biệt khó rồi chứ nói gì đến 20%. Hơn nữa, Luật này cũng hoàn toàn không đề cập đến việc làm thế nào để có thể thu thập được sự đồng ý của 20% tổng số Đại biểu QH để có thể đưa ra đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Không có chế định bất tín nhiệm tập thể Chính phủ. Hiện nay mặc dầu Hiến pháp 1992 quy định tập thể Chỉnh phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng trên thực tế Quốc hội không có công cụ gì để bắt Chính phủ phải chịu trách nhiệm một cách tập thể trước Quốc hội. Đơn giản, là Quốc hội chỉ có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng cá nhân bộ trưởng, mà không có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với toàn bộ tập thể Chính phủ. Hay nói cách khác là dù hoàn thành tốt công việc hay không thì Quốc hội không thể bắt tập thể Chính phủ phải ra đi và bầu lại Chính phủ mới. Việc thiếu vắng cơ chế bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với tập thể Chính phủ, cùng với thiếu vắng trách nhiệm liên đới giữa các thành viên Chính phủ nên dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ mà tranh cãi giữa Bộ tài chính và Bộ công thương về giá xăng dầu là một ví dụ.
Theo Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp

[1] Theo Điều 45 Luật tổ chức Quốc hội, thì tỷ lệ đại biểu chuyên trách chiếm ít nhất 25%
[2] Quốc hội Khóa XII chỉ có 29, 41% đại biểu chuyên trách, dẫn theo Bùi Ngọc Chương, Báo cáo khoa học đề tài „Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp", năm 2009, trang 11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét